Có quan chức thì thào: “Tại sao chứ?”
Đinh Liễn lấy tay chỉ về phương Bắc, gằn giọng: "Giặc phương Bắc".
Mọi người bừng tỉnh, điều này rất có khả năng. Đại Tống hiện nay có diện tích và dân số gấp hàng trăm lần nước ta. Tiềm lực kinh tế và quân sự coi như là số một châu lục và thế giới. Thế nhưng chư vị bách quan vẫn muốn xác nhận lai: “Đại Tống phải không thưa bệ hạ?”
Đinh Liễn từ từ trả lời: “Tương lai Đại Tống sẽ có ít nhất ba lần đại chiến với nước ta. Lần đầu sẽ diễn ra không lâu nữa đâu. Tổng ba lần đại chiến quân số của Đại Tống lên tới gần hai triệu người, bằng hai phần ba tổng dân số chúng ta. Nhưng cuối cùng, kẻ diệt tộc ta lại không phải Đại Tống. Bởi vì chính Đại Tống cũng là nạn nhân và bị diệt”. Đinh Liễn gằn giọng
Bách quan hít một hơi lạnh. Đại Tống đã mạnh mẽ như thế. Vậy mà lại có thể bị tiêu diệt ư? Kẻ thù kia mạnh đến nhường nào?
Đinh Liễn như biết được điều thắc mắc của bách quan nên đã hỏi tiếp: “Có phải các ngươi muốn biết kẻ diệt Đại Tống là ai và mạnh đến mức nào? Mấy chục năm sau, phía bắc xuất hiện một Sát tinh chuyển thế, sứ giả của Địa Ngục. Ông ta sinh ra từ tầng lớp nô lệ nhưng đã lãnh đạo một đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Quân của ông ta đi đến đâu là công thành diệt quốc đến đó.
Chiến thuật của ông ta là lấy chiến tranh dưỡng chiến tranh nên những nơi đội quân ông ta chỉ có giết chóc máu chảy đầu rơi. Ngựa của quân ông ta đi đến đâu thì cỏ không thể mọc lại. Những người còn sót lại sau mỗi lần đại tàn sát đều chỉ còn phụ nữ và trẻ con dưới 10 tuổi. Ông ta đánh từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, hàng chục quốc gia bị phá, hàng trăm dân tộc bị diệt, hàng chục tôn giáo bị cưỡng ép giải tán, quốc thổ chiếm được rộng lớn vô biên, gấp vài ngàn lần diện tích lãnh thổ nước ta.
Đại Tống cũng bị con cháu ông ta tiêu diệt, Ta nhìn thấy, Tể tướng Đại Tống ôm vua lao xuống sông tự vẫn. Dân Đại Tống quá nhiều nên tuy quốc gia bị mất nhưng không bị diệt tộc. Còn chúng ta dân ít, lại bị nội chiến không ngừng. Tứ quốc Champa, Khơ me, Đại Lý, Đại Tống liên tục xâm phạm làm chúng ta hao mòn quốc lực. Khi gặp tộc ấy thì không chống đỡ nổi, tan thành tro bụi, vĩnh viễn biến mất”.
Đinh Liễn nói ra bí mật của tương lai với giọng từ từ nhưng mọi người lại cảm thấy vô cùng lạnh lẽo. Khí trời mùa đông cũng so ra kém lúc này. Bách quan im phăng phắc. Chư vị hoàng tử nắm chặt tay lại. Các vị công chúa lấy tay che miệng. Nhóm Thái Hậu, Hoàng hậu, Phi tử cũng sắc mặt tái nhợt.
Lúc này, Đinh Liễn trong lòng Đinh Liễn lại đang cười thầm: "Hừ hừ. Không dọa sợ các ngươi làm sao ta tiến hành bước thứ hai? Ta làm lãnh đạo mà, chiêu này ta chính xài thuận tay nhất. Đem sự đáng sợ của quân Mông Cổ và Thành Cát Tư Hãn hai trăm năm sau để dọa bách quan, từ đó tạo ra áp lực về kẻ thù bên ngoài rồi xử lý chuyện mâu thuẫn nội bộ. Phương pháp này cũng như trong kinh doanh: đầu tiên, ngươi phải biết dọa sợ khách hàng tức là nói về nguy cơ trong tương lai có thể xảy ra với họ, sau đó hỏi khách hàng đã có phương pháp xử lý hay chưa hoặc khách hàng có phương pháp nào; tiếp theo là tìm nhược điểm của các phương pháp ấy làm cho khách hàng cảm thấy bối rối. Đợi khách hàng băn khoăn, lo lắng thì tranh thủ đưa ra giải pháp của mình, kết thúc sẽ là chốt bill và ký hợp đồng".
“Chưa nói đến chuyện mấy chục năm sau. Sắp tới các nước khác nhân lúc chúng ta còn yếu có thể sẽ phát binh xâm phạm hoặc cướp bóc nước ta. Nguy cơ đã ở ngay trước mắt. Theo chư vị ái khanh, chúng ta phải làm gì để phá cục? Mọi người có thể tự do di chuyển và thảo luận với nhau. Một khắc sau thì cử đại diện phát biểu ý kiến của mình”. Đinh Liễn nói xong thì trở lại Ngai Đá Quý.
Bách quan lúc này lập tức đứng lên châu đầu ghé tai, xì xào, bàn tán thành từng nhóm. Xung quanh tứ trụ triều đình cũng tụ lại khá đông. Các vị đại sư và đạo sĩ lúc này cũng không phân biệt tư tưởng khác biệt, tụ lại với nhau thảo luận. Đinh Liễn quay xuống nhìn các hoàng tử, công chúa : "Các con cũng có thể thảo luận biện pháp với nhau, biết đâu sẽ có lộ ra ý kiến hay". Đinh Liễn nhìn qua Hoàng hậu Ngô Nhật Hoa, thấy nàng nhìn mình ánh mắt lo lắng thì ra hiệu cho nàng an tâm.
Hết một khắc thời gian, mọi người còn đang thảo luận hăng say thì Kim công công đã cầm một cái búa gõ gõ lên bàn ra hiệu đã hết giờ: “Đã hết thời gian thảo luận, mời bách quan an vị chỗ ngồi và cử người đại diện lên phát biểu ý kiến”.
Bách quan trật tự trở lại chỗ của mình. Đại Đô Đốc Phí Công đạo Hà Nam Ninh giơ tay cao xin phát biểu:
“Kính thưa Việt Hoàng, kính thưa chư vị bách quan. Thần cho rằng để chống lại địch nhân mạnh mẽ chúng ta phải phát triển quân đội chính quy. Tăng cường khí giới, lương thảo, người ngựa thật chuyên nghiệp. Có vũ khí trong tay, chúng ta sẽ có thêm sự tự tin và dũng khí chống lại kẻ thù. Phương pháp này chính là biến đất nước thành một tòa quân doanh khổng lồ. Tất cả mọi hoạt động lấy phát triển quân đội làm chuẩn. Mỗi người dân đều làm binh sĩ, mỗi thôn làng là một thành trì. Làm được điều đó thì sợ gì Champa, Khơ Me, Đại Lý? Ngay cả Đại Tống chúng thần cũng dám vật cổ tay ngang hàng. Chúng thần nguyện vì Việt Hoàng đánh đông dẹp bắc, giữ vững bờ cõi nước nhà. Xin hết".
Thấy vị võ tướng kia đã phát biểu xong, Phạm Hạp liền giơ tay yêu cầu được nói: “Kính thưa Việt Hoàng, kính thưa chư vị bách quan. Thần đồng ý với ý kiến phát triển quân đội chính quy nhưng phát triển theo kiểu cực đoan như ý kiến vừa rồi, thần không ủng hộ. Đất nước chúng ta dân quá ít, nền thái bình mới có 12 năm, xã hội cũng an ổn không lâu, quốc lực quá mỏng manh không đủ sức để theo đuổi chính sách quá tốn kém như vậy.
Xin hỏi dân đi lính hết thì lấy ai sản xuất, ai sinh đẻ để phát triển nhân lực? Vũ khí, áo giáp, ngựa xe đều cần phải có tiền, rất nhiều tiền. Quân đội chính là cái động không đáy hút tài chính. Một đội quân như thế chúng ta nuôi không nổi. Cho nên ý của thần là chúng ta vẫn tiếp tục chính sách "Ngụ binh ư nông" như cũ để tích lũy nội lực. Quân đội cần cải cách nhưng phải từ từ tùy theo sự phát triển của kinh tế.
Thời bình vẫn nên cho quân về làm ruộng. Lúc nông nhàn thì tập hợp huấn luyện. Khi chiến tranh thì kêu gọi nhập ngũ. Một tay chuẩn bị vũ khí, lương thảo, người ngựa. Một tay huấn luyện dân chúng. Như vậy, quân chính quy có thể khiêm tốn, nhưng quân dự bị của chúng ta rất nhiều, thích hợp hơn cho tình hình hiện tại. Thần xin hết."
Thái phó Lưu Cơ lúc này cũng giơ tay xin phát biểu: “Kính thưa Việt Hoàng, kính thưa chư vị bách quan. Thần cho rằng ý kiến xây dựng một quân đội chính quy, chuyên nghiệp mạnh mẽ là hoàn toàn có lý. Việc này cũng đã được bệ hạ và các đại thần lên kế hoạch xem xét và thực hiện. Lý do là bởi rất nhiều khi kẻ thù đánh úp chúng ta bất ngờ, chúng ta nếu không có quân đội chính quy thì trở tay sẽ không kịp bởi việc kêu gọi nhập ngũ cần có thời gian, để lính nhập ngũ quen thuộc với vũ khí, chiến thuật cũng cần có thời gian mà kẻ thù lại không cho chúng ta thời gian để điều chỉnh.
Nhưng nếu phát triển lực lượng quân đội như thế lại là gánh nặng cho đất nước. Ngắn hạn còn có thể chứ lâu dài thì không ổn. Thần cho rằng cần cùng lúc thực thi hai chính sách trên nhưng ở mức độ vừa phải.
Thần đề cử chính sách liên minh quân sự. Người Hán vẫn hay dùng chính sách "Viễn giao, cận công" nghĩa là giao hảo với nước ở xa, tập trung đánh nước ở gần. Vì thế Champa, Khơ me, Đại Lý luôn bị Đại Tống thao túng chọc phá nước ta, làm cho chúng ta tiêu hao quốc lực, nhân dân không thể an ổn phát triển, khi thấy chúng ta yếu đi đại Tống sẽ xua quân thôn tính.
Chính sách này rất hiệu quả bởi nó dựa trên tiền đề là bản thân họ là nước mạnh, là cường quốc, có tầm ảnh hưởng lớn. Để phá vỡ chính sách ngoại giao này, thần đề cử chiến lược ngoại giao: bán anh em xa, mua láng giềng gần. Nghĩa là chúng ta hòa hảo với các nước xung quanh lấy lý do môi hở răng lạnh, tạo thành một liên minh đủ lớn. Đây là chính sách của các nước nhỏ yếu nhằm tìm sự cân bằng với các đế quốc.
Như vậy, Đại Tống sẽ không đơn giản phát binh xâm lược. Chúng ta cũng sẽ có thời gian tăng cường quốc lực và phát triển quân đội. Thần xin hết".
---------