Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 46:



Phó Vân anh không ngờ, người quen cũ đầu tiên mà nàng gặp ở kiếp này lại là Diêu Văn Đạt.

Đứng trước một căn nhà nằm sâu trong ngõ hẹp, nghe thấy từ sau cánh cửa vọng lại một giọng nói quen thuộc đang lớn tiếng chửi mắng thói đời, châm chọc kẻ sĩ, nàng ngẩn ra một lát, khóe miệng vô thức cong lên.

Kiếp trước, là vợ của Thôi Nam Hiên, nàng căm ghét cái kẻ luôn cố ý làm chồng nàng khó xử mọi lúc mọi nơi là Diêu Văn Đạt, nàng cảm thấy ông ta bụng dạ hẹp hòi, tự hạ thấp mình.

Giờ nàng chỉ là một tiểu nương tử bình thường của Phó gia ở huyện Hoàng Châu, thay đổi góc nhìn, Diêu Văn Đạt dường như không đáng ghét như vậy nữa.

Tựa như lúc còn ở nhà thì chẳng thấy những đặc sản của quê hương mình có gì đặc biệt, sau này xa nhà ngàn dặm mới biết những thứ ấy thật trân quý, thật đáng để người ta hoài niệm. Tha hương nơi đất khách nhiều năm, bỗng nghe được một câu mang âm điệu quê hương cũng có thể khiến người ta xúc động đến cay cay sống mũi, nước mắt tràn mi. Lúc này bỗng nhiên gặp người quen cũ, cho dù mình đã từng ghét người kia thế nào cũng sẽ cảm thấy họ thật thân thiết đáng yêu.

Diêu Văn Đạt vẫn thế, Diêu đại nhân vẫn là cái người không biết lo liệu cho gia đình, chỉ biết sống nghèo khó qua ngày. Căn nhà ông ta đang ở ở ngay cạnh bến tàu, xung quanh khu này nhà cửa tồi tàn, theo cách nói của Chung Đại Lang, người ở trong cái ngõ nhỏ này toàn là "người hạ đẳng".

Ở đây tiền thuê rẻ.

Diêu gia chỉ có một nha hoàn, hai lão bộc. một lão bộc hầu hạ ở thư phòng, một lão bộc chuyên lo chuyện xã giao cho Diêu Văn Đạt, nha hoàn thì quét tước phòng ốc, giặt quần áo, may vá bếp núc, có bao nhiêu việc nhà thì làm hết từng ấy việc.

Hôm nay lúc nấu cơm, nha hoàn ngủ quên nên cháy cả nồi. trên cùng là một lớp cơm đã khô vàng, có thể coi là chín, phần ở giữa chưa chín kĩ, lớp dưới cùng thì đã cháy đen như than.

Nha hoàn tỉnh dậy chỉ biết quỳ trước hành lang nhận lỗi, Diêu Văn Đạt nổi giận lôi đình, đứng chống nạnh trong thư phòng, đóng chặt cửa sổ nói vọng ra ngoài mắng chửi nha hoàn.

Vậy mà âm thanh vẫn oang oang sang sảng.

Liên Xác đi tới vài bước định gõ cửa, Phó Vân Chương gọi hắn lại, "Đợi đã."

Phó Vân anh đứng bên cạnh bảo hắn: "đi ra đầu ngõ mua mấy lồng bánh bao hấp, mua thêm canh nóng, nếu như có bánh quẩy thì mua thêm mấy cái nữa."

Phó Vân Chương cúi đầu nhìn nàng.

Nàng chỉ vào hộp đựng lễ vật tôi tớ Phó gia đang cầm phía sau, khẽ nói: "Trước khi đi muội đã kiểm tra rồi, trong hộp ngoại trừ cá tươi còn có ngó sen, đài sen, củ ấu, dưa hấu, đồ nhắm thì có vịt muối, đậu phộng, rau muối chua và dưa chuột muối. Diêu tiên sinh là người phía nam nhưng ông ta ở phương bắc nhiều năm rồi, giờ lớn tuổi, khẩu vị sẽ thay đổi. Hồi muội ở phía bắc thấy nhiều người già, răng yếu rồi sẽ không thích ăn mấy đồ vừa nguội vừa cứng, chỉ thích ăn mì nóng."

"Muội nghĩ là Diêu tiên sinh sẽ mời chúng ta ở lại ăn cơm hả?" Phó Vân Chương nhướn mày, cười hỏi.

Phó Vân anh không trả lời, lườm y một cái.

Diêu Văn Đạt tính cách kì quái, khó chiều, từng dám chỉ thẳng vào mặt thủ phụ Thẩm Giới Khê mà mắng ông ta là quyền thần [1]. Phó Vân Chương nghĩ nàng chưa gặp Diêu Văn Đạt bao giờ. một người luôn lo lắng chu đáo cho nàng như y nhất định phải chắc chắn Diêu Văn Đạt sẽ không làm khó hai người bọn họ thì mới có thể đưa nàng tới Diêu gia lần này.

[1] Thần tử lạm quyền, lấn lướt hoàng đế.

Hơn nữa y còn chuẩn bị cả đồ nhắm thế kia, còn gì để hỏi nữa?

Phó Vân Chương khum tay lại, dùng mu bàn tay cốc nhẹ lên đầu Phó Vân anh, cười mà không nói.

Ban đầu y để ý tới nàng vốn chỉ bởi thân thế giống nhau, sau này lại tra được chuyện Phó tứ lão gia phản đối lập đền thờ có liên quan tới nàng, y nhận ra có lẽ y sẽ phải nhìn cô em họ khác chi này bằng cặp mắt khác xưa. cô độc đã lâu, đột nhiên có một người có thể hiểu được mình, cho dù nàng chỉ là một đứa trẻ, cũng vẫn khiến cho người cô đơn giữa vạn người như y cảm thấy được ủng hộ.

Để cho nàng có thể đi học giống như con trai trong tộc là xuất phát từ sự đồng cảm giữa những người cùng hoàn cảnh, y giúp đỡ nàng là để bù đắp cho những tiếc nuối trước kia của chính mình: Y không thể làm những việc mình thích, hiểu được sự đau khổ bất lực của con người trước cuộc đời. Nàng là con gái, không chỉ phải đối mặt với sự ngăn cản và châm chọc của người khác mà còn cả những sầu lo cho tương lai của chính mình, nhưng nàng lại có thể bất chấp tất cả, kiên định, nỗ lực vì những gì mình muốn làm, nàng còn mạnh mẽ hơn y trước đây rất nhiều.

Vậy là y trao cho nàng một cơ hội, xem nàng có thể đi bao xa.

Quen biết nàng lâu hơn, y dần dần nhận ra nàng có quá nhiều điểm không giống người bình thường. Nhưng nàng vẫn thản nhiên, không cố gắng che giấu những điểm khác thường ấy.

Thân phận nữ tử trói buộc nàng nhưng đồng thời lại cho nàng một sự tự do và bình thản vượt ra ngoài những lo lắng của thế tục.

Những biểu hiện của nàng tinh tế lại vừa thẳng thắn, nếu đã không muốn mờ nhạt trong biển người, sao không bộc lộ bản thân.

Hãy nhom lửa mới lại châm trà, thơ rượu lúc tuổi hoa. [2]

[2] Hai câu cuối trong bài từ "Vọng Giang Nam - Siêu Nhiên đài tác" của Tô Thức, nằm trong đoạn:

"Sau Hàn thực

Tỉnh rượu lại thương ta,

Chớ đối cố nhân mơ cố quốc,

Hãy nhom lửa mới lại châm trà

Thơ rượu lúc tuổi hoa!"

(Bản dịch của Đỗ Chiêu Đức)

Đại ý là tỉnh rượu sau Tết Hàn thực, Tô Đông Pha cảm khái về cảnh xa nhà nhưng lại gạt bỏ nỗi buồn này sang một bên, không than thở nỗi lòng nhớ quê trước mặt bạn cũ mà nhóm lửa pha trà, vui cái vui trước mắt với thơ và rượu. Lửa mới là vì vào dịp Hàn thực, theo phong tục Trung Quốc, mọi người đều không nhóm lửa nên lửa đã được dập tắt, sau Hàn thực lửa lại được nhóm lên. Ở đây tác giả sử dụng hai câu này để nói về sự phóng khoáng, gạt bỏ sầu lo để tận hưởng tuổi xuân của Phó Vân anh.

Nàng trầm tĩnh, nghiêm túc, chưa bao giờ thể hiện khí phách hăng hái và sự kiêu ngạo của tuổi thiếu niên.

Nhưng lại không biết rằng trong mắt người khác, nàng như một vầng mặt trời mới mọc, bừng bừng sức sống, xung quanh ngập tràn những áng mây tía cuồn cuộn, chỉ chờ đợi vén màn mây là cháy lên rực rỡ, lấp lánh ánh sáng.

Phó Vân Chương nhìn Phó Vân anh trưởng thành với tốc độ kinh người với thật nhiều cảm xúc như thế.

Có học trò đầy hứa hẹn nhường này, người làm thầy như y vừa vui mừng, vừa hâm mộ, vừa tán thưởng, ngoài ra còn có một chút cảm giác muốn trêu đùa khiến chính y cũng phải ngạc nhiên. Y vẫn thường cho rằng tâm hồn mình đã bình lặng như nước, cái loại cảm xúc hoạt bát vui tươi như thế đã mất đi từ lâu rồi.

Nhưng thực tế là có một cô em gái hành xử khác người, luôn hiểu được những ý nghĩ trong lòng y khi người khác còn chưa kịp hiểu, rồi nhanh chóng đáp lại, không nghịch ngợm, không phá phách, ngoan ngoãn nghe lời, hơn nữa lúc nào cũng nghiêm trang ít nói ít cười như thế khiến y rất khó kiềm chế mong muốn trêu chọc nàng một chút.

Y không có anh chị em. Phó Dung là do mẹ y nhận nuôi từ nhà mẹ đẻ, y hiểu rõ những tính toán trong lòng bà. Phó Dung là cháu gái bên nhà mẹ đẻ bà, có một đứa con dâu chung huyết thống với mình lại còn dễ kiểm soát như thế thì bà mới có thể tiếp tục khống chế mọi chuyện trong nhà. Y, vẫn như từ trước đây, ngầm đồng ý tất cả các quyết định của bà. Nếu như không phải cha mẹ đẻ của Phó Dung kiên quyết hai nhà liên hôn, Phó Dung sẽ không sửa họ để trở thành em gái y.

Nghe mẹ nói Phó Dung sẽ trở thành em gái mình, y thầm thở phào.

Mẹ y ở giá nhiều năm, giờ có thêm một đứa con gái để trò chuyện với bà, Phó Vân Chương cũng vui mừng. Phó Dung tuổi còn nhỏ, lại được nuông chiều từ nhỏ nên không hiểu được những mưu tính của người lớn trong nhà. Y từng nghĩ sẽ đối xử với Phó Dung như em gái ruột của mình, nàng muốn cái gì, y sẽ cho nàng cái đó.

Y vốn cho rằng Phó Dung thật sự là em gái y cho đến một ngày, y bỗng nhận ra lời ăn tiếng nói điệu bộ cử chỉ, cách đối nhân xử thế, ngữ khí ngạo mạn khi nói chuyện với người khác, cách đi đứng, thậm chí cả cách nàng sai khiến, đòi hỏi y cái này cái kia như lẽ tự nhiên chẳng khác gì mẹ y.

Mẹ y có thêm một đứa con gái nhưng y vẫn không có anh chị em như cũ.

anh chị em, hẳn là giống như Khải ca nhi, Thái ca nhi, Nguyệt tỷ nhi, Quế tỷ nhi, bình thường có thể chơi đùa, tranh cái này giành cái kia, cùng nhau gây chuyện, cùng nhau bị phạt, tới lúc sợ hãi sẽ cùng khóc với nhau chẳng chút ngượng ngùng.

Người trong huyện đều khen y tảo tuệ, thật ra là y bị mẹ ruột mình ép phải nhìn rõ hiện thực trước tuổi mà thôi. Năm mười tuổi, y đã hiểu được bản thân mình đang gánh vác cái gì. Từ đó, y đã không còn giống như hồi còn nhỏ, hâm mộ bạn cùng trường có cha có mẹ, có anh chị em.

Y cần phải cố gắng bằng toàn bộ sức lực của mình, nhanh chóng thi đỗ, đạt được công danh, làm rạng danh tiên tổ. Có như vậy, y mới có thể làm chỗ dựa mẹ y. Vốn là "lúc tuổi trẻ không biết mùi vị buồn là gì", tưởng như mình vẫn còn thật nhiều thời gian để mà mắc lỗi nhưng y lại chỉ có thể vùi đầu vào sách vở, thế là "vì làm bài từ" đến tư cách nói buồn cũng không có. [3]

[3] Mượn ý bài từ "Thái tang tử - Thư Bác Sơn đạo trung bích" của Tân Khí Tật, trong bài từ vốn có đoạn:

"Lúc tuổi trẻ không biết mùi vị buồn là gì

Cứ thích lên lầu cao,

Thích lên lầu cao,

Vì làm bài từ mới nên nói gượng là buồn"

(Bản dịch lấy từ thivien.net)

Đại ý là tuổi trẻ không biết buồn là gì, muốn lên lầu cao ngắm cảnh làm một bài từ nhưng bài từ thì lúc nào chẳng phải có chút cảm khái về cuộc đời, đành phải giả là buồn thôi. Đặt vào Phó Vân Chương, vì theo nghiệp đèn sách mà không có tư cách nói lên nỗi buồn của bản thân mình, buồn là cái buồn của bài từ chứ nào phải của bản thân y, hoặc có thể nói là Phó Vân Chương phải quên đi nỗi buồn của bản thân để tập trung đèn sách, dù bản thân y không muốn thế. nói thế nào thì cũng đều đáng thương cả.

Nhưng hiện giờ Phó Vân Chương hình như cũng hiểu được cảm giác làm anh trai là như thế nào.

oOo​

​Bọn họ đứng chờ trước cổng Diêu gia một lúc.

Tiếng giày giẫm lên nền đất lồi lõm đưa Liên Xác trở lại, hắn bưng một chiếc hộp đựng đồ ăn, "Ngũ tiểu thư, tiểu nhân đã mua đồ về đây."

Phó Vân anh mở hộp ra nhìn một lượt rồi gật đầu.

Diêu Văn Đạt, một người Chiết Giang tên Chu Ngọc và Thôi Nam Hiên là ba người đứng đầu trong cùng một khoa thi. Ban đầu, cả ba người đều nhậm chức ở Hàn Lâm Viện nên không thể nào không tiếp xúc với nhau. Ngày Diêu phu nhân còn sống, nàng, Diêu phu nhân và Chu phu nhân khá thân thiết, ngày lễ ngày tết vẫn thường tặng đồ cho nhau. Tới khi quan hệ giữa Diên Văn Đạt và Thôi Nam Hiên trở nên căng thẳng, nàng và Diêu phu nhân tuy không lui tới nữa nhưng cũng không có gì mâu thuẫn, thi thoảng tình cờ gặp mặt trong tiệc nhà người khác cũng sẽ mỉm cười thăm hỏi.

Diên Văn Đạt đọc sách cả đời, cuối cùng cũng công thành danh toại, cưỡi ngựa diễu phố, đương nhiên là vui mừng khôn xiết, khiến người trong thiên hạ đều phải ngưỡng mộ nhưng Diêu phu nhân lại cả đời làm lụng vất vả, bệnh tật quấn thân, hưởng phúc chưa được hai năm đã bệnh nặng qua đời.

Phó Vân anh còn nhớ lần cuối cùng nàng nhìn thấy Diêu phu nhân. Khi đó bà ấy ngồi gần cửa ra, người mặc lễ phục, đầu đội ngọc quan (mũ của mệnh phụ), vui vẻ nói cười với các mệnh phụ trong bữa tiệc, toàn kể chuyện về Diêu Văn Đạt.

Diêu phu nhân lúc ấy sắc mặt hồng hào, không hề giống người bị bệnh lâu ngày chút nào.

Ấn tượng đó sâu sắc đến nỗi Phó Vân anh vẫn còn nhớ rõ những đồ ăn Diêu Văn Đạt ưa thích.

Nàng đang ngơ ngẩn nhớ lại bỗng tay áo bên trái bị giật mấy cái, ngẩng lên đã thấy Phó Vân Chương đang cúi đầu nhìn nàng, mỉm cười hỏi: "Nghĩ gì thế?"

Y chỉ thuận miệng hỏi vậy chứ cũng không cần nàng phải trả lời, nói tiếp, "Được rồi, Diêu tiên sinh mắng nha hoàn xong cơn tức cũng xả ra được rồi, chúng ta vào thôi."

Lão bộc gầy gò của Diên ra mở cửa, nhìn thấy Phó Vân Chương và Phó Vân anh, nói đúng hơn là nhìn thấy tôi tớ Phó gia đằng sau đang khệ nệ bê hộp quà thì mắt sáng lên, lập tức tươi cười chào đón: "Phó tướng công tới rồi! Mấy ngày nay đại nhân vẫn hay nhắc tới Phó tướng công, Phó tướng công phen này mà không tới, có khi đại nhân còn tự đi tìm."

Phó Vân Chương mỉm cười, nói với lão bộc vài câu, sai người mang đồ nhắm và thức ăn nóng hổi vừa mua khi nãy vào nhà.

Lão bộc vốn đang lo lắng vì cái nồi cơm duy nhất trong nhà vừa cháy thành than, giờ Phó tướng công tới thăm đại nhân, lại còn mang nhiều đồ ăn thức uống như thế, đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh!

Lão vui mừng tới mức tạ ơn thần phật mấy lần, cũng không để ý chuyện tôi tớ Phó gia đang lóng ngóng ôm đồ gần đó, vội vàng bảo nha hoàn đi rửa cho sạch khuôn mặt đầy nước mắt kia rồi quay lại đây hầu hạ, còn bản thân lão thì đi thư phòng thông báo, "Đại nhân, Phó tướng công tới rồi."

một tiếng hừ nhẹ vang lên, cửa thư phòng đột nhiên mở ra, một lão giả mặt mày nhăn nheo, tóc hoa râm, người mặc đạo bào màu xám đã hơi bạc đi ra ngoài, nhìn khắp xung quanh, khẽ lên tiếng: "Vân Chương tới rồi hả?"

Phó Vân Chương kéo tay Phó Vân anh tiến về phía ông ta, "đã lâu không gặp, khí sắc của tiên sinh đã khá lên nhiều."

"Ta vẫn khỏe, sống thêm mười năm nữa cũng không vấn đề gì." Diêu Văn Đạt xua tay, mắt nhìn xuống hai cái búi tóc nhỏ xíu cùng chiếc áo khoác màu lam và váy lụa thêu hoa trên người Phó Vân anh.

Phó Vân anh hành lễ với Diêu Văn Đạt như lời Phó Vân Chương đã dạy từ trước, ngước mắt bình tĩnh nhìn ông ta.

Ông ta hầu như chẳng thay đổi gì.

Người trong kinh đều nói Diêu Văn Đạt càng già càng dẻo dai, năm ấy trong bữa tiệc sau khoa thi, các sĩ tử khác thấy ông ta già như thế còn lén đánh cược với nhau xem tân khoa Trạng nguyên có thể sống thêm mấy năm nữa, đa số bọn họ cho rằng ông ta chắc chẳng làm ở Hàn Lâm Viện được bao lâu sẽ giã từ nhân thế. Nhưng từ năm này qua năm khác, đến Tiên đế và nhiều đại thần khác trẻ hơn ông ta vài tuổi cũng đã ra đi, ông ta vẫn thế, dù đầu đầy tóc bạc, thi thoảng lại bệnh một trận, lần nào thầy thuốc cũng bảo Diêu gia chuẩn bị hậu sự. Nhiều năm như thế, ông ta già nua ốm yếu, thuốc thang liên tục, tưởng như có thể ra đi bất kì lúc nào nhưng mà… vẫn cứ không chết.

Nhìn ông ta gầy đét vậy thôi chứ mỗi lần mắng chửi người khác là cứ như thể vừa hít được một hơi tiên khí, hùng dũng oai vệ, phí phách hiên ngang, giọng nói oang oang, đến võ tướng có khi còn không quát to bằng ông ta.

"Đây là muội muội của ngươi hả? không giống ngươi lắm, trông hoạt bát đáng yêu hơn ngươi nhiều."

Diêu Văn Đạt ngồi xuống trước chiếc bàn đã bày đầy đồ ăn, món nóng món nguội đều đủ cả, lạnh lùng nhận xét.

Phó Vân Chương chỉ mỉm cười.

Phó Vân anh hơi nhíu mày, quan hệ giữa Phó Vân Chương và Diêu Văn Đạt hoàn toàn khác với những gì nàng tưởng tượng.

Diên Văn Đạt không phải là rất ghét Phó Vân Chương à?

"Học sinh đưa muội muội tới phủ Võ Xương chơi, nhớ tới tiên sinh vừa khỏi bệnh nên tiện đường tới thăm tiên sinh." Phó Vân Chương từ tốn nói.

Diên Văn Đạt cũng không khách sáo với y, bưng bát canh thịt lên húp, "Ngồi xuống đi chứ, chẳng lẽ còn chờ ta mời ngươi chắc?"

Phó Vân Chương nghe vậy liền ngồi xuống, vén tay áo, lấy một đôi đũa đưa cho Phó Vân anh.

Phó Vân anh nhận đôi đũa, cúi đầu dùng bữa.

trên bàn ăn im lặng, không ai nói chuyện.

Diêu Văn Đạt ăn một lồng bánh bao, uống hai bát canh thịt thì bỗng hơi khựng lại một chút, nhìn chiếc bát không thở dài, nơi đáy mắt thoáng qua một chút thẫn thờ mà người khác không để ý thì không thể phát hiện được.

Thấy ông ta dừng đũa, Phó Vân Chương và Phó Vân anh cũng đặt đũa xuống, Liên Xác bưng lên mấy ly trà nóng.

"Cử nhân lần này có 36 người, không ngờ cuối cùng chỉ có mình ngươi là theo được."

Diên Văn Đạt uống mấy ngụm trà, bỗng nói một câu bâng quơ.

"Cũng là do học trò may mắn, bắt đúng sở thích của tiên sinh." Phó Vân Chương mỉm cười nói.

Diêu Văn Đạt lắc đầu, cười chua xót, "Các ngươi có thể đỗ kì thi hương, ai chẳng là rồng phượng trong cõi người. Có thể lấy được cơ hội vào kinh thành tham gia thi hội, có ai không phải văn thơ đầy bụng? Ta cố tình làm khó các ngươi cũng chỉ là hứng thú nhất thời, cứ tưởng rằng chỉ có mấy đứa không ra gì là không chịu nổi, cuối cùng thì loại hết, chỉ còn lại có mình ngươi, ta thất vọng không để đâu cho hết."

Nghe ông ta nói thế, Phó Vân Chương mặt không đổi sắc, nét cười trên mặt cũng không giảm đi dù chỉ một phần, tay vẫn nhẹ nhàng phe phẩy quạt, không nói lời nào.