Kiếm Lai

Chương 121:



Hai ngày trước hôm Tề Tĩnh Xuân đặt đôi đũa kia xuống, trấn nhỏ xuất hiện một ít điềm báo không lành. Mực nước của giếng Thiết Tỏa hạ xuống rất thấp. Nhánh hòe từ thân cây gãy nứt rơi xuống, cành lá đều khô héo, rõ ràng không phù hợp với quy luật xuân tươi thu khô. Còn có khu vực ngoài trấn nhỏ nơi rất nhiều tượng thần bằng đất nằm ngổn ngang, hơn nửa đêm thường vang lên tiếng nổ như pháo.

Những người tò mò chạy đi xem, trông thấy ở khu vực ven rìa trấn nhỏ, đám Bồ Tát đất, thần tiên gỗ mùa đông năm ngoái còn tồn tại trên đời, lúc này đã biến mất hơn nửa.

Xe trâu xe ngựa khởi hành từ đường Phúc Lộc và ngõ Đào Diệp không hề gián đoạn. Trên mặt đường trải những phiến đá xanh lớn, hơn nửa đêm vẫn có thể nghe thấy tiếng móng trâu móng ngựa quấy nhiễu mộng đẹp của người khác.

Những người xứ khác áo quần hoa lệ, phong thái giàu sang cũng bắt đầu vội vàng rời đi. Phần lớn đều có vẻ không vui, đi theo tốp năm tốp ba, thường xuyên có người nhìn về hướng trường học trong trấn nhỏ chỉ chỉ trỏ trỏ, tỏ ra căm phẫn.

Cửa đông trấn nhỏ đã không thấy bóng dáng của gã độc thân Trịnh Đại Phong, dinh quan giám sát làm gốm cũng không có ý định tìm người thay thế. Vì vậy trấn nhỏ giống như một người thiếu hai chiếc răng cửa, nói chuyện rất dễ lọt gió.

Lưu Bá Kiều và Trần Tùng Phong dọc theo đường cũ trở về, khi hai người có thể nhìn thấy  đường nét của cầu mái che thì đã là hoàng hôn. Lưu Bá Kiều men theo một con đường nhỏ đi đến bên khe suối, ngồi xuống vốc nước rửa mặt. Có lẽ là do không đủ sảng khoái, hắn dứt khoát vểnh mông nằm xuống đất, nhúng cả đầu vào trong nước suối. Cuối cùng hắn ngẩng đầu lên, hô to thoải mái, quay đầu nhìn Trần Tùng Phong mồ hôi đầm đìa, trêu chọc: 

- Đúng là thư sinh yếu đuối, trói gà không chặt.

Trần Tùng Phong chỉ vốc một ngụm nước suối để uống, nói với giọng khàn khàn: 

- Ban đầu ta vất vả trở thành luyện khí sĩ, chỉ là hi vọng tăng cường thân thể, có thể sống lâu thêm mấy năm, đọc thêm vài cuốn sách mà thôi, làm sao so với được với kiếm tu các người. Huống hồ tại động tiên nhỏ Ly Châu này, ngoại trừ kiếm tu thì luyện khí sĩ là người chịu thiệt nhất, một khi không lưu ý vận chuyển khí tức thì sẽ hao tổn đạo hạnh, cảnh giới càng cao thì càng hao tổn nhiều, không ngờ tu vi của ta thấp lại trở thành chuyện tốt.

Lưu Bá Kiều vỗ vai Trần Tùng Phong:

- Không bằng đổi môn phái, gia nhập vườn Phong Lôi chúng ta luyện kiếm, sau này ta sẽ che chở ngươi. Ngươi nghĩ xem, trở thành một kiếm tu ngự kiếm theo gió, lên cao vạn trượng, nhanh như sấm chớp, nhất là lúc mưa dông đạp kiếm qua lại trong đó...

Trần Tùng Phong đột nhiên cười nói: 

- Nghe nói kiếm tu vườn Phong Lôi bị sét đánh nhiều nhất là...

Lưu Bá Kiều vươn một tay ra:

- Đừng nói!

Kiếm tu cũng là một trong số luyện khí sĩ, nhưng so với luyện khí sĩ bình thường, thân thể của kiếm tu càng đến gần võ phu thuần túy đi trên con đường khác. Nói đơn giản là kiếm tu theo đuổi cả gân cốt thịt và tinh khí thần, còn những luyện khí sĩ khác thì thân thể chỉ cần không gây trở ngại là được, không hề dốc sức rèn luyện. 

Đương nhiên khi luyện khí sĩ dưỡng khí, luyện khí cũng là đang rèn luyện mài giũa thân thể, giống như mưa thuận gió hòa vậy. Nhưng xét về rèn luyện thân thể, dù là cường độ hay số lần thì luyện khí sĩ đều kém xa kiếm tu, càng không thể toàn tâm toàn ý, siêng năng không mệt giống như võ phu.

Luyện khí sĩ trên thế gian đều có chung một nhận thức, thân thể x.ác thịt dù sao vẫn là thứ không ngừng mục nát, chỉ cần đủ dùng là được. Có thể may mắn tu luyện thành thân thể kim cương bất bại, thanh tịnh lưu ly là tốt nhất, nếu không thì cũng chẳng sao, không nên đâm đầu vào tường hại đến gốc rễ của đại đạo.

Lưu Bá Kiều thuận miệng hỏi: 

- Người bà con xa của nhà ngươi kia, rốt cuộc là võ nhân cảnh giới thứ mấy?

Trần Tùng Phong bất đắc dĩ nói:

- Ta làm sao biết được chuyện cơ mật như vậy?

Lưu Bá Kiều nhớ tới xung đột xảy ra trong nhà chính dinh quan khi trước, cảm khái nói: 

- Tống Trường Kính đúng là quá mạnh, đáng sợ nhất là vị phiên vương Đại Ly này vẫn còn trẻ. Bình thường võ nhân cảnh giới thứ tám, thứ chín có ai không từ năm mươi, sáu mươi tuổi trở lên, thậm chí trăm tuổi cũng không xem là lớn. Nhưng nếu ta không nhớ lầm, Tống Trường Kính chỉ mới gần bốn mươi thì phải. Chẳng trách lúc trước người nọ cười bảo là “cần phải đè nén sự kiêu ngạo”.

Trần Tùng Phong nhẹ giọng nói: 

- Sinh ra đúng thời, được trời ưu ái.

Tu sĩ năm cảnh giới cao giống như rồng thần thấy đầu không thấy đuôi, rất khó tìm kiếm. Nhưng võ nhân cảnh giới thứ tám, thứ chín thì thường thiên hạ đều biết, có quan hệ gần gũi với vương triều thế tục. Huống hồ muốn gia tăng võ đạo phải dựa vào đại chiến sinh tử, nhìn thấy sống và chết giữa lằn ranh sống chết, mới có thể phá vỡ sinh tử, đạt được một tâm cảnh siêu nhiên tương tự như “tự tại” của Phật gia và “thanh tịnh” của Đạo gia.

Ngoại trừ hai đại tông sư so tài, võ nhân cảnh giới thứ tám, thứ chín rất thích khi dễ luyện khí sĩ đỉnh cao trong năm cảnh giới trung. Nhất là người đứng đầu trong cảnh giới thứ chín như Tống Trường Kính, gần như có thể nói là không có đối thủ dưới năm cảnh giới cao. Cũng chỉ có kiếm tu trong số luyện khí sĩ là có thể đánh một trận với ông ta, nhưng cũng chỉ cố gắng để mình thua không quá khó coi, giành được một kết quả dù bại vẫn vinh.

Có điều trong chuyện này tồn tại một nguyên nhân sâu xa, mới khiến cho cao thủ võ đạo cảnh giới thứ chín không kiêng nể gì cả. Đó là đại tu sĩ ở tầng cuối cùng trong năm cảnh giới trung, cũng là tầng thứ mười, vốn đã không quan tâm đến phân tranh thế tục, thậm chí còn không để ý tới gia tộc tồn vong, vương triều hưng suy, chỉ vì hai chữ “đại đạo” kia.

Lưu Bá Kiều vẫn chìm đắm trong suy nghĩ của mình:

- Tống Trường Kính muốn ta sau khi khỏi trấn nhỏ, dựa vào bản lĩnh của mình đi lấy phù kiếm. Có nên thông báo cho vườn Phong Lôi không nhỉ, bảo bọn họ sớm bày tiệc mừng công?

Trần Tùng Phong dở khóc dở cười, nhìn nước chảy róc rách sâu không quá đầu gối. Nghĩ đến Tống Trường Kính và thiếu niên phong lưu bên cạnh vị phiên vương này, Trần Tùng Phong loáng thoáng cảm nhận được dấu hiệu đại thế ngưng tụ. Hắn quyết định chuyến này trở về nhà tổ họ Trần ở quận Long Vĩ, nhất định phải thuyết phục gia tộc đặt cược vào vương triều Đại Ly, cho dù không thể được ăn cả ngã về không, cũng phải cho con cháu họ Trần kịp thời dung nhập triều đình Đại Ly.

Trần Tùng Phong rủ rỉ nói: 

- Khí thế của Đại Ly đã là thời tới trời đất đều chung sức, vì vậy họ Trần ta muốn đỡ rồng, chứ không chỉ tranh giành ở cạnh rồng.

Lưu Bá Kiều hỏi:

- Ngươi lẩm bẩm gì đó?

Trần Tùng Phong đứng dậy, phẩy phẩy tay, cười nói: 

- Hình như huynh rất hợp với thiếu niên ngõ Nê Bình kia.

Lưu Bá Kiều đứng dậy theo, tùy tiện nói: 

- Bèo nước gặp nhau, hợp tan bất định, có trời mới biết sau này còn gặp lại nữa không.

Hai người đạp lên cỏ xuân bên khe suối cùng nhau lên bờ. Trần Tùng Phong hỏi:

- Nghe nói vào mùa đông năm nay, mảnh đất lành trong lãnh thổ nước Nam Giản sẽ mở cửa với bên ngoài, cho phép mấy chục người đi vào. Chẳng phải trước mắt huynh vẫn không thể đột phá giới hạn sao, có muốn đến đó thử vận may không?

Lưu Bá Kiều cười nhạt nói:

- Chắc chắn không đi, vào trong đám kiến làm mưa làm gió, ông đây cũng thấy xấu hổ.

Trần Tùng Phong lắc đầu nói:

- Liễu tiên sinh nhà ta từng nói, tâm cảnh như gương càng lau càng sáng. Cho nên với việc tu hành tâm cảnh, nếu có thể tĩnh tọa trên đài sen của Đạo Tổ đương nhiên có rất nhiều lợi ích, nhưng thỉnh thoảng rèn luyện gian nan trong ao bùn nhỏ chưa chắc đã không có chỗ tốt. Đến đất lành làm một vị tiên bị đày vứt bỏ tiền thân, quên đi kiếp trước, hưởng phúc hay chịu nạn cũng được, hoặc nhiều hoặc ít...

Không đợi Trần Tùng Phong nói xong, Lưu Bá Kiều đã át lời: 

- Con người ta lòng hiếu thắng quá nặng, một khi đến đất lành linh khí mỏng manh, nếu không thể dựa vào bản lĩnh của mình phá vỡ ngăn cấm trở lại quê nhà, vậy nhất định sẽ lưu lại nút thắt trong lòng, được không bù mất, lợi bất cập hại. Hơn nữa nếu không cẩn thận bị “người bản xứ” khi dễ trong đất lành, lại trở thành một tâm bệnh, chờ sau khi ta khôi phục tinh thần, cho dù phải trả giá rất lớn cũng phải muốn “chân nhân chân thân” giáng thế, như vậy mới sảng khoái. Nhưng làm vậy chẳng phải là trái với ý định ban đầu của ta sao?

Hai tay Lưu Bá Kiều ôm sau đầu, đầy vẻ khinh thường nói: 

- Nói một câu khó nghe, hôm nay có ai không biết rõ, ba mảnh đất lành ở Đông Bảo Bình Châu chúng ta đã sớm biến chất rồi, đã trở thành nơi để con cháu thế gia của những vương triều thế tục tiêu tiền đến tìm thú vui. Chẳng trách lại bị gọi là nơi lầu xanh múa hát dưới sự cai quản của tiên gia, bẩn thỉu xấu xa.

Trần Tùng Phong cười nói: 

- Cũng không thể vơ đũa cả nắm. Không nói đến người xứ khác chúng ta, chỉ nói đến những người bản xứ kia, cũng không thiếu những kẻ tài hoa xuất chúng.

Lưu Bá Kiều xem thường nói:

- Một mảnh đất lành nhiều người như vậy, hàng năm có được mấy người bộc lộ tài năng? Một người chưa chắc đã có. Những kẻ thành công đi đến chỗ chúng ta, trong trăm năm lại có mấy người được chúng ta nhớ tên? Có thể đếm được trên đầu ngón tay đúng không. Cho nên ta không hiểu vì sao những mảnh đất lành này lại được người ta sùng bái như vậy. Có người còn tuyên bố, chỉ cần sở hữu quyền quản lý một phần đất lành, chỗ tốt không ít hơn sở hữu một vị tu sĩ năm cảnh giới cao, điên rồi à.

Trần Tùng Phong cười nói: 

- Lợi nhuận của đất lành là lâu dài, thỉnh thoảng còn xuất hiện một hai chuyện kinh ngạc vui mừng. Mấu chốt là có thể ngồi không hưởng lộc tất cả lợi ích, ai không muốn chia một chén canh trong đó?

Người từ động tiên đi ra phần lớn có số mệnh tốt, người từ đất lành đi lên số mệnh lại càng vững chắc.

Lưu Bá Kiều hỏi: 

- Hình như ngươi không thích thiếu niên họ Trần kia lắm?

Trần Tùng Phong ngẫm nghĩ, quyết định bộc lộ nội tâm:

- Nếu xuất phát từ cá nhân, ta không có ý kiến gì với thiếu niên kia. Nhưng nếu luận việc, sự tồn tại của hắn lại khiến gia tộc chúng ta rất khó xử. Con cháu họ Trần ở động tiên nhỏ Ly Châu vốn là một trò cười của bản châu, một họ có nhân số khá đông trong trấn nhỏ chỉ còn sót lại một người, ngoài ra đều trở thành đầy tớ của nhà khác, bị biến thành trò cười cũng là chuyện bình thường. Trong mắt họ Trần quận Long Vĩ, mặc dù chúng ta và họ Trần trong trấn nhỏ có tổ tiên xa, nhưng đó là chuyện quá khứ bao nhiêu năm trước rồi, không hề có chút tình cảm nào. Nhưng đối thủ của họ Trần quận Long Vĩ thì không nghĩ như vậy.

- Dưới tình huống này, nếu thiếu niên ngõ Nê Bình cũng dứt khoát trở thành tôi tớ cho nhà giàu thì thôi, khi đó chỉ bị cười lớn một trận, rất khó trở thành đề tài câu chuyện kéo dài nhiều năm. Nhưng thiếu niên này vẫn cắn răng kiên trì, tồn tại lẻ loi, lại khiến người khác đặc biệt chú ý. Thậm chí bên ngoài có rất nhiều người đánh cuộc, một nhánh, một nhà, một người con cháu họ Trần trong trấn nhỏ này khi nào sẽ không còn là “duy nhất” nữa.

Lưu Bá Kiều nhíu mày nói: 

- Đây không phải là lỗi của thiếu niên kia.

Trần Tùng Phong cười nói: 

- Đương nhiên thiếu niên không làm gì sai cả, nhưng trên đời có một số chuyện rất khó nói rõ đạo lý.

Lưu Bá Kiều lắc đầu nói:

- Không phải rất khó nói rõ đạo lý, trên thực tế vốn là các ngươi không có đạo lý. Chỉ vì thiếu niên kia quá nhỏ yếu, mới khiến các ngươi có thể tỏ ra lý lẽ hùng hồn. Cộng thêm thanh thế của họ Trần quận Long Vĩ các ngươi lớn hơn thiếu niên rất nhiều, nhưng lại không lớn hơn những kẻ đứng bên cạnh cười nhạo kia, cho nên hoàn cảnh càng trở nên lúng túng. Đến cuối cùng không muốn thừa nhận mình vô năng, đành phải quay lại ám thị chính mình, cho rằng thiếu niên kia mới là kẻ gây nên tội. Ta tin rằng nếu không phải động tiên Ly Châu này khó đi vào, thiếu niên ngõ hẹp khiến họ Trần quận Long Vĩ khó chịu kia, đã sớm bị con cháu họ Trần quận Long Vĩ âm thầm tìm lý do g.iết chết, hoặc là bị một kẻ trong gia tộc phụ thuộc giết để tranh công rồi.

Sắc mặt Trần Tùng Phong đỏ lên, nhất thời lại có phần thẹn quá hóa giận.

Lưu Bá Kiều đỡ sau gáy, ngẩng đầu nhìn lên trời, vẻ mặt vẫn lười nhác nhàn nhã tự tại:

- Ta biết Trần Tùng Phong ngươi không phải người như vậy, đáng tiếc người giống như ngươi rất ít, còn người khác với ngươi thì lại rất nhiều.

- Chẳng hạn như con vượn Bàn Sơn núi Chính Dương kia, bản thân không lấy được Kiếm Kinh, lại sợ vườn Phong Lôi ta lấy được, cho nên muốn dùng một quyền đánh chết thiếu niên họ Lưu kia, ngươi cảm thấy như vậy là có lý lẽ sao? Ta cảm thấy như vậy là không phân biệt phải trái, nhưng có tác dụng gì không? Vô dụng thôi, ta còn không dám chính diện khiêu khích con vượn già.

Lưu Bá Kiều thở dài, buông một tay xuống phủi phủi bụng mình, tự giễu nói:

- Ta à, chỉ là một kẻ ăn nói vụng về, nắm tay không đủ cứng, kiếm còn chưa đủ nhanh. Nếu không trong bụng ta đã tích góp một đống đạo lý, muốn nói chuyện rạch ròi với cái thế đạo này.

Trần Tùng Phong thở ra một hơi:

- Cho nên huynh cảm thấy thiếu niên kia không tệ?

Lưu Bá Kiều quay đầu nhìn về núi cao phía tây nơi mặt trời lặn xuống:

- Cảm thấy không tệ? Sao có thể như vậy.

Trần Tùng Phong nghi hoặc.

Lưu Bá Kiều cười nói: 

- Ta vừa nhìn thấy thiếu niên kia đã tự thẹn kém người.

Trần Tùng Phong cảm thấy khó tưởng tượng, lắc đầu cười nói: 

- Nào đến mức này?

Lưu Bá Kiều nuốt trở lại mấy lời đã lên đến miệng, tránh khỏi tổn thương tình cảm. Con người Trần Tùng Phong này mặc dù tính tình không hợp khẩu vị, nhưng đã tốt hơn người đọc sách bình thường rất nhiều, tự mình nên biết hài lòng.

Vì vậy trên đường Lưu Bá Kiều vốn nói nhiều lại trở nên trầm mặc.

- --------

Màn đêm trầm lắng, Trần Bình An đã tự chế ba bó đuốc, ba người châm lửa bước đi.

Cuối cùng khi đến dưới chân một ngọn núi cao, Trần Bình An lau mồ hôi trán, nói với Ninh Diêu: 

- Ninh cô nương, nói với cô ấy một chút, đây là một ngọn núi bị triều đình niêm phong, cô ấy có kiêng kị gì không?

Sau khi Ninh Diêu chuyển lời, Trần Đối lắc đầu.

Trần Đối ngước mắt nhìn, cô rất khẳng định phần mộ tổ tiên của họ Trần Dĩnh Âm nằm ở chỗ này.

Khách tha phương về quê, lòng có cảm ứng.

Trần Đối chậm rãi nhắm mắt lại, một lát sau cô ngồi xổm xuống, dùng ngón tay viết một chuỗi ký tự dài trên mặt đất, sau đó môi khẽ mấp máy. Cuối cùng cô dùng bàn tay chậm rãi lau sạch tất cả dấu vết, đứng dậy bước vòng qua nơi ký tự bị xóa, dẫn đầu lên núi, thậm chí không cần Trần Bình An chỉ đường.

Ba người đi đến một nơi giữa sườn núi. Trần Bình An chỉ về một mô đất nhỏ cách đó không xa, phía trên mọc một cái cây, thân chính thẳng tắp một cách kỳ lạ, còn thẳng hơn cả trúc xanh. Trần Bình An giống như trút được gánh nặng, gật đầu nói:

- Chính là chỗ này.

Trần Đối trầm giọng nói:

- Các ngươi xuống dưới núi chờ ta.

Ninh Diêu kéo tay áo Trần Bình An, ra hiệu cùng nhau xuống núi.

Trần Đối đặt hòm sách xuống, cẩn thận lấy ra từng món tế phẩm dày công chuẩn bị, dùng để tế thần cúng tổ.

Trong đó Trần Đối có một thoáng ngơ ngẩn thất thần, nhìn về cái cây nhỏ kia, lệ nóng doanh tròng, vui đến phát khóc, lẩm bẩm nói: 

- Quả nhiên là vậy, quả nhiên là vậy.

Cuối cùng cô rất thành kính làm đại lễ ba quỳ chín lạy với mô đất nhỏ kia.

Sau đó Trần Đối cúi rạp xuống, run giọng nói: 

- Họ Trần Dĩnh Âm chúng con khấu đầu cảm tạ thủy tổ che chở!

Dưới chân núi, Trần Bình An và Ninh Diêu mỗi người ngồi một bên cái gùi, quay lưng về phía nhau. Ninh Diêu hỏi: 

- Ban nãy có một đoạn đường, vì sao ngươi lại cố ý đi vòng cho xa?

Trần Bình An ngẩn ra, kinh ngạc nói:

- Ninh cô nương, ngay cả cô cũng nhìn ra được sao?

Ninh Diêu nắm lấy vỏ đao đẩy về phía sau, vỏ đao đâm vào sau eo thiếu niên:

- Bỏ chữ “ngay cả” đi!

Thiếu niên giày cỏ nghiến răng chịu đựng, khẽ xoa xoa eo, thấp giọng nói: 

- Không phải tôi đã nói với cô rồi sao, có một vách núi lâu đời, trên đó đều là loại đá màu đen được các người gọi là Trảm Long Đài. Tôi sợ bị cô ấy nhìn thấy, sau đó cô ấy cũng là người biết hàng, lỡ may nảy sinh ý xấu thì phải làm sao? Không thể có lòng hại người, nhưng phải có lòng phòng người, tôi vẫn hiểu được đạo lý này.

Ninh Diêu cười nói: 

- Thần giữ của, còn không phải ngươi lo lắng cô ta sẽ tìm cách mang nó đi, hại ngươi phải trắng tay à.

Trần Bình An cười ngây ngô nói:

- Ninh cô nương, cô ngay thẳng như vậy chắc không có nhiều bạn bè đúng không?

- Ai da.

Trần Bình An bỗng nhiên lại bị đau, vội vàng đưa tay ra xoa một bên eo khác.

Hắn đột nhiên dùng khuỷu tay đụng nhẹ vào lưng Ninh Diêu một cái, hỏi: 

- Có ăn quả dại không? Trên đường đi tôi đã hái được ba quả, giấu vào túi trong tay áo, chắc là cô ấy không nhìn thấy.

Ninh Diêu bực bội nói:

- Quả trên núi vào mùa này thì có gì ngon?

Trần Bình An xoay người, đưa tới hai quả dại màu đỏ lớn khoảng bằng quả đào, cười nói: 

- Ninh cô nương, vậy là cô không biết rồi, loại quả này chỉ có thể ăn được vào mùa xuân, cuối đông kết trái, đầu xuân mới chín, vào lúc này hoàn toàn chín muồi. Cắn một miếng, chậc chậc chậc, tư vị đó không cẩn thận thì có thể cắn đứt cả lưỡi. Càng khó hiểu là chỗ này của chúng ta nhiều ngọn núi như vậy, nhưng quả này chỉ có ở gần đây. Năm đó tôi theo lão Diêu đi tìm một loại đất, ông ấy đã nói với tôi, những nơi khác cũng có một số quả dại mùi vị không tệ, nhưng tôi ăn tới ăn lui, gặm đông gặm tây, cảm thấy đều không bằng loại này.

Ninh Diêu cầm lấy hai quả, quyết định nếu như khó ăn thì sẽ trả lại quả còn dư:

- Còn ăn tới ăn lui gặm đông gặm tây, ngươi là heo rừng trong núi à?

Trần Bình An cắn quả dại, cười nói:

- Lúc nhỏ trong nhà nghèo, chẳng phải kiếm được thứ gì thì ăn thứ đó sao. Cô nhắc mới nhớ, có lần còn vì ăn lung tung mà bị đau bụng, đau đến mức tôi phải lăn lộn trong ngõ. Đó là lần đầu tiên tôi nghe tiếng tim mình đập, như sấm nổ trống đánh vậy

Chỉ tiếc Ninh Diêu đang bận ăn trái cây, không nghe rõ thiếu niên nói gì. Cắn một miếng đầu tiên, liền cảm thấy trái cây kia thơm ngọt vô cùng, sau khi phần ruột xuống bụng thì cả người đều ấm áp, thân thể giống như một căn phòng có địa long (1), còn quả dại là từng túi than củi. Ninh Diêu nhắm mắt lại cảm nhận lục phủ ngũ tạng, tuy cả người thư thái nhưng còn lại thì không có gì khác thường. Như vậy nghĩa là loại quả dại này có thể xem như vật trên núi dưới chân thần tiên, nhưng cũng chỉ như vậy mà thôi. Nếu ở vương triều thế tục thì nhất định có thể bán được giá cao, nhưng không đến mức khiến tu sĩ đỏ mắt. 

Đối với phàm phu tục tử dưới núi thì rõ ràng là thứ kéo dài tuổi thọ vô cùng quý giá.

Sớm biết như vậy thì cô đã dứt khoát không nhận trái cây kia.

Ninh Diêu cảm thấy tiếc nuối, bèn lau miệng, xoay người trả lại quả dại còn dư:

- Ăn không ngon, trả cho ngươi.

Trần Bình An tiu nghỉu cất đi, cảm thấy mất mát, hắn còn tưởng rằng Ninh cô nương sẽ cảm thấy không tệ.

Hai tay Ninh Diêu thúc nhẹ vào gùi, thuận miệng hỏi: 

- Giữ lại cho cô gái tên là Trần Đối kia à?

Trần Bình An lắc đầu nói:

- Cho cô ấy làm gì, không quen không biết, đương nhiên là để lại cho Lưu Tiện Dương rồi.

Ninh Diêu đột nhiên tò mò hỏi:

- Nếu như Nguyễn Tú ở đây, có phải ngươi sẽ cho Nguyễn Tú chứ không cho Trần Đối?

Trần Bình An gật đầu nói: 

- Đương nhiên.

Ninh Diêu lại hỏi:

- Vậy nếu trên tay ngươi chỉ có hai quả dại, ngươi sẽ cho ta hay cho Nguyễn Tú?

Trần Bình An đáp không do dự: 

- Một quả cho cô còn một quả cho Nguyễn Tú. Tôi nhìn các người ăn là được.

Trần Bình An lại bị đánh lén, xoa xoa sau eo, vô tội nói: 

- Ninh cô nương, cô làm gì vậy?

Ninh Diêu lại hỏi:

- Nếu chỉ có một quả thì sao?

Trần Bình An cười hì hì nói: 

- Cho cô.

Ninh Diêu hỏi: 

- Tại sao?

Trần Bình An vừa gian xảo vừa thành thật nói: 

- Nguyễn cô nương không có ở đây, còn Ninh cô nương thì có.

Trong nháy mắt eo sau của thiếu niên lại bị tập kích cả hai bên, đau đến mức Trần Bình An vội vàng đứng dậy, nhảy nhót lung tung. Làm như vậy lại khiến Ninh Diêu ngã mông vào cái gùi lớn kia.

Trần Bình An vội vàng kéo nàng ra khỏi gùi.

Ninh Diêu cũng không tức giận, chỉ hung hãn trừng mắt nhìn Trần Bình An một cái.

Trần Bình An lại dựng cái gùi lên, hai người một lần nữa ngồi quay lưng với nhau.

Ninh Diêu hỏi: 

- Ngươi biết cái cây kia là cây gì không?

Trần Bình An lắc đầu nói: 

- Không biết, tôi chỉ thấy nó ở chỗ này, trên những ngọn núi khác hình như không có.

Ninh Diêu trầm giọng nói:

- Tương truyền nếu có lăng mộ của gia tộc nào sinh ra cây hoàng liên, đó là điềm lành thánh nhân Nho gia sắp xuất thế. Hơn nữa vị thánh nhân này tất nhiên cực kỳ chính trực, khí thế chính đại cương trực, cho nên tại thế giới của các ngươi nhất định sẽ rất được xem trọng.

Trần Bình An à một tiếng.

Cái gì thánh nhân Nho gia, điềm lành chính trực, thiếu niên giày cỏ đều nghe không hiểu.

Ninh Diêu hỏi: 

- Ngươi không hâm mộ cô gái trên núi kia sao? Cũng chưa từng nghĩ vì sao cây hoàng liên này không mọc trên phần mộ tổ tiên nhà mình?

Trần Bình An hỏi một đằng trả lời một nẻo, vui vẻ nói:

- Tết Thanh Minh năm nay tôi còn có thể viếng mộ cha mẹ, thật là tốt.

Ninh Diêu đột nhiên đứng dậy, lần này đến phiên Trần Bình An ngã mông vào cái gùi.

Ninh Diêu ở bên cạnh ôm bụng cười lớn.

- --------

Trường học trong trấn nhỏ chỉ còn lại năm đứa trẻ đầu óc chưa mở mang, xuất thân cao thấp khác biệt, tuổi tác cũng lớn nhỏ khác nhau. Trong đó có một bé gái mặc áo bông đỏ chót, mặc dù xuất thân từ đường Phúc Lộc nhưng cô chưa bao giờ khi dễ người khác trong trường học. Có điều cô cũng không thích tham gia náo nhiệt, trước giờ chỉ thích rong chơi một mình.

Trong gia đình ở cuối phía tây trấn nhỏ, con trai của Lý Nhị là Lý Hòe cũng theo học ở ngôi trường làng này. Cha mẹ nó đã dẫn theo chị gái rời khỏi trấn nhỏ, chỉ để lại một mình nó. Lý Hòe chẳng những không khóc lóc mà còn vui vẻ, cuối cùng không còn bị người khác quản thúc nữa rồi. Nhưng khi đến buổi tối, đứa trẻ được gởi ở nhà cậu này sau khi gặp ác mộng tỉnh dậy, liền bắt đầu kêu gào như xé nát ruột gan. Kết quả bị cậu mợ giật mình tỉnh giấc hợp sức trấn áp, một người dùng chổi lông gà còn một người dùng chổi quét nhà.

Còn lại ba đứa gồm hai nam một nữ, phân biệt đến từ ngõ Đào Diệp, ngõ Kỵ Long và ngõ Hạnh Hoa.

Sau khi tan học, Tề tiên sinh đưa cho bọn chúng mỗi người một bức tranh chữ, bảo bọn chúng bảo quản cho tốt, cẩn thận tô theo, nói là ba ngày sau sẽ kiểm tra bài vở.

Đó là một chữ “Tề”.

Sau khi đám trẻ học vỡ lòng tản đi, ông lão quét sân đã dần dần già nua bèn tắm rửa thay quần áo, sau đó đi đến ngoài thư phòng của Tề tiên sinh, ngồi xuống đất.

Ông lão hỏi một vấn đề liên quan đến tác phẩm kinh điển “Xuân Vương Chính Nguyệt” của Nho gia. (2)

Tề Tĩnh Xuân hiểu ngầm cười, giải thích nghi hoặc của ông ta, giảng giải thế nào là xuân, thế nào là vương, thế nào là chính, thế nào là nguyệt.

Đây là buổi học đặc biệt “tay cầm kinh thư, đưa ra chất vấn” của các thư viện lớn Nho gia, trên lớp sẽ sắp xếp một vị “thầy hỏi”, đặt ra câu hỏi với người dạy học, có thể hỏi vài câu, mười câu, thậm chí là trăm câu.

Hỏi đáp như vậy đã diễn ra khi Tề tiên sinh và ông lão lần đầu tiên gặp mặt.

Đó là chuyện cũ tám mươi năm trước rồi.

Nhưng khi đó Tề Tĩnh Xuân là người hỏi, còn người trả lời lại là thầy giáo của cả hai.

Ông lão hỏi xong tất cả vấn đề, sau đó nhìn Tề Tĩnh Xuân:

- Còn nhớ trước khi chúng ta đến thư viện Sơn Nhai, tiên sinh đã tặng câu gì lúc chia tay không?

Tề Tĩnh Xuân cười không trả lời.

Ông lão tự hỏi tự đáp:

- Câu tặng cho đệ là “trời đất sinh quân tử, quân tử quản trời đất”. Câu tặng cho huynh là “việc học không thể dừng, màu lục bắt nguồn từ màu lam, nhưng vượt trội hơn màu lam”.

Ông lão đột nhiên vô cùng kích động:

- Tiên sinh coi trọng huynh biết bao, hi vọng huynh sẽ màu lục vượt trội màu lam (trò giỏi hơn thầy)! Tại sao huynh cứ muốn ở đây, không đâm vào tường thì không chịu quay đầu? Tại sao phải vì một thành trấn nho nhỏ chỉ có năm sáu ngàn người, lại bỏ đi trăm năm tu vi và ngàn năm đại đạo? Nếu là người đọc sách bình thường thì thôi, nhưng huynh là Tề Tĩnh Xuân, là đệ tử đắc ý mà tiên sinh chúng ta coi trọng nhất! Là người đọc sách có hi vọng sáng tạo cái mới, thậm chí là lập giáo xưng tổ!

Toàn thân ông lão run rẩy nói: 

- Đệ biết rồi, là Phật gia đã hại huynh! Chúng sinh bình đẳng gì chứ! Chẳng lẽ huynh đã quên tiên sinh từng nói phải phân biệt rõ giá trị...

Tề Tĩnh Xuân cười lắc đầu, nói: 

- Tiên sinh tuy là thầy giáo, học vấn dĩ nhiên rất lớn, nhưng đạo lý chưa chắc đã hoàn toàn đúng.

Ông lão vô cùng kinh ngạc, vẻ mặt hoảng hốt, tiếp đó giận dữ quát lên: 

- Lễ pháp là dùng để chấn chỉnh bản thân!

Tề Tĩnh Xuân cười đáp lại một câu:

- Quân tử lúc cần co thì co, lúc cần duỗi thì duỗi.

Nhìn như không liên quan, cách xa vạn dặm, nhưng sau khi ông lão nghe được sắc mặt lại biến đổi, đầy vẻ kinh nghi.

Tề Tĩnh Xuân thở dài, nhìn vị sư đệ đồng môn đã theo mình ở đây sáu mươi năm, nghiêm mặt nói: 

- Việc đã đến nước này, mấy đứa nhỏ kia phải nhờ đệ đưa tới thư viện Sơn Nhai rồi.

Ông lão gật đầu, vẻ mặt phức tạp đứng dậy rời đi.

Tề Tĩnh Xuân lẩm bẩm nói: 

- Tiên sinh, trên thế gian liệu có lý lẽ bất di bất dịch thật sự không?