Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 92:



Thân gửi Sở Vọng,

Đã lâu không liên lạc, thực nhớ mong vô vàn. Bây giờ mạo muội gửi thư, có thể em khó mà ngờ, đây là một trong những lá thư đêm ngày nhung nhớ. Anh từng nghĩ cứ giữ chúng ở đây, đợi đến ngày gặp em mới trao tận tay; nhưng từng câu từng chữ đều nghĩ đến em, thư chưa vào tay em, lòng đã xao xuyến muốn gặp em, rồi nếu em đọc thư, thì cũng chỉ thêm phiền não mà không có ích gì.

Đêm nay trăng sáng tỏ, nghĩ đi nghĩ lại chỉ muốn để em biết, lúc nhớ em có lẽ là lúc em đang đi dưới ánh nắng chói chang; mà ở đây dưới vầng trăng sáng tỏ, dù liễu xum xuê hay cằn cỗi*, em cũng không cần phải bận lòng.

(*Ý của câu này xuất phát từ hai câu thơ trong bài Lâm Giang Tiên của Nạp Lan Tính Đức. Tác giả mượn hình ảnh cây liễu cô độc dưới trăng để gửi gắm nỗi tương tư thê lương.)

Vốn cũng trông thư hồi âm, nhưng nay chỉ mong em đọc được thư, không cần nhấc bút trả lời.

Ngôn Tang kính bút

Ngày 09 tháng 03 năm 1928

***

Kính gửi Sở Vọng,

Thư em gửi đã đến tay, nhưng vì sự vụ bận rộn nên chưa kịp hồi âm, thâm tâm áy náy vô cùng. Anh thường cất giữ rất nhiều bức thư, hễ đi ra ngoài trông thấy hòm thư là lại muốn gửi thư đi, cho rằng rồi gì cũng sẽ có một bức trót lọt qua khỏi nhiều vòng kiểm tra, thuận lợi đến Viễn Đông. Nhưng nếu gửi thư đi rồi mà lại không nhận được hồi âm, anh lại không kìm được mà nghĩ có thể em đã đọc được thư, nhưng không biết đã làm em mất hứng chỗ nào, để em không đáng phải viết thư hồi âm.

Mấy hôm trước, bạn tốt trong trường là tiến sĩ Trần đã đón vợ con ở quê tới Anh. Trong giới du học sinh thường đồn vợ anh ấy lớn hơn anh ấy mười tuổi, hai người trông giống mẹ con; lại nghe nói vợ anh ấy quê ở Hồ Nam, bó chân, chưa từng đi học. Anh thân với anh ấy nên cũng biết những lời đó chỉ là lời đồn. Chị Trần hơn anh ấy một tuổi, đúng là có bó chân, nhưng anh ấy thường xuyên viết thư khuyên mẹ vợ cho chị ấy được để chân trần; tuy chưa từng đi học, song anh ấy cũng thường xuyên viết thư cổ vũ chị ấy đến trường nữ thục; dù tài học chênh lệch nhau, lại hơn mười năm hai nơi xa cách, thư từ không thông, ấy nhưng anh Trần chưa từng gián đoạn việc gửi thư, thật sự khiến anh vô cùng khâm phục. Nên anh cũng thường hay nghĩ, nếu hồi đó lúc mới đến nhà họ Lâm ở Thiệu Hưng, anh không thấy em lanh lợi dùng kiến thức hóa lý đối đáp, nghe em làm bài ngũ ngôn tuyệt cú, cũng không thấy em em gieo vần không đồng đều nhưng từng câu từng chữ lại hoa lệ mỹ miều; nếu như em cư xử dung tục sơ sài, thi lễ không đủ, tướng mạo bình thường, lại còn bó chân làm người ta tặc lưỡi, thì liệu anh có đưa ra lựa chọn ngày trước không?

Nên cũng vì thế, anh lấy làm may là lúc đó em đã ra ngoài phòng gặp anh, cuối cùng còn nói cho anh biết, người bầu bạn cùng anh đến già, thì ra là em.

Ngôn Tang xin gác bút

Ngày 23 tháng 05 năm 1928.

***

Mong Sở Vọng đọc thư,

Cách biệt đã lâu, nhớ nhung vô ngần.

Hôm nay anh đã thấy em rồi. Ngoài anh ra, rất nhiều người khác cũng đã thấy em. Ngày trước anh thường hay nghĩ, không biết bao giờ thì tên anh và tên em sẽ được đăng trên báo chí, để nhiều người thấy rằng vợ của anh Tư chính là cô ba nhà họ Lâm. Đây từng là điều cổ vũ khuyến khích anh, thế nhưng nay mới biết mình đã sai hoàn toàn. Cuối cùng thì em đã để mọi người biết rằng, ở nhà họ Lâm tại một đất nước ở Viễn Đông có một cô ba thông minh tài giỏi, không thua bất cứ một nam tử hán đại trượng phu tự xưng có tài học lẫn tài trí hơn người nào.

Từ nhỏ cha đã không thích anh theo nghiệp văn. Không thể thường xuyên thư từ qua lại với em, sau khi vào học ở Oxford, cứ một tuần mấy chuyến anh lại bắt xe đi đến khu Cambridge – nơi đã sinh ra rất nhiều nhà thơ học giả – để nhờ người sửa thư, dạy lại cách chọn từ đặt câu. Mới đầu là vì em, về sau lại dần mê đắm. Sau lần từ biệt ở Thượng Hải, lòng rất giận cả em và chú, từng muốn dùng bút làm lưỡi dao, để có ngày em thấy được tâm ý của anh trên sách báo. Anh cũng từng đắc chí vì có được chút thành tích, gần như bỏ bê chuyên ngành địa chất học ở Oxford. Thế nhưng trong âm thầm, thành tựu của em tại lĩnh vực khác đã sớm bỏ xa anh, thực sự khiến anh xấu hổ. Suy cho cùng, anh chưa bao giờ hiểu rõ em, nếu bây giờ làm quen lại một lần nữa thì liệu có kịp không?

Cô ba Lâm, mến mộ em đã lâu, nay mạo muội gửi thư, xin được chỉ bảo.

Từng câu từng chữ đều là chân thành, nhưng người không cần phí công hồi âm.

Ngôn Tang gác bút

Tháng 07 năm 1928.

***

Thân gửi quý cô Sở Vọng,

Đã một năm từ biệt, biển trời hai nơi càng thêm nhung nhớ.

Anh đã suy ngẫm rất lâu về những lời bến tàu bến Thượng Hải, anh đã thuận lợi tốt nghiệp Luật Quốc tế chỉ trong vòng hơn một năm; Tư tưởng cách nhìn của sinh viên Luật Quốc tế khá tự do sôi nổi, điều này cực kỳ hiếm thấy trong số các sinh viên Anh. Bọn họ có tổ chức bình thường hay giao lưu với du học sinh Pháp đang sống ở lục địa châu Âu. Tham gia rất nhiều hoạt động, cũng vì thế mà trễ nải môn Địa chất Học. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Luật Quốc tế, giáo sư từng khen anh suy nghĩ nhạy bén lại thông minh, cũng đề nghị anh học lên tiến sĩ, mà anh chỉ muốn viết thư thảo luận chuyện này với em. Nhưng vì anh từng bị nhà trường cảnh cáo vì tham dự biểu tình chống phát xít ở Luân Đôn nên thư từ bị chặn, không biết phải liên lạc với em thế nào.

Gần đây nghe nói hội trưởng Hội Hoàng gia dẫn theo trợ lý đến Trung Quốc, mà người mời chính là Từ Lai – sinh viên xuất sắc tốt nghiệp khoa Vật lý ở Cambridge, nhờ vào một bài luận văn về khoa học tự nhiên mà thanh danh vang xa. Rất nhiều lần anh từng thấy tên em xuất hiện bên cạnh tên của anh ta. Anh đã từng thấy ảnh chụp của anh ta hồi năm 20 tuổi trong tập san của trường, anh thừa nhận mình từng ghen tị với anh ta. Đúng lúc vì em có được nhiều thành tựu mà người ngoài ác ý phỏng đoán, chửi bới quan hệ giữa em và anh ta, thì anh mới hiểu được điểm đáng sợ của ghen tị. Em có tài năng học vấn hơn người, gần năm năm trước khi gặp em, anh đã biết rõ điều đó. Lúc ấy anh chỉ muốn gặp em, nói với em là anh tin em.

Nên cũng vì vậy mà anh gửi thư xin hội trưởng có thể đưa anh đi cùng đến Hương Cảng, nơi em đang ở. Ông ấy từ chối anh ngay tắp lự, âu cũng là điều dễ hiểu. Mà ở cuối thư ông ấy lại nói cho anh biết: nếu anh có thể hoàn thành môn Địa chất Học trong vòng nửa năm, thì ông ấy có thể tìm cách đưa anh về Trung Quốc.

Thư ngắn ý dài, những chuyện khác lần sau hẵng kể!

Nhận được những điều tốt đẹp đến từ em, vô cùng cảm kích!

Ngôn Tang

Ngày 04 tháng 08 năm 1928.

***

Thân gửi Sở Vọng,

Vì bận bịu công việc mà đã lâu không viết thư, mong em lượng thứ.

Sắp đến ngày bảo vệ luận án tốt nghiệp, vốn không nên có phong thư này, tránh trì hoãn chuyện học hành, bỏ lỡ con đường duy nhất quay về Trung Quốc. Nhưng cuối năm ngoái, bức điện báo của chú Lâm thật sự khiến ai nấy đều kinh ngạc. Lúc đọc được mẩu tin trên báo dịch cho người Hoa ở Anh, anh chỉ có một suy nghĩ: trên đời này lại có người cha như thế ư, không biết nghĩ gì mà lại nhẫn tâm đánh đổ tiền đồ nhân duyên của con gái một cách công khai như thế! Dù không phải cha ruột thì cũng không đến nỗi ác như vậy. Nếu không phải vì sắp tốt nghiệp, thì anh rất muốn lập tức đi thuyền đến Paris, tìm chú Lâm hỏi rõ lý lẽ.

Vô cùng căm phẫn trước hành động lần này của chú Lâm, nhưng cũng mơ hồ đố kỵ với thầy của em. Người quen biết anh ta đều nói anh ta “rất có tư tưởng, đọc sách rất nhiều, thanh cao đến mức gần như ngông cuồng”. Thêm nữa, cả tài năng lẫn dung mạo của anh ta nhất định hơn hẳn anh, lại còn thường xuyên ở bên em, còn khiến mọi người hiểu nhầm em và anh ta kia mà, thì sao anh có thể không đố kỵ đây?

Thế nhưng chỉ hơn một tuần sau, anh đã nhận được điện báo của anh ta. Anh ta mời rất nhiều thạc sĩ ngành Địa chất của đại học Oxford đến Trung Quốc, bao gồm cả sinh viên mới tốt nghiệp là anh. Hơn nữa, anh ta còn gửi cho anh một bức điện báo, nói với anh là em và anh rất xứng đôi, nghe nói anh gặp khó khăn trong chuyện về nước, anh ta từng muốn đưa em đến Anh đào tạo sâu để chu toàn cho hai ta, nhưng vì nhiều nguyên nhân nên nhắn với anh là, em cũng có nỗi khó xử khi rời Trung Quốc. Thế nên lần này khi mời các nhà địa chất học người Anh và nhà hóa học người Pháp bí mật đến Trung Quốc, anh ấy cũng đề nghị anh đi cùng. Còn nói với anh là em đã có học vấn cao, có bản lĩnh lớn, là người con gái Trung Quốc rất hiếm có trên đời này, bảo anh nhất định phải quý trọng em.

Anh Từ là một người đáng kính, là chính nhân quân tử. Tới lúc này mới biết, so với anh Từ, anh chỉ là một kẻ thiển cận.

Người trí thức đương thời luôn tán tụng tình yêu tự do, xóa bỏ hủ tục phong kiến. Không có tờ hôn ước hư danh này, có lẽ cũng là điều tốt đẹp cho hai ta chăng?

Gác bút

Ngày 16 tháng 02 năm 1929

***

Gửi Sở Vọng,

Anh đã đi qua biển Đỏ rồi. Tiến vào vùng nhiệt đới là lại hay gặp gió lớn bất ngờ trên biển, người đồng hành ai ai cũng oán hờn kêu gào. Chỉ một mình anh là tâm tư phơi phới, chỉ bởi nhẽ thuyền sắp cập bến.

Mấy năm nay ở Anh, du học sinh rất thích mặc âu phục hay đồ Tây. Mùa đông ở Anh rất dài, trời âm u nhiều mưa, thường xuyên nhớ đến cô gái mặc áo sơ mi và quần trắng trên đảo nhỏ đầu hè. Không biết sau hai năm, gặp lại nhau ở Thượng Hải sẽ là khung cảnh thế nào đây?

Ngôn Tang kính bút

Trên thuyền Teste tại Penang