Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 89:



Để trợ giúp Phó Vân anh, Đỗ Gia Trinh cũng không về nhà ăn Tết.

Được sơn trưởng cho phép, Phó Vân anh giữ chìa khóa Tàng Kinh Các, cả một mùa đông nàng cơ bản là ngâm mình ở Tàng Kinh Các, về sau dọn hẳn sang sương phòng ở tầng một của Tàng Kinh Các để ở. Đây vốn là phòng nghỉ của người làm công trong Tàng Kinh Các.

Chu Hòa Sưởng nhiệt tình mời nàng tới Vương phủ ăn Tết, nói muốn đưa nàng đi xem hội hoa đăng.

Nàng uyển chuyển từ chối.

Chu Hòa Sưởng vô cùng thất vọng nhưng cũng biết nàng đang bận việc nghiêm túc nên không dám ỉ ôi. Sau khi trở lại Vương phủ, hắn còn sai người đưa sách quý trong Vương phủ tới thư viện cho nàng đọc.

Phó Vân Khải nghĩ tới nghĩ lui vẫn không hiểu được, đang yên đang lành, tại sao Phó Vân anh lại mời Đỗ Gia Trinh hợp tác?

Triệu Kỳ thì còn dễ hiểu, hắn là cháu trai của Triệu sư gia, hào phóng rộng rãi, cũng chưa thực sự đắc tội với ai, từ khi Phó Vân anh đảm nhiệm chức trợ giáo, hắn đã không còn ý định thu nàng vào dưới trướng mà chuyển sang muốn làm bạn với nàng, chủ động giúp nàng bày mưu tính kế, giải quyết khó khăn, giới thiệu nàng với bạn bè mình, người như thế có thể giúp đỡ nàng rất nhiều.

hắn là người có bản lĩnh, lịch sự lại chu đáo, cử chỉ có chừng mực, trước sau vẫn giữ khoảng cách vừa phải, không tới mức làm Phó Vân anh chán ngán nhưng cũng không đến mức quá xa cách.

Phó Vân anh cân nhắc một hồi cũng kệ hắn, Triệu Kỳ muốn làm gì thì cứ làm thế đi.

"Triệu Kỳ dù sao cũng không hại ai, Đỗ Gia Trinh thì khác, lòng dạ đen tối, lần ấy hắn khuyến khích Chu Đại Lang đánh lén muội, muội quên rồi hả?"

Hôm nay mấy người bọn họ ngồi trong Tàng Kinh Các chép lại các đoạn trích, Phó Vân Khải len lén kéo Phó Vân anh sang một góc, cằn nhằn.

Phó Vân anh lắc đầu, "hắn là sự lựa chọn thích hợp nhất."

Nàng không để bụng chuyện Đỗ Gia Trinh có thù hận gì nàng hay không. Đối với nàng, việc biên soạn sổ tay rất quan trọng, nàng cần những trợ thủ ưu tú nhất. Đúng là Đỗ Gia Trinh từng muốn cho nàng một bài học nhưng cũng không tàn nhẫn độc ác tới độ muốn mưu hại tới tính mạng của nàng, những việc về sau không liên quan gì tới hắn. Đúng như lời Trần Quỳ nói, hắn thực sự có tài năng hơn người, mỗi tội hơi nhỏ nhen thôi.

Làm gì có chuyện ai ai cũng thích nàng, đánh giá cao nàng, chỉ cần Đỗ Gia Trinh có thể giúp nàng hoàn thành việc biên soạn sách, nàng có thể không so đo chuyện tranh cãi trước kia.

Dù sao cũng chỉ là xích mích nhất thời giữa những người trẻ tuổi mà thôi.

...

Phó Vân anh tập trung vùi đầu vào đống sách, những người xung quanh không dám quấy rầy nàng. Hằng ngày, Vương Đại Lang đều rất đúng giờ xách một hộp đồ ăn mang tới Tàng Kinh Các, chân giò hun khói, măng mùa đông hầm, canh củ cải thịt dê, rau cải, thịt lợn hầm, sủi cảo thịt lợn cải trắng, rau xào, bánh hạt kê, thịt viên rau tể thái...

Loáng cái đã tới độ xuân về hoa nở, liễu xanh như tơ, dây trầu cổ bò lan trên vách tường, băng tan, thời tiết ấm lên, hoa đào, hoa mận, hoa ngọc lan trong sơn cốc lần lượt nở rộ, từng đóa hoa hồng kiều diễm, trắng tinh khôi điểm xuyết khung cảnh non xanh nước biếc, cỏ cây mơn mởn. Giữa không gian xanh biếc, màu hoa càng nổi bật, đỏ thêm tươi, hồng thêm thắm.

Hôm nay Vương Đại Lang đưa đồ ăn tới cho nàng như thường lệ, mở hộp ra, bên trong có tổng cộng tám món ăn, trong đó có một món là ngọn tần ô (cải cúc) xào thanh đạm, đặt trong đĩa sứ trắng ngần nhìn xanh non tươi mát.

đã tới mùa ăn ngọn tần ô.

Phó Vân anh bỗng nhớ tới Phó Vân Chương đang ở kinh sư xa xôi.

không biết y thi hội làm bài thế nào.

Sợ làm phiền tới việc ôn thi của y, mấy tháng nay nàng chưa viết thư cho y.

Ăn cơm xong, nàng bảo Vương Đại Lang trải giấy mài mực, cầm bút viết thư cho Phó Vân Chương. Trong thư không đề cập câu nào tới chuyện thi hội, chỉ hỏi chuyện ăn uống sinh hoạt của y và thời tiết phương bắc thế nào. Sau đó, nàng kể kĩ càng hơn về chuyện gần đây nàng làm gì, làm quen với người bạn mới nào, chuyện gần Tết Diêu Văn Đạt lại bị bệnh, các thầy trong thư viện tới thăm, bị chửi cho tối tăm mặt mũi, chuyện sau Trung thu Phó Nguyệt sẽ lấy chồng, Phó tứ lão gia nhất quyết phải chở nguyên một bộ đồ nội thất bằng gỗ lê từ phía nam lên gồm đủ thứ rương hòm, ghế dựa, ghế đôn, bàn, tủ, ghế bành, giá bác cổ, đồ trang trí, bàn để đầu giường... Ngoài ra còn một chiếc sập trang trí mạ vàng, các gia đình thân thích trong Phó gia thấy thế đều giật mình, họ vẫn biết Phó tứ lão gia mấy năm nay kiếm được không ít tiền nhưng không ngờ lại nhiều tiền đến thế! Cả đống người ở huyện Hoàng Châu đều đổ tới Phó gia xem cho biết, họ đều khen Phó tứ lão gia thương con gái, mạnh tay chi tiền đồ cưới cho con...

Mấy chuyện vụn vặt như vậy thôi cũng biết ra được tầm mười trang giấy, nàng dừng lại nghỉ tay một chút, hong cho khô mực rồi lại cầm một tờ giấy trắng lên.

Nếu Phó Vân Chương đỗ kì thi hội, người gặp việc vui thì tâm hồn ắt cũng thoải mái, nhất định nhận được thư nhà sẽ càng thêm vui vẻ. Nếu y không may mắn, thi trượt, buồn bã thất thần, thư nhà cũng có thể an ủi y, làm tinh thần y phấn chấn trở lại, nhớ tới người nhà ở huyện Hoàng Châu, y sẽ không đến mức sa sút tinh thần.

Lúc nàng viết xong thư, nửa canh giờ đã trôi qua.

Mấy người Đỗ Gia Trinh, Triệu Kỳ, Viên Tam, Khó Vân Khải đang ở ngoài sảnh chính tìm sách dựa theo danh sách nàng đưa, Tàng Kinh Các im ắng, chỉ có những hạt bụi lấp lánh bay bay trong không khí.

Nàng để cả mấy bức tiểu cảnh đồ mà bình thường vẫn vẽ vào trong thư, bảo Vương Đại Lang đi gửi.

...

Mấy ngày nay, khắp các tiệm sách lớn nhỏ ở phủ Võ Xương đều dán một thông báo mới, trên đó ghi: Tác phẩm mới "Sở Địa anh hùng liệt truyện", sáu phân bạc, tặng một cuốn "Sổ tay chế nghệ" của Đan Ánh công tử.

"Sở Địa anh hùng liệt truyện" kể về câu chuyện một đám du hiệp vào nam ra bắc, cướp của người giàu chia cho người nghèo, văn vẻ cũng không có gì đáng nói nhưng được cái cốt truyện rất ly kì, cảm động, hay hơn là ở chỗ trong cuốn sách này cứ mấy trang lại có một bức tranh minh họa, nét vẽ đơn giản, miêu tả sơ lược, chỉ vài nét bút đã phác họa ra những tình tiết đặc sắc nhất trong truyện, nếu đọc truyện không hiểu cũng có thể dựa vào những bức họa này để đoán được cốt truyện.

Người biết chữ thì đọc chữ, người không biết chữ thì xem tranh, mọi người đều có thể hiểu được.

Những cuốn tiểu thuyết phổ biến trên thị trường cứ tái bản đi tái bản lại mọi người đã quen thuộc từ lâu, người thích tiểu thuyết thèm thuồng sách mới như thể chết đói lâu ngày, cuốn "Sở Địa anh hùng liệt truyện" toát ra hào khí anh hùng, hành văn chưa tốt lắm nhưng lại dễ hiểu, dễ phổ biến, vừa đưa ra thị trường chưa tới ba ngày đã cháy hàng.

Phó tứ lão gia gửi thư cho Phó Vân anh nói ông quyết định in thêm, nếu không những thương nhân khác sẽ lập tức tự in bản lậu, nhanh chóng chiếm được thị trường.

Sách thì đắt nhưng chi phí in ấn lại thấp, tác giả Viên Tam chỉ lấy mấy trăm lượng bạc, thù lao của người làm bản khắc còn ít hơn, chỉ năm mươi lượng. Phó Vân anh vẽ tranh cho sách, còn tặng kèm cả "Sổ tay chế nghệ", từ đầu chí cuối không lấy xu nào.

Dù sao thì lợi nhuận cuối cùng cũng có một nửa thuộc về nàng, nàng chỉ tự làm việc cho mình thôi.

Viên Tam nhận được bạc thì khấp khởi vui mừng, lôi từng thỏi bạc ra cắn một cái, lấy một phần nhờ người chuyển về phủ Trường Sa cho Viên huyện lệnh, phần còn lại nhờ Phó Vân anh giữ cho hắn, "Lão đại, ngươi giữ giúp ta, ta chưa từng kiếm được nhiều tiền như thế bao giờ, sợ không biết tiết kiệm."

Phó Vân anh giúp hắn gửi bạc vào tiền trang, "Sách bán rất chạy, ngươi cố gắng viết thêm mấy truyện nữa, lại in sách mới, sách lậu có cấm cũng không được, chúng ta chỉ có thể không ngừng ra sách mới thôi."

Viên Tam đồng ý, gãi đầu, "Lão đại, tại sao "Sổ tay chế nghệ" không dùng để đưa ra ngoài bán?"

"Đúng thế!" Phó Vân Khải đứng bên cạnh cũng chen lời, "Đệ tốn nhiều công sức như thế..."

Phó Vân anh cười, "Bán văn giải đề vĩnh viễn cũng bán không chạy bằng tiểu thuyết, lúc ta biên soạn cuốn sách này cũng không định dùng nó để kiếm tiền, giờ là tặng kèm, một thời gian nữa, ta sẽ bán bản thảo cho các chủ tiệm sách, không đặt thêm điều kiện gì, đồng ý để họ tự khắc tự in thành sách."

"Vậy chẳng phải là đến một văn tiền muội cũng không kiếm được hay sao?" Phó Vân Khải càng không hiểu.

"không hiếm được tiền nhưng lại có thể kiếm được thanh danh."

Phó Vân anh đưa mắt về phía cửa, khẽ nói, "Viên Tam, ngươi phải nhớ, tác giả "Sở Địa anh hùng liệt truyện" là Hồ tiên sinh."

Viên Tam nhếch miệng cười, gật đầu, vỗ ngực nói: "Lão đại, ngươi yên tâm, ta biết cân nhắc."

Phó Vân Khải đứng bên cạnh cũng thì thầm: "Ta sẽ không nói cho ai."

Kẻ sĩ kinh thường tác giả tiểu thuyết, sau này Viên Tam muốn tham gia khoa cử, viết tiểu thuyết cũng nhất định phải giấu tên. "Sổ tay chế nghệ" không phải tiểu thuyết, viết về kỹ xảo viết văn giải đề, là sách vỡ lòng, nên sẽ không đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho Phó Vân anh nên nàng dùng luôn danh hào Đan Ánh công tử để in sách.

Viên Tam đột nhiên hỏi: "Lão đại, tại sao lại để cho ta viết, câu chuyện là ngươi kể cho ta, ngươi cũng có thể viết tiểu thuyết cơ mà?"

Phó Vân anh nhẹ nhàng nói bâng quơ, "Bút lực của ta không bằng ngươi."

Viết tiểu thuyết tốn nhiều thời gian công sức, hơn nữa viết hay thế nào thì chung quy cũng không vượt qua được "Tam Quốc Diễn Nghĩa", "Tây Du Ký", "Thủy Hử Truyện", tác giả tiểu thuyết cũng không được văn nhân đánh giá cao, chỉ có những văn nhân nghèo túng tột cùng mới dám dùng tên thật để xuất bản tiểu thuyết.

Nhà người khác chỉ có bốn bức tường, Viên Tam đến nhà cũng không có, hắn cần tiền, để kiếm tiền hắn sẵn sàng chấp nhận rủi ro, hơn nữa cách hành văn, kể chuyện cũng tạm được, để hắn viết tiểu thuyết là thích hợp nhất.

Tiệm sách thuộc về Phó gia, xưởng in ấn cũng là của Phó gia. Tuy nàng không viết tiểu thuyết nhưng tiền bán sách còn nhiều hơn tiền những tác giả như Viên Tam có thể lấy được. Hơn nữa nàng cũng không giỏi chuyện này, vậy viết để làm gì?

Chẳng thà tập trung biên soạn sách phụ đạo vỡ lòng, khiến đại danh của Đan Ánh công tử vang vọng từ bắc chí nam.

Tới khi đó, sĩ tử trong thiên hạ, dù có thích văn của nàng hay không, thì trên bàn cũng sẽ có mấy cuốn sách mà trong đó nàng giảng giải các kỹ xảo làm văn.

...

Thời tiết lúc ấm lúc lạnh, chim hoàng oanh lảnh lót, chim yến nỉ non, tường cung đỏ son thấp thoáng bóng hoa cỏ, liễu xanh buông cành.

Hoa thắm liễu xanh, khắp vườn ngập mùi hương.

Hoàng Thượng và Tôn Quý phi cuối cùng đã phế được Hoàng Hậu đúng theo ý nguyện, tuy là hiện tại không phải lúc lập hậu một làn nữa, nhưng những người sáng suốt đều biết chỉ có người được sủng ái nhất, Tôn Quý phi, mới là đối tượng được nhắm đến cho ngôi vị Hoàng Hậu này. Tôn Quý phu vui mừng, các vị nương nương trong cung cũng trưng ra những khuôn mặt tươi cười, cung nhân cũng khoác lên mình những bộ đồ mùa xuân mới tinh để các vị chủ tử thêm phần vui mắt, đến nội thị (hoạn quan) cũng cài thêm bông hoa hồng dưới mũ sa.

Hai bên đường đi trồng nhiều cây hạnh, xuân về hoa nở, hoa hạnh chi chít trên cành, gió nhẹ phất qua, hoa rụng lả tả rực rỡ.

Những cung nữ đi đi lại lại trong cung, trên mặt, trên người cũng dính cánh hoa xinh đẹp, mùi hương lẫn cả vào trong tay áo,

một người đàn ông mặc áo phi ngư độn giáp vai (quan phục của quan viên cao cấp thuộc Cẩm Y Vệ) đi qua con đường toàn hoa hạnh ấy, quần áo lay động, hoa rơi lả tả như mưa, lướt qua khuôn mặt góc cạnh của chàng.

Vài viên đề kỵ [1] mặc áo xanh phía sau chàng, cả đoàn người vội vã bước về phía Thiên Bộ Lang.

[1] Quân chức trực thuộc Cẩm Y vệ, là tùy tùng bảo vệ chính thức.

một người mặc đồ của nội thị chạy tới ngăn chàng lại, khom lưng nói: "Hoắc đại nhân, Tôn nương nương cho mời."

Hoắc Minh Cẩm không quan tâm tới hắn, vẫn sải bước về phía trước.

Mặt nội thị biến sắc, tức giận nhưng không làm được gì, chỉ biết ôm hận rời đi.

một trong mấy đề kỵ bước nhanh hơn một chút, tiến tới cách Hoắc Minh Cẩm nửa bước chân, khẽ nói: "Đại nhân, Tôn nương nương giờ là người đứng đầu hậu cung, muốn gió được gió, muốn mưa được mưa, ngài đáng cứ nên nghe xem Tôn nương nương định nói gì đã rồi quyết định sau."

Hoắc Minh Cẩm trả lời: "Đừng nên lún quá sâu vào chuyện hậu cung. Về sau dù Tôn Quý phi có muốn cái gì đi nữa, các người cũng không cần quan tâm."

Đề kỵ chắp tay thưa vâng.

Lại tới lúc lựa chọn quan viên ở Thiên Bộ Lang, trước cửa phòng, người người chen chúc, thi thoảng lại có tiếng cười rộ lên.

Trước cửa đã có nội thị đứng chờ từ lâu, "Đại nhân, vạn tuế gia chờ đã lâu."

Hoắc Minh Cẩm ừm một tiếng, theo nội thị vào trong điện.

Mấy đề kỵ đứng chờ nửa canh giờ ngoài cửa điện, bỗng nghe thấy bên trong truyền ra tiếng cười độc đáo khiến người ta phải nổi da gà của nội thị, vội vàng thẳng người dậy.

Hoắc Minh Cẩm đi ra, sắc mặt không đổi, chẳng khác gì khi nãy đi vào.

"Đại nhân, Hoàng Thượng có gì phân phó ạ?"

Hoắc Minh Cẩm trả lời: "Ở Kinh Tương, Hồ Quảng, lưu dân [2] khởi nghĩa, quan địa phương đã không còn sức chống cự, Hoàng Thượng muốn lệnh cho ta đốc thúc quân lính, tới Kinh Tương, Hồ Quảng, trấn áp lưu dân."

[2] Dân chạy loạn do chiến tranh hoặc thiên tai.

Mấy đề kỵ nhìn nhau, trong mắt đều có vẻ vui mừng.

Đốc thúc quân lính, vậy chẳng phải về sau Nhị gia lại có thể dẫn quân hay sao?

Nhưng lại nghe Hoắc Minh Cẩm nói: "Ta đã từ chối việc này, về sau đừng nhắc lại nữa."

Mấy đề kỵ lại nhìn nhau.

Hoắc Minh Cẩm nhếch miệng cười, "Hoàng Thượng không muốn để ta dẫn quân, chủ động yêu cầu ta đốc thúc quân lính chỉ là để thử thôi."

Mấy đề kỵ thầm thở dài, "Thuộc hạ hiểu rồi."

Ta ngoài cung, mấy đề kỵ xoay người lên ngựa, theo sau Hoắc Minh Cẩm đi dọc con đường lớn.

Vừa đi được một quãng, phía trước bỗng xuất hiện một đám người chen chúc, ngập cả con đường. Ai ai cũng vội vội vàng vàng, sắc mặt nôn nóng, xô đẩy lẫn nhau, chỉ sợ bị tụt lại đằng sau một bước.

Hoắc Minh Cẩm ghìm lại dây cương, khẽ cau mày.

Đề kỵ giục ngựa đi về phía trước mấy bước, nói: "Nhị gia, hôm nay yết bảng thi hội, bọn họ tới xem bảng."

Kết quả thi hội được yết bảng đúng vào mùa hoa hạnh nở rộ nên còn được gọi là hạnh bảng.

Hoắc Minh Cầm đưa mắt nhìn về phía đám người đang chen chúc, bảo với người bên cạnh: "Có người tên Phó Vân Chương, quê quán Hồ Quảng, các ngươi đi xem y có thi đỗ không."

Đề kỵ thưa vâng, hai người trong số họ xuống ngựa, nhanh chóng chen vào đám người đang đan chặt như nêm.

Đợi chừng nửa canh giờ, đề kỵ vội vàng chạy về, bị chen tới mức mồ hôi mướt mải, chắp tay cười nói: "Nhị gia, Phó Vân Chương thi đỗ cống sĩ, đứng thứ chín, tin mừng [3] đã đưa tới nơi ở của y rồi."

[3] Khi thi đỗ, triều đình sẽ cử người báo tin mừng tới tận nơi ở và quê quán của thí sinh.

Đúng là tuổi trẻ tài cao, thi hội được hạng chín, tới lúc thi đình diện thánh, nếu không có gì bất ngờ xảy ra, nhất định có thể đỗ nhị giáp tiến sĩ. Y mặt mày đoan chính, phong tư xuất chúng, nếu đối đáp xuất sắc trong kì thi đình, có khi Hoàng thượng sẽ để y tiến lên một giáp. [4]

[4] Thi đình diện thánh: Kỳ thi đình do Hoàng đế làm chủ khảo, tiến sĩ gặp mặt Hoàng đế, trả lời câu hỏi. Sau kỳ thi đình, người đỗ chia làm 3 hạng (tam giáp), nhất giáp tiến sĩ gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, tiếp đó là nhị giáp tiến sĩ, sau cùng là tam giáp tiến sĩ.

Phó gia có một tiến sĩ, đối với những người dân ở địa phương nhỏ như huyện Hoàng Châu mà nói, Phó Vân Chương như thế chẳng khác gì sao Văn Khúc tái thế rồi.

Thầy giỏi trò hay, cũng phải.

Đề kỵ thử thăm dò: "Nhị gia, có cần phải sai người qua chúc mừng không ạ?"

Nghe giọng điệu của Nhị gia, hình như có quen biết với vị cống sĩ này. Nghe nói người kia thi đỗ, thần sắc trên mặt Nhị gia rõ ràng đã thả lỏng đôi chút, như vậy nghĩa là Nhị gia hy vọng người kia có tên trên bảng.

Hoắc Minh Cẩm lắc đầu.

Phó Vân Chương là người Hồ Quảng, có qua lại gần gũi với Thẩm đảng, Lý Hàn Thạch từng nói, người này có chính kiến tương đồng với Thôi Nam Hiên, rất khó lôi kéo.

Việc này thực ra cũng hơi khó giải quyết.