Lộc Môn Ca

Chương 140



Bên này Vương Thế Chiêu mới vừa lướt qua mọi người đuổi theo Vương Lệnh thì bên kia Bình Dục đã đuổi theo sát. Mắt thấy sắp đuổi kịp Vương Lệnh thì ai ngờ hắn lại bỏ qua tên kia mà xoay người phóng đến chỗ đám quân sĩ.

Bình Dục cướp lấy một con ngựa, đoạt lấy dây cương sau đó giục ngựa chặn Anh Quốc Công Trương Đạt lúc này đang định đuổi theo Vương Lệnh.

Trương Đạt chính là hữu nguyên soái được hoàng đế khâm điểm đi theo lần này. Vừa rồi thấy hoàng đế bị Vương Lệnh bắt đi nên ông ta đang gấp giọng chỉ huy tướng sĩ tiến hành bố trí, muốn trong thời gian ngắn nhất giải cứu hoàng đế.

Thấy Bình Dục ngăn cản mình Trương Đạt lập tức dựng râu, nắm chặt dây cương quát: “Thằng nhãi Bình Dục này, cháu có ý gì hả?”

Năm đó khi tiên đế qua đời, để củng cố giang sơn từng để lại năm vị triều thần đắc lực cho hoàng đế. Qua 5 năm, trong 5 người này có người chết già, có người bị hạ ngục, chỉ còn mỗi Trương Đạt. Người này tuy bình thường vô năng nhưng tư lịch lại ít ai bì kịp, ngay cả tổ phụ của Bình Dục là Tây Bình Hầu khi còn sống đều phải gọi ông ta một tiếng đại ca. Vì thế một câu “thằng nhãi Bình Dục” này không hề có chỗ nào không thỏa đáng.

Bình Dục vội xin lỗi sau đó nghiêm nghị nói với vị Trương Công này: “Vương Lệnh đã tính toán hết, lần này cũng có chuẩn bị mà tới nên muốn cứu hoàng thượng thì không thể chỉ đối phó với mình Vương Lệnh. Còn một chuyện lửa xém lông mày khác cần mượn quyền sắp xếp binh lính trong tay Trương Công.”

Trương Đạt ngẩn ra, đôi mắt vì tuổi già mà vẩn đục của ông ta nhìn chằm chằm Bình Dục. Trong lòng ông ta biết đây là đứa cháu được Tây Bình lão hầu gia yêu thương nhất. Hắn là người đa mưu túc trí, mấy năm nay cũng trở nên thành thục rất nhiều. Lời người khác ông ta có thể cười nhạt bỏ qua nhưng lời Bình Dục nói ông ta lại không thể coi thường, đây là điều khiến ông ta phải đặc biệt rửa mắt mà nhìn.

Trong lúc ấy Bình Hạ và Vinh tướng quân đều đã phóng tới, từ thần sắc cấp bách của hai người thì hẳn đã biết kế tiếp Bình Dục muốn nói gì.

Suy nghĩ trong lòng ông ta vừa chuyển đã gấp giọng hỏi: “Làm sao để giải cứu ngô hoàng đây?”

Bình Dục đưa ánh mắt đến chỗ đám kỵ binh ở phía cuối. Đó là “Tam Thiên doanh”, lúc trước bọn họ chỉ lo nấn ná, cố ý quấy nhiễu khiến đám cung thủ không ngừng phải dịch chuyển mũi tên. Bọn họ cũng không chịu di chuyển khỏi khu vực đó nên hắn càng thêm hiểu rõ mà nói: “Việc mấu chốt nhất trước mắt là cần phòng Vương Lệnh xúi giục phản loạn.”

Phó Lan Nha đang ở trong miếu nhưng lực chú ý trước sau vẫn đặt trên người Bình Dục. Lúc đầu nàng chỉ thấy toàn quân lính, khó mà thấy được bóng dáng của hắn. Nhưng sau khi Vương Lệnh bị bóc trần thân phận thì quân Minh giống như bùng nổ, không đến một lát sau hoàng đế lại bị bắt nên đám tướng sĩ liên can cũng kéo cung nỏ, hô hô quát quát mà cấp bách cứu người.

Vì chậm chạp chưa tìm được Bình Dục nên nàng còn đang lo lắng, ai ngờ vừa liếc mắt một cái nàng lại thấy quân Minh giống như cát bay tứ tán thế là ưu tư trong mắt càng nhiều hơn. Nàng tinh tường biết dù Vương Lệnh có võ công cái thế nhưng cũng khó mà một mình địch vài vạn quân. Sở dĩ lão bắt hoàng đế ngoài dùng làm con tin thì còn muốn có chỗ làm lá chắn.

Nhớ rõ lúc trước Vương Lệnh túm hoàng đế khỏi lưng ngựa đã từng lấy một vật từ trong ngực ra ném lên không trung. Nhìn dáng vẻ thì thứ kia chính là để truyền tin, gọi viện binh tới. May mà Bình Dục đã bắn hạ nó khiến tính toán của lão cũng bị hỏng theo.

Nhưng lấy mưu tính của Vương Lệnh thì sao có thể để bản thân lâm vào khốn cảnh như thế được? Cho nên ngoài dẫn Thản Bố tới hẳn Vương Lệnh còn có chiêu khác.

Đang nghĩ ngợi chợt nàng thấy Bình Hạ và Vinh tướng quân đột nhiên giục ngựa phóng đi, giống như muốn đến hội hợp với quân Minh. Sau đó hàng ngũ dày đặc giống như bị kiếm bổ ra phân làm hai phần.

Có vài tướng sĩ dẫn dắt đại quân, cứ thế mênh mông cuồn cuộn đi về phía trước. Rõ ràng trong khoảng thời gian ngắn bọn họ đã có bố trí khác.

Nàng không nhịn được khẽ thở ra. Bất kể là thế nào thì Vương Lệnh cũng tuyệt đối không thể một mình tác chiến được. Phía sau lão hẳn đang dựa vào mấy vạn kỵ binh của Ngõa Lạt. Nếu nghĩ rằng chỉ cần bắt được Vương Lệnh là đã xong chuyện thì quân ta sẽ hoàn toàn rơi vào bẫy của lão. Vì thế không cần biết quân Minh hiện tại là do ai chỉ huy nhưng chỉ cần người đó chịu buông nghi ngờ, lựa chọn hợp với với Bình Dục thì phần thắng cuối cùng sẽ nhiều hơn một chút.

Nhưng từ khi nàng và Bình Dục gặp gỡ đến nay đây là lần đầu tiên hai người tách ra khi gặp phải nghịch cảnh. Trong lòng nàng có chút trống vắng, lại cũng cực kỳ lo lắng. Nàng đứng đó một hồi mới nhìn về phía mọi người đứng trước miếu. Lúc này nàng phát hiện ngoài những người Bình Dục để lại thì còn có mấy ngàn tinh binh vây quanh cả tòa thần miếu giống như sợ Vương Lệnh sẽ phái người đến bắt nàng không bằng.

Người của Tần Môn và Hình Ý Tông canh giữ trước cửa điện. Tần Dũng và Lý Do Kiệm tuy bị quân sĩ cách trở nên không thể tiếp cận nàng nhưng vẫn thận trọng đánh giá tình hình bên này, xác nhận chủ tớ nàng không có vấn đề gì. Phó Lan Nha vốn không phải người dễ buông lỏng cảnh giác nhưng đến trước mắt nàng không tránh khỏi sinh ra cảm kích với bọn họ.

Vừa rồi tuy nàng và và Bình Dục không đi theo đám Lý Du xuống địa đạo nhưng sau đó Lý Du cho người gọi Bình Dục xuống nên nàng không nhịn được lòng hiếu kỳ mà theo hắn xuống hầm. Hai tầng dưới của tòa miếu không có cơ quan nên một đường này bọn họ đi một cách thông thuận không bị ngăn trở.

Ai ngờ lúc đến tầng thứ tư thì mặt đất đột nhiên lõm xuống thành một cái hố tròn, chung quanh là hương khói thờ phụng, giữa hố là một cái quan tài lớn không biết đặt người nào.

Trong mật thất là một số lượng lớn các đồ thờ, trên vách tường cũng có mấy bức họa được bảo vệ hoàn chỉnh. Nếu nhìn thoáng qua thì chỉ thấy mật thất này cũng bình thường, nhưng trước khi bọn họ bước xuống dưới mấy người Lý Du đã phát hiện ra xung quanh quan tài có vô số cơ quan nguy hiểm. Nếu có người xúc động không cẩn thận thì sẽ mang đến tai họa không tưởng.

Sau khi đám Lâm Chi Thành và Bình Hạ chung sức hợp tác phải phí sức chín trâu hai hổ mới có thể vô hiệu hóa ba chỗ. Dù vậy bọn họ căn bản vẫn chẳng thể tiếp cận quan tài kia, càng không thể nghiên cứu được người trong quan tài đến tột cùng là ai.

Cuối cùng bọn họ phát hiện ra một chồng sách trong một cái rương ở cửa đại điện. Sau khi xác định được hết các cơ quan Bình Dục mới cầm lấy đống sách và đọc nội dung trên đó. Nhờ biết chút ít tiếng Thát Đát nên hắn đoán được miếu này là để thờ phụng vị Đại Hãn được người Thát Đát coi như thần.

Trong rương còn có một bức họa, tuy đã có chút mờ nhạt nhưng mặt mày người trong họa sinh động như thật, không khó để biết lúc sinh thời ông ta có tướng mạo thế nào. Mà văn tự trên bức họa càng chứng thực người trong bức vẽ chính là vị Đại Hãn kia.

Mà khéo nhất chính là ngũ quan của người trong tranh lại có chút tương tự với Vương Lệnh. Mấy người Bình Dục lúc ấy mới xác nhận Vương Lệnh chính là hậu duệ của vị Đại Hãn này.

Sau khi quay lại chủ điện thì đúng lúc Vương Lệnh dẫn quân đến thế nên Bình Dục lập tức giao bức họa kia cho nàng giữ. Chờ ra khỏi thần miếu hắn làm ra vẻ muốn đốt miếu để bức Vương Lệnh phải thừa nhận thân phận của mình.

Không nghĩ tới Bình Dục chỉ thử một lần đã trúng, hẳn Vương Lệnh có điên đến mấy cũng không thể ngồi nhìn thi thể tổ tiên táng trong biển lửa. Nghĩ đến đây nàng thu lại ánh mắt, chậm rãi mở cuốn tranh trong tay ra.

Nắng sớm chiếu vào, miếu cổ vốn tối tăm nay sáng sủa hơn nhiều. Có những chi tiết lúc trước khó mà nhận ra nay lại hiện lên rõ ràng. Sau khi nhìn chằm chằm cả buổi nàng lại sinh ra nghi hoặc. Tuy nàng không phải chuyên gia về vẽ tranh nhưng dưới sự dạy bảo của cha và anh thì cũng coi mưa dầm thấm đất. Đối với việc đánh giá cổ vật nàng cũng có chút tâm đắc. Trong lòng nàng biết phàm là những tác phẩm qua nhiều năm thì màu sắc trên giấy và độ giòn của giấy sẽ để lại dấu vết nhất định. Bức họa trước mắt thoạt nhìn…… thì thấy không có vấn đề gì, trăm phần trăm là cổ vật xa xưa nhưng nếu tìm hiểu kỹ lại phát hiện màu sắc bên trên có chút không đúng.

Nàng không nhịn được nhẹ vuốt ve trang giấy đã ố vàng, trong lòng âm thầm nghĩ chẳng lẽ có người cố ý làm giả bức họa này ư? Nhưng người này giả tạo bức họa của Đại Hãn Mông Cổ làm gì?

Đang nhíu mày suy tư nàng lại chợt nghe thấy bên ngoài truyền đến tiếng xôn xao, theo đó là tiếng vũ khí kịch liệt va chạm. Trong lòng nàng âm thầm hoảng hốt, vội ngước mắt nhìn thì thấy đám kỵ binh vốn đứng cuối hàng ngũ nay giống như có dị động. Đúng lúc này nàng lại nghe thấy tiếng chạy thục mạng trên hành lang, Lý Do Kiệm cực kỳ hận mà quát: “Tam Thiên doanh phản rồi!”

Phó Lan Nha cả kinh nghĩ Tam Thiên doanh là đội quân kỵ binh Mông Cổ được tiên đế chiêu an, vì thuật cưỡi ngựa của bọn họ quá giỏi nên thường được dùng làm tiên phong. Nhưng vì toàn bộ doanh đều là người Mông Cổ nên tiên đế cũng vẫn đề phòng, khi xuất chinh sẽ không mang theo đội quân này. Không nghĩ tới Vương Lệnh lại có thể dỗ được hoàng đế mang theo Tam Thiên doanh rời khỏi kinh thành.

Vương Lệnh vốn là Thát Tử nên có thể dễ dàng chiêu hàng người Mông Cổ trong doanh này. Nhưng từ khi triều đại khai sinh đến nay đã có không ít người Mông Cổ lựa chọn quy thuận. Dã tính trong xương cốt những người này đã tan đi nhiều, dưới sự hấp dẫn của lợi ích bọn họ vẫn chọn ở lại kinh thành dù có cơ hội trở về Bắc Nguyên.

Đám người này được nuôi dưỡng béo tốt, nếu chỉ bằng vài lời của Vương Lệnh thì sợ là sẽ chẳng khiến bọn họ vứt bỏ lợi ích mà hoàng đế mang lại. Đặc biệt là sau khi nhà Nguyên suy vong, Bắc Nguyên sụp đổ, ba bộ lạc lớn thường xuyên chém giết lẫn nhau khiến bọn họ càng ngần ngại. Trong ba bộ tộc của Mông Cổ thì Ngõa Lạt là cường đại nhất nhưng mâu thuẫn giữa các bộ lạc chưa bao giờ được giải quyết dứt khoát, thủ lĩnh các bộ lạc gặp mặt nhau cũng chưa bao giờ buông khúc mắc.

Có lẽ là vì Vương Lệnh lấy ra thân phận hậu duệ dòng chính của Đại Hãn nên mới có khả năng khiến đám Thát Tử kia nghe lệnh mình.

Đang nghĩ ngợi nàng lại nghe thấy bên ngoài truyền đến tiếng gọi rung trời, cực kỳ thành kính cũng rất điên cuồng. Phải chú ý lắng nghe nàng mới thấy đó là tiếng Thát Đát. Bạch trưởng lão nghiêng đầu nghe một hồi rồi kinh ngạc nói: “Bọn họ hình như đang hô Thái Tử điện hạ bằng tiếng Thát Đát thì phải.”

Cổ Phó Lan Nha nghẹn lại, nhìn dáng vẻ thì có lẽ Vương Lệnh không chỉ thu phục được Thản Bố mà ngay cả Tam Thiên doanh vốn đã quy thuận triều Minh lúc này cũng cực kỳ sùng bái lão. Có lẽ một chiêu khác của Vương Lệnh chính là chỗ này.

Tam Thiên doanh có nghĩa là 3000 nhưng kỳ thực số người phải lên tới 7,8 ngàn kỵ binh có huyết thống Mông Cổ. Bọn họ kiêu dũng thiện chiến, Vương Lệnh có đám người này hỗ trợ thì không lo không thể phá vây mang Hoàng Thượng đi. Chờ bọn chúng thành công hội họp với Thản Bố thì cả đám sẽ dễ dàng đánh bại quân Minh vốn có sức chiến đấu yếu hơn.

Nghĩ thế nên nàng cảm thấy cực kỳ nôn nóng, bỗng nàng nghe thấy tiếng hô Thái Tử vạn tuế kia bị đánh gãy. Theo đó là tiếng đánh nhau kịch liệt, hình như đám người Tam Thiên doanh cũng đang phải chật vật đối chọi với ai đó. Không hiểu sao trận hình của đám quân Minh lúc này lại xảy ra biến ảo.

Có tiếng Tần Dũng truyền đến từ ngoài hành lang, trong đó mang theo vài phần nhảy nhót, “Tam Thiên doanh hình như chưa thành công. Không ngờ phòng tuyến Vương Lệnh giấu lâu như vậy lại bị người ta phá tan. Bây giờ Vương Lệnh không khác gì bị chém hai tay, chẳng thể mang hoàng đế đi được nữa. Có lẽ lão chỉ có thể cùng đại quân nghênh chiến. Quân ta mà thắng Tam Thiên doanh thì có thể dễ dàng thu phục tên cáo già kia thôi.”

Không khí kích động lan trong thần miếu, trên mặt mọi người đều thả lỏng. Đến Phó Lan Nha cũng nhẹ thở phào, thầm nghĩ không biết là ai đoán được Tam Thiên doanh sẽ phản bội mà sắp xếp trước như vậy.

Tiếng reo hò rung trời vang lên, mũi tên bay đầy chiến trường, quân đội phân làm hai cánh bọc đánh Tam Thiên doanh. Tuy nhiên đối phương cưỡi ngựa giỏi, nơi này lại là thảo nguyên mà người Mông Cổ lớn lên từ nhỏ nên sau một buổi đánh giết kịch liệt quân ta vẫn chưa thể thắng. Có điều thế cũng đủ để cầm chân Vương Lệnh không cho lão bắt hoàng đế tới hội họp với quân của Thản Bố.