Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 57: Người bệnh (1)



Sở Vọng ngủ một mạch đến tận sáng sớm ngày hôm sau. Mới ngày đầu đến biệt thự nhà họ Cát đã cảm nhận được sự mệt mỏi buông thả vì thả lỏng toàn thân toàn sức. Cô cởi bộ đồ mặc buổi tối hôm qua ra, tắm rửa một hồi, sau đó lấy từ trong tủ áo sơ mi đỏ sậm và quần đùi trắng từng mặc, vuốt tóc ra sau đầu rồi đi xuống lầu.

Hình như cô dậy muộn thì phải, vì người hầu trong biệt thự vừa cầm báo sáng đi vào nhà ăn. Có vẻ tối qua bà Cát đã thông báo nên rất nhiều người hầu lạ mặt vừa thấy cô đã mỉm cười: “Cô chủ đã dậy rồi đấy à? Chúc cô buổi sáng tốt lành.”

Đi theo người hầu đưa báo vào nhà ăn, đúng lúc chú Henry đã dọn dẹp dao nĩa bát đũa của bà Cát. Vừa thấy cô, bà Cát cầm tách trà lên hỏi: “Ngủ đẫy giấc lắm đúng không? Đến ăn sáng đi.”

Sở Vọng ngồi xuống, nhấp hai ngụm trà Khẩu Hồng, “Hôm nay có tin gì không ạ?”

“Thuyền Nhật vào bến không kéo còi, làm chìm bốn chiếc phà, đúng là xằng bậy. Cháu đoán xem chính phủ đáp lại thế nào? Cố gắng nói tốt cho tụi Nhật, nói bọn chúng chỉ vô tình không cố ý, đền tiền là được rồi.”

Sở Vọng cười nói, “Không biết miếng thịt ‘tiền bồi thường’ béo bở này sẽ chia như thế nào đây, có lẽ sẽ bỏ túi riêng hoặc sung quân thôi.”

“Báo chí Hương Cảng đánh đúng trọng tâm hơn báo ở lục địa, đúng là làm bậy.” Bà Cát thở dài.

Chú Henry giao mấy bức điện báo vào tay bà Cát, bà Cát cau mày lật xem nhanh, “Vừa đến Cảng đã tới tìm tôi? Mấy ngày tới sẽ không gặp ai ——”

Sở Vọng vội nói bằng tiếng Anh: “Nếu có tiệc xã giao thì cô út cứ sắp xếp như bình thường đi ạ.”

Bà Cát lắc đầu, “Cô đã nói gì thì sẽ không lật lọng.” Sau đó lại hỏi, “Lát nữa định làm gì?”

“Đi thăm thầy cô ạ, với cả ngài Saumur và dì Nguyễn ở Du Ma Địa nữa.”

“Hôm nay Chủ Nhật mà, việc gì cấp bách thế.” Bà Cát nói, “Mật Thu có mua ít đồ ăn, có bánh dẻo gì gì đó, lát cháu ra ngoài nhớ đem theo.”

Sở Vọng cười đáp vâng, “Suýt thì quên cấp bậc lễ nghĩa rồi, vẫn là cô út suy nghĩ thấu đáo.”

“Miệng ngọt quá nhỉ?” Bà Cát cốc đầu cô, sau đó nói, “Khẩu âm tiếng Anh của cháu, cô nghe lạ lắm đấy. Mấy chuyện khác cô không quản, nhưng rảnh rỗi thì bảo ngài Henry sửa lại cho cháu.”

Sở Vọng cười bất đắc dĩ: “Đủ để nghe hiểu không được ạ?”

Bà Cát trợn mắt với cô rồi gọi Mật Thu đến, nói, “Em tới đây nói hai câu tiếng Anh cho cô chủ em nghe đi.” Mật Thu cười nói vài câu, bà Cát nhìn Sở Vọng: “Mật Thu có khẩu âm gì, cháu nghe không hả? Cho dù cháu không đến từ Anh thì cũng không thể kém người hầu trong nhà được.”

Sở Vọng cười le lưỡi, “Vâng vâng, cháu sẽ sửa lại ạ.”

Sở Vọng đang khuấy bát thì bị chú Henry bưng đồ ăn đi vào nhìn thấy, ông lập tức nhíu mày, cũng đúng lúc ánh mắt giao nhau với bà Cát. Bà Cát cười bất đắc dĩ, bày tỏ hôm nay chưa nói chuyện này với cô.

Ăn trứng chiên nấm và bánh mì nướng phết mỡ bò xong, cô ở ngoài hành lang gọi điện đến nhà họ Từ. Xác nhận chị Từ và Từ Thiếu Khiêm đều có ở nhà, Mật Thu dựa theo bà Cát dặn dò gói ghém bánh trái lại, đưa cho Sở Vọng đặt vào cặp sách.

Lúc cô đứng ở cửa thay giày, trông bà Cát có vẻ lo lắng, tựa vào sofa quan sát Sở Vọng một phen.

Bấy giờ đang thịnh hành phong cách quần đùi trắng ngắn trên đầu gối, để lộ bắp chân thon dài, da thịt trắng bóc, chỉ có điều hơi gầy – trông như gậy gỗ trong tủ kính vậy.

Có hơi lùn nhưng cũng không sao, hiện tại đang là tuổi phát triển, uống sữa bò và canh hầm xương nhiều là được; người thì khẳng khiu mà mặt lại bụ bẫm, thiếu đi nét con gái trưởng thành. Điều này cũng không thành vấn đề – chảy dòng máu của người kia, từ nay về sau lại sống ở biệt thự nhà mình, nhất định con bé sẽ trở thành người trên đỉnh tháp ngà…

Khi bà Cát còn đang đắm chìm trong suy nghĩ thì Sở Vọng đã thay giày xong, nheo mắt cười tạm biệt bà.

Bà Cát nói thêm, “Mặc quần đùi ngắn như vậy, phải mặc thêm tất chân lên trên bắp đùi mới đẹp.”

“Lần sau cháu sẽ bắt đầu mặc như vậy.”

***

Đã lâu lắm rồi mới về lại Hương Cảng, thời tiết trong xanh hơn ở Thượng Hải nhiều. Nếu ở Thượng Hải là một nàng thơ mặc sườn xám không tay, nước da trắng nõn thân hình đầy đã ôm ấp tỳ bà che nửa mặt, thì ở Hương Cảng sẽ là thiếu nữ bận áo lanh trắng phau và váy hoa hồng điểm xuyết màu xanh nõn chuối, thẳng thắn năng động.

Xe buýt công cộng không đông, một đường lên núi rồi xuống núi làm cả người cô ướt đẫm mồ hôi. Lúc nãy gọi điện chỉ hỏi có thầy cô ở nhà không mà quên hỏi cẩn thận, làm cô vất vả đến đường Liên Hoa một chuyến.

Xuống xe ở đường Liên Hoa, từ đằng xa cô đã thấy chị Từ nằm ngủ dưới mái hiên, còn Từ Thiếu Khiêm đứng cạnh cầm quạt nhẹ nhàng quạt mát cho chị – khung cảnh ấy như thể quay ngược về một trăm năm trước, người dưới mái hiên không phải là chị Từ, mà là phu nhân cao quý của chi trưởng trong nhà cao cửa rộng; Từ Thiếu Khiêm cũng không phải giáo sư Vật lý, mà là thế gia công tử đang tuổi còn son, thúc ngựa đi qua Trường An, tiền đồ rộng mở thỏa thuê mãn nguyện.

Sở Vọng không nỡ làm phiền nên nhẹ nhàng rón rén đi đến, bất chợt có một chiếc bóng nhảy ra khỏi lùm cây trong góc, ngay sau lại có người rượt đuổi chạy tới, dọa cô sợ đến mức hét ầm lên. Đến khi bình tĩnh thì mới phát hiện là Từ Văn Quân đang đuổi theo con mèo vằn chơi đùa. Tới lúc nhìn kỹ lại thì một người một mèo đã chạy biến đi mất rồi.

Anh Từ và chị Từ cũng giật mình. Sở Vọng xấu hổ cười cười, đứng từ xa nói, “Thiếu gia Văn Quân đã chịu đến đây rồi à? Có vẻ vui lắm.”

“Con nít mà, có đứa nào không thích chơi bời. Không ai chơi với thằng bé, một mình buồn chán nên muốn tìm chuyện vui và bạn chơi cùng. Không phải giáo sư Từ của em cũng thế à?” Chị Từ ngước mắt nhìn Từ Thiếu Khiêm, “Tưởng em muốn đi châu Âu, đến ngày sắp chia tay thì viết thư xong rồi trốn biệt tăm biệt tích, sợ là cũng khóc đấy.” Rồi chị mỉm cười vẫy tay với Sở Vọng, “Đến đây tôi xem nào, mấy ngày không gặp, có vẻ gầy đi nhiều rồi.”

Từ Thiếu Khiêm cười: “Thế à? Có thể là thầy đã khóc thật.”

“Không phải em đã về rồi đấy sao?” Sở Vọng cười nói, “Xem ra tinh thần của cô rất tốt.”

“Bớt nói ngon nói ngọt đi. Mấy ngày trước tôi mới đổ bệnh, hôm qua vừa xuất viện thì hôm nay em gọi điện đến, đùng là trùng hợp.”

“Ủa? Sao cô lại đau thế ạ?”

“Bệnh cũ ấy mà, không cần nhắc đến làm gì.” Từ Thiếu Khiêm tiếp lời thay chị Từ, “Châu Âu không được à? Ai ai cũng muốn đi châu Âu, cũng có không ít người chỉ vì du học mà bán hết của cải gia sản, lấy làm chi phí học bảy tám năm. Cơ hội tốt như thế, vì sao em không đi?”

Sở Vọng cúi đầu ngẫm nghĩ, trả lời, “Thời gian qua, em vẫn nghĩ mãi về lá thư thầy viết cho em. ‘Một nhà khoa học nên dốc sức vì quốc gia như thế nào?’. Em đã suy nghĩ rất lâu, cũng muốn hỏi thầy xem thầy nghĩ như thế nào. Trước mắt khoa học có thể cứu quốc được không?”

Từ Thiếu Khiêm mỉm cười, “Người bị béo phì thì rất khó xoay người, mà không hoạt động thì bệnh lại nặng thêm. Phương thuốc gì cũng đã kê, nhưng không thấy có hiệu quả lớn.”

Anh ngẩng đầu đăm chiêu, sau đó nói tiếp, “Nội chiến, đại quan, dân chúng lầm than. Trước khi về nước có du học sinh nào không muốn dùng khoa học, công thương nghiệp để cứu quốc? Nhưng đứng trên lầu cao sao có thể thấy được con kiến dưới bờ cát.”

Nghĩ ngợi một hồi, Sở Vọng nói: “Xét cho cùng cũng do quốc gia không coi trọng giáo dục, nên không đủ tiền.”

Từ Thiếu Khiêm cười nói, “Có thể nói thế.”

Sở Vọng thở dài một hơi.

“Giáo sư Từ?”

“Ừ?”

“Em có một yêu cầu quá đáng.”

“Quá đáng thế nào?”

“Gần đây em đang nghĩ đến chuyện lựa chọn chuyên ngành tương lai, nên em định đến thư viện sưu tầm tác phẩm của thầy, coi như tư liệu học tập… Tiếc là sách vở quản lý không tốt, em tìm không ra, nên đành tìm đến chính chủ cầu xin, không biết thầy có thể giúp em được không?”

Từ Thiếu Khiêm rất vui. Chị Từ ở bên cạnh phụ họa, “Được chứ? Sao có thể không được? Tôi đồng ý thay anh ấy.”

Từ Thiếu Khiêm nghiêm mặt hỏi: “Sau này muốn học gì, ứng dụng vật lý hay lý thuyết vật lý…”

“Lý thuyết vật lý.” Sở Vọng đáp không chút do dự, “… Của vật lý hạt nhân.”

“Chuyện này thì dễ thôi. Hình như trong nhà có một bản, tôi có thể đưa cho em trước. Phần còn lại, đợi hai ngày nữa đến trường sẽ đưa cho em.”

***

Cô cầm tập tài liệu tạm biệt nhà họ Từ, ngồi trên xe buýt căng thẳng lật giở từng tờ một. Ngồi cạnh cửa sổ, Sở Vọng như biến thành một chiếc máy đọc tốc độ cao, mấy dòng chữ tiếng Anh lướt qua mắt cô cực nhanh, những từ như “uranium”, “U”, “nhiệt phân”, “chuỗi phân rã”, “thời kỳ bán rã” được phóng lớn vô tận…

Vào những năm 30 của thế kỷ 20, tuyệt đại đa số các nhà vật lý hạt nhân đều biết đến lý thuyết hàn lâm về các nguyên tử siêu Uranium và các nguyên tố phóng xạ. Và chỉ thiếu một cơ hội cực kỳ ngẫu nhiên là bọn họ sẽ phát hiện ra hiện tượng phân hạch hạt nhân – Từ Thiếu Khiêm cũng là một trong số họ.

Cuối cùng cũng xác nhận được điều này, con tim cô đập mạnh liên hồi.

Phải dốc sức vì quốc gia thế nào? Cô đã suy nghĩ rất nhiều ngày.

Vì không biết quá nhiều về lịch sử cận đại, nên ngay từ đầu suy nghĩ này chỉ là một nguyên mẫu bé nhỏ. Tuy nhỏ và mơ hồ, nhưng lại có một âm thanh kiên định đang nói: không thể đi châu Âu.

Trong lịch sử cận đại, có rất nhiều du học sinh ôm mộng khoa học cứu quốc, công thương nghiệp cứu quốc, cuối cùng lại trở thành trò cười.

Không thể dùng khoa học để cứu quốc được. Đấy là kết quả đúc kết của vô số người thử nghiệm thất bại, chỉ đơn giản vì xã hội bấp bênh, quốc gia thiếu hụt, quốc khố trống không, làm gì có tiền để duy trì giáo dục. Như Từ Thiếu Khiêm nói đấy: đứng trên lầu cao sao có thể thấy được con kiến dưới bờ cát? —— Chính vì vậy Gia Cát của đời sau đã ‘tuỳ bệnh hốt thuốc’, tổng kết tuyên bố: Trung Quốc cận đại chỉ có thể và cũng chỉ có khả năng cứu quốc từ góc độ chính trị.

Từ năm 1840 trở đi, Trung Quốc chiến bại liên tục, tài chính quốc gia được dùng để bồi thường cho các quốc gia khác. Khoản tiền bù được trả lại năm Canh Tý* là một miếng thịt béo bở – vô số tham quan ghé mắt cắt xén. Số tiền còn lại, phần lớn  dùng để làm chi phí chung cho quỹ du học Thanh Hoa. Còn tiền bạc quốc khố gần như đã dùng để đặt mua vũ khí và mở rộng quân đội.

(*Điều ước Tân Sửu quy định Trung Quốc phải trả tiền bồi thường cho liên quân tám nước sau phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, một con số khổng lồ. Song về sau khi điều tra lại thì nhận thấy số tiền bồi thường không đến, 8 nước phương Tây đã trả lại Trung Quốc phần dôi ra, cuối cùng Trung Quốc chỉ phải trả 58% tổng số tiền quy định và có cơ hội đưa nhiều người sang Âu Mỹ du học.)

Đây cũng là điều mà Từ Thiếu Khiêm nhắc đến trong phong thư: Quốc gia đại sự ngày càng tệ hại, chiến loạn liên miên, giáo dục không được phát triển.

Nên là, một nhà vật lý sẽ dốc sức vì đất nước như thế nào? Dĩ nhiên không thể đi châu Âu được.

Trung Quốc không có tiền để duy trì giáo dục, càng không có tiền để thành lập phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân. Vậy thì, Anh quốc có không?

Ban đầu khi thành lập trường đại học Hương Cảng, tức cũng là lúc phương Tây tranh nhau thành lập trường đại học ở địa phận Trung Quốc, thống đốc Lugard* đã đề nghị nước Anh thế này: Anh Quốc cũng nên thành lập một trường đại học ở Hương Cảng, vừa để cạnh tranh với các cường quốc khác, vừa để người Trung – nhất là người Hương Cảng thống nhất giá trị quan với nước Anh. Lời đề nghị vừa được đưa ra, tổng đốc Quảng Đông Quảng Tây cùng với công thương giới tỉnh cảng cũng hiểu được một điều: thành lập trường đại học sẽ giúp người Trung học tập khoa học kỹ thuật của phương Tây, sẽ khiến Trung Quốc tự cố gắng, thế là bọn họ đã bỏ tiền ra duy trì ủng hộ.

(*Sir Fredrick Lugard là thống đốc thứ 14 ở Hồng Kông, là người thay mặt Hoàng đế và chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland thực thi quyền lực tại Hồng Kông.)

Nên kinh phí duy trì giáo dục đại học Hương Cảng đều đến từ chính phủ Anh và tập đoàn đầu tư tài chính Luân Đôn như ngân hàng HSBC*.

(*HSBC là viết tắt của Hongkong and Shanghai Bank Corporation, được các thương nhân người Anh tổ chức và thành lập vào năm 1865, sau khi Hương Cảng trở thành thuộc địa của Anh.)

Nếu tài chính như thế còn không đủ, vậy thì, liệu có thể khiến những tay cầm đầu khoa học đem theo ngân sách kếch xù đến Trung Quốc không?

Nếu, nếu Trung Quốc cũng xuất hiện một nhà khoa học thanh danh hiển hách, có đầy đủ tư cách lai lịch và thiên phú thành lập một nhóm nghiên cứu khoa học hoàn toàn mới, thế thì chắc hẳn họ sẽ mang theo ngân sách dự án của mình đến Trung Quốc cho xem.

Dự án Manhattan* từ lúc bắt đầu cho đến khi chính thức thành công, tiêu hao khoảng 2 tỷ đô la.

(*Dự án Manhattan là một dự án nghiên cứu và phát triển chế tạo ra những quả bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II, chủ yếu do Hoa Kỳ thực hiện với sự giúp đỡ của Anh và Canada.)

Cộng tất cả những số tiền có được, trong thời gian mười năm, liệu có đủ cho kinh phí nghiên cứu đi từ lý thuyết đến thực tiễn không?

Từ năm 1940 trở đi, bao gồm cả Đức Quốc Xã, ai ai cũng mơ ước đến “hạt nhân”. “Kế hoạch hạt nhân” và “dự án Manhattan” cùng nhau chạy đua, lúc ấy cả thế giới đều biết các mỏ Uranium lớn nằm ở Cộng hòa Séc, Canada và Congo. Còn mỏ Uranium mười nghìn tấn của Trung Quốc được khai quật lần đầu tiên vào năm 2014 lại đang nằm ở bồn địa Ili Tân Cương.

Chính vì vậy mà Sở Vọng muốn thử suy diễn xem: nếu mỏ mười nghìn tấn Uranium này được khai quật trước, thì liệu có khiến chính phủ Trung Quốc cũng ghé mắt đến miếng bánh béo bở mang tên “chuỗi phản ứng hạt nhân” không, liệu có khiến bọn họ cam tâm chia một phần số tiền vốn dùng cho mục đích quân sự để hỗ trợ dự án này không?

“Vì sao các người không đi học trong nước, mà phải vượt dương xa xôi đến đây học đại học, rốt cuộc là nền giáo dục của các người bị gì vậy?”

Nếu chúng tôi có lý thuyết trước cả các người, thì việc gì chúng tôi cần phải đến đó nữa? Vì sao không phải là các người đến đây?

Ở đời sau khi học về phản ứng phân hạch, có một câu này trong sách giáo khoa Sở Vọng vẫn nhớ rõ: “Trong những năm 30 của thế kỷ 20, không một ai có thể giải thích được vì sao thí nghiệm Uranium luôn thất bại.”

Bây giờ là năm 1927, có lẽ lúc này Otto Hahn* ở châu Âu xa xôi đang diễn thuyết luận văn tiến sĩ về cơ học lượng tử tại đại học Göttingen.

(*Otto Hahn là người nhận giải Nobel Hóa học vào năm 1944, trước đó ông cùng nhóm của mình đã nhiều lần thử nghiệm thí nghiệm phân  hạch nhưng đều thất bại, bởi vậy mới có câu nói trong sách giáo khoa của Sở Vọng.)

Rất nhiều nhà khoa học ở thời đại này chỉ cách 1% để chạm đến phản ứng dây chuyền hạt nhân, nhưng phải mất hơn mười năm sau thì mới có thể thành công.

Nếu lý luận cơ sở của hiện tượng phân hạch ra đời sớm 12 năm*, thì vụ thử hạt nhân đầu tiên sẽ không xảy ra vào năm 1945 nữa.

(*12 năm tính từ năm 1927 cho đến năm 1939 – thí nghiệm phân hạch urani thành công lần đầu tiên trên thế giới, cũng là năm bắt đầu dự án Manhattan.)

Nếu như trước năm 1937, “kế hoạch Uranium” đã sớm thành công tại đại lục Viễn Đông, vậy thì cơn ác mộng năm 1937* có xảy ra nữa không?

(*Tác giả nhắc đến sự kiện Lư Câu Kiều xảy ra vào ngày 7/7/1937, được xem là sự kiện mở đầu Chiến tranh Trung-Nhật.)

Là một sinh viên khoa học từng được xuất bản rất nhiều bài viết trong tương lai, xuất phát từ quan niệm đạo đức của bản thân mình, Sở vọng không làm nổi chuyện ăn cắp bản quyền những ấn phẩm từng được đăng tải.

Nhưng liệu cô có thể dựa vào tri thức của chính bản thân, trở thành một yếu tố “ngẫu nhiên” trên con đường lý thuyết từ “nguyên tử siêu Uranium” cho đến “hiện tượng phân hạch” chưa được thực hiện của Từ Thiếu Khiêm không?

Liệu cô có thể dùng kiến thức mà bất cứ sinh viên chuyên ngành Vật lý nào ở thế kỷ 21 cũng biết, đứng một bên chỉ điểm cho nhà khoa học Viễn Đông ở đầu thế kỷ 20, người biết quá rõ về lý thuyết phân rã phóng xạ của Uranium, đã nắm được 80% cơ sở lý luận về phân hạch, nhiệt hạch và “phản ứng dây chuyền”, chỉ thiếu 20% còn lại để chạm đến đích? Để thúc đẩy lý thuyết này, nhằm khiến nó ra đời ở Trung Quốc sớm 12 năm?

Vậy thì dự án Manhattan sẽ không còn là dự án Manhattan nữa, có lẽ phòng thí nghiệm chạy đua với Đức Quốc xã sẽ có mặt ở Hương Cảng; và có lẽ hiện trường thí nghiệm sẽ nằm tại Ili ở đại lục.

Và nếu như giả thuyết của cô thành công, thì chiến tranh thế giới lần thứ hai sẽ không xảy ra.

___

*Qin: tl;dr: Con đường cứu quốc bằng khoa học mà Sở Vọng nói ở đây chính là phát triển khoa học mà cụ thể là vật lý hạt nhân, thu hút thế giới đầu tư vào khoa học giáo dục Trung Quốc, từ đó khiến Trung Quốc phát triển hơn, có thể đủ sức để chống lại sự xâm lược của Phát xít Nhật.

Chương này hơi khó tiêu nếu đọc lướt, các bạn đọc thật kỹ và xâu chuỗi lại sẽ thấy các tình tiết tác giả đưa ra đều liên quan với nhau chứ không hề thừa thãi.