Hỗn Tại Tam Quốc Làm Quân Phiệt

Chương 486: Mã đồ phu không yên lòng, Tư Mã Ý làm Chủ Bạ



"Chúa công, Hứa Xương đã dọn dẹp xong" Giả Hủ nói: "Thế nhưng chỉ bắt được Tuân Úc, không bắt được Tào Tháo, thậm chí ngay cả thủ hạ của hắn là Trương Liêu, Trương Cáp, Tuân Du, Hứa Du, Trình Dục, Cổ Quy, Lưu Diệp, Tàng Phách, quan văn, võ tướng không bắt được ai".

Mã Dược nói: "Văn Hoà cho rằng Tào Tháo và văn quan, võ tướng dưới trướng hắn đã chết trong đám loạn quân hay đã chạy trốn rồi?".

Giả Hủ nói: "Theo như Tử Nghiêm nói ở lần đại phá vây cuối cùng đã có mấy chục kỵ binh quân Tào đột phá ra khỏi vòng vây. Hủ cho rằng Tào Tháo cùng với thủ hạ tâm phúc văn, võ rất có thể đã ăn mặc như những binh lính bình thường, dùng kế lừa dối chạy thoát".

Mã Dược nói: "Cô cũng cho là như vậy (Hiện tại Mã Dược là Lương Công, xưng Cô hẳn là không có vấn đề gì).

Giả Hủ nói: "Ai, chúa công đã bày thiên la địa võng ở bên ngoài thành Hứa Xương, thật không ngờ Tào Tháo vẫn có thể chạy thoát. Người này quả thật mạng rất lớn".

"Ha ha" Mã Dược cười nói: "Văn Hoà chê Tào Tháo mạng lớn. Tào Tháo vẫn chê Cô mạng lớn. Tam Giang Khẩu, Diệp Thành, còn cả Tỵ Thuỷ Quan. Không phải Cô lúc đó cũng phải tìm đường sống trong cái chết sao? Ngươi hãy nghĩ xem nếu Tào Tháo chết dễ dàng như vậy thì hắn không phải là Tào Tháo nữa".

Thật sự phân tích của Mã Dược về Tào Tháo còn cả phần tình cảm trong đó.

Nếu không phải thời thế bắt buộc, Mã Dược thật sự muốn kết giao bằng hữu với Tào Tháo. Hơn nữa Mã Dược tin tưởng rằng với tính cách của mình hai người nhất định sẽ là bằng hữu tâm giao.

Giả Hủ vui vẻ nói: "Nói như vậy, chúa công sẽ không trách phạt Cao Thuận tướng quân chứ?"

Mã Dược hỏi: "Cao Thuận có tội gì?"

"Tạ ơn chúa công" Giả Hủ vui vẻ nói: "Vậy Hủ lập tức ra Tướng phủ thả Cao Thuận".

"Hả?" Cao Thuận ngạc nhiên hỏi: "Cao Thuận đã tới Lạc Dương hả?"

Giả Hủ nói: "Đang quỳ với Tử Nghiêm bên ngoài Tướng phủ, xin thỉnh tội với chúa công".

"Ngươi nữa" Mã Dược cười chỉ Giả Hủ nói: "Mặc dù Cao Thuận, Lý Túc vô tội nhưng thực sự vẫn phải chịu trách nhiệm, Tào Tháo vẫn là chạy thoát khỏi tay hai người này, chuyện quỳ gối không thể tránh được, cứ để hai người đó quỳ một lát. Văn Hoà, ngươi cũng đừng vội ra đó. Cô có chuyên quan trọng muốn thương nghị với ngươi".

Giả Hủ vui vẻ nói: "Hủ nào dám không tuân lệnh".

Mã Dược ngẩng đầu nói: "Điển Vi".

Một bóng người loé lên bên ngoài buồng lò sưởi, Thân hình như cột sắt của Điển Vi vén rèm bước vào, cung kính nói: "Chúa công có gì phân phó?"

Mã Dược nói: "Phái người đi mời Pháp Chính đại nhân tới đây".

"Tuân lệnh".

Điển Vi ầm ầm trả lời rồi đi ra.

Mã Dược lại nói: "Văn Hoà, nhân lúc Hiếu Trực chưa tới, Cô có chuyện muốn thương nghị cùng ngươi".

Giả Hủ nói: "Xin chúa công cứ nói".

Mã Dược nói: "Sau cuộc chiến với Tào Tháo, quân ta thương vong rất nặng nề. Cú Đột và Lang kỵ Ô Hoàn do hắn chỉ huy càng thương vong thê thảm hơn. Tướng sĩ Lang kỵ là người Ô Hoàn, theo như quân luật quân Lương Châu thì không thể được hưởng thụ trợ cấp ngang bằng với tướng sĩ người Hán. Thế nhưng nói gì thì nói những tướng sĩ Ô Hoàn này vẫn thuỷ chung đi theo Cô từ buổi ban đầu ở Thượng Cốc, trải qua trăm trận, trung thành và tận tâm với Cô. Trong thâm tâm của ba quân tướng sĩ thực sự không coi như người ngoại tộc. Cô thực sự không đành lòng".

Sắc mặt Giả Hủ nghiêm nghị, hắn đứng dậy, bái lạy Mã Dược và nói: "Chúa công nhân hậu, tướng sĩ Ô Hoàn rất may mắn. Tướng sĩ Lương Châu rất may mắn. Muôn dân trăm họ thiên hạ rất may mắn".

"Văn Hoà hãy ngồi xuống nói chuyện" Đợi khi Giả Hủ ngồi lại vào chỗ mình, Mã Dược mới nói tiếp: "Cô có suy nghĩ này muốn thương nghị với Văn Hoà".

Giả Hủ nói: "Hủ xin rửa tai lắng nghe".

Mã Dược nói: "Cô có ý định nhận con trai trưởng của Cú Đột là Cú Duyên làm nghĩa tử, ban thưởng họ Mã, nhập Hán tịch. Con mồ côi của các tướng sĩ Ô Hoàn đã bỏ mình cũng ban thưởng Hán tịch, đổi họ Ô, khi đó tướng sĩ Ô Hoàn có thể được thụ hưởng trợ cấp ngang bằng như tướng sĩ quân Hán. Các dũng sĩ Nguyệt thị, Khương tộc cũng như vậy. Văn Hoà nghĩ sao?"

Giả Hủ nghiêm mặt nói: "Chúa công anh minh".

Lời này của Giả Hủ tuỵêt đối không phải chỉ là lời xu nịnh mà phát ra từ tâm can. Mã Dược có thể nói rất hung tàn với kẻ thù của mình nhưng đối với thủ hạ của mình mà nói thì lại cực kỳ quan tâm. Có thể nói từ trước tới nay chưa có bậc quân chủ nào coi trọng tính mạng của thủ hạ như Mã Dược, cũng có thể nói từ trước tới nay chưa có bậc quân chủ nào được thủ hạ của mình thực tâm ủng hộ từ tận đáy lòng như Mã Dược.

Bình thường binh lính khá thô kệch, bọn họ thường không hiểu đạo lý là gì, chỉ cần người khác đối xử tốt với bọn họ, bọn họ sẽ bán mạng cho người đó. Mọi chuyện chỉ đơn giản như vậy.

Đang trong lúc hai người nói chuyện thì Pháp Chính đi tới, hắn thi lễ với Mã Dược và nói: "Tham kiến chúa công".

Mã Dược khẽ gật đầu, ra hiệu cho Pháp Chính ngồi xuống rồi mới nói: "Hôm nay Cô cho mời các ngươi tới chính là muốn cùng các ngươi thương nghị chiến lược sau này cho quân Lương. Hiếu Trực, ngươi nói trước đi".

Hiển nhiên Pháo Chính đã sớm có chuẩn bị, Mã Dược vừa dứt lời hắn đã lên tiếng: "Chúa công mới nghênh đón Thiên tử, thiên hạ quy thuận. Tào Tháo mới bại, thế cô lực mỏng. Lưu Biểu là hạng người tầm thường vô hại. Tôn Kiêu tuy có chí kiêu hùng nhưng cũng chỉ an phận ở Giang Đông, binh lính chỉ quá ba vạn, dân cũng chỉ quá trăm vạn".

"Nói về thế lớn thiên hạ lúc này thì trước mắt cần tiếp tục tấn công nhưng rất đáng tiếc sau cuộc chiến với quân Tào, chúng ta đã bị hao tổn rất nhiều lương tiền. Mấy năm nghỉ ngơi tích trữ, để dành đã bị tiêu hao gần hết. Hơn nữa quân đoàn Lương Châu chính chiến đã lâu ngày, tướng sĩ mệt mỏi cũng cần phải nghỉ ngơi hồi phục, trong khoảng thời gian ngắn trước mắt rất khó có thể phát động một cuộc chiến tranh quy mô lớn".

Mã Dược đưa mắt nhìn Giả Hủ và hỏi: "Văn Hoà nghĩ sao?"

Giả Hủ nói: "Hiếu Trực nói không phải không có đạo lý. Mục tiêu chiến lược của quân Lương từ ba tới năm năm nữa là phải củng cố Trung Nguyên. Sau đó trước tiên đánh Viên Thiệu, bình định phương bắc, rồi tích trữ sinh lực trong vòng mười năm để dùng thế Thái Sơn áp đỉnh đánh lấy Kinh Tương, cuối cùng là nhập Xuyên định thiên hạ".

"Nhập Xuyên?" Mã Dược khẽ chấn động, hắn vội vàng hỏi: "Sau khi Tào Tháo thua chạy khỏi Hứa Xương, liệu hắn có thể chạy vào Xuyên đầu hàng Lưu Chương không?'

Giả Hủ nói: "Nếu Tào Tháo chạy vào Xuyên đầu hàng Lưu Chương, hắn nhất định phải chết. Chúa công chỉ cần phái người ăn nói khéo léo đi trước vào đó ắt việc sẽ thành".

Pháp Chính nói: "Nếu Tào Tháo may mắn không chết, hắn nhất định cũng không đầu hàng Tôn Kiên, hắn chỉ có thể tới Kinh Châu đầu hàng Lưu Biểu".

Mã Dược nói: "Lưu Biểu không sợ Tào Tháo chiếm đoạt mất địa bàn của mình sao?"

Pháp Chính nói: "Lưu Biểu tuy là Kinh Châu mục nhưng thực ra chỉ có danh, không có lực".

"Hả?" Mã Dược nói: "Xin rửa tai lắng nghe".

Pháp Chính nói: "Thế lực sĩ tộc, môn phiệt Kinh Tương rất hùng mạnh, đặc biệt là bốn thế lực môn phiệt hàng đầu: Sái, Khoái, Hoàng, Vương, trong đó Sái thị Tương Dương có quan hệ thông gia với Lưu Biểu. Khoái Lương, Khoái Việt đã bị chúa công bắt cóc. Lưu Biểu lại trúng kế giá hoạ của quân sư, Khoái thị ở Nam Quận đã bị Lưu Biểu diệt tộc, thế lực không còn hùng mạnh như trước nữa".

"Ngày nay thực quyền ở Kinh Châu nằm trong tay ban môn phiệt: Lưu, Sái, Hoàng, Vương chia nhau chiếm giữ. Nếu Tào Tháo thất bại chạy tới Kinh Châu. Các thế lực môn phiệt Kinh Tương xuất phát từ việc bảo đảm lợi ích của mình đương nhiên sẽ đề nghị Lưu Biểu thu nạp Tào Tháo để đối kháng với chúa công và Tôn Kiên. Cho dù Lưu Biểu có không muốn nhưng hắn thực sự không nắm được đại cục".

"Ai" Mã Dược vỗ tay xuống án, thửo dài nói: "Nếu chuyện xảy ra đúng như Hiếu Trực nói, Tào Tháo sớm muộn gì cũng làm chủ Kinh Châu. Nay Tôn Kiên đang dẫn quân tấn công mạnh Hoài Nam, Từ Châu. Quân ta đánh lâu mệt mỏi, ngoài tầm với. Vùng đất Giang Hoài màu mỡ sớm muộn gì cũng rơi vào tay Tôn Kiên như thế nam có Tào Tháo, đông có Tôn Kiên, e rằng đó là đại hoạ".

Pháp Chính nói: "Tại hạ có một kế có thể hoá giải mối ưu sầu của chúa công".

Mã Dược nói: "Kế gì hãy mau nói ra".

Pháp Chính nói: "Viên gia bốn đời làm tam công, rất có uy vọng trong nước, nền tảng cực kỳ vững chắc. Tuy Viên Thiệu thất bại ở Quan Độ, ba mươi vạn đại quân biến thành cát bụi nhưng căn cơ của hắn không bị tổn hại, thực lực của hắn vẫn còn. Nếu chúa công vội vàng tiến đánh, chỉ là hao binh tổn tướng, hao tổn lương tiền không biết bao nhiêu mà kể. Chúa công sao không dâng tấu lên Thiên tử, bề ngoài tán dương công lao của Viên Thiệu, xin phong cho con trai trưởng Viên Đàm của hắn là Thứ Sử Dương Châu, con trai thứ hai Viên Hi làm Thứ Sử Từ Châu, con trai thứ ba Viên Thượng làm Thứ Sử Dự Châu, cháu ngoại của hắn là Cao Kiền làm Thứ Sử Duyện Châu. Viên Thiệu là người bảo thủ nhưng lại thích làm việc lớn, thích công to, tất sẽ vui vẻ đón nhận chiếu chỉ".

"Ha ha ha, diệu kế" Giả Hủ phấn khích nói: "Nếu chúa công nhân cơ hội này kết đồng minh với Viên Thiệu. Viên Thiệu đương nhiên sẽ đồng ý, như thế là chúa công đã mượn thế lực Viên Thiệu ổn định cục diện Trung Nguyên. Một khi Tôn Kiên muốn lấy được vùng Giang Hoài hắn sẽ phải tranh đấu tới lưỡng bại câu thương với Viên gia hùng hậu nhân tài vật lực".

Pháp Chính lại nói: "Làm như vậy có hai điều lợi: thứ nhất là có thể tiêu hao thực lực của Viên Thiệu, thứ hai có thể phân tán binh lực Hà Bắc, đợi sau ba, năm năm khi sau khi lương tiền Quan Trung đầy đủ, chúa công có thể không cần tốn nhiều sức cũng có thể bình định Hà Bắc, Trung Nguyên, hoàn toàn tiêu diệt được thế lực cũ Viên gia. Cái này chính là nuôi hổ là mầm hoạ, nuôi heo để ăn thịt".

"Ha ha, hay" Mã Dược vỗ tay xuống án, cao hứng nói: "Hay cho câu nuôi hổ là mầm hoạ, nuôi heo để an thịt. Viên Thiệu kia chính là con heo Cô nuôi để ăn thịt".

"Thế nhưng" Mã Dược đổi giọng nói tiếp: "Thế nhưng con hổ Tào Tháo kia cũng không thể buông tha cho nó được, càng không thể để cho nó dùng Kinh Châu làm bàn đạp để lấy Tây Xuyên. Nếu như Tào Tháo có thể lấy Tây Xuyên thì tiêu diệt hắn càng khó khăn hơn. Ý của Cô là ra tay động thủ trước Tào Tháo, dùng Mạnh Khởi làm chủ tướng, thống lĩnh một đội quân tinh binh tiến xuống Hán Trung, giành lấy Tây Xuyên. Văn Hoà, Hiếu Trực cho rằng có thể được không?"

Giả Hủ suy nghĩ một lát rồi khuyên nhủ: "Làm việc nóng vội thì không thể thành công, mong chúa công nghĩ lại".

Pháp Chính cũng nói: "Chúa công, quân ta đã ác chiến mấy tháng, tướng sĩ đã vô cùng mệt mỏi, hơn nữa lương tiền trong kho đã tiêu hao quá nhiều, khó có thể kéo dài. Lúc này thực sự không nên nghĩ tới việc xuất binh".

Lúc này rốt cuộc ý kiến của Mã Dược, Giả Hủ và Pháp Chính đã gặp sự khác biệt sâu sắc.

Mã Dược là người xuyên việt tới, dĩ nhiên hắn biết sự nghiêm trọng của việc Tào Tháo làm chủ Tây Xuyên. Nếu như Tào Tháo thật sự lấy được Tây Xuyên khi đó hắn chính là Lưu Bị trong chính sử. Cho dù Mã Dược có thống nhất được phía bắc Trường Giang, rộng hơn một nửa lãnh thổ Trung Quốc những cũng chưa chắc đã đánh vào Tây Xuyên được. Theo phản ứng dây chuyền, bị Tây Xuyên kiềm chế, Mã Dược sẽ không có cách nào tập trung binh lực tấn công Đông Ngô.

Một khi như vậy thì cục diện thế chân vạc tam quốc như trong chính sử rất có thể một lần nữa xuất hiện. Đây là điều Mã Dược tuyệt đối không thể dễ dàng chấp nhận được. Lưu Biểu được Tào Tháo trợ giúp rất khó có thể đánh bại như vậy Mã Dược phải ra tay trước Tào Tháo đoạt lấy Tây Xuyên, bóp chết xu thế chân vạc tam quốc từ trong trứng nước.

Mã Dược quả quyết nói: "Ý Cô đã quyết, Văn Hoà, Hiếu Trực không cần phải nhiều lời".

Giả Hủ, Pháp Chính lập tức thôi không khuyên nhủ nữa.

Trong huyện nha rách nát, Tào Tháo cùng mọi người vội nghênh đón Tàng Phách vào đại đường.

Tàng Phách đưa tay tiếp nhận ấm nước từ tay Vu Cấm, hắn ngửa cổ uống sạch sẽ ấm nước rồi lau miệng nhìn Tào Tháo nói: "Chúa công, mạt tướng đã thăm dò rõ ràng".

Tào Tháo nói: "Không vội, Tuyên Cao hãy ngồi xuống từ từ nói chuyện, chư vị cũng ngồi xuống đi". Text được lấy tại TruyệnFULL.vn

Đợi mọi người ngồi xuống xong, Tàng Phách mới thở dốc nói: "Chúa công, Hứa Xương đã bị công phá, Tuân Úc tiên sinh đã bị quân Lương Châu bắt, không biết sinh tử thế nào. Mã đồ phu đã nghênh đón Thiên Tử về Đông Đô Lạc Dương, hắn lại điều mười vạn dân phu từ Quan Trung sửa sang cung điện ở Lạc Dương. Hổ Lao quan, Tỵ Thuỷ quan cũng được tu bổ lại hoàn toàn, Mã đồ phu đều phái trọng binh trấn giữ".

"Quan địa phương của hai châu Duyện, Dự đã bỏ trốn, giặc cướp hoành hành ở vùng Tử Địa Tử, Mang Nãng Sơn, Cửu Lý Sơn, Thái Sơn, trăm họ lầm than. Mạt tướng trên đường đi tới một ngàn dặm mà không gặp được vài gia đình, cảnh phồn hoa khi xưa đã biến mất, thay vào đó là cảnh tiêu điều, xác xơ".

(Khi Tào Tháo, Viên Thiệu và Mã Dược đại chiến Trung Nguyên, phần lớn dân chúng hai châu Duyện, Dự chạy tị nạn vào Từ Châu, Hoài Nam, Quan Trung, Kinh Châu, chỉ có một số ít không đi, lưu lại thành giặc cướp).

Nói tới đây giọng nói Tàng Phách trở nên nghẹn ngào, Lưu Diệp, Trương Liêu đang ngồi nghe ở bên cạnh cũng vô cùng xúc động.

Tào Tháo ngửa mặt lên trời than dài một tiếng, hắn nói vẻ bi thương: "Mã đồ phu quả là loại hại nước hại dân'.

Tàng Phách lại nói: "Tôn Kiên đã tấn công Hoài Nam. Lôi Tự đã chết trận, Mai Thành đã đầu hàng. Hiện tại quân Ngô đang chia binh làm hai đường từ hai mặt tây và nam giáp công Từ Châu, Nghiễm Lăng, đang kịch chiến cùng Trần Đăng ở Giang Đô".

Tào Hồng hỏi: "Quân Lương của Mã đồ phu có xuất binh không?"

Tàng Phách nói: "Mạt tướng bí mật tới kinh đô Lạc Dương và vùng phụ cận, dò hỏi nhiều lần nhưng không phát hiện ra dấu hiệu quận Tây Lương tập kết binh lực quy mô lớn. Xem ra Mã Dược không có ý định xuất binh cứu Từ Châu".

Trình Dục nói: "Không phải Mã đồ phu không muốn cứu mà chỉ e là lực bất tòng tâm. Mặc dù trước sau Mã đồ phu giành thắng lợi trong cuộc chiến Lạc Dương, cuộc chiến Nam Dương, cuộc chiến Diệp Thành, cuộc chiến Hứa Xương và cả cuộc chiến ải Thanh Ngưu cũng chấm dứt vì thắng lợi của quân Lương nhưng vì chiến tranh liên tiếp, quân Lương bị thương vong nặng nề, lương tiền tiêu hao cũng gần hết. Nếu chúng không nghỉ ngơi dưỡng sức từ ba tới năm năm thì chỉ e không thể hồi phục nguyên khí".

Đôi mắt nhỏ của Tào Tháo đang nhắm lại đột nhiên mở ra, hắn nhìn mọi người xung quanh nói: "Đại khái cục diện ngày nay là như vậy, chư vị có cao kiến gì?"

Cổ Quỳ nói: "Chúa công, hai châu Duyện, Dự đã thành đất cằn sỏi đá, khó có thể thành căn bản. Hoài Nam tất về tay Tôn Kiên, không thể chiếm được. Sĩ tộc, môn phiệt Từ Châu như rừng, Mã đồ phu nắm giữ Thiên Tử, hắn chưa chắc đã cam tâm để chúa công sử dụng nên cũng không với được. Viên Thiệu và chúa công có đại thù nếu tới nương nhờ nơi hắn tất bị làm hại như vậy Hà Bắc cũng không thể đi. Nhìn khắp thiên hạ chỉ có chạy tới Giang Đông, Kinh Châu và Tây Xuyên ba nơi đó. Quỳ nghĩ rằng Tây Xuyên bốn xung quanh là núi, dễ thủ khó công lại có đồng bằng phì nhiêu trải dài ngàn dặm, dân cư cũng đạt tới con số năm, sáu trăm vạn. Nếu như chúa công có thể đoạt lấy Tây Xuyên thì có thể đối chọi được với Mã đồ phu".

"Không thể" Trình Dục vội la lên: "Người Xuyên bài ngoại. Nếu chúa công tới Tây Xuyên nương nhờ Lưu Chương tất sẽ bị hại".

Tào Hồng không cam lòng nói: "Chúa công, dưới trướng vẫn còn hai ngàn tinh binh (tàn binh của Tào Hồng, Vu Cấm, Tào Chân), chẳng phải tự lập ở Nhữ Nam là tốt hơn sao, cần gì phải nương thân chỗ người khác?"

Tào Tháo lắc đầu nói: "Tử Liêm sai rồi, trước kia Nhữ Nam là quận lớn, nay dân cư đã mất đi phân nửa, không có tiền lương, binh mã lấy gì sinh sống? Hơn nữa Nhữ Nam gần Dĩnh Xuyên, Lạc Dương. Nếu Mã đồ phu nghe thấy dẫn quân tấn công thì quân ta có thể đánh lại được không? Ăn nhờ ở đậu không phải là điều Cô mong muốn những cũng là vạn bất đắc dĩ".

"Ai!".

Tào Hồng thở dài, lặng lẽ không nói.

Tào Tháo chậm rãi đứng lên, hắn nhìn mọi người nói: "Cô định dẫn quân tới nương nhờ Lưu Biểu ở Kinh Châu. Nếu chư vị không muốn, Cô tuyệt đối không gây khó dễ, xin cứ tự mình rời đi".

Trương Liêu, Trương Cáp, Tàng Phách, Trình Dục, Lưu Diệp, Cổ Quy, Vu Cấm cùng đứng dậy, ôm quyền nói với Tào Tháo: "Mỗ thề chết đi theo Thừa tướng, tuyệt đối không phản bội".

"Tử Dương" Cuối cùng Tào Tháo nhìn Lưu Diệp nói: "Phiền ngươi đi tới Tương Dương một chuyến".

Lưu Diệp nói: "Diệp lĩnh mệnh".

Điện Đức Dương nơi Thiên Tử triệu kiến quần thần vốn đã bị phá huỷ bởi loạn binh. Sau khi Mã Dược nghênh đón Thiên Tử quay về Lạc Dương đã cho xây dựng lại trên nền cung điện cũ một cung điện nhỏ hơn làm nơi văn võ bá quan triều kiến Thiên Tử.

Ngày hôm nay, chân trời phía đông mới hé lộ ánh bình minh, tiếng chuông trước điện Đức Dương đã vang lên. Văn võ bá quan đã sớm tụ tập từ trước hối hả vào triều. Sau ba quỳ, chín khấu đầu thì chia làm hai ban. Bên tay trái là nhóm quan văn, đứng đầu hàng là một người dáng vẻ lẻ loi nhưng đó lại là một bề tôi quan trọng nhất, đương kim Thừa tướng Mã Dược.

Tư lễ thái giám bước lên nói: "Có bản tấu dâng lên, không bản tấu bãi triều".

Ánh mắt văn võ bá quan trong điện liền tập trung trên người Mã Dược. Lúc này Mã Dược không chút hoang mang, hắn tiến ra hai bước, quỳ xuống trước thềm son nói: "Thần có bản tấu".

Hiến Đế khoát tay nói: "Thừa tướng dâng sớ miễn quỳ. Mau đứng lên nói chuyện".

Mã Dược vẫn quỳ bên dưới nói: "Thần tử dâng tấu phải quỳ là lễ nghi từ cổ xưa. Thần sao dám làm trái lễ nghi".

Hiến Đế nói: "Nếu như thế Thừa tướng hãy mau tấu lên".

Mã Dược nói: "Đại tướng quân Viên Thiệu đức cao vọng trọng, chiến công trác tuyệt, khi xưa thảo phát nghịch tặc Tào Tháo, lập nhiều chiến công. Thần tấu xin bệ hạ sắc phong trưởng tử của Đại tướng quân là Viên Đàm làm Thứ Sử Dương Châu, thứ tử Viên Hi làm Thứ Sử Từ Châu, tam tử Viên Thượng làm thứ sử Dự Châu, ngoại sanh Cao Kiền làm Thứ Sử Duyện Châu cùng với khen thưởng công lao to lớn của Đại tướng quân".

"Chuẩn tấu" Hiến Đế đáp không chút suy nghĩ: "Trẫm chuẩn tấu. Thừa tướng hãy mau đứng dậy".

"Hoàng Thượng thánh minh".

Mã Dược cung kính khấu đầu ba lần rồi mới quay về chỗ.

Hán Hiến Đế lại hỏi quần thần: "Chư vị ái khanh còn chuyện gì bẩm tấu không?"

Tư Đồ Khổng Dung bước ra nói: "Từ khi Đổng Trác làm loạn kinh thành, Tào tặc cướp giá (Thiên tử đã ở trong Mã Dược, Khổng Dung cũng chỉ biết thuận theo thời thế coi Tào Tháo là nghịch tặc) Thiên Tử lang bạt kỳ hồ đến nỗi triều chính hoang phế, quốc sự rối ren. Bá quan có nhiều người đã tử nạn nay chức Quang Lộc Huân, Thái Phó, Đại Hồng Lư, Tông Chính, Đại Tư Nông, Thiếu Phủ, Chấp Kim Ngô, Đại Trường Thu đều khuyết đã lâu. Thần xin bệ hạ tìm trong số Thị trung, Thị lang người có tài đức bổ nhiệm chức quan, lại vời người tài đức ở các châu quận trong cả nước về triều làm quan lang".

Hán Hiên Đế nói: "Khổng ái khanh đã chọn được người phù hợp chưa?"

Khổng Dung nói: "Thị trung Trần Quần có thể làm Quang Lộc Huân, Mãn Sủng có thể làm Đại Hồng Lư, Đổng Chiêu làm Thái Phó, Đỗ Kỷ làm Đại Tư Nông. Tư Mã Lãng làm Thiếu Phủ, Trần Kiểu làm Tương Tác Đại Tượng trợ giúp Thừa tướng, chịu trách nhiệm tu sửa cung điện".

Hán Hiến Đế nhìn Mã Dược hỏi: "Chẳng hay Thừa tướng nghĩ thế nào?"

Mã Dược nói: "Danh sách của Khổng đại nhân rất hợp lý, thần không có ý kiến gì".

Hán Hiến Đế nói: "Nếu vậy Trẫm chuẩn tấu".

"Bệ hạ thánh minh".

Khổng Dung khấu đầu tạ ơn.

Hán Hiến Đế lại hỏi bá quan: "Chẳng hay chư vị ái khanh có thể tiến cử người thích hợp vào triều không?"

Thái Thường Tư Mã Phòng bước ra nói: "Tiến cử người ngoài không tránh khỏi kẻ thù, tiến cử bên trong không tránh khỏi tình thân, thứ tử của vi thần là Tư Mã Ý thông minh, học giỏi, có tài năng có thể làm lang trung".

Tư Mã Phòng vừa dứt lời, hai hàng lông mày kiếm của Mã Dược giật mạnh một cái.

Dù Mã Dược biết rất ít về Tam Quốc nhưng cái tên Tư Mã Ý không xa lạ gì với hắn. Cái tên Tư Mã Ý này luôn có liên quan với yêu nhân Gia Cát Lượng kia.

Nếu điều kiện cho phép, Mã Dược đã sớm phái người bắt giữ hai người này, có thể sử dụng thì sử dụng, không thể sử dụng thì giết đi, giống như cách đối xử ban đầu với Chu Du, chỉ tiếc là hắn đã thất bại trong gang tấc, chưa giết được nhưng điều đáng tiếc nhất là Mã Dược không biết hai người này cư ngụ ở đâu, hơn nữa trong biển người mênh mông muốn tìm ra hai người này thì thực sự không khác gì mò kim đáy bể.

Hôm nay đột nhiên ngay giữa buổi triều Mã Dược được nghe nói cái tên Tư Mã Ý nên hắn không khỏi giật mình.

Theo lệ Hán Hiến Đế lại hỏi Mã Dược: "Thừa tướng nghĩ thế nào?"

Mã Dược trấn tĩnh lại đáp: "Tư Mã đại nhân học vấn uyên thâm, trưởng tử Tư Mã Lãng trẻ tuổi tài cao, độ lượng, khoan dung, bá quan ai cũng ca ngợi. Nhị công tử Tư Mã Ý thiết nghĩ cũng là bậc hiền tài. Nay trong tướng phủ còn khuyết chức Chủ Bạ. Nếu như Tư Mã đại nhân không chê, bản tướng nguyện để chỗ trống đó, không biết Tư Mã đại nhân nghĩ thế nào?"

Sở dĩ Mã Dược làm vậy là vì hắn không yên lòng.

Bản thân Mã Dược là người tương lai nên đương nhiên hắn biết Tư Mã Ý nguy hiểm tuyệt đối không thua kém Tào Tháo. Mã Dược thật sự không yên lòng khi để một người nguy hiểm như vậy tự do ở bên ngoài. Hắn không thể không giữ người này ở bên cạnh để giám sát cẩn thận. Nếu có thể sử dụng thì dùng hạn chế còn nếu không thể sử dụng thì tìm cớ giết đi để tránh di hoạ lại cho con cháu.

Dã tâm của Tư Mã Chiêu bất kỳ ai cũng biết.

Tư Mã Chiêu là ai? Chính là con trai của Tư Mã Ý.

Thế nhưng hiện tại Tư Mã ý còn chưa tới hai mươi tuổi, đương nhiên Tư Mã Chiêu vẫn còn chưa xuất hiện ngay cả hình bóng. Nhưng Mã Dược không cho đây là lo buồn vô cớ. Từ khi hắn đi tới thời loạn thế này kinh nghiệm đều cho hắn một chân lý: Phải phòng ngừa mọi chuyện chú đáo, phải bóp chết tất cả nguy hiểm manh nha ngay từ trong trứng nước thì mới có thể yên ổn sinh cơ lập nghiệp.

Hiển nhiên Tư Mã Phòng có khúc mắc sâu đậm với Mã Dược, ông ta đang muốn từ chối thì Hán Hiến Đế đã vỗ tay nói: "Tốt, như thế rất tốt. Trẫm thay mặt Tư Mã ái khanh đồng ý, ha ha ha".

Một khi Thiên Tử đã đồng ý, Tư Mã Phòng cũng chỉ biết bất đắc dĩ chấp nhận, ông ta cố ra vẻ vui mừng nói: "Vậy xin đa tạ thừa tướng cất nhắc".

"A a" Mã Dược vỗ tay cười nói: "Nếu như thế thì việc đã định".

Khi Tư Mã Ý tới thì Mã Dược vẫn đang thương nghị cùng Giả Hủ.

Ngay lúc đó Điển Vi mang lên một vò rượu ngon, Mã Dược liền cầm bút đề ngay ba chữ trên vò rượu: "Nhất hợp tửu" sau đó để vò rượu trên án. Tư Mã ý thấy thế không nói không rằng cầm ngay vò rượu ngửa cổ uống cạn một hơi sau đó có vẻ vẫn chưa thoả mãn, tấm tắc khen: "Rượu ngon, rượu rất ngon'.

Điển Vi giận dữ nói: Đây là mỹ tửu Bồ Đào Trưởng Sử Tây Vực Ban Thiện dâng tặng Thừa tướng, ngươi chỉ là một tên tiểu tử, sao dám uống trước?"

Tư Mã Ý nói: "Có lệnh của Thừa tướng, tại hạ sao dám cãi lời".

"Ngươi nói cái gì?" Điển Vi ngạc nhiên hỏi: "Thừa lệnh Thừa tướng? Làm gì có chuyện Thừa tướng để ngươi uống rượu?"

Tư Mã ý chỉ ngón tay vào ba chữ trên vò rượu nói: "Tướng quân hãy nhìn, rõ ràng Thừa tướng viết năm chữ: Một người một ngụm rượu, chẳng lẽ có sai sót?"

"Ai, cái này…".

Điển Vi vò đầu không biết làm sao.

Mã Dược cười to nói: "Trọng Đạt tài cao, quả thực danh bất hư truyền. Điển Vi, hãy mau lui ra".

Điển Vi hoang mang đi ra ngoài, rốt cuộc hắn vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra? Điển Vi biết trên vò rượu có chữ nhưng những chữ trên vò rượu là gì thì hắn không biết.

Tư Mã Ý cung kính vái chào Mã Dược, cao giọng nói: "Tiểu tử Tư Mã Ý tham kiến Thừa Tướng".

"Miễn lễ" Mã Dược khoát tay nói: "Chức Chủ Bạ của Tướng phủ thấp bé mà khổ cực, Trọng Đạt có oán hận không?'

"Không dám" Tư Mã Ý đáp: "Có thể ra sức vì Thừa tướng, tiểu tử vô cùng vui mừng, thực không dám oán hận'.

"A, như thế rất tốt" Mã Dược nói: "Ngươi hãy lui ra đi".

"Nếu vậy tiểu tư xin cáo lui".

Tư Mã ý đứng thẳng người vái chào rồi hắn quay người rời đi.

Ngay khi bóng dáng Tư Mã Ý đi xa, sắc mặt Mã Dược liền trở nên âm trầm, hắn hỏi Giả Hủ ngồi bên cạnh vẫn không nói nãy giờ: "Văn Hoà, người này thế nào?"

Giả Hủ vuốt chòm râu ngày một thưa của mình, trầm giọng nói: "Người này có dáng vẻ như ưng, như vượn, có tài sánh ngang trời đất nhưng…".

"Nhng thế nào?" Mã Dược nói: "Văn Hoà cứ nói đừng ngại".

"Người này dùng tốt thì là trung thần thời thái bình, dùng không tốt thì là gian hùng thời loạn thế" Nói xong Giả Hủ nhìn Mã Dược nói với vẻ lo lắng: " Cuối cùng thì Tư Mã Ý trở thành một năng thần hay biến thành một gian thần tất cả đều dựa vào biểu hiện tương lai của công tử Chinh mà nên".

Mã Dược nói: "Cô đã hiểu".

Lời nói của Giả Hủ rất thẳng thắn. Ý của hắn rằng khi Mã Dược vẫn còn sống thì dù Tư Mã Ý có tài năng đến như nào cũng không thể làm gì được thế nhưng sau khi Mã Dược chết đi, Mã Chinh có trấn áp được Tư Mã Ý hay không còn rất khó nói. Nếu như Mã Chinh có hùng tài đại lược như Mã Dược thì đương nhiên không thành vấn đề. Ngược lại nếu năng lực Mã Chinh bình thường, trước khi chết Mã Dược nhất định phải giết chết Tư Mã Ý để ngăn ngừa hậu hoạn sau này.