Mình Cưới Nhau Đi

Chương 14



Phần vai áo anh ướt đẫm, tóc nhỏ nước mưa, khuôn mặt khó che giấu vẻ mệt mỏi, đây đều là bằng chứng của “sự chân thành”.

Trái tim Khương Uyển Phồn đập nhanh như tốc độ mưa rơi vậy.

Cô thốt lên hỏi: “Khi nào anh về?”

Trác Dụ hơi sửng sốt, cười rất miễn cưỡng: “Đau lòng quá.”

“Không phải, không phải, tôi không có ý đuổi anh đi.” Khương Uyển Phồn giải thích: “Anh được nghỉ mấy ngày? Tôi có thể đưa anh đi chơi ở quanh thị trấn.”

Trác Dụ suy tư giây lát: “Hai ngày.”

Khương Uyển Phồn nói: “Vậy chúng ta đến nhà nghỉ thuê phòng trước đã.”

Trác Dụ nhìn cô.

Nhưng Khương Uyển Phồn không hề phát hiện đây không phải lời đứng đắn gì.

Sau khi thuê phòng và nhận thẻ từ, Trác Dụ kiên quyết muốn đưa cô về nhà. Bên ngoài trời vẫn mưa như thác đổ nên Khương Uyển Phồn không từ chối.

Trước khi xuống xe, cô hỏi anh: “Còn nhớ đường không? Lái thẳng về trước, rẽ trái ở giao lộ thứ ba. Anh đừng rẽ sai nha, có một giao lộ đang sửa đường đấy.”

“Được.”

“Hay anh mở chỉ dẫn đường đi, bấm là “Nhà nghỉ Đan Tâm”.”

“Lo lắng cho tôi à?” Trác Dụ hỏi rất thẳng thắn.

Khương Uyển Phồn cười khanh khách.

Trác Dụ cũng cười: “Trí nhớ tôi tốt, sẽ không đi sai đường đâu. Sau này chúng ta ra ngoài chơi em sẽ biết thôi. Về đi, nghỉ ngơi sớm chút.”

Khi đèn xe đi xa dần, Khương Uyển Phồn mới nhận ra…

Cô ở trong “sau này” của anh.

Mưa rơi cả đêm, gió thổi hết đợt này đến đợt khác, cuối cùng đến buổi sáng thì tạnh nhưng mây trên trời lại dày đặc hệt như khoác một chiếc áo choàng màu tro vậy. Trên điện thoại xuất hiện vài thông báo màu vàng nhắc nhở sẽ có mưa lớn trong vòng 48 tiếng tới.

Lúc Khương Dực ngáp ngắn ngáp dài đi ra khỏi phòng ngủ thì bị một bàn ăn có cháo và bánh quẩy dọa nhảy dựng lên: “Chị dậy sớm thế? Chuẩn bị mở tiệm bán đồ ăn sáng sao? À đúng rồi, tối qua mấy giờ chị về?”

Khương Uyển Phồn “á à” hai tiếng: “Tối qua chị không về, em cũng không thèm đi tìm luôn đúng không?”

Khương Dực hoảng hốt: “Tối qua chị không về nhà á?! Đi đâu thế? Ba mẹ có biết không? Yên tâm đi chị, em sẽ giữ bí mật cho chị.”

“…”

Trong lúc ăn bữa sáng, điện thoại để ngay bên cạnh, cô cứ cầm lên lại đặt xuống, mở khóa rồi lại tắt máy đi mấy lần liền.

Trác Dụ đã dậy chưa, ở nhà nghỉ không phục vụ bữa sáng, con ngõ bên cạnh có một tiệm bún gạo mới mở, không biết anh có tìm được chỗ không.

Khương Uyển Phồn không yên lòng, Khương Dực ngồi đối diện lanh lợi quan sát toàn bộ.

“Em nhìn chị làm gì?” Khương Uyển Phồn bị cậu nhìn chằm chằm phát phiền.

“Vừa nãy em thấy trong nồi còn một phần ăn sáng.” Khương Dực vô tội nói.

Khương Uyển Phồn bình thản nói: “Chừa cho ba đấy, lát nữa chị mang đến bệnh viện.”

Thời gian vẫn còn sớm, Khương Uyển Phồn lề mề đến tám giờ mới ra ngoài. Ngồi ở sảnh nhà nghỉ thêm mười phút mới gọi điện cho Trác Dụ.

“Dậy chưa?” Cô hỏi.

“Quay đầu lại đi.”

Khương Uyển Phồn xoay người, Trác Dụ đang xách túi gì đó bằng một tay, trên người mặc áo đen quần đen, khoan thai thoải mái đứng ở cửa nhà nghỉ.

“Sớm vậy?” Khương Uyển Phồn nhìn xuống: “Mua bữa sáng à?”

“À đúng vậy.” Trác Dụ đưa tới cho cô nhìn: “Cái này là gì? Lúc nãy dì kia có giới thiệu mà tôi nghe không hiểu lắm.”

“Bánh bột viên, làm từ nếp, bên trong là nhân đậu đỏ xay.” Khương Uyển Phồn hỏi: “Ồ, anh muốn nếm thử bún gạo không? Là món đặc sản chỗ chúng tôi đấy.”

Trác Dụ cười: “Em dẫn tôi đi à? Các dì ở đây rất nhiệt tình, hỏi tôi nhiều thứ lắm nhưng tôi không hiểu được tiếng địa phương.”

Khương Uyển Phồn không suy nghĩ nhiều đáp: “Vậy ngày mai tôi đến sớm chút.”

“Đây là em mang cho tôi à?” Trác Dụ chỉ chỉ túi giữ nhiệt cô đang xách trong tay.

“Bữa sáng làm nhiều nên mang theo một phần cho anh.” Khương Uyển Phồn nói: “Chỉ là ít cháo thôi, anh muốn ăn không?”

“Ăn chứ.”

Hai người vừa trò chuyện vừa trở về phòng. Sau khi vào phòng, Trác Dụ vươn tay chặn cửa để nó không đóng lại.

Khương Uyển Phồn tò mò hỏi: “Sao quần áo anh nhăn vậy?”

“Tối hôm qua tôi tắm.” Trác Dụ mở hộp đồ ăn, mùi hương tỏa ra làm cảm giác thèm ăn tăng vọt lên: “Dùng máy sấy sấy khô hai tiếng.”

Ý định xuất hiện nhất thời, thành thử không mang theo quần áo để thay. Chiếc sơ mi này làm từ chất liệu tơ tằm, đoán chừng không thể mặc được nữa rồi. Song Trác Dụ không thèm để ý nói: “Chắp vá đỡ hai ngày tới đi.”

“Không cần chắp vá, quên tôi làm gì rồi à?” Khương Uyển Phồn nhướn mày.

“Em may đồ cho tôi à?” Trác Dụ giả vờ đứng dậy, sau khi đứng thẳng người thì hai cánh tay tự giác dang rộng, vẻ mặt vui tươi: “Đến đây, đo kích thước.”

Bả vai anh thả lỏng, có thể thấy rõ đường nét cơ thể cường tráng. Áo sơ mi bị sấy qua gió nóng nên hơi co lại, ôm sát sống lưng và phần eo, phô bày toàn bộ vóc người tuyệt đẹp.

Khương Uyển Phồn thờ ơ rời mắt đi: “Không cần.”

“Hửm?”

“Tôi còn nhớ kích thước ba vòng của anh.”

Cô nói bằng giọng rất đỗi trong trẻo, nhẹ nhàng tựa đầu lông vũ chạm nhẹ vào tim Trác Dụ.

“Quên mất.” Trác Dụ trầm giọng lại: “Gần đây tôi có tập thể dục, chắc hẳn tốt hơn lần trước đấy.”

Khoảnh khắc hai người đối mặt nhau trong không gian yên tĩnh, chỉ thêm một giây nữa thôi là nghe được tiếng tim đập mạnh.

Điện thoại chợt đổ chuông, không khí trở lại bình thường.

Khương Dực gửi tin nhắn thoại qua Wechat.

Khương Uyển Phồn không suy nghĩ nhiều đến nơi mình đứng, thế là giọng thiếu niên vang lên rất lớn —— “Chị, có phải chị đang yêu đương không?!”

Cô bối rối, vội vàng bấm tắt màn hình điện thoại.

Kết quả lại bấm trúng vào tin nhắn thoại thứ hai —–

“Lúc ở nhà chị cứ đứng ngồi không yên, ăn sáng cũng chẳng được bao nhiêu, giống như bị bệnh tương tư ấy!”

“…”

Khương Uyển Phồn ngẩng đầu lên thì thấy Trác Dụ đang như cười như không nhìn cô. Trái lại anh cũng không nói gì nhiều, thản nhiên múc cháo ăn.

Tác phong ăn uống của anh rất đẹp, chén muỗng không hề phát ra tiếng kêu chói tai, khi trong chén còn lại một miếng cuối cùng, anh trực tiếp bưng lên húp cạn. Không cần dùng ngôn từ để tán thưởng thì người ta vẫn tin rằng anh thật sự rất thích chén cháo này.

Khương Uyển Phồn hơi thả lỏng.

Trác Dụ bỗng gọi tên cô: “Khương Uyển Phồn.”

“Hửm?” Cô khó hiểu.

“Em nhớ số đo ba vòng của mỗi khách hàng, hay, chỉ nhớ mình tôi?”

Dường như anh rất muốn biết câu trả lời.

Khương Uyển Phồn cũng không muốn kiếm cớ che giấu gì: “Đẹp hoặc là khác bình thường thì tôi sẽ nhớ kỹ, đây là thói quen nghề nghiệp.”

“Vậy tôi là kiểu nào?”

Khương Uyển Phồn nhìn anh, nhẹ giọng nói: “Đẹp.”

Ánh mắt cô trong veo và thắng thắn, giống như một liều thuốc an thần khiến gân cốt con người ta rả rời. Cô nhìn chăm chú như thế khiến lồng ngực Trác Dụ như nở ra, chống đỡ không được bèn vội vàng quay mặt sang chỗ khác.

Khương Uyển Phồn chỉ chiếc áo khoác ở mép giường: “Mặc vào đi, hôm nay đưa anh đến một nơi.”

Ban ngày cô có thể lái xe, sau một hồi lần mò làm quen với xe của Trác Dụ thì cô lái rất thuận lợi.

“Chỗ anh ở là trung tâm thị trấn, Lâm Tước không lớn lắm, chủ yếu là núi non, bây giờ vẫn có một số người sống trên núi.”

Trác Dụ: “Ngành công nghiệp kinh tế chính là thêu thùa à?”

“Đúng vậy.” Khương Uyển Phồn bật xi nhan trái, “Không nổi tiếng bằng thị trấn Hồ hay Lộc Thành, không hình thành trên quy mô lớn, những người hơi lớn tuổi chút đều biết thêu. Đôi lúc còn có nhà máy hay cửa hàng tư nhân đến mua nhưng giá cả khả thấp.”

Sau 20 phút lái xe thì còn đi thêm một đoạn đường mòn nữa.

Họ đến nơi và xuống xe, trước mặt là một ngôi nhà tự xây rất đỗi bình thường, lối vào là một khoảng sân rộng rãi, có vài cụ già đang ngồi lấp ló ở cửa thêu thùa.

Khương Uyển Phồn quen thuộc chào hỏi: “Bà ơi.”

Cụ bà mang khăn che đầu, mặc áo khoác vải thô dày dặn với những họa tiết phức tạp vô cùng tinh xảo. Khi mỉm cười, mặt bà đầy nếp nhăn, ánh mắt vô cùng chất phác.

Khương Uyển Phồn khom người nhìn sản phẩm thêu trong tay các bà và nói chuyện với họ bằng giọng địa phương, Trác Dụ nghe không hiểu. Không gian núi non bao la mịt mù, bốn phía đều bao bọc bởi núi đồi, chỉ nhìn như vậy cũng cảm tưởng như đây là một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.

Không bao lâu sau, các cụ già cười tít mắt nhìn về phía Trác Dụ.

Khương Uyển Phồn cũng nhìn theo, ánh mắt sáng ngời, hai má thẹn thùng đỏ ửng.

Trác Dụ bước đến nhặt một cuộn chỉ rơi dưới đất lên trả lại cho bà cụ, sau đó ngồi xổm xuống ngắm nhìn sản phẩm thêu: “Bà ơi, bà thêu đẹp quá.”

Bà cụ nghe hiểu được lời anh nói, cười tươi đến độ mắt híp thành một đường.

Khương Uyển Phồn lại đưa anh đi vào trong, sau khi thấy rõ toàn cảnh, Trác Dụ hơi sửng sốt.

Ngoài những dụng cụ như que tre, khung dệt các thứ ra thì bên trong nhà còn có những người khác. Có người còng lưng, có người thấp bé, bên cạnh đó còn có một người chỉ còn nửa thân trên, ở gấu quần trống rỗng của đối phương buộc hai cọng dây.

“Đến đây đi Khương Khương.” Mọi người tươi cười chào hỏi, không hề mất tự nhiên khi thấy người lạ đến.

Khương Uyển Phồn đi đến trò chuyện với họ đôi câu, sau đó cầm hai cây quạt thêu lên cho Trác Dụ xem: “Đẹp không?”

“Trông rất sống động.” Trác Dụ đáp không hề qua loa, anh cầm lấy quan sát cẩn thận một hồi mới kinh ngạc tiếp lời: “Thêu trên mặt phẳng nhưng nhìn rất giống lập thể.”

Khương Uyển Phồn rất đắc ý: “Tiểu Thủy thêu đó.”

Chính là cậu bé chỉ còn nửa thân trên kia.

Trác Dụ đoán ra gì đó, hỏi: “Em tập hợp họ lại à.”

Khương Uyển Phồn “ừ” một tiếng: “Các cụ đã cao tuổi, không làm được việc nặng, người nhà lại không chăm nom nên rất đáng thương. Tôi tìm các dụng cụ cho họ, để họ thêu ra sản phẩm rồi tôi sẽ tìm các cửa hàng tiêu thụ, có thể giúp đỡ chút ít.”

“Mấy bộ quần áo nhỏ bên kia rất đẹp.” Trác Dụ chỉ cái giá đồ ở bên trái.

“À, cái đó không bán, làm cho bệnh viện tâm thần đấy.”

“Bệnh viện tâm thần?”

Khương Uyển Phồn kéo một cái ghế tre nhỏ đến, ra hiệu bảo anh ngồi xuống, sau đó nói: “Mặc dù họ bị bệnh, tinh thần không bình thường nhưng bất kể là người nào cũng đều có chung quan niệm về cái đẹp.”

Nói đoạn, cô cười cười: “Giống như bản năng thân thể ấy, thấy hoa nở sẽ hào hứng, ngửi được hương hoa sẽ thư giản. Vào mùa đông mỗi năm, chúng tôi đều may quần áo để quyên tặng, đón năm mới, mặc đồ mới sẽ có điềm tốt.”

Trác Dụ nhìn cô, hồi lâu sau vẫn chẳng nói gì.

Khương Uyển Phồn bị một cụ bà gọi đi, ánh mắt Trác Dụ dõi theo, đáy mắt hơi nóng lên.

Bên ngoài, mây đen sà xuống thấp, dày đặc âm u nhưng lại chẳng đổ mưa.

Khương Uyển Phồn muốn ở lại đây một đêm để kiểm tra và chụp ảnh các sản phẩm thêu này cho bên tiêu thụ. Cô bảo Trác Dụ về nhà nghỉ trước, song anh lại rất thắng thắn hỏi: “Tôi có thể ở đây với em không?”

Khương Uyển Phồn khó xử đáp: “Ở đây không có phòng dư.”

“Được.” Trác Dụ không cưỡng cầu: “Vậy sáng sớm mai tôi đến đón em.”

Giọng điệu anh lúc nói chuyện, ừm, rất ngoan ngoãn.

Khương Uyển Phồn cười cười: “Được, mà anh đừng ăn sáng nha, chờ tôi đưa anh đi ăn bún gạo.”

Ăn cơm tối xong, Trác Dụ lái xe trở về thị trấn.

Lúc này chỉ mới năm giờ chiều mà trời đã hơi tối, áp suất hạ thấp mà gió lại mang hơi nóng khiến người ta khó chịu vô cùng.

Vừa đậu xe trước “Nhà nghỉ Đan Tâm” thì thư ký gọi điện thoại tới.

“Dụ tổng, anh, anh đi công tác ạ?” Thư ký nhỏ giọng nói: “Tiểu Lâm tổng nói anh không báo cáo đúng lịch trình, chủ tịch Lâm có chút… Không vui.”

Trác Dụ thờ ơ đáp: “Ừ.”

Thư ký căng thẳng hỏi: “Vậy anh có đến tham gia cuộc họp thường lệ sáng mai không?”

“Không.” Trác Dụ lời ít ý nhiều nói.

Thư ký suýt thì khóc ra nước mắt, cô ấy không cách nào báo cáo kết quả công tác được.

Trác Dụ nói với giọng thư thả: “Chủ tịch Lâm hỏi thì cô bảo tôi đang theo đuổi người ta rồi.”

“Hả? Theo, theo đuổi ai ạ?”

Trác Dụ cười cười, cất lời đầy chân thành: “Chị dâu cậu ta.”

Đài phát thanh đang đưa tin dự báo thời tiết: “Từ 17 giờ hôm nay, địa bàn ta bắt đầu có mưa lớn cục bộ, đài khí tượng đưa ra tín hiệu báo động rằng phía Tây Nam sẽ có mưa dông và gió giật mạnh…”

Trác Dụ liếc nhìn ngoài cửa sổ, mây đã tan đi hết, các cành cay ngược gió bị bẻ cong xuống giống như thanh kiếm chuẩn bị rút khỏi vỏ. Một tiếng “bộp” chợt vang lên, giọt mưa lớn như hạt đậu đáp lên kính chắn gió, vừa mạnh vừa nhanh.

Câu trả lời vừa nãy vốn chỉ là câu nói đùa nửa thật nửa giả.

Trác Dụ chưa từng nghĩ nó giống như một lời báo động trước khi mưa lớn đổ bộ, vào đêm mưa ấy, một lời thành sấm.

__

Lời tác giả:

Chương sau vào vip, sẽ double chương, cảm ơn các bạn đã ủng hộ.

Cuộc sống chữa lành sau khi kết hôn sắp bắt đầu.