Gả Cho Tội Thần

Chương 25



Khương Đào cũng không biết hai phòng kia đính hôn cho nàng chưa đủ còn muốn sớm định hôn kỳ cho nàng. Trong đầu nàng cái gì cũng không có, chỉ có thêu cho xong bức bình thêu này.

Bức bình thêu mà chưởng quầy giữ là năm đó nàng thêu ở am ni cô, là đồ án mừng thọ tùng hạc duyên niên.

Mà khi đó nàng thêu chỉ là vì từ thiện, căn bản không nghĩ là phải thêu có đôi có cặp nên đã thêu cả tùng cả hạc lên cùng một bức, bằng không nếu lúc đó nàng thêu thiếu một chút thì giờ thêu một đồ án khác bổ sung liền tiện hơn nhiều.

Hiện tại lại không thể thêu hai cái giống nhau như đúc. Hơn nữa nàng cũng sợ chính mình lại thêu quá giống khi xưa, sợ sẽ rước lấy tai họa.

Muốn bắt chước giống nhưng tốt nhất phải có chút khác biệt, để người thạo nghề nhìn cũng không phát hiện ra điểm gì thì đúng là một việc rất khó.

Cho nên Khương Đào mới phải tốn rất nhiều thời gian để suy nghĩ nên thêu cái gì.

Sau nàng nghĩ thông suốt, không cần quá để ý tới việc đồ án phải là giống nhau, quan trọng phải có ý nghĩa mừng thọ cát lợi.

Nàng quyết định thêu tượng Quan Âm. Quan Âm ngồi trên đài sen cộng với dáng cây lớn ở trên, hai bức thêu thành một cặp trên dưới, so với đồ án đối xứng lại càng thêm có ý cảnh.

Hơn nữa, khi xưa, tuy nàng cái gì cũng từng thêu qua một chút nhưng chỉ duy nhất tượng Phật là chưa từng thêu qua – như sư phụ nàng nói thì tâm cảnh nàng gặp chướng ngại, thêu một thứ quá mức siêu phàm như vậy thì sẽ không biểu hiện được ra cái thần thái thanh thoát.

Nhưng hiện tại nàng cảm nhận được tâm cảnh của nàng đã có chút biến hóa nên có dũng khí thử một lần.

Sau một ngày một đêm, tượng nhỏ Quan Âm của Khương Đào rốt cuộc đã hoàn thành. Hiệu quả của thành phẩm còn tốt hơn nàng nghĩ – Quan Âm được thêu dáng đứng trang nghiêm, bộ mặt từ bi. Không biết có phải thời gian nàng ở am ni cô quá lâu hay không mà khi thêu ra Quan Âm giống hệt như bức tượng thần trong miếu, vừa cho người khác một cảm giác trìu mến của Phật lại cho họ ý nghĩ phải thành tâm cung phụng.

Sau nàng quá mệt mỏi liền ngủ hai canh giờ sau mới thức dậy hoàn thành nốt.

Bởi vì thời gian còn thừa lại một chút, hai bức đồ án được nàng ghép lại ngồi ngắm nhìn, trong lòng lại không khỏi suy nghĩ miên man..

Ân công nói qua hai ngày sẽ tới đưa sính lễ.

Tuy rằng “hai ngày” chỉ là thời gian đại khái nhưng nàng nghĩ chắc chắn là sẽ đưa tới trước năm mới.

Muộn một chút, Khương Dương đưa thức ăn tới cho nàng, thấy nàng không thêu nữa mà hướng mắt ra cửa sổ thì nhíu mày nói: “Trong nhà không có ai tới, kể cả có tới thì đệ cũng sẽ thông báo với tỷ. Phân tâm chờ đợi như vậy chi bằng tỷ hoàn thành việc trước mắt đi đã. Chờ tỷ nghỉ ngơi tốt thì dù tỷ có đứng chờ ở cửa, đệ cũng không nói gì tỷ cả”.

Khương Đào nghe hắn nói cũng thấy ngượng ngùng, nói nàng chờ mong cái gì đâu, chỉ là nàng luôn cúi đầu thấy hơi mỏi cổ nên mới nhìn phong cảnh bên ngoài một chút, thư giãn đôi mắt thôi.

Khương Dương nào có tin câu chuyện nàng bịa ra nhưng thấy sắc mặt nàng trắng bệch, tầm mắt lại mờ mờ nên cũng không có vạch trần, ra sau đấm bả vai cho nàng.

“Sớm biết việc này mệt mỏi như vậy thì đệ đã không cho tỷ làm. Trước đó tỷ bị bệnh còn chưa có khỏi hẳn, hai ngày này ngủ ít như vậy thì sao có thể chịu được? Sau này không cần làm lụng vất vả như vậy, việc kiếm tiền để mình đệ nghĩ là được”.

Tuy rằng đệ ấy lại bắt đầu càm ràm, ngữ khí cũng không tốt nhưng Khương Đào nghe xong lại rất hưởng thụ. Hệt như khi nàng biết Khương Dương vì nàng mà đi mượn tiền, vất vả chép sách tới mức cả người đều mệt vậy, Khương Dương cũng là thật lòng đau lòng cho nàng.

Khương Đào xoay cổ có chút cứng đờ mới thở ra một tiếng thỏa mãn, đáp rằng đã biết, chờ tới khi thêu xong bức này thì có thể thoải mái hơn rất nhiều, sau sẽ quan tâm tới bản thân hơn.

Đang nói chuyện, Khương Lâm mang theo Tuyết Đoàn nhi tiến vào như một cơn gió.

Hắn bĩu bĩu môi mà nói: “Tỷ tỷ, đệ ngăn không được Tuyết Đoàn nhi, nó một hai phải tìm tỷ. Đệ nói với nó tỷ đang rất bận, không còn tâm tư chăm nó mà nó nhất định không nghe”.

Tuyết Đoàn nhi tuy rằng đã nhận tiểu Khương Lâm là đồng bọn mới nhưng rốt cuộc vẫn ỷ lại nhất vào Khương Đào. Hai ngày này Khương Đào vội vàng làm việc, sợ nó ở trong phòng ầm ĩ nên mới để Khương Lâm mang nó ra ngoài dạo chơi. Tuy vậy chơi rồi lại chơi, cũng một ngày rồi Tuyết Đoàn nhi chưa thấy nàng, nói thế nào nó cũng không nghe muốn tiến vào tìm nàng.

Khương Lâm đứng ở cửa ngăn cản một chút thì bị nó húc thẳng vào bụng, ngã ra sàn nên lúc này mới không dám ngăn cản, chỉ có thể để nó tiến vào.

Tuyết Đoàn nhi vừa vào phòng liền lao thẳng tới chỗ Khương Đào, Khương Đào vội thu hồi kim chỉ, bế nó lên mà an ủi một hồi.

Tiểu gia hỏa này từ sau khi tới Khương gia ăn uống rất không đầy đủ, ban đầu thì ăn thịt gà rừng còn dư lại, sau đó khi Khương Lâm ăn trứng gà sẽ đưa lòng đỏ cho nó ăn, những lúc còn lại sẽ cho nó ăn ít bánh bột ngô hay cơm thừa này nọ, cũng không phải thức ăn tốt. Nhưng nuôi như vậy lại tốt hơn so với khi còn ở trong  núi một chút, da lông càng thêm mềm mại mà ánh mắt cũng linh hoạt hơn.

Sau một lúc vuốt ve thì Khương Đào cảm thấy bản thân có lẽ làm việc quá độ mà nhìn thấy trên lông màu trắng của Tuyết Đoàn nhi lại ẩn ẩn có chút hoa văn màu đen.

Hơn nữa diện mạo của Tuyết Đoàn nhi hình như có chút biến hóa – đầu lớn hơn một chút, răng và móng vuốt lại càng thêm sắc nhọn. Đặc biệt là móng vuốt, tuy lúc Tuyết Đoàn nhi thân cận với nàng đều rất cẩn thận mà thu lại nhưng ngẫu nhiên lộ ra chút nhọn làm cho người khác nhịn không được mà kinh hãi.

Khương Đào nghi ngờ là do mắt mình hay Tuyết Đoàn nhi mấy hôm nay đã xảy ra biến hóa lớn thì hai đệ đệ lại bắt đầu cãi nhau.

Khương Lâm dẩu miệng mà đứng nói như người lớn rằng ca ca thật xấu, rõ ràng nói đệ không được quấy rối tỷ tỷ mà lại lén tới đây.

Khương Dương vì chuyện hôm trước thấy có lỗi với hắn nên mới giải thích với hắn: “Ca chỉ tới thăm tỷ tỷ, bóp vai cho nàng thôi, cũng không có quấy rầy tỷ ấy”.

Khương Lâm không chịu thua, vừa tiến tới bên người hắn vừa đẩy hắn ra, nói: “Đệ tới cũng sẽ không quấy rầy tỷ ấy. Còn không phải chỉ là bóp vai sao, chẳng lẽ đệ không làm được? Từ trước tới nay đệ đều bóp vai cho nương, nương còn hay khen tay nghề của đệ rất tốt đó”.

Khương Dương cũng không chịu thua, nói đệ còn chưa đứng tới bả vai của tỷ ấy, tay nhỏ càng là không có sức lực, có thể làm được cái gì? Trước kia chẳng qua mẫu thân dỗ cho đệ vui thôi.

Hai người nhìn nhau tức giận, Khương Đào lại đau đầu,thả Tuyết Đoàn nhi xuống, đẩy hai cái đệ đệ hướng ra phía cửa nói bọn hắn nên đi làm gì thì đi đi, cãi nhau như vậy thì nàng mới đúng là bị quấy rầy.

Tiểu Khương Lâm ồn ào muốn Khương Dương đi trước, Khương Dương cãi nhau với hắn tới độ bay hết áy náy trước đó, một hai phải đi ra với hắn.

Khương Đào nghe mà cũng muốn to đầu, việc trên tay thì lại không dừng được, thật sự tìm không ra lúc nào trị bọn họ, nói với Tuyết Đoàn nhi là đuổi bọn hắn đi.

Nàng cũng chỉ thuận miệng nói như vậy nào có trông cậy vào Tuyết Đoàn nhi có thể hiểu hết.

Nhưng Tuyết Đoàn nhi lại giống như nghe hiểu hết, hai chân trước đứng thẳng lên, chụp tới sau lưng hai người Khương Lâm và Khương Dương đẩy ra ngoài, tuy nó không duỗi móng nhưng lực đạo lại lớn, một lớn một nhỏ cứ như vậy lảo đảo bị đẩy ra khỏi cửa.

Trong phòng nhất thời trở nên yên tĩnh, rốt cuộc Khương Đào lại có thể tiếp tục hạ châm.

Lại là một đêm qua đi, sáng sớm hôm sau Khương Đào đã hoàn thành bức bình thêu.

Nàng xoa xoa cổ tay đau nhức, đứng dậy thổi tắt đèn dầu, liền lập tức xuất phát.

Khi ra tới cửa, nàng phát hiện Tuyết Đoàn nhi đang nằm ngoài cửa, hóa ra nó canh giữ cả một đêm cho nàng, bảo sao mà hai đệ đệ luôn khiến nàng lo lắng kia không có tới tìm nàng.

Khương Đào bế nó vào phòng ngủ, chính mình ra khỏi Khương gia.

Tuy rằng lúc này sắc trời chưa sáng hẳn nhưng bởi vì người trong thôn đều dậy sớm, hơn nữa cuối năm cũng là thời điểm mọi người đi sắm đồ tết nên người đi vào thành cũng không ít.

Khương Đào lên xe bò đi, ở trên xe gật gù một lúc liền ngủ.

Chờ khi nàng tới Phù Dung tú trang thì trời cũng đã sáng rồi.

Tú trang cũng chỉ vừa mới mở cửa., chưởng quầy đang kiểm tra danh mục hàng, còn chỉ huy tiểu nhị vẩy nước quét nhà.

Thấy Khương Đào xuất hiện, chưởng quầy vừa giật mình vừa cao hứng, vội vã chạy tới nói: “Cô nương tới thật sớm, thật đúng là rất giữ lời”.

Khương Đào mím môi, cười nhạt: “Đã hẹn với ngài là hôm nay đưa đồ tới thì tới sớm sẽ tốt hơn là tới muộn”. Dứt lời liền đẩy bức bình thêu tới.

Chưởng quầy chạy nhanh tới lấy khăn lau tay, sau đó mới dám nhận bức thêu.

Nhưng vừa thấy thì chưởng quầy cũng không có nói gì, chỉ tạch lưỡi vài cái.

Đương nhiên khăn thêu lần trước Khương Đào đưa tới rất tốt nhưng những đồ án ấy thực rất bình thường, châm pháp cũng là châm pháp thường thấy, thật giống như một sĩ tử đầy một bụng kinh thư đi thi vậy, đương nhiên có thể đáp được nhưng đề thi dễ hiểu, cho dù bản lĩnh có lớn tới mấy cũng không phát huy ra được một phần mười.

Nhưng bức bình thêu trước mắt này lại không giống, hoàn toàn không hề có nửa điểm giấu dốt, xuất hết toàn bộ bản lĩnh.

Cây tùng già từng chiếc đều rất rõ ràng nhưng những cái đó không cần phải nói, khó nhất chính là hình Quan Âm kia, tiên khí phiêu phiêu, không dính bụi trần.

Chưởng quầy tuy rằng tự nhận có ánh mắt độc đáo nhưng cũng không dám nói lời tán dương gì, chỉ cảm thấy giờ phút này nếu nói ra chính là khinh nhờn thần linh, liền vội vàng buông đồ thêu xuống.

“Bản lĩnh lớn, thực sự rất có bản lĩnh”. Chưởng quầy vừa khen lại nhịn không được nhìn nhiều thêm vài lần, để tiểu nhị đi lấy tiền công cho nàng, giao tới tay Khương Đào.

Khương Đào tiếp bạc nặng trĩu tay, đang chuẩn bị cáo từ thì trước mắt đột nhiên tối sầm lại, thiếu chút nữa là ngã quỵ xuống, phải vịn lấy quầy tiếp thì mới đứng được.

Chưởng quầy hoảng sợ, vội vàng sai tiểu nhị đưa ghế tới cho nàng ngồi, tự mình pha trà nóng tới, hỏi nàng có muốn tới y quán hay không.

Khương Đào uống xong tách trà nóng liền thoải mái hơn không ít, vội nói không cần, giải thích: “Chắc là hai ngày nay ta ngủ quá ít, lại thêm việc sáng nay ra khỏi nhà chưa có ăn sáng. Đã làm phiền ông rồi”.

Chưởng quầy nói không cần khách khí, lại thử thăm dò hỏi: “Cô nương nói ngủ quá ít, chẳng lẽ hai lần đưa đồ tới đều là tự tay cô làm sao?”.

Khương Đào cũng muốn hợp tác trường kỳ với chưởng quầy nên thừa nhận, Sau đó thái độ của chưởng quầy càng thêm cung kính, hỏi nàng học từ ai, học trong bao lâu.

Khương Đào vẫn như cũ lấy ra lý do mà nàng nói ở Khương gia, nói chính mình trước đó cũng không biết nhưng có một lần không may bệnh nặng được đưa tới trong miếu cầu phúc, ngẫu nhiên học được trong mộng. Sau về nhà thử một phen thì đúng là đã học được.

Nói như vậy thì người khác có vẻ tin nhưng chưởng quầy dù sao cũng là người có kiến thức rộng rãi, trong lòng không tin, cho rằng nàng không thể nói với người ngoài quá nhiều nên cũng không có đào sâu chuyện này.

Bọn họ đang nói chuyện, tiểu nhị trong tiệm đột nhiên dừng việc đang làm, chỉnh chỉnh tề tề mà đứng ở cửa chắp tay thi lễ: “Thiếu đông gia”.

Vừa cất giọng liền xuất hiện một thiếu niên mặc áo xanh, bên ngoài là áo khoắc lông chồn.

Thiếu niên này ước chừng mười tám, mười chín tuổi, bộ dáng thanh tú, tay phe phẩy một cây quạt xếp, tay đeo một cái nhẫn ban chỉ, một bộ dạng ăn chơi trác táng, vừa tới liền vênh mặt hất hàm mà thúc giục chưởng quầy: “Ta muốn xuất phát rồi, bức bình thêu ta sai ngươi đi tìm đâu rồi? Đã tìm người làm tốt chưa?”.

Chưởng quầy cung kính gọi hắn một tiếng thiếu đông gia, lại nói đã tìm được, tiểu nhị đã cất kỹ, lập tức có thể chuẩn bị tốt.

Thiếu đông gia kia không vui mà “ừ” một tiếng, sau đó ánh mắt dừng ở trên người Khương Đào, hỏi chưởng quầy: “Niên chưởng quầy, đây là ai? Vì sao ngồi trong tiệm ta? Nhìn đã biết là người không thể mua nổi đồ ở đây, là thân thích nhà ngươi sao?”.

Niên chưởng quầy áy náy mà cười cười với Khương Đào, giải thích với thiếu đông gia đây là tú nương đưa bàn bình tới.

Chưởng quầy nói chưa dứt lời, thiếu niên kia hệt như mèo xù lông, gập quạt “bá” một tiếng, cả giận: “Ta để ngươi đi tìm một bức bình thêu chứ không phải tùy tiện tìm một người tới lừa gạt ta! Nha đầu này nhìn còn nhỏ hơn ta tầm hai tuổi, nàng có thể thêu ra bản lĩnh gì của Tô đại gia chứ? Một việc nhỏ vậy ngươi cũng làm không xong, khó trách ngần ấy năm ngươi chỉ có thể ở đây là một cái chưởng quầy nho nhỏ!”.

Niên chưởng quầy nghĩ muốn thanh minh vài lần nhưng thiếu niên kia hệt như pháo liên thanh quở trách ông khiến ông không tìm được lúc nào nói chuyện.

Khương Đào lúc này đứng dậy cáo từ, cảm tạ chưởng quầy đã cho một tách trà nóng, nửa ánh mắt cũng không dừng trên người thiếu niên mà đi ra ngoài mua đồ tết.

Thiếu đông gia Sở Hạc Vinh nhìn nàng cứ vậy thong thả ung dung rời đi thì trên mặt tỏ vẻ khiếp sợ, hiển nhiên là không nghĩ tới chuyện chính mình bị người ta làm lơ tới mức như vậy, sau đó tức giận nói với chưởng quầy: “Ngươi nói nàng là người nào? Một người làm việc cho nhà ta mà dám không để ý tới thiếu đông gia ta sao? Sau mà nàng có đưa đồ thêu tới ngươi không được nhận!”.

Niên chưởng quầy lúng ta lúng túng, kỳ thật trong lòng ông cũng rõ ràng đây chỉ là lời nói lúc tức giận nên cũng không để trong lòng.

Phù Dung tú trang thuộc Sở gia, Sở gia phú khả thiên hạ, danh nghĩa sản nghiệp vô số kể. Sở Hạc Vinh là con út nên được sủng nhất trong nhà, tại thời điểm sinh thần mười lăm tuổi của hắn, Phù Dung tú trang liền được lão thái thái làm chủ Sở gia tặng cho hắn. Đừng nhìn thiếu đông gia này tính tình nóng nảy, nói chuyện không lễ phép nhưng kỳ thật tâm địa hắn không xấu. Bằng không mỗi lần tới kiểm toán sổ sách biết chi nhánh này không có nhiều lợi nhuận cũng chỉ là mắng vốn một hồi, sau cũng không có sa thải tiểu nhị hay dứt khoát đổi phứt chưởng quầy là ông, tiền lương của mọi người trong tiệm một phân cũng không thiếu.

Hơn nữa Niên chưởng quầy cũng chột dạ bởi vì chuyện Sở Hạc Vinh đánh mất đồ tặng lễ, yêu cầu ông ngay tức khắc đi tìm đồ tặng khác bổ sung cũng là có trách nhiệm của ông.

Trước đó mấy hôm, Sở Hạc Vinh tốn rất nhiều sức mới có thể kiếm được một con bạch hổ ở quan ngoại, hơn nữa những con bạch hổ bình thường càng không thể so được. Càng khó tin hơn chính là con hổ ấy lại là một con hổ mẹ đang mang thai.

Lúc ấy, tâm tình của Sở Hạc Vinh rất tốt, còn nói với Niên chưởng quầy là tuy con bạch hổ này đáng quý nhưng quý nhất vẫn phải nói tới con hổ con ở trong bụng nó. Nghe đồn rằng con hổ con hiếm thấy này khi còn bé rất xinh xắn, lông trắng như tuyết, bộ dáng giống hệt như một con mèo con, sau đó lớn lên thì mới từ từ có thêm hoa văn trên thân mình, mới thật sự trở thành một chú hổ uy nghi, bễ nghễ sơn lâm. Thứ đồ chơi quý giá như vậy tổ mẫu của hắn đương nhiên sẽ rất thích. Đồng thời cũng để những huynh đệ khác chê hắn không biết kinh doanh, không làm được trò trống gì, danh tiếng của Phù Dung tú trang lớn như vậy mà vào trong tay hắn mấy năm liền không thấy lợi nhuận gì.

Niên chưởng quầy thấy hắn cao hứng thì cùng hắn uống thêm hai vò rượu.

Không nghĩ tới, khi trời vừa tối thì bạch hổ kia liền tới lúc sinh, người hầu đánh thức Niên chưởng quầy nhưng gọi Sở Hac Vinh không được.

Niên chưởng quầy cũng không dám cho người hất nước để gọi hắn, chỉ có thể chỉ huy người hầu cùng nhau đỡ đẻ.

Nhưng từ xưa tới nay chỉ có đỡ đẻ cho người, đỡ đẻ cho hổ thì nào có ai nhận? Ai lại dám đỡ đẻ cho hổ cơ chứ?

Niên chưởng quầy và đoàn người loạn thành một đống hỗn độn, đột nhiên hổ mẹ phá lồng, thừa dịp đêm tối mà chạy ra ngoài.

Đang lúc cấm đi lại ban đêm, trên đường không có một bóng người, cũng không xảy ra thảm án đả thương người nào nhưng Niên chưởng quầy dẫn theo một đám người đuổi theo, thấy hổ mẹ kia hệt như con mèo lớn, dễ như trở bàn tay mà trèo lên tường thành không được tính là cao kia chạy mất.

Bọn họ không có cách nào bò qua tường thành, chỉ đành tay không mà về,đợi tới khi hừng đông lại tính tiếp.

Sáng sớm ngày hôm sau, Sở Hạc Vinh tỉnh rượu, nghe nói quà tặng của mình chạy đi mất, lập tức dẫn người chạy ra ngoài thành.

Truy tra một ngày một đêm, bọn họ tìm được hổ mẹ nhưng đã suy yếu vì kiệt sức do không được ăn nhiều ngày và mất máu do sinh sản. Nhưng đưa được hổ mẹ về hai ngày thì chết, hổ con càng là không cánh mà bay, nửa điểm bóng dáng cũng tìm không thấy.

Lúc này Sở Hạc Vinh mới không còn cách nào khác mà nghĩ tới bức bình thêu này, vì thế Niên chưởng quầy mới nhờ Khương Đào giúp đỡ.

Sau khi nói xong, Sở Hạc Vinh cũng không có nhìn nhiều mà trực tiếp đưa cho gã sai vặt lên đường về kinh.

Muốn về cũng mất hơn bảy tới tám ngày, lần này hắn trở về khẳng định không kịp giao thừa (trừ tịch). Nhưng đâu còn cách nào khác, hắn đánh mất quà mừng, nào dám về phủ?

Hắn tại một thành nhỏ tìm đủ các loại lễ vật tới gom cho đủ số, cũng để bình thêu của Niên chưởng quầy vào trong. Cho nên tuy rằng Niên chưởng quầy tìm một tiểu cô nương tới thêu nhưng Sở Hạc Vinh cũng không quá để bụng.

Hơn nữa, Tô đại gia còn là bằng hữu chí giao của lão thái thái, mấy năm trước do đau buồn vì mất ái đồ nên đã ở lại trong phủ của bọn họ. Do đó cho dù Niên chưởng quầy có tìm được tú nương giỏi tới cỡ nào thì cũng không thể giấu được đôi mắt của Tô đại gia, hắn chỉ là thiếu một đồ vật, thêm vào cho đủ số mà thôi.

Chút tâm hự của edit: Vẫn là câu nói ấy, các đệ đệ là trưởng thành qua từng chương, ban đầu tui đọc tui cũng ghéc mí đứa con nít này lắm nhưng càng đọc càng thấy các bạng cưng xỉu.