Kiếm Lai

Chương 364: Lão tăng không thích nói Phật pháp



Lúc sáng sớm, cửa lớn kêu lên kẽo kẹt. Cô bé lập tức tỉnh lại, nhảy xuống lưng sư tử đá, khom người rón ra rón rén, dọc theo chân tường chạy khỏi nơi này.

Trần Bình An đương nhiên đã “rời giường” sớm hơn, ở phía xa nhìn cô rời đi, sau đó cũng không đi theo, trở về chỗ ở của mình.

Hắn thuê phòng ở một ngôi nhà phía nam kinh thành, gần đó có một con ngõ Trạng Nguyên rất nổi tiếng. Thực ra nó còn không bằng ngõ Hạnh Hoa ở quê nhà, rất nhiều sĩ tử nghèo khổ vào kinh đi thi cư ngụ ở đây. Những người này không trúng cử vào kỳ thi mùa xuân, lại không trả nổi lộ phí về quê, trong khi ở kinh thành có thể trao dồi học vấn với bằng hữu vừa quen biết, vì vậy đã định cư ở đây.

Trần Bình An chỉ có chìa khóa cửa phòng chứ không có chìa khóa cửa viện, cho nên hắn canh giờ trở về. Lúc này cửa viện đã mở, hắn trở về phòng mình, đóng cửa lại. Hắn liếc nhìn chồng sách trên bàn và đệm chăn trên giường, phát hiện đều bị động vào. Những dấu vết rất nổi bật trong mắt Trần Bình An, hắn thở dài, cảm thấy bất đắc dĩ, may mà đồ đạc không thiếu món nào.

Lúc trước hắn không ở nơi này mà trú ngụ trong một nhà trọ, thuê một gian phòng lớn, có thể tùy ý luyện quyền luyện kiếm. Sau đó tìm kiếm đạo quán không có kết quả, tâm cảnh càng ngày càng nóng nảy. Lần đầu tiên hắn dừng đi thế và kiếm thuật, dời đến chỗ này để tiết kiệm tiền, chỉ thỉnh thoảng luyện tập thủ ấn đứng thế.

Trần Bình An nằm trên giường nhìn trần nhà, ngơ ngơ ngẩn ngẩn.

Giống như một con ruồi không đầu đụng lung tung, cứ tiếp tục như vậy cũng không được.

Được lợi nhờ rèn luyện trên Kiếm Khí trường thành giống như nước chảy đá mòn, sau đó lại có hai trận đại chiến ở trấn Phi Ưng. Nhất là tu sĩ tà đạo tự nổ buồng đan, linh khí trút xuống như nước lũ, khiến Trần Bình An đi ngược dòng đi thu hoạch khá phong phú. Hôm nay cảnh giới võ đạo thứ tư của hắn đã có dấu hiệu đột phá, nhưng luôn cảm thấy còn thiếu một chút gì đó.

Hắn có một loại trực giác mơ hồ, chỉ cần hắn muốn thì có thể rất nhanh bước qua ngưỡng cửa của cảnh giới bốn năm. Nhưng hắn vẫn hi vọng nó vững chắc hơn, nếu không được thì làm như Lục Đài nói, đến miếu võ thánh thử vận may. Hoặc là đến một di chỉ chiến trường cổ, tìm kiếm những anh linh âm thần sau khi chết trận hồn phách không tan.

Dù sao cũng phải tìm một ít chuyện để làm, nếu không Trần Bình An sợ mình sẽ nổi mốc. Hắn quyết định ở lại kinh thành nước Nam Uyển đến cuối hè, nếu vẫn không tìm được Quan đạo quán thì sẽ trở về Đông Bảo Bình Châu, đặt hết tinh lực vào võ đạo. Chỉ cần ông nội của Thôi Sàm vẫn ở lầu trúc núi Lạc Phách, Trần Bình An rất có lòng tin, mười năm ước hẹn với Ninh Diêu không chừng có thể sớm hơn vài năm.

Có điều hắn vẫn hơi rụt rè, chỉ lo ông lão tâm địa cao ngạo, quyền pháp vô địch, tuyên bố muốn mài hắn thành cảnh giới thứ năm thứ sáu mạnh nhất gì đó. Lúc trước cảnh giới thứ ba đã phải chịu khổ như vậy, hắn thật sợ mình sẽ bị ông ta đánh chết, còn là đau đến chết.

Hai tay Trần Bình An ôm sau đầu, chậm rãi nhắm mắt lại.

Không biết A Lương ở Thiên Ngoại Thiên, có phân ra thắng bại với Đạo lão nhị chân vô địch trong truyền thuyết kia hay không.

Không biết trên đường Lưu Tiện Dương đến họ Trần Dĩnh Âm xa xôi, nhìn thấy núi cao nhất là cao bao nhiêu, sông lớn nhất là lớn bao nhiêu.

Không biết Lý Bảo Bình ở thư viện Sơn Nhai đọc sách có vui không.

Không biết Cố Xán ở hồ Thư Giản có bị người ta ức hiếp không, sổ nhỏ ghi thù người khác, có phải đã nhiều thêm một quyển rồi không.

Không biết Nguyễn Tú cô nương còn thích ăn bánh hoa đào ở cửa tiệm ngõ Kỵ Long hay không.

Không biết Trương Sơn Phong và Từ Viễn Hà kết bạn du lịch, có quen biết được bằng hữu mới, có thể cùng nhau vào sinh ra tử, hàng yêu trừ ma hay không.

Không biết Phạm Nhị ở thành Lão Long có gặp được cô nương ngưỡng mộ trong lòng hay không.

Trần Bình An suy nghĩ băn khăn, cứ như vậy ngủ đi.

Thực ra có phi kiếm Mùng Một và Mười Lăm trong hồ lô nuôi kiếm, đoạn đường này hắn màn trời chiếu đất cũng không lo lắng lắm.

Chủ nhân của ngôi nhà này là ba thế hệ ở chung, có năm miệng ăn. Ông lão thích ra ngoài tìm người đánh cờ, kỹ năng đánh cờ thấp, thứ hạng càng thấp, thường hay ồn ào. Bà lão thì nói năng cay nghiệt, cả ngày sắc mặt âm trầm, rất dễ khiến Trần Bình An nhớ tới Mã bà bà ở ngõ Hạnh Hoa.

Hai vợ chồng trẻ tuổi, người vợ ở nhà làm mấy chuyện may vá, lo liệu việc nhà, mỗi ngày bị bà lão mắng đến mức không ngẩng đầu lên được. Chồng của cô ta, dựa theo châm ngôn của kinh thành nước Nam Uyển, đó là một người mua ve chai. Chính là đeo một cái túi lớn, mua đồng nát khắp nơi, bên hông cột trống nhỏ, khi đi đường qua hẻm thì lớn tiếng rao mua. Nếu may mắn có thể mua hời, kiếm được đồ vật cũ đáng giá, bán lại cho tiệm đồ cổ quen biết, sang tay là có thể kiếm được rất nhiều ngân lượng.

Hai vợ chồng tướng mạo bình thường, nhưng lại sinh được một bé trai mặt mày kháu khỉnh. Nó khoảng bảy tám tuổi, môi hồng răng trắng, không giống như đứa trẻ trong ngõ hẹp, lại giống như tiểu công tử của nhà giàu có. Khi nó đến trường, nghe nói rất được thầy giáo dạy học yêu thích.

Nó thường xem ông nội đánh cờ với người khác, một lần có thể ngồi hơn nửa canh giờ, không nói lời nào. Xem cờ không nói chân quân tử, rất có phong thái của phu tử nhỏ. Hàng xóm quê nhà dù lớn hay nhỏ đều thân thiết với đứa trẻ này, thường trêu chọc nó, hỏi nó giữa nha đầu Thanh Mai ở con ngõ bên cạnh và Lưu tiểu thư ở trường học, rốt cuộc nó thích ai hơn. Nó thường chỉ cười xấu hổ, tiếp tục yên lặng xem cờ.

Sau khi Trần Bình An ngủ, một vật nhỏ ló ra khỏi mặt đất, leo lên bàn ngồi bên cạnh “núi sách”, bắt đầu ngủ gà ngủ gật.

Người hoa sen nhỏ rõ ràng tinh thông thuật độn thổ, im hơi lặng tiếng, tốc độ cực nhanh. Trước khi đến kinh thành nước Nam Uyển, Trần Bình An đã chơi đùa với nó mấy lần, thúc ngựa chạy băng băng, hoặc là tập trung sức lực một hơi chạy như bay mấy chục dặm. Đến khi dừng ngựa hoặc dừng bước, bên chân luôn có một đứa nhóc từ trong đất thò đầu ra, cười khanh khách với hắn.

Dù Trần Bình An đi thế đánh quyền hay luyện tập kiếm thuật, nó không bao giờ quấy rầy, luôn nhìn từ xa. Chỉ khi Trần Bình An vẫy tay với nó, nó mới sẽ đi đến bên cạnh, men theo pháp bào Kim Lễ trèo lên, cuối cùng ngồi trên vai Trần Bình An, một lớn một nhỏ cùng nhau nhìn ngắm phong cảnh. Còn đồng tiền hoa tuyết kia thì tạm thời gởi ở chỗ Trần Bình An.

Trần Bình An chỉ nghỉ ngơi một lát, rất nhanh đã bị động tĩnh trong viện đánh thức. Bà lão lải nhải, phu nhân ấp úng, ông lão luyện giọng, đứa trẻ đọc sách buổi sáng. Chỉ có người đàn ông kia không lên tiếng, chắc là đang còn ngủ.

Trần Bình An ngồi bên cạnh bàn, nhẹ nhàng cầm một quyển sách lên.

Người hoa sen nhỏ cũng chậm rãi tỉnh lại, mơ mơ màng màng, ngơ ngác nhìn về phía hắn.

Trần Bình An cười nói:

- Cứ ngủ đi.

Người hoa sen nhỏ vội vàng đứng dậy, chạy đến bên cạnh Trần Bình An, giúp hắn mở một trang sách ra.

Trần Bình An đã quen với chuyện này. Sách trên bàn đều là mới mua sau khi chia tay Lục Đài và trấn Phi Ưng. Khi đó Lục Đài nói, chỉ đọc sách hạng nhất mới có hi vọng làm người hạng hai. Chuyện đọc sách không thể cầu toàn, tham nhiều sẽ không tốt, dùng đọc tỉ mỉ làm đầu, nhai kỹ nuốt chậm. Đến khi thật sự nuốt hết tất cả tinh hoa của một quyển kinh điển, biến những hình ảnh tốt đẹp, hiểu biết chính xác, tinh khí thần ẩn giấu giữa câu văn thành cho mình sử dụng, đó mới gọi là đọc sách. Nếu không thì chỉ là lật sách, lật qua ngàn vạn quyển, nhiều nhất cũng chỉ là một tủ sách hai chân.

Trần Bình An nghe vậy mới hiểu ra. Nếu không nhờ Lục Đài nhắc nhở, hắn có thể sẽ thấy sách tốt là mua, hơn nữa đều sẽ đọc kỹ từ từ. Nhưng biển sách vô bờ, con người tuổi thọ có hạn. Hắn đã phải luyện quyền luyện kiếm, còn phải tìm đạo quán, còn lại một chút thời gian rảnh rỗi, quả thật nên dùng để đọc những quyển sách tốt nhất.

Lục Đài đã đưa cho hắn một phần danh sách, nhưng Trần Bình An cất kỹ tờ giấy kia, không dựa theo đó để mua, mà là mua kinh nghĩa điển tịch của Á Thánh Nho gia.

Đáng tiếc sách của lão tú tài Văn Thánh không mua được ở bên ngoài. Trần Bình An vốn muốn xem “ba bốn” để so sánh thử xem.

Từ tình cảm mà nói, Trần Bình An đương nhiên nghiêng về lão tú tài. Yêu thích, ngưỡng mộ và tôn kính một người, chuyện này không có vấn đề, nhưng nếu vì thế mà cảm thấy những gì người đó nói và làm đều đúng, vậy thì sẽ có vấn đề lớn.

Học vấn của lão tú tài Văn Thánh có cao hay không? Đương nhiên rất cao. Dựa theo cách nói của Thôi Đông Sơn, đã từng cao đến mức khiến tất cả người đọc sách cảm thấy “như mặt trời ban trưa”.

Vậy liệu Trần Bình An có tư cách, cho rằng đạo lý của lão tú tài không phải có lý nhất hay không? Nhìn như kiến càng lay cổ thụ, buồn cười không biết tự lượng sức, nhưng thực ra là có. Bởi vì còn có một vị Á Thánh, còn có những bộ kinh điển do ông ta lưu lại.

Trần Bình An từng nói với cha mẹ của Ninh Diêu, thật sự thích một người là phải thích những điểm không tốt của người đó. Hắn cũng từng dặn dò thằng bé áo xanh và cô bé váy hồng, nếu như ta sai thì các ngươi phải nhắc nhở ta. Có điều sâu trong nội tâm của hắn, đương nhiên vẫn muốn xem qua học vấn của ba bốn tranh đấu. Nếu cảm thấy lão tú tài Văn Thánh nói càng đúng, vậy lần sau uống rượu với ông ta, sẽ có chuyện để tán gẫu.

Trần Bình An ngồi ngay ngắn, đọc sách rất chậm, giọng đọc rất nhẹ. Mỗi khi đọc đến cuối một trang, người hoa sen nhỏ sẽ nhanh nhẹn lật sang trang mới. Sau đó nó trở về chỗ cũ, bắt chước tư thế ngồi ngay ngắn của Trần Bình An, vểnh tai yên lặng nghe tiếng đọc sách trên đầu.

So với những thói xấu dân gian bên ngoài, Trần Bình An mặc áo bào trắng, đeo kiếm cột hồ lô, giống như một kẻ kỳ quái xa tận chân trời. Tới không thân cận, đi không lưu luyến, cứ trả tiền là được.

Ngõ Trạng Nguyên bên cạnh có quán rượu lầu xanh, còn có chùa miếu tiếng tụng kinh réo rắt, mặc dù gần nhau nhưng lại xa xôi giống như hai thế giới. Trần Bình An thường nhìn thấy các nhà sư cầm bát ra cửa, thân hình gầy gò nhưng vẻ mặt lại an tường. Cho dù không mặc áo cà sa, cũng có thể nhìn ra bọn họ khác với dân chúng quê mùa.

Còn quán rượu trăng hoa thường là ban đêm tiếng người huyên náo, cả con đường lớn đều ngập tràn mùi son phấn, cho đến rạng sáng mới yên tĩnh lại. Mặc dù khách uống rượu hoa hay cô gái mời rượu đều mặc tơ lụa gấm vóc, nhưng khi cuộc vui hạ màn, phần lớn bọn họ đều vẻ mặt tiều tụy.

Trần Bình An mấy lần nhìn thấy, sau khi những cô gái kia tiễn khách rời đi, lập tức trở vào xóa trang điểm trên mặt. Trời tờ mờ sáng bọn họ đã rời khỏi cửa hông lầu xanh, đến một ngõ nhỏ đông nghịt quầy bán hàng rong, ngồi ở đó ăn một tô cháo hoặc hoành thánh. Có một số cô gái đang ăn lại nằm sấp xuống bàn ngủ gục... đêm xuân một khắc đáng giá ngàn vàng, giống như mượn tiền của ông trời thì phải trả.

Có người bán hàng rong vốn quen thuộc với các cô gái trăng hoa, thích buông lời t.hô tục. Một số cô gái không để bụng, trả lời mấy câu qua loa lấy lệ, mục đích là để bớt được mấy đồng tiền. Cũng có cô gái rất nghiêm túc, bọn họ vốn đã quen ngoan ngoãn vâng lời, uốn mình theo người, lúc này lại mắng như tát nước. Khi đó người bán hàng rong rụt rè, đợi đến khi các cô gái rời đi, mới mắng bọn họ là đồ bẩn thỉu buôn bán x.ác thịt, có mặt mũi gì giả làm hoàng hoa khuê nữ.

Ngày hôm sau các cô gái trăng hoa mắng người vẫn tới. Người bán hàng rong hôm qua bị mắng, vẫn liếc trộm cánh tay nhỏ nhắn của bọn họ lộ ra bên ngoài tay áo, trắng giống như thịt heo trên thớt vậy. So với lão bà nhà mình đúng là khác biệt như trời với đất, thật không biết mấy cô gái xinh đẹp này bảo dưỡng thế nào. Có điều muốn chạm đến các nàng phải dốc hết tiền bạc vất vả kinh doanh nửa năm, chỉ có thể thở dài mà thôi.

Nước Nam Uyển đã mấy trăm năm không có chiến sự, quốc thái dân an. Các đời quân vương trị vì nhàn hạ, không có tiếng hiền, cũng không có tiếng ác. Cho nên kinh thành không cấm đi lại ban đêm, hào kiệt giang hồ tùy ý mang đao đeo kiếm, phục sức hào hoa.

Quan phủ trước giờ không quản, nếu gặp phải trên đường còn sẽ xuống ngựa, hai bên khách sáo chào hỏi mấy câu. Người có giao tình tốt thì cùng nhau uống rượu gần đó, ngươi kể chuyện thăng chức trên quan trường khiến người ta bất lực, ta kể chuyện cao thủ so chiêu trên giang hồ rung động đến tâm can. Tới tới lui lui, hai ba cân rượu chắc chắn không đủ.

Vì tìm kiếm Quan đạo quán, mỗi ngày Trần Bình An đều đi dạo trong kinh thành, nhìn thấy muôn vẻ thế thái, cũng nhìn thấy một số thứ kỳ quái ẩn nấp giữa dân gian. Chỉ cần bọn chúng không chủ động trêu chọc, Trần Bình An cũng không để ý tới.

Lục Đài đã từng nói một câu, khi đó không có ấn tượng lắm, nhưng hôm nay càng nghiền ngẫm càng có tư vị.

Lên núi tu đạo rồi, sẽ cảm thấy yêu ma quỷ quái trên thế gian hình như càng ngày càng nhiều.

Một canh giờ cứ như vậy trôi qua, Trần Bình An khép sách lại, chuẩn bị ra ngoài tiếp tục dạo chơi.

Mặc dù trong thời kỳ tìm kiếm đạo quán, tâm cảnh của hắn càng ngày càng nóng nảy, nhưng cũng không phải hắn không thử tĩnh tâm lại. Trên thực tế hắn đã cố gắng rất nhiều, đến những chùa miếu lớn lớn nhỏ nhỏ thắp hương lễ Phật, một mình đi dưới bóng cây trong đường nhỏ yên tĩnh, mỗi lần đến một nơi chùa miếu lại ghi vào thẻ trúc.

Trần Bình An đến chùa Tâm Tướng ở ngõ Trạng Nguyên bên cạnh nhiều nhất. Chùa không lớn, tính cả trụ trì cũng chỉ mười mấy người, lâu ngày đã trở nên quen mặt. Mỗi lần tâm không tĩnh, hắn sẽ qua đó ngồi một lát. Cũng không nhất định phải nói chuyện với nhà sư, cho dù chỉ ngồi một mình dưới mái hiên, nghe tiếng leng keng của chuông gió, cũng có thể xua đi một buổi chiều nóng nực.

Nước Nam Uyển sùng phật chê đạo, kinh thành và địa phương chùa miếu san sát, hương khói thịnh vượng. Đạo quán thì khó thấy, kinh thành càng không có một tòa nào. Mấy ngày gần đây, một chuyện bí mật kinh người đã gây xôn xao trên dưới kinh thành. Một trong bốn chùa lớn ở kinh thành nước Nam Uyển là chùa Bạch Hà, đã xảy ra một vụ tai tiếng rất lớn.

Chùa Bạch Hà xưa nay nổi tiếng là trụ trì phật pháp thâm hậu, có kim thân la hán. Các đời cao tăng sau khi viên tịch, đều có thể lưu lại thân xác bất hủ hoặc đốt ra xá lợi. Về điểm này ba ngôi chùa khác đều phải tự thẹn không bằng, đây cũng được xem là minh chứng Phật pháp nước Nam Uyển hưng thịnh hơn xa các nước lân cận.

Nhưng trước đây không lâu, có một vị cao tăng từ nơi khác đến tu hành ở chùa Bạch Hà, năm ngoái được đề cử làm trụ trì, vinh quang vô hạn. Có một ngày ông ta lại chạy ra khỏi chùa, đi thẳng tới Đại Lý tự (cơ quan xử án) cáo trạng. Sau khi nghe ông ta trần thuật, chư vị quan viên gồm cả quan phụ trách Đại Lý tự đều đưa mắt nhìn nhau.

Hóa ra vị lão tăng này tố cáo chùa Bạch Hà hạ độc trong thức ăn của ông ta, còn âm mưu sau khi ông ta chết sẽ đổ thủy ngân vào trong thi thể. Chẳng những như vậy, ông ta còn tố giác nhà sư chùa Bạch Hà nghiệp chướng nặng nề, lừa gạt số tiền lớn của các phu nhân kinh thành đến xin con. Đủ loại như vậy, tổng cộng đến sáu tội lớn.

Vụ án này quá kinh hãi thế tục, trực tiếp kinh động đến hoàng đế nước Nam Uyển hạ lệnh điều tra kỹ càng. Kết quả ba trăm nhà sư của chùa Bạch Hà có hơn một nửa bị hạ ngục, còn lại bị trục xuất ra khỏi kinh thành, tịch thu thẻ tu, đời này không được làm nhà sư nữa.

Ba chùa còn lại vẫn có địa vị siêu nhiên, dù sao bọn họ đã ăn sâu bén rễ. Nhưng lại liên lụy rất nhiều chùa nhỏ danh tiếng không lớn, chẳng hạn như chùa Tâm Tướng, gần đây rõ ràng khách hành hương ít đi rất nhiều.

Trụ trì của chùa Tâm Tướng là một lão hòa thượng mặt mày hiền hậu, thân hình cao lớn. Ông ta vào kinh ba mươi năm vẫn không thay đổi giọng nói quê hương, cũng không thích lải nhải Phật pháp tuyệt diệu sâu xa với người khác, phần nhiều chỉ tán gẫu chuyện nhà.

Mỗi lần Trần Bình An đến chùa tĩnh tâm, phải rất vất vả mới có thể nghe hiểu ông ta nói gì. Hắn có ấn tượng rất tốt với lão tăng này, hơn nữa nhìn thấu nhưng không nói ra, lão trụ trì là một người tu hành, chỉ là chưa bước vào năm cảnh giới trung.

Trần Bình An rời khỏi con ngõ đi đến chùa Tâm Tướng, dự định tĩnh tọa ở đó, luyện tập thủ ấn đứng thế.

Trên đoạn đường dài hai dặm này một võ quán và một tiêu cục. Mỗi lần đi qua võ quán có treo tấm biển “Khí Tráng Sơn Hà”, bên trong tường cao đều có một đám đàn ông hừ hà, chắc là đang luyện tập quyền thế. Trên đường lớn ngoài cửa tiêu cục thường là cảnh tượng xe tiêu vây quanh, nam nữ trẻ tuổi đều nghênh ngang kiêu ngạo, tinh thần hăng hái. Đám người già thì trầm mặc hơn nhiều, thỉng thoảng nhìn thấy Trần Bình An cũng sẽ gật đầu hỏi thăm.

Ban đầu Trần Bình An đều chắp tay đáp lễ, sau đó gặp lại thì chủ động hành lễ. Không ngờ thường xuyên qua lại, đám người già lại mất đi hứng thú, dứt khoát không thèm nhìn hắn nữa. Đến sau này Trần Bình An nghĩ rõ mấu chốt trong đó, chỉ biết bật cười. Có lẽ lúc đầu bọn họ xem mình là rồng qua sông, sau đó tra rõ nơi ở, liền coi thường mình. Mình quá “khách sáo” lễ nghĩa, càng khiến cho đám người từng trải trong tiêu cục nhận định mình chỉ có mã ngoài.

Trần Bình An cảm thấy rất thú vị. Kinh thành có rất nhiều võ quán tiêu cục, những môn phái giang hồ gây dựng được danh tiếng kia, đều thích xây nhà cao cửa lớn ở đây, không thua gì phủ đệ vương hầu công khanh, cũng không cần e ngại lễ chế vượt quyền gì đó. Ngược lại có rất ít lời đồn liên quan đến luyện khí sĩ, ngay cả quốc sư cũng chỉ là một vị tông sư giang hồ.

Có điều thú vị nhất là một ngôi nhà không nổi bật. Nam nữ ra ra vào vào gần như đều là người tập võ trên giang hồ, lại cố gắng che dấu thân phận, ăn mặc mộc mạc, nói năng thận trọng. Có lần Trần Bình An còn nhìn thấy một vị cao thủ rất có thể là cảnh giới võ đạo thứ sáu, bên cạnh có một cô gái trẻ tuổi đầu đội nón che mặt, không thấy rõ nét mặt nhưng dáng người thướt tha, hẳn là một mỹ nhân.

Bất tri bất giác, Trần Bình An bắt đầu dùng một loại ánh mắt khác quan sát thế giới này.

Đến chùa Tâm Tướng, hôm nay khách hành hương thưa thớt, phần nhiều là hàng xóm lân cận đã có tuổi, cho nên đám nhà sư và sa di (hoà thượng mới xuất gia) đều mặt ủ mày chau.

Sở dĩ gần đây Trần Bình An siêng năng tới nơi này, nguyên nhân chủ yếu nhất là cảm giác được lão trụ trì đại nạn sắp tới.

Hôm nay lão trụ trì giống như biết Trần Bình An sẽ tới, đã sớm chờ trong hành lang một ngôi điện bên hông.

Hai tấm bồ đoàn bằng cỏ nến đặt dưới đất, hai người ngồi đối diện với nhau.

Thấy Trần Bình An muốn nói lại thôi, lão trụ trì mỉm cười nói thẳng vào vấn đề:

- Trong các đời trụ trì của chùa Bạch Hà, đã từng xuất hiện kim thân thật sự, không phải đều là lừa gạt như lời đồn bên ngoài. Không cần phải một gậy đánh chết lịch sử ngàn năm của chùa Bạch Hà như vậy.

Thấy được cái tốt, nhưng trước tiên phải thấy được cái xấu.

Lão trụ trì lại cười nói:

- Có điều sau khi bần tăng chết, vốn muốn đốt ra mấy viên xá lợi, gia tăng một chút hương khói cho ngôi chùa này. Hôm nay xem ra khó rồi, ngược lại còn phải cố gắng che giấu một thời gian.

Trần Bình An nghi hoặc hỏi:

- Chuyện này cũng tính là nhân quả của Phật gia sao?

Lão trụ trì gật đầu nói:

- Dĩ nhiên là tính. Đặt ở kinh thành nước Nam Uyển, chùa Bạch Hà và chùa Tâm Tướng trước giờ không giao tiếp, nhìn như nhân quả mơ hồ, thực ra lại không phải. Đặt ở trong Phật pháp, trời lớn đất lớn, đều là liên lụy với nhau.

Đây là lần đầu tiên ông ta nói “Phật pháp” trước mặt Trần Bình An.

Lão trụ trì do dự một thoáng, cười nói:

- Thực ra giữa hai ngôi chùa cũng có nhân quả, chỉ là quá huyền diệu, cũng quá... nhỏ rồi. Bần tăng không nắm chắc có thể nói rõ được, phải cần thí chủ tự mình lĩnh hội.

Hai người trò chuyện không cần phải rạch ròi. Trước kia lão trụ trì thường sẽ bị tiểu sa di ngắt lời, tán gẫu những chuyện vặt vãnh trong chùa, gạt Trần Bình An sang một bên. Trần Bình An cũng thường mang theo mấy thẻ trúc hoặc một quyển sách, đọc sách khắc chữ, cũng không cảm thấy thất lễ.

Hôm nay Trần Bình An không mang sách, chỉ mang một thẻ trúc nhỏ và một con dao khắc.

Hắn không hề ghét đồ cũ, vẫn là con dao khắc được cửa tiệm tặng khi mua ngọc bài lúc trước.

Hôm nay lão trụ trì rất có hứng nói chuyện, sau khi nói một ít Phật pháp giống như chuồn chuồn chạm nước, cũng không nói thêm nữa. Phần nhiều vẫn giống như trước đây tùy ý tán gẫu, cầm kỳ thư họa, đế vương tướng soái, tiểu thương sai dịch, các phái học thuật, mỗi thứ đều nói một chút, giống như chuyện nhà.

Thời gian thong thả trôi qua.

Lão trụ trì cười hỏi:

- Một văn nhân quan viên đại gian đại ác, tiếng xấu muôn đời, có thể viết ra chữ đẹp thơ hay được không?

Trần Bình An ngẫm nghĩ, gật đầu nói:

- Có thể.

- Một danh sĩ danh tướng lưu danh sử sách, liệu có chuyện xấu và thiếu sót không để cho người khác biết hay không?

- Có.

Lão trụ trì cười nói:

- Đúng rồi, mọi chuyện đừng đi theo hướng cực đoan. Nói đạo lý với người khác, sợ nhất là “ta muốn chiếm hết tất cả đạo lý”. Sợ nhất một khi trở mặt với người khác, sẽ hoàn toàn không thấy được cái tốt của đối phương. Trong triều đình đảng phái tranh đấu, thậm chí còn được đời sau coi là quân tử tranh đấu, vì sao vẫn di họa rất lâu? Đó là vì trong chuyện này quân tử hiền nhân cũng làm không đúng.

- Nhưng đảng phái tranh đấu trong triều đình, nếu ngươi mềm yếu, chỉ biết nói đạo lý lớn, quá nửa sẽ chết rất thảm. Quả thật không thể trách những người đọc sách làm quan kia. Nếu đã như vậy, liệu có phải những lời này của bần tăng vòng tới vòng lui, đều là nói nhảm? Vì sao phải nói?

Trần Bình An cười lắc đầu nói:

- Có một vị lão tiên sinh đã nói với tôi những đạo lý tương tự. Ông ấy dạy tôi phải suy nghĩ thật kỹ mọi chuyện, cho dù đi một vòng lớn rồi trở về vi trí ban đầu, phí tâm phí sức, nhưng lâu dài vẫn sẽ có ích.

Lão trụ trì vui mừng gật đầu:

- Vị tiên sinh này là người có học vấn lớn.

Trần Bình An dùng ngón tay khẽ vuốt thẻ trúc nhỏ xanh tươi, nhẹ giọng nói:

- Có lần lão tiên sinh uống rượu, mắt say lờ đờ, nhìn như đang hỏi tôi, nhưng thực ra là đang hỏi tất cả mọi người. Ông ấy nói: “Đọc được bao nhiêu sách, lại dám nói thế đạo này ‘chính là như vậy’? Gặp được bao nhiêu người, lại dám nói nam nhân nữ nhân ‘đều là đức hạnh như vậy’? Ngươi tận mắt nhìn thấy được bao nhiêu thái bình và gian khổ, lại dám khẳng định thiện ác của người khác?”

Lão trụ trì thở dài nói:

- Vị tiên sinh này nhất định sống không thoải mái.

Trần Bình An đột nhiên nhớ tới một chuyện vẫn nghĩ không thông, tò mò hỏi:

- Phật gia thật sự đề xướng “buông dao đồ tể, lập tức thành phật” sao?

Lão trụ trì mỉm cười nói:

- Trước khi trả lời, bần tăng có một câu muốn hỏi. Có phải cảm thấy lời này vừa dọa người vừa không theo lẽ thường, nhưng cẩn thận nghiền ngẫm một phen, lại cảm thấy đó là đi theo đường tắt, không phải chính pháp?

Trần Bình An gãi gãi đầu:

- Ngay cả Phật pháp bình thường tôi còn chưa đọc qua, nào biết có phải là chính pháp hay không.

Lão trụ trì cười ha hả:

- Buông dao đồ tể, lập tức thành phật. Thế nhân chỉ thấy đường tắt khác với lẽ thường, không biết chỗ huyền diệu thật sự là ngộ được “dao đồ tể ở trong tay ta”, cũng là nói “đã biết cái ác”. Thế gian muôn vẻ, rất nhiều người làm ác mà không biết ác, rất nhiều người lại biết ác mà vẫn làm ác. Suy cho cùng, trong tay đều có một con dao đồ tể máu tươi đầm đìa, chỉ là nặng nhẹ khác nhau mà thôi. Nếu có thể thật sự bỏ xuống, từ đó quay đầu, chẳng phải là một việc thiện sao?

Ông ta lại nói xa hơn một chút:

- Thiền tông gậy và quát (1), người ngoài vẫn cảm thấy rất kinh ngạc. Thực ra trước khi khổ công dùng gậy và quát để mở mang lý trí, người thường sẽ không nhìn thấy được, có thấy cũng không muốn làm mà thôi. Thành phật có khó không? Đương nhiên là khó. Biết Phật pháp đã khó, giữ pháp, hộ pháp và truyền pháp càng khó hơn. Thế nhưng...

Ông ta đột nhiên dừng lại, thở dài nói:

- Không có “thế nhưng”. Một người hướng Phật như bần tăng còn không làm được, vì sao phải nói những đạo lý xa xôi như vậy với cậu?

Trần Bình An cười nói:

- Cứ nói đừng ngại. Đạo lý có xa đến mấy, trước tiên không bàn đến tôi có đi theo hay không, nhưng tôi biết nó ở đó cũng là chuyện tốt.

Lão trụ trì xua tay:

- Cho bần tăng nghỉ một lát, uống chén trà thấm ướt cổ họng, sắp bốc khói rồi.

Ông ta gọi một tiếng. Trong một gian phòng ở gần đó, có một tiểu sa di nhìn như đang cúi đầu niệm kinh, thực ra là đang ngủ gà ngủ gật gật. Sau khi nghe được tiếng gọi của lão trụ trì, hắn đột nhiên mở mắt ra, vội vàng đi bưng hai chén nước trà tới.

Cách đó không xa có một cây đại thụ chọc trời, bóng cây rậm rạp. Một con chim hoàng oanh nhỏ đậu phía trên, đang mổ gì đó.

Trần Bình An uống trà nhanh, còn lão trụ trì uống trà chậm. Lúc Trần Bình An mỉm cười trả chén trà cho tiểu sa di, lão trụ trì còn chưa uống được nửa chén. Thế là Trần Bình An cúi đầu cầm thẻ trúc kia lên, hai đầu trái phải đều có một chút dấu vết không dễ phát giác.

Trần Bình An nhìn trái nhìn phải, cảm thấy thẻ trúc giống như một cây thước đo nhỏ vậy.

Lão trụ trì đã uống trà xong, quay đầu nhìn. Mùa hè chói chang, mặt trời gay gắt thiêu đốt nhân gian, thế nhân hiếm khi được mát mẻ. Ông ta cảm khái một cách đứt quãng:

- Thời đại mạt pháp, người trong thiên hạ như cỏ gặp trời hạn, đều khô héo không thể xanh tươi.

- Đạo lý vẫn phải nói một chút.

- Phật pháp là đạo lý của nhà sư. Lễ nghĩa là đạo lý của nho sinh. Đạo pháp là đạo lý của đạo sĩ. Thực ra đều không xấu, cần gì phải câu nệ trường phái, đúng thì cầm lên, ăn vào trong bụng mình.

Ánh mắt Trần Bình An dời khỏi thẻ trúc, ngẩng đầu cười một tiếng, gật đầu nói:

- Đúng vậy.

Lão trụ trì nhìn sân chùa bên ngoài lan can hành lang:

- Thế giới này vẫn luôn mắc nợ người tốt. Đúng đúng sai sai, sao lại không có? Chỉ là chúng ta không muốn đi sâu nghiên cứu mà thôi. Ngoài miệng có thể không nói, thậm chí cố ý đổi trắng thay đen, nhưng trong lòng hiểu rõ.

- Chỉ tiếc thế sự bất đắc dĩ, người thông minh càng ngày càng nhiều. Người có lòng dạ đầu óc thường thích chế giễu người chất phác, phủ nhận thiện ý đơn thuần, chán ghét sự chân thành của người khác. Trần Bình An, cậu đối xử với thế giới này như nào, thế giới sẽ đối xử với cậu như vậy.

Sau đó ông ta giống như làm chuyện thừa, lặp lại một lần:

- Cậu nhìn nó, nó cũng đang nhìn cậu.

Trần Bình An ngẫm nghĩ, cảm thấy có lý, nhưng không suy nghĩ xa hơn.

Hôm nay lão trụ trì nói hơi nhiều, Trần Bình An lại là người sẵn sàng nghiêm túc lắng nghe, cho nên trong chốc lát cũng không muốn mở rộng chủ đề xa như vậy.

Lão trụ trì đột nhiên cười rạng rỡ nói:

- Trần thí chủ, những đạo lý của bần tăng hôm nay, nói cũng hay đấy chứ?

Trong lòng Trần Bình An hơi thương cảm, cười nói:

- Rất hay.

Lão trụ trì cười nói:

- Lúc trước có lần nghe cậu nói về “trước sau”, “lớn nhỏ”, “thiện ác”, hôm nay bần tăng muốn nghe thêm một chút.

Lúc đầu Trần Bình An nói một cách trúc trắc khó hiểu, nhưng đạo lý và lời thật lòng luôn là càng nói càng rõ ràng. Giống như một mặt gương thường được lau chùi, xua tan bụi bặm, sẽ càng ngày càng sáng.

Đúng sai có trước sau, trước tiên phải làm rõ thứ tự, đừng nhảy qua chỉ nói đạo lý mà mình muốn nói.

Đúng sai còn phân lớn nhỏ, dùng một cây, hai cây thậm chí là nhiều cây thước để cân đo lớn nhỏ. Những thước đo này có thể là tất cả chính pháp, thiện pháp trên thế gian. Luật pháp của Pháp gia, lễ nghĩa của Nho gia, thuật toán của Thuật gia đều có thể mượn dùng. Ranh giới luật pháp, đạo đức trên cao, lệ làng các nơi, thuật toán chuẩn xác, tất cả đều có liên quan, không thể vơ đũa cả nắm. Muốn đi sâu nghiên cứu sẽ rất rườm rà phức tạp, lao tâm lao lực.

Sau đó mới là phân định thiện ác. Vô hình trung, ba bốn tranh đấu xem nhân tính là thiện hay ác, không còn là một cửa ải mà người đọc sách không thể vượt qua. Bởi vì đây là chuyện bàn luận cuối cùng, chứ không phải chuyện đầu tiên cần đưa ra quyết định khi đọc sách.

Cuối cùng là một chữ “làm”. Giáo hóa muôn dân, lòng dạ Bồ Tát truyền pháp thiên hạ, chỉ lo thân mình tu hành thanh tịnh, đều có thể tùy theo sở thích.

Vẻ mặt lão trụ trì an tường, nghe Trần Bình An giảng giải, hai tay chắp trước ngực, cúi đầu nói:

- A Di Đà Phật.

Trần Bình An nhìn chim hoàng oanh nhỏ đậu trên mái cong, nó đang quan sát tiểu sa di quét dọn chùa.

Trần Bình An dời mắt đi. Lão trụ trì mỉm cười nói:

- Chùa không còn, nhà sư vẫn còn. Nhà sư không còn, kinh thư vẫn còn. Kinh thư không còn, Phật Tổ vẫn còn. Phật Tổ không còn, Phật pháp vẫn còn. Cho dù chùa Tâm Tướng không còn nhà sư, không còn một quyển kinh thư nào, chỉ cần trong lòng người có Phật pháp, chùa Tâm Tướng vẫn sẽ tồn tại.

Ông ta quay đầu nhìn về khoảng sân tĩnh mịch, chỉ có tiếng quét rác xào xạc của tiểu sa di.

Ánh mắt ông ta mơ hồ, lẩm bẩm nói:

- Bần tăng giống như nhìn thấy nhân gian đã nở ra một đóa hoa sen.

Trần Bình An yên lặng không nói gì.

Lão trụ trì cúi đầu, môi khẽ mấp máy:

- Đi thôi.

Tiểu sa di nhìn về hướng hành lang bên này, ôm cây chổi trong ngực, oán trách lão trụ trì:

- Sư phụ, mặt trời lớn như vậy, con có thể nghỉ một lát rồi quét hay không, nóng muốn chết rồi.

Trần Bình An quay đầu sang, chỉ chỉ vào lão trụ trì giống như đang ngủ gật, sau đó đưa ngón tay lên miệng “xuỵt” một tiếng.

Tiểu sa di vội vàng im lặng, sau đó lén cười. Ha ha, ta thích lười biếng, hóa ra sư phụ cũng thích ngủ.

Hắn rón ra rón rén chạy đến dưới mái hiên đại điện hóng mát. Con chim hoàng oanh nhỏ kia lấy gan, bay đến vai tiểu sa di. Tiểu sa di hơi sững sốt, cố ý quay đầu làm mặt quỷ với nó, dọa cho nó vội vàng đập cánh bay đi. Còn lại tiểu sa di một mình ngơ ngác, sờ sờ đầu trọc, cảm thấy áy náy.

Trên bồ đoàn bằng cỏ trong hành lang, lão trụ trì đã viên tịch, vẫn giữ nguyên tư thế ngồi uể oải kia, lại giống như gia tăng tinh khí thần cho vùng trời đất nhỏ này.

Trần Bình An bỗng nhớ tới một câu nói của Lục Đài, người chết cũng là ngủ say.

- --------

Chú thích:

(1) Gậy và quát: phương thức tiếp dẫn giáo hóa đệ tử của các vị tổ sư trong Thiền tông. Khi các vị tiếp dẫn người khác để che lấp tư duy hư vọng, hoặc khảo nghiệm cảnh ngộ, sẽ dùng gậy hoặc quát to.