Hoàng Phi Sở Đặc Công Số 11

Chương 175: Đại Đường biến động



Bạo loạn đến không hề báo trước, tựa như một hồ nước lạnh đột ngột sôi sùng sục, khiến người ở trong còn chưa kịp phản ứng thì đã bị nấu chín.

Đoàn người mới tới được Hàm Thủy thì chiến tranh đã nổ ra, thiết kỵ chạy ngược chạy xuôi, thành trì bị phá hủy, gia viên bị thiêu đốt, ruộng tốt bát ngàn khi xưa hóa thành đồng cỏ cháy đen, vật dụng trôi theo dòng phù sa vàng óng, hai bên đường đi lúc nào cũng đầy thi thể dân chúng chết vì chiến loạn, xác thối rữa trong thời tiết mùa hè cực kỳ hôi thối.

Lạc vương khởi binh bắt đầu từ Mi Sơn, bá tính không muốn trở thành loạn thần tặc tử nên hối hả dời nhà đến phía đông, song chạy đến Hàm Thủy mới phát hiện người cai quản Hàm Thủy là Từ Tố, tộc huynh của thứ phi Lạc vương. Cửa khẩu thủy lộ bị phong tỏa, Hàm Thủy Quan đã trở thành chiến tuyến ngăn cách mặt đông và mặt tay, chia giang sơn Biện Đường thành hai nửa.

Hành trình của nhóm người Sở Kiều vì vậy mà bị trì hoãn, chiến loạn đã ở ngay trước mắt, cho dù có năng lực như nàng cũng khó xoay chuyển được thế cục.

Khu vực Hàn Thủy tụ tập rất đông dân chúng, nhiều người chết nên chưa đến nửa tháng, trong thành đã nổ ra dịch bệnh. Nhà giàu có thì khóa chặt cửa, gia đinh tuần tra canh chừng vòng ngoài, khách điếm tửu lâu đều đóng cửa, muốn mua thức ăn cũng không được. Nhóm người Sở Kiều đành phải ra ngoài thành dựng lều ngụ tạm, cũng may trước khi đi xa bọn họ đã chuẩn bị lương khô đầy đủ.

Mỗi ngày trôi qua, các loại đồn đại lần lượt truyền đến tai, đều do Đa Cát và Bình An mạo hiểm vào thành dò hỏi, nhưng cũng chẳng thám thính được tin tức gì hữu dụng.

Đủ loại tin đồn khác nhau, có người nói Lý Sách ở mặt đông đã chỉnh đốn xong tám mươi vạn thiết kỵ cùng tinh binh, đang chuẩn bị đánh đến Hàm Thủy. Có người nói mấy hôm trước Lạc vương ở Quân Sơn đã đánh cho quân đóng ở Nam Hoài thua tơi tả, Khương Chiết, Phí Thành, Nam Vượng, An Tức và Mi Sơn đều lần lượt bị vây hãm. Quân đội quốc gia chết gần hơn nửa, còn lại đều đầu hàng, chưa tới năm ngày nữa thì đại quân của Lạc vương sẽ chiếm giữ toàn bộ khu vực Hàm Thủy.

Có người nói, nhà giàu phía tây nam đều đang rối rít quyên góp tiền bạc và lương thực để ủng hộ Lạc vương soán ngôi hôn quân, thậm chí còn phái thân binh gia nhập quân khởi nghĩa, khiến cho số quân bên Lạc vương đã lên đến trăm vạn người. Thậm chí còn xuất hiện thuyết pháp hoang đường như Lý Sách hiện tại không có mặt ở Đường Kinh mà muốn dẫn hậu cung phi tần trốn đến cảnh nội Đại Hạ, được Hoài Tống giúp đỡ thuyền bè nên bây giờ đã lênh đênh giữa biển rồi.

Người dân ở Hàm Thủy ai cũng thấp thỏm không yên, dẫu cho mấy lời đồn kia không hoàn toàn chính xác thì dựa vào việc gần đây dân chạy nạn càng lúc càng ít đi, không ai chối được sự thật là quân đội của Lạc vương quả thực đang ngày một tiến đến gần.

Qua thêm bảy ngày nữa, đại quân của Lạc vương cuối cùng cũng đến hẻm núi Kỳ Bách, chỉ cách Hàm Thủy hơn tám mươi dặm, nhưng ngoài dự tính là bọn họ lại dừng chân tại đó, không hề có dự tính hợp mặt với tướng quân Từ Tố cai quản Hàm Thủy. Mà dường như Hàm Thủy cũng không có vẻ gì là sẽ kết đồng minh với Lạc vương. Tây thạc quân của đế quốc bị kẹp ở giữa, không biết phải đi đâu.

Chiến sự nhất thời trở nên căng thẳng khó đoán.

Lúc này, Tây thạc quân mới nhận thấy có gì đó không bình thường. Tướng quân Từ Tố là đại tướng từng dưới trướng của Mộ Dung lão tướng quân khi xưa, nếu hắn theo đại nghĩa chịu đứng về phía Lý Sách thì sẽ tăng mạnh phần thắng cho người thừa kế danh chính ngôn thuận của Biện Đường.

Cứ như vậy, giằng co hết bốn ngày, thủ lĩnh Tây thạc quân là Lục Bính Khoan dẫn ba vạn binh mã (30,000) tiến đến hẻm núi Kỳ Bách chân chính đụng độ với đại quân của Lạc vương. Trận đánh hết sức dữ dội, tuy thương vong nặng nề nhưng bọn họ cũng đã dũng mãnh phá được phòng tuyến của Lạc vương, chạy đến Hàm Thủy nương tựa Từ Tố. Hành động này không cần nói cũng hiểu, dĩ nhiên là muốn kết hợp với quân đội ở Hàm Thủy bảo vệ kinh đô.

Nhưng ngay lúc đó, trong sự hãi hùng của cả đại lục Tây Mông, một trận tru diệt thảm thiết đã diễn ra mà không hề báo trước.

Chỉ trong một đêm, Từ Tố đã giết sạch một vạn ba ngàn (13,000) tướng sĩ còn sống sót của Lục Bính Khoan, sông Hàm Thủy nhuộm đỏ máu tươi, kéo dài ba mươi dặm đến tận hạ du vẫn còn đỏ ngầu, thi thể chất đống cao tựa đê.

Hàm Thủy Quan cả ngày diều hâu lượn lờ trên đầu, đến đêm thì vang vọng tiếng dã thú cắn xé tranh giành xác người, tràng diện khủng khiếp như một cơn ác mộng tồi tệ nhất.

Ba ngày sau, tin Từ Tố thành khẩn mở cửa đón mười lăm vạn đại quân (150,000) của Lạc vương vào thành được truyền ra. Ngay sau ngày đó, được binh lính ủng hộ, Lạc vương khoác hoàng bào, lễ bái tổ tiên rồi đăng cơ, lấy hiệu là Cảnh Hành.

Hai ngày sau, hai mươi vạn quân (200,000) ở Mi Sơn đã đến được Hàm Thủy, hợp với mười tám vạn quân (180,000) canh giữ Hàm Thủy của Từ Tố, binh lực của Lạc vương đã lên đến con số sáu mươi vạn (600,000).

Khi đó, Biện Đường xảy ra cục diện hai hoàng đế ngự trị ở hai đầu đất nước, được ngăn cách bởi một con sông.

Mười ngày sau, dường như cũng không chịu được nhục nhã như vậy nữa, hoàng đế Lý Sách của Biện Đường cuối cùng ban bố văn thư dẹp loạn, lời lẽ hết sức kịch liệt, cũng tự mình ngự giá thân chinh, thống lĩnh chín vạn Trung ương quân, mười một vạn Đông nam quân và hai mươi vạn Sói binh rầm rập tiến đến Hàm Thủy.

Chiến sự trở nên căng thẳng đến cực độ.

Sáng ngày 9 tháng 8, Lạc vương đăng đài giỗ tổ, dâng hương tế cờ rồi mang thân binh cùng mười lăm vạn quân Mi Sơn sang sông, để lại năm vạn quân Mi Sơn cùng Từ Tố trấn thủ Hàm Thủy. Song quân bên Lý Sách lại co đầu rút cổ trong doanh trại, chậm chạp không dám nghênh chiến. Liên tục năm ngày mà chỉ có vài lần cho khoảng hơn trăm người ra ngoài tham chiến, mà đánh trận gì chứ, nói là kéo bè kéo lũ đi mắng chửi thì đúng hơn. Nhất thời tên tuổi của Lý Sách liền biến thành trò cười ở Biện Đường, cả thiên hạ đều biết chuyện Đường hoàng sợ Lạc vương nên ở lỳ trong doanh trại không dám ra nghênh chiến.

Nhưng khi tất cả còn đang cho rằng Lý Sách sắp sửa mất đi giang sơn thì Sở Kiều lại đột nhiên dặn Mai Hương thu dọn hành trang chuẩn bị vào kinh.

Mai Hương không hiểu, thắc mắc lúc này làm sao có thể đi được.

Sở Kiều về phía đại doanh của Từ Tố, ánh mắt thoáng trở nên mông lung. Nàng đang nhớ lại buổi chiều hôm Tây thạc quân bị tiêu diệt toàn bộ, tiếng kêu thét thảm thiết vang dội màng nhĩ, kéo dài cả đêm không ngừng, “Trận chiến này sắp kết thúc rồi.”

 

Ngày 17 tháng 8, dáng vẻ ủ rũ lúc trước của quân đội chính quy đột nhiên tan biến không còn, đại quân đồng loạt ra trận, chân chính đụng độ với quân của Lạc vương tại thành Hồ Lâm.

Chiến trận kéo dài một ngày một đêm mà không bên nào lui bước. Bọn họ đều biết, trận đánh này quyết định sở hữu hoàng quyền, bên thắng sẽ vàng ngọc tại thân, còn bên thua sẽ trở thành tội phạm bị tịch thu tài sản, tiếng xấu muôn đời, cho nên ai cũng anh dũng ra sức chém giết.

Lúc trận chiến đi đến thời điểm mấu chốt thì tướng quân Từ Tố lại đột nhiên xuất hiện trên chiến trường khiến đại quân phe Lạc vương hoan hô như sấm động. Nhưng bọn họ còn chưa dứt tiếng cười thì đại quân do Từ Tố dẫn dắt lại đột nhiên vung đao đánh thẳng vào hậu phương của Lạc vương.

Ngày 20 tháng 8, quân Lạc vương bại trận, chết hơn bốn vạn người, còn lại đều đầu hàng.

Được hai ngàn thân vệ hộ tống, Lạc vương chạy trốn đến Hàm Thủy, tới nơi thì phát hiện năm vạn tướng sĩ Mi Sơn ở lại đây đều đã bỏ mạng. Lạc vương cùng đường, đứng bên bờ Hàm Thủy nhìn nước sông chảy cuồn cuộn, thở dài nói ông trời không chiều ta, cuối cùng rút kiếm tự vận. Từ đó, tên tuổi Cảnh Hành đế tại vị chỉ được mười một ngày đã lặng lẽ biến mất hoàn toàn khỏi sách sử Biện Đường, tựa như chưa từng xuất hiện vậy.

Ngày 21 tháng 8, quân đội chính quy bắt đầu truy đuổi dư đảng của Lạc vương, trực tiếp tiêu diệt hơn ba trăm đại tộc ở mé tây nam, nữ sung làm quân kỹ, nam bị quất roi rồi chém đầu. Tựa hồ chỉ trong một đêm, hầu như toàn bộ thị tộc lớn ở phía tây nam đều bị trừ tận gốc. Gió thu thổi qua khiến khung cảnh hỗn độn càng thêm thê lương.

Ngày 27 tháng 8, Đường hoàng khải hoàn trở về kinh. Tướng quân Từ Tố vẫn tiếp tục bình định tiêu diệt dư đảng của phản loạn, máu tươi đổ xuống, bắt đầu từ phía tây nam Mi Sơn rồi lan ra khắp toàn bộ lãnh thổ của Biện Đường.

Ngày 4 tháng 9, Đường hoàng hạ ý chỉ đem phân nửa tài vật thu được các đại tộc ở tây nam phân chia đều ra cho các quận huyện nhỏ bị vạ lây bởi chiến loạn, hơn nữa còn giảm miễn thuế trong năm năm tới để cho khu vực tây nam có thời gian hồi phục. Vì vậy chỉ trong khoảng thời gian ngắn, danh tiếng của Lý Sách được nâng cao đến đột đỉnh. Các thường dân mất thân nhân, mất nhà cửa vì chiến loạn đột nhiên biết được mình còn sống sót, không khỏi cảm động đến rơi nước mắt, thi nhau khấu tạ ân đức của hoàng đế.

Sáng ngày 9 tháng 9, Sở Kiều dẫn bọn Bình An Đa Cát lên đường, ngồi thuyền qua sông Hàm Thủy tiếp tục đi đến Đường Kinh.

Biện Đường vẫn là Biện Đường khi xưa, trời vẫn xanh vẫn mây trắng, gió nam vẫn vô cùng mát mẻ, chỉ là đã thiếu vắng những chiến sĩ từng ngã xuống trên chiến trường mà thôi.

…………………………………………………………………………………………………………

Ngày 15 tháng 9, vầng trăng ngoài cửa sổ tròn vành vạnh, tựa như một chiếc khay tròn được đúc bằng ngọc thượng hạng. Hàng ngô đồng ngoài điện dần ngả vàng, rì rào mỗi khi có gió thổi qua.

Hoàng cung như được bao trùm bởi một bầu không khí thanh lãnh, rèm lụa trắng treo khắp nơi, nến trắng cháy tỏ, tỏa ra ánh sáng dịu dàng.

Sở Kiều chậm rãi đi theo sau thị vệ, cung Kim Ngô vẫn rộng lớn như cũ, nhưng không có tiếng đàn sáo tưng bừng cùng eo thon tay ngọc múa uyển chuyển, cung điện nguy nga này chợt trở nên vô cùng trống trải.

Ống tay áo chạm vào vạt áo hai bên theo từng bước chân kêu *loạt xoạt*, không gian thực tĩnh lặng, trên cao văng vẳng tiếng quạ kêu, ngẩng đầu lên cũng chỉ có thể nhìn thấy đầu thần thú chạm trổ trên mái hiên. Hoàng hôn dần bao trùm vạn vật, lặng lẽ như sương, trong điện tỏa hương lượn lờ, Sở Kiều rũ mắt xuống, tai như văng vẳng nghe được tiếng niệm kinh của chúng tăng lữ, khiến lòng người thêm trống trải.

Mật Hà cư vẫn không có gì thay đổi, ngô đồng vây quanh, mặt hồ sen đen kịt, văng vẳng tiếng ve kêu *u u*. Ánh trăng mông lung trải xuống, gió đêm mang theo hơi nước luồn qua cửa sổ thổi vào điện khiến chiếc chuông gió đã cũ treo bên cửa sổ phát ra âm thanh *leng keng*, trong trẻo tựa tiếng băng vỡ.

Lý Sách ngồi giữa khung cảnh màn lụa tung bay, bên cạnh là một chiếc bàn bằng gỗ nhỏ cùng với hai tấm đệm cói, trên bàn có một cái bình ngọc và hai chén rượu nhỏ trắng muốt.

Màn lụa bay múa theo gió như đùa giỡn với nhau trong đại điện yên tĩnh, mái tóc đen xõa dài, người mặc cẩm bào tím thẫm thêu hoa văn hình mây xếp lớp màu xanh đậm nhạt theo từng tầng, đường may tinh xảo, kiểu dáng đặc trưng dành cho hoàng gia Biện Đường, khuôn mặt như bạch ngọc lấp loáng ánh trăng, Lý Sách lẳng lặng ngồi đó, nhìn như một bức tranh tĩnh.

Sở Kiều đứng ở bậc cửa, nhất thời không biết có nên bước vào không.

Một cơn gió đêm lại thổi đến, Lý Sách quay đầu lại, mặt hướng thẳng về phía ánh trăng đang rọi vào, khẽ nheo mắt lại, vẫn dáng vẻ hồ ly cùng nụ cười nhạt kia, nhẹ giọng nói: “Nàng đến rồi.”

 

Giọng của hắn vô cùng bình thản nhưng lại khiến lòng Sở Kiều đau xót. Năm tháng qua đi, lần lượt xảy ra nhiều chuyện như vậy, nhanh đến mức khiến nàng hồi hồn không kịp. Nàng nhìn hắn, hắn vẫn mang dáng vẻ cợt nhả càn rỡ như khi nàng rời đi, và vẫn có thể nhìn thấu mọi chuyện, nhưng nàng lại mơ hồ cảm thấy có mấy phần xa lạ, điều này khiến nàng thoáng xót xa.

Sở Kiều tiến đến ngồi xuống cạnh Lý Sách, môi mím chặt, vành mắt ửng đỏ.

Lý Sách xoa đầu nàng, như thường lệ cố ý làm rối búi tóc đang chỉnh tề của nàng, cười nói: “Làm gì mà mặt như đưa đám thế? Ta có chết đâu.”

 

Hắn càng cười như vậy, Sở Kiền càng thấy khó chịu hơn, nhưng vẫn cố nặn ra một nụ cười, gật đầu nói:“Không có sao thì tốt rồi.”

 

Qua khe cửa sổ khép hờ, thấp thoáng thấy được những đóa sen nở cuối mùa trong hồ.

Lý Sách cúi đầu, lẳng lặng di di chén rượu nhỏ trên bàn.

 

“Y là loạn thần tặc tử nên không thể nhập hoàng lăng, ta đã chôn y trên núi La Phù.”

 

Một trận gió nhẹ lại thổi vào khiến chuông gió *leng keng* liên tục. Chuông gió kia tuy đã cũ nhưng điêu khắc tinh xảo, dầm sương dãi nắng nhiều năm mà màu sắc vẫn còn sáng rõ.

Lý Sách lẳng lặng uống cạn chén rượu rồi bình thản nói tiếp: “Phù Nhi cũng được chôn ở đấy.”

 

Hắn ngẩng đầu lên, khóe miệng khẽ cong, sắc mặt mông lung nhưng ánh mắt ẩn chứa một tia sắc rất nhỏ,“Không thể cùng sinh ra nhưng được chết cùng huyệt, cuối cùng cũng không uổng công y tử chiến đến cùng.”

 

Trong điện lại trở nên yên tĩnh, Sở Kiều ngồi cạnh Lý Sách, lẳng lặng cùng hắn uống hết chén này đến chén khác. Nàng không ngồi vào vị trí đối điện, bởi nàng biết chỗ đó không phải dành cho nàng.

Trong điện chỉ một có một ngọn nến, bên ngoài trăng sáng tỏ, Lý Sách đang đợi một người vĩnh viễn cũng không đến được.

“Ta biết y sẽ làm phản.” Lý Sách vẫn tự độc thoại, Sở Kiều vẫn không nói tiếng nào. Nàng biết hắn không cần có người trả lời, cái hắn cần bây giờ chẳng qua chỉ là một người có thể lắng nghe mà thôi.

“Ta đợi y đã rất nhiều năm rồi, ta vẫn nuôi tí hy vọng nhỏ nhoi, hy vọng y có thể bất chợt hồi tâm không tạo phản nữa.”

 

Lý Sách nở nụ cười tự giễu, ngửa đầu uống cạn thêm một chén rượu nữa rồi quay sang cười nói với Sở Kiều:“Nàng biết không, từ nhỏ Lý Lạc đã không thông minh bằng ta, binh pháp võ nghệ cũng vậy, duy chỉ có thi văn thì hơn hẳn ta. Khi còn bé, y từng nói hy vọng sau khi trưởng thành có thể trở thành một đại nho gia uyên bác, tìm một nơi có cảnh sắc đẹp lập phủ rồi bắt tay biên soạn một bộ sách sử tường tận nhất đại lục Tây Mông.”

 

Mi tâm khẽ nhíu lại như muốn bóp nát ánh trăng đang tuôn rơi trên khuôn mặt anh tuấn, hắn lẳng lặng nói:“Thật ra thì y không biết, ngày ta đăng cơ làm thái tử đã cho xây sử quán ở thành An Thanh, chỉ tiếc là sau khi Phù Nhi chết đi, ta đã không còn cơ hội nói cho y biết.”

 

Hắn đột nhiên cau mày thật chặt, ngữ khí ẩn ẩn sự căm tức, lời lẽ như chui ra từ kẽ răng, “Nàng nói xem, vì sao y nhất định phải làm phản chứ?”

 

Chén rượu bị dằn mạnh xuống bàn vỡ thành hai nửa, mảnh vỡ sắc bén cứa vào kẽ tay hắn, máu bắn ra tung tóe, tựa như những đóa hải đường rực rỡ.

Sở Kiều đột nhiên nhớ lại thời điểm nhiều năm trước, cũng tại cung điện này, trong đêm thu, bên dưới tán ngô đồng, nam tử mặc trường bào xanh lẳng lặng đứng đó, ánh mắt nhu hòa, nói với nàng: “Ta là Lạc vương.”

 

Trong thoáng chốc, tro bụi thời gian như bị gió nhẹ khuấy động. Rất nhiều năm trước, nơi này từng có ba đứa trẻ cùng nhau chơi đùa, tiếng cười của bọn họ ấm áp như gió hè tháng sáu, đẩy lùi màn sương mù thường xuyên bao phủ cung Kim Ngô vắng lặng, xua tan vẻ âm u sâu không lường được trong nơi được gọi là nhà của các bậc đế vương này.

……………………………………………………………………………………………………………….

“Phù Nhi, đã nói rồi đấy, hôm nay phải làm vợ ta, hôm qua hôm kia đều là hoàng thúc, hôm nay phải đến phiên ta chứ.”

 

“Không muốn!”

 

“Tại sao? Muội nói chuyện sao không có lý lẽ gì hết vậy?”

 

“Không muốn chính là không muốn!”

 

“Hừ, ta sẽ đi nói với phụ hoàng, bây giờ lập tức cưới muội vào cửa luôn.”

 

“Không muốn, không muốn! Ta đã nói không là không!”

 

“Á! Nha đầu chết tiệt, sao lại cắn ta?”

 

“Được rồi, hai người chớ chộn rộn nữa, đến giờ đi thư phòng học rồi.”

 

“Lạc ca ca, thái tử ăn hiếp muội.”

 

“Ca ca cái gì chứ? Phải gọi là hoàng thúc! Hoàng thúc, Phù Nhi không ổn, mắc chứng đụng đâu cắn đó, ta phải đến y quán tìm thái y, hôm nay không thể đi học.”

 

………………………………………………………………………………………………………………..

 

Đêm lạnh như nước, quang ảnh tươi sáng của ngày xưa dần tan biến, chỉ còn lại không gian nhợt nhạt ánh trăng. Mùa hè oi bức nhưng không khí nơi này lại khiến sống lưng lành lạnh, tinh thần suy sụp.

Sau khi uống rất nhiều rượu, cuối cùng Lý Sách loạng choạng đi ra khỏi Mật Hà cư.

Sở Kiều đứng trước cửa sổ, nhìn theo thân ảnh đơn độc của hắn chậm rãi biến mất trong dãy ngô đồng rợp ánh trăng, cảm thấy trong lòng trống rỗng, như mặt hồ đóng băng vừa bị bể nát.

Tranh giành hoàng quyền từ trước đến giờ luôn thấm đẫm máu tanh, không phải ngươi chết thì ta mất mạng.

Giống như Bắc Yến và Đại Hạ, không cách nào có thể hòa hoãn trở lại.

Nàng đột nhiên nhớ đến Yến Tuân, nhớ đến tâm tình của mình khi hắn giết chết đám người Ô tiên sinh.

Dẫu hoàn cảnh có hơi khác nhưng chung quy cũng là tranh đoạt quyền lực mà thôi. Hôm nay Lý Sách thương tâm khổ sở vì Lạc vương chết, như vậy liệu Yến Tuân có từng vì hành động ngày đó mà hối hận không?

Tiếng hét giận dữ tuyệt vọng của Hoàn Hoàn lúc xưa và tiếng gào thảm thiết của Tây thạc quân mấy ngày trước như hòa làm một, không ngừng văng vẳng trong đầu nàng.

Trên con đường đi đến quyền lực, cuối cùng chỉ duy nhất một người có thể bước lên đỉnh cao tuyệt đối, và trước đó đã có ngàn vạn thân người ngã xuống trên con đường này.

Trên mặt bàn gỗ còn vương vài giọt rượu, được ánh trăng phản chiếu càng thêm lấp lánh trong suốt.

Ở đó có một dây chuông gió bị bụi đất bám cứng. Nếu cô nương có thời gian thì cho cung nhân lấy xuống lau chùi. Gió mùa thu dìu dịu, âm thanh của cái chuông đó trong trẻo rất dễ nghe.

Trong đầu lại vang lên một giọng nói nhẹ nhàng, Sở Kiều chậm rãi đi đến đụng vào cái chuông gió nọ. *Phựt* một tiếng, sợi dây treo chuông gió chợt đứt, khiến cái chuông rơi vào trong ao sen, bọt nước bắn nhẹ, tạo ra từng vòng gợn sóng nhàn nhạt.