Lộc Môn Ca

Chương 135



Tuy đã sớm có chuẩn bị nhưng Phó Lan Nha vẫn bị cảnh tượng trước mắt làm cho chấn động. Nàng ngây ra đứng trước lều, cũng quên cả gió đêm lạnh lẽo đang quất lên người.

Cuốn quái thư mẹ để lại quả nhiên rất có lai lịch. Nếu chưa đến tận nơi mà chỉ đọc sách thì người ta căn bản chẳng thể hiểu được ám chỉ về chỗ giấu ngôi miếu kia. Chỉ có khi so với Thác Thác Mộc Nhi chân chính thì mới biết cảnh trong tranh đều đã bị người ta động tay động chân.

Núi non biến dạng lại hơi chếch đi, bóng của người trên mặt đất cũng cực kỳ vặn vẹo, không giống như cảnh tượng được nhìn thấy trên mặt đất mà giống như bóng dáng phản chiếu từ trong nước. Nói cách khác ngôi miếu cổ dùng để hiến tế không phải ở trên đất bằng mà có khả năng được giấu trong nước.

Nàng im lặng nghĩ trên đường tới đây Bình Dục một lòng muốn tìm chỗ giấu ngôi miếu cổ, không nghĩ vòng tới vòng lui đều phải dùng đến cuốn sách cổ kia chỉ dẫn.

Trong lúc hoảng hốt có tiếng Lâm ma ma truyền đến từ phía sau. Đầu tiên bà mơ màng gọi, “Tiểu thư sao còn chưa ngủ?” Sau đó bà lập tức hít hà hỏi, “Đó…… Đó là vật gì?”

Không đợi Phó Lan Nha trả lời đã có bóng người kích động chạy từ xa đến chỗ này. Phó Lan Nha không kịp phân biệt đối phương là ai đã sớm buông mành, lùi về sau một bước. Ai ngờ người bên ngoài lại gọi: “Phó tiểu thư, Bình đại nhân để ta đến mời ngươi đi ra đó cùng nghiên cứu ngôi miếu.”

Là giọng của Lý Mân, trong đó mang theo chút phấn chấn. Phó Lan Nha hơi kinh ngạc mà sửa sang lại quần áo nhưng cũng không đáp lại vội. Nàng không nghĩ rằng Bình Dục lại muốn mang nàng theo vào miếu chứ không phải để nàng lại.

Sau khi trầm ngâm một hồi nàng nghĩ đến Vương Lệnh hẳn đã dẫn đại quân đến Bắc Nguyên, có lẽ trong nay mai lão sẽ tiến đến chỗ này. Dưới đủ loại băn khoăn đó Bình Dục không thể giao nàng cho người khác thì cũng coi như bình thường. Vì thế nàng lên tiếng đáp, “Lý đại nhân chờ một lát để ta và ma ma mặc áo rồi ra ngay.”

Trải qua một đường kinh tâm động phách này Lâm ma ma cũng đã có thói quen thấy điều lạ cũng không hỏi nhiều. Bà chỉ kinh ngạc một lát rồi không nhìn chằm chằm cái thứ đen thù lù kia nữa. Bà đi vào trong lều tìm trong tay nải tấm áo choàng gấm nạm lông chồn trắng cho Phó Lan Nha khoác ngoài còn bản thân bà thì sột soạt mặc một cái áo khoác ngắn màu xanh đá bằng lụa.

Vốn đã là cuối thu, trong thảo nguyên lại có gió lớn nên nếu không có áo chống lạnh thì chủ tớ hai người sớm đã bị đông lạnh mà bệnh rồi. Đây là xiêm y Bình Dục đặt mua ở Kim Lăng, không chỉ có tiểu thư mà cả bà cũng có phần. Lâm ma ma nghĩ đến đây thì hé miệng, bất mãn với Bình Dục mấy ngày nay cũng tiêu tan không ít.

Bà chải tóc cho Phó Lan Nha sau đó cài áo choàng rồi hai người bước ra ngoài, đi theo Lý Mân và Trần Nhĩ Thăng đến bờ sông.

Ra đến bên ngoài tầm nhìn rộng rãi hơn, hai người nhìn về phía xa quả nhiên thấy mặt sông vốn rộng lớn nay đã bị cắt ngang. Dòng nước giống như bị mương máng vô hình nào đó dẫn tới chỗ khác, trong lòng sông lúc này chỉ còn một tòa nhà lẻ loi cao ngất.

Phó Lan Nha vừa đi vừa đánh giá ngôi miếu cổ kia, trong lòng nghĩ trận pháp xung quanh đây quả là khổng lồ và phức tạp. Phải có vô số nhân lực và vật lực mới có thể xây được công trình này, lấy sức của người thường thì khó mà thành. Chứng tỏ kẻ xây dựng ngôi miếu này năm đó có địa vị cực kỳ cao.

Trăm năm trước là khi vị Thành Cát Tư Hãn nổi danh kia xuất thế, Mông Cổ Thát Tử lúc ấy đánh đông dẹp tây, thậm chí cả các quốc gia phía nam như Tây Hạ, Kim Quốc, Trung Nguyên đều bị chinh phục. Sau đó triều đại của người Mông Cổ hưng thịnh gần hai trăm năm. Theo quốc lực lúc ấy thì nếu có vị quý tộc nhà Nguyên nào đó tìm một chỗ không người xây dựng một tòa miếu thì cũng không phải không làm được. Chẳng qua không biết trong miếu cung phụng cái gì, nếu chỉ có Thản Nhi Châu thì có đáng để kẻ kia hao tổn tâm cơ như thế hay không.

Vừa đi vừa nghĩ, đến bờ sông nàng thấy Vinh tướng quân và Bình Hạ đều đang ở cửa miếu sắp xếp công việc. Hồng Chấn Đình và chị em Tần Dũng cũng có mặt, nhưng lại không thấy Bình Dục đâu.

Thấy nàng tới mọi người đều quay lại nhìn, không khí có chút ngưng trọng. Trong đó có một ánh mắt âm u phức tạp nhìn nàng mang theo lưu luyến. Nàng nghiêng đầu qua thì thấy là Lục Tử Khiêm nhưng nàng chỉ nhàn nhạt rũ mắt, chậm rãi đi theo Lý Mân đến bờ sông đứng.

Tần Yến Thù đứng cách đó không xa thấy Phó Lan Nha đến gần thì không nhịn được muốn gọi nàng. Nhưng ai ngờ hắn vừa định động đã bị Tần Dũng lặng lẽ chắn ngang. Tần Dũng ấm áp cười gọi: “Phó tiểu thư.”

Phó Lan Nha cong cong môi mà cười đáp lại nàng ấy.

Lúc này ánh mắt Tần Dũng hơi ngưng lại, nàng ta nhớ đến vừa rồi Bình Dục chỉ rời đi một lát mà khi trở về đã đổi chủ ý để bọn họ bắt đầu nghiên cứu đáy sông Hàn Hà.

Sau đó vài người tinh thông kỳ môn độn giáp cùng hợp lực, đến nửa đêm quả nhiên đã khám phá ra cơ quan khởi động trận pháp ở đáy sông. Nàng ta nhớ tới Phó Lan Nha là người tài tình, lại liên tưởng đến tình hình lúc Bình Dục rời đi nên đột nhiên nghĩ đến một kết luận —— sở dĩ Bình Dục có thể thuận lợi tìm được cơ quan của miếu cổ là do Phó Lan Nha tương trợ.

Lúc này Bình Dục và Lý Du bước ra từ trong miếu. Hắn thoáng nhìn qua Phó Lan Nha nhưng trên mặt không hề có biến hóa nào, chân bước xuống bậc thang. Phó Lan Nha cũng nhìn thẳng, đứng yên tại chỗ.

Dù thế Tần Dũng lại cảm thấy trong không khí đột nhiên có loại ăn ý khác thường lan ra. Đặc biệt khiến nàng ta không ngờ là việc Bình Dục kiên trì để người đưa Phó Lan Nha tới đây dù không biết trong cổ miếu giấu vật gì, có nguy hiểm hay không. Đây là một loại tự tin đồng thời là cảm giác gắn bó, chỉ có những người có tình cảm sâu sắc kiên định mới có thể làm như thế.

Nàng ta không biết trong lòng mình là uể oải hay mất mát, chỉ đành thở dài một hơi. Ngửa đầu nhìn bầu trời đêm nàng ta thấy ánh trăng trên cao, bóng đêm u tĩnh, những khó chịu trong lòng to lớn vô ngần. Một lát sau, tảng đá như bị đè ép hồi lâu trong lòng nàng ta giống như bị thứ gì đó dời đi, trong lòng chỉ còn thoáng đãng thông suốt.

Phát hiện Lý Do Kiệm ở bên cạnh luôn nhìn mình nên nàng ta hơi đỏ mặt, mắt nhìn sang bên cạnh lại không nhịn được nhíu mày. Trong số Cẩm Y Vệ ở đối diện đang chờ Bình Dục có một nữ ám vệ hình như tên là Diệp Trân Trân lúc này đang nhìn Phó Lan Nha bằng ánh mắt ác độc cực kỳ. Lúc Bình Dục quay đầu nhìn về phía thuộc hạ thì Diệp Trân Trân lập tức thu lại ánh mắt, khôi phục tư thái ban đầu.

Ánh mắt Tần Dũng lập tức lạnh xuống. Từ sau khi cha qua đời nàng ta chưởng quản cả Tần Môn, đối với lòng người ác độc nham hiểm cũng coi như đã nhìn thấu. Xem tình huống vừa rồi thì rõ ràng nàng kia có ác ý với Phó Lan Nha. Bình Dục giống như cũng rất lạnh nhạt với nàng kia, không biết hắn có để nàng ta đi theo vào miếu hay không. Nếu có thì bọn họ còn phải phòng bị nàng ta ám toán Phó Lan Nha.

Đang nghĩ ngợi thì có tiếng vó ngựa truyền đến, một người từ xa phóng đến. Khi tới trước mặt anh Bình Dục người kia lập tức xoay người xuống ngựa. Phó Lan Nha thấy người nọ cực kỳ cấp bách thì lòng vội nảy lên, chỉ thấy người nọ hổn hển hai hơi mới lớn tiếng nói: “Bẩm tướng quân, phía trước đến báo Vương Lệnh đã dẫn quân tiến vào Bắc Nguyên, chỉ còn cách chỗ này năm mươi dặm mà thôi.”

Bình Hạ và em trai nhanh chóng liếc nhìn nhau, sau đó bọn họ xoay người đi vào trong miếu, trầm giọng nói: “Đi.”

Xem ra ngôi miếu cổ này quả nhiên chính là thóp của Vương Lệnh, không ngờ lão lại tới nhanh như thế. Lúc này đoàn người không hề do dự mà bước xuống bậc thang, nối đuôi nhau đi vào. Phó Lan Nha ngước mắt thấy Bình Dục dừng lại phía sau mọi người, hắn đứng bên bậc thang giống như có ý chờ đợi. Bóng dáng hắn thẳng tắp, hiên ngang như đỉnh núi, đáng tin cậy cực kỳ. Lòng nàng cũng vì thế mà kiên định theo, nàng kéo Lâm ma ma cùng đi tới cửa miếu rồi theo sau Bình Dục đi vào trong.

Quân Minh vì truy đuổi Thản Bố lúc này đang “Chạy trối chết” nên ngày đêm lên đường không hề nghỉ ngơi. Sau 10 ngày liên tiếp vất vả lắm mới tới được Bắc Nguyên nhưng đại quân của Thản Bố lại giống như chui vào hầm ngầm, cứ thế biến mất trong thảo nguyên mênh mông, không sao tìm thấy tung tích.

Lúc này người uể oải nhất trong đám quân thần không phải hoàng đế mà là đương kim quốc cữu gia —— Vĩnh An Hầu. Ông ta không chỉ phụng mệnh tùy quân chinh phạt mà còn nóng lòng tìm đứa con thứ và con gái út lúc này đang “đi lạc” vào Bắc Nguyên.

Mắt thấy sắp đuổi tới bờ sông rồi mà người của Vĩnh An Hầu phủ vẫn không thấy đâu khiến lòng ông ta nóng như lửa đốt.

Vào ban đêm ông ta muốn đến chỗ Hoàng Thượng thương nghị việc tìm Đặng An Nghi và Đặng Văn Oánh nhưng vừa đến gần trướng ông ta đã nghe thấy tiếng cười nói rộn ràng, ăn uống linh đình trong đó. Tiếng động này hết sức ồn ào, không giống sắp đại chiến mà giống như sau khi chiến thắng, quần thần cùng nhau hoan ca mà cử hành yến tiệc mừng công.

Trong lòng ông ta xẹt qua một tia hồ nghi: tuy hoàng đế tư chất bình thường nhưng cũng coi như ôn nhu thiện lương. Nhưng gần một năm nay không hiểu sao hắn càng ngày càng trở nên kiêu ngạo hồ đồ, cả ngày sa vào tu đạo không để ý chính sự thì thôi nhưng tính tình cũng bạo ngược hơn rất nhiều. Nếu cẩn thận nghĩ lại thì người này và Thái Tử khiếm tốn như ngọc lúc trước quả như hai người.

Đến lúc lên đường thân chinh hoàng đế càng thêm nóng nảy cuồng vọng, nhiều lần đi lầm bước, không tuân theo kế hoạch hành quân và tùy ý để Vương Lệnh lộng quyền. Nếu cứ tiếp tục thế này thì dù không có Ngoã Lạt tác loạn thiên hạ chắc chắn cũng sẽ nguy vong.

Ông ta đang nghĩ đến tâm phiền ý loạn lại chợt nghe thân tín của Vương Lệnh là viên quan họ Trình của Binh Bộ mỉm cười nói: “Hoàng Thượng có điều không biết, luận về tư sắc thì mấy năm nay vi thần chỉ thấy có một người có thể coi là tuyệt sắc nữ tử ——”

Đặng Hầu gia căng thẳng, tên họ Trình này vốn chỉ chuyên tửu sắc nhưng dựa vào Vương Lệnh nên hắn rất được lòng hoàng đế. Tuổi hắn còn trẻ đã được thăng chức cao trong Binh Bộ, ngày thường hắn không thiếu dẫn dụ hoàng đế làm nhiều trò bậy bạ. Lúc này hắn lại vô cớ khới mào nói về mỹ nhân thì hơn phân nửa là do Vương Lệnh bày mưu đặt kế rồi.