Livestream Siêu Kinh Dị

Chương 403: Nửa đêm thám thính khu Song Phật



Căn phòng rất yên tĩnh, và giọng nam mệt mỏi trong máy ghi âm dường như đang tự nói với chính mình.

“Âm thanh của những giọt nước vang lên bên tai tôi, trên trần nhà có bóng người. Các hiện tượng không thể giải thích được như vậy cứ tăng dần qua từng ngày. Để tôi nghĩ xem, chuyện này bắt đầu từ khi nào nhỉ?”

“Là khi tận mắt chứng kiến hiện trường vụ án lột da ư? Hay cái hôm bước vào trang viên nhà họ Lý? Hoặc bên trong mộ Phật? Cũng chẳng rõ nữa! Mãi đến khi mình nhận ra, e rằng đã bị ám từ lâu rồi.”

“Hôm nay là lần cuối cùng tôi đi điều tra. Máy quay gắn ngầm khi trước đã bị phát hiện. Thành phố Tân Hỗ đã không còn an toàn cho mình rồi.”

...

Có ba đoạn ghi âm trong chiếc bút này. Đoạn ghi âm cuối cùng hoàn toàn không thể nghe rõ. Tôi bèn kiểm tra thời gian, sau đó trả mọi thứ về đúng với trạng thái ban đầu, rút chìa khóa vạn năng ra rồi rời khỏi căn phòng trọ của Trương Hằng.

Khi ra khỏi khu cư xá, tôi bắt ngay taxi đến quận Song Phật. Trên đường đi, tôi có hỏi bác tài xế vài thông tin về địa phương ấy.

Xét về tổng thể, quận Song Phật có diện tích khá nhỏ, kinh tế lạc hậu, giao thông bất tiện. Nếu không nhờ tập đoàn nhà họ Lý ưu ái đặc biệt rồi chi tiền đầu tư và phát triển, khu Song Phật cũng sẽ chỉ là một mảnh đất hoang, tựa như trường trung học Tân Hỗ lúc này.

Nhưng ngay cả khi tập đoàn ấy cố gắng đầu tư xây dựng đến nhường nào, dân số khu Song Phật vẫn kém các khu khác. Ban đêm nơi này hầu như không có nhiều ánh đèn. Đa phần những người đi làm tại nơi đây vào ban ngày cũng sẽ quay về khu khác lúc ban đêm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng như thế này. Khi đó, các chuyên gia của Tân Hỗ từng phân tích rằng, đây chính là quá trình tất yếu trong phát triển kinh tế. Vậy cho nên, chẳng mấy ai quan tâm đến nữa.

Tuy nhiên, tôi đã ghi nhớ kỹ những lời nói này của bác tài. Mỗi một vấn đề đều sẽ có nguyên nhân gốc của nó.

Khu Song Phật vào ban ngày trông giống như các khu khác vậy. Nhưng vào ban đêm, nơi đây chẳng khác nào một thị trấn ma. Loại tương phản rõ rệt như thế này làm sao có thể vịn vào nguyên nhân kinh tế đơn giản như vậy được?

Trên thực tế, một số lựa chọn mà con người đưa ra trong lúc vô thức luôn tuân theo nguyên tắc cơ bản của việc tìm lợi - tránh hại. Nghĩa là, sinh vật luôn né tránh nguy hiểm theo bản năng.

Theo tôi, bản thân hành vi tránh xa khu Song Phật của mọi người, hoặc thậm chí là chuyển nhà đến các khu khác rồi quay lại khu này làm việc vào thời gian ban ngày, rất kỳ lạ. Mức sống của hai khu không chênh lệch nhau quá nhiều, thế nên không hề cần thiết để làm như vậy.

Sau khi xuống taxi, tôi một mình lang thang tại khu Song Phật. Đường phố rất sạch sẽ, nhưng xung quanh có ít cửa hàng. Xe cộ chạy trên đường cũng không nhiều, chỉ thỉnh thoảng tôi mới thấy xe chở bưu kiện hoặc giao thức ăn trưa chạy ngang qua.

“Đi mấy trăm mét mới có thể nhìn thấy 3 hoặc 4 người. Mặc dù chưa đến chạng vạng tối, nhưng vắng vẻ thế này là quá vô lý rồi.”

Tôi châm một điếu thuốc, lặng lẽ quan sát những người đi đường; chủ yếu họ đều là người già hoặc người khuyết tật.







Tính theo tỷ lệ dân số của khu Song Phật, tỷ lệ người khuyết tật rất lớn. Đây cũng là một điểm rất kỳ lạ: “Khu Song Phật là thánh địa dưỡng lão dành cho người già ở Tân Hỗ à?”

Dõi mắt nhìn một người mù dắt theo một chú chó dẫn đường đi ngang qua trong ít lâu, tôi bắt đầu lang thang không mục đích trong khu Song Phật, chú ý đến từng vị trí có lắp đặt camera trên đường phố.

Rốt cuộc cũng đến giờ tan tầm, và đám đông gần như ngay lập tức xuất hiện từ các tòa nhà khác nhau trên đường phố.

Các con đường cũng trở nên sôi động hẳn. Thậm chí, mấy ngã tư đường còn xuất hiện tình trạng ùn tắc, xung quanh náo nhiệt hẳn lên. Tiếng nói chuyện của người dân và tiếng còi xe hòa vào nhau, đây mới là đặc điểm nên có của một khu đô thị giữa lòng thành phố.

Nhưng cảnh tượng tương tự chỉ kéo dài chưa đầy một tiếng đồng hồ thì biến mất, cứ như có ai đó âm thầm chỉ huy từ nơi tối tăm. Sau khi có lệnh, mọi người đồng loạt rời khỏi nơi này.

Vỉa hè lại trở nên trống vắng, thi thoảng mới có thể nhìn thấy một chiếc ô tô chạy qua trên đường.

“Sao nơi này trông ám ảnh quá nhỉ?” Tôi trông thấy một khu mua sắm lớn sau một quãng đường dài lang thang. Bên trong nơi này, đa phần các cửa hàng đều treo bảng chuyển nhượng hoặc cho thuê lại; có vài quầy hàng đã đóng kín cửa tiệm. Trong một khu trung tâm thương mại lớn như vậy, chỉ có mỗi dăm ba cửa hàng vẫn còn kinh doanh.

Tôi đến trò chuyện với người chủ tiệm của một trong những shop ấy, nhưng kẻ đó chỉ than thở về tình hình kinh doanh bết bát, phàn nàn về mấy việc lặt vặng trong sinh hoạt mà thôi. Vậy là, tôi chẳng thu thập được thông tin nào có đủ giá trị cả.

Sau 8:00 tối, cửa hàng cuối cùng trong khu thương mại này cũng đã đóng cửa. Toàn bộ trung tâm mua sắm vắng tanh. Chỉ có một vài ngọn đèn đường ngoài kia và một số biển quảng cáo sáng chói khẳng định với tôi rằng, đây thực sự là một thành phố có con người sinh sống.

“Ít người cũng có ưu điểm của ít người, nhờ đó mà sẽ không có quá nhiều gây sự với mình.” Tôi đã nhận ra bầu không khí khác thường ở đây. Và từ điểm này, có lẽ tôi đã hiểu vì sao Trương Hằng luôn bám dính vào khu Song Phật, quanh năm sinh hoạt ở nơi đây. Những người đã quen với nhịp sống trong khu này có thể không cảm nhận được, nhưng một người vùng ngoài vừa đặt chân đến đây sẽ nhận ra sự bất thường ngay lập tức.

“Nơi đây trông chẳng hề giống với một khu đô thị giữa lòng thành phố gì cả. Quá kỳ lạ rồi!” Thầm nhớ lại bản đồ thành phố Tân Hỗ, khu Song Phật nằm tại hướng Nam, rất gần Giang Thành, và trường trung học Tân Hỗ tọa lạc tại giao giới nơi ngoại ô của hai thành phố này.

“Trong bố cục của Song Diện Phật tại Giang Thành, ngoại trừ con đập lớn kia thì trường trung học Tân Hỗ là vị trí quan trọng nhất. Bây giờ, vị trí của khu Song Phật lại nằm gần trường trung học Tân Hỗ hơn. Mình từng nghe đồn rằng, khu Song Phật vẫn đang được quy hoạch phát triển trong những năm gần đây. Nếu chẳng phải do Lý Trường Quý gặp chuyện không may, tập đoàn nhà họ Lý cũng đang chuẩn bị đầu tư một khoản tiền kếch sù để mở rộng một phần lớn diện tích của khu này. Rốt cuộc nơi đây có gì đặc biệt mà lại khiến Song Diện đổ biết bao công sức vào như vậy?

Trong đoạn ghi âm của Trương Hằng, khu Song Phật là địa bàn của Song Diện Phật. Nếu tập đoàn nhà họ Lý đã đầu tư trọng điểm vào nơi này, vậy mối quan hệ của hai phe đó đã rất rõ ràng rồi. Nguyên nhân mà Lý Tĩnh Ngọc bị gạt ra khỏi hội đồng quản trị của công ty mà không ai phản đối lại có lẽ là do cô ta không biết khoản giao dịch giữa cha mình và Song Diện Phật.”

Càng phân tích sâu hơn theo góc độ này, tôi từ từ phán đoán đến một mức độ sâu xa hơn: “Lúc đầu, cha nuôi của Tiểu Phượng nhận nuôi cô ta là do Hồng Loan Thiên Hỷ. Vậy, chẳng lẽ lý do mà Lý Trường Quý nhận nuôi Lý Tĩnh Ngọc cũng là vì số mệnh của cô ấy hay sao?”

Càng nghĩ, tôi càng xác định khả năng này là chính xác. Điều này cũng có thể giải thích việc tại sao Lộc Hưng lại bắt cóc Lý Tĩnh Ngọc từ Tân Hỗ đến Giang Thành trong một khoảng thời gian sát nhau đến vậy.

Nghĩ đến đây, tôi chợt rùng mình. Năm nay, Lý Tĩnh Ngọc đã 39 tuổi. Nếu cô ấy đã nằm trong kế hoạch của Song Diện Phật từ lúc đầu, vậy tôi phải đánh giá lại thực lực của Song Diện Phật một lần nữa rồi.

Với gần 40 năm tích lũy, tôi sẽ phải đối mặt với một thế lực đáng sợ đến nhường nào đây?





Vội vàng vận chuyển Diệu Chân tâm pháp để giữ mình bình tâm tĩnh trí lại, tôi lần theo địa chỉ mà mình ghi nhớ kỹ để đi đến trang viên tư nhân của tập đoàn nhà họ Lý.

So với Song Diện Phật, lợi thế của tôi nằm ở sự trợ giúp đến từ Âm Gian Tú Tràng. Hơn nữa, tôi còn một bí mật khác, chính là số mệnh mờ mịt, thân phận mơ hồ.

“Theo lời Lý Tĩnh Ngọc, nơi này đã không còn hoạt động từ khi Lý Trường Quý gặp nạn. Lý Xuân Cường đã giải tán đội an ninh và các bác sĩ riêng của Lý Trường Quý. Bây giờ, nơi này hẳn là không có một bóng người.”

Thậm chí không có một chiếc taxi nào trên đường, thế nên tôi phải đi bộ đến trang viên nhà họ Lý. Khi đến nơi, đã hơn 10:00 tối rồi.

Nơi đây nằm gần khu vực Hận Sơn, vị trí khá vắng vẻ: “Đường đường là một đại gia giàu có nhất Tân Hỗ, có gia tài hàng trăm triệu nhưng không chịu tận hưởng, thế mà đi xây một trang viên dưỡng lão ở nơi đây à?”

Giọng điệu của tôi có phần hơi ganh tị. Dù gì đi nữa, từ nhỏ đến lớn, dường như Bát tự của tôi không hợp với chữ tiền. Ngay cả khi tôi nhận ra nhiều hợp đồng ủy thách thì cũng không gom đủ tiền mua chó, khi trước còn phải nợ lại 400.000 tệ đấy thôi.

Trang viên này tọa lạc dưới chân núi Hận Sơn, xung quanh là mảng cây cối tươi tốt. Ắt hẳn ban ngày có người đến đây chăm sóc, vì cành lá rất rậm rạp, đường đi sạch sẽ, chẳng có bất cứ một chiếc lá rụng nào.

Tôi đi nửa vòng xung quanh trang viên, và chỉ một phần nhỏ các đầu camera trên tường còn hoạt động.

Tìm một vị trí khuất tầm nhìn camera, tôi bèn trèo tường đi vào. Nhờ tu đạo và luyện tập võ thuật, thể lực của tôi đã được nâng cao khá nhiều. Một bức tường cao 2 mét thế này khó mà ngăn cản được tôi.

Có rất nhiều phòng ốc bên trong trang viên, hầu hết đều đang chìm trong bóng tối. Thế nhưng mà, lại có hai căn phòng hắt ra ánh đèn mờ nhạt.

Ẩn mình giữa những bụi cây, tôi lập tức sử dụng Phán nhãn, để rồi lờ mờ trông thấy có bóng đen lấp ló phía sau cửa sổ đằng kia.

“Ai lại xuất hiện trong trang viên từng có người chết lúc 10:00 tối thế này? Nơi đây không phải là tài sản riêng của Lý Trường Quý sao?” Sự có mặt của những người khác trong trang viên không phải là một điều xấu đối với tôi. Mặc dù tỷ lệ xảy ra rủi ro đã tăng lên, nhưng tôi cũng có thể thu hoạch được vài điều bất nhờ từ kẻ đó.

Thả nhẹ bước chân, tôi men theo bờ tường, tiến dần về phía có ánh đèn.

Cửa sổ chỉ đang đóng hờ, khiến làn gió đêm có thể lay động được rèm cửa.

Tôi dựa lưng vào tường, đứng nghiêng người bên cửa sổ, lấy điện thoại ra rồi xoay ống kính camera vào trong phòng.

Theo hình ảnh trên màn hình điện thoại, đây là một căn phòng ngủ, giường và tủ đều bình thường. Tuy nhiên, đối diện cửa sổ có một chiếc bàn cúng. Trên chiếc bàn ấy, ngoại trừ bức chân dung đen trắng của Lý Trường Quý ra, còn có một bức tượng tạc hình Song Diện Phật nơi đó.

Khác với những gì mà tôi đã thấy ở Giang Thành, hai cánh tay của bức tượng Phật này đang cầm hai tấm bảng có chữ viết hướng ra phía ngoài. Tay trái cầm tấm bảng ghi “Dao Trì phản giá”, còn dòng chữ bên tay phải là “Hoàng Tuyền nan độ.”