Kỳ Án Ánh Trăng

Chương 19: Đúng hay là sai



Ngày 6 tháng 2
“Bà dùng nhân cách của ai khi nói chuyện với bác sỹ Tuấn?”. Cảnh tượng bác sỹ Tuấn nhảy lầu đã làm đậm thêm bức màn đen ám ảnh Diệp Hinh, sự đe doạ của cái chểt ngày càng mạnh thêm. Hinh bắt đầu ngủ mê thấy hình ảnh Thẩm Vệ Thanh nhảy lầu, cô hiểu rằng cô đã tin theo tín ngưỡng nào thì vẫn có một số sự việc dường như không thể tránh khỏi. Tâm trạng Hinh bắt đầu xuống dốc, hàng ngày, chỉ những lúc gặp gỡ Tạ Tốn hoặc mẹ, Hinh mới cảm thấy cuộc sống còn có hương vị ngọt ngào. Nhưng bây giờ mẹ Hinh đã kết thúc đợt nghỉ một tuần lễ, sắp phải lên đường. Bà San sẽ bị đưa sang buồng bệnh nhân nặng, Hinh muốn tận dụng những cơ hội cuối cùng này để hoá giải bầu không khí thần bí vây quanh bà già ấy.

“Nếu tôi còn nhớ được, thì tôi đã không bị coi là mắc bệnh tâm thần đa nhân cách. Cô nên biết rằng, bệnh nhân đa nhân cách –ngoài bản thân ra – thì không thể ghi nhớ về các biểu hiện nhân cách khác. Nếu không, thì chỉ là diễn kịch mà thôi. Bên công an cũng đã hỏi tôi, nhưng tôi trả lời gì được? Chắc chắn họ cũng sẽ hỏi cô: tại sao cô lại tìm đến hiện trường?” Bà San nằm trên giường, đôi mắt nhìn thẳng lên trần nhà, hỏi vặn lại Hinh.
“Lúc đó cháu thấy nhức đầu, có cảm giác như bị một sức mạnh từ bên ngoài dắt mình đi, thế là cháu đi tìm. Cho đến khi tìm thấy phòng điều trị mà bà đang có mặt, khi bước vào gian trong thì lại không thấy nhức đầu nữa.” Hinh trả lời bà San, có sao nói vậy. Giờ đây Hinh hầu như có thể khẳng định: bà San là nhân vật then chốt của hàng chuỗi sự việc ly kỳ.

“ Theo tôi, sau khi bác sỹ Tuấn nhảy lầu, thì cô đã hết nhức đầu!”
“Bà đừng nói linh tinh thế! Tuy cháu bất mãn với việc chẩn đoán và quyết định của bác sỹ Tuấn, nhưng cháu cũng chưa bao giờ có ác cảm với ông ấy. ông ấy là một thầy thuốc giỏi và rất cần mẫn.”
“Cô giải thích chuyện nhức đầu của cô như thế, có hợp với lẽ thông thường không?”
Hinh lắc đầu. Bà San cứ như là đã hiểu thấu tất cả. “Hình như cô ngày càng giống tôi, chứng tỏ cô có duyên với nơi này, sau này cô sẽ còn thường xuyên vào đây!”

“Cháu sẽ không! Theo cháu nghĩ, trên đời này có những chuyện không thể giải thích bằng những lý lẽ thông thường, nhưng cháu sẽ không bận tâm làm gì.”

“Nói một đường, nghĩ một nẻo. Mồm nói là thế, nhưng tại sao cô cứ đeo bám mãi “vụ án mưu sát 405”?
Lúc này Hinh mới nhớ ra rằng bà lão này có thể nhìn thấu ruột gan người ta, cô bỗng rùng mình: nếu định “moi tin” bà lão thì khác nào con thiêu thân lao vào lửa?
“Tôi không đáng sợ như thế đâu, tôi cũng buồn vì cái chết của ông Tuấn. Tôi không muốn nhìn thấy bất cứ ai -kể cả cô - phải chết”. Bà San muốn chấm dứt sự im lặng của Hinh, nhưng rõ ràng là câu nói này không có mấy tác dụng an ủi.

“Bà đã nhìn thấy rất nhiều người chết, phải không?” Mới chỉ trong vòng một tháng, cháu đã tận mắt nhìn thấy hai người nhảy lầu.”
“Tôi chưa nhìn tận mắt quá nhiều cảnh chết chóc, nhưng dù nhìn thấy một ai đó đang sống khoẻ mạnh, tôi cũng có thể cảm thấy cái chểt đang có mặt. Hồi tôi còn trẻ, thường dại dột nói luôn với người ta, thế là tôi bị đưa vào đây. Mọi người xung quanh đều nói triệu chứng của tôi là điển hình của người bị “ma ám”, tức là bị ma nhập vào người. Hồi đó, tôi nửa tin nửa ngờ, nhưng sau này thật sự hiểu rõ – toàn là nói láo cả!”
Hinh nhớ đến cảnh tượng ở phòng điều trị, bà San chẳng phải rất giống như “bị ma nhập” hay sao?
“Có lẽ, ma mà người đời thường nói, chính là cái chết là bà cảm nhận thấy. Thực ra nó ở đâu?”
Bà San đang nằm bỗng ngồi thẳng người dậy, đưa sát mặt vào gần Hinh, như muốn nhìn cô cho thật rõ, đồng thời giơ ngón trỏ của bàn tay phải gõ gõ vào đầu: “Chúng đều ở trong này!” Rồi lại chỉ ngón tay trỏ vào trán Hinh: “Chúng cũng nằm ở đây!” Nói xong, bà ta lại nằm thẳng đơ trên giươngg.
Hinh sững sờ, cô bỗng cảm thấy cái cách nói này nghe quen quen… “Cháu không hiểu bà nói thể là ý gì”. Hinh chỉ mong bà San nói cho rõ.

‘Cô không hiểu thật à? Đã nghe cái câu tục ngữ “ma ám tâm trí” và “trong lòng có ma” bao giờ chưa?”
“Ý bà nói là thực ra trên đời này không hề có ma, ma quỷ chỉ có ở trong đầu người ta thôi, đúng không ạ?”
“Tôi cũng sẽ không nói là đúng, và cũng không bảo là sai.”
“Vậy rốt cuộc là đúng hay là sai?”
Bà San lại ngồi dây, cả hai ngón tay trỏ cùng chỉ vào trán Hinh: “còn muốn tôi phải nói bao nhiêu lần nữa? Cô cho là đúng hay cho là sai cũng thế, đều là ở đây!”.

12h ngày 3 tháng 6
Bà San đã bị chuyển đi, Hinh lại thấy hơi ngao ngán như thiếu vắng một cái gì đó. Phải chăng sẽ không thể lại có được những ngày tươi sáng? Tình cảm của Tạ Tốn và sự che chở của mẹ dường như chưa thể làm tiêu tan sự ám ảnh của tử thần mơ hồ quanh quẩn đâu đây: “Vụ án mưu sát 405” vẫn chưa sáng tỏ, bà Uông Lan San có lẽ là điểm nút để tháo gỡ mọi điều bí ẩn, nhưng bà ta thì điên điên rồ rồ, chính bà ta đã như một bóng đen cực lớn, có thể giết người trong gang tấc chẳng ai dám đến gần, nữa là định coi bà ta là một đầu mối thật sự! Các nữ sinh ngày trước nằm viện không ai thoát khỏi nhảy lầu, liệu có liên quan đến bà San không?
Hinh đang ngồi đờ đẫn thì cô y tá đến, nói là có người vào thăm Hinh. Đó là thầy giáo trẻ Chương Vân Côn dạy môn giải phẫu. “Thưa thầy, buổi tối hôm đó, chắc em đã làm thầy bị liên lụy.” Vân Côn vào thăm, Hinh thấy hơi ngạc nhiên.
“Không đến nỗi nào. Đúng là nhà trường có hỏi đến tôi, nhưng Hinh đâu phải phạm nhân bị truy nã, tôi cũng không làm điều gì trái pháp luật, nên cũng không bị o ép gì cả.”
“Thầy vào gặp em có việc gì không ạ?”
“Không. Chỉ là thăm bạn thôi. Tôi mong Hinh chịu khó dưỡng bệnh, để sớm ra viện. Nếu Hinh bằng lòng, kỳ nghỉ hè này tôi sẽ dạy bù cho, đừng để bị lưu ban.”
Hinh gật đầu cảm ơn.
Mỗi người thân, bạn học, thầy giáo vào thăm, đều đem đến cho Hinh sự đầm ấm và lòng can đảm.
Hinh trở về buồng bệnh, như được thêm phần khích lệ, cô mở cuốn giáo trình giải phẫu học ra đọc. Khi mới vào đây, Hinh không tin rằng mình sẽ bị ở lại lâu dài, cô mang theo một lô giáo trình. Cô rất sợ bị thiếu bài vở. Nào ngờ, vào đây rồi, đêm đêm bị kinh hoàng như thế khiến Hinh tiu nghỉu, thế là đành gác chuyện học hành lại. Đây là lần đầu tiên cô mở sách ra, mới đọc chừng nửa giờ đã thấy mỏi mệt.
Mắt Hinh rời khỏi trang sách, cô muốn đứng lên đi dạo, tạm nghỉ một lát. Mới đi được vài bước, Hinh nhìn thấy thầy Côn ngồi trong phòng làm việc của y tá đang cúi đầu trên bàn đọc một thứ gì đó.
Trong phòng làm việc của y tá thì chỉ có hồ sơ bệnh án của bệnh nhân là đáng để đọc, nhưng thầy Côn chỉ là một giáo viên dạy môn giải phẫu thì sao lại được phép đọc hồ sơ bệnh án ở đây chứ? Thầy ấy đang xem hồ sơ bệnh án của ai vậy nhỉ?
Đoán rằng thầy Côn có mặt ở đây chắc là có liên quan đến mình, Hinh bèn rảo bước đi đến. Vân Côn bỗng ngẩng đầu, nhìn thấy Hinh ngoài cửa kính, anh hớt hải vội vã đứng lên bước ra khỏi phòng, bóng anh mất hút trong hành lang dài.

“Vừa nãy thầy giáo Côn đã đọc bệnh án của ai thế? Thầy ấy đâu phải bác sỹ ở đây, có tư cách gì mà vào đọc bệnh án?” Hinh đoán chắc phải có uẩn khúc chi đây, cô sẵng giọng hỏi các chị y tá.
Các cô y tá thì không nghĩ thế, nên trả lời rất tự nhiên: “Anh ấy đã được giám đốc bệnh viện ký giấy cho phép, anh ấy đọc hầu hết bệnh án của mọi người”.
“Thầy ấy có đọc bệnh án của em không?’
“Chúng tôi không giám sát nên không biết.” Các cô y tác đưa mắt nhìn nhau, Hinh cũng đã hiểu ra. Nhưng tại sao thầy Côn lại đọc bệnh án của cô?
Không hiểu tại sao, cái bống đen ám ảnh cô lại mỗi lúc một lớn hơn. Hinh thậm chí cảm thấy mình đang bị rơi vào một âm mưu lớn, khó mà thoát ra và cũng không được ai hỗ trợ.
“Có khách vào thăm Diệp Hinh kìa!” Các cô y tá đã có cớ để xua Hinh đi ra.
Hinh hoàn toàn không ngờ người đang ngồi trong phòng tiếp khách lại là Âu Dương Sảnh. “Sảnh ơi, hãy cứu mình ra khỏi đây!” Hinh không ngờ mình lại mở đầu bằng câu nói thảm thương này.
Sảnh vốn đang cảm thấy hơi thấp thỏm, lúc này nhìn Hinh nhợt nhạt trong bộ quần áo bệnh nhân, mái tóc dài không được chải gọn gàng, cô bật khóc.
Sảnh - một cô gái trời không sợ, đất không sợ, thì ra cũng biết khóc!
Hinh chợt nhận ra mình quá uỷ mị mềm yếu, Sảnh lần đầu vào thăm, sao mình lại để cho bạn phải khóc thế này?
“Sảnh ơi, mình không hoa mắt nhìn nhầm đấy chứ?” Hinh nắm chặt hai cánh tay Sảnh, ngắm nhìn Sảnh mãi. Sảnh cũng đang như vậy, nước mẳ yếu đuối làm ướt đôi má cô.
Hinh nhận thấy Sảnh sau một thời gian nghỉ dưỡng bệnh lại có phần đẫy đà hơn trước, cô liến thoắng khen ngợi để làm dịu bầu không khí buồn bã: “Lúc này cậu đã không còm nhom nữa, đã thành một mỹ nhân rất chuẩn rồi!”
Sảnh “xuỳ” một tiếng, cô trở lại bản tính vốn có: “Hinh gớm thật đấy, vừa thấy mặt đã nói kháy nhau rồi! Tớ vừa mới được bệnh viện giảm án cho, bèn vào đây ngay với cậu! Cậu thấy bất ngờ phải không? Cậu đang ngỡ là ai vào thăm? Tớ thử đoán xem nào… có phải là anh chàng Tạ Tốn không? Huyền thoại “cặp tình nhân hạng sao” thật đáng để người ta ngưỡng mộ! Tớ lại đoán tiếp: có phải anh giáo viên trẻ dạy môn giải phẫu không? Tớ vừa nhìn thấy anh ta, có phải là anh ta vừa vào thăm cậu không?”
“Thôi đừng nhắc đến làm gì! Tớ vẫn nghĩ anh ta là người rất tốt, nhưng vừa rồi lại thấy hơi lạ lùng: anh ta vào để đọc bệnh án của tớ!” Hinh cau mày.
Sảnh ơ một tiếng, rồi nói: “Tớ sẽ tìm cách điều tra về anh ta. Lâu nay tớ buồn thỉu buồn thiu, khi nghe nói cậu bị ép vào nằm viện, bệnh vàng da của tớ vẫn chưa ổn, tớ rất ức vì không thể vào thăm cậu, tớ đã mấy lần ngồi khóc mãi!”
Hinh cảm động rơm rớm nước mắt: “Thôi nào thôi nào, thực ra tớ vẫn ổn, chỉ tại chuyện lúc trước hấp tấp điều tra “vụ án mưu sát 405” khiến mọi người cho rằng tớ bị tâm thần! Tuy nhiên, tớ cũng lần ra được một số đầu mối, nhưng những đầu mối này lại dẫn tớ đến một mê cung lớn hơn! Nếu cậu không vào đây, chắc tớ đành phải từ bỏ, vì vẫn phải tiếp tục nằm viện.”
“Chuyện là thế nào cậu kể hết đi, đừng bỏ sót một điểm nào -kể cả các tình tiết với “Kim Mao Sư vương”.
Sảnh rời bệnh viện tâm thần ra về với một tâm trạng vừa vui mừng vừa nặng nề cùng đan xen. Cô nhìn bầu trời rực nắng, cố cảm nhận tâm trạng của Diệp Hinh đang sống trong bệnh viện. Hinh nhất định không công nhận mình mắc bệnh tâm thần, giữ vững tâm thế ấy lâu dài như vậy, riêng điểm này đã là rất hiếm thấy rồi.
Nhưng Hinh có mắc bệnh tâm thần thật không? Sảnh thấy mình đáng bị ăn đòn vì dám nảy ra ý nghĩa này, sao mình lại có thể nghi ngờ trạng thái thần kinh của Hinh! Mọi trạng thái vui buồn hay hờn dỗi của Hinh vừa nãy không hề có điểm nào hơi thái quá, Sảnh cảm nhận thấy Hinh thậm chí còn “bình thường” hơn nhiều so với tuyệt đại đa số người bình thường khác!

Nhưng Sảnh cũng hiểu rằng bệnh viện chuyên ngành thần kinh Giang Kinh nổi tiếng cả nước không thể đơn giản mà “hội chẩn nhầm”, huống chi mẹ cô nói là, bác sỹ Đình và bác sỹ Tuấn là hai thầy thuốc kỳ cựu và tài ba, tỷ lệ nhầm lẫn của họ vô cùng thấp. Mọi biểu hiện tâm thần của con bệnh đâu phải luôn xuất hiện từng giờ từng phút, có lẽ vừa nãy chỉ là lúc Diệp Hinh đang tỉnh táo cũng nên.
“Âu Dương Sảnh!” Bỗng phía sau cô có tiếng gọi. Một nam sinh viên vóc người tầm thước đi đến, Sảnh nhớ ra đây là anh bạn đồng hương của Diệp Hinh - hội trưởng hội nhiếp ảnh của trường, có cái tên nghe là là: Du Thư Lượng.
“Bạn vừa vào thăm Diệp Hinh à?”
“Đúng thế”. Sảnh hơi có ý dè chừng nhìn Lượng, lượng mặc áo choàng trắng, một cuốn giáo trình đang kẹp nách. ‘Bạn ấy thế nào rồi?” “Vẫn ổn cả!” Lượng thấy Sảnh có vẻ e dè kín tiếng, anh không hỏi thêm nữa. Anh chào Sảnh rồi dắt xe đạp đi, Sảnh không nén được bèn gọi: “Anh muốn biết Hinh đang thế nào, sao anh không vào thăm bạn ấy?”
“Mấy hôm trước tôi đã vào vài lần, bọn tôi đang kiến tập thực tế ngay ở đây, nên rất thuận tiện.”
“Hinh phải nằm viện, sao nam giới các anh đều thi nhau vào thăm nhiều thế nhỉ? Tuy nhiên, Hinh như bông hoa lê gặp mưa – em còn thấy thương nữa là, nam giới các anh tích cực hơn là phải? Nhưng em lấy làm lạ, mấy hôm qtrước anh vào thăm, sao hôm nay lại không vào?”
Lượng há miệng ngạc nhiên, sau cặp kính, đôi mẳt anh chớp mạnh mấy cái, rồi mới nói: “Tôi xin nói rõ vậy: tôi và Hinh chỉ đơn thuần là tình đồng hương! Tôi biết Sảnh là bạn chí than của Hinh, tôi xin nói thật là mỗi lần gặp Hinh, tôi lại thấy buồn buồn.”
Thế mà em chưa được biết, anh Lượng là con người đa sầu đa cảm! Tại sao anh lại thấy thế ạ?”
“Lại còn phải hỏi à? Hinh phải nằm viện, môi trường này gây ức chế rất căng, bị ở lâu rồi mà bệnh tình chưa khá lên tý nào…’
“Dừng lại đã, anh nói gì cơ? Chưa khá lên? Em thấy rằng Hinh căn bản không có vấn đề gì hết! Căn cứ vào đâu mà anh cho rằng Hinh có vấn đề thật? Anh thử nói xem?”
Lượng ngẩn người: “Có phải cô đã lâu chưa về trường không?”
“Em bị viêm gan A nên về nhà tĩnh dưỡng, vừa được giải phóng thì em vào đây ngay!”
“cũng không thể trách gì được. Thoạt đầu tôi cũng cho rằng Hinh không có bất cứ vấn đề gì, chỉ hiềm.. có một vài chuyện tôi thực tình không muốn nói, rất khó nói… Cô cứ về trường mà hỏi.”
“Trường thì rộng, người thì đông hàng vạn, em biết hỏi ai đây?” “Tôi cung cấp cho Sảnh một chi tiết: đã nghe nói về “cặp tình nhân hạng sao” chưa?”
Sảnh vờ không biết gìm cô nhíu mày: “Nghe cứ lạ hoắc! Họ nói về anh à?”
“Vớ vẩn! Ở lớp C của các cô có một nam sinh viên…”
“Ôi, anh bị mắc lừa rồi! Tất nhiên em đã biết “Kim Mao Sư Vương”! “Cứ về mà hỏi anh ta đi!’

16h ngày 3 tháng 6
“Anh Tốn ở đây phải không?” Sảnh đứng ở hành lang ký túc xá nam nồng nặc khen khét, cô vừa lắc đầu vừa gõ cửa phòng. Cửa không đóng, nhưng vì Sảnh thoáng nhìn thấy có người đang thay áo nên đành lịch sự gõ cửa. Nghe thấy một giọng nam nói: “Sư Vương ơi, vận đào hoa đã đến kìa!”
Sảnh bực mình, lẩm bẩm đọc thơ Mao Trạch Đông: “Khoai đã nấu chính, cho thêm thịt bò, không ăn thì vứt!” Anh chàng Tạ Tốn có ở đấy hay không, sao cứ ngại ngùng e thẹn như con gái thế nhỉ?’
Vừa dứt lời thì thấy ngay một nam sinh cao lớn bước ta, mày thẳng mắt sáng, rất điển trai. Sảnh thầm thán phục Hinh tinh mắt. Cô hỏi: “Anh là Tạ Tốn phải không?”
“Không phải tôi” “Thế thì anh ra làm gì? Không phải tôi đến để chia suất cơm, anh định nhận vơ cũng không xong đâu! Tôi muốn gặp anh Tốn, anh gọi giúp tôi với!’ Sảnh cất cao giọng.
“cần gì bạn cứ nói với tôi!” “Nhưng anh là ai?” “Lệ Chí Dương. Vì Tạ Tốn bị quấy rối quá nhiều, nên tôi phụ trách nhắn tin cho cậu ấy!”
Sảnh chợt nhớ ra: đây là anh chàng mặt lạnh mà Hinh đã từng nhắc đến. Dù biết anh chàng này khá khăng khít với Tạ tốn. “Tôi chẳng quan tâm tên anh là gì, nhưng anh là vợ hay là bà bô của anh Tốn thế này? Anh ấy là trang quốc sắc thiên hương hay sao mà sợ người ta đến quấy rối? tôi cần nói chuyện với anh ấy, anh gọi giúp đi! Tôi là bạn thân của Diệp Hinh!”
Đôi mắt Chí Dương bỗng trợn tròn như muốn “toé lửa”, chằm chằm nhìn Sảnh: “Được! Bọn này đang muốn tìm Diệp Hinh để tính sổ thì các cô lại tự tìm đến! Diệp Hinh đã mắc bệnh tâm thần gì, sao lại còn kéo theo cả cậu Tốn? Ngay cả công an cũng đến tận đây để hỏi toàn những chuyện giời ơi! Bạn nói đi, Diệp Hinh đã lên cơn rồ dại gì thế?”
“Anh lên cơn rồ dại thì có!” Nếu là các cô gái khác bị Chí Dương bốp chát sỉ vả như thế, chắc đã phải oà khóc, nhưng đây lại là Âu Dương Sảnh – cô chỉ hơi rơm rớm thôi. Sảnh lừ mắt nhìn lại, lạnh lùng nói: “Hinh đang phải nằm viện, có lẽ bạn ấy cũng có chỗ hiểu lầm gì đó nên tôi đến để tìm hiểu, làm rõ vấn đề. Nhưng nếu không nói chuyện với anh Tốn thì sao mà biết được? Không cho người ta làm rõ sự việc, lại còn cắn nhặng cả lên!” Sảnh lại cất cao giọng hơn nữa: “Tạ Tốn! Nếu anh vẫn còn là đàn ông đàn ang thì ra đây nói cho rõ xem!”
Một nam sinh viên đứng bên nói ỡm ờ bí hiểm: “Kìa, Lệ đại hiệp cũng chỉ vì quá yêu…” Chưa nói hết câu đã bị Lệ Chí Dương cho ngay một chưởng vào ngực, khiến anh chàng ho lụ khụ. “Bạn cứ lấn lướt người ta kiểu này, thì ai biết là bạn có thiện chí hay không?” Một anh chàng đầu tóc bù xù từ trong phòng bước ra, mặt mũi ỉu xìu. “Mình là Tạ Tốn đây!”.
Sảnh thấy bộ dạng Tốn co ro thiểu não, cô quá thất vọng: “Anh can đảm thế này kia đấy?” “Sao trách tôi gì được? Chỉ tại Diệp Hinh thân thiết của bạn, cho nên lúc thì phòng quản lý sinh viên, lúc thì công an, lúc thì nội san và trạm phát thanh của trường… thi nhau đến tra hỏi hành hạ tôi, ấy là chưa kể đến các đồng đội ở nhà này toàn trêu chọc tôi nữa! Tôi vốn học hành chỉ tầm tầm nhưng bây giờ thì khốn khổ rồi, không dám lên lớp nữa! Nếu thi trượt vài môn, thì trường sẽ ra lệnh đuổi học tôi, đến lúc đó thì tôi không thể lên phòng 405 của các cô em mà nhảy lầu, tạo nên “đột biến” trong “vụ án mưu sát 405” – đã có nam giới chết! Cô xem, thế có thú vị không?”
Sảnh cũng đã thấy nguôi nguôi, nghĩ thầm “cũng chẳng phải anh ta nói đều là sai cả, lại còn có vẻ hài hước nữa, vẫn có vẻ “Tạ Tốn” mà Hinh thường miêu tả.” Sảnh nhìn khắp lượt các chàng trai đứng quanh, nghiêm giọng nói: “Xem gì mà xem? Sao cứ như các ông bà già về hưu, chỉ hay rỗi hơi rách việc thế?” Chí Dương cũng khá thông minh, biết rằng lúc này mình nên “chung mối hờn căm”, Dương trợn mắt nhìn đám đông khiến họ ù té luôn. Tốn khoát tay: “Ta vào đây nói chuyện nào!”
Hai nam sinh trong phòng biết ý, bèn rủ nhau đi ra ngoài đá bóng. Tốn và Sảnh ngồi đối diện nhau, Chí Dương cũng ngồi cạnh Tốn. Sảnh nói chẳng mấy vui vẻ: “Tại sao ở đây lại có thêm một người thứ ba? Anh có việc gì chăng?” Dương định sửng cồ, Tốn vội nói luôn: “Bất cứ chuyện gì mình cũng nói với Dương, hai chúng tôi không giấu nhau bao giờ. Yên tâm đi!”
Sảnh thầm nghĩ: “Trên đời lại có những anh chàng như thế này kia đấy!” Cô vào đề luôn: “Được, em xin hỏi: anh có quen Diệp Hinh hay không?”
“Hiện giờ dù muốn không quen cũng khó mất rồi! Được gọi là “người tình hạng sao” kia mà! Thực ra mình cũng chưa thực biết về Hinh, trước khi lên lớp học chung, bình luận về em này em kia, đúng là mình có để ý đến Hinh, xinh đẹp thì dễ gây chú ý! Kể cả bạn nữa, hai người cứ như một cặp tình nhân, bọn mình đã nhiều phen nói đùa với nhau… Nhưng thôi, không nói xa xôi nữa, mình có thể đảm bảo rằng mình chưa ngỏ lời với bạn ấy bao giời!”
“Anh có đi Vô Tích, Nghi Hưng chứ?”
“Không! Mấy hôm đó mình toàn ở trường, lúc nào cũng có thể mời một vốc người làm chứng về điều này! Vì thế mà mấy tay công an từ Nghi Hưng đến cũng phải trở về tay không!”
“Anh biết hát không? Đàn piano thì sao?”
“Chỉ gào suông, thì ai chẳng biết! Nhưng mình mù nhạc, lên hát sao được! Piano thì càng ngu, chưa bao giờ sờ tay vào! Mình biết bạn định hỏi về chuyện thi hát hồi nọ, oan cho mình quá! Về sau có khối người sỉ vả mình, nói là đã ghi tên rồi lại không tham gia, phí thì giờ của họ!”
Sảnh ngồi ngây ra đó, như có trăm ngàn ý nghĩ, nhưng lại dường như trống rỗng, cô lẩm bẩm một mình: “Chẳng hiểu có nên tin anh hay không đây.” Điều này quá đủ để chứng minh Diệp Hinh đang mắc bệnh tưởng tượng. Điều đáng buồn hơn nữa là ở đây lại có tình yêu thơ ngây chân thật của Hinh.
Chí Dương nói: “Nếu đã không tin thì bạn tại sao lại đến đây hỏi làm gì?’
“Em hỏi một câu cuối cùng: vậy từ ngày Hinh đi viện, anh đã vào thăm bạn ấy chưa?”
“Chưa! Tôi không dại gì mà mua dây buộc mình đâu!”
Lời của Tốn chẳng khác gáo nước lạnh tạt vào mặt Sảnh, lạnh thấu tim gan. Cô thấy đầu óc quay cuồng. Phải chăng đây là hiện thực tàn nhẫn? Đúng là Hinh đã có ảo giác - biểu hiện điển hình của chứng tâm thần phân liệt. Ảo giác này kéo dài đến tận bây giờ, nó quyết định Hinh chưa thể mau chóng ra viện. Hinh tưởng mình đang sở hữu một tình yêu hoàn mỹ, mà thực tế chỉ vốn chưa hề quen biết Tạ Tốn, tại sao Hinh lại có ảo giác này? Hay là Hinh đang trở thành nạn nhân của “vụ án mưu sát 405”?
Điều kỳ lạ là, Hinh miêu tả về Tạ Tốn sinh động và rất thật đến nỗi ai cũng phải tin, có phải bệnh của Hinh đã rất nặng không? Ra khỏi ký túc xá nam, Sảnh vừa đi vữa nghĩ ngợi, chẳng hiểu mình đã bước đến cửa phòng của hội sinh viên từ lúc nào.
“Đúng thế, hôm dẫn chương trình thi bài hát tự biên tự diễn, Hinh đã có một vài dấu hiệu.” Khi nghe Sảnh hỏi về “sự kiện Tạ tốn đến sân khấu muộn giờ”, anh trưởng ban văn nghệ bỗng nhớ về Diệp Hinh và nói tiếp: “Chuyện là thế này: cuộc thi hôm đó thoạt đầu rất suôn sẻ, trước lúc số 5 ra hát, chúng tôi nhận ra rằng số 6 Tạ Tốn chưa có mặt ở hậu trường; danh sách thì có tên anh ta, chúng tôi nhận ra đó là chữ viết của Diệp Hinh. Lúc đó Hinh rất cuống, đã gọi loa vài lần để thông báo Tạ Tốn đến ngay hậu trường. Nhưng chẳng thấy anh ta đâu, chúng tôi chờ khá lâu, khán giả đã bắt đầu la ó. Anh bạn cùng dẫn chương trình với Hinh là Tiết Lập Dương nói là khỏi cần đợi nữa, sẽ mời người kế tiếp ra hát vậy. Nhưng Hinh nói cứ đợi, rồi cô ấy đứng đó lẩm bẩm một mình…khán giả càng la ó khiếp hơn, suýt nữa thì náo loạn. May mà Lập Dương nhanh trí, mời một cậu cũng là hạt nhân văn nghệ lên hát hai bài hát karaoke, đồng thời nhắc người tiếp theo chuẩn bị ra sân khấu. Thế là tạm ứng phó được việc. Cũng may cậu kia ra lấp chỗ trống đã hát rất hay, bắt chước Chu Hoa Kiên rất giống nên lại còn được vỗ tay tán thưởng nữa. tôi nhìn sang Hinh, thấy cô ấy nước mẳt lưng tròng và đã tỉnh táo trở lại, cùng Lập Dương lên sân khấu.
Nhưng tiếp đó Hinh dẫn chương trình khá thành công nên chúng tôi hầu như đã quên hiện tượng khác lạ của Hinh vừa nãy. Đến lúc công bố trao giải thì tôi mới thấy có điều không ổn: vì Hinh hỏi tôi rằng vì sao Tạ tốn không được nhận giải? Tôi định bảo Hinh giải thích thì cô ấy chạy biến luôn. Chúng tôi mải thu dọn sân khấu nên cũng không gặp lại Hinh để hỏi thêm gì nữa. Từ sau đó, không thấy Hinh đến hội sinh viên, chúng tôi nghe nói cha Hinh ốm rồi qua đời, Hinh lại bỏ học để đi Vô Tích, hình như cô ấy gặp khá nhiều khó khăn…”
“Thế này… tức là Tạ tốn không nói sai. Đúng là anh ta không dự thi hát gì hết.” Sảnh lại lẩm bẩm một mình.
Anh trưởng ban văn nghệ nghĩ bụng: cô này cũng chẳng hơn gì Diệp Hinh. Nhưng rồi lại nhớ ra một điều: ‘tôi có băng ghi âm tối hôm đó, vì máy ghi âm đặt gần ở gần vị trí Hinh và Lập Dương dẫn chương trình, lại là ghi chung tất cả mọi âm thanh – chưa biết chừng có thể thu các âm thanh ở bên cạnh sân khấu. Nếu bạn muốn, thì có thể nghe, miễn là có lợi cho Hinh điều trị chóng khỏi thì tốt! Nói thật nhé, tôi còn định bảo Hinh làm phó ban để sau này kế nhiệm tôi.”
Sảnh vội nói: “Vâng thế thì hay quá.”
Anh trưởng ban tìm cuốn băng cát sét, thao tác “chạy tiến chạy lui”, rồi bật lên nghe. Thấy sau một tràng vỗ tay là giọng nói của Hinh: “Bây giờ xin mời Ban giám khảo cho điểm. Nhân đây chúng tôi xin thông báo khẩn: mời ca sỹ Tạ Tốn đến ngay phía sau sân khấu.” Chừng nửa phút sau, lại là giọng Hinh: “Mời ca sỹ số 6 Tạ Tốn đến ngay phía sau sân khấu.” Lập Dương và Hinh đã đọc xong điểm số của số 5, Hinh lại thông báo: “Mời ca sỹ số 6 Tạ Tốn đếng ngay hậu trường. Đây là lần gọi cuối cùng, nếu không đến anh sẽ bị loại!”
Có rất nhiều tiếng lao xao, tiếng huýt sáo nổi dậy đó đây. Có tiếng Lập Dương nói: “Diệp Hinh ơi, không thể cứ đợi mãi thế này, ta gọi người tiếp sau ra thôi!”
Lại nghe thấy giọng Hinh: “Cứ đợi thêm vài phút nữa!” Tiếng la ó càng nhiều hơn. Lại thấy giọng Hinh trở nên mạnh mẽ, hình như đang chất vấn ai đó: “Thì ra anh biết chơi ghi ta, tại sao lại bảo tôi đi mượn đàn piano, chẳng phải hoài công tốn sức là gì?”
Tiếng Lập Dương ngạc nhiên: “Kìa, Hinh đang nói gì vậy? Bạn nói với ai thế?” Hình như Hinh thở dài, sốt ruột nói: ‘Đừng lắm lời nữa, mau lên hát đi!”
Rõ ràng Lập Dương có phần sợ hãi; “Hinh đang nói ai lắm lời? bảo ai mau lên hát? Bạn không sao chứ?” Tiếp đó là tiếng Dương gọi: “Này trưởng ban ra mà xem, Diệp Hinh... hình như bạn ấy... hình như hơi có vẻ...”
Tiếng anh trưởng ban hỏi: “Diệp Hinh ư? Diệp Hinh làm sao thế?” Rồi anh dặn dò:”Cậu Dương mau nghĩ cách để cứu sân khấu, có lẽ Diệp Hinh bận lắm việc, rồi quá mệt... Mình để bạn ấy bình tĩnh trở lại đã rồi mới lại tiếp tục thi...”
Dương bèn gọi luôn: ‘Băng Quân lên đây chữa cháy hộ với! Cậu có sở trường về “Chu Hoa Kiện”. Tiên Vũ Hà phụ trách đệm nhạc, mình phải ra dàn xếp cho yên!”
Tiếng la ó bớt dần, tiếng Lập Dương thông báo: “Sau đây, hội sinh viên xin gửi tới các bạn một niềum vui bẩt ngờ: một ngôi sao sáng của bầu trời ca hát đã viếng thăm cuộc thi hát của chúng ta! Mời các bạn nhắm mắt lại, nghe xem đây là giọng hát của ai?’
Nhạc dạo giai điệu bài “Không muốn cô đơn” của Chu Hoa Kiện vang lên, Băng Quân cất tiếng hát, chất giọng y hệt Chu Hoa Kiện. Có một khán giả nữ phía dưới reo lên: “Chu Hoa Kiện”
Tiếng đàn đệm rất vang át cả mọi tiếng nói chuyện ở hậu trường, nhưng vẫn lẳng nghe thấy tiếng anh trưởng ban: “Có lẽ Hinh quá mệt về việc chuẩn bị cho cuộc thi này, cứ nghỉ đi, nếu cần đi viện thì cứ bảo tôi!”
Hai bài hát “Chu Hoa Kiện” đã biểu diễn xong, tiếng vỗ tay vang lên như sấm, loáng thoáng nghe thấy tiếng Lập Dương: “Để mình tôi ra thông báo tiết mục tiếp theo!” Tiếp đó là tiếng anh trưởng ban gọi :”Hinh ơi, liệu có ổn không? Đừng cố làm gì?”
Sau đó là Hinh và Dương cùng dẫn chương trình, giọng Hinh hơi nghèn nghẹn, nhưng rồi lại lưu loát như lúc đầu.
Nghe xong băng Sảnh ngồi đờ đẫn, cho đến lúc anh trưởng ban gọi điện cho phòng y tế thì cô mới tỉnh trở lại: “Anh đừng lo, em vẫn bình thường, chỉ đang nghĩ ngợi một chút thôi! Anh có thể cho em mượn cuộn băng này về nghe được không ạ?”