Kiếm Lai

Chương 235: Không đáng



Tâm tư nặng nề của Trần Bình An khi đi qua nửa con đường Phúc Lộc lập tức bị quét sạch, nâng hũ sứ bước nhanh tới trước.

Thư sinh trẻ tuổi tươi cười ấm áp, cũng đi về phía Trần Bình An, lên tiếng trước:

- Ngươi là Trần Bình An phải không. Ta tên Lý Hi Thánh, là đại ca của Bảo Bình. Ta đã nhận được thư của Bảo Bình từ thư viện Sơn Nhai gởi về, người làm anh trai như ta thật không biết nên báo đáp thế nào. Nghe nói ngươi vẫn luôn học sách, sau này hãy thường xuyên đến nhà ta, ta có cất giữ một ít sách, ngươi cứ xem thoải mái.

Chẳng những như vậy, sau khi cầm lấy hũ sứ từ tay Trần Bình An, Lý Hi Thánh còn khom lưng vái một cái:

- Đại ân không cảm ơn hết được.

Chuyện này khiến Trần Bình An hơi luống cuống tay chân, đành phải chỉ vào hũ sứ kia, vẻ mặt thận trọng nói:

- Lý công tử, trong hũ có đựng một con cá diếc qua núi, là do ta tìm được trên đường về, muốn tặng cho Bảo Bình.

Lý Hi Thánh cúi đầu nhìn con cá lội màu vàng trong hũ sứ, trong không gian chật hẹp vẫn nhàn nhã tự tại. Hắn ngẩng đầu lên nhìn về Trần Bình An, cảm khái nói:

- Trong sách tiên hiền đã từng miêu tả về cá diếc qua núi thần kỳ này, màu vàng càng là vạn con có một, không ngờ đời này lại có cơ hội tận mắt nhìn thấy. Yên tâm, ta nhất định sẽ cẩn thận nuôi dưỡng, sau này Bảo Bình về nhà chắc chắn sẽ rất cao hứng.

Trần Bình An hoàn toàn không biết nên trả lời thế nào. Lúc trước hắn đã kéo Thôi Đông Sơn cùng nhau nhìn chăm chú vào đám cá diếc qua núi cuồn cuộn kia, cho đến khi mắt cay xè, vất vả lắm mới bắt được. Nhưng bất kể trong sách ghi chép thế nào, Thôi Đông Sơn miêu tả huyền diệu ra sao, hắn cũng không cảm thấy quý hiếm bao nhiêu.

Chỉ cần là người mà hắn cho rằng thân thiết, hắn sẽ đối xử thật lòng.

Trần Bình An thật sự không giỏi ăn nói, chỉ gãi gãi đầu, cáo từ một tiếng, muốn xoay người rời đi.

Lý Hi Thánh vội vàng gọi lại:

- Sao không vào trong nhà ngồi một lát? Hôm nay ta trước tiên dẫn ngươi đi một lần, sau này cứ tự mình đến nhà đọc sách. Ta sẽ thông báo cho người gác cổng.

Trần Bình An lắc đầu nói:

- Lần sau đi.

Lý Hi Thánh bất đắc dĩ cười nói:

- Vậy thì để ta thả cá diếc qua núi, trả lại hũ sứ cho ngươi được không?

Lần này Trần Bình An không khách sáo, gật đầu nói:

- Vậy ta chờ ở đây.

Lý Hi Thánh cười nói:

- Chờ một lát, ta sẽ trở lại ngay.

Hắn xoay người, nâng hũ sứ chạy chầm chậm.

Tại khoảnh khắc này, hắn không còn giống thánh hiền lão sư dạy đạo lý trong sách, mà thật sự rất giống đại ca của tiểu cô nương mặc áo bông đỏ kia.

Không lâu sau Lý Hi Thánh cầm hũ sứ chạy về, dưới nách còn kẹp mấy quyển sách.

Trần Bình An cầm lấy hũ sứ, khom người đặt xuống đất, chà hai tay, sau đó mới cầm lấy những quyển sách kia. Hắn cũng bắt chước kẹp sách dưới nách, động tác khôi hài cầm hũ sứ lên:

- Ta xem xong sẽ tới trả.

Lý Hi Thánh cười như gió xuân, khoát tay nói:

- Không cần trả gấp, cứ từ từ mà xem. Bọn chúng ngoan hơn Bảo Bình nhiều, sẽ không tự mình chạy tới chạy lui.

Vẻ mặt của hắn trở nên nghiêm túc, chậm rãi nói:

- Trần Bình An, đừng cảm thấy ta mời ngươi đến nhà đọc sách là khách sáo, ta thật sự hi vọng ngươi tới thường xuyên. Bảo Bình mặc dù rất thông minh, nhưng tuổi tác còn nhỏ, tính tình trẻ con, bảo nó ở trong nhà yên lặng đọc sách còn khó hơn lên trời. Cho nên qua nhiều năm như vậy, cảm thấy trong nhà giống như chỉ có một mình ta lật sách đọc sách, cẩn thận suy nghĩ thì thực ra rất nhàm chán.

Lý Hi Thánh nói một hơi rất nhiều lời thật lòng, nếu có người nhà Lý gia ở đây, nhất định sẽ cho rằng mặt trời mọc ở phía tây. Bởi vì so sánh với em trai Lý Bảo Châm, vị đại công tử Lý gia thanh danh không nổi bật này thật sự quá bảo thủ cứng nhắc. Mặc dù hắn ôn hòa với tất cả mọi người, nhưng rất ít nói chuyện, lặng lẽ nhàm chán. Mỗi ngày không trốn trong thư phòng vùi đầu nghiên cứu học vấn thì cũng một mình tản bộ trong nhà lớn, nhìn mặt trời lên rồi lặn, nhìn gió tuyết trăng sáng, cái gì cũng nhìn, quỷ mới biết có thể nhìn ra được kết quả gì.

May mà Lý Hi Thánh dù sao cũng là cháu đích tôn của Lý gia, quan hệ không tệ. Trong phủ không ai lại ghét một vị gia chủ tương lai tính tình hiền lành, chỉ là không được người ta ưa thích bằng em trai Lý Bảo Châm mà thôi.

Trần Bình An gật đầu nói:

- Ta sẽ đến.

Lý Hi Thánh “ừ” một tiếng, vẫy tay từ biệt thiếu niên.

Nhìn theo bóng lưng Trần Bình An dần dần đi xa, Lý Hi Thánh lẩm bẩm nói: 

- Ta thấy núi xanh đẹp biết bao.

Hắn lại cười một tiếng:

- Liệu núi xanh có thấy ta như vậy?

Lý Hi Thánh xoay người đi về hướng cửa lớn, bước qua ngưỡng cửa, vẻ mặt tươi cười, lẩm bẩm nói:

- Lại là một ngày tốt đẹp.

Nhưng vừa nghĩ tới tin tức từ kinh thành truyền đến, hắn lại thở dài. Không có cách nào, mỗi nhà đều có cái khó của mình. Hắn đi qua hành lang và những gian phòng, bỗng nhiên cười lên:

- Không ảnh hưởng đến sự tốt đẹp hôm nay.

Trong hành lang, một nha hoàn tuổi xuân đi ngược hướng với hắn, bước chân chậm lại, nghiêng người làm động tác chúc phúc, điềm đạm nói:

- Đại công tử.

Lý Hi Thánh theo thói quen đi chậm lại, mỉm cười gật đầu, cũng không nói gì, cứ như vậy đi sát qua vai.

Nha hoàn xinh đẹp quay đầu nhìn, cảm thấy hối hận, trong lòng thở dài một tiếng. Con người của đại công tử không tệ, đáng tiếc không hiểu phong tình. Nếu đổi thành nhị công tử, nhất định sẽ dừng lại trò chuyện với mình, còn sẽ khen ngợi trang sức xinh đẹp mà mình mới mua.

Cô đương nhiên không biết, vị cháu đích tôn Lý gia này quả thật không hiểu phong tình ở đây, nhưng lại rất am hiểu phong tình ở nơi khác. Chẳng hạn như mưa lớn rơi xuống lá sen khô, gió xuân thổi chuông gió, tướng quân đeo bảo đao, tuyết lớn đầy núi xanh, đều là thứ tốt đẹp trên đời trong mắt của người nọ.

Lý Hi Thánh trở lại viện của mình, trong viện có một ao nước nhỏ do các loại đá cuội xây nên. Hắn ngồi xuống bên bờ ao, cúi đầu nhìn nước ao trong suốt, bên trong có con cá diếc qua núi màu vàng kia, lắc đầu vẫy đuôi, tiêu dao quên sầu.

Rất khó tưởng tượng, cái ao ước giống như tự nhiên này đều là công lao của một mình Lý Bảo Bình. Mỗi lần tiểu cô nương lén chạy ra ngoài, đa số sẽ đến sông Long Tu nhặt đá, mang về nhà một lần mấy viên. Sau đó có ngày Lý Bảo Bình đột nhiên nghĩ ra ý tưởng kỳ quái, nhìn đá chất đống thành núi trong góc, lại muốn xây cho đại ca một cái ao có thể nuôi cá nuôi cua. Lý Hi Thánh không ngăn cản được, đành phải giúp đỡ bày vẽ, nhưng từ đầu đến cuối đều do một mình Lý Bảo Bình làm. Hắn muốn giúp thì cô bé còn nhất quyết không chịu.

Lý Hi Thánh nhìn thấy dưới một tảng đá xanh có một cái đầu ló ra, bèn cười híp mắt nói:

- Hai đứa các ngươi hãy chung sống cho tốt, không được đánh nhau.

Hắn đứng dậy đi về phía thư phòng nhỏ có treo tấm biển “Kết Lư”, bắt đầu trải giấy mài mực, đề bút vẽ tranh. Đó là một bức tranh tuyết phủ thông xanh phong cách cổ xưa. 

Sau khi để bút lông xuống, hắn lắc lắc cổ tay, cúi đầu quan sát bức tranh mực nước còn chưa khô, hương mực xông vào mũi. Cuối cùng hắn khẽ thổi một hơi vào bức tranh kia, thông xanh trong tranh giống như gặp gió mạnh kêu lên rào rào, tuyết đọng trên đầu cành trong nháy mắt tiêu tan.

- --------

Nguyễn Tú vui vẻ trở về tiệm rèn, không tìm được bóng dáng rèn sắt của cha nàng ở lò kiếm. Lại tìm bên ngoài một vòng, phát hiện ông ta đang ngồi trên ghế trúc dưới mái hiên uống rượu giải sầu.

Nguyễn Tú cảm thấy kỳ quái, hỏi: 

- Cha, không rèn sắt sao?

Nguyễn Cung lắc đầu, nghĩ thầm: “Rèn sắt cái rắm, hôm nay không thích hợp đúc kiếm. Nhưng nếu là đánh Trần Bình An thì ta lại rất sẵn lòng.”

Nguyễn Tú ngồi xuống một bên: 

- Cha, hôm nay quên mang rượu về rồi. Ngày mai vào trấn con nhất định sẽ mua cho cha một bầu rượu ngon.

Hoạ vô đơn chí. Nàng dĩ nhiên không biết vừa nói ra câu này, chẳng khác nào xát muối vào vết thương của cha mình.

Nguyễn Cung thở dài, uống một ngụm rượu lớn giải sầu, ngơ ngẩn nhìn về sông Long Tu phía xa, thấp giọng hỏi:

- Tú Tú à, có phải con thích Trần Bình An không?

Nguyễn Tú cười đáp:

- Thích.

Nghe khuê nữ của mình trả lời thẳng thắn dứt khoát như vậy, Nguyễn Cung lại thở phào một hơi, xem ra còn có cơ hội cứu vãn kìm cương bên bờ vực. Vị thánh nhân Binh gia này hỏi: 

- Có biết tại sao ta không đồng ý nhận Trần Bình An làm đồ đệ không?

Nguyễn Tú ngẩn người, nghi hoặc nói:

- Cha, không phải lúc trước người đã nói rồi sao. Cha nói ấn tượng với Trần Bình An không tệ, chỉ tiếc không phải người đồng đạo, không thích hợp làm thầy trò, chuyện này con biết. Hơn nữa Trần Bình An... không phải người bình thường, cha lo lắng nếu con quá thân cận hắn, sẽ khiến cho rất nhiều thế lực sau màn chú ý. Do đó nhìn thấy con và Trần Bình An trở thành bạn bè, cha không cao hứng lắm, con có thể hiểu được.

Cảm thấy tất cả đạo lý đều đã bị khuê nữ nói hết, Nguyễn Cung lập tức cứng họng không biết nói gì. Ông ta cố nén lời nói đã chạy đến bên miệng, uống một ngụm rượu lớn:

- Nếu đã hiểu đạo lý, sau này ít ở chung với tên Trần Bình An kia đi. Con gái ngốc, con cũng không thiếu một chút cơ duyên vô dụng kia. Hơn nữa hôm nay Trần Bình An đã mất đi khả năng dẫn dụ “thiêu thân vào lửa”, trong khi khuê nữ con mới chính là cơ duyên lớn nhất. Kết quả thế nào? Vừa nghe nói người ta trở về, con đã từ ngõ Kỵ Long chạy như bay đến cầu vòm đá, sau đó giả vờ như đang dạo chơi, chậm rãi đi về hướng cửa tiệm nhà mình. Rốt cuộc con muốn lừa gạt ai vậy?

Ông ta đặt bầu rượu xuống, hờ hững nói:

- Tề Tĩnh Xuân vừa đi thì giống như kết thúc ván cờ rồi. Hôm nay mặc dù quận Long Tuyền không có nguy hiểm gì lớn, nhưng một miếng thịt mỡ lớn như động tiên Ly Châu từ trên trời rơi xuống, nói là lang sói rình mò cũng không quá mức. Rất nhiều chuyện không đơn giản như con nghĩ. Cha vẫn nói một câu kia, phiền phức do Trần Bình An gây ra thì dễ giải quyết, nhưng một khi con dính vào thì sẽ rất khó khăn.

Nguyễn Tú duỗi hai chân, ngửa người về phía sau tựa vào ghế trúc, ánh mắt lười nhác nói:

- Biết rồi, tóm lại con sẽ tu hành thật tốt. Đến lúc đó thấy kẻ nào dám không thành thật, không cần cha giúp đỡ, chính con sẽ tự giải quyết.

Lại là một nắm muối thật to, giống như tuyết rơi vào trên vết thương của Nguyễn Cung, khiến ông ta thiếu chút nữa phun ra một ngụm máu.

Vị thánh nhân Binh gia này thở phì phì đứng lên, lúc đi qua sau người con gái lại thưởng cho một cái gõ đầu:

- Suốt ngày vô tư không phân rõ phải trái!

Nguyễn Tú quay đầu sang, nhìn theo bóng lưng của cha mình, khóe miệng nhếch lên.

Đã không rèn sắt, cũng không cần trông coi cửa tiệm, nàng cảm thấy vô công rồi nghề, bèn khẽ lắc lư cổ tay. Vòng tay bỗng “sống” dậy, con rồng lửa nhỏ đang ngủ lập tức tỉnh táo, bắt đầu chậm rãi vòng quanh cánh tay trắng nõn của thiếu nữ.

Nguyễn Cung đi về phía một lò kiếm mới xây. Ngoại trừ đông đảo nhân công trai tráng, năm nay ông ta còn thu nhận ba đồ đệ, tạm thời chỉ là ký danh, không tính là đệ tử chính thức. Trong đó có một thiếu niên lông mày dài đang cảm ngộ kiếm ý bên giếng, đột nhiên mở mắt ra, chạy chầm chậm đến bên cạnh Nguyễn Cung, nhẹ giọng hỏi:

- Sư phụ, muốn rèn sắt sao?

Nguyễn Cung lắc đầu, thay đổi chủ ý, không đi lò kiếm mà lại đi về hướng sông Long Tu. Ông ta muốn đích thân đi xem xét độ u ám của nước sông, nếu đủ thì có thể dựa theo ước định mở lò đúc thanh kiếm kia rồi.

Thiếu niên lông mày dài theo sát phía sau. Mặc dù thầy trò có trước có sau, nhưng hai người lại đi cùng một đường.

- --------

Trần Bình An trở lại cửa tiệm ở ngõ Kỵ Long, đưa hũ sứ cho thằng bé áo xanh, lại đưa chìa khóa và sách cho cô bé váy hồng, bảo bọn chúng trở về nhà tổ ở ngõ Nê Bình trước, còn hắn thì một mình đi đến tiệm thuốc Dương gia.

Bất kể gió táp mưa sa nắng chiếu, năm này qua năm khác, câu đối xuân treo hai bên cửa tiệm mỗi năm đều đổi, nhưng nội dung trước giờ vẫn y như vậy, đều là “chỉ mong thế gian không người bệnh, thà rằng trên kệ thuốc thành tro”.

Trần Bình An hỏi thăm một người phục vụ trẻ tuổi mới đến, biết lão Dương đang ở hậu viện. Hắn đi qua cửa hông, nhìn thấy ông lão đang ngồi trên ghế đẩu nhỏ trong sân, khom lưng gác chân, nuốt mây nhổ sương.

Trần Bình An không lên tiếng, hiếm khi lại có vẻ đứng ngồi không yên.

Lão Dương nói thẳng vào vấn đề:

- Là muốn hỏi chuyện của cha mẹ ngươi? Liệu có khả năng giống như cha của Cố Xán, sau khi chết hồn phách vẫn có thể ở lại trấn nhỏ?

Trong nháy mắt hô hấp của Trần Bình An trở nên nặng nề.

- Không có.

Lão Dương nhả một ngụm khói lớn, dứt khoát đưa ra đáp án và nguyên do:

- Bởi vì không đáng.

Trần Bình An cúi đầu không nói gì, trên đất chỉ có một đôi giày cỏ đã mài mòn, nhìn không rõ lắm.