Bởi vì chuyện đau dạ dày lần trước mà Đường Phong Hành không cho tôi ăn quá nhiều khi ở kỳ hưng cảm nữa, nhưng anh không ngờ rằng sau đó ít lâu tôi không trở về giai đoạn bình thường mà lại nhảy đến kỳ trầm cảm.
Một chút thức ăn tôi cũng không ăn được, cứ ăn vào là sẽ nôn ra.
Thuốc cũng thế, uống xong sẽ buồn nôn, cả người run lên, đầu váng mắt hoa, không xuống được giường, giống như trở thành nô lệ toàn thời gian của nệm giường vậy. Tôi cứng còng nằm trên giường, lúc đầu là do cơ thể không muốn cử động, buồn ngủ mệt rã rời.
Đường Phong Hành ngày ngày ôm tôi dậy, cho tôi uống thuốc rồi đưa tôi ra ngoài phơi nắng.
Lần nào tôi cũng chỉ đi được nửa đường là đã chóng mặt vô cùng, trước mắt đen xì, thế nhưng tôi lại không muốn nhìn thấy vẻ mặt thất vọng của anh. Anh hy vọng tôi sẽ khỏe lên, tôi thì mong rằng sự cố gắng của mình sẽ không phụ kỳ vọng của anh ấy. Hôm trước lúc đi cầu thang tôi choáng đến mức không cầm nổi tay anh, bị ngã làm đầu gối bầm tím, anh không đưa tôi ra ngoài nữa. Tôi cảm thấy bản thân thật vô dụng, hổ thẹn ngập lòng, nhiều lần tóm lấy áo anh nhắc đến cuốn sổ tay kia nhưng anh đều tìm các chủ đề khác để nói lảng đi.
Tôi biết anh ấy không muốn tôi nghĩ quẩn, những lúc nằm yên không cử động tôi đều nghĩ về việc lý do nào sẽ tạo nên một cái chết ngoài ý muốn hoàn hảo, nhưng rốt cuộc thì bây giờ một chút ý muốn hành động tôi cũng không có, cả người vô lực trống rỗng. Không phải tôi muốn tự tử, là thứ cảm xúc u uất này muốn giế/t chết tôi, tôi phải lôi kéo nó đồng quy vu tận.
Áp lực tinh thần dày vò tra tấn tôi, đau đớn không lời nào kể hết. Tôi làm vỡ cốc nước thủy tinh trên bàn, tôi cầm mảnh vỡ cứa lên cánh tay, trong giây phút máu chảy xuống ấy, màu đỏ quạch và mùi máu tươi như thể làm vơi đi nỗi lo âu đã ăn mòn xuyên thấu từ lồ/ng ngực đến sau lưng. Rốt cuộc Đường Phong Hành cũng không nhịn được nữa mà tức giận, nhưng anh chỉ nói rằng nếu tôi khó chịu thì phải gọi anh tới chứ không phải là cứ một mình chịu đựng, thà ôm anh khóc lóc làm loạn còn hơn là khiến mình thế này.
Anh mắng xong thì bỏ ra khỏi nhà, khi trở về thì cả người mang theo hơi lạnh, xen lẫn trong đó là mùi của khói thuốc. Tôi nhìn khóe mắt hoe đỏ của anh, nước mắt đã không còn nữa, anh luôn lau khô trước khi trở về nhà để tôi không thấy anh khóc, nhưng điều đó lại càng làm gánh nặng tâm lý của tôi trở nên tồi tệ hơn.
Anh ấy chưa bao giờ tỏ ra đau khổ buồn bã, cùng lắm là giận dữ như hôm nay thì cũng không rời khỏi tôi quá lâu, đi ra ngoài một lúc đã quay lại. Tôi không nói câu "Em xin lỗi" ra miệng được, cứ nói thầm trong lòng mặc cho anh chẳng hề nghe thấy. Anh bôi thuốc cho tôi, vết thương dài thì quấn băng vải, vết thương ngắn thì dán urgo, còn cẩn thận bôi thêm cả thuốc làm mờ sẹo.
Toàn bộ cốc trong nhà đổi thành cốc nhựa, trong phòng cũng không để bất cứ đồ vật sắc nhọn nào. Trừ phi tôi có khả năng tự chế tạo ra, nhưng rõ ràng bây giờ tôi chẳng có sức đâu mà làm mấy việc thừa thãi đó. Lúc này vẻ mặt anh đanh lại, nghiêm túc trầm giọng nói với tôi rằng từ nay về sau không được dùng phương pháp cực đoan thế này nữa. Nhưng tôi không đồng ý với anh ấy, cho rằng đây là phương pháp nhanh chóng nhất để giải quyết áp lực tinh thần của tôi, tuy là tổn thương cơ thể nhưng có thể cứu vớt tinh thần. Anh không nghe những lời vô lý đó của tôi, tôi vừa nói thì anh liền hôn tôi, hôn cho đến khi cả người tôi nhũn ra, nhẹ tênh như đang bay. Vu.ốt ve, hôn môi, ôm ấp đều có thể giúp cơ thể sản sinh dopamine và phóng thích endorphin, khiến cho con người cảm thấy vui vẻ và giảm bớt căng thẳng do áp lực gây ra.
Tuy không biết có tác dụng đối với loại bệnh tâm lý này hay không, nhưng đối với riêng tôi mà nói thì những thứ này thực sự làm cho tôi cảm thấy khá hơn nhiều. Cơ thể trở nên nhẹ nhàng khoan khoái, dễ dàng chìm vào giấc ngủ sâu, trước khi ngủ tôi sẽ đeo tai nghe còn Đường Phong Hành thì để chậu hoa cúc họa mi lên trên tủ đầu giường để tôi ngửi hương thơm thoang thoảng như mùi táo, anh bao bọc tôi trong vòng ôm ấm áp siết chặt, lấp kín mọi lỗ hổng bi thương đang lan ra trong trái tim tôi. Đôi khi tôi sẽ bình tĩnh lại và nghĩ rằng ít nhất mình vẫn chưa bị làm sao cả, ít nhất tôi vẫn luôn có Đường Phong Hành. Đường Phong Hành thường mua kẹo socola về cho tôi, thỉnh thoảng ăn vài miếng cũng giúp cho tinh thần tốt lên một chút nhưng tôi vẫn nằm dài trên giường. Một tuần này tôi gầy sọp hẳn đi, trên má đã chẳng còn mấy thịt, xương gò má nhô cao, quai hàm cũng sắc hơn.
Khuôn mặt tôi mang vẻ chán chường chết chóc tựa như một bia mộ làm bằng ngà voi vậy, hốc mắt trũng sâu không một chút sức sống. Một ngày ba bữa, thậm chí đến nước canh tôi cũng không thể giữ lại trong bụng, vào buổi tối tôi đang mơ màng nằm ngủ thì cảm nhận được cái vu.ốt ve mềm nhẹ của Đường Phong Hành, anh xoa mặt tôi, đau lòng thầm thì tôi gầy đi nhiều quá. Tôi cố gắng ăn chút gì đó nhưng dường như dạ dày cứ muốn đối chọi với chủ nhân của nó.
Tôi bắt đầu nghi ngờ bác sĩ đã kê sai thuốc cho mình, rõ ràng lúc trước chưa đổi thì còn đỡ, bây giờ đổi rồi thì lại không còn ổn định nữa. Thuốc khiến tôi không thể sinh hoạt bình thường được, rõ là tháng trước vẫn tốt mà.
Đường Phong Hành hẹn lịch tái khám vào ngày 12 tháng 1 nhưng tôi lại không muốn gặp bác sĩ, chỉ cần anh nhắc đến bệnh viện là tôi bắt đầu hoảng loạn, co người giấu mặt trong đầu gối rồi khóc lóc chui vào ổ chăn, một câu cũng không thèm nói với anh. Tôi cũng có phản ứng tương tự đối với việc đến phòng khám tâm lý, anh không cưỡng ép tôi mà chỉ ôm cả tôi lẫn chăn vào trong ngực, dịu dàng vỗ về lưng tôi qua lớp chăn. Cảm giác tự ti chiếm cứ đầu óc tôi, tôi nói tôi biết mình thật là vô dụng, tôi muốn anh rời khỏi nơi này, thế nhưng anh không thèm để ý những lời đó. "Em thật vô dụng, không đi học được, không thể hoàn thành chương trình học." "Em có thể xin tạm nghỉ học kỳ 2 năm tư mà, bệnh đỡ hơn rồi lại đi học tiếp.
Với thành tích trước kia của em thì học lại chắc chắn không khó, em có thể làm được." Anh xoa nhẹ tóc tôi. "Nếu trường biết em mắc bệnh này thì chắc sẽ khuyên em bỏ học." "Theo luật thì trường học tạm thời không có quyền cưỡng chế em thôi học.
Nếu em đồng ý tạm nghỉ học để trị liệu thì anh sẽ nói chuyện với trường, điều này em không cần lo lắng." "Nhưng mà, liệu sau này em có thể đi làm được không? Lỡ như không có chỗ nào muốn thuê em thì sao?" "A Ninh, sẽ không như vậy đâu.
Chờ em khỏi bệnh rồi, nhân tài như em nơi nào cũng muốn ấy chứ, em quên là năm hai em từng viết luận văn đạt được giải thưởng à, điều đó chứng tỏ em rất có năng lực." "Anh không thấy em rất phiền ư, không thấy em hay làm to chuyện ư?" "Sốt cao khó chịu cũng chỉ hừ hừ mấy tiếng, giống như chỉ là bị cảm thông thường vậy.
Bị bệnh nên kêu gào mấy câu thì có làm sao chứ, nếu em không nói ra thì mới là xấu đấy biết chưa." Anh hôn hôn má tôi, thuốc phát huy tác dụng làm cho tôi đỡ hơn, nhưng cũng chỉ đỡ một chút xíu mà thôi. Anh mang sách vở về nhà học, đôi khi sẽ học đến đêm khuya, học hành mệt mỏi thì liền ghé lên mặt bàn ngủ quên mất, cả mặt lẫn tay đều lạnh như băng.
Tôi không đủ sức kéo anh lên nên tối nào cũng dính chặt lấy anh không cho anh ngồi vào bàn đọc sách nữa.
Anh đành mang sách vở lên giường vừa ôm tôi vừa học, nếu anh ngáp thì tôi sẽ ném sách vở ra xa để anh cùng tôi ngủ. Thỉnh thoảng anh sẽ đọc vài bài cho tôi nghe nhưng tôi chẳng vào đầu được bao nhiêu, nghe một lát là tôi đã cảm thấy buồn ngủ. Anh học xong bài thì lại khuyên nhủ tôi, nói trạng thái bây giờ của tôi giống như một đứa trẻ, không hề đắn đo mà thể hiện hết nỗi sợ hãi, buồn bã, giận dữ và vui vẻ của mình ra bên ngoài, điều này nghĩa là chúng tôi phải tìm ra nguyên nhân sâu xa để loại bỏ nó từ tận gốc rễ. Chứng sợ bệnh viện có thể là do ngày nhỏ bệnh viện đã để lại cho tôi bóng ma khiến tôi sợ hãi đến tận giờ, cũng như cảm giác buồn bã khi còn nhỏ, chỉ cần cảm thấy sợ một chút là sẽ khóc nấc lên. Anh lấy một ví dụ, giống như lúc bé không tìm thấy mẹ thì trẻ con sẽ sợ hãi, sợ hãi thì sẽ khóc, khóc thì mẹ sẽ tới dỗ dành, dỗ dành thì sẽ không sợ nữa, hết sợ thì cũng không còn lo lắng buồn bã. Tương tự với phản ứng của một người đối với một sự vật hoặc một sự kiện nào đó, cảm xúc của người trưởng thành là một bảng pha màu khổng lồ, người lớn có thể sử dụng nó để điều chỉnh tỷ lệ sắc màu xúc cảm của mình sao cho hài hòa nhất và mỗi người đều có một bảng pha màu độc nhất vô nhị của riêng mình. Nhưng bây giờ tôi đang ở trong "trạng thái thời thơ ấu", cho dù là kỳ hưng cảm hay trầm cảm thì cũng không thể gọi những hành vi hiện tại là trẻ con, bởi vì những hành động này không có liên quan đến tuổi tác, chỉ là địa điểm và thời gian mà chúng xảy đến không hề khác biệt so với hồi tôi còn nhỏ mà thôi. Suy nghĩ trong đầu tôi trì trệ nhưng vẫn có thể hiểu được một chút, anh ấy cũng không bắt tôi phải hiểu rõ những lý thuyết này. Anh hỏi tôi tại sao ngày bé lại không muốn đến bệnh viện. Tôi không muốn trả lời, mím môi không nói lời nào.
Anh liền thay đổi cách hỏi khác, hỏi tôi khi bị sốt bị cảm như thế này thì sẽ làm gì. Tôi bắt đầu chậm rì rì trả lời câu hỏi của anh như đang nặn kem đánh răng. "Nằm ngốc trong nhà chờ cho đỡ sốt thôi." "Không uống thuốc?" "Không uống thuốc." "Sao lại không uống thuốc?" "Bởi vì...!mẹ em bảo không cần uống cũng khỏe được." "Em không tự cảm nhận được bản thân mình như thế nào à, lỡ như sốt đến mức cháy hỏng cả đầu thì sao?" "Em sẽ không để đầu mình cháy đâu, em ra ngoài chạy chạy chạy rồi chui vào chăn ngủ một giấc, ra nhiều mồ hôi thì sẽ đỡ hơn." Khi đó tôi còn học tiểu học, lớn rất mau, xương phát triển nhanh nên rất hay bị sốt, cả người nóng bỏng đến mức tôi chẳng biết mình nên làm gì, dù có choáng váng đến đâu thì tôi cũng không muốn đến bệnh viện.
Tôi sẽ tự lấy siro Ibuprofen trong ngăn tủ ra uống rồi cứ thế mặc kệ cơn sốt. "Sao lại đơn giản như vậy được, ngày nhỏ em không đến bệnh viện để tiêm thuốc hạ sốt sao?" "Không đi bệnh viện.
Rất xa.
Cực kỳ xa.
Lúc đi về rất mệt." "Em về một mình ư, mẹ em không đưa em đến bệnh viện?" Anh lại kéo về chủ đề này mà tôi còn chẳng chú ý tới. "Em không muốn đi, bởi vì mẹ em...!Lúc trước mẹ đưa em đến, rồi sau đó quên mất em." "Quên em ở đâu?" "Để quên em ở bệnh viện, em đã đợi mẹ thật lâu thật lâu.
Em không biết đường về nhà, trước đây em chưa từng đến bệnh viện lớn như vậy để tiêm mà chỉ khám ở mấy phòng khám nhỏ gần nhà mà thôi.
Lúc em được đưa tới bệnh viện lớn em cũng không rõ đường đi tới đó như thế nào.
Sau khi truyền nước xong mẹ cũng không xuất hiện, không đến đón em về nhà." "Tự mình đi về mệt mỏi lắm, thật sự rất mệt, em không có tiền để ngồi xe buýt, đành phải vừa đi bộ vừa hỏi đường.
Quá mệt mỏi.
Sau đó mỗi khi em sốt mẹ lại bảo muốn đưa em đến bệnh viện, nhưng em không dám đến đó nữa." Nếu như đi lần nữa thì tôi sẽ lại phải cô độc trở về, mà lần này có thể cánh cửa kia sẽ không còn mở ra vì tôi nữa. Đường Phong Hành khựng lại, tôi bỗng nhận ra anh vừa dụ tôi nói nên không thèm để ý đến anh nữa, lại trốn vào trong chăn. Anh dịu dàng xoa đầu tôi, đêm nay anh ôm tôi còn chặt hơn tất cả những đêm trước, nói lời thầm thì bên tai: "Về sau khi chúng mình đến bệnh viện, anh sẽ ở bên em từ phút đầu đến giây cuối, sẽ không bỏ quên em, sẽ đưa em về nhà." Tôi ôm chặt cổ anh rồi tóm lấy phần áo sau lưng anh, siết nó nhăn nhúm, đến cuối cũng không thốt lên được lời nào, chỉ gật đầu trong lòng đáp rằng em biết.
Không biết ở bên ngoài mặt trời đã lên cao đến đâu, tôi tỉnh dậy mà đầu óc choáng váng kèm theo cổ họng đau rát, chắc là hệ quả của trận nôn kinh khủng đêm qua.
Cơ thể giống như được lọc bớt khí độc, tinh thần cũng tốt lên không ít.
Một khi đã tỉnh táo hơn thì tôi không dám ngủ tiếp nữa, vào mùa đông tôi hay bị nhấn chìm trong sự mệt mỏi rã rời, nếu ngủ nhiều quá thì càng dễ rơi vào kỳ trầm cảm. Đêm qua ầm ĩ làm ảnh hưởng đến Đường Phong Hành, tôi cảm thấy cả tuần nay anh vì tôi mà bị thiếu ngủ, muốn anh ngủ nhiều thêm chút nữa nhưng sáng nay anh lại hôn lên trán tôi, nói nhỏ bên tai tôi rằng anh phải về trường để lấy đồ rồi buổi chiều sẽ về nhà. Lúc đó tôi vẫn còn lơ mơ ngủ nên chỉ lẩm bẩm vài từ không rõ nghĩa coi như trả lời anh, sau đó lại ngủ say như một bức tượng vô tri vô giác chìm sâu dưới đáy biển. Có sức để hoạt động nên tôi liền ra khỏi phòng để ăn cháo trứng vịt Bắc Thảo mà Đường Phong Hành đã mua đang ủ ở trong nồi.
Mới ăn hai thìa cháo mà vị giác của tôi đã trở về, gạo được nấu thơm ngọt mềm mịn ăn rất ngon, sau khi ăn hết bát cháo tôi còn chụp ảnh gửi cho Đường Phong Hành giống như một đứa trẻ mong muốn được khen ngợi. Anh cũng làm y như tôi muốn, nhắn lại cho tôi một icon sờ đầu dễ thương.
Chúng tôi trò chuyện một lát về tâm trạng của tôi ngày hôm nay, anh còn hỏi tôi có muốn anh lấy giúp đồ gì về nữa không.
Tôi cẩn thận suy nghĩ, thật ra tôi chẳng còn đồ vật nào để ở ký túc xá, thứ mà tôi muốn lấy chỉ có cuốn sổ tay ghi kế hoạch tự sát đang nằm trong ngăn tủ của anh thôi, nhưng dù có mang về đây thì anh sẽ lại giấu kỹ đi. Đôi khi tôi nghĩ, tại sao anh không trực tiếp vứt thứ đồ vật đen đủi này đi mà lại thay tôi cất giữ nó, hay tại anh sợ rằng nếu hủy hoại cuốn sổ thì cũng sẽ hủy hoại cả tôi cùng theo nó.
Anh sợ rằng hành động đó sẽ chạm đến điểm mấu chốt của tôi, bởi cả cơ thể và linh hồn tôi tựa như bị buộc chặt với cuốn sổ tự tử này, cùng sống cùng chết, từng nét bút mang theo những nghĩ suy của ba năm đầy bệnh tật. Đường Phong Hành không có xe nên không thể mang nhiều đồ về được, cùng lắm là quần áo và những đồ dùng hàng ngày mà bình thường hay sử dụng mà thôi. Tôi nhìn xuống điện thoại, màn hình sáng lên hiện ra lời nhắc nhở, tôi bỗng nhớ hóa ra hôm nay là một ngày đặc biệt – ngày sinh nhật của mẹ tôi. Mẹ tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường có hoàn cảnh gia đình phổ thông, thế nhưng tôi thật sự yêu mẹ, mẹ đối xử với tôi rất rất tốt.
Trước khi kết hôn, mẹ có công việc làm thêm là dạy vẽ tranh ở Cung Thiếu Nhi được rất nhiều học sinh quý mến, mẹ cũng rất giỏi trong việc dạy dỗ và dẹp sạch tính xấu của đám trẻ nhỏ.
Nhưng sau khi kết hôn, mẹ lại nghe theo ý muốn của ba mà bỏ học nghỉ việc rồi ở nhà làm nội trợ, toàn tâm toàn ý chăm sóc tôi. Mẹ tôi rất thích vẽ tranh.
Năm tôi học lớp 3, mỗi khi đi ngang qua Cung Thiếu Nhi mẹ đều đưa tôi vào trong đó dạo chơi và xem các bạn nhỏ khác vẽ tranh, cũng cho tôi thử vẽ nữa. Thế nhưng tôi lại không thích vẽ, lần nào cũng miễn cưỡng tránh đi rồi chạy ra bên ngoài Cung Thiếu Nhi chơi cầu trượt, đợi đến khi mẹ xem đủ rồi, cảm thấy thỏa mãn thì mẹ sẽ dắt tôi về nhà nấu cơm. Tôi lén lút tiết kiệm tiền ăn sáng rồi rời giường từ sớm, không đi xe công cộng mà chọn đi bộ để không tốn thêm tiền, tôi dùng số tiền tích góp được này để mua cho mẹ tập giấy vẽ tranh, mong mẹ có thể dạy tôi vẽ.
Thật ra thì tôi chẳng thích vẽ vời một tí nào nhưng tôi lại thích mẹ cong lưng đứng sát cạnh tôi, mái tóc mềm mại xoăn dài như rong biển chạm vào bên má tôi, tôi có thể ngửi thấy hương dầu gội thơm nhẹ thoang thoảng xung quanh, vừa ấm áp vừa thoải mái. Tuy là tôi vẽ xấu quắc, thỏ không giống thỏ, heo không giống heo, chó không giống chó, nói chung là nhìn mãi cũng chẳng ra dáng con vật nào hết... Mẹ tôi vì thế mà một lần nữa nảy sinh cảm hứng sáng tác, muốn trở về làm cô giáo dạy mỹ thuật.
Mẹ nói điều đó với ba, ba liền ném tất cả họa cụ và giấy vẽ mỏng manh vào thùng rác. Ba không thích mẹ tôi vẽ tranh hay là làm lại nghề cũ, trong mắt ba, người phụ nữ trong gia đình ra ngoài đi làm là một điều xấu hổ, là sỉ nhục năng lực gánh vác kinh tế của ông, phụ nữ có việc làm thì sẽ không an phận, vậy nên chỉ cần toàn tâm toàn ý lo chuyện nhà cửa là được rồi.
Tiền sẽ luôn đủ cho mẹ tiêu, không đáng để ra ngoài làm việc. Hai người cãi nhau rất lâu, kích động đến mức lúc ăn cơm cũng đập bể bát đĩa, cho dù mảnh vỡ găm vào chân tôi, dép lê dính đầy máu tươi thì tôi cũng không dám hé một lời mà chỉ đi lấy chổi quét dọn phòng bếp thật sạch sẽ. Mẹ tôi chạy ra vườn nhà khóc rất lâu, tôi đi theo đưa khăn giấy cho mẹ rồi nói rằng giấy vẽ bị vứt thì tôi có thể mua lại, tôi đã lớn hơn rồi không cần mẹ phải chăm như trước nữa, mẹ muốn làm cái gì thì hãy làm cái đó. Ngày ấy cũng đang là mùa đông, tuyết rơi rất nhiều, mặt đất với tuyết và đất bẩn trộn lẫn không hề có chỗ nào sạch sẽ, nước mắt của mẹ tôi vẫn cứ mãi rơi rồi đáp xuống lớp tuyết dơ bẩn kia.
Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ khóc, tôi nghĩ rằng mình đường đường là một nam tử hán, hẳn là nên giúp mẹ có được thứ mẹ muốn chứ không phải là để mẹ khóc khổ sở như vậy. Sau đó mẹ im lặng thật lâu, đêm mùa đông yên tĩnh, trăng sáng soi tỏ trên bầu trời bị mây đen cắt thành từng mảnh nhỏ trông giống như một miếng ngọc vụn vỡ.
Tựa như lý tưởng của mẹ tôi, là ngọc, thế nhưng miếng ngọc này lại bị cuộc sống củi gạo dầu muối đập nát, ước mơ của mẹ trở thành một thứ chẳng có chút giá trị, như hoa trong gương, như trăng trong nước. Tôi vẫn đứng chờ mẹ trả lời.
Mẹ cúi xuống nhìn tôi rồi kéo tay tôi đi vào nhà, nhẹ nhàng nói: "Không vẽ nữa, cả đời này cũng không vẽ nữa." Ngày vui ngắn chẳng tày gang, năm tôi học lớp 4, ba đi làm xa cả Tết cũng chẳng về nhà, sau khi trở về thì không nói được với mẹ lời hay ý tốt nào mà chỉ lèm bèm trách mẹ không nấu cơm đúng giờ. Mẹ tôi thuận theo, cho dù có bị ốm bị bệnh thì cũng không dám nấu cơm muộn cho ba ăn.
Tôi rất khó chịu, dù ba có nói gì đi nữa thì mẹ cũng vẫn nghe lời mà sửa theo từng tí một. Tôi nói với mẹ, ba cứ gây rối vô cớ như thế thì mẹ đừng để ý đến ba nữa. Nhưng mẹ lại bảo rằng làm vậy thì ba mẹ sẽ không phải cãi nhau trước mặt tôi, chỉ cần mẹ nhượng bộ một chút là tốt rồi. Tôi cảm thấy uất ức, nhưng ba đối xử với tôi không tệ, tận tâm tận lực cho tôi ăn học, tiền nong bỏ ra cũng không ít, một đứa trẻ con mới học lớp 4 như tôi có thể ý kiến gì cơ chứ. Cuối cùng thì tình cảm này không phải là cứ nhịn một lần nhường một bước là có thể hoàn hảo như lúc ban đầu.
Lúc ấy app QQ vẫn còn thịnh hành, mẹ dùng điện thoại của ba để kiểm tra các khoản khấu trừ học phí của tôi thì vô tình phát hiện ba ngoại tình, sau đó ba đánh mẹ đến mức mẹ không đứng dậy nổi, còn đập vỡ đồ đạc.
Lần này mảnh vỡ cắt trúng mặt tôi, hàng lông mày cong cong xinh đẹp của mẹ cũng bị cắt qua, trên mặt dính máu. Ba nói mẹ theo dõi và xâm phạm quyền riêng tư của mình, sau thì thuận nước dong thuyền ly hôn với mẹ tôi. Mẹ sống chết không đồng ý nhưng cũng chẳng thể làm được gì, cuối cùng vẫn phải ly hôn lại còn không có tiền bồi thường, bắt đầu một cuộc sống mơ mơ hồ hồ. Sau khi ly hôn mẹ tôi thay đổi hẳn, tính tình trở nên buồn bã u ám, thường xuyên nằm dài trên giường không chải đầu cũng không vệ sinh bản thân.
Trên mặt vẫn mang vết đánh đập và vết thương do mảnh vỡ cắt trúng, tất cả đều được tôi giúp thoa thuốc băng bó. Tôi nói tôi đã học lớp 5 rồi, tôi có thể chăm sóc cho mẹ, không có ba cũng chẳng sao cả.
Mẹ thì cứ mãi ôm tôi mà khóc khiến tôi cảm thấy rất phiền lòng, liền đẩy mẹ ra rồi chạy ra khỏi nhà.
Tôi mua cho mẹ bút vẽ, nói rằng không có người đàn ông kia thì mẹ có thể tiếp tục vẽ tranh, tiếp tục đến Cung Thiếu Nhi dạy mỹ thuật. Nhưng Cung Thiếu Nhi bị phá mất rồi, phá đi để xây trung tâm thương mại.
Niềm hy vọng mới nhen nhóm của mẹ lại tan thành mây khói theo từng viên gạch được đắp lên của tòa nhà mới ấy, suốt ngày mẹ chỉ ngồi khóc ở trong phòng, cũng không còn quan tâm hỏi han tôi nữa.
Mùa đông tôi bị sốt nặng đến mê sảng, tinh thần mẹ không tốt lắm nhưng vẫn nhớ phải đưa tôi đến bệnh viện, trong lúc tôi nằm truyền nước thì mẹ lại một mình về nhà. Mẹ quên mất tôi ở viện nhưng tôi có thể tự mình đi lấy thuốc sau khi truyền nước xong, tự mình hỏi đường rồi tự mình đi bộ trở về nhà.
Tôi đợi mẹ mở cửa thật lâu, đợi đến mức chân mềm nhũn sắp gục xuống nền đất thì mẹ mới mở cửa, tôi vẫn nhớ rõ vẻ mặt của mẹ vào khoảnh khắc cửa nhà mở ra ấy, trên gương mặt xinh đẹp là sự trộn lẫn giữa đau thương và tức giận. Đêm xuống mẹ không còn ôm tôi ngủ như trước nữa.
Mẹ nói rằng tôi chính là tai họa, nếu như không có tôi thì mẹ sẽ không cần phải nghỉ việc, không cần phải dồn hết tâm sức chăm sóc tôi, kết quả là cuối cùng mất đi tất cả mọi thứ. Tuy rằng lời ấy rất khó nghe nhưng tôi lại cảm thấy mẹ nói cũng có lý.
Có lẽ nếu không có tôi thì mẹ vẫn đang nỗ lực vì công việc yêu thích của mình, có địa vị, cũng không cần phải dùng đến tiền của ba, không cần phải để ý sắc mặt của ba mà sống. Có lẽ nếu tôi không tồn tại thì mẹ có thể tự do tự tại rời đi khi nhận ra bản chất của ba, chứ không phải gánh trên vai chi phí sinh hoạt và học tập của tôi như bây giờ. Tôi có lỗi với mẹ nên cố gắng tiết kiệm tiền, không dám đòi hỏi bất cứ thứ gì.
Vì muốn xin lỗi mà tôi đã mua tặng mẹ một bó hoa bách hợp nhỏ vào Ngày của Mẹ, không ngờ rằng mẹ lại chủ động ôm rồi thơm lên má tôi, nói rằng đây là loài hoa mà mẹ yêu thích nhất. Giống như vừa tỉnh lại sau một giấc ngủ dài, mẹ chăm chút bản thân hơn, ăn mặc xinh đẹp lộng lẫy như một con công kiêu sa, hơn nữa còn bắt đầu sửa sang lại căn nhà thuê đơn sơ mà chúng tôi đã sinh sống nhiều năm. Mẹ mua giấy dán tường hình hoa bách hợp để che đi những vết ố bẩn trên tường nhà, cũng là che đi những nỗi đau mà mình đã trải qua trong quá khứ. Ông ngoại tôi làm trong ngành bảo hiểm, sau khi biết chuyện thì dùng lương hưu của mình và số tiền đã tiết kiệm hơn nửa đời người để lo cho học phí của tôi, tôi tốt nghiệp lớp 6, ông nói sẽ lo cả việc học sau này của tôi nữa. Tôi cầm bằng tốt nghiệp chạy về nhà, chưa vào cửa đã ngửi thấy mùi đồ ăn thơm phức, hẳn là mẹ biết hôm nay tôi tốt nghiệp nên đã chuẩn bị sẵn đồ ăn để thưởng cho tôi rồi, mẹ vẫn thương tôi lắm. Tôi dùng chìa khóa mở cửa vào nhà, trước mắt là chiếc bàn hình tứ giác nho nhỏ quen thuộc cùng với các món ăn ngon được đặt gọn gàng trên đó, nhưng đến khi tôi quay đầu sang, bên cạnh là giấy dán tường hình hoa bách hợp màu đỏ tươi mà tôi chẳng hề quen thuộc, bức tường diễm lệ hút đi tất cả ánh sáng trong mắt tôi..