Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 37: Đảo nhỏ (1)



Thư nhà của cha đã đến biệt thự nhà họ Kiều. Trong thư nói vì cuối tháng 5 trường đại học sẽ làm lễ sát nhập, nên ngày 19 ông và Tư Ưng sẽ về Thượng Hải một chuyến, còn thuyền chở Tư Ngôn Tang từ Anh về sẽ cập bến ngày 20, đồng thời cũng nhờ bà Kiều dẫn Doãn Yên và Sở Vọng đi thuyền ngày 18 đến Thượng Hải.

Ông Tiết đã nghe được chuyện này nên cũng gửi điện báo tới, nhờ bà Kiều dẫn Chân Chân đi cùng.

Trên bàn ăn, sau khi tuyên bố chuyện này xong, bà Kiều chỉ nhận được tiếng hoan hô khá là bình tĩnh của ba cô gái.

Bà Kiều đánh giá ba người rồi nói: “Về Thượng Hải gặp cha, xem nhà mới thế nào, sao không thấy đứa nào vui thế?”

Chân Chân cười hì hì: “Bởi vì vui quá nên phải kìm nén không để cười thành tiếng.”

Doãn Yên nhìn Sở Vọng, mỉm cười bảo: “Còn không phải ư, ngày 20, cũng sắp rồi.”

Sở Vọng cũng cười đáp: “Tàu thuyền bây giờ chỉ mất ba ngày là có thể đến Thượng Hải. Với chị mà nói, nên vui là ngày 21 mới phải.”

Bà Kiều cũng nói: “Hiện tại tàu thuyền nhanh hơn trước nhiều. Doãn Yên, Chân Chân đã thay đồng phục rồi, còn cháu thì đang làm gì thế hả, quên hôm nay phải đi học à?”

Doãn Yên đi lên lầu, Chân Chân nhìn theo Doãn Yên cười lạnh, “Từ lúc Lâm nhị tiểu thư mặc sườn xám là bắt đầu ghét bỏ bộ đồng phục kia rồi.” Sau đó lại nhìn Sở Vọng đánh giá một phen, “Con gái vào đại học có ai quê mùa như em không? Chỉ mấy ngày nữa là cậu Tư kia sẽ về, em mau chóng học bản lĩnh thích chưng diện của chị em đi, đừng để bị người ta so sánh không bằng.”

Sở Vọng chỉ cười không đáp.

Thì ra ngày 13 đến Hương Cảng là anh lén đến đây. Sau đó đi thuyền ngày 17 về Thượng Hải, lại nói với mọi người là ngày 20 mình mới về.

Sở Vọng cũng bắt đầu trở nên bận rộn. Hương Cảng tháng 5 nóng hơn ở Anh rất nhiều, không biết anh có đem đúng đồ không, tốt nhất đừng mang theo áo ấm.

Nhớ đến áo lụa Trung Hoa mà giáo sư Từ hay mặc, cô xác nhận mát mẻ hơn áo sơ mi áo gi-lê mà các quý ông hay bận nhiều, Tư Ngôn Tang mà mặc thì sẽ ra dáng hơn Diệp Văn Dữ cho xem. Nhưng với Tư Ngôn Tang từ nhỏ đã tiếp thu tư tưởng mới, không biết anh có cảm thấy đây chỉ là “cặn bã” mà sinh lòng kháng cự không.

Cô hỏi ý kiến ngài Saumur và bà Nguyễn, mùa này con trai mặc áo sơ mi tơ tằm thì liệu có phù hợp không. Sau khi nhận được câu trả lời khẳng định, cô bắt đầu may áo sơ mi cho Tư Ngôn Tang. Vì không biết chắc chắn số đo của anh, cũng chỉ có vài tấm ảnh đen trắng không mấy rõ ràng, nên cô chỉ có thể áng chừng mà làm ba chiếc áo sơ mi trắng cùng một kiểu dáng nhưng khác kích cỡ.

May áo sơ mi suốt mấy ngày liền, ngài Saumur nghi ngờ hỏi bà Nguyễn: “Con bé làm cho ai thế?”

Bà Nguyễn cười trả lời: “Còn có thể là ai nữa? Cái cậu viết thư kia kìa.”

Ngài Saumur tò mò hỏi: “Không lẽ chàng trai viết thư kia sẽ đến Cảng à? Bao giờ tới? Tôi và dì Nguyễn có thể hân hạnh gặp mặt không?”

Sở Vọng cười nói: “Ngày 13 tháng này sẽ đến, nhưng cháu cũng không rõ là có đến Cửu Long không. Nếu anh ấy đến bán đảo, nhất định cháu sẽ dẫn anh ấy tới Du Ma Địa.”

Ngoài làm áo sơ mi để đối phó với thời tiết ra, Sở Vọng còn bắt đầu lo lắng vì vấn đề chọn quà gì đây. Hiện tại những thứ tốt ở Hương Cảng đều là hàng ngoại, cũng không thể mua bút máy hay đồng hồ quả quýt Tây Dương để tặng cho Tư Ngôn Tang mới từ nước ngoài trở về được. Cô có đến cửa hàng Tây xem vài lần, nhưng cũng chỉ càng tăng thêm sâu sắc suy nghĩ “không thể mua đồ ở đây được”.

Bên cạnh cửa hàng là một xưởng mộc. Tình cờ hôm đó đi ngang qua, cô thấy một người thợ mộc đang làm bộ phận cơ quan trong hộp gỗ. Cô dừng chân đứng ngoài nhìn, chợt trong đầu lóe lên một ý nghĩ.

Anh có hút thuốc không nhỉ?

Sở Vọng chỉ nhớ mang máng, dường như trong cuốn sách lịch sử cận đại nào đấy đã thấy ảnh anh hút thuốc, nhưng không biết bắt đầu hút từ khi nào. Không biết giờ anh đã hút thuốc chưa, nhưng nếu sau này muốn hút thì chuẩn bị một chiếc bật lửa tinh xảo vẫn là điều cần thiết.

Trên đường về, cô nhớ lại chiếc bật lửa của mình ở kiếp trước, dùng bút vẽ hơn mười tờ. Hôm sau cầm bản vẽ đến cửa hàng Tây hỏi, ông chủ người Ấn Độ nói có thể làm được, nhưng phải đợi tới ba tháng.

Ba tháng sau thì anh đã về lại Anh Quốc mất rồi, Sở Vọng không đợi nổi. Cầm bản vẽ uể oải quay về Du Ma Địa, ngài Saumur nhìn thấy nó, lại bày tỏ rất hứng thú với bản vẽ này.

Cầm bản vẽ nghiên cứu cho đến trưa, rồi ngài Saumur nói với Sở Vọng: Ông có quen một người tên Dupont chuyên chế tác đồ dùng da, hiện tại đang ở Hương Cảng, ông có thể hỏi hộ ngài Dupont này giúp cô.

Nghe ông nói xong, Sở Vọng trầm ngâm suy nghĩ rất lâu. Ngài Dupont này, liệu có phải là Simon Tissot Dupont* không?

(*S.T Dupont là người sáng lập thương hiệu thời trang cao cấp S.T. Dupont chuyên chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như ví, túi sách bằng da, bút, nước hoa, thuốc lá, nổi tiếng nhất là bật lửa bỏ túi.)

Ngay buổi chiều hôm đó, ngài Dupont đã cho câu trả lời: vì có đến hai trăm cơ quan nên phải mất nhiều thời gian chạm trổ. Nhưng nếu dùng lá vàng và paladi mỏng thì chỉ mất 10 ngày là làm xong.

Sở Vọng lập tức đồng ý, thậm chí còn không hỏi xem giá tiền mua vàng và paladi là bao nhiêu. Thấy cô sảng khoái như thế, ngài Saumur chỉ lắc đầu cười, cho rằng cô đã bị chàng trai ở Anh mê hoặc.

Cho nên ngài Saumur rất uyển chuyển đưa ra hoài nghi về phong cách ăn mặc ngày thường của cô.

Một ngày nọ ông nói: “Đợi chàng trai Anh Quốc đến Hương Cảng, cháu có định dẫn cậu ta ra biển không?”

Sở Vọng suy nghĩ rồi gật đầu đáp có: “Vịnh Nước Cạn đông người quá, có lẽ sẽ đến đảo nhỏ nào đó ở lân cận.”

Ngài Saumur nói: “Trên đảo rất nóng, cháu định mặc gì?”

Cô chưa kịp trả lời thì ngài Saumur đã nheo mắt, đưa ra đề nghị: “Bộ áo liền quần cháu may hôm trước rất được. Mặc áo sơ mi ở trong, hoặc áo sơ mi đi kèm váy xếp ly, rất hợp với áo sơ mi lụa kiểu nam mà cháu làm.”

Sở Vọng cười cám ơn ngài Saumur.

Nếu anh giấu cha và người nhà lén đến đây thì Sở Vọng cũng không thể để người quen gặp hai người bọn họ được, nên đến đảo nhỏ ít người hơn vịnh Nước Cạn là một lựa chọn cũng không tệ. Ngày 13 tháng 5 là thứ sáu, nếu đến đảo bốn ngày từ ngày 13 đến ngày 17, thì phải nghỉ hai lớp của giáo sư Từ.

Khi đến xin phép Từ Thiếu Khiêm, cô thuận tiện hỏi Từ Thiếu Khiêm nên đến đảo nào chơi thì sẽ vui hơn.

Từ Thiếu Khiêm nghĩ ngợi rồi nói, “Tôi chưa nghiên cứu kỹ về chuyện này. Nếu như sợ gặp người quen thì đến đảo Bồ Đài cũng được.”

Vậy là đã tạm thời quyết định được nên đi đảo nào, nhưng sau đó Sở Vọng lại không biết phải xin phép bà Kiều thế nào đây. Nghĩ đi nghĩ lại một lúc lâu, chợt một hôm nào đó chị Từ nói: “Nghe nói em muốn đến đảo Bồ Đài chơi với chồng chưa cưới vài hôm hả? Nếu em không biết nói với bác em thế nào thì cứ bảo là tôi mời em đi. Nếu bà ấy không tin, vậy để tôi gọi điện đến biệt thự xin phép giúp em, em chỉ việc đi chơi vui vẻ.”

Sở Vọng cũng không có cách nào tốt hơn thế nữa, luôn miệng cám ơn chị Từ đã suy xét chu đáo thay cô. Chị Từ lại nói: “Thật ra em cũng không cần phải cám ơn tôi làm gì. Ngày trước khi gả cho thầy em, tôi cũng muốn được gặp mặt trước khi kết hôn một lần, để biết người mình sắp gả trông như thế nào. Dù bản thân luôn muốn kết hôn, nhưng trước và sau khi thành thân thì sẽ khác nhau. Tôi không đi đứng được… Nếu ở trên đảo thấy gì ăn ngon hay có đồ chơi nào vui, thì nhớ đem về cho tôi và Văn Quân nhé.”

Thế là thủ tục xuất hành cũng đã được giải quyết, thuận lợi tới nỗi đến Sở Vọng còn nghi ngờ toàn bộ những chuyện này là một cái bẫy.

Đến gần ngày 13, bật lửa cũng đã được làm xong, mất hết hơn nửa số tiền Sở Vọng tích góp được. Ngài Dupont tự mình đem đến cửa, nói là muốn xem ai đã vẽ ra bản vẽ này, có vẻ không tin ngài Saumur bảo là do một cô bé chưa đầy 14 tuổi vẽ.

Thấy ngài Dupont ngạc nhiên mãi, trong thâm tâm Sở Vọng thực sự rất xấu hổ: kỳ thật bản vẽ này là do học trò của ông 80 năm sau tạo ra, không phải do tôi vẽ đâu. Đời sau vì để mua được chiếc bật lửa mang thương hiệu của ông, cô đã tốn mất gần ba bốn tháng tiền lương.

Gần đây nghe nói đã nối thông điện thoại đường dài Trung Nhật, mỗi lần cãi vã, Chân Chân đều lấy chuyện này để giễu cợt Doãn Yên, nói gì toàn là: “Nếu cảm thấy ấm ức thì gọi điện cho chồng chưa cưới của mình đi! Cứ nói cô ở Hương Cảng rất mệt, bảo anh ta về đón cô đi Tokyo. Dù gì thì cũng sắp lấy nhau rồi, cũng cỡ nửa năm mà thôi.”

Đối với Doãn Yên, những lời này đúng là sát chiêu có hiệu lực cao. Nhưng chỉ mấy hôm sau, sát chiêu này đã mất tác dụng – bởi vì không biết bà Kiều nghe được từ đâu mà nói mấy trường đại học ở châu Âu mời Lâm Du đến dạy, lần này đi có lẽ sẽ dẫn Sở Vọng và Doãn Yên theo.

Nên khi Chân Chân nói gì mà bảo cô đến Nhật Bản đó, Doãn Yên chỉ mỉm cười bảo: “Không cần phải đi Nhật nữa, đi châu Âu cũng thế thôi.”

Sáng sớm ngày 13, Sở Vọng đeo cặp trên lưng chuẩn bị ra ngoài thì Chân Chân và Doãn Yên lại đang cãi nhau về vấn đề “liệu ông Lâm có dẫn Doãn Yên đi châu Âu không”.

Chân Chân chế giễu: “Tiếng Anh của cô như thế, sau này còn nói chuyện với người Đức người Tây Ban Nha rồi cả người Pháp, nói có hiểu không?”

Doãn Yên đáp trả: “Cô thì nói rành rọt rồi, vậy cô đi đi.”

Thấy Sở Vọng đi xuống lầu, Chân Chân lập tức nói: “Cô nên củng cố quan hệ với Sở Vọng đi, đến lúc đó lỡ cô đi lạc, con bé còn có thể bằng lòng thương lượng với bọn buôn người, chuộc lại cô với mấy chục đồng tiền, cũng tiết kiệm được không ít bạc cho chú Lâm.”

Bà Kiều trách Chân Chân: “Buôn người với không buôn người cái gì thế hả, phủi phui cái mồm, cãi nhau cũng vừa phải thôi. Còn nữa, chị em nó có đi châu Âu hay không cũng chưa chắc, hiện tại cứ ở đây, gặp chú Lâm đã, đừng vội nói bậy bạ.”

Bà nhìn Sở Vọng cầm mũ che nắng đi xuống, hỏi: “Ra bến tàu bây giờ hả?”

Sở Vọng gật đầu.

Bà Kiều lại hỏi, “Đi bằng gì?”

Sở Vọng đáp, “Đi xe buýt ạ.”

Bà Kiều ồ lên, không vui nói: “Cô Từ không tìm xe đến đón à.”

Doãn Yên cười nói: “Có lẽ cô Từ bận quá chăng, nên mới mời em ba lên đảo giúp.”

Bà Kiều gật đầu: “Nếu xét về việc cẩn thận quan tâm thì hai đứa không bằng cháu ba đâu. Sở Vọng đi ra ngoài, cũng nên đem theo nhiều tiền chút.”

Doãn Yên lại nói: “Bình thường cứ ba ngày hai bữa là lại uống cà phê ăn kem với Tạ Di Nhã, xem ra cũng kiếm được không ít tiền ở chỗ ngài Saumur nhỉ.”

Chân Chân cười nói: “Tự Sở Vọng kiếm được và bác cho em ấy là hai chuyện khác nhau.”

Bà Kiều bảo dì Triệu đưa túi tiền cho Sở Vọng, cũng bảo: “Đây là bác nên cho cháu… Đương nhiên, nếu thấy có Côn bố* tốt thì có thể mua một ít đem về.”

(*Côn bố: là một loại tảo dẹt ở biển, là một vị thuốc trong Đông y.)

Sở Vọng cười nhận túi tiền, chào tạm biệt bà Kiều và hai chị rồi đi ra cửa.

Tiền bạc mà, việc gì phải từ chối.

Từ mùa xuân ba năm trước khi đến Hương Cảng này, thì đây là lần thứ hai cô ngồi xe đến bến tàu. Ngày hôm đó đó là một ngày đẹp trời, nhẽ ra cảnh sắc cũng phải đẹp như thế. Nhưng lần đầu tiên mang theo lo lắng thấp thỏm với thế giới không biết gì và sinh hoạt ngày sau, nên lúc đó dù thấy hồ nước xuất hiện sau sườn núi đỏ thì cô cũng không có cảm giác đặc biệt. Tuy bây giờ vẫn mù mờ, nhưng trong lòng Sở Vọng đã “quang đãng” hơn: Hương Cảng mà anh thấy, phải là một Hương Cảng rộng rãi trong lành chào đón anh.

Đi được nửa đường, không khí trở nên ẩm ướt, đặc biệt là trong xe buýt bị đóng kín ở mọi phía. Mở cửa sổ ra, cơn mưa phùn rơi lất phất hắt vào trong – đã hiểu vì sao những người ngồi sát cửa sổ không chịu mở cửa ra rồi. Sở Vọng không ngồi ở vị trí tốt, bị hun nóng đến mức mồ hôi đầy người. Cô không khỏi nghĩ: may mà ở tuổi này không cần trang điểm, nếu không đến bến tàu đúng giờ, thì nhất định lớp trang điểm trên mặt trông sẽ rất khó coi.

Xe buýt băng qua nội thành, liên tục có người lắc chuông xuống xe. Cuối cùng cô cũng được ngồi cạnh cửa sổ, mở cửa ra một làn gió ùa vào, rốt cuộc không khí trong xe cũng dễ chịu hơn, chỉ có điều mưa lại hắt lên người ông cụ ngồi sau. Sở Vọng xin lỗi đóng cửa xe lại, sau một hồi ngột ngạt, cuối cùng cũng được xuống ở bến tàu Trung Tâm, chợt lúc này trong bụng hô to chết rồi: cô quên đem theo dù.

Cô đi vào trong sân ga, gặp một con thuyền du lịch vừa chạy vào cảng, vậy tức là phải một lúc nữa thì con thuyền kế tiếp mới cập bên. Người trên thuyền lần lượt đi xuống, mọi người chen chúc nhau ra ngoài, Sở Vọng cũng chỉ có thể theo đám đông chen lên trước bến, đi vào một tiệm tạp hóa mua một cây dù màu đen. Người bên ngoài đã ít đi, cô miễn cưỡng từ từ chen vào cảng. Có hai tiểu thương cũng đi lên theo, một người là đến từ đại lục, một người là dân Hương Cảng.

Người ở đại lục chắc muốn đến đây “đãi vàng”, trước ngực treo một chiếc rương, trong rương có đủ các loại nước có ga. Trên rương dùng bút cọ màu viết: nước uống Hà Lan*.

(*Nước ngọt được truyền vào Trung Quốc từ thời kỳ Đồng Trị thời nhà Thanh (1862-1874), được gọi là nước Hà Lan.)

Lưu thông hàng hóa nước ngoài ở Hương Cảng phát triển hơn nhiều so với ở đại lục, giá nước ngọt khá rẻ, nên độ phổ biến cũng cao hơn trong nước không ít. Không biết nghĩ gì mà đến Hương Cảng bán nước Hà Lan, nhưng chắc chắn một điều là không kiếm được nhiều tiền. Thấy anh ta cứ quấn lấy mình, Sở Vọng bèn cho anh ta hai hào, mua hai chai nước Hà Lan đỏ nhạt.

Một tiểu thương khác thì chào hàng thuốc lá. Sở Vọng lắc đầu: “Ngài thấy tôi giống người biết hút thuốc à?”

Xua người bán đi, hai tay cô cầm hai chai, không còn tay để cầm dù nữa. Người trên cảng vơi dần, cô đi đến bàn bán phiếu: vừa để trú mưa, vừa để hỏi xem bao giờ tàu Litan vào cảng.

Cô gái bán vé kia có vẻ rất rảnh rang, đang lén dùng điện thoại của công ty gọi cho người yêu. Mặt nở nụ cười, ỏn ẻn nói chuyện bằng tiếng Quảng, khiến Sở Vọng nghe thấy mà nổi cả da gà. Nhân viên bán vé khó khăn cúp máy, không tình nguyện hỏi cô: “Đi đâu?”

Sở Vọng nghĩ ngợi rồi nói: “Tôi muốn hỏi…”

Nhân viên biến sắc: “Chỗ tôi không phải là nơi cố vấn!”

Lúc này lại có người vỗ vào Sở Vọng. Cô ngoảnh đầu nhìn lại, người kia đội mũ rơm, vành mũ hạ thấp. Người kia thấp giọng hỏi: “Có hai vé bán rẻ đến đảo Tháp Môn, cô muốn mua không?”

Sở Vọng đang định lắc đầu từ chối, thì nhân viên ở phía sau đã sửng cồ lên: “Sao, bọn cơ hội giờ càn rỡ thế hả, cũng không nhìn xem ở đây là đâu, dám bán vé trước mặt tôi hả?”

Người kia lại chẳng đoái hoài đến cô nhân viên, hỏi Sở Vọng tiếp: “Thế vé đến Đông Bình Châu thì sao, cũng chỉ còn hai vé thôi.”

Sở Vọng cũng chỉ cười lắc đầu: “Cám ơn, nhưng tôi không cần.”

Cô ngoái đầu hỏi nhân viên: “Xin hỏi bao giờ thì tàu Litan vào cảng? Tôi nghe nói là ngày 13…”

Người bán vé mất kiên nhẫn khoát tay, “Tàu Litan? Vào từ sáng sớm rồi, hiện tại người cũng đã đi hết, cô bé đến muộn rồi!”

Người phía sau lại hỏi: “Xin hỏi, cô còn muốn vé đến Bồ Đài không? Tôi bán rẻ hơn bọn họ lắm rồi.”

Tới muộn mất rồi… Sở Vọng ngơ ngác nghĩ. Nếu đã đến rồi, không chờ thì đi đâu nhỉ.

Mưa bên ngoài càng lúc càng to, cô cầm nước Hà Lan che dù, người bán vé lậu lại đi theo cô, đột nhiên cầm lấy chiếc dù trong tay cô che mưa cho cô, cúi đầu hỏi: “Vé tàu đi đảo Bồ Đài, có muốn không?”

Sở Vọng giật thót mình, vươn tay nhấc mũ người nọ kia lên, nhưng người kia nhanh chóng né tránh. Mũ rơm khá to, song vì anh lắc mình nên bị gió trên sân thổi bay.

Người đàn ông ấy mặc một chiếc áo len màu xám nhạt bên ngoài áo sơ mi, đi quần tây và giày đen đế bằng. Mũ rơm bị thổi bay, mưu kế của anh thất bại, không biết làm gì ngoài đút tay trong túi quần, cúi đầu dịu dàng mỉm cười. Là một người vô cùng gọn gàng, nụ cười kia lại không giấu được chiếc răng nanh tinh nghịch – ngay đến nụ cười cũng trong sáng hơn người khác nhiều.

Quả nhiên là anh.

Thời gian ba năm đã khiến một chàng trai trở thành một người đàn ông, nhưng vẫn đọng lại hơi thở của tuổi trẻ.

Anh mỉm cười đến gần Sở Vọng, trong tay cầm hai tấm vé tàu, cười hỏi: “Vậy là muốn dẫn anh đến đảo Bồ Đài hả?”