Có lẽ Chân Chân không tin sẽ có ngày quân đội nước ngoài rút lui khỏi Thượng Hải, thế nên cô nàng tranh thủ yêu đương với Chers trong mấy ngày cuối cùng, không còn thời gian đâu để ý tới Sở Vọng và Di Nhã; Di Nhã cũng sợ bà Cát nhất thời nổi hứng ép cô không được gặp ngài Tưởng mấy tháng trước khi kết hôn, nên trong hai ba ngày đầu cũng không thấy bóng dáng đâu.
Sở Vọng được dịp thanh tịnh, sáng sớm mỗi ngày đẩy cửa sổ ra, dựng tai nghe cậu bé phát báo vừa đạp xe vừa hô to “báo đây báo đây!” “Báo Thượng Hải báo Thượng Hải đây!” “Báo kinh doanh báo kinh doanh đây!”
Một lúc sau, Tuệ Tế sẽ đem bữa sáng cùng mấy tờ báo lên lầu.
Một hãng phim minh tinh điện ảnh nào đó đắc tội với người khác, khiến bộ phim bị cảnh sát tư pháp chặn lại và phải trả một khoản tiền phạt khổng lồ. Hai phe nào đó đàm phán thất bại nên xích mích thành thù, chính phủ và tòa án không thể không mời mấy ông trùm băng đảng ra mặt giải quyết…. Ở thành phố này còn có nhiều chuyện xảy ra hơn so với cô tưởng tượng nhiều. Từ con đường ngoằn nghèo nơi góc phố có cửa hàng bách hóa ở trong phim điện ảnh, hoặc là bóng tối kéo dài vô tận ở phía xa những quảng trường sầm uất bên ngoài khách sạn Đại Trung Hoa, tại một thành phố ai ai cũng thích đọc sách báo thì luôn có vô số câu chuyện đang diễn ra mỗi ngày. Luật pháp Trung Quốc ở đây chỉ để trưng bày, người da trắng luôn có cuộc sống sung túc thoải mái, cảm thấy bản thân như người chơi trong trò chơi phiêu lưu “Nhà thám hiểm”, còn bốn mươi nghìn người Trung Quốc chỉ là NPC, được thượng đế sắp xếp để bọn họ được dịp trải nghiệm trò chơi mạo hiểm.
Nơi đây là địa ngục của dân thường, là thiên đường của tinh anh, và nơi này cũng chính là quê hương của Chân Chân. Dù dị dạng yếu đuối tới mấy, dù có khiến cô mất ý chí tới đâu thì cũng không thể nào quên đi được.
Cực kỳ đáng sợ.
Hai ba hôm liền Sở Vọng chỉ nằm dài trong phòng đọc sách báo, bị bà Cát nói mấy lần mới chịu đi dạo trong sân hai vòng.
Đến kỳ thì cô lại càng có lý do trùm chăn đắp cả ngày. Sáng sớm một ngày nào đó khi Tuệ Tế bưng đồ ăn sáng đến, cô ngửi thấy mùi hương thoang thoảng. Đưa mắt nhìn, trà Phổ Nhĩ bình thường như một đã được đổi sang trà hoa lài, trong bữa sáng cũng xuất hiện chả thịt bò Lão Đại Xương cô ăn nhiều nhất.
Mặc kệ cơn đau dưới bụng, cô khoác thêm áo rồi chạy rầm rầm xuống lầu, suýt nữa đã chụp ếch.
Mật Thu ôm một cuốn sách đi lên lầu, vừa thấy cô, xém tí nữa đã cùng Tuệ Tế khiêng cô về giường.
Cô hỏi: “Anh Tạ đã về rồi hả?”
“Mới về sáng sớm nay.”
“Đi rồi à?”
“Chưa gì mà lại có thuyền đến rồi, có lẽ còn có việc bận khác?”
Cô nghe thế thì lập tức chạy thẳng lên lầu, Mật Thu đuổi theo không kịp, luôn miệng gọi: “Cô ba, cô chờ tôi với!”
Lúc đứng ngoài vườn hoa ở ban công, cô thấy Tạ Trạch Ích và sĩ quan phụ tá của anh đã lái xe rời đi.
Tờ báo và cuốn sách kia được đặt ở đầu giường.
Cô ngồi xuống, cầm báo lên xem, bên trên đăng một bản tin: “Tin vui đây! Con trai trưởng của huân tước Tạ Hồng là Trạch Ích vinh dự được trao quân hàm thiếu tá lục quân, quay về Thượng Hải đảm nhiệm chức công sứ đàm phán “hòa ước Nam Kinh”, “hòa ước Thiên Tân” và “hòa ước Hổ Khẩu”, đồng thời là nhân viên công thẩm sáu nước “hòa ước Vọng Hạ”, “hòa ước Hoàng Bộ” và “hòa ước Mã Quan”…”
Đăng chung với bản tin là một tấm ảnh toàn thân trông rất nghiêm túc. Tạ Trạch Ích trong ảnh mặc quân trang đen như mực, chắp tay cầm mũ lính, nghiêng người nghiêm túc nhìn về phía ống kính, giống hệt bức tranh vĩ nhân lịch sử treo trên tường trong tòa giảng đường.
Tuệ Tế đứng bên khen, “May mà tin kết hôn của cậu Tạ và cô ba được đăng báo sớm, nếu không không biết bây giờ có bao nhiêu phu nhân tiểu thư các nhà mơ tưởng đây.”
Mật Thu đẩy cô ấy, “Còn ‘cô ba’ ‘cô ba’ cái gì?”
Cô nhìn tấm ảnh mà bật cười, lại quay đầu nhìn cuốn tiểu thuyết đóng gói đơn giản kia, bỗng “ơ” lên một tiếng.
Tựa đề tiếng Anh dịch ra là “Cô dâu của những ngày đã qua”, tên tác giả là: Vanir Si.
Cứ tưởng là nhà văn người Ý, nào ngờ mở sách ra mới thấy là tiếng Anh.
Cô chậm rãi đọc vài trang, lòng giật thót. Lại hoàn hồn, thì ra chữ Si đó nghĩa là “Tư”.
Câu chuyện viết dưới góc nhìn của một cô gái tên là “Tam Tam”, dòng thời gian xuyên suốt sáu năm, đến ba quốc gia và hơn mười thành phố. Trong truyện, Tam Tam và vị hôn phu cùng xuất ngoại du học, du ngoạn đó đây, cùng bầu bạn bên nhau nhiều năm. Dù là khi bị các sĩ quan biên giới gây rắc rối vô lý khi đi qua Ấn Độ, hay gặp sóng to gió lớn ở Biển Đỏ, gặp phải diễu hành chống phát xít ở Barcelona, hay thậm chí là những cuộc đào tẩu ở Hương Cảng và những tranh chấp nhỏ ở Thượng Hải… Không có cốt truyện kinh tâm động phách hay thay đổi nhanh chóng, chỉ đơn giản là ấm áp bình thường, là những giai thoại cuộc sống bình thường của cặp đôi bé nhỏ, thậm chí có khi còn không liên quan đến tình yêu.
Cuối câu chuyện, vị hôn phu sắp sửa lên đường đến tân đại lục, còn Tam Tam cũng phải gả chồng, hai người mỉm cười tạm biệt nhau tại bến tàu. Các nhân vật truyện không trách móc cũng không hối hận, độc giả đọc xong sẽ cảm thấy có một thoáng buồn bã mất mát, nhưng đến lúc khép sách lại thì vẫn sẽ mỉm cười thấu hiểu.
Những chuyện vụn vặt rất khó viết, lại hao tâm tốn sức nhất.
Cô chưa từng nghe hay trải qua những câu chuyện này, đại khái đều là vài điều Ngôn Tang nghe thấy; nhưng vài chi tiết đặc điểm của cô gái Tam Tam, ví dụ như ít nói, thường hay thất thần, lúc ăn thích cầm bằng hai tay, có lúc còn cố ra vẻ già dặn, thèm ngủ,… quả thực khá giống cô.
Tam Tam là cô mà cũng không phải là cô.
Tam Tam này như thực sự tồn tại, thực sự cùng anh phiêu du ngàn dặm, cùng nắm tay viết lên câu chuyện này.
Còn cô đã sống cùng anh trên những trang giấy một lần.
Cô thở dài. Cuối cùng chỉ có thể mỉm cười.
Đến ngày 24 tháng 10, cô ở trên lầu nghe tiếng rao đầy vui sướng của cậu bé phát báo, dù gì thì Thượng Hải cũng không phải là New York, Luân Đôn hay Tokyo. Thượng Hải lúc này gió êm sóng lặng, đồ sộ bất động trong làn sóng chủ nghĩa tư bản.
Cuộc đàm phán giằng co không nghỉ cũng tiến hành đến ngày thứ ba.
Cô không có chuyện gì làm, cả ngày ở nhà ăn ngon ngủ ngon, cuối cùng bị bà Cát phái ra ngoài lấy ảnh giúp bà.
Màn đêm vừa giăng, đèn đường lưa thưa cũng đã điểm.
Vừa bước ra khỏi cổng biệt thự, cô nghe thấy tiếng huýt sáo vang lên ở sau lưng.
Ngoái đầu nhìn lại, Tạ Trạch Ích đút tay vào túi áo, đứng đằng sau nhìn cô. Thấy cô trông sang, anh sải bước đến gần, hai người cùng nhau bước đi trong con hẻm Parker đầy lá ngô đồng.
Cô nhìn bước chân lớn nhỏ của hai người: “Anh chờ đã lâu chưa?”
“Chưa tới một tiếng.”
“Tính làm gì vậy?”
“Hẹn hò mười phút, có được không?”
“Sao không vào nhà tìm em, sợ bị đánh hả?”
Tạ Trạch Ích bình thản gỡ lá trên đầu cô xuống, thuận thế nắm lấy tay cô. Rồi anh thấp giọng nói như tiếp thêm can đảm cho mình, “… Ừ.”
Cô không kìm được mỉm cười, cảm giác này giống như thời đi học sợ bị phụ huynh và thầy cô phát hiện, chỉ có thể nhân lúc tan học lén lút yêu đương.
Anh vẫn chưa cởi quân trang, cô cũng chỉ mặc váy dài kim tuyến, áo khoác phủ trên vai. Giày lính và giày cao gót tay nắm tay cùng bước đi dưới ánh đèn đường, chẳng trách người qua đường phía sau cứ xì xào bàn tán “bôi xấu thuần phong mỹ tục”.
Thật tình chẳng ngờ còn chưa lấy chồng, thậm chí còn bị cha ruột đăng báo chỉ đích danh phê bình, lại có một buổi sáng cô đã khiến mọi tờ báo trong thành phố bêu xấu thuần phong mỹ tục của phụ nữ dân quốc.
Bản thân cô vốn minh bạch rõ ràng, không sợ lẽ gì. Nhưng còn anh Tạ, cô chỉ sợ anh nghe thấy lời đồn thì sẽ khó chịu.
Hôm đó anh bình thản tới nhà, chỉ để lại một cuốn sách. Tuy không rõ anh có ý chất vấn hay không, nhưng cô cảm thấy bản thân vẫn nên thanh minh.
“Em đã đọc xong cuốn sách anh đem tới rồi.”
“Ừ. Lúc ngồi thuyền về anh có đọc qua. Cảm thấy người trong truyện không phải là em nên không đọc nữa.”
“Đúng là không phải. Đó là một câu chuyện rất hay, nhân vật cũng đáng yêu.” Cô cũng có thể hiểu được vì sao Ngôn Tang không sáng tác bằng tiếng Trung. Thứ nhất là do hoàn cảnh sáng tác trong nước, thứ hai là không muốn người ta chỉ trỏ bình luận vào hôn sự của cô.
Có lẽ anh chỉ muốn nghiêm túc tạm biệt “Tam Tam” mà thôi.
Tạ Trạch Ích đứng yên hỏi cô, “Có muốn đi tạm biệt cậu ta không?”
Chợt cô không biết nên nói gì.
Tạ Trạch Ích nói: “Thời tiết thay đổi rồi.”
Cô lập tức hiểu ý anh. Thời tiết New York đã thay đổi, có lẽ bây giờ anh đang gặp khó khăn. Nhưng nếu cô đi khuyên anh, chẳng nhẽ bảo anh ở lại tham dự hôn lễ của hai người?
Nhân cách luôn trốn tránh việc vặt được hình thành từ trong bụng mẹ khiến cô không muốn nghĩ đến vấn đề đó vào lúc này.
Cô nhớ trước khi đi Tạ Trạch Ích đã nói “anh sẽ nghĩ cách giúp viện nghiên cứu”, thế là bóng gió nói, “Tạ huân tước liệu sự như thần.”
Tạ Trạch Ích kỳ quái nhìn cô, lúc này mới chậm rãi nói, “Nếu anh Tạ trở nên giống hệt cha, việc gì cũng đặt tiền lên trên hết thì phải làm thế nào?”
Cô nghiêm túc suy nghĩ: “Lừa toàn bộ tài sản của anh Tạ cùng em đầu tư, làm lớn Tây Bắc!”
Tạ Trạch Ích nhìn cô mỉm cười.
Rồi cô lại thở dài, “Không được.”
Anh cúi đầu hỏi, “Không được cái gì?”
“Một mình em điên là đủ rồi, sao có thể kéo người khác điên theo?”
Anh bắt bẻ, “Người khác là ý gì hả?”
Cô đang định nói: Người bên ngoài viện nghiên cứu.
Tạ Trạch Ích bỗng cười bảo: “Tiếng Trung của cô Tạ kém đi rồi.”
Cô ngẩng đầu đầy hoài nghi.
“Ngay đến anh cũng biết có một từ gọi là ‘nhà tôi’.”
Cô ngẩn người.
Tạ Trạch Ích mỉm cười nhìn cô.
Tờ giấy đăng ký kết hôn mờ nhạt cùng với hôn lễ chưa tổ chức không đủ khiến cô nhớ rõ quan hệ giữa mình và Tạ Trạch Ích.
Đúng như lời bà Cát nói, phụ nữ là động vật trọng lễ nghi. Chỉ cần thiếu đi lễ nghi thì sẽ có cảm giác, dù sau này có chuyện gì xảy ra thì cũng như chưa từng xảy ra.
Nhưng vào lúc này cô mới thực sự ý thức được một điều: Người đàn ông này là chồng hợp pháp của cô.
Mặt cô lập tức đỏ bừng.
Tạ Trạch Ích nắm tay cô kéo người đến, cúi đầu hôn chụt lên má cô.
Người đi đường đạp xe bấm chuông mấy lần tỏ vẻ kháng nghị.
Anh nói vào bên tai cô, “Người Anh không thể dễ dàng chắp tay nhường chỉ vì mấy câu nói của anh. Mà cũng xin em tha cho một nửa Tạ Trạch Ích đã thuộc về một đất nước khác, anh không thể đứng tại góc độ của người Trung Quốc để đưa ra quyết định được.” Rồi anh lại nói đầy khí phách, “Nhưng anh Tạ vẫn muốn nói với em một điều, xin hãy tin tưởng anh ấy, nhất định anh ấy sẽ làm cố hết sức mình.”
Sở Vọng tựa vào lòng anh cảm khái.
Trước kia cô cũng thường hay nghĩ, 1929 nơi đây thật sự là quê hương của cô ư?
Có lẽ khi cô tỉnh dậy sẽ là khung cảnh xe cộ nườm nượp, gió xuân thoảng hương hoa, tựa như đi dạo giữa vườn thượng uyển.
Đây là quê hương của mình ư?
Nhưng nếu không phải, rõ ràng ‘Trăng tỏ Hoài Nam non giá buốt’ là đây, ‘Hàm ngọc yên vàng như trẩy hội’ cũng là đây, ‘Rầu rĩ sáo Khương, sương khắp đất’ cũng là đây*; dù bốn phía rít gào tiếng còi lính, trải qua triều đại thay vua đổi chúa, thì nơi đây mãi mãi là nước nhà vạn dặm.
(*Lần lượt là các câu trích trong bài Đạp sa hành của Khương Quỳ, Nguyễn Đương Tịnh dịch; Điệp Luyến Hoa của Âu Dương Tu, Nguyễn Thị Bích Hải dịch; Ngư gia ngạo (Thu tứ) của Phạm Trọng Yêm, Nguyễn Xuân Tảo dịch.)
Cũng chính nhờ thế mà cô mới hiểu được nơi anh sinh ra và tiếp nhận nền giáo dục, nơi mà anh đã quen thuộc với mọi thứ ở đó: khẩu âm, khẩu vị, tất cả các nhận thức lịch sử thấm nhuần khi ngồi trên ghế nhà trường; anh hiểu được chiều sâu cảm xúc trong những cuốn sách văn học, nói một câu ‘Give everyman thy ear’ là có thể đọc tiếp ‘but few thy voice’*.
(*Đây là câu trích đoạn nổi tiếng trong tác phẩm Hamlet của William Shakespeare.)
Cô đã từng có một lần đến rất gần tình yêu.
Chàng trai con lai người Trung kia sẽ xấu hổ gọi cô là “cô gái Trung Quốc của tôi” trước mặt người ngoài, cũng mời cô đến phố người Hoa ăn bún qua cầu ở một tiệm ăn Trung Hoa mới mở, thậm chí còn sẵn lòng cùng cô đến KTV hát say sưa.
Nhưng có lần khi nhắc đến chuyện tốt nghiệp, cô nói muốn về nước thì anh ta đã ngạc nhiên hỏi ngược lại: “Em không muốn lấy thẻ xanh sao?”
Lúc ấy cô chỉ im lặng mỉm cười.
Cô cứ tưởng chí ít anh ta là nửa Trung Quốc, nhưng không ngờ lại là người Mỹ trăm phần trăm.
Cô rất muốn hỏi anh ta: “Trung Quốc có gì không tốt, vì sao lại không về?”
Nhưng cô đâu có năng lực chỉ dựa vài ba lời tâng bốc là khiến mọi người muốn “Go China!”.
Khi đi du lịch nước ngoài, người Trung Quốc vừa xuống máy bay là luôn đến thẳng nhà hàng Trung Hoa. Trừ khi thực sự rơi vào đường cùng thì làm sao chịu ly biệt quê hương, lúc quay về lại còn khen trăng nước ngoài sáng hơn trăng Trung Quốc?
Cô cũng muốn có người bầu bạn kề bên những khi nghe “Mỹ nhân ta ở tại phía đông, Hoàng Hà chảy xiết ở miền tây”*.
(*Đây là câu hát trong bài Yêu giang sơn càng yêu mỹ nhân, ở đây có thể hiểu ý của Sở Vọng muốn nói là hình ảnh phía đông ám chỉ Trung Quốc, hình ảnh phía tây là chỉ châu Âu, rằng Tạ Trạch Ích có thể có đồng thời cả hai.)