Hữu Phỉ

Chương 101:



– Đoạn sau lại càng nhảm, nói sau khi vị tham quân đó xuất gia, cả ngày làm bạn với quạ đen và xương trắng, từ sáng đến tối tu luyện ở nơi rừng sâu núi thẳm, khó khăn lắm mới có chút phép thuật lúc linh lúc không, có lúc còn bị yêu ma quỷ quái đuổi chạy khắp núi, trải qua trăm cay ngàn đắng, cuối cùng ngẫu nhiên gặp một đám thiếu niên cưỡi ngựa ngao du, lẩm bẩm một câu “duyên phận đến” rồi đắc đạo thành tiên!

Cách một chiếc xe ngựa cũng có thể nghe tiếng oán giận không thôi của Lý Nghiên:

– Vậy là thành tiên! Có nghe bao giờ chưa? Sớm biết thế muội nên đem cả đám người vào rừng sâu núi thẳm ngao du, gặp ai là người đó thành tiên hết, 1000 lượng bạc 1 lần gặp, vậy chúng ta phát tài rồi! Ôi, muội không hiểu, mọi người nói xem, đoạn trước vừa hành quân đánh trận vừa mối mọt quốc gia, với cái kết thúc này liên quan méo gì nhau?

Bọn Chu Phỉ tuyên bố vì muốn “tham gia náo nhiệt, mở mang kiến thức” nên ké tên tuổi Hưng Nam tiêu cục, đồng hành đi Vĩnh Châu.

Huynh muội họ Chu cầu còn không được – có thêm mấy cao thủ cùng đi, tốt xấu gì cũng không cần lo bọn rác rưởi núi Hoạt Nhân Tử Nhân truy đuổi.

Lý Nghiên, Ngô Sở Sở và vị nữ tử Chu Oánh của Hưng Nam tiêu cục ngồi một chiếc xe ngựa, theo sau các tiêu sư và hàng hóa, Chu Thần cưỡi ngựa chầm chậm cùng bọn Lý Thịnh đi sau chót.

Xe ngựa đi không nhanh, có thể nghe được giọng dịu dàng mềm mại của Ngô Sở Sở trong xe:

– Mấy thứ tiêu khiển này luôn lấy từ khúc làm đầu, câu chuyện xếp sau, chuyện càng kỳ lạ hơn vậy cũng có mà, chỉ cần ca khúc nghe hay là được.

– Nghe không hay!

Lý Nghiên hận không thể móc ra cả nắm lệ chua xót, gào lên:

– Sở Sở tỷ không biết đâu, ông lão hát khúc đó bị sứt răng, cắn chữ không rõ, không phải đàn lạc điệu thì là ổng lạc điệu, muội vì muốn xem xem câu chuyện này có thể kéo nhạt tới mức nào mới ngồi nghe ổng cưa gỗ cả canh giờ! Tỷ xem, tóc tối qua dựng thẳng lên giờ còn chưa xẹp xuống nè!

Khóe môi Lý Thịnh giật giật, nói với Chu Thần:

– Xá muội trẻ người non dạ, chê cười rồi.

Chu Thần cười nói:

– Đâu có, Lý cô nương hồn nhiên ngây thơ, rất hiếm thấy.

Nói rồi, hắn ho khẽ mấy tiếng, nghe trong xe ngựa không biết Lý Nghiên thì thầm câu gì mà mấy cô nương hi hi ha ha cười rộ lên, ngay cả Chu Oánh ngày thường chưa từng mở lòng cũng thoải mái hơn không ít.

Chu Thần nghe giọng tiểu muội, có chút vui mừng nhưng sau đó lại không khỏi thở dài. Nếu hắn cũng có bản lĩnh một đao một kiếm tung hoành thiên hạ thì đâu tới mức muội muội mới tròn đôi tám đã phải theo hắn ăn gió nằm sương, chịu đủ ức hiếp? Nghĩ tới mình bản lĩnh thấp kém, hắn liền cảm thấy tương lai mù mịt, vào lúc lòng hắn ủ dột u sầu thì đột nhiên, Dương Cẩn đang đi phía trước chợt rút đao nhắm về phía Chu Phỉ bên cạnh mà chém.

Chu Thần giật mình, ngựa bên dưới cũng hoảng theo, bước chân hỗn loạn, được Lý Thịnh nắm dây cương kéo lại.

Lý Thịnh nói như thường:

– Không sao, đừng để ý hai kẻ điên đó.

Chu Phỉ dường như luôn ngẩn người trên ngựa không thèm ngẩng đầu, giơ Vọng Xuân Sơn qua vai, thanh trường đao ấy chợt vểnh lên, vừa vặn đánh chệch Đoạn Nhạn Đao của Dương Cẩn, đồng thời, cả người nàng hơi ngửa ra sau, chưa đợi Dương Cẩn biến chiêu, trường đao liền ra khỏi vỏ, chỉ trong mấy hơi thở, nàng và Dương Cẩn đã qua bảy tám chiêu hiểm hóc, rõ ràng là hai trường đao nhưng chiêu nào chiêu nấy đều không cách Chu Phỉ quá nửa thước, nàng thực giống như bị ánh đao bao phủ.

Đấu pháp trông có vẻ liều mạng này khiến Chu Thần trợn mắt há mồm, suýt kêu ra tiếng.

Người trong xe ngựa cũng bị tiếng binh khí va nhau làm kinh động, ba cô nương đều ló đầu ra – trừ Chu Oánh tương đối kinh hãi, Ngô Sở Sở và Lý Nghiên chỉ liếc mắt một cái rồi rút đầu về, hiển nhiên là đã quen.

Nếu nói đao của Dương Cẩn là “trước sau như một” thì đao của Chu Phỉ là “sáng nắng chiều mưa”.

Dường như nàng không lúc nào không tìm tòi, cứ qua vài ngày là đổi phong cách, góc độ, cường độ và đao pháp xuất đao hoàn toàn được quyết định bởi thời điểm Dương Cẩn đánh lén, trong đầu nàng đang nghĩ gì.

Hôm đó, Chu Phỉ đang tập trung tinh thần nghĩ tới chỗ giống và khác nhau giữa dây trận của Minh Phong và Đoạn Thủy Triền Ti của Kỷ Vân Trầm thì bị Dương Cẩn ngắt ngang, đao pháp nàng đánh ra liền mang đặc điểm của hai người này – nhẹ nhàng, kỳ dị, dính chặt, tựa như thứ cầm trên tay không phải một thanh trường đao mà là một sợi tóc muôn vàn biến hóa, có thể tùy ý uốn cong thành bất cứ hình dáng nào, lại có thể lặng lẽ cho đối phương một kích trí mạng.

Dương Cẩn bị phương pháp “quấn” này làm thiếu kiên nhẫn, Đoạn Nhạn đao trong tay nhanh như một luồng tàn ảnh.

Chu Phỉ chợt nằm ngửa trên lưng ngựa, Vọng Xuân Sơn đánh ra “Trảm” tự quyết hơi biến hình, chiêu số thay đổi nhưng ý nghĩa giữ nguyên, “Trảm” tự quyết khí thế cực lớn, quét sạch sành sanh những thứ dính nhớp ban nãy không chút dư thừa, hai bên so sánh, tựa như một búa của Bàn Cổ bổ ra hỗn độn (1), “keng” một tiếng đẩy Đoạn Nhạn đao của Dương Cẩn ra.

(1) Theo thần thoại Trung Quốc, thuở xa xưa, vũ trụ chỉ là một khối khí hỗn độn. Bàn Cổ xuất hiện, dùng một chiếc búa bổ vào khối khí hỗn độn đó, làm nó tách ra thành trời, đất, không khí…

Dương Cẩn sợ nhất là Chu Phỉ nói biến chiêu liền biến chiêu, bị cú “trở mặt” thình lình của nàng làm trở tay không kịp, không khỏi hơi tránh về phía trước, đúng lúc này, Chu Phỉ xách ngược vỏ đao Vọng Xuân Sơn, thúc mạnh vào mông ngựa của Dương Cẩn.

Con ngựa đó vốn đang mệt nhọc chạy trên đường, chưa kịp ý kiến với hai kẻ ầm ĩ trên lưng thì đột nhiên dính phải tai bay vạ gió, tức đến mức đá hậu, ngửa mặt hí dài, suýt hất Dương Cẩn xuống, nổi trận lôi đình lao về phía trước.

Dù Đoạn Nhạn đao của Dương đại hiệp nhanh như cuồng phong chớp giật cũng không thể không luống cuống tay chân lo vỗ về vật cưỡi, khó khăn lắm mới ngồi vững lại, giận dữ kêu gào với Chu Phỉ:

– Có thể tỷ võ đàng hoàng không, sao cô lại giở trò?

Mãi đến khi gặp Dương Cẩn ở Thiệu Dương, Chu Phỉ mới biết dù đao thuật có thiên biến vạn hóa cũng không có nghĩa những kỹ năng cơ bản bổ, cắt, khều, đâm không quan trọng, người của 48 trại họ từ nhỏ ăn “cơm trăm nhà”, thấy thứ tốt là muốn học, nhưng từ đó về sau, mỗi ngày nàng dành thêm cho mình một canh giờ để huấn luyện kỹ năng cơ bản, quả nhiên có hiệu quả, nàng vững chắc thêm không ít. Nhưng đại khái là trận chiến ở Thiệu Dương đã dưỡng thành thói quen, chỉ cần người động thủ với nàng là Dương Cẩn thì Chu Phỉ luôn không nhịn được xuất ra ít hoa chiêu.

Dương Cẩn chưa từng phụ hi vọng của mọi người, thấy hố là nhảy, nhảy xong mới nổi giận đùng đùng, dần dà, đây đơn giản trở thành lạc thú của Chu Phỉ.

Chu Phỉ ung dung tra Vọng Xuân Sơn vào vỏ:

– Ai bảo ngươi đánh lén trước?

Đồng hành cả quãng đường, Chu Thần chưa từng thấy Chu Phỉ nói chuyện.

Chỉ cần có người dẫn đường, Chu Phỉ liền yên tâm thoải mái chìm đắm trong đao pháp, một ngày 12 canh giờ thì có đến 10 canh giờ rưỡi là nàng đang suy ngẫm đao của mình. Chu Thần luôn xem nàng là cao thủ nóng nảy kỳ quặc, lần đầu tiên phát hiện nàng cũng biết cười đùa trêu nghịch.

Lúc nãy đánh nhau, có một lọn tóc dài bị Dương Cẩn làm rơi xuống vai, Chu Phỉ tùy tiện vén nó ra sau tai, lộ gương mặt thiếu nữ xinh đẹp, nhẹ nhàng mà thanh tú.

Chu Thần không khỏi bị hút lấy, mãi đến khi Lý Thịnh bên cạnh nói chuyện với hắn, hắn mới đột nhiên hoàn hồn, ý thức được mình không nên nhìn chằm chằm vào nữ tử, bèn vội bối rối thu hồi tầm mắt.

Lộ trình không dài, ngoại trừ Dương Cẩn và Chu Phỉ cứ chốc chốc “keng, cạch” chém nhau thì chuyến đi có thể nói là hòa bình, rất nhanh đã tới khu vực Vĩnh Châu.

Xưa nay Vĩnh Châu nhiều trạng nguyên, non xanh nước biếc, từ thời Tần Hán trở đi, trong thành lộ ra phong cách cổ xưa kính cẩn, khói lửa chiến tranh chưa từng lan tới, Vĩnh Châu tương đối ôn hòa, là nơi rất được văn nhân thi khách ưu ái.

Nhưng hiện nay vì có Hoắc Liên Đào ở đây gây sóng gió nên người qua lại trong thành cổ Tiêu Tương này đều biến thành người giang hồ đủ âm sắc vùng miền.

Trên đường lớn ngựa xe đông nghịt, các đại môn phái quen biết lẫn nhau thường xuyên phải chào nhau.

Người ăn xin ven đường, người đánh xe trên đường, nói không chừng đều là người của Cái Bang và Hành Tẩu Bang, không ai dám khinh thường, tùy tiện một ông lão đi tới cũng có vẻ là thân mang tuyệt kỹ.

Các môn phái lớn nhỏ tay cầm đao kiếm qua qua lại lại đã không còn là điều mới mẻ – dị nhân dân gian đâu đâu cũng có.

Bọn Chu Phỉ theo người của Hưng Nam tiêu cục vào một khách điếm, tiểu nhị bận vắt giò lên cổ, Chu Phỉ tùy ý quét mắt qua một lượt, trước tiên chú ý tới ba người – một ông lão một mắt tay cầm đao tay cầm khỉ, một nam tử trung niên cao lớn thô kệch rõ ràng là nam cải nữ trang và một thanh niên sau lưng đeo gùi, trong gùi là một đống rắn độc bò loạn xạ.

Trong Hưng Nam tiêu cục có một lão tiêu sư tóc hoa râm, sau khi Chu Khánh không thể làm việc thì lão tiêu sư này làm “tổng tiêu đầu”, huynh muội Chu gia đều vô cùng cung kính gọi ông là “Lâm bá”.

Lâm bá quanh năm vào nam ra bắc, kiến thức rộng, chỉ điểm bốn phía cho Chu Thần:

– Người mang theo khỉ là “Viên lão tam”, người nam mặc nữ trang là huynh đệ ông ta, tên “Hầu ngũ nương”, hai người này giỏi giết người, còn trẻ tuổi đã bước vào tứ đại thích khách, nhiều năm không lộ mặt, lần này chịu nhận “chinh Bắc anh hùng thiếp” của Hoắc gia, mục đích đến thực khiến người ta nhìn không thấu.

Thích khách nổi danh thiên hạ, Chu Phỉ chỉ từng nghe nói “Minh Phong lâu”, không ngờ còn chia bang phái, bèn không khỏi ngẩng đầu nhìn Lâm bá.

Chu Thần vô cùng có mắt, hỏi điều mà nàng nghi hoặc:

– Lâm bá, tứ đại thích khách gồm có ai?

Lâm bá vừa nhỏ giọng dặn dò các hậu bối trẻ tuổi đừng nhìn loạn lung tung, tránh chuốc lấy phiền toái, vừa dẫn mọi người lên lầu.

Lên lầu ngồi vào chỗ, ông mới nói với Chu Thần:

– “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung, Xuân phong phất hạm yên vũ nồng” (2), câu này nói về hai bang phái thích khách lớn ở Nam Bắc…

(2) Nghĩa: ‘Nhìn mây nhớ áo nhìn hoa nhớ người, gió xuân nhẹ thổi nơi thềm cửa, ngoài trời đầy mưa bụi.’ Hơi biến tấu từ bài “Thanh bình điệu” của Lý Bạch. Bài của Lý Bạch không phải ‘yên vũ nồng’ (nhiều mưa bụi) mà là ‘lộ hoa nồng’ (nhiều sương hoa).

Chu Phỉ nghe giật mình trong lòng, cảm thấy giống như người quen.

Quả nhiên, Lâm bá nói tiếp:

– …Chính là “Vũ Y ban” trong truyền thuyết và “Minh Phong lâu” năm xưa.

Chu Phỉ hơi khiếp sợ, nàng chỉ biết Nghê Thường phu nhân và đám nữ thuộc hạ của bà đến vô ảnh đi vô tung, không ngờ họ ngoài hát khúc ra còn có nghề phụ là buôn bán mạng người!

Lâm bá nói:

– Hai thích khách còn lại, một là “Hắc phán quan” độc lai độc vãng Phong Vô Ngôn, một là “Viên Hầu song đao” đều đã thoái ẩn nhiều năm. Năm xưa vì Bắc Đẩu bị người người oán trách nên trong 10 giải là có 8 giải liên quan tới chúng, những người khác không nói nhưng nếu tứ đại thích khách đều né tránh không nhận thì thực có lỗi với danh tiếng của mình, nhưng lại không thể nhận thật. Mọi người nghĩ xem, ngay cả Minh Phong lâu sống phương bắc cũng ầm ĩ tới mức cuối cùng bị ép thoái ẩn ở 48 trại, thế người khác có thể kiếm chác được gì? Làm sao cũng khó, thế là người thông minh đều thoái ẩn hết, tiện thể rửa tay gác kiếm.

Các hậu sinh nghe xong nhất thời đều buồn bã.

Lúc này, Lý Nghiên hỏi như rất quen thuộc:

– Lão bá, cái người cõng gùi đầy rắn đó là ai thế ạ?

Lâm bá “ô” một tiếng:

– Cô bé này đúng là gan lớn, rắn mà cũng không sợ à?

Lý Nghiên đương nhiên không sợ, 48 trại quanh năm ẩm ướt nhiều mưa, lại ở trên núi, sâu độc rắn độc không nói là bò khắp núi nhưng thường xuyên gặp vài con, thỉnh thoảng bị lở miệng gì đó đều có thể bắt rắn hầm canh ăn.

– Có gì đâu mà sợ?

Lý Nghiên dửng dưng nói:

– Con còn từng nuôi một con kìa, sau đó bị cô cô phát hiện, mắng con một tiếng rồi cầm đi mất.

Dương Cẩn nghe vậy, mặt mày căng thẳng, lặng lẽ tránh xa muội ấy ra một chút.

Lâm bá lớn tuổi, thấy đứa trẻ hoạt bát như Lý Nghiên thì rất thích, cười híp mắt giải thích với muội ấy:

– Vị đó là “Độc lang trung”, tên Ưng Hà Tòng, cái gùi trên người hắn không phải nuôi chơi đâu, đều là độc vật kịch độc đấy.

Con rắn Lý Nghiên nuôi kỳ thực cũng là rắn độc, bằng không Lý Cẩn Dung cũng mặc kệ muội ấy, chỉ là tiểu nha đầu này trông có vẻ thiếu tâm thiếu phổi nhưng lại là cao thủ trong khoản tranh sủng và khiến người ta yêu thích, nghe ra đám Lâm bá khá kiêng kỵ tên “Độc lang trung” nuôi rắn này bèn theo bản năng không nhắc tới, chỉ “woa” một tiếng, dỗ Lâm bá vui hớn hở, rồi mới lén lút hâm mộ nhìn băng qua cầu thang nhắm tới cái gùi của “Độc lang trung”.

“Độc lang trung” dường như cảm giác được, chợt ngẩng đầu, vừa vặn đối mắt với Lý Nghiên.

Ưng Hà Tòng gò má hơi gầy gò, mặt mày thanh tú, khí chất u sầu, nhưng tổng thể là một thanh niên khá ưa nhìn. Tiếc rằng đa số người thấy cái gùi rắn xong đều không dám nhìn kỹ hắn nên không nhận ra hắn đẹp hay xấu.

Hắn vừa ngẩng đầu liền thấy Lý Nghiên, hình như cũng hơi bất ngờ, không ngờ là một cô bé nhỏ như vậy, hàng mày dài khẽ nhướng, Lý Nghiên không biết nghĩ thế nào, tươi cười rạng rỡ với hắn.

Muội ấy đang nhe răng cười ngây ngô thì chợt đau sau gáy, Lý Nghiên “ui da” một tiếng:

– Lý khuyết đức, sao huynh đánh muội?

Lý Thịnh liếc mắt xuống dưới lầu, thấy Độc lang trung đã thu hồi tầm mắt mới yên tâm, nói với Lý Nghiên:

– Miệng đừng toét to như vậy, răng rớt khó tìm lắm.

Lý Nghiên:

– …

Mình mà đánh thắng thì nhất định phải cào mặt “Lý khuyết đức” ra ba vệt máu.

Chu Phỉ từ nhỏ đã nghe hai người họ chí chóe, nàng ngồi bên cạnh với dáng vẻ quen thuộc nghe việc vui, khóe môi lộ chút ý cười, chợt có một cốc sứ trắng đưa qua.

Chu Phỉ sững sờ, nghiêng đầu nhìn lại. Thiếu chủ ma bệnh của Hưng Nam tiêu cục – Chu Thần dùng nước sôi tráng cốc rồi lại lấy lụa trắng tỉ mỉ lau khô, tiện tay đưa cho Chu Phỉ một cốc, thấy nàng nhìn qua liền giật mình, hoang mang dời tầm mắt, luống cuống lau luôn mấy cái cốc còn lại, đưa cho mỗi người một cái, từ đầu tới cuối luôn không dám ngẩng đầu.

Chu Phỉ có chút khó hiểu, thầm nghĩ: “Chặt có bốn cánh tay thôi mà, mình đáng sợ thế à?”

Ngay lúc nàng muốn nói gì đó, dưới lầu chợt vang đến một chuỗi tiếng tỳ bà.

Lâm bá nghiêng tai nghe chốc lát, sắc mặt chợt biến, khoát tay đè lại vai Chu Thần, đặt ngón trỏ ở khóe môi.

Không chỉ ông mà không ít người trong khách điếm cũng bắt đầu đề phòng, đặc biệt là con khỉ trên tay Viên lão tam.

Con thú lông dài ấy bị kích thích, nhảy lên băng ghế dài, há mồm kêu to, hình như muốn ngắt tiếng tỳ bà.

Tiếng tỳ bà vang thành một chuỗi, Chu Phỉ càng nghe càng cảm thấy quen, không kìm được ló người ra.

Ngoài cửa vang lên tiếng cười như chuông bạc, mấy nữ tử tiến vào khách điếm trước, ai nấy đều như những đóa hoa làm rụng rơi những hạt sương trong gió.

Ngô Sở Sở:

– A, sao là…

Liền sau đó, một góc váy tung bay vào khách điếm, một người chầm chậm tiến vào, chân như giẫm lên từng đóa hoa sen, là người quen – Nghê Thường phu nhân!

Vọng Xuân Sơn là của người ta tặng, thấy người ta đương nhiên không thể vờ như không thấy, Chu Phỉ bỏ lại một câu “mọi người ngồi trước đi” rồi đứng dậy cất bước xuống lầu, vừa đứng lên cầu thang, nàng liền cảm nhận được bầu không khí căng thẳng bên dưới, bước chân khựng lại.

Nghê Thường phu nhân thấy nàng, hất cằm nhọn, cười quyến rũ với Chu Phỉ, sau đó dời mắt về phía Viên Hầu song sát ngoại hình kỳ dị, bà cong đôi mắt hoa đào cười nói:

– Viên tam ca, nhiều năm không gặp, sao tiểu súc sinh này thấy ta vẫn nhe răng nhếch miệng thế?

Viên lão tam còn chưa nói gì, Hầu ngũ nương đã uốn éo đứng dậy, éo éo giọng:

– Có lẽ ngửi thấy mùi hồ ly tinh, bị sặc.

Nghê Thường phu nhân cười to, dường như bị mắng là điều vô cùng hưởng thụ, các nữ thuộc hạ của bà lách mình vào khách điếm, không coi ai ra gì, vui cười chiếm mấy bàn, không ít người xung quanh hình như khá kiêng kỵ họ, không tự chủ nhường lại, lui ra.

Dưới lầu có ra có vào, bầu không khí căng thẳng hỗn loạn.

Đúng lúc này, một bóng người đội nón rộng vành chợt xuất hiện ở cửa, chính là Tạ Doãn đã biến mất nhiều ngày.

Tạ Doãn theo Vũ Y ban tới, vì không có ý định gặp Nghê Thường phu nhân nên kéo nón xuống rất thấp, ai ngờ còn chưa đi thì thấy Chu Phỉ đứng trên cầu thang.

Đầu Tạ Doãn “ầm” một tiếng, trống không chốc lát.

Rong tinh này sao lại ở đây?

Lúc đó hắn không chút suy nghĩ, xoay đầu rời đi.