Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 68:



Hôm sau, Phó Vân anh nhờ Vương thúc gửi thư đi.

Thời tiết lạnh dần, nghe nói những nơi lạnh giá ở phương bắc đã bắt đầu có tuyết, ngoài thư, nàng còn nhờ đoàn buôn lên phía bắc mang thêm mấy món quần áo dày và thuốc mỡ phòng nứt nẻ cho Phó Vân Chương.

Triệu sư gia đã chính thức dọn vào thư viện ở, nàng giúp đỡ ông ta chuẩn bị hành lý, bày biện đồ dùng trong nhà.

Khu phía bắc này, các thầy chủ giảng mỗi người ở một viện, có vài chủ giảng đón cả người nhà vào ở, các viện chỉ cách nhau bởi hành lang và sân viện, trong viện có người quét dọn, đây chính là một trong những lý do khiến học sinh không được bước chân vào khu phía bắc, sợ sẽ gặp phải nữ quyến trong nhà chủ giảng.

Phó Vân anh vẫn chưa nhập học, Triệu sư gia lợi dụng điểm này, bảo nàng lấy thân phận con cháu giúp ông ta chuyển nhà. một chủ giảng khác trong thư viện là Ôn Tuyết Thạch đến đón Triệu sư gia thấy thế vô cùng kinh ngạc, định ngăn cản nhưng lại phát hiện ông ta vẫn chưa hề làm trái quy định của thư viện nên cực kỳ bực dọc.

Ôn Tuyết Thạch chuyên giảng về bát đại gia cổ văn [1], là người quy củ, có nguyên tắc, ghét nhất là những học sinh trong thư viện ỷ vào xuất thân mà coi thường quy định của thư viện.

[1] Văn cổ của tám tác gia nổi tiếng, bao gồm Hàn Dũ và Liễu Tông Nguyên đời Đường, Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Vương An Thạch, Tăng Củng đời Tống.

"Thằng bé chưa phải học sinh thư viện, ra vào khu phía bắc cũng không coi như làm trái quy định, thế cũng không được à?"

Ôn Tuyết Thạch nhìn về phía Phó Vân anh đang đứng ở hành lang đối diện chỉ đạp tôi tớ khuân vác hòm xiểng vào, khẽ nói, "Kết quả chấm thi còn chưa được công bố, Triệu ông đưa Phó tiểu tướng công ra vào thư viện như thế này không sợ người khác nói ra nói vào sao?"

Người không biết có khi còn tưởng rằng ông ta cố ý làm thế để khi các chủ giảng khác chấm bài sẽ nhân nhượng cho học sinh của ông ta.

Triệu sư gia khịt mũi, tùy tiện trả lời: "Người xưa chẳng nói "cử hiền bất tránh thân, cử thân bất so ngại" [2] còn gì! Đây cũng chưa phải là thi khoa cử, lấy đâu ra lắm chuyện cần để ý như thế? Cháu trai ta học hành ra sao, ta tự hiểu được, cần gì phải sợ. Nó thấy ta cô độc một mình, lẻ loi hiu quạnh, chăm sóc chuyện ăn uống sinh hoạt cho ta thì cũng là nó có hiếu. Chẳng lẽ chỉ vì sợ người khác chỉ chỉ trỏ trỏ, nói ra nói vào mà lão già như ta đây phải chịu cảnh không người quan tâm hay sao?"

[2] Tiến cử người có tài thì quan trọng là tài năng, không cần tránh việc người đó có quan hệ gần gũi với mình, một khi đã tiến cử người có quan hệ gần gũi với mình thì cũng không cần ngại ánh mắt người khác.

Ôn Tuyết Thạch mấp máy môi nhưng không nói nên lời, Triệu gia phú quý như thế, Triệu sư gia tuy không đỗ tiến sĩ, chìm nổi nửa đời nhưng lại được người trong tộc kính trọng, tiền tài nào có thiếu, nếu không thì những tôi tớ đi theo ông ta kia từ trên trời rơi xuống chắc? trên người mặc một bộ quần áo làm từ lụa Hàng Châu giá mấy trăm tiền một thước, chân đi giày gấm thêu hoa mây của phủ Khai Phong, trong tay cầm chiếc quạt mười lượng bạc, thế mà ông ta lại còn không biết xấu hổ nói mình cô độc một mình, lẻ hoi hiu quạnh?!

Người phải chu cấp nuôi dưỡng cho cả gia đình đến nỗi trong túi thường xuyên thiếu tiền tiêu như Ôn Tuyết Thạch sắp bùng nổ.

Mặc cho Ôn Tuyết Thạch đứng bên cạnh lải nhải ám chỉ sự bất mãn của mình, Triệu sư gia vẫn không quan tâm, ngồi thảnh thơi uống rượu trong đình hóng gió.

Bên đình, mấy cây hoa quế, hoa cúc đang nở rộ, ngào ngạt hương thơm, hít một hơi là thấm vào gan ruột. Gió nhẹ thổi qua, những cánh hoa nhỏ màu vàng theo gió bay lả tả như một cơn mưa. Đứng dưới gốc cây hoa quế, người ta như thể được tắm trong cơn mưa hoa này, hương thơm ngấm vào tay áo, đến đầu tóc cũng vương vất mấy phần mùi thơm.

Phó Vân anh đi dưới tán cây, trong tay cầm một hộp sơn mài trạm trổ tinh vi, bên trong có sáu ngăn đựng hoa quả tươi, quýt ngọt và củ ấu tươi phủ Hàng Châu, quả bình bà Bắc Trực Lệ, lê trắng Sơn Đông, táo phủ Ứng Thiên và hồng vàng đặc sản địa phương.

Nàng phái người đi mời các vị chủ giảng khác tới, các vị tiên sinh lần lượt đáp ứng lời mời.

Triệu sư gia chỉ lo uống rượu, Phó Vân anh cũng không làm phiền ông ta, sai tôi tớ trải một tấm thảm đỏ dưới gốc cây hoa quế, sắp trà bánh trái cây, bày hộp thức ăn, mỗi chỗ ngồi đặt một đôi đũa và rượu nóng.

Sắp xếp xong xuôi, từ đình hóng gió nhìn ra, mọi người có thể thấy được cảnh vật bên ngoài lúc này.

Gió thổi hoa bay, phía trước là tán hoa quế sum suê, bên cạnh là hồ nước liễu rủ, cách đó không xa là những khóm hoa tươi tốt. Dưới cây hoa quế có đủ loại đồ ăn, một chiếc hộp sơn mài khắc hoa mẫu đơn mở ra như một đóa hoa, vỏ hộp bóng loáng, đồ ăn bên trong tinh xảo đẹp đẽ, mấy tôi tớ ngồi bên cạnh hồ nhóm lửa pha trà nấu ăn, cảnh này phải nói thế nào nhỉ, cảnh đẹp ý vui, thật là đẹp đẽ.

Các vị tiên sinh đều là người phong nhã, thấy nàng sắp xếp hợp lý như thế liền lên tiếng khen ngợi.

trên mặt Triệu sư gia không khỏi có chút đắc ý, bước ra khỏi đình hóng gió, chọn một chỗ trên mặt đất, ngồi xuống, cầm chén rượu họa tiết lá sen, mời các vị tiên sinh khác cùng ngồi.

Phó Vân anh đã hỏi thăm từ trước, ở phủ Võ Xương không hay ăn cua, bởi vậy cũng không chuẩn bị tiệc thịt cua, tên bàn gồm rượu và đồ ăn thanh đạm, chỉ thêm một món cuối cùng là vịt muối hầm cho hợp với khẩu vị của Triệu sư gia.

Tiệc tàn, cả chủ và khách cùng vui.

Ôn Tuyết Thành nghe thư đồng nói Phó Vân anh còn chuẩn bị bánh trái hoa quả mang tới cho nữ quyến trong nhà các vị tiên sinh, hừ một tiếng, không làu bàu nữa.

Triệu sư gia mượn rượu giả điên, Phó Vân anh đành thay mặt ông ta tiễn khách.

Phó giảng Ngô Đồng Hạc trước khi ra về còn nhìn nàng chăm chú hồi lâu, mỉm cười nói: "Quả nhiên đúng như lời đồn, một bé trai văn nhã tuấn tú, thảo nào..."

rõ ràng là đang ám chỉ điều gì.

Phó Vân anh không hiểu ẩn ý sau nụ cười của hắn, trở về phòng hỏi Triệu sư gia, người vẫn đang nằm ườn trên sập bóc hạt dẻ ăn, "Thầy à, kết quả thi là do sơn trưởng quyết định, Ngô phó giảng hẳn là chưa xem bài thi, câu nói vừa rồi là có ý gì?"

Sau kì thi nhập học, Khương Bá Xuân đóng cửa chấm bài, không đồng ý gặp người ngoài. Tới khi ông ta chấm xong, các vị chủ giảng, phó giảng mới chấm bài thêm một lần nữa. Sơn trưởng là do triều đình lựa chọn phái tới đây, có quyền lực lớn nhất ở thư viện. Bình thường kết quả chấm thi của chủ giảng, phó giảng sẽ không khác kết quả sơn trưởng đưa ra là mấy, nếu có bất đồng ý kiến thì sẽ do toàn thể giáo thụ bỏ phiếu quyết định.

Ngô Đồng Hạc chưa gặp nàng bao giờ, cũng chưa đọc bài thi của nàng, hai chữ "thảo nào" rốt cuộc là có ý gì?

Triệu sư gia cắn hạt dẻ lộc cộc, lơ đãng trả lời: "Ta cũng không biết."

Ông ta vừa ăn hạt dẻ vừa nói: "Có lẽ bởi ngươi là cháu ta, hắn ngưỡng mộ tài năng của ta nên mới nói như thế..."

Phó Vân anh không quan tâm tới lời này của ông ta, rót một ly trà nóng đặt xuống bên sập, dặn dò tôi tới hậu hạ cho cẩn thận rồi xoay người ra về.

...

Trở lại phố Cống Viện, quản sự nói: "Thiếu gia, Dương thiếu gia sáng nay vừa qua đây một chuyến, thiếu gia không ở nhà, Dương thiếu gia vừa về xong."

Dương Bình Trung rất quan tâm đến kết quả thi của Phó Vân anh. Hôm nay, thừa dịp ông già đang đắm chìm trong vòng tay của mỹ nhân, hắn kéo theo một đám tôi tớ tùy tùng sang tìm "y". Nào ngờ "y" đã ra ngoài rồi, hắn cố gắng đợi thêm được nửa canh giờ.

Phó Vân Khải ra mặt tiếp khách, hắn từ trước đến nay vẫn ngứa mắt Dương Bình Trung, lại canh cánh trong lòng chuyện bài văn còn chưa viết xong sợ Phó Vân anh trở về trách phạt nên làm sao tiếp khách chu toàn cho nổi. Hai người không hợp, chẳng có chủ đề chung, chỉ biết nhìn nhau chằm chằm, không ai nói gì.

Dương Bình Trung thấy hắn nhàm chán, uống tạm hai ly trà rồi nói lời cáo từ.

"Ta biết rồi."

Phó Vân anh nói.

Thay đồ xong, nàng vào thư phòng kiểm tra bài vở của Phó Vân Khải.

Phó Vân Khải nơm nớp lo sợ, đứng bên bàn mà tay cứ xoắn lại với nhau.

Phó Vân anh đọc vèo một cái đã xong, chỉ vào trang giấy vàng, "Phá đề còn nông quá, vế thứ hai của hậu cổ còn chưa hoàn chỉnh. Cửu ca, cuốn "Đông lai bác nghị" muội đưa cho huynh, huynh đọc đến đâu rồi?"

Phó Vân Khải trả lời: "Mới đọc hai chương..."

"Làm phần sách luận, nên đọc "Đông lai bác nghị" và "Cổ văn quan chỉ". "Đông lai bác nghị" không lưu truyền rộng rãi, cuốn này là muội tự tay chép lại, trong nhà chỉ có một cuốn này, Cửu ca đọc thật cẩn thận, chắc chắn sẽ thu được kiến thức."

Phó Vân Khải ngoan ngoãn đồng ý, chần chừ một chút rồi lại hỏi: "anh tỷ nhi, tại sao phải đọc "Đông lai bác nghị"? "Cổ văn quan chỉ" được biên soạn để phục vụ cho các kì thi, ai cũng phải đọc, cái này huynh biết. Nhưng "Đông lai bác nghị" huynh chưa nghe tới bao giờ..."

Ngụy Tuyển Liêm làm quan ở Hàn Lâm Viện, con cháu Ngụy gia tuy không phải tài năng xuất chúng nhưng chỉ cần cù học tập vài năm, nhất định có thể dễ dàng thi đỗ kỳ thi đồng sinh.

Khi mới thành thân, Thôi Nam Hiên vẫn chưa đỗ thám hoa, kiếp trước Phó Vân anh ở bên hắn, cùng hắn đọc sách, nhìn hắn từng bước đỗ đạt...

Dần dần, nàng cũng quen với những loại sách vở mà các sĩ tử phải sử dụng hằng ngày, đôi khi là để kiểm tra việc học thuộc lòng của các anh, cũng có vài cuốn là nàng đọc trộm. Mẹ nàng Nguyễn thị chỉ cần nhìn thấy nàng sờ vào sách vở thì sẽ liếc mắt lườm nàng, chỉ có lấy cớ giúp các anh ôn tập bài vở thì nàng mới không bị trách mắng.

"Cổ văn của tám vị tác gia huynh đọc được bao nhiêu rồi?" Phó Vân anh ngồi xuống, cầm bút phê bên cạnh bài văn của Phó Vân Khải, "Văn của tám vị ấy quá khó, "Bát đại gia văn tác" huynh không đọc nổi, chẳng thà đọc "Đông lai bác nghị" trước đã, cuốn sách này dễ hiểu hơn."

Phó Vân Khải ặc một tiếng, hắn đã hiểu ý Phó Vân anh, "Đông lai bác nghị" dễ hiểu, dễ bắt chước hơn so với cổ văn của tám vị tác gia, thế thì hắn chọn cái này! Sách anh tỷ nhi tự tay chép lại, chỉ có mình hắn được đọc!

"Huynh hiểu rồi, huynh nhất định sẽ học thật tốt!"

Phó Vân anh khẽ ừ một tiếng, cúi đầu viết.

Bình phong đã được xếp lại, gió thổi từ ngoài viện vào thư phòng mang theo hương thơm. Trước bàn đặt một bình sứ cắm đủ loại hoa tươi, sơn tra, tùng chi, thủy tiên đan xen, bên cạnh điểm thêm một cành trúc nhỏ, vừa thanh nhã vừa trang trọng.

Hai người im lặng trong giây lát.

Phó Vân anh cúi đầu mở cuốn "Đông Pha chí lâm".

Đọc được vài trang đã nghe thấy tiếng lạch cạch bên cạnh, không biết Phó Vân Khải đang làm cái gì, chạy vèo một cái ra ngoài hành lang, lúc sau đã thấy chạy về.

Nàng không mấy để tâm.

"anh tỷ nhi, muội nhìn này, ta làm cho muội.”

Phó Vân Khải vừa chạy nhanh, giờ thở hổn hển, quẹt mồ hôi, vội vàng đi về phía bàn, giơ lên một lẵng hoa đan bằng cành liễu, bên trong phủ kín hoa quế, hương thơm ngào ngạt.

"Muội để trong phòng cho thơm."

Phó Vân anh gật đầu, ánh mắt lướt qua bàn tay chi chít vết xước của Phó Vân Khải, nhẹ nhàng nói: "Cảm ơn huynh. Muội đang đọc sách, Cửu ca cứ tự nhiên."

Phó Vân Khải thấy nàng không cảm động, mặt tràn ngập thất vọng, đặt lẵng hoa xuống, cố ý va cái này chạm cái kia, liên tục phát ra âm thanh.

Phó Vân anh vẫn không ngẩng đầu lên.

...

Đến tối, cả nhà cùng nhau ngồi ăn ở gian phụ trong chính đường.

Mùa thu hợp ăn thức ăn bổ dưỡng, nhà bếp nấu một nồi canh gà thuốc bắc, gà là gà trống thiến nuôi ở dưới quê được Phó tứ lão gia bảo tiểu nhị ở cửa hàng tiện đường đưa qua lúc đi đưa hàng. Bà tử dưới bếp thương hai thiếu gia học hành vất vả, ngày nào cũng đổi món, chiếc nồi hầm đặt trên bếp lò cả một đêm, canh gà không cần cho thêm gia vị gì cũng đã có vị ngọt thanh.

Hàn thị múc cho Phó Vân Khải và Phó Vân anh mỗi người một bát canh gà, thúc giục hai đứa ăn nước canh xong còn phải ăn cả thịt gà nữa.

Cơm nước xong xuôi, Phó Vân anh đưa Hàn thị trở về phòng ngủ. Ban ngày, nàng không đọc sách thì cũng có việc phải ra ngoài, Hàn thị cũng chỉ có lúc này mới có cơ hội nói mấy câu với nàng.

"anh tỷ nhi, con đối xử với Khải ca nhi lãnh đạm quá. Mẹ thấy nó càng ngày càng ngoan ngoãn, con đừng cứ lạnh lùng với nó như thế, nó dù sao cũng là anh trai con."

Hàn thị vừa phe phẩy chiếc quạt hương bồ đuổi muỗi vừa nói.

"Mẹ, con biết rồi."

Phó Vân anh không giải thích nhiều.

...

Sáng sớm hôm sau, Phó Vân anh tỉnh lại trong tiếng chim hót véo von, khoác áo đứng dậy, mở cửa sổ. Trong viện sương mù dày dặc, đến bụi hoa dưới bậc thang cũng lờ mờ không rõ.

Phương Tuế đưa cho nàng bàn chải và bột đánh răng, nàng đứng dưới tán hoa quế đánh răng súc miệng.

Bỗng nhánh hoa quế rung lên bần bật, hoa quế rơi lả tả như mưa rơi, dính đầy lên đầu lên cổ nàng.

"Ha ha!"

Phó Vân Khải hét to chạy từ sau thân cây ra, "anh tỷ nhi, tứ thúc tới rồi!"

Phó tứ lão gia tới từ sáng sớm, không muốn đánh thức Phó Vân anh, lại xông thẳng vào phòng kéo cháu trai Phó Vân Khải ra khỏi chăn. Hai chú cháu ra ngoài đi dạo một vòng, ăn đồ ăn sáng đặc sản của phủ Võ Xương rồi mang về mấy lồng bánh bao, bánh quẩy, bánh nướng nhân măng thịt và tào phớ đậu đỏ về cho Phó Vân anh ăn sáng.

Nể mặt tào phớ đậu đỏ, Phó Vân anh không nói gì, trở về phòng sửa soạn quần áo rồi ra gặp Phó tứ lão gia.

"Sao lại gầy đi nhiều thế này?"

Phó tứ lão gia vừa nhìn thấy Phó Vân anh đã hoảng hốt, kéo nàng lại gần nhìn trái nhìn phải, nhíu mày nói.

Phó Vân anh mỉm cười, đưa tay kéo Phó Vân Khải đang đứng bên cạnh lại, "Tứ thúc, con cao lên mà."

Nàng thường xuyên so chiều cao với Phó Vân Khải, con gái dậy thì trước, nàng được ăn uống đầy đủ nên đã cao hơn hẳn Phó Vân Khải.

Phó tứ lão gia gật đầu, cười nói, "Ừ, đúng thế."

Giờ lại đến lượt Phó Vân Khải sửng sốt, trước kia hắn đã lo có ngày anh tỷ nhi cao vượt hắn, không ngờ ngày này tới nhanh như thế! hắn là anh trai, thế mà còn lùn hơn em gái mình!

Bị đả kích như thế, cả ngày sau đó hắn ỉu xìu như cà tím phơi sương.

Mãi đến khi Phó tứ lão gia kể chuyện Phó Vân Thái ở nhà ngày nào cũng bị đánh vào tay, còn bị Tôn tiên mắng té tát như thế nào, hắn mới hết buồn, Phó Vân Thái khổ sở như thế, hắn cũng thấy đỡ mấy phần rồi.

...

Buổi chiều, Phó Vân anh quyết định không ra ngoài, ở nhà làm sổ sách với Phó tứ lão gia.

"anh tỷ nhi nhà chúng ta không ở nhà, tứ thúc không có người giúp đỡ, đúng là đau đầu mà! Chỉ có thể mang hết tới đây thôi."

Phó tứ lão gia đi lại trong thư phòng, vừa nhìn ngắm vừa trêu chọc nàng.

Phó Vân anh mỉm cười không nói, bên trái là sổ sách, bên trái là bàn tính, ngón tay nhảy múa trên bàn tính lách cách.

"Đúng rồi, quên kể cho con." Phó tứ lão gia tươi cười, "Chuyện hôn nhân của Nguyệt tỷ nhi đã được quyết định xong, chọn một nhà ở huyện Hoàng Châu, họ Hoàng."

Hội đèn lồng Trung thu hôm ấy, Phó Nguyệt và Phó Quế ăn mặc lộng lẫy ra ngoài, hai chị em xinh xắn thanh tú, gia cảnh lại sung túc nên mấy ngày sau đó, người đến cầu hôn lục tục đến nhà. Phó tứ lão gia và Lư thị chọn tới chọn lui, sau cùng chọn được Hoàng gia. Hoàng gia tuy hơi nghèo nhưng Hoàng tiểu quan nhân là con trai độc nhất trong nhà, tính nết ôn hòa, hai vợ chồng Hoàng lão hán cũng là người tử tế, Phó Nguyệt gả qua bên đó sẽ không lo chuyện bất hòa với chị em dâu, dẫu tính tình mềm yếu nhưng cũng không sợ bị nhà chồng chèn ép.

Phó Vân anh cũng lo lắng chuyện hôn nhân của Phó Nguyệt và Phó Quế, nghe Phó tứ lão gia nói vậy mỉm cười hỏi: "Khi nào thì xem mặt ạ?"

Theo phong tục địa phương, khi đính hôn, mẹ chồng sẽ tới nhà gái xem mặt con dâu tương lai, hôm đó tiểu nương tử sẽ phải trang điểm xinh đẹp nghênh đón mẹ chồng, mẹ chồng nàng dâu tặng lễ vật cho nhau, khen ngợi lẫn nhau một phen, như thế mới coi như chính thức quyết định việc hôn nhân.

"Còn chưa định ngày, một người chú trong tộc của Hoàng tiểu quan nhân mới qua đời, vẫn đang giữ đạo hiếu, chắc phải đợi tới tầm tháng mười một."

Phó tứ lão gia lại nói tiếp, "Quế tỷ nhi cũng sắp rồi, tứ thúc chọn cho con bé được mấy nhà, toàn là bà con xa, ít ra mình hiểu tường tận nhà người ta."

Con gái nhà mình được nuông chiều từ bé đến lớn, một khi đã gả làm vợ người ta, trở thành gì-đó thị, mọi việc đều phải nghe theo lời chồng, người nhà mẹ đẻ không thể can thiệp vào. Phải nhà không thương yêu con gái thì chẳng sao, cũng chỉ coi con gái như bát nước đổ đi mà thôi. Còn những nhà ít người như Phó gia, nhà có đứa con gái liền rất mực yêu thương, chỉ sợ con gái ở nhà chồng bị người ta bắt nạt, trước khi đính hôn phải đắn đo lựa chọn, hao tâm tổn trí để chon gái có thể gả vào nhà tử tế, tương lai chịu ít vất vả.

Phó Vân anh biết Đại Ngô thị sinh ba trai một gái, nàng có một người bác gái nhưng người Phó gia rất ít khi nhắc đến đại cô, tết nhất gì cũng không bao giờ thấy đại cô về nhà mẹ đẻ đoàn tụ với người thân. Sau này Hàn thị có nói cho nàng, nhà chồng đại cô lắm quy củ, trừ phi gặp phải chuyện ma chay, con dâu mười mấy năm cũng không được trở về nhà mẹ đẻ là chuyện thường. Đại Ngô thị nhớ con gái, từng bảo Phó tứ lão gia tới nhà thông gia đón con gái về nhà nhưng bên kia lại không cho đi, bản thân đại cô cũng không muốn trở về. Đại Ngô thị tức giận, mặt trời vừa lên đã thức giấc, đi mấy chục dặm đường núi tìm tới tận nhà thông gia, cãi nhau với đại cô một trận rồi hai mẹ con cạch mặt nhau từ đó, không còn qua lại gì nữa.

Từ khi Lư thị quản lý việc trong nhà, thường xuyên giấu Đại Ngô thị, lén gửi đồ ăn đồ mặc cho chị chồng nhưng bên kia cũng chẳng đáp lệ lần nào.

Sợ Hàn thị vô tình lỡ miệng làm Đại Ngô thị bực mình, Lư thị và Phó tam thẩm dặn dò bà ngàn lần vạn lần không nên nhắc tới chị chồng trước mặt mọi người, cứ coi nhà không có người chị này.

Trong nhà có một người chị chồng chỉ quan tâm đến nhà chồng, không nhận nhà mẹ đẻ như thế, Phó tứ lão gia và Lư thị không dám để Phó Nguyệt gả xa, không phải lo nàng không hiếu thuận mà sợ xa cách như thế, nếu nàng bị nhà chồng chèn ép cũng không ai giúp đỡ nổi.

Người làm cha mẹ trong thiên hạ âu cũng đều đáng thương như thế.

Hai chú cháu vừa nói chuyện nhà vừa bàn bạc chuyện cửa hàng. Tới tận khi trời tối, ngoài hành lang bắt đầu lên đèn mới hoàn thành một phần công việc.

Ngày tiếp theo nhiều việc, Phó Vân Khải cũng bị gọi tới giúp đỡ. Dưới sự yêu cầu tha thiết của Phó tứ lão gia, mấy vị thiếu gia trong nhà đều biết dùng bàn tính.

...

Mấy ngày bận tới mất ăn mất ngủ, hôm nay cuối cùng cũng hoàn thành toàn bộ sổ sách, Phó tứ lão gia vui mừng nói: "đi nào, tứ thúc đưa hai đứa đi Hoàng Hạc Lâu uống rượu."

Lên Hoàng Hạc Lâu, dựa lan can ngắm cảnh nơi xa, sóng nước mênh mông, cảnh sắc hùng vĩ. Thương nhân và văn nhân vùng này đều thích tụ họp ở nơi đây để chia tay bạn bè, mở tiệc đãi khác, cho rằng đây là việc phong nhã.

"Tứ thúc, thà tứ thúc cứ mua cho chúng con mấy con vịt muối còn hơn." Phó Vân Khải nắn cánh tay mỏi nhừ vì gảy bàn tình mấy ngày, than thở, "Con eo đau lưng đau, không leo núi được đâu."

Phó tứ lão gia lườm hắn một cái, cốc đầu hắn, "Thân thể con quá yếu đuối rồi đấy, hôm sau con học anh tỷ nhi rồi hai đứa luyện quyền với nhau đi, ở thư viện các con không phải là sẽ phải học cưỡi ngựa bắn cung sao? Con mau tập luyện cho tử tế, không có khi còn bị bạn học chê cười đấy."

Phó Vân Khải nằm ườn trên sập không chịu đứng lên, rên hừ hừ: "Tứ thúc, thật mà, con mệt chết đi được ấy, tứ thúc cứ để con từ từ."

Phó tứ lão gia nói là làm, không đợi Phó Vân Khải nữa, dứt khoát đứng dậy dẫn quản sự ra ngoài.

Hai canh giờ sau, Phó tứ lão gia thân khoác áo khoác ngắn tay mỏng màu vàng sẫm, tay nắm hai con ngựa to khỏe về phố Cống Viện, "Nhìn xem, tứ thúc vừa ra ngoại thành mua cho hai đứa này! May mà đến sớm, chợ ngựa vừa mới mở, chọn được hai con ngựa tốt, người bán ngựa còn nói là đưa từ Cam Châu tới."

Ngựa đắt tiền, không phù hợp với việc đi đường núi, nuôi nấng lại phức tạp, nhà bình thường không chịu nổi chi phí, đi ra ngoài thường cưỡi la cưỡi lừa. Chỉ có những công tử nhà giàu có thích phô trương mới hay rủ nhau phóng ngựa dạo chơi. Thiếu niên ăn mặc đẹp đẽ, cưỡi con ngựa cao lớn, tay cần roi quất ngựa, uy phong biết bao!

Mặt trời dần ngả về tây, thư phòng dần tối lại, Phó Vân anh bước ra ngoài hành lang, dựa vào lan can đọc sách nhưng lại bị Phó Vân Khải đang hưng phấn kéo vào trong viện xem ngựa, đúng là dở khóc dở cười.

thật ra nàng rất thích lừa.

Có ngựa rồi thì lại phải có mã đồng, mã phu chuyên chăm sóc cho ngựa.

Trước kia, ở trại chăn nuôi ở Cam Châu, Hàn thị sống bằng nghề chăn ngựa cho Thiên Hộ Sở. Thấy Phó tứ lão gia mua cho Phó Vân Khải và Phó Vân anh hai con ngựa liền sốt sắng, "Có mẹ đây rồi! Đảm bảo sẽ nuôi hai "đứa" chúng nó khỏe mạnh béo mập ấy chứ!"

Vương Đại Lang cũng xung phong, "Thiếu gia, nô tài biết nuôi ngựa, về sau mỗi lần thiếu gia ra ngoài, nô tài lại dẫn ngựa cho thiếu gia."

Cuối cùng Phó tứ lão gia dứt khoát giao việc nuôi ngựa cho lão bộc ở hậu viện, lão bộc có gì không hiểu có thể tìm Hàn thị để hỏi, còn cái chuyện Hàn thị nói bà sẽ tự tay chăm sóc cho hai con ngựa, ông làm như không nghe thấy gì.

Phó Vân Khải tuy mềm yếu, hay lo cái này sợ cái kia, xước da một chút đã kêu gào ầm ĩ nhưng người trẻ tuổi có ai là không thích ngựa, ngày hôm sau đã dậy thật sớm vì hưng phấn, bám theo Phó tứ lão gia đòi ông dạy hắn cưỡi ngựa.

Phó tứ lão gia thường xuyên ra ngoài làm ăn nên đương nhiên là biết cưỡi ngựa.

Phó Vân anh cũng bị Phó Vân Khải kéo tới bắt học cùng.

Phó Vân Khải tự cho là riêng khoản cưỡi ngựa này thì ít nhất hắn cũng có thể thắng được Phó Vân anh, hôm nay cuối cùng cũng có thể lên ngựa rồi đi mấy bước mà không có ai trợ giúp. Ngồi trên lưng ngựa, hắn nhìn xuống Phó Vân anh, đắc ý nói: "anh tỷ nhi, muội đừng sợ, chờ huynh học xong rồi sẽ dạy lại cho muội."

Phó Vân anh cười nhạt, giẫm lên ghế trúc Vương Đại Lang vừa mang đến, ngồi lên lưng ngựa, phất nhẹ roi, giục ngựa chạy một vòng lớn quanh Phó Vân Khải, động tác tiêu sái tự nhiên, liền mạch lưu loát.

Mấy gã tùy tùy đứng bên cạnh trầm trồ khen ngợi.

"Cửu ca, muội học xong rồi. không cần làm phiền huynh."

Phó Vân anh liếc nhìn Phó Vân Khải vẫn đang nắm chặt dây cương, lo sợ không dám động đậy, mỉm cười.

Con ngựa dưới thân bị khí thế của Phó Vân anh làm cho sợ hãi lui về sau mấy bước, Phó Vân Khải sợ ngã xuống thì lại xấu mặt, vô thức rùng mình, không dám nói gì, mặt như đưa đám, gật đầu lia lịa.

anh tỷ nhi sao lại cái gì cũng biết thế chứ! hắn sẽ không bao giờ dám coi thường nàng nữa!

...

Chẳng mấy chốc đã tới ngày Giang Thành thư viện công bố thứ hạng thí sinh.

Trước cổng thư viện nhộn nhịp toàn người là người, những thí sinh hôm trước tới dự thi và người nhà của họ, ngay cả những người dân sống trên núi không có việc gì cũng tới xem cho vui.

Biển người tràn ra cả trước tường thư viện, chen chúc, chật như nêm cối.

Phó tứ lão gia cử hai gã tiểu nhị ở cửa hàng tới trước cửa chờ dán thông báo, ra quán trà ngồi chờ tin tức với Phó Vân Khải và Phó Vân anh.

Ông gọi một ấm trà nói: "Đồng ca nhi hôm nay không tới được, lát nữa phải nhớ thứ tự của cậu ta, khi nào trở về, tứ thúc tiện đường qua nhà nói cho cậu ta."

...

Tô Đồng nhất quyết đòi tới phủ Võ Xương học, Tô nương tử và Tô Diệu không muốn đi theo, nghe người ta nói thư viện sẽ cho học sinh xuất sắc tiền đèn sách và hoa hồng nên mới bằng lòng theo hắn đi.

Phó tứ lão gia vừa đến phủ Võ Xương hôm trước, hôm sau liền tới tìm Tô Đồng, bảo hắn dọn đến phố Đại Triều mà ở, dù sao tòa nhà bên đó của Phó gia cũng để không.

Tô Đồng kiên quyết từ chối, Phó tứ lão gia đưa hắn tiền, hắn cũng không nhận một đồng.

Giá cả ở phủ thành cao hơn nhiều so với ở huyện Hoàng Châu, mẹ con bọn họ phải thuê nhà đã đành, rồi sau này cái gì cũng phải cần đến tiền, đến uống chén nước cũng cần tiền nữa là. Phó tứ lão gia khuyên hắn lần nữa, hắn vẫn mỉm cười uyển chuyển từ chối, nói mình đã tìm được công việc chép sách ở tiệm sách, có thể nuôi gia đình sống qua ngày.

Tô Đồng rõ ràng đang muốn hoàn toàn tách mình ra khỏi Phó gia.

"Viện tỷ nhi không phải là sắp xuất giá sao? Mọi người ai cũng nói lần này nhà bên đó tìm được một mối tốt cho con bé, ai mà ngờ được trong lòng con bé vẫn còn nhớ nhung Đồng ca nhi! Các đây không lâu Viện tỷ nhi lén quay lại huyện Hoàng Châu, muốn bỏ trốn với Đồng ca nhi... Còn may, Đồng ca nhi còn chưa bị mờ mắt... hiện giờ mấy người bên đại phòng đang chửi mắng cậu ta là đồ lòng lang dạ sói, bảo cậu ta không biết báo ân thì thôi, lại còn dụ dỗ Viện tỷ nhi, muốn nhân cơ hội này cướp đoạt tài sản Phó gia... Đồng ca nhi tức giận bỏ đi rồi."

Phó tứ lão gia kể chuyện đại phòng xong, nhắc nhở Phó Vân Khải, "Sau này trước mặt Đồng ca nhi, không được nhắc tới chuyện ở nhà, biết chưa?"

Phó Vân Khải đang nghển cổ nghe chuyện không dám cười cợt nữa, giật đầu thưa vâng/

Phó Vân anh nghe đến đó, thực ra còn thấy phục Phó Viện.

Chạy trốn theo người thì dù thế nào cũng chỉ có thể làm thiếp mà thôi. Đó không phải chỉ là quan niệm xã hội. Dựa theo luật pháp, con gái nhà đàng hoàng bỏ trốn theo người khác, nhà chồng hoặc nhà mẹ đẻ đi bẩm báo với quan phủ, quan phủ có thể đưa người truy bắt người con gái này rồi bán đi.

Nếu Tô Đồng đi trốn với Phó Viện, quan phủ có quyền bắt Phó Viện về bán làm nô tỳ. Tô Đồng cũng có thể bị Phó tam lão gia kiện vì tội lừa gạt con gái nhà lành. Phó Viện ái mộ Tô Đồng nhưng Tô Đồng lại không muốn mạo hiểm như thế vì nàng ta.

Phó Viện đúng là có dũng khí, nhưng từ nhỏ nàng ta được cha mẹ nuôi dưỡng, chu cấp đầy đủ, ra khỏi Phó gia sẽ không thể tự nuôi sống chính mình, trước đó tình cảm của nàng ta chưa từng được Tô Đồng đáp lại, hơn nữa lại còn đã đính hôn, giờ lại bất cần như thế, không chỉ có người Phó gia không hiểu được sự lựa chọn này của nàng ta mà ngay cả Tô Đồng có lẽ cũng trách nàng ta tự nhiên lại kéo mình vào vũng bùn.

Nàng ta ngốc nghếch, kích động không màng hậu quả, tự làm tự chịu... Nhưng nếu như trước đây Phó tam lão gia cho nàng ta cơ hội để lựa chọn, không ép nàng ta lấy chồng, nàng ta chắc gì đã bí quá hóa liều như thế.

...

Việc dán thông báo cũng giống như công bố kết quả thi bình thường, kết quả của thí sinh hạng xếp hạng thấp hơn sẽ được công bố trước, chia thành từng nhóm.

Tô Đồng hôm nay không tới, lấy cớ là phải đi chép sách ở tiệm sách nhưng nguyên nhân thật sự hẳn là vì muốn tránh mặt người khác. Chuyện Phó Viện đã bị giấu nghẹm, nhưng phủ Võ Xương cũng không cách xa huyện Hoàng Châu là mấy, không chắc được người khác có nghe phong phanh được gì hay không.

Người có hiềm khích với hắn như Chu Đại Lang rất có thể đã biết hắn rời khỏi Phó gia, có khi sẽ nhân dịp hắn lẻ loi đơn độc để dạy hắn một bài học.

sự ồn ào xung quanh kéo Phó Vân anh ra khỏi những suy tư, cúi đầu nhìn lá trà đọng lại trong ly trà, lẩm nhẩm lại chương sách mới đọc sáng nay.

Ở cửa thư viện, Trần Quỳ cầm một tờ giấy đỏ đi ra, phía sau là mấy học sinh trẻ tuổi.

Trước thư viện náo loạn, các thí sinh đổ xô ra xem.

Sáng còn lạnh, có người nhân dịp này bày một sạp bán ngô nướng trước tường thư viện, ngô nướng chín nục tỏa ra hương thơm ngọt ngào. Những nhà có khả năng cho con cháu vào thư viện học hành đa phần có gia cảnh không tệ, chờ lâu cũng thấy đói bụng, lấy mấy đồng tiền ra mua một bắp ngô nướng, người khác thấy thế cũng thèm thành ra sạp ngô nướng rất đắt hàng.

Danh sách mắt đầu được dán lên, càng lúc càng có nhiều người xô đẩy nhau về phía tường, người bán ngô nướng được thể càng rao to hơn.

một người khác thấy tiếng rao hàng của ông ta át mất tiếng người bên trong đọc thông báo nên đứng trước sạp tranh cãi với ông ta mấy lời. không hiểu nói năng không hợp ra sao mà xảy ra xô xát, người kia hất tung cả sạp, những hòn than nóng bỏng lăn lóc khắp nơi, những người xung quanh kêu lên sợ hãi, cuống quýt lùi về sau.

Phó tứ lão gia là người có lòng, thấy tình hình lộn xộn chẳng ra sao, đưa mắt ra hiệu với Vương thúc.

Vương thúc hiểu ý, đi qua hòa giải.

Học sinh thư viện cũng nghe thấy, đi về phía đó hỏi thăm.

Người bán ngô lăn lóc trên mặt đất khóc lóc ăn vạ, nhất quyết đòi người làm đổ sạp bồi thường.

Người kia thấy sự tình không ổn nên đã lủi vào đám người từ bao giờ.

đang lúc mọi người rối cả lên không biết làm thế nào thì trong đám người bỗng vọng ra âm thanh kì quái, một thiếu niên khỏe mạnh khôi ngô đã nắm lấy bả vai của một người đàn ông trung niên đang nghiến răng tức tối, đẩy ra khỏi đám người, "Nè, chính là ông ta!"

Phó Vân Khải giơ một tay lên trán hóng sang phía đó bỗng đẩy nhẹ cánh tay Phó Vân anh, "Muội nhìn kìa, là người kia!"

Phó Vân anh ngẩng đầu, nhìn theo ánh mắt hắn, thiếu niên đang bênh vực kẻ yếu kia rõ ràng là thí sinh phủ Trường Sa từng bị học sinh thư viện ngăn lại trong buổi thi hôm trước, mày rậm mắt to, mặt mày hung hãn.

Hôm nay hắn cũng ăn mặc chỉnh tề nhưng vẫn đi giàu rơm, vẫn nói năng lớn tiếng, có điều không nhổ nước bọt.

...

Người làm công trong thư viện nhanh chóng dọn dẹp đống hỗn độn trước tường.

Chuyện sạp bán ngô không ảnh hưởng mấy tới các thí sinh, họ đang chăm chú nhìn tờ giấy đỏ dán trên tường, nôn nóng tìm kiếm tên mình.

Tìm thấy thì lập tức tươi cười, cao giọng hoan hô.

không tìm được thì sắc mặt trầm xuống, cố gắng không tỏ ra thất vọng để không bị người khác cười nhạo.

Thấy từ thứ bảy mươi đến bốn mươi mốt đã được công bố mà vẫn chưa thấy hai cái tên Phó Vân Khải hoặc Phó Vân đâu, tiểu nhị lo lắng thấp thỏm, lấy tay lau mồ hôi.

Tiếp theo là thứ bốn mươi đến ba mươi mốt, vẫn không có tên hai vị thiếu gia.

Trán tiểu nhị đổ mồ hôi ròng ròng, thầm nghĩ đáng lẽ mình không nên xung phong làm việc này mới phải, vốn tưởng rằng có thể lấy được tiền thưởng, ai ngờ hai vị thiếu gia không thi đỗ phụ khóa sinh, phen này thì đừng nói tiền thưởng, đại quan nhân không đánh hắn đã là tốt lắm rồi.

hắn ủ rũ chạy tới tìm Vương thúc, "Thế này thì trả lời quan nhân thế nào đây?"

Vương thúc lườm hắn một cái, "Phụ khóa sinh nhất định phải có tên của thiếu gia!"

Tiền cũng đã chi ra rồi, làm sao đến phụ khóa sinh cũng trượt được? Theo cách làm năm trước của thư viện, phụ khóa sinh không tham gia kì thi được ghi tên ở cuối, những người tham gia kì thi sẽ được xếp theo thứ tự, không xét đến thân phận. Thiếu gia Dương gia không đi thi nhưng hắn xuất thân phú quý cho nên được xếp hạng nhất trong danh sách phụ khóa sinh. Thiếu gia nghiêm chỉnh đi thi, dù thi kém đi chăng nữa, cũng xếp hạng nhất từ dưới lên, làm gì có chuyện đến tên cũng không có trên bảng chứ?

Tiểu nhị phân trần: "Cháu thật sự không tìm được mà..."

Vương thúc không biết chữ, đẩy tiểu nhị vào phía trong, "Chắc chắn là chú mày nhìn nhầm, chú mày tìm lại lần nữa xem.”

Tiểu nhị xem từ đầu đến cuối ba lần nữa, tới mỗi tên lại dừng lại một lúc đọc cho kỹ, giọng nói đã run run, "không có thật mà..."

Lúc này, Trần Quỳ nhận tờ giấy đỏ tiếp theo từ tay bạn học, dán danh sách từ thứ ba mươi đến hai mươi mốt.

Tiểu nhị nhìn qua một cái đã thấy ngay một cái tên quen thuộc, sửng sốt, từ lòng bàn chân đến đỉnh đầu đều ngập trong vui sướng, cười tươi như hoa, "Thiếu gia còn là chính khóa sinh cơ này!"

Cứ tưởng Phó Vân Khải lười nhác ham chơi, chắc chỉ học được vài chữ, ai ngờ thiếu gia cũng nào kém ai!

Tiểu nhị lách qua đám người, hộc tốc chạy về phía quán trà, cười toét miệng: "Thiếu gia đỗ hạng hai mươi tám!"

Phó tứ lão gia vui mừng khôn xiết, nhìn Phó Vân Khải cười nói: "Tốt lắm, khiến tứ thúc con nở mày nở mặt!"

Phó Vân Khải cứ tưởng mình đang mơ, đang ngồi trên ghế dài cũng bật dậy, đánh đổ ly trà trên bàn, áo bào bị nước bắn ra ướt một mảng lớn, nước trà nóng bắn cả lên tay nóng rát, hắn không quan tâm tới mu bàn tay đỏ lựng, túm chặt tiểu nhị hỏi lại, "Ta, chính khóa sinh á?"

Tiểu nhị gật đầu lia lịa, "Đúng ạ, thiếu gia, tiểu nhân chính mắt nhìn thấy mà!"

Mọi người cười ồ lên.

Người ngồi xung quanh trong quán trà chắp tay chúc mừng Phó tứ lão gia, đỗ chính khóa sinh của Giang Thành thư viện cơ bản nghĩa là một hai năm sau nhất định có thể đỗ tú tài rồi.

Phó tứ lão gia cười cảm ơn mọi người, mặt mày hớn hở, mắt sáng lấp lánh.

Phó Vân Khải vừa ngạc nhiên vừa vui mừng tới mức sững sờ, ngơ ngác hồi lâu, hắn quay đầu sang nhìn chằm chằm Phó Vân anh.

Ánh mắt nóng bỏng.

Phó Vân anh nhìn sang hắn, "Chúc mừng cửu ca."

"anh tỷ nhi." Phó Vân Khải nắm chặt tay nàng, lắc mạnh mấy cái, "Sau này cái gì huynh cũng nghe muội hết!"

Phó Vân anh cười.

"Huynh nói thật đấy."

Phó Vân Khải thấy nàng không tin, tự nhiên thấy hơi tủi thân, buông tay nàng ra, thì thầm một câu như thế.

"Vân ca nhi hạng mấy?"

Phó tứ lão gia cuối cùng cùng nhớ ra bên kia vẫn đang tiếp tục dán thông báo, hỏi tiểu nhị.

Tiểu nhị chạy qua chạy lại mấy lần, báo với họ danh sách mười người đứng đầu đã công bố vài hạng, Chu Đại Lang đứng thứ bảy, thiếu niên phủ Trường Sa kia tên Viên Tam, đứng thứ năm.

Lúc công bố đến hạng thứ năm, Viên Tam đứng trước tường, chống nạnh ngửa mặt lên trời cười to, sau đó chỉ thẳng vào mặt Chu Đại Lang, khẽ chửi mắng mấy câu đầy khiêu khích.

Chu Đại Lang tức giận tái mặt.

Lần này, mọi người đều ấn tượng với Viên Tam.

Phó tứ lão gia bật cười, tuy rằng ông đã lớn tuổi, vốn không nên giận dỗi như trẻ con nhưng chỉ cần thấy người Chu gia mất mặt, ông cũng không tự chủ được bật cười.

Thứ hạng dần được công bố, đám người cũng dần tản đi.

Có vài thí sinh vẫn nán lại, muốn xem những cái tên đứng đầu rốt cuộc là người phương nào.

Chỉ còn lại bốn người đứng đầu là chưa công bố, Phó Vân anh hơi nhíu mày.

Phó Vân Khải tới bên cạnh nàng, khẽ nói: "anh tỷ nhi, muội nhất định nằm trong những người đứng đầu, sợ gì chứ!"

Phó Vân anh không trả lời.

Nàng tự tin có thể nằm trong mười người đứng đầu, nhưng nếu nói là bốn người đứng đầu...

Trước bức tường bỗng vang lên tiếng chúc mừng, tiểu nhị quay lại quán trà, cúi đầu nói: "Thiếu gia Chung gia ở phủ Võ Xương đứng thứ tư, thiếu gia Triệu gia đứng thứ ba."

Chỉ còn lại thứ nhất và thứ hai.

Tiểu nhị mới vừa rồi còn dám vừa nói vừa cười, giờ không còn dám cợt nhả nữa, lúc trả lời cũng hết sức cẩn thận.

Phó tứ lão gia mặt không đổi sắc, "Biết rồi, đi xem tiếp đi."

Ông quay sang vỗ vai Phó Vân anh, trấn an, "không sợ, còn có Triệu sư gia mà."

Phó Vân anh vâng một tiếng.

Có lẽ văn của nàng viết quá trực tiếp, không đủ hàm súc, sơn trưởng không thích.

Nhưng nàng biết bản thân mình tuyệt đối không thể trượt được.

Hạng nhất và hạng nhì mãi không được công bố, các thí sinh chờ đợi sốt ruột, kéo tay Trần Quỳ hỏi thăm tình hình bên trong.

Trần Quỳ quay quắt trả lời hết người này đến người kia, toát cả mồ hôi, "Thứ tự đã được quyết định rồi, mọi người chờ một lát, sẽ có ngay bây giờ thôi.

hắn vừa dứt lời, một học sinh từ trong đi ra, trong tay chỉ cầm một tờ giấy đỏ.

Trần Quỳ vội nhận lấy, ánh mắt quét qua cái tên trên giấy, mặt lộ vẻ kinh ngạc. Người xung quanh lập tức ào tới như thủy triều, đẩy cả hắn đi, hắn vội vàng cầm chặt tờ giấy, mỉm cười bước tới trước tường.

Những người đứng ngay trước bức tường đọc to chữ viết trên giấy đỏ, "Sao lại thế nhỉ?"

Tất cả ồ lên.

Các thí sinh chụm đầu ghé tai bàn bạc với nhau.

Tiếng ồn ào vọng tới quán trà, Phó tứ lão gia nôn nóng, đứng lên, nắm tay siết lại, "đi xem một cái đi."

Tiểu nhị thưa vâng, đang định đi, Phó Vân anh bỗng lên tiếng, "Đợi đã."

Nàng đứng dậy, mím môi cười, "Cũng nên đến ta rồi."

Lời tác giả:

"Cổ văn quan chỉ": Tài liệu ôn thi được soạn thời nhà Thanh

"Đông lai bác nghị": Bao gồm những bài văn do học giả thời Nam Tống là Lữ Tổ Khiêm và vài cộng sự viết về thời Xuân Thu.