Khi em gái còn chưa ra đời, bạn nhỏ Quý Khai Nhan đúng là ông vua con trong nhà, nhưng ông vua con này cũng biết sợ bố. Một buổi tối nào đó, bạn nhỏ Quý Khai Nhan uống sữa no nê xong bèn ôm chặt lấy mẹ. Quý Đông Đình ở bên kia giường nhíu mày nhìn con trai.
Cậu bé tinh nghịch bỗng nảy ra một ý tưởng, bàn tay nhỏ ra dấu trên người mẹ: “Bên trái là của bố, bên phải là của con, bố không được cướp của con...”
Quý Khai Nhan còn chưa kịp nói hết câu đã bị bố “quăng” ra khỏi cửa. To gan thật, còn dám phân chia vợ của Quý Đông Đình này cơ đấy!
Con trai đáng thương vừa đập cửa vừa gào khóc: “Mẹ ơi, dẫn con đi tìm bố đẻ đi! Hu hu hu... “
Khương Kỷ Hứa định ra dỗ con, nhưng bị Quý Đông Đình ngăn lại: “Không sao đâu, lát nữa nó ngừng khóc sẽ có người trông mà!”
Khương Kỷ Hứa nhìn Quý Đông Đình với vẻ khó tin: “Con khóc dữ như vậy mà anh không thấy đau lòng sao?”
Quý Đông Đình không dám nói với cô rằng, anh thật sự chẳng đau lòng chút nào.
Khương Kỷ Hứa dứt khoát ngồi dậy, miệng lẩm bẩm: “Em dẫn con đi tìm bố đẻ!”
Mẩu truyện 2
Quý Khai Nhan là một người anh trai tốt, rất biết quan tâm tới em gái. Khi em gái đã biết nói, cậu bé quyết tâm dạy em mình học thuộc ba trăm bài thơ Đường. Nhưng trong mắt Quý Khai Nhan thì những bài thơ này thật sự quá đơn giản, thậm chí là nhạt nhẽo, thế nên, cậu bé đã đọc cho em gái nghe bài thơ cổ mà gần đây cậu mới khám phá ra.
Sau một tuần chật vật, cô em gái đáng thương vẫn chưa thuộc nổi hai câu đầu. Quý Khai Nhan cảm thấy rất thắc mắc, bèn đi tìm bố: “Bố! Bố chắc chắn Beenle là con ruột của bố đấy chứ?”
Quý Đông Đình bỏ dở công việc đang làm, nghiêm nghị răn đe con trai: “Khai Nhan, bố trịnh trọng thông báo con một điều, đợi khi con lớn thêm một chút nữa, con sẽ ý thức được câu hỏi vừa rồi của mình nghiêm trọng đến mức nào.”
“Nhưng sao em lại ngốc vậy chứ? Con đã dạy suốt một tháng trời rồi mà em vẫn không nhớ nổi một bài thơ”
“Con đã dạy em cái gì?”
“Con dạy em bài Ly tao do thần tượng Khuất Nguyên của con viết.”
Ly tao: Là một trong những bài thơ nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc do Khuất Nguyên (340 TCN - 278 TCN) sáng tác. Đây là một tác phẩm bất hủ của ông. Tác phẩm gồm 370 câu tả tâm sự của tác giả.
Hai bên thái dương của Quý Đông Đình khẽ giật một cái, anh ném tập tài liệu trong tay về phía con trai, nghiến răng kèn kẹt: “Con bắt con gái bố học thuộc bài Ly tao à? Con đang cố tình làm khó em gái con đúng không?”
Mẩu truyện 3
Một hôm, bạn nhỏ Quý Khai Nhan dùng tài khoản của mẹ để lên mạng. Rất nhiều người nhắn tin cho mẹ, trong đó có một người tên là Thẩm Hoành: “Ít khi thấy em lên mạng, gần đây vẫn ổn chứ?”
Tiếng Trung của Quý Khai Nhan cũng khá, nhưng đánh máy vẫn gặp chút khó khăn. Cậu bé chật vật mãi mới trả lời được: “Rất tốt, chỉ có điều Quý Đông Đình hơi đáng ghét một chút!”
“Hắn ta làm gì mà đáng ghét? Nếu hắn ta dám bắt nạt em, anh sẽ lập tức sang London dạy cho hắn ta một bài học.”
Quý Khai Nhan thành thật trả lời: “Người ấy hay tét vào mông “em” lắm!”
Thẩm Hoành im lặng suy nghĩ một lúc rồi đưa ra đề nghị: “Bật webcam được chứ?”
“Chắc chắn rồi!” Quý Khai Nhan nhấn nút đồng ý với lời mời bật webcam của Thẩm Hoành, sau đó nhe răng cười rất tươi: “Hi, chào chú!”
Thẩm Hoành không biết dùng từ gì để diễn tả tâm trạng của anh ta vào lúc này nữa.
Mẩu chuyện 4
Dean phải tìm giúp Quý Đông Đình một bản hợp đồng cũ. Bình thường, Quý tiên sinh luôn để những thứ quan trọng trong ngăn thứ ba của tủ bảo hiểm ở văn phòng. Dean mở ngăn kéo, không chỉ tìm được thứ mình cần, mà còn phát hiện ra một tờ cam kết của Giám đốc Khương.
Anh ta tò mò mở ra đọc trộm: Điều khoản thứ nhất: Khương Kỷ Hứa bảo đảm không được vô duyên vô cớ tức giận với Quý Đông Đình. Đều khoản thứ hai: Khương Kỷ Hứa không được tùy tiện nói cười với ngươi đàn ông khác. Điều khoản thứ ba: Khương Kỷ Hứa lúc nào cũng phải đặt Quý Đông Đình ở vị trí đầu tiên, thề không bao giờ thay đổi.
Cái gì đây? Dean không tài nào tin được là Giám đốc Khương lại có thể ký cái loại giấy cam kết bất công như thế này.
Đúng là chính tay Khương Kỷ Hứa đã ký bản cam kết ấy trong một lần say rượu. Về sau, Khương Kỷ Hứa định tìm cách hủy chứng cớ, thế nên Quý Đông Đình mới mang nó từ nhà tới công ty lưu giữ.