Mê Tông Chi Quốc

Chương 123: Hồi 3: chuyện quái dị trong lâm trường







Yacute; của Tư Mã Khôi là: “Chuyện tốt thì lão hãy nói, còn như chuyện xấu thì xin miễn, tôi nghe xong lại thêm đau đầu”. Lão Lưu Hoại Thủy cũng không chắc lắm: “Luận theo lẽ thường thì đó là chuyện tốt. Nói sao nhỉ? Tôi vừa nghe Hải lão gia nhắc đến tàu hỏa, liền nhớ ra mình có đứa cháu con bà chị ruột, nó họ Bạch, trước đây là bộ đội công trình.



Hồi xưa từng tham gia chiến tranh Triều Tiên, còn đội bom Mỹ, sửa cầu trên sông Áp Lục nữa đấy, sau này trở thành bộ đội chuyên nghiệp, được phân công quản lý ngành đường sắt địa phương, vì biểu hiện xuất sắc trong thời kì cách mạng văn hóa, nên được bổ nhiệm làm lãnh đạo ủy ban cách mạng huyện.



Khu vực nó quản lý vừa vặn lại chính là thị trấn Thương Bách, huyện Thần Nông Giá. Tôi có thể viết phong thư bảo nó nghĩ cách quan tâm đến các lão gia một chút; có điều… có điều phần tử bất hảo như tôi, chỉ e bây giờ nó không thèm nhận người cậu ruột này nữa”. Tư Mã Khôi thấy chuyện này có còn hơn không, được thì quá tốt mà không được cũng chẳng sao.



Thế là, anh liền tìm giấy bút đưa cho Lưu Hoại Thủy, bảo lão mau viết thư, rồi kẹp vào cuốn sổ giải mã mang theo bên mình. Đêm hôm đó, mọi người nghỉ ngơi trên chuyến tàu đường dài. Ngày hôm sau, cả hội từ giã lão Lưu Hoại Thủy, giữa đường chuyển tàu vào nam. Thần Nông Giá nằm ở rốn núi phía Tây tỉnh Hồ Bắc, vùng thân Âm Sơn này giao thông vô cùng lạc hậu, nên căn bản không hề có đường sắt.



Đến huyện Phòng, hội Tư Mã Khôi đành xuống tàu, rồi dừng chân nghỉ ngơi ở huyện suốt mấy ngày liền, thứ nhất là dành thời gian cho Hương Lân điều dưỡng cơ thể, phục hồi nguyên khí, thứ hai là cần phải chuẩn bị một vài thứ trước khi tiến vào núi. Lúc trước, Tư Mã Khôi sợ giữa đường có người kiểm tra, nên đã đem tất cả mấy khẩu súng xung phong Liên Xô, mang về từ kính viễn vọng Lopnor, vùi xuống sa mạc, bây giờ trên người chỉ sót lại ba con dao săn, mũ Pith Helmet, mặt nạ phòng độc hình mang cá, kính chắn gió, thảm chắn cát; ngoài ra thì cũng chỉ có mấy vật phẩm như: la bàn, diêm chống ẩm, máy ảnh, ống nhòm, nến tín hiệu, thuốc đuổi côn trùng, thiết bị lọc, băng dính, bình nước quân dụng, hòm cứu thương.



Khi ấy, mệnh sắp đoạn mà vẫn tiếc không nỡ vứt đi, bây giờ đúng là phải dùng đến chúng thật. Huyện lị thiếu thốn đủ các loại vật tư nhưng đèn cácbua thì không thiếu, đến nỗi tối muộn rồi mà người dân vẫn thắp đèn sáng trưng. Vả lại địa phương cũng có khá nhiều mỏ quặng, nên các thiết bị chiếu sáng như đèn quặng được bổ sung đầy đủ.




Để đề phòng gặp mưa trong núi, Tư Mã Khôi liền làm theo cách dân dã của đội du kích Miến Điện, lấy áo mưa tự chế thành túi chống nước rồi trùm lên ba lô. Ngoài ra, anh còn chuẩn bị một đống lương khô và thuốc lá thơm. Tư Mã Khôi ra cửa hàng bách hóa mua mấy đôi ủng và dây thừng dài, đồng thời tìm một bác thợ rèn đánh cho mấy cái móc câu nối vào dây thừng.



Thứ duy nhất không kiếm được là vũ khí, đạn dược. Hội Tư Mã Khôi vẫn chưa biết tình hình trong núi ra sao, không có súng ống thì làm sao lòng đảm và dũng khí vững vàng lên được, có điều vấn đề này lại chẳng có cách nào giải quyết, đành đến đâu hay đến đó vậy. Trước lúc xuất phát, Tư Mã Khôi dẫn Hải ngọng và Thắng Hương Lân vào phòng tắm nước nóng.



Đây là nhà tắm duy nhất trong huyện thành, còn gọi là hồ tắm Đông Phong, lấy tên từ nghĩa câu thơ “Đông phong áp đảo tây phong”. Tiệm này có từ mấy chục năm trước, lúc đó người phương Bắc đến lâm trường lao động tương đối nhiều, nên họ mới cho xây nhà tắm. Hồ tắm Đông Phong được xây dựng rất sơ sài, cũ kỹ, lâu ngày không được sửa chữa, quy mô lại khá nhỏ, bên trong đốt cái nồi hơi nho nhỏ, cả bên nam và bên nữ cộng gộp lại, diện tích cũng chỉ đủ cho mười mấy người tắm là đã chật ních.



Hồi ấy, những mục như kì cọ, ấn huyệt bàn chân trong nhà tắm, bị quy kết là loại hình phục vụ chỉ dành cho các đối tượng chuyên chính văn hóa, nên tất cả đều nhất loạt bị hủy bỏ. Nhân viên chuyên kì cọ ngày trước, bây giờ chuyển nghề thành nhân viên chuyên đốt nồi hơi, bất kể có khách hay không, bác ta đều được nhận tiền lương hàng tháng, kĩ năng xoa bóp bấm huyệt cũng sớm bị bỏ phí bao năm rồi.



Tư Mã Khôi và Hải ngọng không biết bên Thắng Hương Lân tắm ra sao. Tóm lại, hai người bọn họ huyên thuyên suốt hồi lâu, tâm sự cả đống chuyện, rồi hút mất nửa bao thuốc, sau đó mới gọi sư phụ xoa bóp bấm huyệt ra để cọ lưng giúp. Hải ngọng tự nhận mình là thành viên đội khảo cổ, quay sang giải thích với sư phụ bấm huyệt: “Bọn con tắm táp thế này hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu công tác cách mạng đấy chứ.



Vì một chuyến đi dã ngoại chỉ ít cũng phải hút một hơi dăm bữa nửa tháng, gặp lúc điều kiện sinh hoạt gian khổ, không khéo còn chẳng rửa được mặt cơ, bởi vậy, tụi con phải làm vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ trước khi lên đường”. Rồi anh dặn đi dặn lại vị sư phụ cọ lưng: “Bố cứ kì thật mạnh tay vào! Cọ cho bay luôn hai lớp da mới đã, tắm rửa sạch sẽ xong, bọn con lại phải nhảy vào biển lửa liền.



Lần tắm sau… con mẹ nó, còn không biết phải đợi đến bao giờ!”. Vị sư phụ thấy thân thể hai người chi chít vết dao đâm súng bắn, thì không khỏi cảm thấy vừa kì lạ vừa ngạc nhiên, tuy nghi hoặc nhưng không dám hỏi nhiều, chỉ mong hai gã này tắm táp cho thoải mái rồi mau mau cuốn xéo.



Ba người đi ra khỏi hồ tắm Đông Phong, thấy cả người nhẹ bẫng, cảm giác dường như được thay da đổi thịt. Mọi người sang vệ đường đi nhờ chuyến xe ngựa thồ gỗ. Thần Nông Giá là ngọn núi cao 3000 mét, so với mặt nước biển, hình thế nguy nga, cây rừng rậm rạp, vùng này được mệnh danh là nóc nhà Trung Hoa; con đường dẫn vào núi vô cùng gập ghềnh, rung lắc, khiến người ta liu diu muốn ngủ, nhưng vừa nhìn vào trong núi, hội Tư Mã Khôi đều trơ mắt ra.



Trước khi đến đây, nghe nói độ che phủ của rừng rậm ở núi Thần Nông Giá rất cao, rừng nguyên sinh che khuất bầu trời, nhấp nhô trải dài theo địa hình núi, những gì nhìn thấy ven đường cũng chỉ toàn núi non hùng vĩ, khe suối chảy róc rách, nhưng cũng có khá nhiều núi trọc, khu vực có cây rừng phần đa là rừng tái sinh, khắp núi rừng đâu đâu cùng thấy những gốc gỗ tròn, rõ ràng ở đây hàng năm đều bị chặt phá với quy mô lớn, địa hình địa mạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lòng núi dần trở nên rời rạc, vụn vỡ.



Tư Mã Khôi thấy cảnh tượng vậy liền muốn hỏi dò tình hình trong núi. Anh lân la gợi chuyện bác phu xe: “Đồng chí cựu binh này! Tôi thấy cỗ xe của bác nom cũng lớn ra trò đấy nhỉ!” Người đánh xe trạc ngoại ngũ tuần, thời kì chiến tranh giải phóng từng là anh nuôi trong một đơn vị bộ đội nào đó, thời bình thì phục viên và an cư lạc nghiệp ở đây, con người trông có vẻ rất đỗi thuần phác, nhưng thực ra lại là một tay tán chuyện bẩm sinh, chỉ cần mở mồm ra là không khóa lại được.



Bác ta nói cỗ xe này thì làm được trò trống gì. Nhớ năm đó, bộ đội giải phóng Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Đông, Quảng Tây, tụi tôi toàn đội mũ lông, dắt hàng loạt gia súc cỡ lớn đến kéo pháo, chẳng phải loài ngựa Đại Dương của Nhật Bản thì cũng là họ la cỡ bự của khọm Mỹ .



Bọn chúng đều được tuyển chọn từ vùng Đông Bắc đem xuống, thức ăn cho chúng thì ngon khỏi chê, mà sức kéo cũng miễn bàn luôn, đâu giống con súc sinh này, mới kéo vài khúc gỗ mà đã thở hồng hộc. Bây giờ phần lớn lâm trường đều đã đình công, nếu không thì làm gì đến lượt đời nó được hưởng phúc nhàn thế kia? Mấy năm trước, cuộc cách mạng gang thép bùng nổ, bao nhiều cây rừng bị đốn chặt, lâm trường nọ mọc san sát lâm trường kia, gỗ chở nườm nượp không ngớt.




Cũng trong mấy năm đó, không biết bao nhiêu rừng rậm nguyên sinh hóa thành núi trọc, bây giờ cây rừng trên núi toàn là loại cây tái sinh thưa lớt tha lớt thớt. Có điều, cũng may nhờ phúc chuyện này nên vùng núi mới được tu sửa đường xá, nếu không thì ngay cả chuyện ra khỏi cửa cũng không dám nghĩ đến, nên ai đến được huyện lị thì đúng là oai khỏi phải bàn, coi như là được mở mắt nhìn thế giới rộng lớn, để lúc trở về tha hồ khoác lác suốt mấy năm, còn đến được tỉnh thành coi như một lần xuất ngoại, và nếu ai mà sang được tỉnh khác, thì chắc người đó cả đời không trở về quê hương bản quán nữa, bởi ở đây có rất nhiều người từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ rời khỏi miền sơn cước này.



Tình hình có chút ngoài dự tính, Tư Mã Khôi không ngờ quy mô khai thác gỗ lại rộng lớn chừng ấy, anh hỏi bác bộ đội già: “Thế bây giờ quả núi lớn này bị đốn sạch hết rồi sao?” Ông bác cựu binh nói: “Tít sâu trong cánh rừng Thần Nông Giá vẫn còn rất nhiều nơi không thể chặt gỗ, vì có đốn đổ cây cũng không vận chuyển ra ngoài được.



Đi qua eo núi dưới chân ngọn núi chính Thần Nông Giá, khu vực phía tây bắc toàn là khe sâu vách đá cheo leo, ở đó mới đích thực là rừng sâu núi thẳm, khó tìm thấy dấu chân người. Nơi đấy có rất nhiều cây bách cổ không biết sống mấy ngàn mấy vạn năm, thân cây to hơn chục người ôm không xuể.



Trong đó thường xuất hiện nhiều loài chim quý hiếm và loài thú kì dị, như là khỉ lông vàng, thú một sừng, sói đầu lừa, rắn mào gà, còn có gấu trắng, báo, bạch xạ hương… Cậu có giơ hết cả mười đầu ngón tay lẫn mười đầu ngón chân cũng không đếm đủ đếm đâu”. Tư Mã Khôi nghe nói nơi này vẫn còn được bảo tồn trạng thái nguyên thủy trong núi sâu, nên lòng cũng yên tâm hơn rất nhiều.



Anh tiếp tục dò hỏi: “Trong rừng già có an toàn không bác?” Ông bác cựu binh lắc đầu: “Ối trời! Nguy hiểm lắm! Ngần ấy năm, tôi sống trong rừng rậm cũng đâu phải là ít, nhưng cũng chỉ vào trong đó một lần duy nhất hồi tiễu phỉ thôi. Để tôi kể cho các cậu nghe, tương truyền trong núi Thần Nông Giá có người rừng đấy, nhiều người già sống trong rừng từng nhìn thấy dấu chân của người rừng, nhưng chưa ai tận mắt nhìn thấy bóng dáng người rừng thật, chỗ chúng tôi có nơi gọi là Yến Tử Ô, đó chính là nơi người rừng thường lảng vảng.



Địa hình ở eo núi này thực sự vô cùng hiểm yếu, nhìn xuống cũng đủ khiến người ta rụng cả tim ra ngoài, chỗ hẹp nhất của vách đá cheo leo phía trước núi chỉ vừa cho một con én bay qua, trong khi phía sau núi lại là vực sâu dựng đứng, đúng là một người gác cửa, ngàn người không dám bước vào, thần quỷ trông thấy cũng phát ớn.



Nhưng nếu cậu muốn lên đỉnh núi thì chỉ có mỗi con đường eo núi ấy mới leo lên được thôi. Năm đó, quân giải phóng dồn hàng ngàn tên thổ phỉ phải rút lên núi, bọn chúng chuẩn bị trước rất nhiều nước và lương thực, đủ để duy trì suốt mấy năm, chúng còn rêu rao sẽ tử thủ ở Yến Tử Ô, và khiến tất cả quân cộng sản muốn tấn công lên núi phải phơi thây giữa đồng hoang.



Từ các triều đại cổ xưa trong lịch sử, hễ thổ phỉ bị quan binh truy bắt, chúng đều rút vào núi sâu, tử thủ ở eo núi vì người dưới chân núi không làm gì được, nên chúng mới ngang nhiên ngông cuồng như vậy”. Tư Mã Khôi và Hải ngọng nghe đến chuyện này thì vô cùng phấn khích, dẫu biết rõ quân giải phóng đã sớm tiêu diệt hết bọn thổ phỉ từ lâu; nhưng, xem ra độ khó của chuyến diệt phỉ này dường như còn ghê gớm hơn cả vụ “mưu chiếm Hoa Sơn” của đảng Cộng sản năm 1949, phải dùng chiến thuật cao siêu thế nào mới có thể công phá được địa hình hiểm yếu đó? Ông bác cựu binh nói: lũ thổ phỉ chăng qua chỉ là đám ô hợp, tưởng ràng lúc ấy hãy còn ở triều đại Thanh chắc, tụi tôi chỉ sợ bọn thổ phỉ tản ra, hợp thành nhóm dăm ba người lẩn trốn vào rừng già núi sâu thì không dễ đối phó, nhưng nếu cứ túm tụm cả toán quân ở đầu núi thì chẳng phải tự mình đào hố chôn mình sao? Lũ phỉ tưởng bọn tôi không có mưu lược gì đối phó được với bọn chúng chắc? Binh đoàn bốn đã đánh xuống tận thành Cẩm Châu và Thiên Tân, thì lũ thổ phỉ này nhằm nhò gì.



Lựu đạn 105 do Mỹ sản xuất, của pháo binh chúng ta đâu phải hạng tôm tép tầm thường, rồi ngay cả hiệu lệnh cũng không buồn hô, liền trực tiếp đặt luôn súng lên ngọn núi đối diện mà khai hỏa. Trái pháo làm ngọn núi rung chuyển, xác đạn rơi vào đám người, tên nào tên nấy đầu óc nở hoa tùm lum, rồi chưa đầy hai phút sau, đã thấy cờ trắng đầu hàng giương phất phơ trên đỉnh núi.



Lúc bộ đội tụi tôi lên trên đó lùng quét tàn quân phỉ, mấy chiến sĩ trong đội đã gặp phải người rừng ở ngay bờ vực sâu phía sau núi. Do hai bên gặp nhau quá bất ngờ, nên hai bên đều sợ hết hồn. Tên người rừng đó cao to lực lưỡng, có khi phải cao gấp rưỡi người thường, lông đen rậm kín toàn thân, cũng không rõ mặt mũi thế nào, trông nó giống vượn hơn là giống người.



Nó giơ tay tóm một chiến sĩ, trực tiếp vứt luôn xuống vực, chiến sĩ còn lại chưa kịp nổ súng đã quần thảo thành một đống với tên người rừng, rồi cả hai cùng lăn lông lốc xuống vực. Sau này, trinh sát quân ta men theo đường vòng xuống dưới lục soát, nhưng tìm kiếm suốt một ngày trời, vẫn không thấy thi thể ở đâu, có lẽ đi bị dã thú trong núi tha vào rừng ăn thịt mất rồi.




Có người phỏng đoán, tình hình lúc đó quá đột ngột nên mọi người hoa mắt nhìn chẳng rõ, chứ không chừng thứ họ gặp bên bờ vực là gấu cũng nên; thế nhưng cái ngữ ấy chân tay vụng về, thì làm sao mà trèo lên tận bờ vực cao thế này. Có người lại cho rằng, sau khi thi thể bị rớt xuống, cổ của nạn nhân bị mắc vào cành cây, chim rừng lại nhiều vô kể, nên chẳng cần tốn bao nhiêu thời gian chúng sẽ rỉa sạch cái xác thành bộ xương khung.



Tóm lại, người ta đưa ra rất nhiều cách giải thích, nhưng cho đến tận bây giờ, đó là lần bọn người rừng tiến sát núi Thần Nông Giá nhất, đáng tiếc là bọn chúng sống không bắt được người, chết không tìm thấy xác. Ông bác cựu binh nói đến đây thì hỏi Tư Mã Khôi: “Các cậu định khảo… khảo cái cổ của ai vậy? Định lên đỉnh núi để làm gì? Chẳng lẽ định tóm cổ người rừng đấy phỏng?” Tư Mã Khôi chỉ sợ lộ chân tướng, vội vàng dùng mấy từ sách vở giải thích cho qua mắt: “Định nghĩa về khảo cổ rộng lớn lắm ông bác ạ! Chỉ 1% quá khứ của nhân loại được ghi chép thành tư liệu, số còn lại vẫn là những ẩn số chưa có lời giải; phải vén bức màn bí mật đó lên, chính là bài toán mà công tác khảo cổ cần nghiên cứu.



Có điều, anh em bọn tôi đi Thần Nông Giá chuyến này không phải để tìm di tích lịch sử, mà để sưu tầm các tiêu bản hóa thạch nằm bên dưới địa tầng. Có phải hóa thạch trong cánh rừng rậm nguyên sinh đó nhiều lắm đúng không, ông bác?” Ông bác cựu binh gật đầu: “Tất nhiên là nhiều vô kể, chỉ cần nghe cậu nói là tôi biết ngay cậu là người trong ngành.



Mấy năm trước, cũng có một phần tử trí thức đến lâm trường tìm tiêu bản, nói với chúng tôi ngọn núi này là cái gì mà… mà… bản ghi nhớ của thời đại hồng hoang viễn cổ, hình như là mấy từ đấy. Nhưng bản ghi nhớ chẳng phải là văn tự ư? Sao nó lại có thể là một ngọn núi được nhỉ?” Ông bác cựu binh nói đến đây thì không gạn hỏi thêm nữa, mà bảo hội Tư Mã Khôi, dưới ngọn núi Long Cốt nằm sau đỉnh Thần Nông có rất nhiều động huyệt, bên trong có các loại hóa thạch, hình dạng kì dị cổ quái, người bản địa gọi chung tất cả những thứ đó là long cốt, nhưng cũng có một nơi khác tụ tập chi chít hóa thạch, tên gọi m Hà Cốc, mà lối vào là một khe sâu, đi mãi xuống dưới có rất nhiều ác thú, còn có độc trùng, độc thảo nữa.



Trước giải phóng, nghe nói nơi này xuất hiện cả người rừng, ngay những người hái thuốc cũng không dám mạo hiểm thò mặt xuống. Năm 1963, lâm trường chúng tôi ầm ĩ mãi vì một vụ án mạng: Khi ấy, công việc ở lâm trường rất cực nhọc, điều kiện chỗ chúng tôi lại thấp kém, ngoài bộ đội chuyên ngành thì còn lại toàn công nhân đốn gỗ ngoại tỉnh đến.



Cái hay ở đây là, chỉ cần anh chịu đến thì sẽ có cơm cho anh ăn, không ai tra xét lý lịch tổ tông tám đời nhà anh cả, bởi vậy thành phần công nhân đốn gỗ khá phức tạp, ngay cả phạm nhân hết hạn tù được phóng thích cũng có. Ở lâm trường thỉnh thoảng cũng có khi được nghỉ ngơi, những lúc đó một số công nhân thường vào núi hái nấm bẫy thỏ để cải thiện bữa ăn.



Bận ấy, bốn anh công nhân đốn gỗ vòng qua Yến Tử Ồ, trực tiếp tiến vào vùng lân cận m Hà Cốc, thấy ở khe đất dưới đáy vực sâu có sương đen bay mù mịt. Trong bốn công nhân, có một người biệt danh là ‘Khỉ Già’, gã này hiểu chút ít các phương thuật mê tín thời xã hội cũ, biết nhìn thế núi, đoán khí trời.



Gã lim dim hai mắt một hồi, rồi phán: khí đen kia là bảo khí, dưới chân núi chắc chắn có bảo vật. Ba người còn lại không tin. Nơi này núi cao rừng thẳm, từ xưa đến nay đều vắng bóng người, nếu có bảo vật thật thì chắc cũng chỉ là hà thủ ô ngàn năm mọc trên vách núi, chứ trong hốc núi thì có nổi thứ gì? Tốt nhất đừng có làm kinh động đến bọn mãnh thú, bọn nó mà ra thì tan xác! Gã Khỉ Già nói: “Các cậu thì hiểu quái gì! Đừng nghĩ ngọc chủ yếu có nguồn gốc từ Côn Luân, Hòa Điền, Miên Điện… chứ miếng ngọc bích họ Hòa, có giá trị bằng mấy tòa thành, tìm thấy thời Xuân Thu Chiến Quốc, đích thị xuất thân từ m Hà Cốc ở Thần Nông Giá chúng ta đấy.



Chỉ riêng chuyện này cũng đủ cho các cậu thấy nơi này đáng giá thế nào rồi chứ?” Nhưng ba người còn lại đều là hạng phàm phu tục tử, mù văn hóa, họ làm sao biết mảnh ngọc bích họ Hòa là thứ gì, món đồ chơi này làm bằng vàng hay bằng bạc. Khỉ Già chỉ nói: “Tóm lại, chiêu này của tôi chắc chắn không lầm đâu, dưới kia khẳng định là có thứ gì đó rất ghê gớm, ai muốn hưởng vinh hoa phú quý thì theo tôi, bất kể tìm thấy thứ gì, chúng ta cứ chia đều theo đầu người”.



Khi đó, có một gã tên Nhị Lãn Tử, nổi tiếng liều mạng, đồng ý đi cùng hắn. Hai người họ thắt dây thừng ngang lưng, để đồng bọn đứng bên ngoài rồi thòng dây xuống. Hai người mang theo khẩu súng bắn chim, đốt đuốc dầu cây tùng vào hang động. Kết quả, bọn họ đã xảy ra một chuyện quái lạ mà mãi đến tận bây giờ vẫn không thể giải thích.