Hậu Cung Chân Hoàn Truyện

Chương 111: Cửu trương cơ[1]



[1] Cửu trương cơ tức là Chín lần đưa khung cửi, đây là tên một nhóm cái bài từ thời Tống, không rõ của tác giả nào, tổng cộng có chín bài với chung một làn điệu từ, tên các bài lần lượt là Nhất trương cơ, Lưỡng trương cơ, Tam trương cơ…, Cửu trương cơ. Cả chín bài đều thể hiện những tâm trạng tương tư u oán của một thiếu nữ thôn quê, trong chương này tác giả gán thành những bài xướng họa của cặp nam nữ nhân vật chính, kỳ thực không thích hợp lắm – ND

Trong sự ngọt ngào cùng hân hoan vô vạn, hai mùa xuân hạ năm nay mới thoắt đó đã trôi qua. Tôi đưa tay níu kéo nhưng thời gian vẫn lẳng lặng trôi qua giữa những kẽ tay, chỉ còn lưu lại chút hương thầm nhưng cũng đủ khiến lòng người thư thái.

Buổi chiều hôm ấy, trời đang độ cuối hạ đầu thu, cái nóng nực vừa qua đi, thay bằng bầu không khí mát dịu, chính là thời tiết thích hợp để người ta có được giấc ngủ ngon nhất.

Tôi nằm chợp mắt trên chiếc sạp nhỏ kê dưới cửa sổ, thỉnh thoảng lại có làn gió nhẹ thổi qua, mang tới cảm giác khoan khoái vô cùng. Đang lúc nửa tỉnh nửa mê, tôi bỗng loáng thoáng nghe thấy bên ngoài có tiếng nói rì rầm, bèn chậm rãi mở mắt ra, uể oải cất tiếng gọi: “Hoán Bích…”

Lúc này Hoán Bích đang mang áo bông mặc trong mùa đông ra ngoài phơi, nghe tiếng tôi gọi liền lập tức đáp lời: “Tiểu thư, A Tấn vừa mới tới đấy!”

Tôi lập tức không còn cảm thấy buồn ngủ nữa, chỉnh lại mái tóc một chút rồi trở dậy, hỏi: “Sao lại tới vào lúc này thế? Có việc gì sao?”

A Tấn bước vào phòng, mặt mày nhăn nhó, đáp: “Trong cung vừa truyền tin tới, nói là Hoàng thượng bị bệnh nên Vương gia phải lập tức vào cung hầu hạ. Cơn bệnh lần này hình như không nhẹ, sợ là phải tới mười ngày, nửa tháng nữa Vương gia cũng không thể đến được.”

Tôi khẽ “ồ” một tiếng, lại hỏi: “Có biết là bệnh gì không?”

A Tấn gãi đầu gãi tai, nói: “Điều này thì nô tài không biết, chỉ loáng thoáng nghe Tiểu Vưu vốn hầu hạ bên cạnh Hoàng thượng nói rằng hình như ngài thổ huyết khi đang nghỉ lại trong cung của Phó Tiệp dư, bây giờ ngay đến Phó Tiệp dư cũng bị cấm túc rồi.”

Lòng tôi thầm máy động nhưng ngoài miệng thì chỉ hờ hững nói: “Hoàng thượng tâm tư sâu sắc, khó tránh khỏi có lúc suy nghĩ quá nhiều mà làm tổn hại tới thân thể.” Hơi trầm ngâm một chút, tôi nói thêm: “Đã không rõ là mắc bệnh gì, khi nào khỏi bệnh cũng khó mà đoán trước được. Lần này, Vương gia vào cung vẫn ở tại Lũ Nguyệt Khai quán chứ?”

“Dạ vâng!” A Tấn lộ vẻ lo lắng nói: “Lần này Vương gia được Thái hậu dặn dò, đã cùng Kỳ Sơn Vương, Bình Dương Vương vào cung hầu hạ thánh giá, ngay đến chị ruột của Hoàng thượng là Chân Ninh Trưởng công chúa được gả đi xa tới tận Lâm Châu cũng đã trở về rồi. Nhìn tình hình này thì bệnh của Hoàng thượng e là không nhẹ chút nào.”

Tôi lẳng lặng ngoảnh đầu, nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh dương cuối hè đã không còn oi ả như trước nữa, nhẹ nhàng xuyên qua khe hở giữa những lùm cây mà rắc xuống mặt đất những đốm sáng li ti, tạo thành một mảng màu vui mắt. Hoán Bích liên tiếp đập tay vào những chiếc áo một cách thuần thục, vô số hạt bụi nhỏ nhuốm sắc vàng không ngừng bay lên. Giữa khoảng không gian tĩnh lặng, những tiếng “bộp bộp” vang lên ngoài sân ấy như toát ra một vẻ sôi nổi vô cùng.

Tôi trầm giọng hỏi: “Vậy là trong thời gian tới, y không thể xuất cung, đúng vậy không?”

A Tấn khẽ gật đầu, bên khóe miệng chợt xuất hiện một nụ cười nghịch ngợm. “Vương gia phải ở trong cung hầu hạ Hoàng thượng, không thể ra ngoài, nhưng A Tấn thì lại có thể.” Rồi y móc một tờ giấy nhỏ từ trong vạt áo trước ngực ra, nói tiếp: “Vương gia biết thời gian tới không thể qua thăm nương tử, sợ nương tử buồn, bèn viết một bài từ gửi đến, khi nào có thời gian rảnh xin nương tử hãy họa theo. Mỗi ngày A Tấn sẽ qua lại một lần, mang bài từ mà nương tử viết tới cho Vương gia, rồi lại mang bài từ Vương gia viết về cho nương tử.”

Tôi chậm rãi mở tờ giấy đó ra, thấy bên trên có viết một bài từ ngắn:

“Nhất trương cơ – Thải tang mạch thượng thí xuân y. Phong tình nhật noãn thung vô lực. Đào hoa chi thượng, đề oanh ngôn ngữ, bất khẳng phóng nhân quy[2].”

[2] Dịch nghĩa: Một lần đưa khung cửi. Thử áo mới ra đồng hái lá dâu. Gió mát trời quang người uể oải. Trên cánh hoa đào, chim oanh hót véo von như có lòng níu giữ, không muốn cho người ta quay về – ND

Tôi xem xong, không kìm được bật cười, rõ ràng y phải ở trong cung hầu hạ Hoàng thượng, không được phép xuất cung vậy mà lại nói là tiếng oanh hót giữ người ở lại, giữa lúc ưu lo mà còn có được tâm tư tao nhã như thế, trên đời này chắc chỉ có mình y.

Tôi chỉ thoáng suy nghĩ rồi liền tìm lấy một tờ giấy Tiết Đào, viết lên trên đó:

Lưỡng trương cơ. Hành nhân lập mã ý trì trì. Thâm tâm vị nhẫn khinh phân phó. Hồi đầu nhất tiếu, hoa gian quy khứ, chích khủng bị hoa tri[3].

[3] Dịch nghĩa: Hai lần đưa khung cửi. Người đi dừng ngựa bụng trù trừ. Tình sâu chẳng đặng nói thành câu. Ngoảnh đầu cười khẽ, đi qua giữa vườn hoa mà về, chỉ sợ mối tâm sự bị hoa biết được – ND

Tôi giao tờ giấy cho A Tấn, nói: “Không cần ngày nào cũng qua lại, thứ nhất là gai mắt quá, thứ hai là Vương gia phải ở trong cung hầu hạ Hoàng thượng, chắc vất vả vô cùng, đâu có bao nhiêu thời gian chứ.”

A Tấn cười trêu tôi: “Nương tử quả nhiên rất quan tâm đến Vương gia.”

Tôi bật cười, đưa tay chọc vào trán y một cái. “Hôm nào ngươi cũng chạy ra chạy vào thế này thì còn ai ở trong cung chăm sóc cho việc ăn ở của Vương gia nữa.”

A Tấn nói: “Mạc đại nương đã sai Thái Cát trong phủ đi theo hầu hạ rồi, bà ta là người có kinh nghiệm, nương tử yên tâm”, sau đó lại làm mặt quỷ, cười nói: “Ngoài ra nô tài phải nói thêm là Thái Cát đã bốn chục tuổi rồi, nương tử không phải lo gì đâu nhé!”

Tôi phỉ phui một tiếng, cười mắng: “Cho dù bà ta mới mười bốn tuổi, ta cũng có gì mà không yên tâm kia chứ!”

A Tấn cẩn thận nhét tờ giấy Tiết Đào đó vào trong vạt áo trước ngực, cười hì hì, nói: “Thứ này nhất định phải cất kỹ mới được. Mấy ngày tới Vương gia không thể xuất cung, nhất định sẽ coi tờ giấy này như bảo bối. Chỉ e những ngày ở trong cung Vương gia sẽ xem ngày xem đêm, thấy chữ như thấy người, không nỡ buông xuống mất.”

Tôi vừa thẹn vừa giận lại vừa tức cười, bèn lớn tiếng gọi: “Hoán Bích, muội mau tới đây xé nát miệng của cái con khỉ bẻm mép này ra cho ta, không có chủ nhân bên cạnh, gã ngày một điên khùng hơn rồi.”

A Tấn vội vàng xin tha, lại cười, nói: “Nô tài sợ nương tử buồn vì Vương gia không thể tới đây, do đó mới trêu đùa một chút cho nương tử vui thôi. Vương gia nói rồi, nếu hôm nay nương tử mà không cười một tiếng, nô tài coi như chưa hoàn thành công việc.”

Tôi khẽ mỉm cười. “Vậy ngươi đã hoàn thành việc hôm nay rồi đấy. Chỉ là ở trong cung tuy tốt nhưng khó tránh khỏi có chỗ không chu toàn, Vương gia nhà ngươi có thiếu thứ gì ngươi phải để ý cho cẩn thận đấy!”

A Tấn làm bộ nhăn nhó, nói: “Làm tùy tùng thân tín cho Vương gia thật chẳng dễ dàng gì, vừa phải làm chân sai vặt vừa phải làm người đưa thư, lại còn phải làm cho nương tử cười nữa. Có điều, thấy nương tử và Vương gia vui vẻ, nô tài cũng vui lây. Thôi nô tài không làm phiền nương tử nữa, Vương gia chắc đang nóng ruột chờ tin lắm rồi!”, nói xong liền cáo từ rời đi.

Thế là Huyền Thanh tuy không thể tới nhưng tình sâu ý nặng của y thì đã gửi hết vào trong câu chữ, cứ cách vài ngày lại đến tay tôi một lần. Bình thường, mỗi lần mở bài từ ra xem, lòng tôi đều vừa thấp thoáng âu lo lại vừa xen lẫn nét vui mừng.

Y an ủi tôi, nói muôn vàn lời tương tư nhung nhớ, tôi tất nhiên hết sức vui mừng. Thế nhưng đi kèm với niềm vui ấy, tôi cũng biết rằng, lúc này y còn chưa thể trở về. Mang trong mình tâm trạng vừa buồn vừa lo ấy, tôi lần lượt viết ra những bài từ để xướng họa cùng y.

Tam trương cơ. Ng tàm dĩ lão yến sồ phi. Đông phong yến bãi trường châu uyển. Khinh tiêu thôi sấn, quán oa cung nữ, yếu hoán vũ thời y[4].

[4] Dịch nghĩa: Ba lần đưa khung cửi. Con tằm đất Ngô đã bắt đầu nhả tơ làm kén, con én non đã biết bay. Mùa xuân này đã qua rồi. Các cô gái dệt vải bị thúc giục phải làm mau mau để các cung nữ trong cung còn thay áo mới mặc trong mùa hạ. – ND.

Vì cơn bệnh của Huyền Lăng, các buổi yến tiệc trong cung đều phải tạm dừng. Tử Áo Thành không còn ca múa, chắc đã trở nên lạnh lẽo và tịch mịch. Dưới ánh trăng bàng bạc, đứng giữa những đình đài lầu các trong Tử Áo Thành, Huyền Thanh, huynh đang làm gì thế?

Tứ trương cơ. Y nha thanh lý ám tần mi. Hồi toa chức đóa thùy liên tử. Bàn hoa dịch oản, sầu tâm nan chỉnh, mạch mạch loạn như ti[5].

[5] Dịch nghĩa: Bốn lần đưa khung cửi. Thầm cau mày trong những tiếng khung cửi đong đưa kẽo kẹt. Con thoi qua lại dệt ra những đường hoa văn. Hoa văn dệt ra thì dễ, nhưng tâm trạng ưu sầu thì lại khó xua đi, lòng tương tư rối bời như những sợi tơ hỗn loạn – ND.

Nỗi nhớ nhung của muội, có lẽ huynh không nhìn thấy nhưng những bông hoa sen trong hồ Thái Dịch hoàn toàn có thể nói hết nỗi lòng tương tư của muội rồi. Có lẽ khi nhìn thấy những phiến lá sen xanh biếc trong hồ Thái Dịch, huynh cũng đang nghĩ tới muội chăng?

Ngũ trương cơ. Hoành văn chức tựu thẩm lang thi. Trung tâm nhất cú vô nhân hội. Bất ngôn sầu hận, bất ngôn tiều tụy, chích bằng ký tương tư[6].

[6] Dịch nghĩa: Năm lần đưa khung cửi. Dệt ra bài thơ của Thẩm Ước (Một nhà thơ nổi tiếng thời Nam Bắc Triều). Ý nghĩa chính của bài thơ chỉ lo không ai hiểu được. Chẳng nói trong lòng sầu hận thế nào, chẳng nói ngoài mặt tiều tụy ra sao, chỉ gửi nỗi tương tư của mình vào trong thơ – ND

Huynh rời khỏi muội đã được mười lăm ngày rồi. Thanh, huynh không hề than thở với muội về nỗi sầu ly biệt, huynh chỉ nói với muội, mỗi lần trăng thanh gió mát, huynh đều nhớ đến muội.

Lục trương cơ. Hàng hàng đô thị sái hoa nhi. Hoa gian canh hữu song hồ điệp. Đình toa nhất thưởng, nhàn song ảnh lý, độc tự khán đa thời[7].

[7] Dịch nghĩa: Sáu lần đưa khung cửi. Mỗi hàng đều có những bông hoa. Giữa hoa lại có những bông hoa. Giữa hoa lại có đôi bướm lượn. Dừng con thoi không dệt nữa, dưới ánh nắng từ ngoài cửa sổ chiếu vào, một mình ngắm nhìn những hoa văn vừa dệt xong một hồi lâu – ND.

Lũ bướm thành đôi thành cặp, bay giữa vườn hoa, cánh bướm không ngừng lay động làm ánh lên những sắc màu vô cùng rực rỡ. Trong những giây phút rảnh rang bất kể ngày đêm, không có huynh ở bên, muội chỉ có thể đắm mình trong cô độc.

Thất trương cơ. Uyên ương chức tựu hựu trì nghi. Chích khủng bị nhân khinh tài diễn. Phân phi lưỡng xử, nhất trường ly hận, hà kế tái tương tùy[8].

[8] Dịch nghĩa: Bảy lần đưa khung cửi. Dệt xong một đôi uyên ương rồi lại sinh lòng do dự. Chỉ sợ chúng bị người ta cắt riêng ra. Một khi chúng phải bay về hai nơi, lòng mang đầy nỗi sầu ly biệt, liệu có cách gì để có thể trở lại bên nhau? – ND.

Hai chúng ta mỗi người một nơi, người huynh bầu bạn cạnh bên là phu quân trước đây của muội. Tử Áo Thành là vùng cấm địa trong ký ức của muội. Huynh đã nghe thấy gì, hay là nơi đáy lòng huynh cũng thấp thoáng nỗi âu lo khó nói bằng lời như muội?

Bát trương cơ. Hồi văn thị trị a thùy thi. Chức thành nhất phiến thê lương ý. Hành hành độc biến, yêm yêm vô ngữ, bất nhẫn canh tầm tư[9].

[9] Dịch nghĩa: Tám lần đưa khung cửi. Bài thơ hồi văn này không biết là do ai làm? Dệt nên bao nỗi thê lương. Lần lượt đọc từng hàng, sầu muộn sao khó tà, không đành lòng suy nghĩ thêm gì nữa – ND.

Những lúc rãnh rỗi, tôi mở xem tập thơ hồi văn của Tô Nhược Lan, từng lời đều là tâm huyết, đều là nỗi nhớ nhung của bà với trượng phu Đậu Thao. Tôi tự thẹn không có được tài năng như bà, đành mang theo sự thấu hiểu về bà mà buồn bã viết ra mấy dòng.

Cửu trương cơ. Song hoa diệp hựu song chi. Bạc tình tự cổ đa biệt ly. Tòng đầu đáo để, tương tâm oanh lệ, xuyên quá nhất điều ti[10].

[10] Dịch nghĩa: Chín lần đưa khung cửi. Hoa thành đôi, lá thành đôi, cành cũng thành đôi. Xưa nay những kẻ bạc tình đều chẳng coi chuyện ly biệt ra gì. Dùng một sợi tơ mang đầy tình ý ngọt ngào của bản thân, đem xâu những hoa là cành kia làm một – ND.

Huyền Thanh, khi huynh gửi bài Cửu trương cơ này tới thì đã là ngày thứ hai mươi bảy rồi. Huynh vẫn chưa trở về, chỉ nói rằng từ đầu chí cuối lòng vẫn luôn chỉ một.

Sao muội lại không hiểuhứ? Lòng muội cũng giống như lòng huynh, đều luôn chỉ một thôi.

Trong khoảnh khắc tôi cầm bút định viết thêm bài từ nữa, một đôi tay quen thuộc chợt ôm lấy tôi từ phía sau. Tôi vòng tay qua ôm đầu gối, cuộn tròn người lại, tựa vào lòng y.

“Thanh.” Tôi khẽ thở dài. “Muội trông ngày ngóng đêm, lúc nào cũng nhớ về huynh. Lòng muội luôn mong mỏi, rằng huynh có thể mãi ở bên muội như bây giờ.”

“Ta cũng thế.” Từng làn hơi thở của y như bao bọc lấy tôi. “Bệnh của hoàng huynh đã đỡ hơn nhiều rồi!” Y khẽ hôn lên dái tai tôi. “Hoàn Nhi, ra ngoài đi dạo cùng ta một lát nào.”

Bây giờ đã là mùa thu nhưng cảnh vật vẫn còn tươi vui rạng rỡ, tôi và y dắt tay nhau chậm rãi bước đi.

Giữa thảm cỏ mênh mông bát ngát, lác đác những bông đỗ quyên đang nở rộ, có bông màu đỏ sậm, bông thì màu hồng, bông lại màu tím nhạt hoặc màu trắng, cảnh thu lúc này thật tươi đẹp vô cùng. “Hồn tử quy[11] hóa thành, bông bông như son phấn; giọt máu lưu trên cánh, vệt khóc bám vạn cành. Hoa đỗ quyên, ấy thực là loài hoa thương tâm.” Huyền Thanh khẽ buông tiếng thở dài, vừa khéo lúc này có một con đỗ quyên[12] bay qua, kêu vang “cuốc cuốc”, âm thanh đầy nỗi bi thương.

[11] Một tên khác của con chim cuốc – ND.

[12] Một tên khác của con chim cuốc – ND.

Tôi nắm lấy bàn tay y, khẽ cất tiếng hỏi: “Huynh mới nghe được gì hay là nhìn thấy gì hay sao? Lần này từ trong cung trở ra, muội cảm thấy huynh cứ buồn bã không vui.”

Một làn gió nhẹ mang theo hương hoa thổi tới, chiếc áo bào màu xanh mặt hồ của y lất phất bay. “Phó Tiệp dư chết rồi!”

“Phó Tiệp dư?”

“Trong cuộc tuyển tú năm ngoái, Phó Tiệp dư là người xuất sắc nhất, cũng là phi tần trước đó được hoàng huynh sủng ái nhất.”

Tôi hỏi: “Cô ta đẹp lắm sao?”

“Đúng là rất đẹp, trong sự kiều diễm lại mang mấy nét thanh tao, tuyệt đối không thua gì Mộ Dung Phi ngày trước, nhìn xa cứ như tiên nữ vậy.” Huyền Thanh rất ít khi khen vẻ đẹp của nữ tử nào, lần này còn dùng đến hai chữ “tiên nữ”, có thể thấy nữ nhân đó quả thực rất đẹp. Thế nhưng ngay sau đó, y lại tiếp tục bình luận: “Chỉ là đẹp thì có đẹp nhưng lại không có linh hồn, chỉ là một mỹ nhân rỗng tuếch.”

Hình như trước đây y đã từng nói câu này, tôi hơi nhướng mày, hỏi: “Phó Tiệp dư chính là Phó Uyển nghi mà huynh từng nhắc tới với muội trước đây sao?”

“Chính là cô ta.”

“Vậy gia thế cô ta thế nào?”

“Cũng không tính là kém lắm, mới vào cung đã được phong làm tiểu nghi, nếu cứ tiếp tục đắc sủng, chẳng bao lâu sau sẽ trở thành quý tần, thậm chí ngay cả phong phi cũng có khả năng. Nghe nói khi hoàng huynh thương lượng với Hoàng hậu, ngay đến phong hiệu cũng đã nghĩ sẵn rồi.” Huyền Thanh khẽ nở một nụ cười đầy ý vị. “Là một chữ ‘uyển[13]’, uyển trong uyển chuyển.”

[13] Chữ “uyển” này là 婉, không phải chữ “uyển – 宛” trong nhũ danh của Thuần Nguyên Hoàn hậu, nhưng đồng âm. – ND.

Tôi nghe thấy thế thì cả kinh, không kìm được mà khàn giọng hỏi: “Cô ta rất đẹp? Đẹp như một vị cố nhân, đúng vậy không?”

Phương Nhược từng kể, hậu cung bây giờ đã không còn là hậu cung hồi mới được xây dựng năm Càn Nguyên thứ nhất, khi đó các phi tần vừa vào cung đã ở ngay ngôi cao, còn bây giờ phần lớn đều phải bắt đầu từ thường tại, tuyển thị. Cuộc tuyển tú năm ngoái cách bây giờ chỉ mới một năm, vậy mà cô ta đã nhảy vọt từ tiểu nghi ngũ phẩm lên làm tiệp dư tam phẩm, chưa có thai mà chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành quý tần, nếu tôi còn sống trong cung, ắt hẳn phải coi cô ta như kình địch.

Câu trả lời của Huyền Thanh đã chứng minh phán đoán của tôi là đúng: “So với Thuần Nguyên Hoàng Hậu đã qua đời quả có sáu, bảy phần giống. Trong ngày tuyển tú, hoàng huynh đã tự mình giữ thẻ của cô ta lại, chỉ từ việc này thôi cũng có thể đoán biết ngày sau thánh ân sẽ sâu dày thế nào.”

Dừng một chút, y lại tiếp: “Hoàng huynh vì sủng ái Phó Tiệp dư nên khi cô ta còn chưa đủ tư cách đã ban cho một cung riêng, đối đãi theo lễ quý tần, hơn nữa vì có cô ta nên cuộc tuyển tú lần đó tổng cộng chỉ chọn năm người. Những ai sáng mắt đều có thể nhận ra, bốn người còn lại khi vào cung, địa vị đều rất thấp, chẳng qua chỉ để cho đủ số. Trong một năm qua, ngay đến Xương Quý tần xuất thân cao quý, lại sinh Hòa Mục Công chúa và An Quý tần vẫn luôn đắc sủng cũng đều bị vứt qua một bên, đừng nói tới những phi tần khác.”

Tôi bật cười một tiếng, giọng nói lạnh tựa băng sương: “Vừa rồi muội còn đang nghĩ, đã là một mỹ nhân rỗng tuếch, tại sao lại đắc sủng như vậy, thì ra đúng là có nguyên nhân.” Chợt nhớ tới lời của A Tấn, bèn hỏi: “Hoàng thượng đã nôn ra máu trong cung của cô ta sao?”

“Phải!” Y cất giọng trầm trầm thoáng vẻ bi thương: “Lần này hoàng huynh mắc bệnh nặng bắt đầu từ lúc nôn ra máu, mà căn nguyên của việc nôn ra máu theo như thái y nói thì là vì hoành huynh đã dùng quá nhiều ngũ thạch tán, lại uống một lượng lớn rượu mạnh ướp lạnh. Mà ngũ thạch tán được phát hiện trong cung của Phó Tiệp dư, cô ta căn bản không có cách nào chối cãi. Ngay đến cả bản thân cô ta cũng có dấu hiệu của việc sử dụng ngũ thạch tán.”

Ngũ thạch tán? Nghe thấy những lời này, tôi cảm thấy sợ hãi vô cùng, ngũ thạch tán từng hết sức thịnh hành trong giới vương công quý tộc thời Ngụy Tấn, phần lớn được chế thành từ năm loại khoáng thạch là thạch chung nhũ, thạch tử anh, bạch thạch anh, thạch lưu hoàng và xích thạch chi. Trong năm vị thuốc này, thạch chung nhũ, bạch thạch anh và thạch lưu hoàng quả thực có công hiệu tráng dương, làm ấm phổi, thận, nhưng không lâu sau khi dược lực qua đi, thân thể sẽ lúc nóng lúc lạnh. Người nào thường xuyên sử dụng sẽ “hồn vía lên mây, mặt mày u ám, tinh thần bất định, dáng tựa cây khô, mang tướng quỷ u[14], thậm chí có khả năng thoát dương mà chết.”

[14] Đây là lời hình dung của Quản Lộ về Hà Yến, một người dùng ngũ thạch tán lâu năm, trong Tam Quốc chí và Tam Quốc diễn nghĩa đều có ghi lại câu này – ND.

Tôi chấn động không ngừng. “Đó là vật cấm trong cung, Phó Tiệp dư có nó từ đâu? Mà sao Hoàng thượng lại sử dụng thứ này? Thái y không biết chút nào sao?”

“Hoàng huynh từ sau khi có được Phó Tiệp dư thì sớm tối không rời, thường xuyên ở trong cung của cô ta cả ngày, bình thường ngay đến Hoàng hậu muốn gặp cũng khó, nói chi là thái y. Theo như lời ả thị nữ bên cạnh Phó Tiệp dư cung khai thì ngũ thạch tán đó dùng cho việc phòng the, Phó Tiệp dư mang vào từ bên ngoài cung để mong được ân sủng, do đó mới khiến long thể bị tổn hại.”

Tôi cúi đầu, trầm ngâm suy nghĩ, con đường núi gồ ghề uốn lượn, dường như đi mãi chẳng tới điểm tận cùng, từng làn gió nổi lên làm lá cây đung đưa xào xạc, giữa nơi trống trải lại càng trở nên đáng sợ. Huyền Lăng, không ngờ y lại buông thả bản thân đến mức này. Tôi tập trung nghiền ngẫm, chợt kinh hãi thốt lên: “Không thể nào! Theo như huynh nói thì Phó Tiệp dư có dung mạo rất giống Thuần Nguyên Hoàng hậu, được Hoàng thượng sủng ái vô cùng, việc gì còn phải dùng ngũ thạch tán để mong ân sủng. Mà ngũ thạch tán là vật cấm dùng trong cung, dù cô ta có muốn được ân sủng thì cũng có thể tìm thái y xin xuân dược mật chế, cớ gì phải mạo hiểm mang thứ bị cấm từ ngoài vào cung? Hơn nữa cô ta còn chưa có thai, chỉ có thể dựa vào một mình Hoàng đế, sao cô ta lại đi làm long thể của người bị tổn hại, như thế há chẳng phải là tự hại mình sao?”

Hai mắt Huyền Thanh sáng rực, y chăm chú nhìn tôi. “Nàng còn nhớ những lời vừa rồi của ta chứ? Hoành huynh gần như độc sủng cô ta, ghẻ lạnh toàn bộ hậu cung, ngay đến Hoàng hậu muốn gặp hoàng huynh cũng chẳng dễ dàng gì.”

Mí mắt tôi bất giác nẩy lên một cái. “Huynh cũng phát hiện cô ta có khả năng bị người ta hãm hại sao?” Tôi suy nghĩ một chút rồi kinh hãi nói: “Liệu có phải là Hoàng hậu không? Ngũ thạch tán đó có thể là của Hoàng hậu lắm chứ!”

Huyền Thanh đặt tay lên vai tôi, bình tĩnh nói: “Từ khi vào cung tới giờ, Hoàng hậu vẫn luôn rất mực yêu thương hoàng huynh, dù có lòng đố kỵ Phó Tiệp dư rồi bày mưu hãm hại thì cũng quyết không sử dụng ngũ thạch tán khiến thân thể hoàng huynh bị ảnh hưởng đâu.”

Tôi dần bình tĩnh trở lại, thầm nghĩ trong cung số phi tần không yêu Hoàng thượng kỳ thực chẳng ít ỏi gì.

Đúng thế, sau việc này, dù Phó Tiệp dư có giải thích thế nào đi chăng nữa thì cũng chẳng ích gì. Trong thời gian đắc sủng, cô ta đã bị người nào oán hận, do đó khi thất thế mới rơi vào cảnh giậu đổ bìm leo, bị các phi tần khác thừa cơ công kích, từ đó làm Thái hậu bừng bừng nổi giận, hạ lệch giết Phó Tiệp dư và phế tất cả mọi người trong gia tộc cô ta thành thứ dân. Lòng tôi sau nháy mắt đã trở nên giá lạnh, hiểu rằng Thái hậu giết cô ta không chỉ vì ngũ thạch tán. Huyền Thanh trầm giọng nói, nơi khóe mắt thoáng hiện nét bi thương. “Có bài học từ mẫu phi ta, Thái hậu làm sao chịu để Phó Tiệp dư một mình độc sủng, bà ấy quyết không chấp nhận điều này đâu.”

Tôi hiểu rõ, ngũ thạch tán chẳng qua chỉ là một cái cớ thôi, mà bởi việc này có chứng cứ xác thực nên ngay đến Hoàng thượng cũng chẳng hề nói được gì.

“Thái hậu và Hoàng hậu hành động nhanh như sấm, khi hoàng huynh tỉnh lại thì Phó Tiệp dư đã chết rồi, dù hoàng huynh có muốn gỡ tội cho cô ta thì cũng chẳng được. Có điều, sau việc đó hoành huynh không nhắc tới Phó Tiệp dư lần nào nữa, chỉ nói một câu giai nhân khó mà có lại…” Kể tới đây, Huyền Thanh chợt ôm chặt lấy tôi, nói với giọng run run: “Hoàn Nhi, ta không thể không sợ hãi. Trong giấc mộng, Hoàng huynh đã gọi tên nàng. Ta ở trong cung hầu hạ người hai mươi bảy ngày, tuy chỉ nghe hoàng huynh mơ màng gọi nàng một lần trong giấc mộng, chỉ có một lần thôi, nhưng vẫn sợ hãi vô cùng. Hoàn Nhi, ta sợ mất nàng…”

Trái tim tôi không ngừng đập thình thịch, chỉ biết áp sát mặt mình vào bờ vai y. Chuyện này thực nực cười biết mấy, khi tôi và y còn chung gối, trong giấc mộng y chỉ gọi “Uyển Uyển”, còn bây giờ lại gọi tên tôi.

Tôi bình tĩnh nói: “Khi tỉnh táo, người y nghĩ đến là Thuần Nguyên Hoàng hậu, sở dĩ ngủ mê lại đi gọi tên muội, đại khái là vì…” Tôi gượng cười hờ hững. “Là vì muội có ba phần giống với Thuần Nguyên Hoàng hậu. Trong lúc nhớ tới Thuần Nguyên Hoàng hậu, y chẳng qua chỉ thỉnh thoảng nghĩ tới bóng dáng của một người chẳng chịu thuần phục như muội thôi.” Tôi dịu dàng ngước mắt nhìn y, nói tiếp: “Huống chi, muội chỉ là người bị đuổi ra khỏi cung, sao còn có thể quay về được nữa. Do đó, huynh sẽ không mất muội đâu.”

Huyền Thanh ôm chặt lấy tôi, tôi gần như có thể cảm nhận được tiếng tim đập nặng nề của y. “Ta chợt phát hiện không ngờ mình lại là một người nhát gan như thế, ta rất sợ phải mất nàng.”

Tôi vùi mặt vào lồng ngực y, cảm nhận những hơi thở ấm áp khiến lòng người an định. “Thanh, muội cũng từng rất nhát gan, không dám tiếp nhận tình ý của huynh, nhưng bây giờ chúng ta đã ở bên nhau, nương tựa vào nhau rồi. Thanh, có huynh ở đây, muội không còn sợ gì nữa.”