Mê Tông Chi Quốc

Chương 199: Hồi 6: lớp vỏ ngoài







Không gian dưới hố động như một thế giới hoàn toàn khác biệt, bốn phía tối đen như mực, yên ắng không một tiếng động, sự cô tịch tưởng như kéo dài. Sa chân vào cảnh ngộ này, lòng ai nấy đều bất giác dội lên cảm giác rùng rợn, hãi hùng tột độ, thấy cõi này sao bao la rộng lớn mà bản thân thì quá bé nhỏ, không thể nghĩ ra nổi vì sao đáy động lại là lớp vỏ sắt khổng lồ.



Tư Mã Khôi lấy ngón tay gõ lên mặt đất, anh phát hiện lớp vỏ sắt này dày không thể tưởng tượng nổi, hơn nữa nó lại là sắt nguyên khối, khối lượng riêng cũng lớn khác thường, chỉ e một cục to bằng nắm tay cũng phải nặng đến cả trăm cân. Trong động khắp nơi đều ẩm thấp, âm u, nhưng chất sắt này vẫn đen sì sì, không hề xuất hiện vết tích han gỉ.



Hải ngọng hỏi Tư Mã Khôi: “Đáy động là hố quặng sắt hả Khôi?”



Tư Mã Khôi lắc đầu, chưa bao giờ anh thấy loại sắt nào rắn chừng ấy, cho dù đạn ghém cỡ tám của khẩu súng săn gấu hai nòng bắn vào, e là cũng chẳng thể để lại một vết lõm nông, tuy người Bái Xà cổ đại rất giỏi đào huyệt động, nhưng chắc chắn họ cũng không thể nào đào lên được lớp vỏ sắt to đến thế.



Hải ngọng soi đèn quặng ra xa, thì thấy mặt đất bằng phẳng, kéo dài tít tắp đến vô tận, đỉnh động cong cong, có chiều hơi chúi xuống, được bao phủ bởi một mành sắt – loại sắt giống với phần đáy, bề mặt phân bố các lỗ dày chi chít, đường kính lỗ rộng nhất chừng hơn một mét, lỗ hẹp nhất chỉ tầm hai đốt ngón tay, các lỗ thưa thớt không đều nhau, lộn xộn chẳng theo quy luật nào, nhưng tất thảy đều nhẵn bóng và bằng phẳng, có lẽ toàn bộ đáy động được bao bọc bởi một khối sắt trọn vẹn như thế, thực không biết nó còn che phủ bao nhiêu cây số nữa?




Tư Mã Khôi nghe người ta nói, biển nóng ở tâm Trái đất toàn là sắt nóng chảy, anh đoán lớp vỏ sẳt khổng lồ bao phủ cả nơi tận cùng của mạch đất chính là sắt nóng chảy đông kết lại tạo nên, chỉ có khả năng biến hóa vô cùng vô tận của đất trời mới có thể tạo ra kiệt tác xứng danh kỳ tích này.



Thắng Hương Lân đồng ý với suy luận của Tư Mã Khôi, có điều những lỗ hình tròn to nhỏ khác nhau trên vỏ sắt thì không hiểu từ đâu mà có, soi đèn quặng vào trong thấy tối om, sâu hun hút, lỡ không may sa chân xuống, nhẹ thì đứt gân gãy xương, nặng thì không thể thoát thân ra nổi, nhưng có vẻ nó không giống cạm bẫy trên đường, hơn nữa vì khả năng có hạn, người Bái Xà cổ đại không thể đục khoét được những lỗ to như vậy trên khối vỏ sắt khổng lồ được.



Hải ngọng nói: “Trong động chẳng phải có thứ bị tấm bia đá nhốt lại sao? Lẽ nào đó là dấu vết nó để lại khi hoạt động? Mà ngẫm lại, mẹ nó chứ vẫn chả hiểu nó rốt cuộc là món đồ chơi gì?”



Tư Mã Khôi nói: “Thì thứ bị tấm bia đá chặn lại một vị thần thánh cổ xưa nào đó mà người Bái Xà thờ phụng còn gì, nhưng dung mạo và tên của nó đã bị họ xóa mất rồi. Giờ chúng ta không thể đoán nổi mặt mũi thật sự của nó. Thực ra chuyện thần quỷ chỉ là hư vô, nếu nói cái thứ có hình dáng diện mạo kia là thần, chi bằng bảo nó là con quái vật vượt ngoài phạm trù hiểu biết của người Bái Xà cổ đại có khi còn đúng hơn. Chính vì ở tận cùng địa mạch có khối vỏ sắt to chừng này, nên nó mới bị tấm bia đá chặn lại không cho thoát ra ngoài, có thể nếu đi tiếp vào sâu hơn, chúng ta sẽ tậu mắt nhìn thấy hình dạng thật sự của nó; còn về các lỗ thủng trên mặt đất có phải dấu tích nó để lại khi di chuyển hay không thì bây giờ rất khó phán đoán”.



Lúc trước, cả hội quay đi quay lại mấy vòng trong động đạo phía sau tấm bia đá nhưng vẫn không tìm thấy lối ra. Thế mà sau khi Tư Mã Khôi ngắt bỏ dây dẫn nổ, cả hội lại vào được trong hố động khổng lồ bị vỏ sắt bao phủ xung quanh, chuyện này ắt có lý do, bây giờ Tư Mã Khôi cũng không thể phân biệt việc khép mở của kẽ hở thời gian, chính vì vậy, cả hội cũng không dám mạo hiểm xông lên phía trước, họ đành tìm kiếm lần mò ở quanh đó. Họ nhìn thấy một số bộ khung xương thú khổng lồ thời tiền sử vương vãi trên mặt đất, xương cốt đã hóa thạch từ hàng vạn năm trước, trông nhấp nhô như dãy núi dài triền miên, xương sống hình rắn từ trên dốc thả ngoằn ngoèo xuống phía dưới. Dọc đường từ đáy động thông vào nơi sâu toàn là tượng thú đá nằm đổ nghiêng xiêu vẹo, diện mạo trông lờ mờ, quái dị và đáng sợ, Tư Mã Khôi đoán có lẽ đây là thần đạo, cả hội đang định tiếp tục đi sâu vào trong.



Lúc này, Nhị Học Sinh tỉnh khỏi cơn hôn mê, mắt nhắm mắt mở nhìn trái nhìn phải, đột nhiên sắc mặt hắn lập tức biến đổi, hắn quay người định trốn về động đạo, nhưng bị Hải ngọng lấy báng súng vạng mạnh vào sau gáy, hắn chỉ kịp kêu “ối” một tiếng, rồi lại ngã lăn ra đất ngất xỉu.



Tư Mã Khôi thấy trên vẻ tuyệt vọng trên mặt Nhị Học Sinh giống hệt khi hắn nhìn thấy gian thạch thất, anh biết lúc nãy mình đã đoán nhầm, không phải gã này sợ gian thạch thất, mà là hắn sợ đội khảo cổ sẽ thoát ra khỏi động đạo theo manh mối tìm thấy trong gian thạch thất, vì sao hắn không dám bước chân vào nơi này? Phải chăng hắn cố tình làm rối trí bọn ta, hay còn có nguyên nhân nào khác? Có câu “âm dương khó đoán chính là ma, huyền thâm khôn cùng chính là thần”. Bây giờ cảnh ngộ mà cả hội gặp trong động không đáy quả rất ứng với câu nói này, để một kẻ không phải người cũng chẳng phải ma đi cùng mình, sớm muộn gì cũng rước họa vào thân, ngặt nỗi hiện tại Tư Mã Khôi cũng chưa nghĩ ra cách gì thoát khỏi hắn, nên đành đánh ngất hắn rồi tha theo cùng, cái này gọi là “biết rõ không phải bạn, nhưng lúc cấp bách vẫn phải đồng hành”.



Bốn người kéo Nhị Học Sinh mềm oặt như con chó chết trèo vào thần đạo, đứng ở nơi cao trên xương sống sinh vật cổ nhìn về phía trước, họ thấy ở điểm tận cùng của con đường có ánh đèn sáng mờ mờ, hình như đó là một tòa cung điện nguy nga, hai bên ngổn ngang thú đá và thạch thất đã bị sụp đổ, có thể thấy thời xưa đây là một tòa cung điện cổ dưới lòng đất với quy mô vô cùng bề thế và không khí uy nghiêm, hùng tráng. Điều kỳ lạ là tuy tầm nhìn xung quanh được nâng lên khá nhiều, nhưng cự ly chiếu sáng của đèn quặng cũng chỉ tỏa được chưa đầy hai mươi mét, căng mắt lắm cũng chỉ nhìn thấy vách động dựng đứng trên đỉnh đầu, thế mà không hiểu vì sao cả hội lại có thể nhìn ánh lửa đèn âm u từ tận đằng xa của thần đạo. Ngoài ra, người Bái Xà vốn không quen dùng lửa, trong lịch sử, họ chưa bao giờ phát minh cũng như sử dụng bất kỳ dụng cụ chiếu sáng nào, vậy tại sao trong huyệt động dưới cửu tuyền cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài lại có nến trường minh không bao giờ tắt?



Mọi người vừa ngạc nhiên vừa hoài nghi, có điều sự việc đã đến nước này thì đương nhiên chỉ tiến chứ không thể lùi, điều đáng ngại lúc này là lương thực và đạn dược cả nhóm mang theo gần như đã cạn kiệt, trong ba lô chỉ còn ít pin đèn và lương khô, ngoài ra không còn thứ gì khác, đuốc cũng chỉ còn lại một cây cuối cùng, trên người họ giờ nhẹ tênh, nhưng lòng lại hoang mang, trĩu nặng.



Hải ngọng sờ đạn trong bao, mới phát hiện chỉ còn bốn viên đạn ghém cỡ tám của khẩu súng săn gấu Canada, tính cả hai viên đang nằm trong ổ, mới có sáu viên, đạn sắp hết làm lòng can đảm của anh cũng giảm sút trông thấy, thêm vào đó đường đi toàn hố vũng gập ghềnh, anh không thể kéo Nhị Học Sinh di chuyển như lúc trước được nữa, mà đành phải cõng hắn lên lưng. Tuy gã này gầy nhom chỉ toàn da bọc xương, nhưng anh còn phải cõng cả đèn hỏa diệm nhiệt độ cao trên lưng, nên oằn người khó nhấc chân nổi.




Chiếc đèn hỏa diệm nhiệt độ cao này tuy uy lực rất lớn nhưng lại đang bị hỏng, chẳng hiểu chạm mạch ra sao mà sửa mãi vẫn lúc lành lúc què, có điều cả hội không nỡ vứt thứ vũ khí hiện đại này đi, nên bàn đi tính lại, họ đành để Cao Tư Dương cõng thay Hải ngọng.



Bốn người nhanh chóng chỉnh đốn xong xuôi, men theo xương sống hóa thạch của sinh vật tiền sử bước thấp bước cao vất vả tiến về phía trước. Huyệt động này giống như một đường nứt ngang trong vỏ sắt, trông cục bộ thì có vẻ bằng phẳng, nhưng địa hình của tổng thể thì gập ghềnh khúc khuỷu, chỗ hẹp nhất thậm chí có thể với tay tới vách động trên đỉnh đầu. Mới đi được chưa tới chục bước, Tư Mã Khôi đột nhiên lấy tay ra hiệu cho mọi người dừng lại, anh ngẩng đầu soi đèn quặng lên đỉnh động.



Cao Tư Dương thấy vậy liền hỏi: “Chuyện gì vậy?”



Thắng Hương Lân ra hiệu im lặng: “Hình như trong vỏ sắt có động tĩnh…”



Hải ngọng vội vàng vứt Nhị Học Sinh xuống đất, giương súng săn lên, cảnh giác nhin phía trên, anh thấy ở nơi sâu trong vách động có tiếng sột soạt rất nhỏ vọng đến.



Mọi người lần theo âm thanh, điều chỉnh chùm sáng đèn quặng, soi vào một lỗ thủng trên đỉnh động, trong mớ âm thanh sột sà sột soạt đó, cả hội thấy hai con mắt gắn trên đỉnh hai cái xúc tu đang thò vào trong lỗ thủng, phía sau là một cơ thể trơn nhẫy dấp dính dài chừng nửa mét. Tư Mã Khôi từng nhìn thấy hình ảnh của sinh vật này trong cuốn cổ tịch biệt bảo ở biển cát, nom nó chẳng khác gì con ốc sên khổng lồ không có vỏ, tương tự như loài sên trần chuyên ăn kim loại mà cổ tịch nhắc đến, thì ra các lỗ thủng trên vách động đều do con sên này nhả dịch nhớt làm hoen gỉ rồi gặm nhấm mục ruỗng dần mà ra. Anh biết sên trần gặm kim loại là loài dị chủng, hễ bị nó bám phải thì không dễ thoát thân, thế là anh lập tức gọi mọi người nhanh chóng rời khỏi thông đạo. Bốn người loạng choạng chạy một hồi, cuối cùng, họ cũng thấy ánh đèn lập lòe như đốm lửa ma trơi ở đằng xa dần dần trở nên rõ ràng hơn, nơi sâu nhất của huyệt động là một tòa nhà màu xanh lục.



Tòa đại điện này nằm trong một ngọn núi đá, ngọn núi đá này lại lún vào nơi sâu của vỏ thép khổng lồ, trong lòng núi người ta đục rất nhiều gian phòng lớn nhỏ, trên vách bám đầy lớp rêu màu xanh sẫm, các hình vẽ thần quỷ khắc xung quanh đều bị thảm rêu che phủ. Phía vách ngoài, cứ cách nửa thước lại đục một khám động nhỏ, bên trong đặt một chiếc đèn bệ đá, số lượng không dưới trăm ngàn cái, chúng tỏa ra thứ ánh sáng mờ tối, khiến người ta cảm thấy âm u, đè nén hơn.



Hội Tư Mã Khôi liều mạng chạy như bay lại gần, anh mệt đến nỗi không thở ra hơi. Mọi người nhìn thấy cửa núi dưới cung điện cổ được mở rộng, hành lang phía trong ngoằn ngoèo, sâu hút, hai bên toàn khắc tượng mặt người vô hồn, thì lòng không khỏi bật ra suy nghĩ: “Người Bái Xà cổ đại không quen dùng lửa, hai mắt họ có thể nhìn thấy mọi vật dưới lòng đất tối om, vậy vì sao trong cung điện mịt mù ma khí này đèn đuốc lại sáng trưng?”, nghĩ đến đây, ai nấy đều bất giác bước chậm lại.



Lúc này, từng cơn chấn động từ đâu bỗng truyền đến, rồi một con sên trần khổng lồ mình vằn vện đỏ au đang bò từ đáy động lên thần đạo, nó há ngoác cái miệng nhầy nhụa, lộ ra vô số chiếc răng nhọn hoắt, ào ào như vũ bão trườn tới phía sau lưng mọi người.



Tư Mã Khôi nhớ trong cuốn cổ tịch biệt bảo có nhắc đến tông tích của loài sên trần gặm kim loại, chúng thường xuất hiện ở Tây Vực. Năm đó, một vị quốc vương Ba Tư đúc thành đồng dưới lòng đất để giấu vàng, ba năm sau ngài cho mở địa khố, phát hiện núi vàng chất cao ngất ngưởng bỗng không cánh mà bay, hóa ra nguyên nhân là do địa khố đó thông với mạch quặng, vàng bị bọn sên trần gặm sạch bách. Loài sinh vật này không chỉ gặm sắt, nhấm vàng, mà chúng còn ăn vật sống có máu có thịt, từng gây ra hiểm họa một thời cho Tây Vực, hậu thế không nhìn thấy loài sinh vật nguy hiểm ấy nữa, chỉ nghe đồn con nào thân mình có vằn đỏ thì là sên chúa, con đang tấn công phía sau lưng mọi người có khả năng chính là sên chúa. Thấy bị tấn công đột ngột, mọi người đành quay người lại rút súng ra bắn trả.




Hải ngọng một tay giương khẩu súng săn kề lên vai, bóp cò, nhưng đạn ghém bắn trúng người con sên chúa cũng chỉ làm nó giảm tốc độ chậm lại một chút, trên mình thêm vài lỗ thủng chảy nước đen, rồi nó lại lảo đảo trườn đến chỗ mọi người.



Cao Tư Dương định lấy đuốc xua kẻ địch, nhưng cô lại lỡ tay làm rơi, không biết bao nhiêu con sên trần lớn nhỏ dưới đáy động ngọ nguậy bò lên bao vây tứ phía, nhìn chúng mà da đầu cả hội ớn lạnh.



Trong chớp mắt, đàn sên trần đã vây kín bốn người đén nỗi không còn đường rút lui, hội Tư Mã Khôi thấy tình hình không ổn, nếu cứ tiếp diễn như vậy, nói không chừng họ chưa kịp rút vào địa cung thì đã bị lũ sên trần này nuốt chửng.



Hải ngọng ném Nhị Học Sinh xuống đất, định bắn chết hắn để thời gian quay ngược về điểm mười một giờ đúng trong động đạo, dẫu phải bắt đầu lại từ đầu cũng còn tốt hơn bó tay chịu chết ở đây.



Chẳng ngờ, Nhị Học Sinh bị quăng mạnh xuống đất, chợt tỉnh khỏi cơn hôn mê, thấy lũ sên xung quay đang bao vây bốn phía, hắn sợ quá co giò bỏ chạy. Hải ngọng đứng đăng sau giương súng bắn một phát vào lưng, cả cơ thể hắn giật tung lên như chiếc lá bị gió cuốn, rồi lăn vào cánh cửa đá đang rộng mở của tòa thạch điện. Nhưng lạ thay sau đó, lửa đèn trên khắp các vách tường vẫn sáng trưng, thời gian cũng không hề quay ngược trở lại.



Mọi người thầm kinh sợ, chẳng lẽ thời gian cả hội đang trải qua lúc này là thời gian thực tế sao? Hay chỉ khi Nhị Học Sinh chết ở trong động đạo thì thời gian mới quay ngược?



Hoàn cảnh giờ đây đúng là ngàn cân treo sợi tóc, trong cái khó Thắng Hương Lân chợt ló cái khôn, cô dốc nửa hộp dầu hỏa còn sót lại ra mặt đất và châm lửa. Lũ sên trần quen sống trong môi trường tối tăm, ẩm ướt, nên vừa gặp ánh lửa, chúng vội vàng co cụm lại. Nhân cơ hội này, bốn người xông lên phía trước, chạy trốn vào trong động đá, hợp lực đẩy cánh cửa khép lại. Đèn nến phía trong và phía ngoài tòa địa cung cổ đại thắp sáng trưng, nên bọn sên trần không dám lại gần, chúng tản ra bốn phía, rồi chui vào các lỗ trong vách động, thoáng chốc đã mất tăm mất dạng.



Bốn người chạy như bay vào trong thạch điện, không kịp để hơi thở điều hòa trở lại đã vội vàng nạp đạn đẩy ổ, đồng thời soi đèn quặng thăm dò phía trước. Họ phát hiện ngực Nhị Học Sinh bị đạn xuyên thủng một lỗ to, mất mở trừng trừng, miệng há hốc, nằm rạp trên mặt đất, hắn ngừng thở và chết cứng từ bao giờ.