Duyên

Chương 35: Tự khi nào, long bào đổi cà sa



Đọc hết Lăng Nghiêm khánh lại vang,

Cười xem gáo nước cõng nhà vàng.

Cổng trời phía Bắc nghìn dặm ngóng,

Thế núi miền Nam khác vạn đàng.

Ngựa chậm đã quên xe phượng rước,

Cà sa thay hết áo rồng mang.

Trăm quan ngày ấy giờ đâu tá?

Chầu sớm chỉ nghe tiếng quạ đàn.

Kiến Văn Đế

Tưa nay tôi không phải kẻ thích vạch vòi bí mật, hơn nữa còn cảm thấy tất cả bí mật đều là vết thương đã đóng vảy, muốn biết đáp án cũng có nghĩa là phải bóc lớp vảy trên vết thương của người khác, khiến vết thương đã hết đau lại một lần nhức nhối, đau đến tột cùng. Lịch sử vốn vô tội, tiền nhân đã mất vô tội, bí mật câm lặng cũng vô tội. Song chúng ta lại khăng khăng muốn khai quật và tìm tòi, bởi ai cũng có lòng hiếu kỳ. Thực ra rất nhiều bí mật đã vùi chôn dưới cát bụi lịch sử, vĩnh viễn không thể thấy lại mặt trời. Mặc cho người đời sau truy tra ra sao, câu đố đã đặt ra, sẽ không bao giờ xuất hiện lời giải nữa.

Tình cờ đọc được trên một trang mạng mấy bài thơ Kiến Văn Đế để lại, nghe nói đó là thơ ông làm sau khi chạy trốn đến Tây Nam, cắt tóc làm hòa thượng. Lòng không khỏi kinh ngạc, vị hoàng đế triều Minh này đã đi đâu sau khi mất nước rốt cuộc vẫn là một câu đố. Lẽ nào ông thật sự đã trốn khỏi cung điện, không làm được hoàng đế mà đi làm hòa thượng, hơn nữa còn là một vị hòa thượng thích làm thơ? Chuyện sống chết của Kiến Văn Đế vẫn luôn là một câu đố lưu truyền trong sách sử đến nay vẫn không thể giải. Năm ấy vì thấy Kiến Văn Đế bãi bỏ phiên vương, chú ruột ông là Yên vương mới phát động chiến dịch Tĩnh Nạn. Kiến Văn Đế chỉ ngự trên ngai vàng được bốn năm thì bị bức phải bước xuống, rồi mất tích trong một vụ hỏa hoạn lớn. Yên vương Chu Đệ trước sau vẫn không chịu tin thi thể vận long bào đã cháy thành tro bụi ấy là Kiến Văn Đế. Ông ta cho rằng Kiến Văn Đế đã bí mật trốn khỏi hoàng cung, bèn phái binh sĩ truy tìm tung tích Kiến Văn khắp nơi, bởi sợ sẽ có một ngày, Kiến Văn còn một con đường sống sẽ lại đứng lên phục quốc. Dù Kiến Văn Đế vốn nhu nhược, xét về mưu lược quân sự thua xa Chu Đệ, song ngai vàng mà Chu Đệ giành được dẫu sao cũng không phải danh chính ngôn thuận. Giang sơn do ông ta phản quốc đoạt vị đổi lấy, có thể ngồi vững vàng không lo không nghĩ hay sao? Dẫu ông ta có sự quả quyết của đế vương, có đảm lược và bá khí quân lâm thiên hạ hơn hẳn Kiến Văn Đế, thậm chí thời Minh Thành Tổ trị vì còn được xưng tụng là "Vĩnh Lạc thịnh thế". Nhưng soán quyền đoạt vị, mưu hại cháu ruột, đối với ông ta chung quy vẫn là một cơn ác mộng. Mỗi đêm nằm mộng, ông ta lại nghe thấy tiếng thét thảm thiết của Kiến Văn Đế vang vọng trong cung điện mênh mông. Năm Vĩnh Lạc thứ mười chín, Minh Thành Tổ dời đô về Bắc Kinh, Nam Kinh trở thành lưu đô. Đây cũng có thể coi là sự trốn tránh của Chu Đệ.

Kiến Văn Đế rốt cuộc đã đi đâu? Chôn thân trong biển lửa vô tình kia, trở thành vong hồn dưới âm ti, hay thực sự đã trốn khỏi cung điện, lênh đênh trôi dạt, rồi trở thành một hòa thượng khổ tu trong núi sâu? Còn nhớ tôi từng xem trên truyền hình một tập "Tìm kiếm Kiến Văn Đế" trong chương trình lật lại bí mật lịch sử, người ta tìm được một hang động ở gần hoàng cung triều Minh tại Nam Kinh, chui vào trong có thể thông thẳng đến cung điện. Lẽ nào Kiến Văn Đế đã trốn ra theo thông đạo ấy để giữ mạng? Hoặc ông ta đã dự liệu được Yên vương có một ngày sẽ công phá vào thành, nên sai người âm thầm đào sẵn thông đạo, hòng bỏ trốn khi có biến. Nhưng lúc trốn đi bên cạnh ông ta có tùy tùng không? Để lại con trưởng chôn thân trong biển lửa, con thứ mới hai tuổi đã thành tù binh của Chu Đệ, bị giam cầm mãi đến năm mươi sáu tuổi mới lại được tự do, đó đều là ông ta dự liệu đấy ư?

Đây đều là nỗi bất lực của những kẻ sinh ra trong nhà đế vương, một người thành tiên, gà chó thăng thiên; một người thất thế, cây cỏ khô héo. Vô vàn người đời sau đã lần theo chút dấu tích còn sót lại trong lịch sử triều Minh để tìm Kiến Văn Đế. Theo lời ông nội Chu Nguyên Chương của ông, thì Kiến Văn là đứa cháu thông minh, hiếu thuận và chính trực, nên rất được sủng ái. Thái tử Chu Tiêu cha ông qua đời ngay lúc tráng niên, Chu Doãn Văn là đứa con lớn nhất của Chu Tiêu, được lập làm trữ quân. Năm hai mươi mốt tuổi, Kiến Văn kế vị tại Nam Kinh, ông là người ôn hòa văn nhã, tính tình nhu nhược, lại không có kinh nghiệm trị quốc, một lòng muốn xây dựng nền chính trị nhân từ lý tưởng, mà nào hay trong hoàng cung đã có biết bao cuộc tranh đấu loại trừ nhau. Ông nghe lời can gián của Hoàng Tử Trừng, tước đoạt quyền lực của phiên vương, thực ra cũng vì lo lắng mấy vị hoàng thúc có dã tâm sẽ nổi loạn chống lại mình, trong đó, kẻ mà ông lo nhất là Yên vương Chu Đệ. Song động thái tước phiên của ông lại khiến Yên vương hạ quyết tâm đối kháng triều đình, cuối cùng Chu Đệ công phá hoàng thành, nhưng chỉ trông thấy tình cảnh hỗn loạn nháo nhác khi hoàng cung bùng cháy.

Chu Đệ không sao tin được trong mấy thi thể cháy đen kia, có một là của Kiến Văn Đế. Song Kiến Văn Đế thực sự trốn thoát được ư? Câu đố không thể giải này đã chôn vùi gần bảy trăm năm, trước nay vẫn có rất nhiều giả thuyết về tung tích Kiến Văn Đế. Rất nhiều nơi láng máng lưu lại dấu tích ông từng đi qua, song đều như vết mực trên tờ giấy ướt, nhạt nhòa không sao nhìn rõ. Chẳng ai dám chắc được đáp án chính xác, chứng thực Kiến Văn Đế quả thật chưa chết, mà lưu lạc tới một ngôi chùa nào đó xuất gia làm sư, hoặc sống cuộc đời giản dị của bá tính bình dân trong một ngôi làng nào đó, hơn nữa còn lưu lại hậu nhân không ngừng sinh sôi. Bất luận kết cục thế nào, chung quy lại Kiến Văn Đế vẫn là một hoàng đế suy vi, đánh mất giang sơn, mất cả ngai vàng, cuối cùng đành bỏ trốn, tự mai một tung tích bản thân.

Bài thơ thuật hoài này, rõ ràng không phải ngự bút Kiến Văn Đế. Nếu Kiến Văn Đế quả thực còn sống, cũng chỉ muốn tạm bợ qua ngày, không ai hay biết, nào dám viết ra mấy câu "Ngựa chậm đã quên xe phượng rước, cà sa thay hết áo rồng mang, trăm quan ngày ấy giờ đâu tá, chầu sớm chỉ nghe tiếng quạ đàn" lưu truyền cho đời sau? Dù lưu lạc đến đâu, ông cũng phải ẩn tính mai danh, không thể để bất cứ ai tìm ra manh mối, bằng không ắt sẽ rước họa sát thân. Bài thơ này quả thực đã miêu tả được nỗi thê lương và bất lực của một vị quân vương suy vong, đổi long bào lấy cà sa - cách vạn dặm non Bồng, trông vời về phía hoàng thành, bách quan ngày ấy giờ đâu tá? Hoàng thành thất thủ, đánh mất quyền trượng và ngọc tỷ, ông chỉ còn là một phạm nhân lưu lạc khắp nơi hòng giữ mạng. Với tính tình nhu nhược của ông, dù còn sống, cũng chẳng có hùng tâm tráng chí giành lại sơn hà nữa.

Giấc mộng đế vương của Kiến Văn Đế đã tan tành trong khói lửa chiến dịch Tĩnh Nạn. Nếu chẳng có trận khói lửa ấy, Kiến Văn Đế cũng sẽ giống biết bao hoàng đế bình thường, chễm chệ làm một bậc quân vương yên ổn suốt mấy năm, hoặc thậm chí mấy mươi năm, trên giang sơn thuộc về mình. Với bản tính ôn hòa yếu đuối, ông cũng chẳng thể lưu lại một nét bút quan trọng trong sử sách Đại Minh. Đế vương các đời nhiều vô số, song những bậc lưu danh thiên cổ, khiến người đời ghi khắc trong lòng, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các vị quân vương khác chỉ được miêu tả qua loa, dựa theo sự sắp xếp của vận mệnh, ngồi cho hết đế vị của mình, rồi rời đi không kèn không trống. Bao nhiêu triều đại, vô vàn đế vương, thử hỏi chúng ta nhớ được mấy người?

Giữa con sóng triều cuồn cuộn của lịch sử, đế vương chẳng qua chỉ là một hòn sỏi, cũng như những người bình thường khác, sẽ biến mất không tăm tích khi thủy triều rút xuống.

Hòn sỏi Kiến Văn Đế kia, rốt cuộc đã bị vùi lấp nơi đâu? Đã chẳng có dấu tích để truy tìm, dường như cũng chẳng cần thiết truy tìm nữa. Dù ông còn sống tại một nơi bí ẩn nào đó đến khi tóc bạc phơ thì sao đây? Mất đi ngai vị, ông chẳng khác gì bách tính bình thường. Thậm chí bài thơ này rốt cuộc do ai làm ra cũng chẳng hề quan trọng. Tin rằng dâu bể mênh mông, nỗi hận vong quốc của Kiến Văn Đế đã bị tiếng gió tháng năm xóa nhòa rồi.

Nếu Kiến Văn Đế thực sự trở thành cao tăng, ngộ được thiền lý, sao còn canh cánh mãi vụ việc Tĩnh Nạn đã chẳng thể xoay chuyển từ xưa? Ông sớm đã quen với niềm tịch mịch nơi giấy ố đèn xanh, vị thanh đạm của cơm chay trà nhạt. Cứ để giấc mộng đế vương cháy rụi thành tro bụi theo trận lửa lớn kia, để những kẻ truy tìm tiếp tục truy tìm, kẻ thăm dò bí mật tiếp tục thăm dò, để Kiến Văn Đế trở thành một câu đố mãi mãi không có lời giải, thành một huyền cơ vĩnh viễn chẳng thể tham thấu trong lịch sử.