Hai Vạn Dặm Dưới Biển

Chương 16: Dạo chơi dưới đáy biển



Căn phòng vừa là kho vũ khí, vừa là kho quần áo của tàu Nau-ti-lúx. Trên tường treo khoảng mười bộ đồ lặn. Nhìn thấy đồ lặn, Nét Len tỏ ý không muốn mặc. Tôi nói:

-ông Nét, ông nghe tôi, rừng ở đảo Crét-xpô là rừng ngầm dưới biển cơ mà!

-Biết rồi!

-Nét trả lời. Anh ta thất vọng vì ao ước được ăn thịt thú rừng bị tiêu tan.

-Còn ngài, lẽ nào ngài cũng định khoác cái của này lên người?

-Phải mặc thôi, ông Nét ạ!

-Tùy ngài!

-Nét nhún vai.

-Về phần tôi, tôi sẽ chẳng bao giờ tự nguyện làm việc đó.

-ông Nét ạ, không ai ép buộc ông đâu.

-Nê-mô nói.

-Thế Công-xây có dám liều mạng đi không?

-Nét hỏi.

-Giáo sư đi đâu, tôi đi đấy.

-Công-xây trả lời. Thuyền trưởng gọi hai thủy thủ đến giúp chúng tôi mặc bộ đồ lặn khá nặng bằng cao su không thấm nước. Bộ đồ này nhằm chống lại áp suất lớn, trông giống chiếc áo giáp của hiệp sĩ thời trung cổ, chỉ khác ở chỗ co giãn được. Bộ đồ lặn gồm một cái mũ trùm kín đầu, một áo, một quần và một đôi giày có đế cao bằng chì. Thuyền trưởng Nê-mô, một thủy thủ to lớn, Công-xây và tôi nhanh nhẹn mặc đồ lặn vào người. Chỉ còn việc đội cái mũ bằng kim loại lên đầu. Nhưng trước khi làm việc đó, tôi xin phép thuyền trưởng xem mấy khẩu súng. Đó là loại súng săn thông thường, báng bằng thép trong rỗng và hơi to hơn báng súng bắn đạn nổ. Báng súng là nơi chứa khí nén thông với nòng ngay khi cò súng mở nắp bình chứa. Trong ổ có chừng hai mươi viên đạn có điện được một lò xo đặc biệt đưa lên nòng súng. Sau mỗi phát, súng lại tự động nạp đạn. Tôi nói:

-Thưa thuyền trưởng, súng của ngài thật tuyệt diệu mà cấu trúc lại thật đơn giản. Tôi nóng lòng muốn được bắn thử. Nhưng chúng ta sẽ xuống đáy biển bằng cách nào?

-Tàu đang đỗ ở chỗ nước cạn, sâu độ mười mét, chúng ta có thể ra ngoài được.

-Ra bằng cách nào ạ?

-Rồi ngài sẽ thấy.

Thuyền trưởng Nê-mô đội mũ sắt lên đầu. Công-xây và tôi làm theo ông ta, còn Nét thì chúc chúng tôi "đi săn may mắn" bằng một giọng mỉa mai. Cổ áo chúng tôi được lắp một cái vòng bằng đồng có lỗ để vít chặt với chiếc mũ sắt hình cầu. Khi quay đầu, có thể nhìn ra bốn phía qua ba tấm kính dày ở mũ. Sau khi mở vòi khí nén ở máy Ru-cây-rôn đeo sau lưng, tôi buộc chiếc đèn Rum-coóc-phơ vào thắt lưng rồi cầm lấy súng. Bộ đồ lặn nặng nề và đặc biệt là đôi giày được đổ chì ghìm chặt chân tôi xuống sàn. Tôi cảm thấy không thể nhấc nổi chân lên nữa. Nhưng mọi sự đều được dự tính trước. Tôi được đẩy vào một căn phòng nhỏ liền với phòng chứa quần áo. Những người cùng đi cũng vào theo. Tôi thấy tiếng cửa sập lại và bóng tối trùm xuống. Mấy phút sau, tôi nghe thấy tiếng rít và cảm thấy hơi lạnh dâng từ dưới lên. Đúng là ở buồng máy người ta đã mở vòi để nước chảy vào căn phòng chúng tôi đang đứng. Nước vừa ngập phòng thì cánh cửa thứ hai ở ngay thành tàu mở ra. Bên ngoài tranh tối tranh sáng. Một phút sau, chân chúng tôi đã chạm đáy biển. Làm sao có thể miêu tả được những ấn tượng về cuộc dạo chơi dưới biển này? Lời lẽ quả là bất lực trong việc dựng lại những kỳ quan của đáy đại dương. Nếu bút vẽ của họa sĩ cũng không đủ sức truyền đạt lại tất cả vẻ diễm lệ của biển cả thì sao có thể miêu tả được vẻ đẹp ấy bằng cây bút viết? Thuyền trưởng Nê-mô đi đầu, còn người thủy thủ thì đi sau chúng tôi mấy bước. Tôi và Công-xây đi cạnh nhau, làm như có thể nói chuyện với nhau trong chiếc mũ sắt vậy! Tôi không còn cảm thấy sức nặng của bộ đồ lặn và của bình chứa khí nén nữa.

Khi chìm xuống nước, tất cả những vật đó đều đã mất đi một trọng lượng bằng trọng lượng của nước bị chúng chiếm chỗ. Tôi sẵn sàng ca ngợi định luật vật lý đó của ác-si-mét. Nhờ nó tôi không còn là một khối ì nữa, mà đã có thể cử động tương đối dễ dàng. ánh sáng do đèn phát ra chiếu sáng trưng đáy biển. Tất cả những vật ở cách xa một trăm mét đều rõ mồn một. Môi trường quanh tôi trông tựa không khí, tuy đặc hơn nhưng cũng trong như vậy. Phía trên tôi là mặt biển lặng sóng. Chúng tôi đi trên nền cát mịn phẳng lì mà nước triều lên xuống không để lại một vết tích gì. Tấm thảm cát này quả là cái gương phản chiếu những tia sáng mặt trời. Khi tôi nói rằng ở độ sâu mười mét đáy biển cũng sáng như mặt đất ban ngày, chẳng biết có ai tin không? Chúng tôi đi đã được mười lăm phút trên mặt cát lấp lánh. Thân tàu Nau-ti-lúx nhìn xa trông như một dải đá ngầm mờ dần đi, nhưng ánh sáng do đèn pha trên tàu chiếu ra sẽ chỉ đường cho chúng tôi về tàu khi trời tối. Ai đã quen với thứ ánh sáng điện tản mạn, lạnh lùng của các thành phố trên mặt đất thì khó hình dung được sức phản chiếu ánh sáng ở đáy biển. Trên mặt biển, ánh điện xuyên qua không khí chứa đầy bụi, làm chúng ta có cảm tưởng như đứng trước đám sương mù sáng đục. Nhưng trên mặt biển cũng như dưới biển sâu, ánh sáng điện có sức mạnh rất lớn. Chúng tôi đi mãi trên dải cát mênh mông. Tôi lấy tay khỏa nước sau lưng. áp lực nước trong nháy mắt xóa sạch vết chân tôi trên cát. Một lúc sau, ở phía xa dần dần hiện lên hình thù mọi vật. Tôi phân biệt được bóng dáng hùng vĩ của những mỏm đá ngầm và bị lóa mắt bởi hiện tượng ánh sáng đặc biệt chỉ có ở môi trường nước. Lúc đó là mười giờ sáng. Những tia sáng mặt trời chênh chếch bị khúc xạ trong nước giống như qua một lăng kính và tô điểm mép ngoài các mỏm đá, các vỏ ốc, trai... bằng cả bảy sắc của quang phổ mặt trời. Nhìn sự hòa hợp diệu kỳ các màu sắc đó thật sướng mắt! Sao tôi không thể trao đổi cảm xúc với Công-xây, những cảm xúc đang lay động óc tưởng tượng của tôi? Sao tôi không thể chia sẻ niềm hân hoan phấn khởi với Công-xây nhỉ? Sao tôi không biết làm những tín hiệu như thuyền trưởng Nê-mô và người thủy thủ cùng đi để trao đổi ý nghĩ với Công-xây nhỉ? Không tìm được cách giải quyết, tôi đành tự chuyện trò với mình, do đó lãng phí khá nhiều không khí dự trữ rất quý giá. ... Tôi mải ngắm những vật lạ trên con đường ngắn ngủi không hơn một phần tư hải lý, và mỗi lần tôi ngừng lại, thuyền trưởng Nê-mô lại ra hiệu mời tôi đi theo. Một lát sau, tính chất đáy biển thay đổi. Nền cát phẳng phiu nhường chỗ cho lớp bùn dính nhơm nhớp. Tiếp đó, chúng tôi đi ngang qua một bãi tảo dày đặc. Về độ mềm, những bãi tảo dưới đáy biển có thể sánh được với loại thảm dệt khéo nhất. Tảo chẳng những trải ra dưới chân mà còn giăng ngang trên đầu. Những cây cỏ dưới biển đan quấn vào nhau tạo thành những vòm màu xanh ở mặt nước.

Tảo quả là châu ngọc của tạo hóa, là một hiện tượng diệu kỳ trong giới sinh vật. Nó gồm những cơ thể thực vật vừa nhỏ nhất vừa lớn nhất. Bên cạnh những loại tảo li ti mà bốn vạn cây có thể xếp trên năm mi-li-mét vuông, ta còn gặp những loại tảo màu nâu xám dài tới một trăm mét. Chúng tôi ra khỏi tàu Nau-ti-lúx đã được một tiếng rưỡi đồng hồ. Bây giờ đã gần trưa. Tôi đoán như vậy là căn cứ vào những tia sáng mặt trời thẳng đứng không bị khúc xạ trong nước nữa. Các màu sắc huyền ảo đã biến mất. Chúng tôi đi, mỗi bước chân đều vang lên trong nước. Một tiếng động nhỏ cũng lan ra với tốc độ mà tai chúng ta không quen. Nước là môi trường dẫn âm thanh nhanh hơn không khí bốn lần. Đường đi vẫn dốc xuống. ánh sáng mặt trời đã mất hiệu lực. Chúng tôi ở độ sâu một trăm mét và chịu áp suất 10 át-mốt-phe. Nhưng bộ đồ lặn đã giúp chúng tôi thắng được áp lực đó. Tuy vậy, tôi cũng cảm thấy hơi đau ở các đốt tay, nhưng cảm giác đó cũng chỉ thoáng qua. Tôi chẳng thấy mệt mỏi gì sau hai tiếng đồng hồ đi trong bộ đồ lặn đặc biệt này. Trong môi trường nước tôi đã vận động một cách hết sức dễ dàng. ở độ sâu một trăm mét, tôi vẫn cảm thấy những tia phản chiếu cuối cùng của mặt trời đang lặn và nhường chỗ cho hoàng hôn. Nhưng chúng tôi vẫn chưa phải dùng đến máy Rum-coóc-phơ. Thuyền trưởng Nê-mô bỗng dừng lại. Khi tôi bước tới chỗ ông ta thì ông ta chỉ cho tôi một khối xám sẫm hiện lên trong bóng tối mờ mờ, cách chúng tôi không xa. "Đảo Crét-xpô" -tôi nghĩ bụng như vậy và đã không lầm.