Lục Tiểu Phụng

Chương 8: Giữ người rồi lại đuổi người ngay





Thượng Quan Đan Phụng cúi đầu xuống nghe chàng nói. Hồi lâu nàng nhẹ buông tiếng thở dài nói :



- Tiện thiếp bản tâm định tới đây...



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Bây giờ thì sao?



Thượng Quan Đan Phụng ngập ngừng đáp :



- Bây giờ thì... tiện thiếp lại muốn đi.



Bỗng nàng ngửng đầu lên ngưng thần nhìn Lục Tiểu Phụng. Mắt nàng lộ vẻ rất phức tạp, lại ra chiều mâu thuẫn, không hiểu nàng oán trách hay nàng thương tiếc?



Lục Tiểu Phụng nhăn nhó cười nói :



- Công chúa tin là tại hạ đối với Tuyết Nhi... có...



Thượng Quan Đan Phụng đưa ngón tay lên bịt miệng chàng, cất giọng ôn nhu :



- Tiện thiếp biết công tử không phải... nhưng đêm nay... đêm nay tiện thiếp không thể lưu lại đây được.



Bất luận là ai gặp cảnh bẽ bàng này cũng cụt hứng hết mọi điều.



Lục Tiểu Phụng dĩ nhiên đã hiểu ý nàng liền buông tay ra.



Thượng Quan Đan Phụng nhìn chàng đột nhiên nhón gót hôn vào mặt chàng khẽ nói :



- Công tử nên biết rằng tiện thiếp không muốn đi.



Lục Tiểu Phụng mỉm cười đáp :



- Bây giờ công chúa nên đi là hơn. Không thì tại hạ...



Thượng Quan Đan Phụng không chờ chàng nói hết lời đã lùi lại. Nàng cười nói :



- Tiện thiếp cảnh cáo công tử : Con tiểu nha đầu đó đúng là một con tiểu yêu tinh.



Lần sau công tử còn chạm trán thị thì bỏ đi ngay là hơn. Tiện thiếp ăn phải dấm chua sẽ cắn người đó.



* * * * *



Đêm càng khuya càng tịch mịch. Mọi vật trong trời đất đều yên tĩnh và hòa bình.



Nhưng lòng người chưa chắc đã yên tĩnh.



Sáng ngày. Vừng thái dương chiếu khí nóng vào những tảng đá xanh lát trên đường phố. Hai bên đường còn nhiều nhà và cửa tiệm chưa mở.



Những người ở thành thị thường ngủ trưa chứ không dậy cùng lúc với mặt trời mọc.



Lục Tiểu Phụng và Hoa Mãn Lâu đang đứng trên tảng đá xanh.



Đan Phụng công chúa dùng hoa tươi trang hoàng cỗ xe ngựa đưa chân hai người ra đi rồi mới trở gót quay về.



Hoa Mãn Lâu đột nhiên cười nói :



- Tiểu đệ xem chừng công tử chẳng sớm thì muộn cũng bị nàng cắn một miếng.



Lục Tiểu Phụng trợn mắt lên nhìn gã rồi bật cười nói :



- Con người đó tai thính hơn tai thỏ, lần sau ta phải đề phòng mới được.



Hoa Mãn Lâu mỉm cười hỏi :



- Con tiểu yêu tinh mà công chúa nói đó phải chăng là cô em của Thượng Quan Phi Yến?



Lục Tiểu Phụng nhăn nhó cười đáp :



- Hạng tiểu yêu tinh như vậy, bất luận ở đâu cũng khó tìm được người thứ hai.



Hoa Mãn Lâu trầm ngâm rồi không nhịn được hỏi :



- Tuyết Nhi có tìm thấy thư thư của thị không?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Dường như chưa thì phải... Vừa rồi tại hạ quên không hỏi... Thượng Quan Đan Phụng. Thường khi nàng biết con chim én kia bay tới phương nào.



Hoa Mãn Lâu lại cười nói :



- Công tử đừng hỏi là hơn. Công tử mà hỏi đến không chừng lại bị y cắn một miếng.



Lục Tiểu Phụng nói :



- Tại hạ không hỏi, nhưng Tuyết Nhi thì nên hỏi lắm.



Hoa Mãn Lâu nói :



- Xem chừng thị chưa hỏi ra được.



Tuy trên môi gã vẫn lộ nụ cười, song nét mặt không che giấu nổi mối lo âu.



Lục Tiểu Phụng trầm ngâm hỏi :



- Huynh đài có biết Thượng Quan Phi Yến bao nhiêu tuổi không?



Hoa Mãn Lâu đáp :




- Y nói là tuổi con dê. Năm nay vừa mười tám cái xuân xanh.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Cô gái mười tám tuổi mà sao lại có em hai mươi tuổi?



Hoa Mãn Lâu cười đáp :



- Cái đó cần phải coi tình hình mới biết được.



Lục Tiểu Phụng sửng sốt hỏi :



- Coi tình hình gì?



Hoa Mãn Lâu đáp ;



- Con người thông minh như công tử tất phải hỏi ra được câu chuyện ngớ ngẩn này. Cô gái mười tám tuổi nào lại không có em gái hai mươi tuổi? Cô em hai mươi tuổi không chừng có thể sinh con tám mươi tuổi.



Lục Tiểu Phụng khẽ đập vào vai Hoa Mãn Lâu vừa cười vừa nói :



- Cô chị hai mươi tuổi chẳng thể có em hai chục tuổi thì Thượng Quan Phi Yến cũng chẳng có việc gì xảy ra.



Hoa Mãn Lâu “Ủa” một tiếng chứ không nói gì.



Lục Tiểu Phụng lại nói :



- Không chừng Tuyết Nhi đã biết thư thư thị ở đâu rồi. Thị cố ý nói vậy để hăm tại hạ. Bây giờ tại hạ mới biết thị nói không thể tin một câu nào.



Hoa Mãn Lâu cười xòa tựa hồ không muốn thảo luận chuyện này nữa. Đột nhiên gã hỏi sang vấn đề khác :



- Công tử muốn đi kiếm người?



Lục Tiểu Phụng gật đầu đáp :



- Tây Môn Xuy Tuyết dường như không ở đây, tại hạ muốn đi kiếm người khác.



Hoa Mãn Lâu hỏi :



- Công tử kiếm ai?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Huynh đài ít ra ngoài có lẽ không biết hai nhân vật kỳ quái. Một người trên hiểu thiên văn, dưới biết địa lý. Những việc kỳ quái từ xưa đến nay y đều hiểu được đôi chút. Còn người nữa bản lãnh càng ghê gớm hơn. Bất luận ai đưa ra vấn đề kỳ quái khó khăn đến đâu, y cũng có cách giải quyết giùm.



Hoa Mãn Lâu hỏi :



- Phải chăng là Đại Thông, Đại Trí.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Huynh đài cũng biết bọn họ ư?



Hoa Mãn Lâu hững hờ đáp :



- Tiểu đệ tuy là kẻ đui mắt, nhưng được cái không điếc tai.



Lục Tiểu Phụng gật đầu nói :



- Lắm lúc tại hạ mong huynh đài điếc cả tai nữa hay hơn.



Hai người đi tới mái hiên mát mẻ âm u, bỗng thấy một nhà sư cúi đầu khép nép đi tới.



Nhà sư này mặt vuông tai lớn, đầy vẻ phúc tướng nhưng mặc áo vừa rách vừa nhơ nhớp, chân đi giày gần thủng hết đế.



Lục Tiểu Phụng đon đả ra đón chào ;



- Lão Thực hòa thượng! Hòa thượng mạnh giỏi a.



Nhà sư chất phác ngó thấy chàng cũng cười hỏi :



- Gần đây thí chủ đã biến thành chất phác chưa?



Lục Tiểu Phụng cười đáp :



- Chờ bao giờ hòa thượng không chất phác nữa, tại hạ mới chất phác.



Mỗi lần nhà sư gặp chàng là dường như chỉ còn đường cười trừ.



Lục Tiểu Phụng cười hỏi :



- Bữa nay coi bộ hòa thượng ra chiều hớn hở, phải chăng có điều chi hoan hỷ?



Nhà sư chất phác nhăn nhó cười đáp :



- Nhà sư chất phác thì làm gì có hỷ sự, chỉ bạn trẻ không chất phác mới lắm chuyện vui mừng.



Lục Tiểu Phụng nói :



- Nhưng đặc biệt bữa nay dường như ra ngoài thể lệ đó.



Nhà sư chất phác chau mày thở dài đáp :



- Bữa nay quả ra ngoài lệ đó thực.



Coi vẻ mặt nhà sư, bất luận là ai cũng nhận ra y muốn cho Lục Tiểu Phụng đừng hỏi han gì nữa. Nhưng khốn nỗi Lục Tiểu Phụng muốn chơi khăm càng vặn hỏi :



- Tại sao vậy?



Hòa thượng chất phác nhăn mặt, miệng ấp úng :



- Vì... vì bần tăng vừa làm một việc không chất phác.



Nhà sư không muốn nói ra, nhưng không nói không được vì bản tính chất phác.



Lục Tiểu Phụng lấy làm kỳ lại hỏi :



- Hòa thượng cũng làm việc không chất phác ư?



Lão Thực hòa thượng đáp :



- Đây chỉ là lần thứ nhất trong đời bần tăng.



Lục Tiểu Phụng rất lấy làm hứng thú, hạ thấp giọng xuống hỏi :



- Hòa thượng làm chuyện gì mà không chất phác?



Nhà sư chất phác hơi đỏ mặt lên, ngập ngừng đáp :



- Bần tăng vừa đi kiếm Âu Dương.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Âu Dương là ai?



Nhà sư chất phác dòm ngó chàng bằng vẻ mặt rất kỳ quái, tựa hồ có dáng vui mừng mà lại ra chiều rất đồng tình với chàng. Nhà sư lắc đầu hỏi lại :



- Tại sao Âu Dương mà thí chủ cũng không hay?



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Tại sao tại hạ phải biết y?



Nhà sư chất phác bẽn lẽn đáp :



- Vì Âu Dương đó là Âu Dương Tình.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Âu Dương Tình là nhân vật thế nào?



Nhà sư chất phác càng đỏ mặt hơn ấp úng đáp :



- Y là... là... là một kỹ nữ... rất nổi danh.



Nhà sư phải hết sức mới nói xong câu này.



Lục Tiểu Phụng cơ hồ không nhịn nổi muốn nhảy bổ lên, chàng không bao giờ ngờ tới nhà sư chất phác lại đi kiếm kỹ nữ.



Nhưng trong lòng chàng tuy vừa kinh dị vừa tức cười, mà ngoài mặt ráng giữ thản nhiên không lộ vẻ gì, hững hờ nói :



- Thục ra cái đó chẳng có chi kỳ dị, chuyện này rất thông thường.



Nhà sư chất phác giật mình hỏi :



- Chuyện này mà cũng thông thường thôi ư?



Lục Tiểu Phụng nghiêm nghị đáp :



- Hòa thượng đã không có vợ lớn, lại cũng không vợ nhỏ. Mà tấm thân khỏe mạnh muốn đi kiếm ả kỹ nữ cũng không được thì người ta làm thế nào? Chẳng lẽ lại đi kiếm ni cô?



Nhà sư chất phác nghe nói ngẩn người ra.



Lục Tiểu Phụng nói tiếp :



- Huống chi cao tăng và danh kỹ chẳng những cân đối mà còn có mối liên quan mật thiết với nhau.



Nhà sư chất phác không nhịn được hỏi :



- Quan hệ ở chỗ nào?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Cao tăng làm hòa thượng một ngày, gõ chuông một ngày. Danh kỹ làm chuông một ngày cũng va chạm với hòa thượng một ngày... mối quan hệ như vậy mà bảo là không mật thiết ư?



Chàng chưa nói hết lời, chính mình cũng không nhịn được phải ôm bụng mà cười.



Nhà sư chất phác thẹn quá đứng trơ ra hồi lâu mới buông tiếng thở dài, miệng lẩm bẩm :



- A Di Đà Phật! Tại sao đêm qua tiểu tăng đã gặp Tôn lão gia, bữa nay lại chạm trán Lục Tiểu Phụng.



Lục Tiểu Phụng đột nhiên dừng tiếng cười, vội hỏi ;



- Hòa thượng đã gặp Tôn lão gia ư? Y ở đâu? Tại hạ đang muốn kiếm y.



Nhà sư chất phác dường như không nghe thấy chàng hỏi, miệng vẫn lẩm bẩm :



- A Di Đà phật! Những việc tồi bại không thể làm được. Đệ tử thật đáng chết! Xin đức Bồ Tát phạt đệ tử phải bò xuống mà trở về.



Nhà sư niệm rồi, đột nhiên phục xuống đất rồi bò đi thật.



Lục Tiểu Phụng đành nhìn nhà sư mà cười chứ chẳng còn cách nào khác.




Hoa Mãn Lâu không nhịn được hỏi :



- Nhà sư bò thật ư?



Lục Tiểu Phụng thở dài nhăn nhó cười đáp :



- Con người đó nếu bảo bò mười dặm thì chẳng khi nào y bò chín dặm rưỡi đã bỏ cuộc, vì y là nhà sư chất phác.



Hoa Mãn Lâu cười nói :



- Thế thì y chẳng những là nhà sư chất phác mà còn là nhà sư điên khùng.



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Nếu y giả điên giả dại thì tâm thần y lại sáng suốt hơn ai hết.



Hoa Mãn Lâu hỏi :



- Tôn lão gia là ai vậy?



Đề cập đến Tôn lão gia, Lục Tiểu Phụng hứng chí đáp :



- Vị Tôn lão gia đó nên đổi là Tôn con rùa thì phải hơn.



Hoa Mãn Lâu bật cười hỏi :



- Tại sao lại nên gọi tên như vậy?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Vì lão thường nói : Những ngày không có tiền tuy là con cháu loài rùa, nhưng khi sẵn tiền lại làm đại lão gia. Lão ở họ Tôn nên người ta kêu bằng Tôn lão gia.



Hoa Mãn Lâu hỏi :



- Công tử quen biết thật lắm quái vật.



Lục Tiểu Phụng đáp :



- May mà trong mười cái quái vật được đến chín cái không đến nỗi làm cho người ta phải bực mình. Tôn lão gia này lại càng đỡ chán.



Hoa Mãn Lâu hỏi :



- Công tử định kiếm Đại Thông, Đại Trí, hay là kiếm Tôn lão gia?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Đại Thông, Đại Trí cũng là hai cái quái vật, trước nay chưa một ai gặp họ, cũng chẳng có người nào biết rõ hành tung. Ngoài Tôn lão gia không một nhân vật nào tìm thấy họ.



Hoa Mãn Lâu nói :



- Không ngờ bản lãnh Tôn lão gia chẳng phải hạng tầm thường.



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Lão này từ thuở nhỏ đã cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm, ăn chơi lãng mạn. Suốt đời không làm được một việc đứng đắn và cũng chẳng có bản lãnh gì. Hay nói cho đúng hơn là có bản lãnh ăn chơi cả nữa đời người.



Hoa Mãn Lâu hỏi :



- Tại sao lão được như vậy?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Vì bất luận là ai muốn kiếm Đại Thông, Đại trí cũng đều do lão đi các nơi chuộc về.



Hoa Mãn Lâu hỏi :



- Chuộc về ư? Làm sao mà phải chuộc?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Bọn này xài tiền dữ quá nên không bao giờ làm được “Đại lão gia” lấy ba ngày đã biến thành con cháu loài rùa. Họ không có tiền trả nợ rồi đem mình gán vào đó chờ người khác đến chuộc. Họ cứ sinh hoạt như vậy kéo dài đã mười mấy năm. Tại hạ muốn không phục cũng không được.



Hoa Mãn Lâu cười nói :



- Bọn người này chẳng những có bản lãnh mà còn nhiều phước khí nữa.



Lục Tiểu Phụng nói :



- Đúng thế thật. Nếu họ không có phước khí thì chỉ không đầy nửa năm đã phát điên mất.



Hoa Mãn Lâu hỏi :



- Bây giờ công tử định đi đâu chuộc về?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Dĩ nhiên tại hạ phải đi kiếm Âu Dương trước.



Hoa Mãn Lâu hỏi :



- Âu Dương nào?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Đến Âu Dương mà huynh đài cũng không biết ư? Âu Dương đó là Âu Dương Tình.



* * * * *



Trong Di Tinh viện người ta đặt Âu Dương Tình lên đầu.



Theo lời đồn thì cái bản lãnh giỏi nhất của Âu Dương Tình là đối với ai cũng vậy.



Bất luận nhà sư hay người trọc đầu, chỉ cần có tiền là được thị coi làm nhân vật khả ái nhất thiên hạ.



Nguyên một bản lãnh này đã đủ rồi.



Huống chi người thị lại dễ coi. Nước da trắng nõn. Tóc đen và mượt. Miệng cười má lúm đồng tiền, cặp mắt thị càng làm cho người ta điên đảo thần hồn thì dù có phải để vào bao nhiêu bạc lên người thị cũng không oan.



Hiện giờ Âu Dương Tình đang dòm ngó Lục Tiểu Phụng, nở nụ cười rất mê ly. Thị ngắm nghía bộ râu của Lục Tiểu Phụng tựa hồ suốt đời chưa thấy chàng trai anh tuấn nào có bộ râu duyên dáng như vậy.



Nụ cười ngon ngọt hơn, Âu Dương Tình nói :



- Dường như tướng công chưa tới đây lần nào thì phải?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Đúng là tại hạ chưa tới đây.



Âu Dương Tình hỏi :



- Tướng công đến đây để kiếm tiện thiếp ư?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Người mà tại hạ muốn kiếm thứ nhất tức là cô nương?



Âu Dương Tình cúi đầu xuống khẽ hỏi :



- Tướng công nói như vậy chẳng lẽ chúng ta quả có duyên nợ với nhau?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Nhất định là thế.



Âu Dương Tình đưa đẩy cặp sóng thu hỏi :



- Nhưng sao tướng công lại biết nơi đây có tiện thiếp?



- Sáng sớm hôm nay một vị thần tiên báo mộng nói là chúng ta đã có một đoạn nhân duyên từ tám trăm năm trước.



Âu Dương Tình kinh nghi cười hỏi :



- Thật thế ư?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Không sai một ly. Vị thần tiên đó là một nhà sư coi bộ rất chất phác, chính lão nhân gia cũng đến đây kiếm cô nương.



Âu Dương Tình vẫn không thay đổi sắc mặt mỉm cười nói :



- Đêm qua quả có nhà sư đến đây. Tiện thiếp nằm ngủ trên giường, nhà sư ngồi coi suốt đêm. Tiện thiếp cứ tưởng nhà sư có tật gì, ai ngờ lại là một bậc thần tiên.



Thị ngồi lên đùi Lục Tiểu Phụng, khẽ vuốt đôi ria mép của chàng rồi cắn môi chàng cười nói :



- Nhưng cái đó tướng công chớ có học nhà sư kia.



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Tại hạ không phải là thần tiên.



Âu Dương Tình ngoạm vào tai Lục Tiểu Phụng cười khành khạch nói :



- Thực ra làm thần tiên cũng chẳng thú gì, tiện thiếp chỉ mong tướng công làm bạn hữu mới cảm thấy khoan khoái hơn là tướng công làm thần tiên.



Hoa Mãn Lâu vẫn mỉm cười, lặng lẽ ngồi xa hơn một chút. Dường như gã không muốn màn kịch này diễn lâu nữa, liền lên tiếng :



- Bọn tại hạ muốn kiếm Tôn lão gia, nhất định cô nương biết y ở đâu?



Âu Dương Tình đáp :



- Tôn lão gia ư? Tiện thiếp nghe nói y vẫn ở trong viện Tiêu Tương ngay bên cạnh và đang chờ người đến chuộc. Tướng công bước ra là ngó thấy Tiêu tương viện ngay.



Thị muốn Hoa Mãn Lâu ra đi cho sớm.



Nhưng Lục Tiểu Phụng đã đẩy thị ra, đứng dậy.



Âu Dương Tình chau mày hỏi :



- Tướng công cũng muốn đi ư?



Lục Tiểu Phụng thở dài đáp :



- Tại hạ không muốn đi nhưng không đi không được.



Âu Dương Tình hỏi :



- Tướng công đi chuộc Tôn lão gia ư?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Không phải tại hạ đi chuộc mà sang bầu bạn với y để chờ người đến chuộc.



Chàng nhăn nhó cười vỗ vào lưng nói tiếp :




- Tình thực bây giờ trong mình bọn tại hạ không còn đủ tiền mua một tấm bánh lớn.



Âu Dương Tình tuy vẫn cười, nhưng nụ cười đã biến đổi. Nụ cười giả này ai coi cũng biết là không nên ngồi lại nữa.



Lục Tiểu Phụng làm bộ không muốn ra, lại cười nói :



- Nhưng chúng ta đã có duyên với nhau thì tại hạ đi làm sao được? Tại hạ để một mình ông bạn...



Âu Dương Tình lập tức ngắt lời :



- Chúng ta đã có duyên với nhau thì sớm muộn gì cũng ở với nhau. Hiện giờ tướng công hãy đi kiếm y quách. Tiện thiếp... tiện thiếp đột nhiên cảm thấy khó chịu... đau bụng mất rồi.



Lục Tiểu Phụng chạy ra, đón ngọn gió Đông thổi vào mặt. Chàng hít một hơi chân khí mỉm cười nói :



- Huynh đài muốn thoát khỏi tay một nữ nhân thì biện pháp hay nhất là để cho thị tự nói ra mình đau bụng. Một chàng trai sành sõi ít ra cũng biết được vài biện pháp làm cho nữ nhân đau bụng.



Hoa Mãn Lâu hững hờ đáp :



- Tiểu đệ vẫn biết công tử rất nhiều biện pháp, nhưng mãi đến bữa nay tiểu đệ mới hiểu công tử hoàn toàn không phải là người quân tử.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Tại sao vậy?



Hoa Mãn Lâu đáp :



- Công tử biết rõ y là hạng người nào, tại sao còn lật tẩy họ.



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Vì tại hạ không thích con người giả dối.



Hoa Mãn Lâu hỏi :



- Nhưng thị chẳng thể không giả dối vì thị còn muốn sống. Nếu thị đối với ai cũng chân tình thì sống ở đây thế nào được?



Gã mỉm cười nói tiếp :



- Công tử đầy đủ nghĩa khí, đầy đủ tình bằng hữu, có thể gọi là hiệp khách được, nhưng vẫn còn một tật xấu rất lớn.



Lục Tiểu Phụng :



- Tật xấu gì?



Hoa Mãn Lâu đáp :



- Trên đời có nhiều người tuy rất khả ố, đáng khinh bỉ, nhưng hành động của bọn họ thường là chuyện bất đắc dĩ. Cái tật xấu của công tử là trước nay không thể tất cho người.



Lục Tiểu Phụng nhìn gã một lúc lâu rồi nhẹ buông tiếng thở dài nói :



- Lắm lúc thật tại hạ không muốn đi với huynh đài.



Hoa Mãn Lâu “Ủa” lên một tiếng.



Lục Tiểu Phụng lại nói :



- Vì tại hạ nhận ra mình có lỗi, so với huynh đài chỉ là một tên ma bùn.



Hoa Mãn Lâu cười đáp :



- Con người đã tự biết mình là ma bùn thì hãy còn thuốc chữa.



Lục Tiểu Phụng nói :



- Tại hạ là một tên ma bùn, mà là hạng ma bùn lớn nhất thiên hạ. Cả trăm người ma bùn khó kiếm được một như tại hạ.



Hai người tiến vào viện Tiêu Tương, bỗng nghe có người trên lầu la lớn. Hoa Mãn Lâu hỏi :



- Có phải Tôn lão gia không?



Lục Tiểu Phụng cười đáp :



- Đúng rồi! Bây giờ chỉ mong y đừng say quá, còn có thể đứng lên được.



Tôn lão gia tuy không đứng nổi, nhưng may còn ngồi dậy được.



Hắn ngồi thắng thắn trong cỗ xe ngựa do Lục Tiểu Phụng mướn rồi đưa đến. Hắn trợn mắt nhìn Lục Tiểu Phụng nói :



- Dù ngươi có gấp đi kiếm hai lão quái vật kia thì ít ra cũng phải mời ta đi uống một bữa rượu đã.



Lục Tiểu Phụng thở dài hỏi :



- Tại hạ rất lấy làm kỳ là những người đó đã biết rõ lão túi rỗng, sao còn mời đi uống rượu?



Tôn lão gia toét miệng cười đáp :



- Vì họ biết rõ chẳng sớm thì muộn sẽ có oan gia đến cứu ta.



Thật không ai ngờ cái đầu hắn lại nhỏ hơn hết mọi người. Ai chưa ngó thấy người hắn khó mà tưởng tượng con người đã gầy nhom lại bé nhỏ đến thế, vậy mà tương đối cái đầu lớn quá!



Lục Tiểu Phụng nói :



- Coi bộ lão thế này liệu có đi kiếm họ ngay được không?



Tôn lão gia ngạo nghễ đáp :



- Dĩ nhiên là được. Bất luận hai cái quái vật đó cổ quái đến đâu, ta vẫn là một vị khắc tinh của chúng... Nhưng trước khi đi phải chịu nghe ước pháp tam chương đã.



Lục Tiểu Phụng giục :



- Lão nói đi!



Tôn lão gia đáp :



- Mỗi một vấn đề là năm chục lạng và phải là bạc nén đầy đủ. Khi tới nơi các ngươi phải đứng ngoài chờ ta. Có điều gì muốn hỏi cũng chỉ đứng ngoài lên tiếng.



Lục Tiểu Phụng cười hỏi :



- Tại hạ không sao hiểu được vì lẽ gì những người này trước nay không muốn thấy mặt ai?



Tôn lão gia cười đáp :



- Vì họ biết trên đời này, ngoài ta ra, còn toàn là hạng ma bùn đáng ghét. Không ngờ tên ma bùn lớn nhất thiên hạ lại là ta.



* * * * *



Trong hang núi tối om, cửa động rất nhỏ. Bất luận là ai cũng phải bò rạp xuống mới chui vào được. Tôn lão gia bò vào.



Lục Tiểu Phụng và Hoa Mãn Lâu chờ ở bên ngoài lâu quá. Lục Tiểu Phụng đã nóng ruột.



Hoa Mãn Lâu mỉm cười nói :



- Tiểu đệ biết công tử đang bồn chồn trong dạ, sao công tử không ngắm phong cảnh đẹp nơi đây? Cả cơn gió thoảng cũng làm cho người ta khoan khoái. Người nào có phước mới được dừng lại ở chốn này.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Sao huynh đài biết nơi đây phong cảnh đẹp?



Hoa Mãn Lâu đáp :



- Tuy tiểu đệ không nhìn thấy, nhưng tâm thần lĩnh hội được. Vì thế tiểu đệ từng nói người có mắt mà không chịu nhìn đời mới đúng là kẻ đui mù.



Lục Tiểu Phụng không biết nói thế nào.



Giữa lúc ấy, thanh âm của Tôn lão gia từ trong sơn động vọng ra :



- Bây giờ bắt đầu hỏi được rồi.



Đĩnh bạc thứ nhất nặng năm mươi lạng lập tức liệng vào. Vấn đề thứ nhất là :



- Năm chục năm trước trên đời đã có Kim Bằng vương triều phải không?



Sau một lúc, thanh âm trầm trầm của lão cất lên đáp :



- Kim Bằng vương triều là một quốc gia rất nhỏ ở phía cực Nam. Nước này có phong tục đặc biệt là người cùng họ lấy nhau được. Những người cầm quyền trong triều phần lớn ở họ Thượng Quan. Vương triều này cổ kính mà giàu có, nhưng năm chục năm trước đã tan nát rồi. Theo lời đồn thì giòng dõi vương tộc lưu vong vào đất Trung Nguyên.



Lục Tiểu Phụng thở phào một cái ra chiều thỏa mãn về đáp án này.



Chàng lại liệng một đĩnh bạc vào để hỏi đến vấn đề thứ hai :



- Ngoài giòng dõi vương tộc, những đại thần trong triều hồi bấy giờ còn có người nào trốn ra được không?



Thanh âm khàn khàn đáp :



- Nghe đồn có bốn người chịu Vương mệnh bảo vệ cho vương tử đông du. Trong bọn này một người cũng thuộc vương tộc, tên gọi Thượng Quan Cẩn. Còn ba người là Đại tướng quân Bình Độc Hạc, Tư không Thượng Quan Mộc và Nội khố Nghiêm Lập Bản.



Vấn đề này còn được bổ sung :



- Quan chế của Kim Bằng vương triều không khác thời Hán, Đường của chúng ta mấy tý.