Lộc Môn Ca

Chương 122



Vì tin tức này quá mức chấn động nên não Bình Dục vẫn chưa thể hoàn toàn thanh tỉnh, giống như có một mớ hỗn độn đang gõ trong đó.

Dù Lục Tử Khiêm ở ngay bên cạnh, mỗi chữ hắn đều nghe rõ nhưng lại không thể hiểu được ý nghĩa trong đó. Lý Du thấy thần sắc Bình Dục có chút không thích hợp thì nhíu mày gọi: “Bình Dục.”

Bình Dục ngẩng đầu, thấy mắt Lý Du lộ ra lo lắng mới nhớ ra lúc này Lục Tử Khiêm chuẩn bị nói đến tin tức cực kỳ quan trọng vì thế hắn đành cố nén ý nghĩ lộn xộn trong đầu. Tiếng nói của Lục Tử Khiêm giống như xuyên qua màn sương dày mà dần rõ hơn.

“Lý Bá Vân muốn chứng thực suy đoán của mình nên mấy lần đã muốn đến gần ngọn núi ở Bắc Nguyên kia để tìm tòi. Nhưng vì đường xá quá xa xôi, Bắc Nguyên lại nhiều lần tấn công biên cảnh của chúng ta nên trước sau ông ta vẫn không thể đi được. Từ hồi triều ta khai quốc tới giờ không chỉ có Thái tổ hoàng đế đánh Bắc Nguyên mà kể cả tiên hoàng cũng từng năm lần đánh Mông Cổ. Đến lần thứ tư thì Bắc Nguyên mới bị quân ta chèn ép, biên cảnh bấy giờ mới được thái bình. Lý Bá Vân nghe được tin tức này thì vui mừng khôn xiết, mà cơ hội tới Bắc Nguyên cũng đã tới.

Mấy năm đó vì nghiên cứu bí mật của Thản Nhi Châu nên ông ta thường xuyên học tiếng Thát Đát. Ông ta còn tiếp xúc với người Bắc Nguyên trong kinh thành. Vì năm đó Nguyên Thuận đế trốn lên phía bắc nên có không ít con dân Bắc Nguyên vẫn còn ở lại, vì sống sót mà phần lớn bọn họ đều chọn quy thuận. Lý Bá Vân không phí bao nhiêu công đã tìm được vài lão giả người Bắc Nguyên sống ở kinh thành. Sau đó ông ta dùng tiền bạc và rượu làm mồi để mấy lão giả đó dạy chữ Thát Đát, phong tục cùng với dị văn quê nhà cho mình.

Sau hai năm ông ta đã có thể nói được kha khá tiếng Thát Đát, tập tục của người Bắc Nguyên cũng được ông ta nhớ kỹ trong lòng. Để có thể thuận lợi thực hiện việc của mình nên ông ta đã mất mấy tháng chuẩn bị ngựa, lương khô sau đó nhân lúc thương đội của người Ngoã Lạt lại tới triều ta ông ấy lập tức giả vờ mình là thương nhân Bắc Nguyên ở Trung Nguyên đã lâu nay muốn đi theo thương đội về Mông Cổ.

Gian khổ trên đường này không cần phải nói, ngẫu nhiên ông ta sẽ vì vài lý do mà suýt thì bị lộ. Thật vất vả trải qua trăm cay ngàn đắng mới tới được Hàn Hà, ông ta vốn tưởng có thể lập tức thuận lý thành chương mà tìm ra ngôi miếu kia. Đáng tiếc ông ta loanh quanh ở bờ sông nửa tháng, tìm ngày tìm đêm vẫn không thể tìm được ngôi miếu trong lời đồn.

Có một đêm, vào đúng dịp trăng rằm, ông ta ngồi xếp bằng bên lều trại nhìn lên vầng trăng bạc trên đầu và nhớ lại những năm này mình vì một khối Thản Nhi Châu mà vô cớ phí hoài không biết bao nhiêu thời gian. Trong lòng ông ta không khỏi dâng lên nỗi nhớ nhà. Việc cướp đoạt Thản Nhi Châu ở Di Cương năm đó đã trôi qua lâu, năm tháng cọ rửa khiến áy náy đối với đám đệ tử uổng mạng ở Trấn Ma Giáo năm xưa cũng phai nhạt đi. Hơn nữa ông ta bị cảnh tượng thê lương trước mặt làm cho xúc động nên thầm hạ quyết tâm ngày mai sẽ dẹp đường hồi phủ, không tiếp tục cuộc sống không phải người không phải quỷ này nữa.

Không ngờ ông ta mới vừa quay lại lều đi ngủ thì nghe thấy lòng đất truyền đến tiếng sấm rền chấn động. Nội lực của ông ta lúc đó tuy không bằng ban đầu nhưng qua mấy năm tĩnh dưỡng cũng miễn cưỡng phục hồi bảy, tám phần. Vừa nghe được động tĩnh này ông ta đã biết gần đó hơn phân nửa có thứ gì đang di chuyển. Từ tiếng động có thể đoán một tòa ám đạo dưới nền đất đang di chuyển.

Thế là ông ta tức khắc tỉnh táo, dùng khinh công bay ra khỏi lều, theo tiếng động kia mà tìm ra ngoài. Ai ngờ tiếng động kia chưa phát ra được bao lâu thì đột nhiên lại bị cái gì đó đánh gãy mà quay lại yên lặng ban đầu. Lòng Lý Bá Vân nóng như lửa đốt, thật vất vả bờ sông mới có dị động, nói không chừng điều này có liên quan tới Thản Nhi Châu. Thế là ông ta không muốn bị bỏ lỡ manh mối kia và chạy như điên một đoạn. Đúng lúc ông ta đang muốn dừng lại để phân biệt phương hướng thì trước mắt lại hiện lên một cảnh tượng khiến đời này của ông ta chẳng bao giờ quên được.

Đêm đó đúng là lúc trăng tròn nên ánh trăng chiếu sáng khắp nơi mắt thường có thể thấy được. Ở cách đó khoảng mười trượng, đất vốn bằng phẳng trống không nhưng đột nhiên có một tòa miếu cổ xuất hiện. Mà quỷ dị nhất chính là ông ta đã từng đi qua chỗ kia không dưới 10 lần nhưng chưa bao giờ thấy nó. Không biết ngôi miếu này chui ra từ chỗ nào.”

Mí mắt Bình Dục nảy lên, 5 năm trước lúc quân doanh của hắn xuất chinh tấn công Thản Bố và đi qua Hàn Hà cũng đã gặp tòa miếu cổ đó. Vì tránh mưa to nên bọn họ vô tình vào ngôi miếu đó, từ miêu tả của Lý Bá Vân thì rất có thể đây là cùng một ngôi miếu.

Trong ấn tượng của hắn thì ngôi miếu kia cực kỳ lớn, chỗ nào cũng lộ ra âm u, từ những mảng tường bong và trụ điện thì có thể thấy nó cũng đã hơn trăm năm. Cấu tạo của ngôi miếu kia quả là có chút phức tạp, ngoại trừ một tầng ở trên mặt đất thì khả năng bên dưới còn có bí ẩn khác.

Đáng tiếc là lúc ấy mọi người đều mệt mỏi cực kỳ nên chẳng ai có tâm tư đánh giá ngôi miếu đó. Vì mệt nên bọn họ ngồi quanh đại điện sau đó lăn ra ngủ. Mà điều cổ quái chính là một tháng sau hành quân qua bọn họ lại không thấy tòa miếu cổ kia đâu nữa. Những gì chứng kiến đêm đó giống như một giấc mộng.

Lục Tử Khiêm lại nói: “Lý Bá Vân thấy thứ mà mình đạp mòn giày sắt vẫn không tìm được thì mừng như điên. Ông ta muốn lặng lẽ tiến vào miếu cổ tìm hiểu xem đến tột cùng nó có bí ẩn gì. Ai ngờ ông ta còn chưa đến gần thì tiếng sấm rền rung động quen thuộc kia lại vang lên. Phía dưới tòa miếu cổ giống như mọc lên một vũng lầy khiến nó cứ vậy biến mất.

Ông ta hoảng hốt, lo lắng xung quanh có cường đạo mai phục nên không dám để lộ tung tích mà đứng yên tại chỗ một hồi lâu mới dám đi ra xem. Ông ta chỉ thấy mặt đất chỗ kia lại trơn nhẵn như trước, chẳng còn lại dấu vết gì của ngôi miếu cổ, đến bóng người cũng không thấy ai.

Tuy Lý Bá Vân là người trong giang hồ nhưng cũng hiểu được chút kỳ môn độn giáp. Thấy tòa miếu cổ này đột nhiên xuất hiện lại đột nhiên biến mất thì trong lòng biết nơi này nhất định bị người ta đặt cơ quan. Vừa rồi cổ miếu đột nhiên xuất hiện dưới ánh trăng có lẽ vì có người thành công phá trận. Cổ miếu mất đi lá chắn nên mới lộ ra, nhưng không biết người khởi động cơ quan kia có toàn thân mà lui ra hay bị nhốt trong miếu rồi.”

Ánh mắt Bình Dục càng thêm âm u, lúc dừng chân ở khách điếm tại Lục An Phó Lan Nha từng nói với hắn rằng trong kinh thành có tòa Lưu Bôi Uyển có giấu cơ quan ngầm bên trong. Cách cục của nơi đó giống với tòa khách điếm ở Lục An thế nên nàng hỏi hắn có quen chủ nhân của khách điếm không. Bởi vì nàng thấy chủ nhân khách điếm ở Lục An có lẽ cũng là người xây dựng Lưu Bôi Uyển. Đó hẳn là một kẻ điên thích đùa giỡn với kỳ môn độn giáp.

Lúc ấy nghe Phó Lan Nha suy luận xong hắn vẫn luôn băn khoăn đủ thứ —— hắn lại càng bất mãn với nàng, khinh thường không nói cho nàng biết chủ nhân hai nơi đều là Vương Lệnh.

Quyết định đó không biết là tốt hay xấu bởi vì lúc ở Trúc Thành, thông qua lời khai của Lâm Chi Thành nàng cũng biết được việc mình cùng anh trai tới Lưu Bôi Uyển nghe diễn đã gây ra họa. Lúc ấy nàng không cẩn thận gặp phải Vương Lệnh nên mới khiến mẹ mình gặp họa lớn.

Nghĩ đến đây trong đầu hắn lại hiện lên khuôn mặt tuyệt vọng bi thương của Phó Lan Nha, thế là lòng hắn không hiểu sao lại quặn đau, sắc mặt kém vài phần. Trong đầu hắn thầm nghĩ, bất kể thế nào thì cũng không khó để kết luận rằng —— Vương Lệnh có vẻ cực kỳ am hiểu kỳ môn độn giáp. Nhưng không biết điều này có liên quan gì tới tòa cổ miếu ở Bắc Nguyên kia không.

“Lý Bá Vân hoảng hốt một hồi, mắt thấy tòa miếu cổ kia đã biến mất thì ông ta càng thêm chán ngán thất vọng. Ông ta sớm đoán được việc phá giải bí mật của Thản Nhi Châu không dễ nhưng không nghĩ lại khó khăn như vậy. Chẳng những cần thu thập đủ 5 khối Thản Nhi Châu mà còn phải tinh thông kỳ môn độn giáp. Thật vất vả vào được miếu còn phải ứng phó với đủ loại mai phục có khả năng xuất hiện trong ngôi miếu đó. Nếu nhất thời vô ý thì rất có khả năng sẽ phải bỏ mạng nơi ấy.

Ông ta nghĩ tới việc mình vì Thản Nhi Châu mà vô cớ chui vào con đường cụt này nhiều năm như thế thì đột nhiên hiểu ra. Bất kể vì tham lam hay báo thù thì đến lúc này chẳng còn gì quan trọng nữa. Ông ta sẽ không lãng phí tâm huyết tại nơi này nữa vì thế suốt đêm ông ta ruổi ngựa về kinh. Sau đó trên đường sức khỏe ông ta sa sút đến mức đổ bệnh. Nguyên nhân là do chấp niệm cả đời đột nhiên sụp đổ, lại do vất vả mấy tháng trời khiến thể xác và tinh thần kiệt quệ. Ai ngờ lúc ấy ông ta ở trong một khách điếm, ông chủ khách điếm thấy ông ta hôn mê cả ngày thì lo lắng ông ta bệnh chết. Dù muốn mời đại phu nhưng người kia lại sợ ông ta quỵt tiền nên lặng lẽ lấy thanh kiếm bên gối của ông ta ra làm thế chấp, còn bản thân mình tự lấy bạc ra mời đại phu cho Lý Bá Vân.

Ông chủ khách điếm có đứa cháu thấy kiếm của Lý Bá Vân tỏa ánh sáng lẫm lẫm, sát khí uy phong thì thích vô cùng. Hắn trộm mang kiếm ra ngoài khoe khoang với chúng bạn một trận. Lý Bá Vân tỉnh lại biết được việc này thì sắc mặt đại biến. Trong lòng ông ta biết thanh kiếm này là bảo vật truyền đời của Tiêu Dao Môn, nhìn bên ngoài thì bình thường nhưng bên trong mũi kiếm lại có bí mật khác. Bây giờ có kẻ ở trên đường khoe khoang như vậy thì khó bảo đảm sẽ không có người nhận ra. Đặc biệt là sau trận chiến ở Trấn Ma Giáo hai mươi năm trước, Tiêu Dao Môn đã không còn tung tích trên giang hồ nhưng hữu hộ pháp và Bố Nhật Cổ Đức lại vẫn còn sống nên chỉ sợ bọn họ đã sớm hoài nghi ông ta.

Ông ta không tiện oán trách ông chủ khách điếm mà vội trả tiền xem bệnh, thu hồi kiếm sau đó suốt dêm sửa sang lại hành trang để quay về kinh thành. Ai ngờ mới vừa đi đến kinh giao thì đã có kẻ đuổi giết, ông ta và người nọ đấu một buổi lại không cẩn thận ngã xuống cách núi, cứ thế tránh được một kiếp. Trong lúc đánh nhau ông ta nhận ra kẻ kia dùng chiêu thức quen thuộc của Trấn Ma Giáo nên trong lòng đoán đó chắc là hữu hộ pháp. Đáng tiếc tên kia dịch dung nên ông ta chẳng thể thấy rõ mặt, cũng không thể đoán được thân phận hiện tại của tên kia ——”

Lý Du mang theo trào phúng mà nhìn Bình Dục. Theo thời gian Lý Bá Vân gặp được hữu hộ pháp thì khả năng lúc ấy tên kia vẫn là hộ vệ bên người Đặng An Nghi. Không lâu sau tên kia đã thuận lợi thay thế Đặng An Nghi, trở thành nhị công tử của Vĩnh An Hầu phủ. Cũng chính từ lúc đó trong tay hắn mới có người và tài lực phục vụ cho việc hành sự sau này. Lúc ấy hắn mới có thể thuận buồm xuôi gió mà xuống tay tìm Thản Nhi Châu và thuốc dẫn.

Hữu hộ pháp đã sớm tra ra trong số những bang phái năm đó tham gia cướp Thản Nhi Châu có Đông Giao Hội nên hẳn sẽ đi tìm bọn họ gây phiền toái trước. Hắn ỷ vào nhân lực và tài lực của Vĩnh An Hầu phủ mà thu phục được Đông Giao Hội, quả thật là kẻ không nói chơi. Chẳng trách lúc ở Lục An hắn lại cùng người của Đông Giao Hội dẫn dụ Phó Lan Nha cắn câu.

Lục Tử Khiêm im lặng một hồi mới nói tiếp: “Lý Bá Vân bị thương quá nặng, tuy ta cứu ông ta nhưng chẳng thể giúp ông ta kéo dài mạng sống. Ông ta đem Thản Nhi Châu cho ta cùng với bản đồ chỉ đường đến ngôi miếu cổ kia mà ông ta tự tay vẽ. Ông ta cũng nói với ta về việc mọi người cướp đoạt Thản Nhi Châu và thuốc dẫn 20 năm trước. Điều duy nhất ta không nghĩ tới chính là sau 5 năm người được dùng làm thuốc dẫn lại là Phó Lan Nha. Nghe nói Thản Nhi Châu được tổ tiên Bắc Nguyên nguyền rủa nên ném không vỡ, đốt không cháy. Cho dù ta ném ở đâu cũng khó tránh có kẻ nhặt được, cuối cùng vẫn sẽ liên lụy đến Phó Lan Nha. Thế nên ta nghĩ không bằng hủy ngọn nguồn sự việc đi mới tốt.

Ta hiểu chút kỳ môn độn giáp nên từng nghĩ đến lúc vạn bất đắc dĩ ta sẽ mượn bản đồ của Lý Bá Vân để tìm ra ngôi miếu kia, xâm nhập vào đó và dùng Thản Nhi Châu cùng máu đầu quả tim của thuốc dẫn để phá tan trận pháp, như vậy…… Những người này sẽ vĩnh viễn sẽ không đụng tới Phó Lan Nha hoặc con cháu nàng, đời này nàng sẽ có thể an toàn, vô lo.”

Miệng hắn chỉ thấy đắng nghét, ánh sáng trong mắt mang theo ý lạnh, và vài phần khiêu khích mà nhìn về phía Bình Dục, nhàn nhạt nói: “Đây là lai lịch của khối Thản Nhi Châu cuối cùng này, ngươi có vừa lòng chưa?”

Trời đã sắp sáng, ánh rạng đông mờ tỏ chiếu vào cửa sổ chiếu lên ánh mắt phức tạp của mọi người khi nhìn Lục Tử Khiêm nhưng không ai nói gì. Lý Du thoáng nhìn cử chỉ khiêu khích của Lục Tử Khiêm với Bình Dục, không cần nhìn cũng biết trong lòng Bình Dục hẳn cũng không thoải mái. Lý Du bĩu môi không cho là đúng, việc Lý Bá Vân có thể lẻn vào Bắc Nguyên nghe có vẻ nhẹ nhàng bâng quơ nhưng đó là vì ông ta là thiếu trưởng môn của Tiêu Dao Môn danh chấn giang hồ 20 năm trước. Võ công và mưu lược của ông ta chính là ngàn dặm mới tìm được. Ông ta có thể lẻn vào Bắc Nguyên và thuận lợi tìm được tòa cổ miếu kia không có nghĩa là người khác cũng làm được. Cái tên Lục Tử Khiêm này lại vì thế mà nghĩ chuyện này không gian nan, chỉ dựa vào bản thân hắn là có thể phá được Thản Nhi Châu. Thật là không biết tự lượng sức mình.

Lúc Đặng An Nghi vào phòng thì Đặng Văn Oánh đã sớm sửa soạn chỉnh tề, đang chống cằm ngồi trước bàn nhìn hạ nhân dọn hành trang.

Đặng An Nghi nhìn lên giường thấy trên đó có một chồng xiêm y bằng tơ lụa mềm nhẹ cùng một hộp trang sức thường ngày nàng ta hay mang. Có thể nói là đồ đạc rất nhiêu khê khiến sắc mặt hắn trầm xuống. Hắn không vui nhìn về phía Đặng Văn Oánh nghĩ chỉ đi Vân Nam thôi mà nàng ta mang theo nhiều thứ thế này làm gì không biết. Sau đó hắn lại nghĩ tới câu “Nữ tử vì người mình thích mà trang điểm” thế là trong lòng như bị kim đâm, sắc mặt càng thêm u ám. Vốn hắn định phát tác nhưng thấy Đặng Văn Oánh đang hứng thú bừng bừng thì không đành lòng trách móc nặng nề mà chỉ phải kiềm chế lại.

Hắn thầm nghĩ hiện giờ việc hắn có Thản Nhi Châu đã bại lộ, bất kể Đông Xưởng hay Cẩm Y Vệ đều sẽ không chịu ngồi yên. Nếu để mình Văn Oánh hồi kinh thì khó đảm bảo những kẻ kia không cho rằng hắn đang giấu bảo vật chỗ nàng ta, như vậy sẽ khiến nàng ta gặp phiền toái.

Vì chu toàn hắn chỉ có thể cùng mang nàng ta đến Tuyên Phủ.

Kỳ thật lúc ở Kinh Châu hắn nên quyết tuyệt mà tống nàng ta về nhà chứ không phải nuông chiều mang theo nàng ta tới Kim Lăng. Nếu sớm về kinh thì làm gì có chuyện đau đầu lúc này nữa.

Hiện giờ Ngoã Lạt tác loạn, đường đi lần này hẳn sẽ rất gian nan, sợ là sẽ phải chịu khổ. Dọc đường đi hắn vừa phải phòng bị Đông Xưởng vừa phải nghĩ biện pháp bắt Lục Tử Khiêm. Chỉ hận Bình Dục quá mức gian xảo, hắn đi theo một đường nhưng trước sau vẫn không tìm thấy cơ hội.

Vất vả lắm mới đến trạm dịch, đang muốn xuống tay thì lại bị Bình Dục lợi dụng thiên thời địa lợi nhân hoà mà đoạt mất. Nếu trong tay Lục Tử Khiêm thật sự có một mảnh Thản Nhi Châu thì hơn phân nửa đã bị Bình Dục lấy rồi. Nếu hắn lại muốn đoạt thì khó hơn cướp trong tay Lục Tử Khiêm nhiều.

Đặng Văn Oánh thấy sắc mặt Đặng An Nghi âm trầm đến dọa người thì vội đứng lên, bước nhanh đến bên cạnh hắn lo lắng hỏi: “Nhị ca, huynh lại không thoải mái ư?”

Từ khi bị thương ở Vạn Mai Sơn Trang anh trai nàng ta sẽ thường xuyên không khỏe. Mấy ngày nay hắn chỉ cố gắng giả vờ để người ngoài không thể nhìn ra manh mối mà thôi.

Lúc này Đặng Văn Oánh đi tới, mùi hương trên người thiếu nữ cũng chui vào mũi Đặng An Nghi. Nàng ta kéo tay hắn hỏi han ân cần nên hắn cũng buông mày, trong lòng thoải mái hơn nhiều.

5 năm trước hắn làm ra vẻ bệnh nặng một hồi, cả ngày phải nằm trên giường nên cảm thấy cực kỳ chán. Lúc đó Đặng Văn Oánh thường gọi hắn nhị ca ngắn nhị ca dài, giọng nàng ta mềm mại ngọt ngào an ủi hắn biết bao nhiêu. Qua mấy năm nay tình cảm của hắn với nàng ta đã chuyển từ việc đối đãi với một thứ đồ chơi thành khát vọng với nữ nhân. Đáng tiếc cho tới bây giờ hắn cũng chẳng thể chạm vào một đầu ngón tay của nàng ta. Cái cảm giác chỉ được nhìn không được ăn nay thật không dễ chịu.

Nếu một ngày kia tiếng “Nhị ca” này truyền đến khi nàng ta nằm bên dưới hắn thì tốt rồi.

Nghĩ đến đây, hắn cong cong môi, đang muốn nói chuyện thì Đặng Văn Oánh lại như nghe thấy gì đó mà tròng mắt hơi chuyển, thần sắc đột nhiên thất thần. Đặng An Nghi tức giận, căn bản không cần quay đầu lại hắn cũng biết Đặng Văn Oánh lại nghe thấy giọng của Bình Dục ở dưới lầu nên lòng lại chạy tới nơi nào rồi.

Hắn chẳng còn chút vui mừng nào, sắc mặt cũng vì thế trầm xuống. Hắn hất cánh tay nàng ta ra, nén lửa giận thúc giục, “Chớ dây dưa nữa, mau thu dọn hành lý để xuất phát. Trạm tiếp theo chính là Tuyên Phủ, trọng thần cả triều gần như đã dốc toàn lực đến đó, phụ thân và huynh trưởng cũng đã đi theo tới. Ta khuyên muội nên thu liễm một chút đi.”

Đặng Văn Oánh đỏ mặt, thẹn quá thành giận mà cắn cắn môi, muốn giải thích vài câu nhưng Đặng An Nghi đã kéo cửa ra không quay đầu lại mà đi luôn.