Hào Môn Kinh Mộng III: Đừng Để Lỡ Nhau

Chương 663: Chiếc đồng hồ quả quýt



Khi mưa thu đổ xuống thành phố. Sương mù giăng ngoài cửa sổ, nhạt nhòa, che lấp dòng người và xe đang bận rộn trên đường. Tranh thủ trong lúc bận rộn, làm xong bản báo cáo giám định cuối cùng, Diệp Lan quay ghế, nhìn ra màn mưa ào ạt ngoài trời. Cho dù ngăn cách một lớp kính thủy tinh, cô vẫn cảm nhận được không khí rét mướt.

Không hiểu sao, cô cảm thấy mùa thu năm nay không bằng năm ngoái, không mang vẻ đẹp tĩnh lặng của thu năm ngoái, cũng không có cái rực rỡ của trời thu năm ngoái. Sương mù quét qua thành phố, cũng nuốt trọn cả tia nắng có thể soi rọi trái tim.

Rất lâu sau, cô cầm di động lên, mở weixin của Tố Diệp.

Vẫn là dòng tin đăng từ mấy hôm trước, không có tin nào mới hơn. Đó là bức ảnh của một bé gái Tây Tạng, tóc tai hơi rối, quần áo không vừa người cho lắm, có thể nhận ra đó là một bộ quần áo ủng hộ. Con bé ôm cổ Tố Diệp, ngồi trong lòng Tố Diệp, chỉ he hé một nửa gương mặt nhỏ xíu, dè dặt nhìn vào ống kính.

Còn Tố Diệp trong ảnh chỉ buộc mái tóc dài lên một cách đơn giản, ăn mặc rất giản dị. Rõ ràng là khu vực thiên tài này đã lạnh lắm rồi. Chị ấy quấn một chiếc khăn choàng cổ rất dày, cúi đầu như đang dỗ dành đứa bé.

Trên weixin nói: Cô bé tên là Trát Tây Đạt Ngõa, chúng tôi quen gọi bé là Đạt Ngõa. Đạt Ngõa trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là ánh trăng. Còn Trát Tây là câu chúc phúc thường gặp. Đạt Ngõa năm nay năm tuổi. Bố mẹ đều đã mất trong cơn địa chấn. Trước khi mất, mẹ đã dùng cả cơ thể để che chở cho Đạt Ngõa, Đạt Ngõa mới có thể sống sót. Đạt Ngõa rất sợ người lạ, còn vì thiên tai lần này mà mất đi khả năng nói. Đương nhiên, con bé không bị câm vì bệnh sinh lý. Cơ quan phát âm của con bé không hề bị tổn thương, mà đã mắc bệnh tự kỷ, không còn thích nói chuyện nữa. Đạt Ngõa là bé gái duy nhất trong năm bé mà trước mắt tôi phụ trách. Hy vọng sau này con bé sẽ được như cái tên của mình, cát tường như ý.

Diệp Lan đọc đi đọc lại dòng tin này của Tố Diệp, việc duy nhất cô có thể làm là lặng lẽ nhấn một nút “like” cho chị ấy. Vì bố mẹ mình, cô không biết phải đối mặt với Tố Diệp như thế nào. Tối ấy khi mẹ bị bắt, cô nhìn thấy một cảnh tượng tan hoang đổ nát, cũng nhìn thấy Tố Diệp ngất xỉu. Mà sau này cô mới biết, Tố Diệp và Niên Bách Ngạn suýt nữa mất mạng đều do mẹ cô mà ra.

Bây giờ đừng nói là Tố Diệp, ngay cả Lâm Yêu Yêu cô cũng ngại giáp mặt. Sau khi đi làm, cô cố gắng sắp xếp thời gian thật kín. Đã đến nước này, việc cô có thể làm là khiến bản thân mình trở nên bận rộn, không thể ngày nào cũng chán chường như một kẻ tàn phế.

Nhưng điều khiến cô cảm thấy kinh ngạc là, cô vốn tưởng khi đi làm trở lại sẽ phải hứng chịu khuôn mặt lạnh của quản lý, ai ngờ còn nhận được thông báo thăng chức. Cô đã thay thế người quản lý đó, lên đảm nhận vị trí phụ trách bộ phận giám định. Điều này quả thực khiến cô khó hiểu.

Về sau, cấp trên có giải thích, trước đây một bản giám định của cô đã giúp công ty tránh được một khoản tổn thất không nhỏ, thăng cấp tăng lương là ý của ông chủ. Vào lúc cô đang vắt óc nghĩ cách cảm ơn phần thưởng của sếp thì bất ngờ nhận được điện thoại của Kỷ Đông Nham.

Cô và Kỷ Đông Nham vốn dĩ chưa tiếp xúc bao giờ, số lần nói chuyện cũng vô cùng ít ỏi. Thế nên khi nhận được điện thoại của anh ấy, ít nhiều khiến cô cảm thấy kỳ lạ. Kỷ Đông Nham đi thẳng vào vấn đề, nói Diệp Uyên đã bán cổ phần của mình, nhưng anh ấy vẫn muốn người nhà họ Diệp tiếp tục giữ cổ phần nhà họ Diệp, thế nên dự định điều chỉnh phần quyền cổ phần ít ỏi trong tay Diệp Lan, bảo cô trong một ngày gần nhất có thể tới ký hợp đồng.

Diệp Lan suy nghĩ rồi nói: Hay là anh để lại cổ phần cho chị Tố Diệp đi!

Kỷ Đông Nham khuyên cô: Đừng uổng phí tâm ý của anh rể cô.

Lúc ấy Diệp Lan mới biết thì ra Niên Bách Ngạn đứng giữa có lời. Thế là cô gọi điện cho Niên Bách Ngạn, đầu tiên tỏ ý cảm ơn, sau đó nói rằng mình không thể tiếp nhận lòng tốt này.

Niên Bách Ngạn nói với ngữ khí nhẹ nhàng, đầy lý lẽ rằng con gái có tiền bên người dẫu sao cũng là chuyện tốt, còn khuyên cô sau khi tăng cổ phần lên, cô có thể cầm tiền đi du lịch đâu đó cho khuây khỏa, muốn làm gì đợi cho tâm trạng vui vẻ hơn hẵng tính.

Diệp Lan nói bây giờ việc duy nhất mình có thể làm chỉ còn công việc. Không còn cách nào khác, Niên Bách Ngạn đành nói thật. Lúc đó Diệp Lan đã bật khóc. Cô nói bây giờ cô không muốn rời khỏi ngành này, cũng không muốn rời xa Bắc Kinh. Lúc nào nhớ bố mẹ, ít nhất cô còn có thể vào tù thăm nom. Rồi cô nói tiếp: Anh rể! Nếu anh muốn tốt cho em thì cứ để mặc em đi. Em đã lớn rồi, biết rõ nên làm chuyện gì, không nên làm chuyện gì. Phải để tự bản thân em đi hết cuộc đời mình mới được, người khác không giúp nổi đâu.


Về sau, Niên Bách Ngạn có hết lời khuyên nhủ kiểu gì, cô sống chết cũng không đồng ý. Hết cách, Niên Bách Ngạn chỉ có thể đi tới đâu hay tới đó.

Một ngày bận rộn nhanh chóng kết thúc.

Lúc tan làm, Diệp Lan lỡ mất mười phút mới vào được thang máy. Hôm nay trời đổ mưa, mọi người ai cũng vội về nhà, thế nên cô không muốn bon chen với mọi người. Cửa thang máy vừa đóng lại, cô bỗng nghe thấy một tiếng gọi: “Đợi một lát!”

Diệp Lan vội giữ thang máy lại.

Chẳng mấy chốc, có một cô gái đi vào, tiếng giày cao gót lanh lảnh. Diệp Lan ngước mắt lên nhìn. Đây là con gái của ông chủ, cũng là người chịu trách nhiệm lớn nhất của Bright. Cô khẽ gật đầu chào hỏi.

Joey mỉm cười đáp lại.

Hai năm nay Diệp Lan ở nước ngoài, điều duy nhất học được chính là không có sự phân cấp cấp trên cấp dưới. Hơn nữa vừa về nước cô đã vào ngay Tinh Thạch. Tuy Niên Bách Ngạn để cô làm từ cấp thấp nhất, nhưng nói gì thì nói Tinh Thạch vẫn là của nhà họ Diệp, chủ tịch là bác cô, tổng giám đốc dưới một người trên vạn người là anh rể cô. Thế nên cô không có thói quen dè dặt, e sợ khi gặp cấp trên. Bây giờ tới Bright, cô vẫn vậy.

Vì vậy sau khi thấy Joey đi vào, cô nói một câu đúng mực: “Nghe nói việc điều động nhân sự lần này được cô Joey đồng ý, rất cảm ơn cô đã khen thưởng.”

Joey không ngờ cô lại chủ động chào hỏi mình. Từ sau khi cô ta tiếp quản việc kinh doanh ở Trung Quốc đã phát hiện nhân viên Trung Quốc có thói quen xa rời cấp trên, chứ không giống như người Âu Mỹ có thể vì một vấn đề mà tranh cãi với cả cấp trên. Đa phần cấp trên nói gì là họ sẽ làm theo, rất ít khi phát biểu ý kiến của mình.

Cô ta quay sang nhìn Diệp Lan, khẽ nói: “Không cần cảm ơn tôi. Đây là ý của ông chủ. Năng lực của cô rất được công ty khẳng định, mong cô tiếp tục cố gắng.”

Diệp Lan khẽ gật đầu: “Cảm ơn cô!”

Lúc này Joey mới quan sát kỹ Diệp Lan, cảm thấy cô không giống các nhân viên khác. Tạm thời không nói tới sự chuẩn mực của cô, ngay cả thái độ xử lý công việc của cô cũng khiến cô ta phải khen ngợi. Đổi lại là nhân viên khác, khi được thăng chức, sớm đã nói mấy lời nịnh nọt công ty và lãnh đạo rồi.

Cô ta biết thân phận của Diệp Lan. Một cô chủ mà có thể nhẫn nại cũng đã giỏi lắm rồi. Vì một bản giám định của cô quả thực đã giúp công ty tránh được tổn thất, chỉ có điều đợi trước cô xin nghỉ phép, nên phải đợi cô hết hạn nghỉ phép quay về công ty mới có thể thăng chức, tăng lương.

“Tôi đã nghe nói chuyện của gia đình cô. Mọi việc rồi sẽ qua thôi, cô đừng quá đau lòng.” Hiếm khi Joey nói được một câu như vậy. Vì cô ta cảm thấy, tuy chỉ mới tiếp xúc với Diệp Lan một thời gian ngắn, nhưng cô ta vẫn có cảm giác rất thân thiết. Có lẽ chính vì sự thoải mái của cô.

“Cảm ơn cô!” Sống mũi Diệp Lan cay cay, nhưng vẫn nhịn xuống.

Cửa thang máy mở ra.

Joey lái xe lên đi thẳng xuống tầng hầm. Diệp Lan đi xuống tầng một. Khi ra ngoài, Joey lại gọi giật cô lại: “Sau này làm việc có khúc mắc gì có thể tìm tôi bất cứ lúc nào.”

Diệp Lan cũng cảm thấy cô ta không hề ra vẻ kiêu ngạo của một người sếp, bèn khẽ gật đầu: “Vâng!”

Ra ngoài công ty, gió lạnh thổi phần phật. Nước mưa buốt giá như chiếc kim thêu quét ngang mặt. Tuy cơn mưa đã nhỏ đi nhiều nhưng vẫn chưa tạnh. Nghe nói tối nay vẫn còn mưa lớn.

Con đường phía trước bị một người chặn lại, sau đó có một chiếc ô che lên đỉnh đầu cô. Cô tưởng Tố Khải tới đón mình, ngẩng đầu lên nhìn hóa ra là Cảnh Long.

“Anh…”

“Anh đưa em về nhà!” Cảnh Long dịu dàng nói.

Diệp Lan đứng sững ở đó. Có thể nhận ra ý của anh ta từ trong đôi mắt, cô khẽ thở dài: “Cảnh Long! Anh đừng quan tâm tới tôi nữa. Thật sự là chúng ta không thể đến với nhau được.”

Cảnh Long nhìn cô: “Lan Lan! Anh chỉ muốn ở bên cạnh em trong lúc này mà thôi.”

“Không cần đâu!” Ngữ khí của Diệp Lan trở nên cứng rắn. Cô quay người bỏ đi.

Cảnh Long giữ cô lại: “Tố Khải đã bắt bố mẹ em, em vẫn còn có thể ở bên cạnh cậu ta?”

Trong lúc nôn nóng, những lời nói ra chẳng bao giờ dễ nghe. Vì thế, gương mặt Diệp Lan biến sắc, càng lúc càng cực kỳ khó coi. Cảnh Long thấy vậy, vội vàng xin lỗi: “Anh xin lỗi! Anh không có ý gì khác. Anh… Anh xin lỗi em.”

Diệp Lan còn chưa lên tiếng, đã có một giọng nói xen vào, bực bội và lạnh lùng: “Những lời buột miệng nói ra thường là những lời thật lòng. Cảnh Long, nói xấu sau lưng người khác là hành vi của người quân tử sao?”

Cảnh Long và Diệp Lan đồng thời nhìn qua. Là Tố Khải.

Anh đã thay cảnh phục, cầm một chiếc ô trong tay. Anh đứng dưới ô, nhìn thế nào cũng thấy nghiêm nghị. Cảnh Long có phần ngượng ngập. Anh ta hắng giọng, định nói gì lại thôi.

Tố Khải đi về phía Diệp Lan, nói với cô: “Đi nào! Về nhà thôi!”

Diệp Lan vốn định đi dạo dưới mưa một chút để đầu óc được tỉnh táo, xua tan phiền muộn trong lòng. Nhưng cô lại không muốn khiến Cảnh Long hiểu lầm cô có tình cảm với anh ta, đành gật đầu, tới dưới ô của Tố Khải.

“Lên xe đợi anh trước.” Tố Khải dúi chiếc ô vào tay Diệp Lan.

Diệp Lan không biết anh định nói gì với Cảnh Long, có lẽ cũng không muốn cô nghe thấy. Cô đồng ý, rồi lên xe trước.

Tố Khải đứng trong làn mưa bụi, sắc mặt trông càng giá lạnh.

“Diệp Lan đã ở cùng với tôi rồi, tôi khuyên anh đừng có giở lắm trò ra như thế nữa.”

Cảnh Long nhìn Tố Khải, ánh mắt chợt tối đi, nói: “Tố Khải! Có phải cậu có ý kiến với tôi không? Diệp Lan chưa kết hôn, tôi vẫn có quyền theo đuổi cô ấy.”

“Dĩ nhiên là anh có quyền, nhưng tốt nhất anh đừng gây trở ngại cảnh sát chúng tôi làm việc. Anh tưởng giờ anh không còn là cảnh sát, tôi không làm gì anh được phải không?” Tố Khải nhíu mày.

“Cậu nói thế là có ý gì?”

Nhiệt độ trong ánh mắt Tố Khải càng giảm mạnh hơn: “Đừng tưởng tôi không biết người mật báo tin lần trước là anh. Tôi xuất thân từ một gián điệp, muốn tìm ra kẻ đó không phải là không có cách.”

Cảnh Long mím chặt môi.

“Nếu bây giờ anh vẫn còn ở trong đội cảnh sát, hành vi này đủ để khai trừ anh ngàn lần vạn lần, thậm chí là tuyên án! Anh cũng từng là một cảnh sát, rõ ràng biết đây là việc làm phạm pháp vẫn còn làm? Lần này bị tôi điều tra ra, tôi chưa đưa anh em tới bắt anh đó là nể tình bạn khi trước. Từ nay về sau, tốt nhất anh an phận một chút cho tôi, nếu không đừng trách tôi không khách khí.”

Cảnh Long: “Nếu không? Tố Khải! Đã khi nào cậu khách khí với tôi? Nếu không có cậu, tôi và Diệp Lan đã kết hôn từ lâu rồi.”

Tố Khải cười khẩy: “Thế nên, anh đang báo thù tôi, cố ý phá hoại hành động của chúng tôi phải không? Rõ ràng anh biết tôi đang theo đuổi con đường nào, thế là anh cản trở từ bên trong. Lẽ nào anh không sợ bị ghép tội thông đồng, cá mè một lứa với đám buôn ma túy sao?”

“Tôi có thông đồng hay không, cậu là người biết rõ nhất!”

“Không sai, thế nên tôi mới nhắm một mắt, mở một mắt. Nếu còn có lần sau, tôi nhất định sẽ không tha cho anh đâu. Cảnh Long! Dù là tôi nợ anh hay anh nợ tôi, hành vi bẩn thỉu của anh cũng đủ để lý lịch cảnh sát trước kia của anh bị bôi đen, cũng đủ để cắt đứt tình anh em đồng chí giữa chúng ta. Nếu anh muốn làm tốt với kinh doanh của gia đình mình thì bỏ ngay mấy trò mèo đó đi. Anh làm được thì tôi cũng làm được. Làm ăn sợ nhất là dây vào kiện cáo. Đừng ép tôi phải đối phó với anh.” Tố Khải đe dọa.

Cảnh Long mím chặt môi, gương mặt tái mét.

Nói xong câu ấy, Tố Khải cũng rời đi, để mặc anh ta đứng dưới mưa, bàn tay cuộn chặt lại thành nắm đấm…

***

Tố Diệp tới khu tự trị Tây Tạng cũng đã hơn một tuần rồi. Trong một tuần này, cô thích ứng rất nhanh với phản ứng cao nguyên rồi bắt đầu chìm vào công ty. Có thể nhanh chóng quen với khí áp của nơi đây đều nhờ kinh nghiệm leo núi trước kia của cô. Những nơi cao hơn mặt nước biển cô đều đã từng tới. Mà ngay Tây Tạng cô cũng đặt chân qua, nên đã chuẩn bị sẵn tâm lý từ trước.

Nhưng Hà Minh, Cố Lâm và Trình Quân thì không may mắn như vậy. Họ phải quằn quại đúng một tuần mới miễn cưỡng thích ứng được. Khi mới tới khu tự trị Tây Tạng, ba người họ gần như ngất xỉu.

Người khiến Tố Diệp có một cái nhìn khác là Phương Bội Lôi. Tuy rằng chị ta cũng có phản ứng cao nguyên nhưng có thể nhận ra chị ta có một sức chịu đựng mạnh mẽ. Tuy đôi lúc nói chuyện với Tố Diệp, hai người vẫn không tránh khỏi tranh cãi nhưng cô vẫn cùng chị ta chăm sóc các đồng nghiệp khác.

Trước đây khi tới Tây Tạng, đa phần Tố Diệp chỉ du lịch, ngắm cảnh. Khu vực cô tới nhiều nhất là Lhasa. Cuộc hành trình tới với một khu núi sâu thế này chưa từng có.

Sau khi xuống máy bay, cô có thể cảm nhận được một bầu không khí trong lành mà Bắc Kinh không có được. Tuy rằng mùa này ở Tây Tạng đã rất lạnh rồi nhưng ban ngày, nắng vẫn rất đủ đầy. Dường như, đối mặt với những tia nắng rực rỡ này đã là một chuyện vui vẻ.

Đến với khu vực thiên tai, Tố Diệp không còn thời gian ngắm trời xanh mây trắng, mềm như bông nữa, càng không có tâm tư hưởng thụ cảm giác giao hòa giữa con người và thiên nhiên, cũng không muốn cảm nhận sức mạnh chữa trị thần kỳ của tự nhiên.

Cảnh tượng trước mắt cô vô cùng tan hoang.

Khắp nơi là những căn nhà đổ nát, những vết nứt lớn hình thành sau động đất. Có tiếng khóc của trẻ con, có bóng những người lính được thả tự do, có tiếng bước chân vội vã của những nhân viên cứu hộ.

Điều càng khiến cô chấn động là đôi mắt của những đứa trẻ trong khu vực thiên tai.

Đôi mắt chúng ngập tràn sợ hãi và cô độc, hệt như những gì nhìn thấy trên tài liệu, khiến cô đau lòng.

Nhiệm vụ cứ thế được giao xuống.

Ngoài các chuyên gia tâm lý tới từ Bắc Kinh, còn các nhân viên phụ đạo tâm lý từ khắp các nơi. Trong khu vực thiên tai tổng cộng có hơn một trăm trẻ em. Lớn nhất khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, bé nhất mới có ba tuổi. Vì Tố Diệp và mọi người tới từ một phòng tâm lý có danh tiếng trên cả nước, nên nhiệm vụ của họ chắc chắn sẽ nặng nề. Cộng thêm Tố Diệp vốn dĩ đã làm tổ trưởng, sau khi tới Tây Tạng, cô bèn nhanh chóng thành lập một tổ tâm lý hùng mạnh để đối phó với vô vàn các vấn đề tâm lý.

Cô tiến hành phân loại đám trẻ trong khu vực thiên tai. Những đứa bé mất cả bố mẹ ở một nhóm, những đứa bé chỉ mất mẹ ở một nhóm, những đứa bé chỉ mất bố ở một nhóm, để những người còn bố mẹ thì bố mẹ có thể tham gia giáo dục tâm lý nhẹ nhàng. Sau đó sắp xếp theo độ tuổi, tính cách, giới tính… rồi phân đều cho các bác sỹ tâm lý. Mỗi bác sỹ phụ trách khoảng bốn đến năm bé.

Khi tới đây rồi, Tố Diệp mới biết thì ra con người ta có thể bận rộn tới vậy, thời gian có thể kín mít đến vậy. Và cuối cùng cô cũng cảm nhận được những lúc mình ầm ĩ kêu bận và mệt mỏi quả là làm quá lên. Phải đến đây mới thật sự hiểu cái gọi là thời gian không đủ dùng.

Những đứa trẻ ở đây đã trải qua ranh giới của sự sống và cái chết, chịu một sự tổn thương quá lớn về tinh thần, lại vì khi trước xảy ra bệnh dịch mà còn phải gánh chịu cả đau khổ về thể xác.

Trong số những bé do Tố Diệp chăm sóc có ba bé trai ba tuổi, còn lại đều là các bé bốn, năm tuổi. Chúng còn chưa nói sõi tiếng phổ thông, phần lớn thời gian Tố Diệp đều phải dùng thủ ngữ trò chuyện với chúng. Ngoài ra, cô cũng cố gắng học một số câu tiếng Tạng đơn giản, hy vọng có thể giúp chúng sâu thêm.

Trong năm đứa bé có duy nhất một bé gái, tên là Đạt Ngõa, là đứa bé sợ người lạ nhất. Con bé cũng biết ít tiếng phổ thông nhất. Ban đầu nó còn rất chống đối tất cả mọi người, thậm chí còn cắn bị thương Phương Tiếu Bình. Cuối cùng tới lượt Tố Diệp nhận.

Tiếp xúc với Đạt Ngõa là một thử thách. Tố Diệp luôn luôn phải đề phòng con bé tấn công mình. Sau này cô phát hiện ra vì mất đi cả bố lẫn mẹ mà khiến con bé trở nên thiếu cảm giác an toàn, chỉ có thể dùng cách tấn công để bảo vệ chính mình. Thế nên trông nó rất điên rồ.

Nhất là đám phóng viên tới Tây Tạng khá đông. Phóng viên vừa làm việc là những người quay phim cũng đi theo, thế nên Đạt Ngõa trở nên rất bất an.

Sau khi tìm ra được vấn đề của con bé, Tố Diệp đặt con bé tới một nơi khá yên tĩnh. Cô suy nghĩ làm sao để tạo dựng tình cảm với Đạt Ngõa, rồi chợt nhớ tới con ếch hồi bé mẹ gấp cho cô, liền nảy ra một ý tưởng.

Lúc này giấy trở thành một thứ rất quý giá. Cũng may cô mang theo mấy cuốn sổ, chuyên ghi chép tình hình tiến triển công việc trong khoảng thời gian này ở Tây Tạng. Cô xé ra một tờ, sau đó ngồi ở một vị trí không xa Đạt Ngõa, chăm chú gấp ếch.

Ban đầu Đạt Ngõa chỉ nhìn cô đành cảnh giác, nhìn mãi nhìn mãi bỗng thấy tò mò.

Sau khi Tố Diệp gấp xong, cô giơ về phía con bé rồi đặt con ếch xuống đất, ấn một cái. Con ếch nhảy vọt về phía trước.

Những đứa trẻ ở Tây Tạng vốn dĩ đã ít đồ chơi mà mấy trò chơi gấp giấy này đa phần lại là người Trung Nguyên biết. Có lẽ trước đây Đạt Ngõa chưa nhìn bao giờ. Đầu tiên con bé yên lặng nhìn một lát sau đó dè dặt đi tới.

Thấy thế, Tố Diệp biết mình đã thu hút được sự chú ý của nó, bèn tiếp tục trêu đùa.

Đạt Ngõa tiến lại gần từng chút một, sau đó bạo dạn giơ ngón tay ra. Tố Diệp dạy nó làm cách nào. Con bé học rất nhanh. Con ếch nhảy tưng tưng trong tay nó.

Đạt Ngõa cười khanh khách.

Nghe thấy tiếng cười ấy, Tố Diệp bỗng cảm thấy rất thành công. Trẻ con ở đây rất dễ thỏa mãn. Chỉ cần một con ếch giấy cũng đủ khiến con bé cười lại.

Nhưng cảnh đẹp không dài. Đúng vào lúc Đạt Ngõa đang chơi vui thì một bé trai do cô chịu trách nhiệm đã chạy tới, giật lấy con ếch. Đạt Ngõa lại òa khóc.

Tố Diệp biết đứa bé đó, cũng vì bị mất mát mà thích giành giật đồ của người khác. Những đồ ủng hộ được mang tới khu vực thiên tai, thằng bé đều nghĩ đủ mọi cách để cướp. Cô gấp một con ếch khác để an ủi Đạt Ngõa. Đợi Đạt Ngõa yên lặng trở lại, cô lại bắt đầu cố gắng trò chuyện với thằng bé kia.

Cứ như vậy, trăm ngàn tình huống phát sinh.

Ban ngày còn đỡ. Cứ tới tối là lại râm ran tiếng trẻ con khóc. Một đứa cất tiếng khóc là cậu bé Giáng Thố ba tuổi của cô cũng khóc theo. Cô trông toàn những đứa bé mất cả bố lẫn mẹ. Giáng Thố gào khóc đòi mẹ.

Tố Diệp lại phải dỗ dành, ru cho nó ngủ. Dần dần, Giáng Thố cũng dựa dẫm vào cô.

Tới đây, dường như mọi người đều quên mất mùi vị mất ngủ. Ban ngày quá mệt mỏi, tới tối lại phải ứng phó với hàng loạt các tình huống thế nên ngủ trở thành một chuyện xa xỉ.

Đương nhiên, cũng có lúc rất vui vẻ.

Ngay thứ ba sau khi cô tới khu vực Thiên Tai, gói đồ Niên Bách Ngạn gửi cho cô cũng tới. Những thứ bên trong quả thực đã giúp được cô rất nhiều. Có chăn, có quần áo, có đồ ăn. Cô phân phát cho lũ trẻ. Có rất đồ mà đám trẻ chưa từng được thấy, chưa từng được ăn, niềm hạnh phúc bất ngờ trào dâng.

Bọn trẻ sẽ cầm mực khô ra nắng, nhai thật kỹ, rồi sẽ mặc những bộ quần áo rộng rãi nhảy múa trong ánh nắng rực rỡ. Mọi người còn tổ chức đêm lửa trại. Trẻ con vừa hát vừa nhảy múa, tạm thời quên mọi đau thương.

Trong khoảng thời gian này, Niên Bách Ngạn cũng nhắn tin tới. Anh biết cô không có thời gian nhận điện thoại, thế nên luôn hỏi thăm dưới hình thức văn bản. Còn Tố Diệp trả lời anh bằng những bức ảnh ở Tây Tạng. Thật ra cô còn có rất nhiều lời muốn nói với anh nhưng lần nào cũng chần chừ rất lâu, không biết nên nói gì, đành dùng ảnh biểu đạt tâm tình.

Bao nhiêu ngày qua, cô bận rộn chăm sóc lũ trẻ, nỗi đau của mình dường như cũng giảm đi không ít.

Có lẽ giáo sư Đinh nói đúng, thời gian là liều thuốc hữu hiệu nhất để vỗ về những bi thương, cả tự nhiên cũng thế…

***

Bắc Kinh.

Đêm ở đây khác với Tây Tạng, không được nhìn những vì sao lấp lánh, chỉ nhìn dải đèn đường ngoài cửa sổ.

Bận rộn cả một ngày, sau khi về tới nhà là Niên Bách Ngạn lại xem điện thoại. Đối phương vẫn chỉ gửi tới một tấm ảnh. Anh cũng buồn, cũng không giận, ngược lại nụ cười trên môi anh trở nên hiền hòa.

Anh nhìn người con gái trên bức ảnh. Đôi mắt cô đầy nhiệt huyết, đôi mắt cong lên. Cô ngồi trên một cành hồ dương đã khô, nhìn đám trẻ nô đùa phía xa xa. Rõ ràng đã có người chộp nhanh được cảnh này. Có lẽ là phóng viên. Nhìn từ góc độ này, đám trẻ là nhân vật chính, Tố Diệp là nhân vật phụ.

Nhưng trong mắt Niên Bách Ngạn, Tố Diệp hoàn toàn xứng đáng là nhân vật chính.

Cô quấn một chiếc khăn choàng cổ màu sắc Tây Tạng, rộng rãi và ấm áp, mái tóc nửa buộc nửa xõa, thoải mái và tùy hứng. Ánh nắng có vẻ rất đẹp, khiến cho sắc màu của bức ảnh cũng trở nên đặc sắc hơn.

Mới có mấy ngày mà cô đã đen hơn, còn gầy đi nữa.

Niên Bách Ngạn nhìn mà xót xa, nhưng nụ cười trong khóe mắt cô đã khiến anh được an ủi.

Anh đứng dậy, kết nối di động vào máy tính.

Mấy lần anh nhắn tin hỏi thăm, Tố Diệp lại gửi cho anh ảnh ở Tây Tạng. Lần nào anh cũng đọc được thông tin gì đó qua các bức ảnh, cũng nhìn thấy cô từ những ngày buồn bã ủ ê, dần dần tìm lại được nụ cười như hoa. Thật ra anh rất muốn nghe giọng cô, hỏi cô sống có tốt không, có thấy cực không, hoặc là hỏi cô… có nhớ anh không.

Nhưng anh lại sợ sẽ phá hỏng sự ăn ý ngầm này. Chí ít tới bây giờ, anh vẫn cảm thấy cách thức này có được tin tức của cô, cũng rất tốt.

Thế nên từ bức ảnh đầu tiên cô gửi về, anh đã quyết định sẽ cất giữ chúng lại, sau đó rửa chúng ra. Đợi khi nào cô trở về, đây sẽ là một món quà khó quên. Kể cả sau này cô già đi, xem lại những bức này, nhớ lại những tháng ngày ở Tây Tạng, cũng sẽ cảm động.

Sau khi lưu bức ảnh ấy vào, anh lại xem lại từ đầu từng bức một.

Tố Diệp trong mỗi bức ảnh lại mang tới cho anh những cảm giác khác nhau.

Có sầu muộn, có cô đơn, có trầm mặc, có suy tư, có bận rộn, có phiền não, có nghiêm túc, có tức giận, có bi thương, có vui vẻ, có thanh thản… Anh không hề biết một người lại có thể có nhiều cảm xúc tới vậy hơn nữa khi tập hợp tất cả những cảm xúc ấy lại, xem từng tấm một, lại có một sự lĩnh ngộ khác biệt.

Xem xong những bức ảnh này của Tố Diệp, ngón tay Niên Bách Ngạn chợt khựng lại. Anh mở một file tài liệu mật. Những bức ảnh bên trong khiến gương mặt anh lạnh đi.

Đó là những bức ảnh đã từng bị Thạch Thành nắm trong tay để uy hiếp anh, rồi được người của đại ca Khôn tìm được.

Tất cả đều là những hình ảnh thương tâm của Tố Diệp lúc nhỏ. Mỗi lần nhìn lại, tim anh lại rỉ máu.

Anh muốn tìm ra tên hung thủ này, thì phải lật xem từng bức một, để rồi hết lần này tới lần khác chịu đựng nỗi đau khi Tố Diệp bị bạo ngược.

Mỗi bức ảnh đều lấy Tố Diệp làm trọng điểm, manh mối rất ít, nhưng Niên Bách Ngạn không tin không tìm ra được một chút nào.

Chỉ có điều, sau mỗi lần lật chúng ra xem, phản ứng đầu tiên của Niên Bách Ngạn là muốn đập nát máy tính.

Lần này đã lần thứ bảy anh xem lại ảnh rồi.

Anh cố nhẫn nhịn những hình ảnh đau thương trước mắt, kìm nén nỗi đau như dao cứa, khống chế cảm giác càng lúc càng muốn giết người. Anh xem một cách tỉ mỉ. Từng bức, từng bức được lật qua. Anh dường như nghe thấy tiếng khóc của Tố Diệp. Cô đang gào thét, đang kêu cứu. Cô như cá nằm trên thớt, bất lực, vô vọng, hoảng sợ, mơ màng.

Sắc mặt Niên Bách Ngạn càng lúc càng nặng nề, ánh mắt sa sầm lại thấy rõ.

Gương mặt lạnh lẽo của anh căng ra. Bờ môi anh cùng khuôn cằm tạo nên một đường cong sắc lẹm. Cảm giác giá lạnh ấy khiến người ta khiếp sợ. Bất ngờ, anh dừng lại trên một bức ảnh.

Anh tạm ngừng tay, dán chặt mắt vào nó. Sau đó hình như tìm ra thứ gì, anh lại nhanh chóng lật các bức ảnh khác ra xem. Khi không phát hiện được gì, anh mới quay trở lại bức ảnh này.

Góc độ của nó hơi nghiêng một chút, chụp được một chiếc gương, một chiếc gương rất nhỏ.Trước đây anh không chú ý. Chính ban nãy, khi anh lướt qua chiếc gương này, bỗng phát hiện bên trong gương phản chiếu một chiếc đồng hồ quả quýt. Một chiếc đồng hồ quả quýt rất tinh xảo…