Mê Tông Chi Quốc

Chương 148: vành đai 300 vĩ bắc bị mất tích - hồi 1: vòng tròn ma quái







Lúc trước, mọi người thấy Hải ngọng nằm cứng đơ trên đất, tất cả đều kinh ngạc và đau buồn, nhưng bấy giờ quá nhiều biến cố đột ngột xảy ra, nên không ai dám lơ là, cố gắng kiềm chế cảm xúc để đối phó với Lão Xà, không ngờ đúng lúc này Hải ngọng đột nhiên vùng dậy, cử chỉ và hơi thở hoàn toàn giống với người bình thường, lẽ nào trên đời này quả thật có chuyện hoàn hồn sau khi chết hay sao? Tư Mã Khôi bước lên trước hỏi dò Hải ngọng: “Khi nãy cậu rõ ràng còn nằm thẳng cẳng, sao giờ đã thành vịt giời nhập tràng thế hả?” Vẻ mặt Hải ngọng như thể bị đông cứng, chừng nửa phút sau mới hồi người, liên tiếp nôn ra mấy ngụm nước đen, sắc mặt khó coi đến dễ sợ.



Anh chỉ nhớ sau khi ra tay cứu người, hình như anh bị thứ gì đó tóm chặt, không thể giãy giụa ra nổi, trong lúc hốt hoảng anh vội quăng móc câu ra, đợi khi hoàn hồn thì đã thấy Lão Xà đang trốn ngay kế bên. Anh liền rút dao săn chém xuống, còn trước đó xảy ra chuyện gì, anh không tài nào nhớ lại được.



Tư Mã Khôi thầm thấy việc này rất quái dị, từ sau khi mở chiếc hộp Sở U Vương, thì một luồng âm phong chợt nổi lên, rồi mọi nguồn sáng như đèn quặng và đèn chiếu u đều lập tức tắt lịm, và biển m Hải liên tiếp xảy ra nhiều sự việc lạ. Trước khi làm sáng tỏ chân tướng, toàn bộ sự việc này vẫn không thể giải thích rõ được, nhưng bất kể Hải ngọng vừa gặp phải chuyện gì, thì anh sống lại bằng da bằng thịt như bây giờ vẫn tốt hơn là xác chết lạnh ngắt lúc trước.



Thắng Hương Lân và Cao Tư Dương thấy chỉ cần người còn sống là tốt rồi, mũi vẫn thở, tim vẫn đập thì chắc không thể là ma nhập tràng. Nhị Học Sinh vẫn tỏ ra đầy ngờ vực, rõ ràng Hải ngọng đã ngừng nhịp tim từ lâu, sao đột nhiên lại sống dậy được? Người ta thường nói “núi cao ít người, động sâu lắm quỷ”, trong huyệt động nơi sơn cùng thủy tận, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, ai chứng minh được Hải ngọng bây giờ vẫn là Hải ngọng lúc trước.



Phàm người hiểu chút cơ bản về chủ nghĩa duy vật sơ khai, cũng đều cảm thấy việc này quá đỗi bất thường! Hải ngọng thấy Nhị Học Sinh đang lăm lăm cầm khẩu súng săn đạn cỡ 8 của mình, thì bực bội hỏi: “Ranh con nhà chú gộp cả hai mắt lại cũng cận hơn 18 độ, biết sử dụng món này không mà rờ rẫm?” Nhị Học Sinh ấp úng: “Khẩu này… đúng là cũng hơi nặng, tôi chỉ mới trong giai đoạn thích nghi thôi...” Hải ngọng giơ tay giật súng lại, trợn mắt mắng: “Thích nghi cái con bà! Anh thấy chú có mà đang ở giai đoạn thích ăn đấm thì có!” Nhị Học Sinh không dám nhiều lời với Hải ngọng, vội tránh sang chỗ Cao Tư Dương, nhờ cô băng bó vết thương, nhưng lòng vẫn nguyên nỗi sợ hãi khó hiểu.




Tư Mã Khôi nhìn Hải ngọng chăm chú một hồi, nhưng vẫn không phát hiện ra điểm gì khác thường, liền bảo Nhị Học Sinh: “Chỉ cần còn hình còn bóng thì chắc chắn không phải là ma. Huynh đệ của anh, anh là người hiểu nhất, chú mày không cần nghi ngờ làm gì”. Tư Mã Khôi thấy phía ngoài động sương đen bao phủ mờ mịt, không rõ gã thổ tặc khi nãy đã trốn vào hốc nào, còn cỗ di hài trong hộp gấm vẫn nằm chỏng chơ trên đất.



Anh thấy Thắng Hương Lân đang lấy đèn quặng soi bích họa trong động đá, liền hỏi xem cô có phát hiện thấy gì không. Thắng Hương Lân lắc đầu, phần bích họa lộ ra chủ yếu ghi chép những câu chuyện trấn ma của Sở U Vương, ngoài ra, trong bích họa dường như còn vẽ rất nhiều vòng tròn quái dị, mà đại bộ phận bức họa hãy còn ẩn phía trong tường, còn chỉ dựa vào phần lộ ra thì không thể giải thích được gì nhiều.



Tư Mã Khôi nghe vậy, liền dùng báng súng đập cho đá rơi xuống; lớp tường bao ngoài tương đối mỏng như chỉ cố tình đắp lên để che lấp, sau khi nứt vỡ rơi xuống lả tả, bức bích họa lộ ra mỗi lúc một rõ hơn, rồi cảnh tượng hiển hiện trước mắt càng lúc càng khiến người ta chấn động.



Dù Tư Mã Khôi biết trong bích họa của Sở U Vương nhất định còn ẩn chứa bí mật gì đó rất trọng đại, nhưng anh không mò ra được manh mối. Anh liền quay sang hỏi Thắng Hương Lân: “Bích họa không ghi chép chuyện chết đi sống lại sao?” Thắng Hương Lân nhíu mày, trầm giọng nói: “Hình như không có, nhưng tôi biết khi nãy anh gặp thứ gì ở trong hộp đồng rồi…” Tư Mã Khôi nghĩ đến sự việc lúc đó mà lạnh sống lưng: “Cái người đội mặt nạ phòng độc á? Hắn ta là ai?” Lúc này, Thắng Hương Lân rời ánh mắt khỏi bức bích họa, ngẩng đầu nhìn Tư Mã Khôi: “Tôi nghĩ, nó là u hồn, không những thế, u hồn đó thực ra… chính là bản thân anh”.



Tư Mã Khôi nghe Thắng Hương Lân nói, anh bất giác rùng mình: “Kẻ xuất hiện trong đám sương mù và luồng âm phong là một u hồn ư? Tôi vẫn còn sống, sao lại nhìn thấy vong hồn của chính mình được? Chẳng lẽ đúng là sau khi tôi chết đi, tôi đã phát ám hiệu với gã thổ tặc kia? Không! Chuyện này không thể xảy ra được.” Thắng Hương Lân nói: “Chuyện về Nấm mồ xanh tôi không thể giải thích được, nhưng căn cứ vào những sự kiện mô tả trên bích họa, thì tôi tin rằng, kẻ khi nãy anh gặp đúng là u hồn của chính anh.” Ba người còn lại đứng cạnh nghe cũng bị chấn động, Hải ngọng kinh ngạc kêu lên: “Thì ra người bị chết là Tư Mã Khôi chứ không phải tớ à?”.



Tư Mã Khôi điên tiết: “Ông mày chết lúc nào hả? Chuyện quan trọng thế làm sao tôi không nhớ được?” Cao Tư Dương nói với Thắng Hương Lân: “Cô là người có đầu óc tỉnh táo nhất đội khảo cổ, mà cũng tin mấy chuyện quỷ quái đó à? Chuyện này rốt cuộc là sao?” Bức họa vu Sở thần bí li kì, thường siêu nhiên hóa những hiện tượng tự nhiên, đề cập đến nhiều truyền thuyết cổ quái không thể lý giải, nhưng từ khi Thắng Hương Lân bước chân vào Thần Nông Giá, tiếp xúc với rất nhiều ẩn số khó hiểu, cô cũng dần dần mò ra quy luật bên trong.



Cô phát hiện ra bích họa ẩn chứa trong khám động đúng là ghi chép rất nhiều sự kiện quái dị, thêm vào đó, chuyên ngành của Thắng Hương Lân là thám trắc, trắc họa, nên cô cũng biết thêm một số điển cố lịch sử và kiến thức về sơn kinh thủy pháp, nhờ thế, cô có thể hiểu được vài nội dung thần bí trong bích họa.



Thắng Hương Lân soi đèn lên tường, nói với hội Tư Mã Khôi suy đoán của mình: “Bích họa trong tượng thần thú này là do Sở U Vương sai người cho vẽ ở đây từ hai ngàn năm trước, lấy thời gian làm kinh tuyến và sự kiện làm vĩ tuyến, thì nó giống như cuốn sử thi hoành tráng và diễm lệ: phần đáy mỗi họa cảnh đều có lực sĩ mình trần đứng trên lưng cá voi khổng lồ dang hai tay chống đỡ; mãng xà, rùa, chim muông và các loại quái vật được bố trí xung quanh.



Bắt đầu từ thuở hồng hoang sơ khai, trong tám trụ chống trời có hai cột trụ bị sụp đổ khiến thủy khí và đại khí hợp thành một thể, khắp nơi sương mù mịt mùng giăng mắc, mờ mờ ảo ảo, không phân biệt được sáng tối. Sau đó, cuồng phong sấm sét bắt đầu kéo đến, mưa đổ như trút nước, kéo dài không biết bao nhiêu ngày, nước càng lúc càng dâng cao, đổ vào muôn khe ngàn hẻm, hình thành đại dương nguyên thủy.




Lúc ấy, khu vực Thần Nông Giá vẫn còn là biển lớn mênh mông, phía dưới dòng nước lại là núi cao hùng vĩ, các hẻm và rãnh biển sâu hun hút, mãi đến khi địa môn rộng mở nuốt chửng nước biển, đồi núi đội đất vươn lên, thì các bình nguyên và một số núi lửa nằm cô lập dưới lòng biển cả mới trở thành vùng Thần Nông Giá, với những dãy núi trùng điệp như ngày nay.



Trong lúc bãi bể biến thành nương dâu, có một hòn đảo bị lún chìm vào khe đất nứt, mang theo quần thể thực vật tiền sử trên đảo vẫn giữa nguyên diện mạo, sau đó đã xuất hiện người cổ đại với thân hình cao lớn và chiếc sừng mọc trên đầu. Họ gá gỗ trên núi thành ổ, săn thú bắn chim.



Nhóm người đó khả năng chính là thị tộc Thần Nông thượng cổ. Do trên hòn đảo cổ đại dưới lòng đất có rất nhiều thú quý cây lạ, nên con người cũng theo dấu vết lần tìm đến đây, đồng thời cũng phát hiện các huyệt động trên đảo ăn thông xuống nơi sâu hơn về tâm Trái đất, còn phía dưới nó có một khe lớn, chẳng khác nào vực sâu không đáy.



Trong vực sâu có chỗ núi khuyết vào, giống như cửa núi, đó chính là nơi mà người ta gọi là Âm Sơn. Ngọn núi này lúc có lúc không, xuất quỷ nhập thần, tứ bề toàn là bóng tối âm u, không thể đặt chân tới được, và người cổ đại đã tìm thấy “di hài” ở đây. Cỗ di hài được vẽ trong bích họa, thực ra chính là tập hợp của một số khoáng quặng nằm sâu nhất dưới mạch đất, tuy giống như bộ xương người, nhưng trên thực tế chỉ là khối pha lê lẫn vàng có khung hình con người, cỗ di hài đã lưu truyền từ bấy giờ cho đến tận thời Xuân Thu Chiến Quốc.



Theo truyền thuyết, địa điểm phát hiện thấy di hài rất đặc biệt. Dựa theo mô tả của bức bích họa, thì đó là vật thể hình tròn với nhiều hình thù cổ quái to nhỏ không đều nhau, có đường vân loang lổ. Ngoài Sơn Hải Đồ khắc trên đỉnh Vũ Vương ra, thì không một cuốn văn hiến cổ đại hoặc bách khoa địa lý nào ghi chép về nó.



Vật thể đó trông rất thần bí, trên bích họa vu Sở trong khám động nó cũng là vòng tuần hoàn hình tròn, dường như là hình tròn quái dị biểu thị luân hồi sinh tử không có điểm đầu và điểm cuối. Theo tôi suy đoán, bố cục tuần hoàn của bích họa thể hiện quan niệm về sinh tử của người Sở.



Ngoài ra, trong bức tranh còn đề cấp đến chuyện tế ma vẫn thường diễn ra vào thời xưa, bởi vì người xưa cho rằng: ‘Tất cả sinh vật có mạng sống và hình dạng của vật thể chỉ là hư vô, vật chất sinh ra là do sự biến đổi âm dương, bởi vậy mới có sinh và có tử’. Sau khi người chết đi sẽ hóa thành ma, chỉ khi tế lễ thật nhiều, bậc đế vương mới biến thành rồng thăng thiên, chứ không rơi vào hư vô, cỗ di hài chính là đồ tế lễ quan trọng nhất.” Những tình tiết này hoàn toàn trùng khớp với manh mối mà đội khảo cổ nắm được từ trước.



Sau khi Sở U Vương mất con gái, vô số người dân đã bị tuẫn táng theo, rồi cơn ác mộng quấn chặt hàng đêm khiến ông ta không thể ngủ yên. Ông ta lo sợ âm hồn trốn thoát khỏi lòng đất, nên định tế tiếp hàng loạt người sống, nhưng vu sư gieo phải quẻ hung, nên đành đặt báu vật này xuống đây để trấn ma, đục đẽo nham thạch trong động thành tượng thú “tải”, che lấp cửa động thông xuống Âm Sơn; sau đó ông ta lại gieo thêm quẻ nữa, và lại là một quẻ hung.



Sở U Vương nghi ngờ cỗ di hài có xuất xứ dưới vực sâu kia không phải vật chốn nhân gian, có thể là vật bị ma ám trên trần thế và là căn nguyên của mọi tai họa, nên ông ta đã thả nó xuống núi Âm Sơn. Nghe nói, thời Sở có con rùa thần, sống ba ngàn năm cuối cùng vẫn không tránh khỏi cái chết, điều đó chứng tỏ tất cả những vật có sinh mệnh và hình dạng trên thế gian đều có một ngày phải bước tới hạn số của mình.




Sở U Vương suy cho cùng cũng chỉ là người trần, lần này chưa kịp ra lệnh cho vu sư gieo tiếp quẻ cát hung thì đã thẳng đuội người tắt thở, hồn cưỡi rồng bay đi. Thắng Hương Lân nói: “Bức bích họa gần cửa động mô tả quá trình tế ma mà Sở U Vương vẫn chưa kịp tiến hành, và chỉ cần mở chiếc tráp ngọc đựng trong hộp đồng, khiến cỗ di hài lộ ra ngoài, thì âm phong sẽ tràn vào trong huyệt động, mây mù sương đặc ùn ùn phun ra, lúc ấy chỉ có khám động này là nơi duy nhất có thể dung thân.



Cảnh tượng vẽ trong bức họa sau khi Sở U Vương cưỡi rồng bay về trời, là mười mấy vị vu sư mặt đeo mặt nạ, đặt cỗ di hài vào một vị trị đặc biệt trong động, cho tải mang nó xuống lòng đất. Những vị thần vu thông thiên trong bích họa đứng phân bố thành mấy điểm, ngoài vài người đứng canh di hài trong động, thì còn có vài vị khác đứng bên ngoài khám động, nét mặt người nào cũng toát lên vẻ khiếp đảm, hoảng sợ cùng cực.



Bất luận hình dạng họ thế nào, thì trong sương đều xuất hiện cái bóng của họ và những hình ảnh trùng lặp, còn có không ít người đã chết đứng tại chỗ. Bích họa dường như muốn ám chỉ, trên đường vận chuyển cỗ di hài xuống Âm Sơn, nếu kẻ nào có ý đồ làm phản lệnh vua mà trốn chạy, thì kẻ đó sẽ bị chết thảm.



Trong khi đó, ở nơi sâu trong luồng âm phong và màn sương ma quái, còn có rất nhiều tiên nữ với thân hình mảnh mai yêu dị, bay lượn chập chờn, vây quanh thần thú, đây là điểm duy nhất mà tôi không thể lý giải được.” Tư Mã Khôi nghe Thắng Hương Lân phân tích rất hợp tình hợp lý.



Mấy vị vu sư của Sở quốc đeo mặt nạ quỷ trong bích họa đều chết ở khu vực gần đó, xương cốt sớm đã hóa thành tro bụi, nhưng cỗ di hài vẫn nằm y nguyên trong tráp ngọc hộp đồng, không hề suy suyển. Rõ ràng là, sau khi Sở U Vương chết, các vu sư đã không hành sự theo lệnh vua.



Vì huyệt động dưới Biển Âm Dụ đã bị lấp kín, trong khi con đường bí mật đi xuyên qua đảo thông ra lòng núi thi chỉ có một mình Sở U Vương biết, bởi vậy, các vu sư cũng không còn đường tháo thân; tuy nhiên họ thà chết tại chỗ, chứ không dám mang di hài đi tìm mạch đất dưới núi Âm Sơn.



Có điều, căn cứ vào nội dung bích họa “bất kể ai bước vào sương mù, đều sẽ gặp vong hồn chính mình” thì rốt cuộc là chuyện gì? Lẽ nào, nó quả thực có thể dự báo trước cảnh tượng của mình sau khi chết đi? Vì sao khi chiếc hộp được mở ra thì sương đen mới xuất hiện? Lẽ nào tất cả đều liên quan đến cỗ di hài? Rốt cuộc, chuyện gì đã xảy ra với Hải ngọng? Và ai là người đã ra lệnh cho Lão Xà lúc đó? Mọi người đều muốn nhanh chóng giải đáp những thắc mắc này, nhưng Thắng Hương Lân không tìm được nhiều manh mối từ bức bích họa, giờ đây cô chỉ có thể nói với Tư Mã Khôi: “Thứ xuất hiện trong sương mù không phải vong hồn của anh sau khi chết, mà có lẽ dùng từ u hồn thì hình dung sẽ chính xác hơn, hoặc có thể nói, đó chính là một linh thể”.