Hào Môn Kinh Mộng III: Đừng Để Lỡ Nhau

Chương 642: Vội tới Hồng Kông



Cuộc điện thoại này của đại ca Khôn như đang vô hình đánh Niên Bách Ngạn một gậy, trúng vào gáy anh, đến nỗi cả hô hấp của anh cũng trở nên khó khăn. Từ khi anh bắt đầu nghi ngờ Nguyễn Tuyết Cầm tới khi nhờ đại ca Khôn nhúng tay vào điều tra. Cho đến bây giờ, mới rất lâu sau, đại ca Khôn mới có thông tin. Điều này khiến Niên Bách Ngạn ít nhiều cảm thấy kỳ lạ.

Giải thích cho chuyện này có hai khả năng. Thứ nhất, lai lịch của Nguyễn Tuyết Cầm vô cùng phức tạp, có thể còn dính líu tới rất nhiều người và rất nhiều chuyện. Thứ hai, Nguyễn Tuyết Cầm thật sự trong sạch. Thông thường, càng là những người đơn giản có khi lại không hề tiết kiệm thời gian điều tra hơn những người phức tạp.

Nhưng đại ca Khôn cuối cùng đã có thông tin, hơn nữa còn chỉ rõ Nguyễn Tuyết Cầm có liên quan tới vụ tập kích ở Nam Phi lần trước.

Sao lại trùng hợp đến vậy, bà ta chuyển một số tiền đến?

Niên Bách Ngạn còn nhớ rất rõ, lúc ấy anh quả thực cũng đã bảo Hứa Đồng thông qua các mối quan hệ để điều tra chuyện này. Nhưng về sau tất cả mọi đầu mối đều nhằm về phía Nguyễn Tuyết Mạn. Kỳ thực lúc đó anh cũng hiểu rõ Nguyễn Tuyết Mạn chỉ làm con cừu non thế tội, vì anh hiểu càng là những người ngoài mặt ngông nghênh, phách lối thì thật ra lại càng nhút nhát. Giống như Nguyễn Tuyết Mạn. Sự lợi hại của bà ta chỉ thể hiện ngoài mặt. Anh tin lời bà ta nói, bà ta chỉ sai người theo dõi họ, nhưng thuê những sát thủ dũng mãnh như vậy để trừ khử họ thì Nguyễn Tuyết Mạn không có bản lĩnh.

Nhưng khi ấy Diệp Hạc Phong đang trong cơn thịnh nộ mà anh cũng cảm thấy cần phải làm cho Nguyễn Tuyết Mạn nhụt nhuệ khí, thế nên đã chọn cách im lặng. Lúc đó anh nghi ngờ tất cả mọi người, bao gồm cả Diệp Hạc Thành, nhưng duy chỉ có Nguyễn Tuyết Cầm là không hề nghĩ đến.

Bà ta quá yên lặng, yên lặng như không hề muốn tranh với đời, yên lặng chỉ như không khí, khiến người ta thường hay quên mất sự tồn tại của bà ta.

Thế nên câu nói cuối cùng của đại ca Khôn đã thức tỉnh anh.

Trước đây anh nghi ngờ Nguyễn Tuyết Cầm vì là một người phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ mà bà ta lại có thể nhẹ nhàng có được hàng trắng, cũng bởi vì bà ta nhờ cậy anh khuyên Diệp Hạc Thành từ bỏ việc kháng án, còn vì vô vàn những dấu hiệu khác, ví dụ như Tố Diệp phát hiện ra cuốn sách bị xé trang trong phòng sách của Diệp Hạc Thành, rồi bức ảnh bị vẽ mực… Niên Bách Ngạn nghi ngờ, có người cố tình muốn Tố Diệp nhìn thấy những thứ ấy.

Thử nghĩ mà xem, nếu Diệp Hạc Thành có thể ngụy trạng đến mức đó, lại thể hiện tự nhiên trước mặt Diệp Hạc Phong như thế, người này cần có một sức chịu đựng và sự nhẫn nại cực lớn. Tư duy của người này chắc chắn rất kín kẽ, khiến ngay cả một người ngày ngày ở cùng ông ta như Diệp Hạc Phong cũng không hề phát hiện ra ý đồ, đủ để chứng ming Diệp Hạc Thành đóng kịch rất tài.

Có lẽ ông ta vẫn luôn căm ghét Diệp Hạc Phong, hoặc giống như ông ta đã nói, sau khi chuyện ông ta dan díu với bạn gái của Tiểu Giả bị phát giác rồi lại bị lấy lại quyền cổ phần, đó đã trở thành ngòi nổ để ông ta muốn triệt để báo thù Diệp Hạc Phong.

Một người như vậy làm sao có thể bày chứng cứ một cách lộ liễu như vậy? Hơn nữa còn để Tố Diệp bắt gặp một cách trùng hợp đến thế?

Chỉ có thể chứng tỏ, có người muốn nói với Tố Diệp số chứng cứ này là muốn lợi dụng Tố Diệp để đánh đổ Diệp Hạc Thành.

Thế nên Niên Bách Ngạn bắt đầu nghi ngờ, người này chính là Nguyễn Tuyết Cầm.

Nếu thật sự là bà ta, nếu bà ta thật sự đã từng thuê sát thủ tới Nam Phi, vậy thì bà ta đã hoàn toàn rơi vào tình cảnh như Niên Bách Ngạn suy đoán, chó cùng bứt giậu!

Tố Diệp không ra tòa tố cáo Diệp Hạc Thành, cả anh cũng vậy. Mà cảnh sát rõ ràng vẫn còn đang đắn đo về tội trạng của Diệp Hạc Thành. Hành vi mua ma túy trong lúc tình thế cấp bách của Nguyễn Tuyết Cầm đã ít nhiều dồn bà ta vào thế bất lợi, thế nên ắt hẳn bà ta sẽ hành động.

Ở Nam Phi, nếu là Nguyễn Tuyết Cầm thì tại sao lại phải giết anh hoặc Tố Diệp để diệt khẩu? Vì lợi ích gia tộc ư? Đây là lý do chính đáng nhất, hơn nữa còn có thể đổ tội cho Nguyễn Tuyết Mạn một cách hoàn hảo, một mũi tên trúng hai đích. Vậy thì bây giờ liệu có khi nào bà ta giở lại mánh cũ?

Nếu là vậy, mục tiêu của bà ta sẽ là ai?

Là Tố Diệp? Hay là anh?

Niên Bách Ngạn không quan tâm được nhiều như vậy nữa. Nếu Nguyễn Tuyết Cầm chỉ một lòng muốn đối phó với anh thì anh có thể đường hoàng đợi bà ta tới cửa. Sợ nhất là bà ta lợi dụng Tố Diệp để đối phó với anh, hoặc người bà ta muốn đối phó chỉ có Tố Diệp, thế thì nguy to!

Anh không thể mạo hiểm!

Bắt gặp dáng vẻ sốt ruột của anh, Hứa Đồng giật mình. Sau khi nghe xong lời dặn dò của anh, đầu tiên Hứa Đồng ngẩn người giây lát, sau đó gấp gáp nói: “Tổng giám đốc! Bây giờ anh không thể rời khỏi Nam Phi. Người xem hàng không bao lâu nữa sẽ tới. Không có anh ở đây, họ kiểm lô hàng đầu tiên thế nào được? Đơn hàng này vô cùng quan trọng đối với anh. Anh không có mặt, lỡ họ không ký hợp đồng thì phải làm sao?”

Dĩ nhiên Niên Bách Ngạn biết khách hàng sắp tới. Hơn nữa theo thỏa thuận ban đầu, khi họ kiểm hàng anh bắt buộc phải có mặt. Khi ấy anh nghĩ đây là đơn hàng đầu tiên, cực kỳ quan trọng. Phát súng đầu tiên mà vang dội thì những đơn đặt hàng tiếp theo sẽ không phải lo lắng nữa.

Anh cố gắng bình tĩnh lại, rồi nhìn Hứa Đồng với vẻ nghiêm túc: “Cô ở lại đây!”

“Dạ?” Hứa Đồng trợn tròn mắt: “Tổng giám đốc! Anh…”

“Chính cô cũng từng nói, tình hình ở đây cô nắm rõ hơn ai hết. Trước đây cô cũng thường xuyên theo tôi tới Nam Phi, tình hình của kim cương cô cũng thông thạo. Thế nên Hứa Đồng, lúc này tôi cần cô giúp tôi. Sau khi khách hàng tới cô phụ trách việc đón tiếp và ký hợp đồng.” Niên Bách Ngạn nói rõ ràng từng từ.

Hơi thở của Hứa Đồng hơi gấp gáp: “Nhưng nếu khách hàng kiên quyết muốn gặp anh thì…”

“Vậy thì tôi chấp nhận từ bỏ đơn hàng này.” Thái độ của Niên Bách Ngạn vô cùng kiên quyết.

Hứa Đồng nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề, cũng biết khiến Niên Bách Ngạn khăng khăng rời đi như thế này, chắc chắn có một lý do quan trọng nào đó. Cô đang suy nghĩ không biết có phải Tố Diệp có chuyện không, nhưng không thể hỏi. Cô hít sâu một hơi, gật đầu: “Được! Tôi biết phải làm thế nào rồi. Anh cứ yên tâm! Tôi quyết tâm phải ký thành công đơn hàng này!”

Niên Bách Ngạn giơ tay, vỗ mạnh lên vai cô: “Cảm ơn cô!”

Hứa Đồng thuận miệng đáp: “Đây là công việc của tôi!” Nói xong cô mới ý thức được mình không còn là trợ lý của anh nữa, có phần ngượng ngập, hắng giọng chữa lại: “Giờ tôi sẽ lập tức đi đặt vé máy bay.”

Niên Bách Ngạn gật đầu.

Hứa Đồng quay người rời đi.

Niên Bách Ngạn đứng nguyên ở đó. Gió thổi qua làm mái tóc anh rối tung cũng khiến cả trái tim anh rối bời. Anh trở nên bất an, sốt ruột, bắt đầu đi qua đi lại. Sau đó anh rút di động ra, gọi vào một số điện thoại.

Tố Diệp không nghe máy.

Anh nhíu mày, lại gọi tiếp vào di động của Kỷ Đông Nham.

Vẫn không liên lạc được.

Niên Bách Ngạn chỉ muốn mọc thêm đôi cánh, bay ngay tới làng chài Đại Áo xem rốt cuộc tình hình thế nào. Nhưng xa cách cả khung trời, mọi việc đang nằm ngoài tầm tay của anh.

Anh lại gọi điện thoại cho đại ca Khôn. Ai ngờ đường dây bận. Anh vừa ngắt máy thì điện thoại cũng rung lên. Anh bắt máy ngay lập tức, quả nhiên là đại ca Khôn gọi tới cho anh.

“Anh đã điều tra ra, trước mắt Nguyễn Tuyết Cầm đang ở Hồng Kông!”

Trái tim Niên Bách Ngạn đập thịch một tiếng.

“Con gái của Nguyễn Tuyết Cầm, Diệp Lan tham gia một triển lãm đá quý ở Hồng Kông. Bà ta đi cùng con mình.”

“Giờ bà ta vẫn ở Hồng Kông?”

“Đúng vậy! Bà ta và Diệp Lan hiện ở tại khách sạn Tứ Quý, nhưng rất ít ra ngoài. Diệp Lan còn phải đi làm, bà ta chỉ ở lỳ trong khách sạn.”

Điều này quá kỳ lạ.

Niên Bách Ngạn cảnh giác trong lòng.

Rất lâu sau anh mới nói: “Đại ca Khôn! Người của anh có thể đến ngay làng chài Đại Áo không?”

“Đại Áo?” Đại ca Khôn tỏ ra kỳ lạ, suy nghĩ giây lát mới nói: “Có thể, nhưng cần thời gian. Chú cũng biết công an Trung Quốc và cảnh sát Hồng Kông theo dõi người của bọn anh rất gắt gao, chỉ có thể đi thuyền thôi, còn phải né tránh các lần kiểm tra đột xuất.”

Niên Bách Ngạn cũng biết rõ làm vậy là làm khó cho người của đại ca Khôn, nhưng chuyện đã đến nước này, anh không còn cách nào khác, chỉ còn cách cậy nhờ người của họ tới đó thật nhanh. Anh nhẩm tính thời gian, xét theo phương tiện giao thông, anh là tiện nhất. Sáu tiếng bay là tới được Hồng Kông, sau đó nhanh chóng tới làng chài Đại Áo. Tới lúc đó, nếu người của đại ca Khôn có thể tới kịp, ít nhất cũng có sự bảo đảm.

Đại ca Khôn đồng ý, còn dặn anh phải hết sức cẩn thận…

***

Hồng Kông, làng chài Đại Áo.

Tố Diệp ngủ không biết trời đất gì, khi cô tỉnh giấc thì hoàng hôn đã buông. Cái cảm giác đồng hồ sinh học bị đảo lộn như thế này quả là tệ hại vô cùng. Cô và Kỷ Đông Nham đã đi ngày đêm, vội tới làng chài Đại Áo, rồi thông qua người bạn của cô ở Hồng Kông là Sa Sa mà tìm được một căn nhà nông thôn ở làng chài Đại Áo. Cái gọi là nhà nông thôn thực ra chính là quán trọ. Vì mấy năm gần đây, người tới với làng chài Đại Áo cũng ngày một đông, thế nên cũng có những nhà trọ của người dân như thế này.

Nên gọi là nhà dân, nhưng Tố Diệp thích gọi nơi đây là nhà trọ hơn. Vì chủ yếu là những căn nhà gỗ, khiến cô nhớ tới những căn nhà của các gia đình dân tộc thiểu số ở Vân Nam.

Kỷ Đông Nham đã dậy từ lâu, đang ngồi uống cafe trên boong tàu bên ngoài nhà trọ. Sau lưng anh là cả một dải mây ngũ sắc, cứ thế lan ra ngàn dặm. Đây là lần đầu tiên Tố Diệp nhìn thấy một cảnh tượng hùng vĩ như thế. Cô chào Kỷ Đông Nham, sau khi “chào buổi sáng” thì chạy đi ngắm hoàng hôn.

Trời biển nối liền. Phía xa xa là bóng râm màu xám xanh, ở giữa là ráng chiều màu đỏ vàng, phản chiếu lên lớp lớp tầng mây, rồi tiến hành chuyển tiếp màu sắc từng chút một, cuối cùng khi rơi xuống đầu cô đã trở thành ánh sáng màu lam đỏ.

“Còn sớm?” Kỷ Đông Nham bất mãn giơ tay nhìn đồng hồ: “Anh định đi ngủ tới nơi rồi.”

“Gì mà khoa trương thế!” Tố Diệp uể oải ngồi đối diện anh, vặn mình một cái rồi chỉ ra khung cảnh xung quanh: “Anh cũng biết Hồng Kông bây giờ mỗi ngày mỗi khác, muốn tìm về Hồng Kông xưa kia vẫn phải tới đây. Làng chài ban ngày thì có gì mà xem? Khi hoàng hôn buông xuống, các dân chài thu lưới về nhà, khói bếp các nhà nghi ngút, đám trẻ chạy qua chạy lại trên bãi cát. Chỉ có lúc này mới là thời gian tuyệt nhất để hưởng thụ, hiểu không?”

Kỷ Đông Nham tảng lờ màn trình bày dài dòng văn tự của cô. Anh gõ lên bàn: “Chị hai à! Em đi cùng anh là để tìm đáp án, không phải tới đây du lịch đâu.”

Tố Diệp đón lấy một cốc nước, rồi lườm anh: “Làm ơn đi! Anh mới là người tới đây tìm kiếp trước. Còn em chỉ tiện đường tới nghỉ ngơi, du lịch thôi, rồi nhân tiện đặt vé máy bay đi Nam Phi nữa.”

“Em mà không giúp anh tìm ra đáp án, đừng hòng anh để em rời khỏi đây!” Kỷ Đông Nham hung dữ nói.

Tố Diệp chống cằm: “Khi chúng ta còn học mẫu giáo, thầy cô đã từng dạy rằng, chuyện của ai, người ấy phải tự làm.”

“Nhưng chuyện này có liên quan tới em.” Kỷ Đông Nham trả lời kiểu trả thù: “Nếu không phải tại em dính vào Dương Nguyệt, làm cái trị liệu hồi tưởng kiếp trước gì đó, hôm nay anh cũng không cần phải tới đây.”

Tố Diệp chép miệng, lắc đầu: “Rõ ràng là tự anh muốn tới còn viện lắm lý do, đáng ghét! Rõ ràng anh dậy sớm như thế, có thể tự đi điều tra cơ mà.”

Kỷ Đông Nham khó chịu, không có động tĩnh gì.

Tố Diệp nhìn anh chằm chằm, rồi chợt hiểu ra: “À, em hiểu rồi! Thật ra anh sợ chứ gì?”

Kỷ Đông Nham trừng mắt: “Tố Diệp! Em mà còn không hợp tác với anh, cẩn thận anh khiến em không đi được thật đấy!”

“Được rồi, được rồi, chẳng phải em dậy rồi sao?” Tố Diệp đứng dậy: “Đợi em lấy đồ rồi chúng ta xuất phát.”

Mười lăm phút sau, hai người rời khỏi nhà trọ. Họ xin ông chủ nhà trọ một tấm bản đồ làng chài Đại Áo cực lớn, sau đó cầm theo bức tranh miêu tả tuyến đường mà Dương Nguyệt từng vẽ khi bị thôi miên, đi tìm địa chỉ của Nghi Anh hoặc Hải Sinh mà Dương Nguyệt nhắc tới.

Tâm trạng của Tố Diệp và Kỷ Đông Nham không giống nhau. Cô không lấy việc tìm kiếm làm mục đích, phần nhiều chỉ là cảm nhận cái nhàn nhã xưa cũ của Hồng Kông.

Nếu ví Hồng Kông bây giờ như một bức ảnh rực rỡ nhiều màu sắc thì làng chài Đại Áo lại chính là một bức ảnh đen trắng hiếm hoi được lưu giữ lại. Hoặc có thể nói nó là ảnh nhựa. Tuy rằng ở đây cũng có đầy đủ dấu ấn của xã hội hiện đại, nhưng so với những nơi khác, nơi đây đã cố gắng hết sức có thể để lưu giữ một phần kỷ niệm cuối cùng, giữ lấy dấu tích của quá khứ.

Đại Áo nằm ở cực Tây Nam của Hồng Kông, khách du lịch nội địa muốn tới Đại Áo sẽ rất xa xôi. Tố Diệp nhìn những căn nhà gỗ và những dòng nước ngang dọc, cứ luôn miệng cảm thán. Nơi đây được người ngoài mệnh danh là “Venice của Hồng Kông”. Đương nhiên, điều đó chỉ thể hiện cuộc sống sông nước hình thành giữa nhà và nước, chứ không phải một Đại Áo xa hoa. Nơi đây nên được miêu tả như một cảnh quan nhân văn nguyên sinh nhất.

Tố Diệp chưa bao giờ tới làng chài, thế nên nhìn thấy thứ gì cũng cảm thấy mới lạ.

Kỷ Đông Nham phóng tầm mắt ra xa, rồi lại nhìn vào bản đồ, thở dài: “Ở đây toàn là những căn nhà gỗ na ná nhau.”

“Đúng rồi! Toàn là nhà gỗ, xem ra Đại Áo cũng có kiến trúc mang tính biểu tượng rồi.” Tố Diệp nhìn thấy rất nhiều nhà gỗ cũ. Sau bao lần bị mưa vùi gió dập, gỗ cũng đã ngả sang màu xám, nhìn có vẻ rất cũ nát. Kỳ thực chúng đều được làm chủ yếu từ gỗ lam hoặc gỗ lim, cắm thẳng một cọc gỗ cao khoảng hơn ba mét vào nước.

Dọc đường, họ hỏi thăm không ít người, rất nhiều người đều nói chưa từng nghe thấy cái tên Hải Sinh. Sau đó, có một người dân địa phương khuyên họ đi vào khu dân cũ hỏi xem. Vì ở đây đa phần đều là những cư dân chuyển từ nơi khác tới, chuyện đời trước ít người nắm rõ.

Họ bèn hỏi thăm đường đi tới khu dân cũ. Nơi đây trông còn cũ nát hơn cả khu vực họ ở.

Có một gia đình thuyền chài đang thu lưới đánh cá. Đó là một ông lão tầm khoảng 50, 60 tuổi, miệng nhàn nhã ngậm điếu thuốc lá. Tố Diệp ra hiệu cho Kỷ Đông Nham đi tới hỏi thăm. Kỷ Đông Nham hít sâu rồi bước đến.

“Chào chú! Cho cháu hỏi muốn tới đây phải đi thế nào ạ?” Anh giơ bức vẽ của Dương Nguyệt ra hỏi.

Ông lão nheo mắt nhìn cho kỹ. Có lẽ vì những ngôi nhà gỗ trong hình đều khá giống nhau, ông ấy cũng không nhận ra, bèn hỏi: “Cậu muốn tìm nhà ai?”

Cố gắng lắm Kỷ Đông Nham mới nghe hiểu lời ông lão nói. Anh trả lời: “Hải Sinh ạ. Chú có biết ở đây có nhà nào có người tên là Hải Sinh không ạ? À, có lẽ là đã lâu lắm rồi, khoảng…”

Kỷ Đông Nham quay đầu nhìn Tố Diệp. Tố Diệp nói với anh bằng khẩu hình miệng. Anh thở dài, rồi lặp lại với ông lão: “Sáu mươi, bảy mươi năm về trước.”

Ông lão ngẫm nghĩ: “Hải Sinh… Cái tên này nghe quen lắm. Cậu tới hỏi thím Kiều sống cách đây hai dòng nước nữa. Năm nay thím ấy hơn chín mươi tuổi rồi, chuyện gì của làng chài, thím ấy cũng biết!”