Kiều Kiều Vô Song

Chương 17:



Một ngày thấm thoát trôi qua. Hôm sau Cơ Tự dậy khá muộn, nàng ngẩn ngơ nhớ lại giấc mơ đêm qua, dường như nàng mơ quay lại thời còn bé, thấy phụ thân ngồi trong thư phòng lẩm bẩm “bảo tàng” gì đó.

Bảo tàng nào nhỉ? Cơ Tự lắc đầu để xua đi cảm thấy đau âm ỉ, nàng vừa day ấn đường vừa nghĩ: Dạo gần đây mình đúng là bị tiền bạc làm mờ mắt rồi, ngay cả nằm mơ cũng thấy bảo tàng.

Đúng lúc này có tiếng bước chân vang ngoài cửa hiên, chốc lát sau Dữ Trầm cất lời bẩm báo: “Nữ lang, lang quân Chu Ngọc đang đứng ngoài cổng, bảo rằng mời người đi ngắm cảnh ạ.”

Nàng vội đứng lên, giang ra hiệu cho Nguyệt Hồng khoác áo choàng cho nàng, quay đầu lại căn dặn: “Gọi thêm mấy người ở chân núi đến hầu ta.”

“Vâng.”

Lúc Cơ Tự ngồi xe ra xuống cổng phủ ở chân núi đã thấy ngay lang quân có phong thái ngọc thụ lâm phong, đứng khoanh tay ở đấy. Giống như lần trước, Chu Ngọc mặc áo bào tay rộng, mỗi khi gió thu thổi qua, cơ thể cao gầy phiêu dật của hắn như muốn nương theo gió bay đi.

Cũng bởi vì cảnh sắc này nên người và xe đi ngang qua cổng nhà nàng đều chậm lại, có vài nhà còn lặng lẽ mở cửa hông ra, đâu đó loáng thoáng vang lên tiếng cười nói khúc khích của mấy thiếu nữ.

Cơ Tự ra hiệu cho Lê thúc đánh xe chạy đến, mỉm cười nói: “Chu lang quả thật chẳng kém gì Chu lang cả.”

Chu lang trước là chỉ Chu Ngọc, còn Chu lang sau là Chu Du nổi danh Tam Quốc. Cơ Tự so sánh Chu Ngọc với Chu Du, mục đích đầu tiên là khen ngợi và nịnh nọt một cách thẳng thắn, và sau đó là thể hiện tài hoa của mình. Lời ca ngợi phong nhã của nàng hoàn toàn có thể so sánh với mấy quý nữ bụng đầy thi thư ở Kiến Khang rồi.

Đôi mắt đen láy của Chu Ngọc trở nên sáng ngời, đong đầy nét cười: “Chu Ngọc thẹn không dám nhận.” Hắn nhanh chóng thi lễ, “Mời A Tự.”

“Mời lang quân.”

Sau khi hai người thi lễ với nhau, xe bò và xe lừa cùng lăn bánh. Khác với suy nghĩ của Cơ Tự, tuy xe bò của Chu Ngọc vén màn lên, nhưng hắn chỉ cúi đầu chau mày xem một chồng sách tre, không hề chủ động bắt chuyện với nàng.

Trong làn gió hây hây và tiếng sách tre lạch cạch, họ đã đến núi Sở Đinh. Nhìn từng đàn chim bay lượn phía trước, Chu Ngọc đặt sách xuống, dợm bước ra khỏi xe bò trước. Sau khi xuống xe hắn cũng không hề nói chuyện với Cơ Tự, chỉ ngẩn ngơ nhìn đàn chim bay lượn trên sông.

Cơ Tự đi đến sau lưng hắn, lúc này Chu Ngọc mới khẽ cất lời: “Nàng thấy phong cảnh nơi đây thế nào?”

Cơ Tự mỉm cười nói: “Quên hết tâm cơ, tiêu dao vô cùng.”

Rõ ràng Chu Ngọc chỉ hỏi phong cảnh, nhưng Cơ Tự lại dùng hai từ tiêu dao và tâm cơ ẩn chứa sự sắc bén. Cuối cùng Chu Ngọc cũng quay đầu lại, nghiêm túc nhìn Cơ Tự hồi lâu, chợt nở nụ cười khoe hàm răng trắng: “Chu Thập Tam lang ta được người người khen ngợi là phong thái bất phàm, bản thân lại có địa vị trong triều, sao A Tự vẫn chưa ưng?”

Sáu chữ “sao A Tự vẫn chưa ưng” lại mang theo chút buồn phiền, kết hợp với phong thái như ngọc của hắn quả thật làm say lòng người.

Cơ Tự cong cong đôi mắt, cười nói: “Tiểu nữ quả thật không dám. Đúng như Chu lang đã nói, lang quân là người có phong thái bất phàm, ngay cả công chúa cũng phủ phục trước gối người, hận không thể mỗi ngày cận kề sánh bước. Cơ Tự có tài đức gì lại được Chu lang đích thân cầu hôn chứ?”

Hắn đã hỏi thẳng thì nàng cũng không cần tránh né làm gì nữa. Nàng đã nói thế nhưng vẫn không nhận được đáp án, trong lòng nhất thời khẩn trương, nghiêm túc nhìn xoáy vào Chu Ngọc, chờ hắn trả lời.

Chu Ngọc khẽ cười, đôi mắt đen mang theo tình cảm trìu mến nhìn Cơ Tự chăm chú, ôn hòa cất lời: “Trên thế gian này, một nam tử đem lòng thích một nữ tử nào cần lý do gì.”

Giờ khắc này ánh mắt hắn nhìn nàng đắm đuối, như thể chủ nhân của đôi mắt đã khắc ghi nàng trong tim, yêu thương thắm thiết, nhớ nhung đêm ngày... Giống như thật sự yêu nàng đến cuồng dại vậy.

Nếu Cơ Tự chỉ là nữ lang mười ba tuổi, có lẽ giờ phút này trái tim nàng đã loạn nhịp, si mê quên cả lối về. Đáng tiếc hiện giờ nàng lại là người từng trải qua bao nỗi tang thương mất rồi.

Thầm xua đi nỗi thất vọng, Cơ Tự mỉm cười tránh ánh mắt Chu Ngọc, khẽ thở dài: “Nếu Chu lang không định nói thật, thì tiểu nữ cũng không thể gả cho người được.”

Lần này đến lượt Chu Ngọc cười khổ: “Nàng thật là.”

Hai người ở núi Sở Đinh chưa đến một canh giờ thì Cơ Tự đã xin phép trở về trang viên của mình. Nàng cứ nghĩ rằng chuyện của Chu Ngọc sẽ lắng xuống một thời gian thì ngay ngày hôm sau nàng lại nhận được thiếp mời của hắn.

Mà lần này lại không hề tầm thường, Chu Ngọc cử một hộ vệ đến đưa thiếp mời hoa mai lấy từ cống phẩm trong cung, kèm theo một bộ váy thêu khổng tước của đất Thục do đích thân hắn lựa chọn. Hơn nữa, Chu Ngọc còn nhắn rằng: “Yến hội lần này tổ chức cho riêng khanh.”

Mà địa điểm tổ chức còn chính là biệt viện của Trang phủ. Đã từng là nhà giàu có nhất huyện Kinh, hiện giờ họ đang tích cực tìm kiếm mối làm ăn mới. Khi họ nghe nói có mấy vị lang quân đến từ Kiến Khang định thuê một trang viên tổ chức một buổi yến hội, vì thế Trang gia bèn ra tay. Bọn họ bái kiến Chu Linh, bày tỏ thành ý tha thiết, nguyện dâng biệt viện phong cảnh tú lệ nhà mình cho khách quý dùng tạm, mà tất cả những chi phí phát sinh đều do Trang gia gánh vác. Nói thật ra chi tiền mua một trang viên không phải là ý kiến hay. Bởi vì không phải ai cũng tu sửa trang viên của mình đến mức tinh xảo xinh đẹp đợi người khác đến mua cả. Thế nên, Trang thị vừa đưa ra thỉnh cầu này, Chu Ngọc lập tức đồng ý.

Song, hiện giờ, quản sự tại biệt viện lại là mẫu thân của Trang Thập Tam. Thấy bà ta hăng hái chỉ đạo đám hạ nhân quét dọn trang trí, không còn ủ rũ như trước đây, một tỳ phụ thân cận với bà ta nở nụ cười: “Hôm nay phu nhân thật cao hứng.”

Bà ta cười đến nỗi mặt đầy nếp nhăn: “Ngươi biết mấy vị Chu lang này là nhân vật có tầm cỡ thế nào không? Họ đến từ Kiến Khang đấy.”

Thời đại này giao thông bất tiện, trên đường lại đầy rẫy nguy hiểm rình rập, rất nhiều người ở huyện Kinh lẫn Kinh Châu đến tận cuối đời vẫn chưa hề gặp người Kiến Khang lấy một lần. Với người đương thời, Kiến Khang là vùng đất thật thần bí, trù phú bậc nhất, và cũng cao xa vô cùng, mà người đến từ nơi đó toàn người xuất thân cao quý, tài ba lỗi lạc. Thế nên mấy hạ nhân vừa nghe đến đây đều kinh ngạc xuýt xoa.

Trang mẫu cố gắng dằn lại nỗi kích động, đắc ý khoe khoang: “Vị lang quân Chu Ngọc kia là người được công chúa để mắt đấy. Không chỉ có Chu Ngọc mà ba vị Chu lang còn lại cũng là khách quý thường xuyên ra vào hoàng cung nữa.”

Nói đến đây, bà cười tít mắt: “Vị lang quân Chu Ngọc kia bảo rằng hắn sẽ xem xét giao cho Trang phủ ta phân phối muối từ mỏ riêng của Chu phủ tại Kinh Châu. Phụ thân bảo, chỉ cần ta dốc sức trang trí biệt viện làm vui lòng Chu Ngọc, thúc đẩy cho việc này thành công là lập được công lớn cho Trang gia rồi. Đến khi Chu Ngọc thực hiện lời hứa thì ta lại sẽ có thể trở lại làm chính thê.”

Đám hạ nhân nghe xong vui mừng quá đỗi, khom người hành lễ: “Chúc mừng phu nhân, chúc mừng phu nhân.”

Trong lúc đang huyên náo, có người chạy đến hô to: “Khách quý đến rồi.”

Vẻ mặt Trang mẫu liền nghiêm trang, dẫn mọi người ra ngoài đón khách.