Kiếm Lai

Chương 114:



Dưới miếu thờ của dinh quan.

Trần Đối kể lại rất nhiều chuyện kỳ lạ thú vị khắp trời nam đất bắc. Bé gái núi Chính Dương nghe đến say sưa, tấm tắc nói: 

- Tỷ tỷ, tỷ biết thật nhiều.

Trần Đối mỉm cười nói: 

- Chờ muội lớn lên cũng sẽ biết rất nhiều chuyện.

Tống Tập Tân nửa thật nửa giả nói:

- Ngày thường ở gần, cảm thấy cô cư xử cũng rất bình thường.

Lông mày dài của cô gái hơi nhướng lên, hỏi: 

- Ý của ngươi là nói, khi ở trước mặt phiên vương Đại Ly Tống Trường Kính của các ngươi thì phải ngoan ngoãn vâng lời, khom lưng uốn gối?

Tống Tập Tân cười ha hả, đưa tay chỉ vào Trần Đối:

- Cách nói chuyện của cô nương, nếu để Tề tiên sinh dạy học ở trấn nhỏ chúng ta nghe được, tiên sinh nhất định sẽ cau mày. Biết không, cách nói này của cô gọi là phải chọn một trong hai, rất ngang ngược, thoạt nghe thì giống như rất có đạo lý, nhưng thực ra lại không hề cân nhắc. Ý tứ thật sự của ta, đương nhiên là cô không cần phải nịnh hót trước mặt Tống Trường Kính, cũng không nên làm như vậy. Nhưng Tống Trường Kính dù sao cũng là một trong những người cầm đầu ở Đại Ly, còn là đại tông sư võ đạo hàng đầu đúng không? Cô là một người ngoài, phải nhập gia tùy tục, chẳng lẽ không nên khách khí một chút với chủ nhân trong nhà? Tại sao phải chường bộ mặt khó coi giả làm cụ lớn, ra vẻ thì cũng thôi đi, nhưng ra vẻ xong bị Tống Trường Kính đánh gần chết, còn dám buông lời uy hiếp ngay trước mặt ông ta, ta thật không biết nên sao với cô nữa.

Cuối cùng Tống Tập Tân chỉ vào mình, tự giễu nói:

- Ngay cả loại người độc mồm độc miệng, lòng dạ xấu xa như ta, cũng biết cần phải quan sát tình hình, nhìn đĩa mà bưng đồ ăn lên.

Trần Đối do dự một thoáng, nói: 

- Xem như là đồng loại bài xích nhau đi. Ta cũng là người tập võ, nói thật trước giờ không quá xem trọng võ phu của Đông Bảo Bình Châu các ngươi, đương nhiên cuối cùng chứng minh là ta đã sai, sai hoàn toàn.

Tống Tập Tân ngạc nhiên nói: 

- Cô cũng là người biết chấp nhận.

Trần Đối hờ hững nói: 

- Người tập võ không thừa nhận nắm tay thì có thể thừa nhận cái gì.

Tống Tập Tân đột nhiên hỏi một vấn đề sắc sảo:

- Đám người xứ khác các ngươi đến trấn nhỏ tìm bảo vật cơ duyên, hình như nguyên tắc không giống với đạo lý của chúng ta cho lắm. Là vì nắm tay các ngươi cứng sao?

Trần Đối lắc đầu cười nói: 

- Không cần ta giải thích gì cả, sau này chỉ cần ngươi ra khỏi trấn nhỏ, rất nhanh sẽ biến thành người như chúng ta. Chờ một ngày nào đó chính ngươi bước lên đường tu hành thì tự nhiên sẽ hiểu, nếu không ta có nói khô cả họng thì ngươi cũng không hiểu được đâu.

Tống Tập Tân cảm khái nói: 

- Biến thành loại người như các ngươi thì chán lắm.

Bé gái xen vào pha trò:

- Vậy thì đến núi Chính Dương chúng ta chơi đi, vui lắm.

Tống Tập Tân xoa xoa chiếc đầu nhỏ của cô, thờ ơ nói: 

- Ừ.

Trần Đối quay đầu nhìn, theo bản năng cảm thấy khẩn trương.

Chỉ thấy phiên vương Đại Ly mặc áo bào trắng mang đai ngọc đang đứng ở miếu thờ, nói với Tống Tập Tân: 

- Trở về ngõ Nê Bình thu dọn một chút, chuẩn bị rời khỏi nơi này.

Tống Tập Tân cười nói:

- Được rồi, lần này phải vác giếng rời quê (xa rời quê nhà) rồi.

Bé gái lưu luyến hỏi: 

- Vác giếng rời quê, là vác một cái giếng nước rời khỏi quê hương sao?

Tống Tập Tân cười ha hả, đứng lên nói: 

- Đi, trước tiên đưa muội về nhà Lý gia, đây gọi là đến nơi đến chốn.

Tống Tập Tân dắt bé gái đi về phía cửa lớn dinh quan, quay đầu hỏi: 

- Đường Phúc Lộc bên ngoài sẽ không có thích khách chứ?

Tống Trường Kính cười nói: 

- Chuyện này phải hỏi người bạn hàng xóm của ngươi.

Tống Tập Tân bĩu môi, xoay người nhìn sắc trời, thấy mây đen tụ tập, đã có dấu hiệu muốn mưa.

Trong thoáng chốc tâm tình của hắn trở nên rất tệ.

Sau khi đưa Đào Tử núi Chính Dương về nhà, Tống Tập Tân ngạc nhiên phát hiện Tống Trường Kính đang đứng dưới cây hòe con cháu kia. Hắn bước nhanh tới, tò mò hỏi: 

- Phải rời đi gấp như vậy sao?

Tống Trường Kính gật đầu nói: 

- Tạm thời nhận được một tin tức, bên ngoài có chút việc cần phải tự mình giải quyết, vì vậy hãy ngồi xe ngựa đến thẳng ngõ Nê Bình, thu dọn đồ đạc xong thì đi ngay.

Tống Tập Tân ngước mắt nhìn, quả nhiên đã có ba chiếc xe ngựa đang đỗ ngoài cửa dinh quan, đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời thiếu niên ngồi xe ngựa.

Tống Tập Tân khom lưng ngồi vào chiếc xe ngựa đầu tiên, Tống Trường Kính theo sát phía sau khoanh chân ngồi xuống.

Tống Tập Tân nhìn quanh, thấy bên trong trống trải, chỉ có chiếc bồ đoàn bện cỏ dưới mông của mình, hoàn toàn không có vẻ hào hoa khí phái như trong tưởng tượng, càng không mang đến sự kinh ngạc như bên trong có một thế giới khác. Chuyện này khiến Tống Tập Tân hơi thất vọng, ban đầu thiếu niên còn mong đợi nhìn thấy sự kinh ngạc của Trĩ Khuê sau khi lên xe.

Móng ngựa dày đặc đạp lên đường đá xanh phát ra tiếng lộp cộp giòn giã, ba chiếc xe ngựa lần lượt chạy ra khỏi đường Phúc Lộc.

Tống Trường Kính vén rèm xe lên, nhìn quang cảnh trấn nhỏ bên ngoài cửa xe. Từ nay về sau vương triều Đại Ly sẽ hoàn toàn mất đi quyền khống chế trên danh nghĩa với động tiên nhỏ này.

Nhưng nghĩ ngược lại, từ khi Đại Ly dựng nước đến nay, đã dựa vào lợi ích to lớn do động tiên nhỏ này mang đến, mới từng bước từ thế lực cát cứ nho nhỏ nằm ở một góc, biến thành vương triều thế tục lớn nhất bắc bộ Bảo Bình Châu như hôm nay, là lớn nhất chứ không phải một trong.

Ngàn dặm non sông động tiên nhỏ.

Sau này e rằng chỉ có thể tìm được trong bí sử hoàng cung Đại Ly.

Tống Trường Kính ngừng suy nghĩ, thuận miệng hỏi: 

- Không chào tạm biệt Trần Bình An kia một tiếng sao?

Sau khi chạy ra khỏi đường Phúc Lộc, con đường không còn bằng phẳng, thân thể Tống Tập Tân bắt đầu khẽ chao đảo theo xe ngựa, lắc đầu nói: 

- Tên kia chưa biết có thể sống sót hay không, lỡ đâu chỉ chờ được một thi thể thì buồn nôn lắm. Trần Bình An hắn không cha không mẹ, hôm nay ngay cả bạn tốt cũng ngủm rồi, vậy chẳng phải là bắt hàng xóm cháu đây phải lo liệu hậu sự cho hắn sao?

Tống Trường Kính ừ một tiếng.

Tống Tập Tân hỏi: 

- Bé gái núi Chính Dương kia có nhắc tới một người, tên là Mã Khổ Huyền, là người ở ngõ Hạnh Hoa, tuổi tác xấp xỉ với cháu. Hình như hắn đã ra giá một túi tiền cung dưỡng, bán chỗ ẩn thân của Trần Bình An và thiếu nữ kia cho núi Chính Dương. Chú có biết tên này rốt cuộc có lai lịch gì không? Trước kia cháu chỉ nghe nói hắn là một kẻ ngốc, không ngờ lại ẩn giấu sâu như vậy.

Tống Trường Kính ngẫm nghĩ:

- Thích khách lúc trước ẩn nấp ở Tống gia, đã từng ám sát hoàng tử Đại Tùy trong ngõ Kỵ Long. Chúng ta đã tìm ra được một chút đầu mối của hắn, trong đó có liên quan đến thiếu niên tên là Mã Khổ Huyền này. Trong những năm qua, tên thích khách xuất thân từ hình đồ kia đã nhiều lần lén tiếp xúc với Mã Khổ Huyền, có thể là quan hệ thầy trò. Hôm nay núi Chân Vũ đã chen ngang vào, đành phải tạm thời gác lại. Dù sao trong quân ngũ Đại Ly có rất nhiều đệ tử Chân Vũ, hơn nữa quan vị còn không thấp.

Tống Tập Tân cười nói: 

- Chú à, chú cũng có lúc thốt ra từ “đành phải” sao?

Tống Trường Kính không để bụng nói: 

- Ai bảo bản vương còn có một thân phận đầu to khó chui, đó là phiên vương Đại Ly vô tích sự này.

Lúc xe ngựa gần tới ngõ Nê Bình, Tống Tập Tân không biết vô tình hay cố ý nói: 

- Trần Bình An thật sự chỉ là Trần Bình An sao?

Tống Trường Kính bật cười:

- Trước khi bảo ngươi rời khỏi ngõ Nê Bình, dinh quan đã sớm tra xét cặn kẽ rồi. Tổ tông mười tám đời của nhà Trần Bình An rất rõ ràng mạch lạc, không có bất cứ vấn đề gì, không dính dáng gì tới bốn chữ “giàu sang quyền thế”. Thế nào, Trần Đối kia làm ngươi sợ rồi à? Yên tâm, bản vương đại khái đã đoán ra thân phận của cô ta, nhánh họ Trần của cô ta không có chút ngọn nguồn nào với nhánh tổ tiên Trần Bình An ở trấn nhỏ, cho nên cứ thoải mái đi. Trần Bình An chỉ là Trần Bình An. Nếu miễn cưỡng nói đến quan hệ thân thích, cũng chỉ có họ Trần quận Long Vĩ của Trần Tùng Phong kia. Nhưng ngươi thử nghĩ xem, thân thích mấy trăm năm không liên lạc thì còn xem như thân thích sao? Còn nữa, nhánh họ Trần ở trấn nhỏ này đã sa sút đến mức chỉ còn lại một người không phải là đầy tớ nha hoàn. Nghèo ở chợ đông không ai hỏi, giàu nơi núi thẳm lắm người thăm. Ngươi dù sao cũng từng đọc ít sách, ngay cả đạo lý này cũng không hiểu à?

Tống Tập Tân vẫn chưa hết hi vọng:

- Vậy tổ tông trước mười tám đời thì sao? Chưa từng xuất hiện một nhân vật tài hoa kinh người nào à? Một người cũng không?

Tống Trường Kính cười nói:

- Hóa ra là ngươi hi vọng thân thế của Trần Bình An đặc thù một chút?

Tống Tập Tân không che giấu tâm tư của mình, gật đầu nói:

- Nếu như hắn khác với người bình thường, trong lòng cháu cũng sẽ dễ chịu hơn một chút.

Tống Trường Kính càng hiếu kỳ, trêu chọc: 

- Rốt cuộc tên kia đã ức hiếp ngươi thế nào, khiến cho ngươi cố chấp như vậy? Nhưng theo những gì ta biết về thiếu niên kia, không giống như một...

Tống Tập Tân cười lạnh ngắt lời phiên vương Đại Ly:

- Người ở địa phương nhỏ có lẽ tầm mắt không cao, hốc mắt nông cạn, nhưng không nên cho rằng bọn họ ngốc. Tốt thì tốt đến mức có tấm lòng son chất phác thiện lương, xấu cũng sẽ xấu đến mức trên đầu lở loét bàn chân mưng mủ, còn có một số người ngu xuẩn đến mức không thuốc nào cứu được, thậm chí là vừa ngu vừa xấu.

Tống Trường Kính càng nghi hoặc khó hiểu:

- Vậy Trần Bình An thuộc loại nào?

Tống Tập Tân thở dài, phiền muộn nói: 

- Hắn không thuộc loại nào cả, đúng là một kẻ ngốc, cho nên cháu mới cảm thấy rất bực bội.

- --------

Ninh Diêu ngồi xuống trước ghế dài, cẩn thận quan sát gương mặt ngủ say của Trần Bình An, trong lòng đầy rung động.

Thần thông như vậy đúng là tuyệt diệu không thể miêu tả được.

Tư thế ngủ kỳ quái của Trần Bình An, khiến cho thiếu niên từ đầu đến chân giống như bỏ đi những thứ tô vẽ bên ngoài, trở về trạng thái mộc mạc ban đầu.

Mặc dù Ninh Diêu không nói rõ được, nhưng thiếu nữ trời sinh có trực giác rất nhạy bén đối với một môn thần thông pháp thuật tốt hay xấu.

Ninh Diêu quay đầu tò mò hỏi: 

- Ông mới là người dẫn đường tu hành của Trần Bình An?

Ông lão bập bập thuốc lá, hai chân gác chéo, nhìn về màn mưa tối tăm ngoài nhà, cười nói: 

- Tu hành? Như vậy cũng tính là tu hành? Thế nào, hôm nay thế giới bên ngoài lại thêm một kẻ có tư cách lập giáo xưng tổ à? Khiến cho nếp sống ngày càng bại hoại, quang cảnh trên đường tu hành càng lúc càng tệ? Không đến mức như vậy chứ, mấy tên kia cũng không phải ăn chay, bản thân đã tham lam thì cũng chỉ có thể tiếp tục đi trên con đường không lối về này, quyết không cho người khác tới chia một chén canh.

Ninh Diêu không hiểu ra sao:

- Dương lão tiền bối, ông đang nói gì vậy?

Ông lão sững sốt:

- Trưởng bối nhà cô không nói với cô về nợ cũ năm xưa của đám cổ hủ kia sao?

Ninh Diêu lắc đầu:

- Những người cùng thời với ông nội tôi đã đi rất sớm, cha mẹ tôi lại không thích kể về mấy thế giới khác, chỉ lo tôi bỏ nhà ra đi.

Lão Dương quay đầu nhìn, cẩn thận quan sát thiếu nữ một lúc, cuối cùng thốt ra một câu:

- Hôm nay trên tường thành kia đã khắc bao nhiêu chữ rồi?

Ninh Diêu thành thật trả lời:

- Lớp người cùng thời với ông nội tôi đã xuất hiện rất nhiều anh hùng, cho nên trong trăm năm ngắn ngủi đã khắc hai chữ mới, hôm nay tổng cộng có mười tám chữ.

Ông lão thổn thức nói:

- Đã mười tám chữ rồi à. Đạo Pháp, Hạo Nhiên, Tây Thiên, sau sáu chữ này thì còn những chữ nào?

Ninh Diêu trầm giọng nói:

- Bốn chữ Lôi Trì Trọng Địa, cộng thêm bốn chữ Kiếm Khí Trường Tồn, cuối cùng là Tề, Trần, Đổng.

Lão Dương nhíu mày hỏi: 

- Tiểu cô nương, còn một chữ bị cô ăn mất rồi à?

Ninh Diêu bực bội nói: 

- Quên rồi!

Ông lão cũng không truy hỏi đến cùng, đổi sang vấn đề khác: 

- Vẫn quy tắc cũ, mỗi lần chém chết một vị yêu tộc cảnh giới Phi Thăng, mới có tư cách khắc một chữ trên trường thành đúng không?

Ninh Diêu nhíu mày hỏi: 

- Tại sao ông lại hiểu rõ chuyện ở quê nhà tôi như vậy?

Ông lão cười nói:

- Trước đây rất lâu có một vị kiếm tu từ bên ngoài đến, có thói quen viết nhật ký hành trình, phong tục con người đều ghi lại cả. Cuối cùng hắn chết ở gần trấn nhỏ chúng ta, ta bèn cầm quyển nhật ký thật dày kia về nhà, lúc rãnh rỗi thì lật ra xem.

Ninh Diêu hoài nghi tính chân thực của câu trả lời này.

Ông lão giống như mọc mắt sau lưng:

- Tin hay không thì tùy cô.

Ninh Diêu quan sát trạng thái của Trần Bình An, có phần giống như Đạo gia tĩnh tọa hoặc Phật môn thiền định, bèn hỏi: 

- Hắn thế nào rồi?

Lão Dương chậm rãi nói: 

- Chết giả.

Người ngủ là chết giả.

Ninh Diêu cảm thấy bất đắc dĩ, ông lão ở tiệm Dương gia này nói chuyện hoặc là chối tai khó nghe, hoặc là kỳ quái lạ lùng.

Ông lão lẩm bẩm:

- Tiểu cô nương, ta hỏi cô, khi một người mặc niệm trong lòng, cái gọi là tiếng lòng rốt cuộc là tiếng của người nào.

Ninh Diêu ngẩn người, lâm vào trầm tư.

Nàng nhanh chóng nhắm mắt tập trung một cách tự nhiên, sau đó buồn ngủ, cuối cùng đột nhiên gục đầu ngủ say.

Lão Dương đứng lên, đi vòng qua thiếu nữ đến trước người thiếu niên, dùng tẩu thuốc chỉ vào Ninh Diêu, nói với thiếu niên: 

- Nhìn người ta xem, chỉ hướng dẫn một chút, nói ra mấy câu là có thể một lần đột phá cảnh giới. Lại nhìn ngươi xem, bản lĩnh đánh rắm còn không có mà cứ thích cứng đầu. Ngươi cứng đầu với ai vậy, ông trời ngủ gật bao nhiêu năm rồi, có chịu để ý tới một kẻ như ngươi sao?

Lão Dương ngồi xuống chỗ cũ, nhìn về màn mưa dần lớn ngoài nhà, hạt mưa gấp gáp rơi xuống sân kêu lộp bộp, vẻ mặt ông lão có phần thương cảm:

- Đã nhiều năm như vậy, chọn tới chọn lui, tìm rất nhiều người, không ngờ kẻ không có hi vọng nhất lại là người có mạng cứng nhất.

- --------

Một đứa trẻ gầy còm vác một cái sọt lớn đựng rau dại đi trong ngõ, dùng cỏ đuôi chó xâu bảy tám con cá nhỏ cầm trong tay. Đứa trẻ mở cửa nhà mình ra, vừa mới bước vào trong sân, nhà kế bên lập tức có một công tử nhỏ mặc áo quần tơ lụa đạp lên ghế, thành thạo leo lên tường viện không cao, ngồi xổm ở đó, hoàn toàn không để ý tới áo quần đắt giá bị dơ, cười nói: 

- Này họ Trần, lại trèo đèo lội suối kiếm ăn à? Bản lĩnh moi móc núi sông của ngươi đúng là không nhỏ, sau này có thể dẫn ta đi chơi chung không? Ta sẽ thưởng tiền cho ngươi?

Đứa trẻ gầy còm cười cười:

- Không cần đưa tiền đâu.

Công tử nhỏ đầy vẻ giàu sang bĩu môi nói: 

- Không cần thì dẹp, ta cũng không thích đi.

Đứa trẻ lần lượt lấy những con cá nhỏ kia từ trên cỏ đuôi chó xuống, con lớn thì dài như bàn tay, con nhỏ thì chỉ dài khoảng ngón cái. Nó nhún chân đặt lên bệ cửa sổ nhà mình phơi nắng, chỉ cần phơi khô là ăn được, không cần rắc muối, cũng không cần mổ bụng lấy nội tạng ra. Không phải nó sợ phiền toái, mà là nếu làm như vậy sẽ không còn được mấy lạng thịt, dù sao vẫn ăn rất giòn, rất thơm.

Công tử nhỏ trên tường viện nói xong cũng hơi hối hận, thực ra nó vẫn luôn rất hâm mộ đứa bạn hàng xóm cùng lứa, mỗi lần về nhà đều không trắng tay, thường có thỏ hoang cá chạch, cá dưới suối hoặc trái cây dại, khiến cho nó rất động tâm. Không phải nó thèm ăn mà là nhìn thấy thích, nhưng lòng hiếu thắng khiến nó không muốn đổi giọng. Cộng thêm nhìn thấy họ Trần nhà bên động tác nhanh nhẹn, dáng vẻ không buồn không lo, nó lại cảm thấy phiền muộn không vui.

Ngươi nói xem, Trần Bình An ngươi nghèo đến mức hàng ngày không có gì ăn, ngủ trong một căn phòng tồi tàn tám bề lọt gió, quanh năm suốt tháng còn không ăn được một xâu mứt quả, ngươi còn vui cái gì?

Công tử nhỏ trên đầu tường tên là Tống Tập Tân hoàn toàn không hiểu được chuyện này.

- --------

Có một ngày, đứa trẻ không lo cơm áo nhưng vẫn phải sống ở ngõ Nê Bình, khi nó về đến nhà thì mặt mũi bầm dập, khắp người đầy bùn đất.

Bé gái vừa mới trở thành tỳ nữ bên cạnh hỏi nó có chuyện gì, Tống Tập Tân nhất định không chịu nói, sau khi trở về phòng mình thì đóng cửa lại, nằm ở trên giường.

Hôm nay nó cãi nhau với người khác, thậm chí còn đánh nhau. Có một số lời lẽ độc ác đến bây giờ còn quanh quẩn bên tai, khiến cho đứa trẻ vốn rất tự tôn cảm thấy lòng như dao cắt, sắc mặt lúc thì đau khổ, lúc thì dữ tợn.

“Không phải ngươi chỉ có chút tiền dơ bẩn sao? Đắc ý cái gì. Ngươi còn không bằng Trần Bình An, mặc dù người ta đã mất cha mẹ nhưng dù sao cũng biết cha mẹ mình là ai, còn ngươi có biết cha mẹ mình là ai không?”

Đứa trẻ họ Tống trằn trọc trên giường, làm thế nào cũng không ngủ được.

Ngày hôm sau, đứa trẻ này không ngồi xổm trên đầu tường tán gẫu với hàng xóm như thường ngày, mà lần đầu tiên đến nhà gõ cửa, đi vào trong nhà Trần Bình An.

Nó nói với Trần Bình An một câu. Không lâu sau thì Trần Bình An rời khỏi trấn nhỏ, làm trái lời thề với mẹ nó lúc sắp qua đời, còn nhỏ đã đến lò gốm làm học đồ.

- --------

Có một bóng dáng lén lút đứng ở cửa sau nhà chính trong tiệm, lão Dương liếc thấy cũng không nói gì, chỉ xoay người lại, cảm thấy chướng mắt.

Sau khi bóng dáng kia nhìn thấy hành động của ông lão thì rất tổn thương.

Càng khiến hắn tổn thương là một vị phu nhân mà mình nên gọi là chị dâu, một tay cầm ô, một tay đẩy mạnh đầu hắn ra, bước nhanh về hướng hậu viện nhà chính, sau khi thấy ông lão sau lập tức há miệng muốn kêu lên.

Lão Dương thở dài, vội vàng đứng dậy đi ra khỏi nhà, đóng cửa lại, đứng trên bậc thềm nhìn vị phu nhân giống như muốn khởi binh hỏi tội kia, ngay cả hứng thú hút thuốc cũng không còn nữa.

Phu nhân dừng bước, một tay chống nạnh mắng:

- Làm gì đấy, ông phòng trộm à? Lão Dương, ông dù sao cũng là sư phụ của chồng tôi, sao lại làm chuyện thất đức như vậy? Lý Nhị làm người phục vụ trong tiệm rất tốt, ông dựa vào đâu mà bảo hắn cuốn gói cút đi? Tiệm Dương gia do ông mở à? Hả? Lý Nhị ngủ với sư mẫu hay là ngủ với khuê nữ của sư phụ hắn vậy?

Người đàn ông vốn đang ở ngoài đường lại bị kéo vào nhà, lúc này đang rụt cổ nấp ở sau cửa, hận không thể đào một cái lỗ chôn mình xuống.

Tính tình của sư phụ ra sao, đức hạnh của mụ vợ Lý Nhị thế nào, hắn làm sao còn không biết, cho nên hắn cảm thấy lần này mình không chết cũng phải tróc một lớp da.

Gương mặt lão Dương không cảm xúc:

- Nói xong chưa? Xong rồi thì về nhà gọi đực đi. Nghe nói ngoài cùng phía tây trấn nhỏ quanh năm suốt tháng không dứt tiếng mèo kêu, ban ngày hay ban đêm cũng kêu, rất nhiều người bị ồn đến mức phải chuyển nhà...

Phu nhân giống như bị nói trúng chỗ thương tâm, giọng lại lên cao:

- Thứ già chết tiệt, ông còn không biết xấu hổ bảo tôi về nhà! Đồ đệ của ông không nghề không ngỗng, suốt ngày chỉ biết đi lang thang. Hai ngày trước nóc nhà của chúng tôi sụp rồi, ngay cả tiền tu sửa cũng không moi ra được, hại tôi phải mang theo núi vàng núi bạc trở về nhà mẹ, chịu đủ khi dễ! Nếu không phải Lý Nhị bị ông đuổi ra khỏi tiệm, một nhà bốn miệng ăn chúng tôi sẽ thảm như vậy sao? Lão Dương, mau móc tiền quan tài ra đây cho chúng tôi sửa nhà, nếu không hôm nay tôi không để yên cho ông đâu!

Ánh mắt ông lão lạnh lùng nhìn về người đàn ông trốn trốn tránh tránh kia, Trịnh Đại Phong.

Vẻ mặt Trịnh Đại Phong như đưa đám nói:

- Sư phụ, Lý Nhị đi làm chuyện kia theo như lời dặn của ngài rồi, trong chốc lát chắc sẽ không về được.

Sắc mặt ông lão âm trầm.

Trịnh Đại Phong thật sự muốn quỳ xuống dập đầu.

Phu nhân ném chiếc ô bằng giấy dầu, đặt mông ngồi xuống đất đầy nước mưa, gào khóc:

- Thứ già chết tiệt, thích loạn luân à, ngay cả vợ của đồ đệ mình mà cũng không tha.

Ông lão mang một cái ghế đẩu nhỏ đến dưới mái hiên, chậm rãi ngồi xuống, từ trong túi bên hông lấy thuốc lá sợi ra, nghiền thành một nhúm bỏ vào trong tẩu, rít một hơi thuốc lá, ngửa đầu nhìn lên trời, không hề để ý tới phu nhân kia.

Trịnh Đại Phong nhìn phu nhân khóc lóc lăn lộn trong sân, trời mưa lớn như vậy, thân thể bà ta vốn đầy đặn chăm sóc tốt, áo quần lại phong phanh, đến nỗi rất nhiều người phục vụ trong tiệm Dương gia đều chạy tới xem náo nhiệt, từng người cười lén, nhìn đến no mắt.

Phu nhân đang khóc đến xé nát ruột gan, đột nhiên lại ngừng khóc giống như bị người ta nắm lấy cổ. Sau khi bà dụi dụi mắt thì vội vàng đứng dậy, cầm lấy chiếc ô bằng giấy dầu bỏ chạy.

Phu nhân vừa chạy vừa kêu lên:

- Có quỷ!

Ông lão nhếch nhếch khóe miệng, nói: 

- Phân chuột trên bục thắp hương, thần ghét quỷ chê.