Mê Tông Chi Quốc

Chương 127: Hồi 7: gã hái thuốc







Đại Thần Nông Giá đất hoang rừng sâu, ngập tràn những truyền thuyết li kì kinh dị, nghe nhiều khiến người ta cũng không khỏi ớn lạnh tim gan, nên thông thường không ai dám kể truyện ma trong rừng thẳm núi sâu. Cao Tư Dương là học viên học viện quân y, những người không dũng cảm không dám học y, cô lại là người duy nhất mặc quân phục, bởi vậy cô không tin những lời lẽ của chủ nghĩa duy tâm: “Tối lửa tắt đèn thế kia, không chừng nhìn lầm cũng nên, trạm thông tin làm sao có ma được?” Thắng Hương Lân cũng hỏi cậu dân binh và Nhị Học Sinh: “Tôi từng đọc một cuốn tư liệu, trong đó nói thời cô, người ta gọi người rừng là ma núi.



Ma mà các cậu nói, có phải chỉ người rừng không?” Tư Mã Khôi vừa nhìn phản ứng của hai người, thì biết chuyện này hẳn có nguyên nhân gì sâu sa bên trong. Tổ tiên nhiều đời nhà cậu dân binh Hổ Tử đều là thợ săn ở Thần Nông Giá, chưa bao giờ rời khỏi cánh rừng này; anh chàng kính cận Nhị Học Sinh biết sửa máy bộ đàm, cũng ở lâm trường cải tạo mấy năm rồi, nên có thể coi là người lai bản xứ, có lẽ bọn họ biết chuyện gì đó mà người ngoài không biết, nhưng bất luận khuôn mặt khi nãy anh vừa nhìn là ma núi hay người rừng, thì chắc chắn hắn không thể nghiễm nhiên đào thoát ngay trước mắt mọi người được.



Thế là, anh liền hỏi Nhị Học Sinh xem đầu đuôi câu chuyện thế nào, vì sao lại nhận định rằng trong căn nhà gỗ có ma? Nhị Học Sinh được hỏi, thì đem kể tuốt tuột những gì mình biết cho mọi người nghe. Từ năm 1968, cậu ta đã đến lâm trường cải tạo tư tưởng. Lúc thường, ngoại trừ sách ra, thì cậu ta cũng không có sở thích gì khác.



Vùng đất nằm ở rốn núi phía tây tỉnh Hồ Bắc này cheo leo hiểm trở, tịnh không bóng người, điều kiện vô cùng gian khổ, lạc hậu. Nhị Học Sinh nhớ lúc mới đến, thứ quý giá nhất trong lâm trường chính là chiếc đài phát thanh hiệu Xuân Phong, nút tắt mở còn bị hỏng, sau đó Nhị Học Sinh sửa được chiếc đài, vì chuyện này mà lâm trường đã mở hội, tổ chức vô cùng long trọng, trải vải đỏ phủ mặt bàn, rồi đặt chiếc đài lên đó, thậm chí phía sau còn treo tranh chân dung Mao chủ tịch và phó thống soái Lâm.



Rất nhiều dân bản xứ và công nhân lâm trường gần đó nghe tin đều kéo nhau đến xem, ai cũng muốn tận mắt chứng kiến chiếc hộp màu đen biết nói. Lúc đó, tín hiệu phát sóng của chiếc radio rất tệ, mở ra chỉ thấy toàn tiếng rè, ngay cả âm thanh của nữ phát thanh viên cũng nghe không rõ, nhưng mọi người vô cùng vui mừng, nức nở khen ngợi tay nghề của Nhị Học Sinh, thật không ngờ trong đài còn có cô em nào đó, họ còn bàn bạc nhau tìm cách kéo cô ấy ra ngoài xem mặt mũi thế nào.




Nhị Học Sinh chưa bao giờ được ai xem trọng như thế, nên lòng cảm thấy rất vinh dự. Trong lúc còn đang phấn khởi, bỗng nhiên cậu ta ngửi thấy một mùi rất khác thường tỏa ra từ đám đông, giống hệt mùi trên các tiêu bản tử thi. Nhớ lúc ở phòng sinh học của trường, Nhị Học Sinh từng nhìn thấy tiêu bản của thú rừng, nó cũng có mùi dung dịch hóa học nhức mũi y như vậy, cậu ta đứng dậy nghiêng ngó xung quanh, phát hiện hàng người phía sau có một kẻ đang thò cổ vào xem.



Hắn choàng một miếng vải rách trên mặt, cố ý che gương mặt, chỉ lộ hai con ngươi lòng đen thì ít mà lòng trắng thì nhiều, trên người hắn toát ra mùi phoóc môn nồng nặc. Lúc đó, đám đông nhốn nháo, Nhị Học Sinh thấy lạ, lòng sinh nghi, nhưng cũng không dám tiếp tục tìm hiểu.



Ngày hôm sau, cậu ta hỏi thăm mấy công nhân lão thành trong lâm trường, mới biết tường tận. Thì ra, gã đó họ Dư, trước đây hành nghề hái thuốc, còn tên là gì thì không ai biết, người dân bản xứ quen gọi gã là Lão Xà. Gã khoảng 40 tuổi, vóc dáng bẩm sinh vai hùm lưng sói, vào núi săn bắn chưa bao giờ phải ra về tay không, không chỉ vậy hắn còn biết tuyệt kỹ “tiêu lộc”, tức là bắt chước tiếng hươu kêu.



Những kẻ hái thuốc trong rừng sâu núi thẳm đa số đều biết phân biệt vật tính của dược thảo, có khả năng trèo vách cheo leo dựng đứng hay vực sâu nguy hiểm, nhưng đó chỉ là những kỹ nghệ mạt đẳng nhất, vì muốn tìm thấy dược thảo quý hiếm, ngoại trừ liều mạng ra còn phải gặp vận may nữa.



Không chỉ vậy, người hái thuốc siêu đẳng phải sở hữu những bí thuật độc môn, mà “tiêu lộc” chỉ là một bản lĩnh đặc biệt đã bị thất truyền trong số đó. Rừng rậm nguyên sinh ở m Hải Cốc, từ xưa đã là nơi đàn hươu kéo đến cư ngụ. Nhu cầu giao phối của con hươu đực đầu đàn vô cùng mạnh mẽ, mỗi tiết cuối xuân đầu hạ, trong một ngày nó phải giao phối với hàng trăm con hươu cái, cuối cùng tinh lực cạn kiệt, nó gục xuống, nằm vật ra đất, dài cổ huýt gọi đồng loại, âm thanh này giống như tín hiệu cầu cứu.



Khi hươu cái trong núi sâu nghe thấy tiếng gọi, chúng sẽ lập tức ngậm linh chi đến ứng cứu, những loại linh chi ngàn năm ngay cả người hái thuốc không tìm thấy, thì bầy hươu cũng tìm thấy, con hươu đầu đàn nuốt linh chi xong, chẳng bao lâu sau nó đã khôi phục thể lực, chạy nhảy băng băng như lúc đầu.



Người giả tiếng hươu phải đội cặp sừng hươu, mình mặc áo da hươu để ngụy trang, rồi nấp trong rừng rậm nguyên sinh bắt chước tiếng hú, dẫn dụ hươu cái ngậm linh chi đến, rồi dùng gậy đánh chết hươu cái, xẻ thịt lột da, lấy linh chi trong miệng nó. Có điều, muốn học được âm thanh này phải có thiên phú, trong vạn người chưa chắc đã có một người bắt chước thành công.



Năm 60, Lão Xà vào núi tiêu lộc, khi vừa cầm cây gậy sắt định đập nát sọ con hươu cái, thì chẳng ngờ con hươu đực đầu đàn, thân mình to hơn cả con bò, từ đằng sau đột nhiên xông ra, nó có cặp sừng nhọn như đinh, chẽ ngang dọc, vô cùng rắn chắc, các con mãnh thú trong núi gặp nó cũng phải nể nang vài phần, Lão Xà bị tấn công bất ngờ, không kịp phản ứng, nên bụng đã bị đâm một lỗ thủng lớn.



Nhờ kinh nghiệm, gã biết lúc này cần chạy thục mạng ngay vào rừng rậm, vì nghe nói sừng hươu sợ nhất những nơi um tùm rậm rạp, nếu lỡ bị dây leo vướng vào thì chúng không thể động đậy gì nữa, lúc đó số phận chúng sẽ do con người tùy ý định đoạt. Thế nhưng vì chạy trốn quá gấp, không kịp phân biệt phương hướng, nên Lão Xà giẫm vào một thân cây cổ nằm đổ giữa đường, vỏ cây mục nát, bên trong có vô số loài nấm độc sinh sôi nảy nở, gã ngã dúi xuống, mặt dính đầy chất dịch nhầy nhớt nháp.



Để tránh bị độc tính thâm nhập vào não, gã nén nhịn đau dùng dao lột hết da mặt, nên cuối cùng cũng giữ được tính mạng. Lão Xà rất tinh thông đặc tính dược thảo và các phương thuốc dân gian, nên khi trở về gã đi giết chết một con khỉ lông vàng, lấy da thú đắp lên mặt, nhưng không rõ dùng loại thuốc gì, mà cái da mặt xồm xoàm lông lá đã dần dần trở thành màu đen.




Cũng từ đó, cơ thể gã lúc nào cũng nồng nặc mùi khí quái lạ, xua đuổi kiểu gì vẫn không hết, và cũng từ bấy giờ trở đi, gã không bao giờ vào rừng “tiêu lộc” nữa. Hội Tư Mã Khôi nghe Nhị Học sinh tóm tắt câu chuyện, đều không khỏi kinh ngạc, chẳng ngờ trên đời này còn có người sói thật; không biết lúc tự mình rạch da mặt cảm giác sẽ thế nào? Từ đặc trưng ngoại hình và mùi khí, Tư Mã Khôi phán đoán, khuôn mặt quái dị mà anh vừa nhìn thấy qua khe cửa sổ khi nãy, chính là gã hái thuốc tiêu lộc trong núi sâu, mà dân địa phương thường gọi bằng cái tên Lão Xà.



Không rõ gã lén la lén lút ẩn nấp trong trạm thông tin vì mục đích gì, chỉ sợ gã đang che giấu bí mật xấu xa và đáng sợ nào đó, nhưng không gian trong nhà gỗ rất chật hẹp một người còn sống sờ sờ như thế thì trốn vào đâu được chứ? Nhị Học Sinh nói với Tư Mã Khôi: “Kẻ anh nhìn thấy không phải người sống, mà là người đã chết từ lâu rồi”.



Cậu dân binh Hổ Tử chứng thực chuyện Nhị Học Sinh vừa kể hoàn toàn có thực. Cuối những năm 60, bộ đội tiến hành các hoạt động trong vùng núi Thần Nông Giá, suốt thời gian đó, lâm trường thực thi chế độ quân quản, biên chế và huấn luyện dân binh dần dần chính quy hóa.



Bộ đội còn cung cấp các thiết bị điện đàm không dây, chi viện cho địa phương xây dựng trạm thông tin phòng cháy rừng, tháp canh cũng được xây dựng vào thời điểm đó; còn căn nhà gỗ kia thì có từ thời trước giải phóng, khi ấy có người mật báo Lão Xà ăn trộm đài truyền thanh trong lâm trường, đêm nào cũng nghe lén đài địch vào lúc canh khuya, không những vậy, còn thường xuyên lảng vảng quanh trạm thông tin, đào bới lung tung, dường như muốn tìm kiếm vật gì.



Thế nhưng vì thiếu chứng cứ xác thực, nên lâm trường chỉ bắt gã về thẩm tra mấy lần, cuối cùng vẫn không có kết luận gì. Năm ngoái, Lão Xà theo mấy người dân sơn cước vào Yến Tử Ô, thòng dây thừng dài trèo giữa hai vách cheo leo để hái thuốc, chẳng ngờ bị một bầy khỉ lông vàng gặm đứt dây thừng, làm gã bị ngã thẳng cổ xuống vực sâu.



Những người hái thuốc kia đều nói, dã thú chết bởi tay Lão Xà thực sự quá nhiều, vả lại thủ đoạn của gã lại vô cùng tàn độc, thường ngày thích ăn óc khỉ, bắt được rắn liền lột da lấy mật nuốt chửng vào bụng ngay trong khoảnh khắc con rắn vẫn còn sống; tấm lông thú dán trên mặt gã cũng là của một con khỉ già.



Loài khỉ lông vàng trong núi đặc biệt thù dai, chuyện khỉ tấn công người từng xảy ra nhiều năm trước đây, giờ nhìn thấy gã, bọn chúng hận đỏ mắt, nhân cơ hội gã chưa kịp phòng bị liền xông lên báo thù. Có thể thấy, sinh vật trong rừng sâu núi thẳm đều có sự linh thiêng nhất định, không nên tùy tiện sát hại chúng.



Sau này, dân binh vớt được thi thể của gã trong đầm nước dưới vực sâu, rồi chôn cất xác gã qua loa dưới một nấm mồ nông gần lâm trường. Chuyện này rất nhiều người đã tận mắt chứng kiến, bây giờ hài cốt có lẽ đã mục nát cả rồi, đương nhiên không thể xuất hiện trong trạm thông tin được.



Trước đó, Tư Mã Khôi hoàn toàn không biết nội tình, nghe cậu dân binh và Nhị Học Sinh kể xong, anh ngẫm nghĩ, gã Lão Xà này không giống những người hái thuốc bình thường, người đã chết thì không thể nào bò ra khỏi mộ mà sống lại được, nhưng khuôn mặt mà anh trông thấy lúc trước và cả mùi khí cổ quái vẫn còn vương vất trong căn phòng thì, thực ra là chuyện gì? Vì sao những chuyện quái lạ này không xảy ra sớm hơn hay muộn hơn, mà lại xảy ra vào đúng thời khắc này? Tư Mã Khôi quyết định phải tìm hiểu chuyện này đến cùng, anh thủng thẳng nói: “Ông đây bình sinh giết người như giết kiến gió, giờ còn sợ ma chắc? Đợi ông lục soát kỹ chỗ này, rồi…”, mới nói đến đây thì Hương Lân nhè nhẹ giật lưng áo anh một cái.




Tư Mã Khôi biết mình lỡ lời, vội ngậm miệng lại. Cao Tư Dương cảnh giác trừng mắt hỏi Tư Mã Khôi: “Anh vừa nói gì vậy?” Tư Mã Khôi lấp liếm ngay: “À! Tôi sợ gặp phải thứ không sạch sẽ, nên nói vài câu lên gân cho thêm vững dạ ấy mà”. Hải ngọng cũng nói đỡ: “Ấy! Chuyện này để tôi làm chứng.



Cậu ta nhìn người ta giết gà mà bắp chân còn bị chuột rút, thì làm gì có gan giết người?” Cao Tư Dương nghe Tư Mã Khôi tự nhận mình vừa bốc phét, thì không tra hỏi gì thêm nữa. Cô cũng không nghĩ trạm thông tin trong núi sâu có ma, nhưng người gác rừng vô duyên vô cớ mất tích, rất có khả năng đã gặp phải sự cố gì rồi.



Đây đâu phải chuyện nhỏ, có điều bây giờ ngoài trời đã tối mịt, không thể vào tháp canh phát tín hiệu cấp cứu được nữa. Cô là quân nhân duy nhất trong đội, đương nhiên phải đứng ra quyết định. Cao Tư Dương bảo Nhị Học Sinh điều chỉnh máy điện đàm, cố gắng liên lạc với lâm trường một cách nhanh nhất, sau đó ra lệnh cho cậu dân binh Hổ Tử dắt chó săn đến trợ giúp lục soát.



Lai lịch của Nhị Học Sinh có vấn đề nên không được mọi người tôn trọng lắm, cậu ta đã quen bị người ta sai vặt chạy chỗ này chỗ kia. Cỗ máy điện đàm không dây mà cậu ta vác trên lưng, vốn dĩ cũng không thường xuyên hoạt động, lại chỉ được dùng để thay thế linh kiện, nên giờ không sử dụng được.



Sau khi phân công, cậu ta lập tức bắt tay tất bật sửa chữa một hồi. Cậu dân binh Hổ Tử tuy liều, nhưng chung quy vẫn là dân quê chưa bao giờ bước ra khỏi lũy tre làng, nên không tránh khỏi tâm lý mê tín. Vùng núi phía tây tỉnh Hồ Bắc có phong tục, điều tối kỵ nhất là không để ma nhìn thấy chó đen, nếu không người chết sẽ sống dậy.



Chính vì vậy mà cậu ta kiên quyết không đồng ý cho chó săn vào trong phòng. Cao Tư Dương thấy không thuyết phục nổi cậu ta, liền để cậu ta tạm thời đứng gác bên ngoài, những người còn lại bật đèn pin, vào trong lục soát kỹ từng ngóc ngách trong trạm thông tin. Tư Mã Khôi đi đầu.



Anh tinh mắt phát hiện tấm ván lát nền nhà dường như có dấu tích bị xô đẩy, dường như không còn ở đúng vị trí cũ, nên thầm nghĩ: “Chẳng lẽ dưới sàn có đường ngầm?”, rồi lập tức gọi Hải ngọng đến giúp một tay nạy tấm ván lên. Trước mắt, quả nhiên lộ ra một cái hầm hình vuông, sâu như cái giếng, mùi ẩm mốc phả ra từ bên trong, vị trí cửa hầm cũng không được che đậy kín kẽ lắm, nếu không bị ván sàn che phủ, thì chỉ cần bước chân vào trong nhà là lập tức nhìn thấy.



Xem ra, có lẽ nó là hầm chứa thức ăn. Dân binh gác rừng gác một ca dài cả một, hai tháng, nơi đây lại rất cao so với mực nước biển, nên gặp lúc thời tiết nóng bức thì ở đây cũng hơi nóng một chút, bởi vậy rất cần loại hầm này để dự trữ lương thực và rau cỏ. Lòng hầm đất rất rộng rãi, nhưng độ sâu thẳng đứng chỉ khoảng hai ba mét, bên trong bốc mùi ẩm mốc, lanh lẽo; khi chiếu đèn pin ra góc phía xa, thấy có một thi hài không còn nguyên vẹn da thịt, dường như bị dã thú gặm mất, xương sườn trước lồng ngực lòi cả ra ngoài, thi thể đã bắt đầu biến sắc, nếu không phải không khí dưới hầm đất âm lạnh, thì có lẽ nó đã sớm mục ruỗng, rữa nát từ lâu.