Hữu Phỉ

Chương 11:



Tạ Doãn mỉm cười nói:

- Tôi chẳng qua chỉ là một người đưa thư đi ngang qua, ân tình hay thù cũ tôi đều không biết, nhưng Chu tiên sinh nếu không muốn gặp tôi thì có thể không cần hiện thân, không phải sao?

Chu Dĩ Đường nhìn hắn, đột nhiên hỏi:

- Nếu ta căn bản không nghe thấy thì sao?

- Thì không sao cả.

Tạ Doãn rất rộng rãi trả lời:

- Không nghe thấy tiếng sáo của tôi thì không phải người tôi muốn tìm, Thục Trung đất linh sinh hiền tài, phong cảnh như tranh, dọc đường đi được mở mang tầm mắt, dù cho tay trắng trở về cũng không uổng chuyến này.

Tiếp đó con ngươi hắn xoay chuyển, cười híp mắt, không nặng không nhẹ đâm cho Chu Dĩ Đường một câu:

- Nỗi khổ của côn bằng (1) nước cạn, nỗi đau của thương long (2) gãy sừng, cá diếc dưới sông như chúng tôi nghe không hiểu, tiên sinh không cần nói với kẻ ếch ngồi đáy giếng.

(1) Côn bằng: loài linh thú kình ngư thượng cổ.

(2) Thương long: tên một loài rồng.

Chu Dĩ Đường không chấp nhặt với hắn, giữa trán ông có một nếp nhăn sâu, luôn lộ vẻ lo âu, lúc cười lên cũng có, ông chăm chú nhìn Tạ Doãn rồi nói:

- Tiểu huynh đệ rất biết nói chuyện.

- Xấu hổ.

Tạ Doãn mặt không đỏ tim không đập nói:

- Loại mặt hàng không cần phế đã nát sẵn như vãn bối chỉ còn lại có hai công dụng là chạy nhanh và dẻo miệng thôi.

Ánh mắt Chu Dĩ Đường chuyển sang Lý Cẩn Dung, hai người chỉ cách nhau vài bước nhưng chợt nhìn nhau mà không thốt nên lời.

Chu Dĩ Đường nhỏ giọng nói:

- A Phỉ, con lấy lệnh bài trên cây xuống cho cha.

Chu Phỉ không hiểu gì cả, quay đầu nhìn Lý Cẩn Dung.

Nàng chưa từng thấy Lý Cẩn Dung có vẻ mặt như thế, đau lòng không rõ là đau lòng, so với cơn giận lúc bắt nàng ban nãy, giờ đây bà đã bình tĩnh lại, chỉ là đôi vai hơi sụp xuống, lớp khôi giáp đầy khí thế quanh người không còn sót lại bao nhiêu, lộ ra thể xác phàm trần.

Giọng bà khàn khàn:

- Không phải chàng nói là ân tình đã trả rồi sao? Nếu ân oán hai bên đã không còn…

- Cẩn Dung…

Chu Dĩ Đường nhẹ nhàng ngắt lời bà:

- Ông ấy sống, hai ta ân oán không còn, ta lánh đến Thục Trung, cùng ông ấy suối vàng chia cắt. Giờ đây ông ấy đã mất, sinh tử đôi bờ, chuyện cũ năm xưa như một nét bút thoảng qua, nàng hiểu chứ?

Sắc mặt Lý Cẩn Dung chợt thay đổi____chàng biết!

Chu Dĩ Đường biết Lương Thiệu chết rồi, vậy những thứ… mưa gió phong ba bên ngoài mà bà hao hết tâm cơ đè xuống thì sao?

Phải chăng chàng im lặng không nói gì nhưng trong lòng đều biết cả?

Lý Cẩn Dung không phải là tiểu nữ nhi hồ đồ của bà, chỉ qua vài câu nói, bà đã hiểu được những từ then chốt mà Tạ Doãn và Chu Dĩ Đường vừa nói.

“Không nghe thấy tiếng sáo của tôi thì không phải người tôi muốn tìm”__bà sớm nên hiểu rõ, người như Chu Dĩ Đường sao chịu an phận một góc, “quay lưng với đời” mười mấy năm như một?

Lý Cẩn Dung sững sờ hồi lâu rồi mới hơi ngẩng đầu lên, nhờ động tác này mà bờ vai của bà một lần nữa nâng lên, dường như đã được phủ thêm một lớp đệm sắt, thật lâu bà mới nhẹ nhàng thở ra một hơi.

Chu Phỉ thấy bà chớp chớp mắt mấy cái rồi rủ mắt, tự nói với chính mình:

- Lấy đưa cho cha con đi.

Khối lệnh bài cũ này cảm giác vô cùng thô ráp, Chu Phỉ tùy tiện sờ nó thì thấy có mấy vết tích của binh khí để lại khiến cho những dấu khắc vốn hoa lệ cổ kính bên trên lộ vẻ nghiêm túc trịnh trọng.

- Khi tiên phụ còn tại thế, dù dựng cờ làm phỉ, tự bôi nhọ thanh danh cũng muốn cho những kẻ cùng đường trong thiên hạ một mảnh đất dung thân cuối cùng là 48 trại này.

Lý Cẩn Dung nghiêm mặt nói:

- Chúng ta nam bắc đều không có chỗ dựa, lấy Thập Vạn Đại Sơn (3) làm thành, lấy nước sông Tẩy Mặc làm lũy, kẻ xâm phạm ắt phải bị giết. Di mệnh tổ tiên không dám cãi, cho nên ở bên ngoài địa giới 48 trại, chúng ta không thân không thích không bè không bạn, dù là chàng cũng giống vậy.

(3) Thập Vạn Đại Sơn: tên một dãy núi ở Trung Quốc.

Sắc mặt Chu Dĩ Đường không thay đổi:

- Ta hiểu.

Lý Cẩn Dung đút hai tay vào trong tay áo:

- Nếu chàng đi, từ rày về sau không còn liên quan gì đến 48 trại nữa.

Chu Phỉ đột nhiên quay đầu, trợn to mắt.

- Ta sẽ không phái người hộ tống chàng.

Lý Cẩn Dung nói không chút cảm xúc:

- Chuyến này đi Kim Lăng đường xá xa xôi, thế đạo không thái bình, chàng hãy ở lại thêm vài ngày, viết một phong thư bảo họ tới đón chàng đi.

Nói rồi, bà không để ý tới Tạ Doãn vừa nãy còn hô đánh hô giết, mặc kệ các đệ tử trợn mắt há hốc mồm ngay tại chỗ, thậm chí cũng quên đánh gãy chân Chu Phỉ, bà xoay người rời đi.

Ánh mắt Chu Dĩ Đường dõi theo bà đi thật xa, hồi lâu sau mới khoát khoát tay, khẽ nói:

- Mọi người giải tán đi.____Thịnh nhi.

Lý Thịnh lặng lẽ bước ra từ phía sau ông:

- Cô phụ.

Hắn tự cho là mình thông minh hơn Chu Phỉ, đã dự đoán trước rằng Chu Dĩ Đường quá nửa là không ở nơi bình thường hay ở, bởi vậy từ khi chuồn khỏi phòng mình, hắn liền đi khắp núi để tìm ông. Lý Thịnh tự phân tích là Chu Dĩ Đường sức khỏe không tốt, sợ lạnh sợ nóng sợ ẩm, bình thường Lý Cẩn Dung chăm sóc ông rất tỉ mỉ, nơi mà bà sắp xếp cho ông chắc chắn không thể âm u, không thể gần nước, không thể đón gió, đường cũng không thể khó đi. Kết quả hắn vô cùng kín đáo dựa theo suy đoán của mình tìm khắp nơi trong 48 trại nhưng ngay cả cái bóng của Chu Dĩ Đường cũng không tìm thấy.

Cuối cùng hắn tay trắng trở về, nào ngờ lại gặp Chu Dĩ Đường ở chỗ cách tiểu viện của ông không xa, đang đứng dựa vào một gốc cây già, nghe tiếng sáo từ cách đó không xa vọng tới.

Lý Thịnh cùng tới với ông, đương nhiên thấy cảnh Chu Phỉ dùng một kiếm chống lại bốn vị sư huynh trong trại, lòng hắn ngổn ngang trăm mối, không nhìn Chu Phỉ nữa, mắt nhìn mũi mũi nhìn miệng rồi va phải Chu Dĩ Đường trước mặt.

Chu Dĩ Đường nói:

- Con đi xin đại đương gia một khối lệnh bài, nói là ta muốn, vị tiểu huynh đệ này là khách của ta, xin bà ấy đừng làm khó dễ.

Lý Thịnh không dám trì hoãn, xoay người rời đi.

- Đa tạ Chu tiên sinh.

Tạ Doãn mặt mày vui vẻ:

- Vị khách không mời như tôi lúc đến phải leo tường đào vách, lúc đi cuối cùng cũng có thể nhìn cổng lớn của 48 trại mở ra rồi.

- Cậu họ Tạ.

Chu Dĩ Đường nói:

- Là có quan hệ gì với Tạ tướng sao?

- Không sai, một nét bút không viết được hai chữ Tạ.

Tạ Doãn nghiêm túc nói:

- Tôi và lão nhân gia ông ấy 800 năm trước là người một nhà, mộ tổ dưới quê là vai kề vai. Có điều 800 năm sau, ông ấy ở nơi cao trên triều đình, còn tôi ở chốn xa trong giang hồ, hai chúng tôi bổ sung cho nhau, xem như là bạn tri kỷ cách nhau tám lạy.

Chu Dĩ Đường thấy hắn thốt đầy tiếng ngựa, không có lấy một câu tiếng người thì dứt khoát không hỏi nữa, chỉ chắp chắp tay với hắn rồi gọi Chu Phỉ, từ từ đi.

Sau ngày hôm đó, Chu Phỉ không gặp lại Tạ công tử nữa, nghe nói là đã xuống núi đi rồi, còn giúp Chu Dĩ Đường mang đi một phong thư.

Sau khi Tạ Doãn đi hơn một tháng, có người vô cùng chính thức đến gõ cổng cầu kiến đại đương gia Lý Cẩn Dung của 48 trại, nhưng Lý Cẩn Dung không lộ diện, chỉ sai người mở cổng cho Chu Dĩ Đường rời đi.

Ngày ấy, màu xanh um khắp 48 trại điêu tàn, sóng xanh tựa biển, gió nhẹ thổi qua, vang lên tiếng rì rào.

Chu Dĩ Đường một mình chậm rãi xuống núi, trạm gác hai bên sớm đã nhận được mệnh lệnh, một trái một phải mở cửa nhường đường. Ông quay đầu nhìn đường, không thấy người muốn thấy, khóe môi hơi cong lên, hình như là tự giễu. Đúng lúc này, có người hô to:

- Đợi đã!

Chu Phỉ chân không chạm đất từ trong 48 trại đuổi tới:

- Cha!

Lý đại đương gia nói không ngăn cản Chu Dĩ Đường chứ không nói không ngăn cản Chu Phỉ không có lệnh bài, mấy người gác cổng đồng thanh nói:

- Sư muội dừng bước.

Chu Phỉ không thèm nghe, nàng không biết lại tìm đâu ra một thanh đao lưng hẹp xấp xỉ thanh trước đó, ném vỏ sắt cách xa mấy trượng, kẹt vào lưới sắt, hai người gác cổng một người cầm đao một người cầm thương đồng thời ra tay ngăn nàng, Chu Phỉ cong người, trường đao sau lưng đánh văng vũ khí của hai người họ, nghiêng người cứng rắn lao ra, ở cổng tức thì có thêm bảy tám đệ tử gác cổng khác xuất hiện bao vây nàng.

Vẻ mặt Chu Dĩ Đường bất đắc dĩ:

- Chu Phỉ, đừng càn quấy, quay về cho cha!

Chu Phỉ cảm thấy có rất nhiều đao kiếm đặt trên đỉnh đầu nàng như một khối Ngũ Hành Sơn giãy không ra, vung không thoát, hai tay nàng gắng sức đến cực hạn, nơi khớp nổi lên màu tái mét, nàng cắn răng nói:

- Con không về!

Chu Dĩ Đường:

- A Phỉ…

Chu Phỉ:

- Bả không cho người hộ tống cha thì để con hộ tống, cùng lắm thì con không về nữa!

Chu Dĩ Đường quay đầu nhìn, trong những người tới đón ông, dẫn đầu là một hán tử khoảng 35 36 tuổi, toàn thân mặc giáp đen, dáng người gọn gàng linh hoạt, thấy ánh mắt Chu Dĩ Đường đưa tới thì lập tức tiến về trước nói:

- Mạt tướng Văn Dục, phụng mệnh hộ tống tiên sinh đến Kim Lăng, tiên sinh có gì sai bảo?

- Hóa ra là “Phi Khanh” tướng quân, may mắn được gặp.

Chu Dĩ Đường chỉ về phía vỏ đao bị kẹt cứng của Chu Phỉ, nói:

- Đứa trẻ này bị ta chiều hư rồi, rất ương bướng, khiến tướng quân chê cười, kinh mạch hai tay của ta đã đứt, có thể mời tướng quân giúp một tay chăng?

Văn Dục cười nói:

- Chu tiên sinh khách khí.

Nói xong, ông không hề tiến lên, cách xa xa vung tay đánh ra một kình lực không nặng không nhẹ vào vỏ đao của Chu Phỉ, vỏ đao rơi xuống, hai cánh cổng sắt cao sáu trượng của 48 trại phát ra một âm thanh chói tai rồi đóng lại.

Chu Phỉ bị bảy tám thủ vệ áp chế ngay tại chỗ, nén giận ngẩng đầu lên, hung hăng nhìn Văn Dục.

Nam nhân giáp đen lúng túng sờ sờ mũi:

- Lệnh ái ghi hận ta rồi.

- Con bé còn nhỏ, không hiểu chuyện.

Chu Dĩ Đường lắc đầu, khom người nhặt vỏ đao sắt ấy lên, nó đầu tiên là bị kẹt giữa cổng sắt, sau đó là bị Văn Dục đánh vào, bên trên có thêm hai chỗ lõm, Chu Dĩ Đường nói với Chu Phỉ:

- Đao này rất bình thường, sau này cha sẽ tìm cho con một thanh đao tốt.

Chu Phỉ không lên tiếng, gắng sức đẩy những đao kiếm đang áp chế nàng ra, sức nàng rõ ràng đã đến cực hạn, ngực đau nhói, nhưng vẫn dỗi hờn nửa tấc cũng không chịu lùi.

Chu Dĩ Đường nhìn nàng, nói:

- Cha nhớ cha từng nói với con “cá và tay gấu không thể nào có cả hai”.

Chu Phỉ không muốn nghe những lời vô ích “hi sinh vì nghĩa”, nàng làm lơ ánh mắt ông, trường đao trong tay run lên, phát ra những tiếng “rắc rắc” rồi thình lình đứt gãy không hề báo trước, đoạn đao gãy văng ra cắm mạnh vào đất, thủ vệ dùng lưng đao đè bả vai nàng xuống.

- Cha không phải muốn nói “hi sinh vì nghĩa” với con.

Cách một tấm cổng sắt, Chu Dĩ Đường lặng lẽ nói với nàng:

- A Phỉ, “lấy hay bỏ” không được quyết định bởi con xem trọng hay không xem trọng cái nào, vì nó vốn là đạo của kẻ mạnh, hoặc là thành văn, hoặc là giỏi võ, bằng không con chỉ là giun dế, cả đời chỉ có thể thân bất do kỷ, mặc cho số mệnh an bài, còn nói đến lấy hay bỏ gì đó chẳng phải là làm trò cười cho thiên hạ hay sao? Giống như ngày hôm nay vậy, con nói “cùng lắm thì con không về” nhưng con căn bản không ra khỏi nổi cánh cổng này, muốn ở lại hay muốn đi theo cha, do con quyết định sao?

Văn Dục nghe Chu Dĩ Đường nhỏ nhẹ trò chuyện với cô bé này, còn tưởng rằng ông ấy thân thiết xoa dịu, nào ngờ ông ấy lại nói ra những lời vô tình như thế, đừng nói là một cô bé, ngay cả ông cũng thấy rát mặt.

Chu Phỉ sững sờ, vành mắt phút chốc đỏ lên, ngơ ngác nhìn Chu Dĩ Đường.

- Hãy trưởng thành. Sơn thủy có tương phùng, sơn thủy bất diệt, chỉ xem xem bao giờ con mới có thể tự do ngang dọc.

Chu Dĩ Đường nói:

- A Phỉ, cha đi đây, tạm biệt.