Mọi Việc Đều Hợp Chẳng Kiêng Kị Gì!

Chương 2



Tác giả: Mộc Mộc Tử

Dịch thô: strongerle | Nguồn: Tàng Thư Viện

Biên tập: Tĩnh Nhiên | Thần Niên

Đoàn người ngựa nối đuôi nhau đến trước cửa cung thì dừng lại, các tướng sĩ nhanh chóng xuống ngựa, cởi áo giáp và đặt binh khí xuống để chuẩn bị vào hầu Thánh thượng. Những người dân một đường đi theo bọn họ bị chặn ở ngoài cửa cung cũng đã dần tản đi.

Hạ Tu Ngôn xuyên qua hàng loạt cửa cung trùng trùng điệp điệp, bước lên cầu Kim Thủy, phóng tầm mắt nhìn dãy cung điện nguy nga tráng lệ, tường đỏ ngói xanh đang rực rỡ dưới ánh sáng mặt trời. Chàng nhớ lại lần đầu tiên vào cung khi còn bé, cũng từng đứng trước điện Vĩnh An ngước nhìn dãy bậc thang màu trắng lát đá cẩm thạch như bây giờ. Khi đó chàng cảm thấy điện Vĩnh An xa xôi không thể chạm tới, tường thành bao quanh bốn phía chót vót không thể vượt qua, một khi bước qua rồi thì sẽ bị vây khốn ở khoảng trời phía trong đó, cả một đường chạy thoát thân cũng không có.

Bây giờ một lần nữa đứng ở nơi này, vẫn là cung điện và tường thành đó, chàng lại không thấy bị vây khốn đến nỗi nghẹt thở như ngày xưa. Chàng đi theo gã nội thị dẫn đường đến thẳng cửa điện, vì buồn chán nên chàng vừa đi vừa đếm thầm số bậc thang dẫn lên đại điện, ba mươi chín bậc. Chàng bỗng ngỡ ngàng, hóa ra chỉ có ba mươi chín bậc thang! Vậy mà lúc nhỏ chàng đã từng cảm thấy những bậc thang này tựa như đang nối thẳng lên tận trời cao.

Trong ký ức của chàng thấp thoáng hiện ra bóng dáng của một tiểu đạo sĩ mặc áo ngoài cổ tròn màu thiên thanh. Tiểu đạo sĩ đó đang khom người đứng lẫn trong đám văn võ bá quan, nhỏ giọng thì thầm với chàng: “Thế tử [1] nói xem, có người nào đã từng lăn từ chỗ này xuống chưa?” Chưa đợi chàng tiếp lời, tiểu đạo sĩ đã tự khẳng định: “Chắn chắn là có!”

Lúc ấy, vị thế tử khoác áo choàng bằng gấm cũng đang khom lưng đứng canh đó, liếc tiểu đạo sĩ một cái rồi từ tốn đáp: “Nếu chưa có ai thì hôm nay đạo sĩ có thể thử làm người đầu tiên đấy.”



Ý chỉ tuyên triệu Định Bắc Hầu từ trong đại điện tầng tầng vọng ra. Cao Dương khẽ nghiêng đầu nhìn lén vị đại tướng quân đang thất thần bên cạnh, lặng lẽ tiến lên nhắc nhở: “Hầu gia, Thánh thượng đang tuyên triệu ngài.”

Hạ Tu Ngôn giật mình bừng tỉnh, nhỏ giọng khẽ hỏi: “Anh nói xem, có người nào đã từng lăn từ chỗ này xuống chưa?”  

Cao Dương sững sờ, nghi ngờ rằng chính mình đang nghe lầm, chưa kịp xác nhận lại thì thấy vị đằng trước đã phủi phủi ống tay áo, hiên ngang cất bước tiến vào đại điện.

Từ lúc Định Bắc Hầu hồi kinh đến nay, mí mắt của Thu Hân Nhiên giật ba ngày liên tục, nàng bấm tay tự tính toán cho mình một quẻ, biết mình sắp có một kiếp nạn thì bình tĩnh trở lại, bởi lẽ “là phúc thì không phải họa, là họa thì khó tránh khỏi. [2]”

Lại qua thêm mấy ngày, nàng nhận được một phong thư từ trong cung gửi đến. Năm đó, Bão Ngọc đạo nhân [3], sư phụ của nàng, đã gửi gắm nàng cho sư đệ của mình là Bạch Cảnh Minh. Khi đó, ông ấy đang ở trong cung nhậm chức Giám chính Tư Thiên Giám [4]. Vì vậy từ năm mười ba tuổi, Thu Hân Nhiên đã sống ba năm tại Tư Thiên Giám trong thành Trường An. Lần này Bạch Cảnh Minh nghe nàng đã xuống núi, nhân dịp trong cung tổ chức đại yến nên viết một phong thư bảo nàng tiến cung.

Sáng sớm hôm đó, Thu Hân Nhiên mặc một bộ trang phục mới, nhờ người đến chợ thuê một cỗ xe ngựa rồi nhàn nhã xuống lầu một dùng cơm. Thời điểm nàng đi xuống cũng đã khá muộn, phần lớn khách nhân ở trong đại sảnh đã ăn cơm xong, bọn họ đang tụ tập sôi nổi bàn tán với nhau. Lúc Hà Bảo Tiến bưng bát mỳ mới nấu đến, Thu Hân Nhiên thuận miệng hỏi: “Bọn họ đang bàn tán chuyện gì vậy?”

“Còn chuyện gì nữa. Mấy ngày nay ở trong kinh, ai ai cũng nôi nổi bàn luận về đề tài nóng hổi là Định Bắc Hầu trở về kinh nhận thưởng đấy.” Lúc này đã qua giờ cao điểm, Hà Bảo Tiến thong thả ngồi xuống chiếc ghế đối diện, vừa nghe đám khách nhân trong tiệm tán gẫu với nhau, vừa gật gù nói: “Thu đạo cô đã từng nghe chuyện bảy năm trước Định Bắc Hầu phụng chỉ xuất chinh [5] chưa?”

Thu Hân Nhiên khẽ nắm chặt đôi đũa trên tay, Hà Bảo Tiến không thấy nàng đáp lời, cho rằng nàng vì tĩnh tu trong núi nên không biết sự tình thế tục, lập tức tỉ mỉ kể cho nàng: “Bảy năm trước, tướng lãnh trấn giữ biên quan Tây Bắc lúc đó, tướng quân Hạ Hoằng Anh thấy khó giữ được thành nên đã phát tin báo nguy về kinh. Khi đó triều đình lại nhốn nháo đàm luận xem nên phái ai dẫn binh đi cứu viện mới tốt. Tướng quân Trịnh Lữ lúc bấy giờ đang diệt trừ mấy kẻ làm phản ở Tây Nam, không thể đến ứng cứu được. Tình thế rất nguy cấp, nước xa không cứu được lửa gần. Vậy nên triều đình dự định phái một người khác mang binh đi Tây Bắc cầm chân quân địch, đợi tướng quân Trịnh đến tiếp viện. Nhưng lúc đó quân địch quá đông, quân ta lại quá ít, ai cũng biết người mang binh đi Tây Bắc lần này chính là đi chịu chết, nên chẳng có người nào xung phong lãnh binh đi cả.”

“Thánh thượng của chúng ta rất sùng bái việc xem bói đoán ý trời. Năm đó ngài ấy đã gọi gã đạo sĩ mà mình rất sủng ái vào triều, ra lệnh cho hắn ta ở ngay trước mặt văn võ bá quan tính một quẻ. Gã đạo sĩ đó tính xong thì bảo người thích hợp nhất dẫn binh đi Tây Bắc lúc đó là Hạ thế tử, chính là Định Bắc hầu bây giờ. Một quẻ này ấy à, chao ôi, cả triều văn võ bá quan ai cũng thất kinh đấy.”

Nghe Hà Bảo Tiến dõng dạc kể chuyển, Thu Hân Nhiên nghĩ ông ta chỉ cần cầm thêm cái tỉnh mộc hay cái chỉ ngữ [6] gõ cốc cốc nữa thì chẳng khác gì thầy kể chuyện ở mấy quán trà cả. Thu Hân Nhiên còn nghi ngờ phải chăng câu chuyện ông ta vừa kể chính là kịch bản đã trải qua xào nấu của quán trà nào đó trong kinh.

“Từ nhỏ thân thể của Hạ thế tử đã ốm yếu, nhiều bệnh tật nên mới được đưa vào cung dưỡng bệnh, thế mà gã đạo sĩ kia lại nói để ngài ấy cầm binh xuất chinh, đây chẳng phải là đưa người ta vào chỗ chết hả?”

Thu Hân Nhiên yếu ớt đáp lời: “Lúc quốc gia lâm nguy thì…”

Hà Bảo Tiến vỗ bàn một cái, trợn mắt nói: “Thì sao? Hạ thế tử là giọt máu duy nhất còn lại của tướng quân Hạ Hoằng Anh cùng công chúa Minh Dương! Gã đạo sĩ kia chính là muốn cho nhà họ Hạ người ta tuyệt hậu!”

Thu Hân Nhiên đành ngậm miệng, Hà Bảo Tiến hăng say nói tiếp: “Lúc đó trong triều náo loạn cả lên, thế là Thánh Thượng cho mời Hạ thế tử đến hỏi ý kiến. Vậy mà Hạ thế tử dập đầu nói ngài ấy cam nguyện lãnh binh đi giải vây cho quân Tây Bắc. Nghe thế mấy vị quan to trong triều ai nấy đều thất kinh, ngay cả Thánh thượng cũng vô cùng chấn động, hạ lệnh cho ngài ấy lập tức lãnh binh đi biên quan. Khi đó ai cũng nghĩ ngài ấy chắc chuyến này sẽ một đi không trở lại, kết quả thế nào?”

“Dĩ nhiên là đánh đâu thắng đó, đại phá quân địch, trở thành Định Bắc Hầu như bây giờ.” Thu Hân Nhiên gian nan đáp lời. Hà Bảo Tiến phát hiện ra mình đặt câu hỏi quá hiển nhiên, gãi gãi đầu có vẻ hơi xấu hổ vừa cười vừa nói: “Tóm lại, biên quan Tây Bắc thái bình chính là nhờ công của Hầu gia. Hiện nay ngài ấy hồi kinh, đương nhiên bá tánh khắp nơi sẽ đều hoan nghênh chào đón. Tôi nghe nói ở thành Nam còn có sòng bạc mở sòng đánh cược xem Định Bắc Hầu về kinh lần này lúc nào sẽ tìm gã đạo sĩ năm đó để tính sổ đấy.”

“…” Thu Hân Nhiên đột nhiên cảm thấy bát mì thơm phức vừa mới ăn mấy miếng đã không còn chút mùi vị nào, nàng uyển chuyển nói: “Hạ thế tử đã giải vây cho quân Tây Bắc thành công, vậy đạo sĩ kia cũng coi như là tính toán như thần.”

Hà Bảo Tiến sắc mặt giận dữ nói: “Đây rõ ràng do thế tử ở hiền gặp lành, sao có thể đánh đồng là do gã đạo sĩ đó tiên đoán như thần được chứ? Người sáng suốt đều nhìn ra được, gã ta chắc bị ai đó sai khiến mới tính một quẻ như thế. Hoàn toàn không có ý tốt!”

“…”

May thay lúc này cỗ xe ngựa mà nàng thuê đã đến bên ngoài tiệm cơm, Thu Hân Nhiên cuối cùng cũng được giải thoát khỏi chủ đề nhạy cảm này.

Nàng ngồi trên xe ngựa đến thẳng cửa cung, từ xa xa đã trông thấy đang đứng gác trước cổng cung là một tiểu đội quân Vũ Lâm được tăng cường thêm. Nàng cởi túi cá bạc [7] đang đeo ở bên hông xuống, lấy từ trong đó ra một tấm phù hình cá [8] đưa cho thị vệ gác cổng để kiểm tra. Người thị vệ nhận lấy xem xét một hồi thì lên tiếng hỏi: “Tại sao tiến cung dự đại yến mừng thọ của Thái Hậu lại không mặc quan phục?”

“Hiện nay bần đạo không nhậm một chức quan nào nên không có quan phục.”

“Đã không phải là quan chức trong triều, tại sao lại có túi cá bạc?”

“Túi cá bạc là trước đây bần đạo được Thánh thượng ban thưởng, đặc cách cho bần đạo được phép tự do ra vào cung.”

Thấy thị vệ kia còn có vẻ nghi ngờ, Thu Hân Nhiên thân thiện đáp: “Xin hỏi Hiệu úy [9] Tiền Phủ hiện nay vẫn còn tại vị chăng? Ngài ấy hẳn là nhận ra bần đạo, làm phiền thỉnh ngài ấy đến đây sẽ rõ.”

Thị vệ nhíu mày hỏi lại: “Ý của đạo trưởng là thỉnh Tiền Lang tướng [10] đến?”

Thu Hân Nhiên bỗng có cảm giác mình ở trong núi một ngày nhân gian đã trải qua trăm năm. Cũng đúng, xét về năng lực cũng như kinh nghiệm của Tiền Phủ, bây giờ ông ta cũng nên thăng cấp thành Tả hữu lang tướng [10]. Nàng đang lâm vào trầm tư thì ở trước cửa cung lại đến thêm một cỗ xe ngựa khác. Người ngồi trong xe vén rèm lên để thị vệ xác nhận thân phận, thị vệ vừa đi đến kiểm tra thì người nọ thoáng liếc nhìn đạo cô đang đứng đằng trước một cái, giật mình sửng sốt thốt lên: “Thu Hân Nhiên?”

Thu Hân Nhiên nghe ai đó gọi tên mình, ngoảnh đầu nhìn lại thấy được người đang ngồi trong xe ngựa phía sau, nàng khẽ nở nụ cười, hành lễ chào theo kiểu Đạo giáo: “Bái kiến Nhị hoàng tử.”

“Ngươi trở lại kinh thành từ khi nào? Sao không thấy vào cung?” Nhìn thấy quả thực là Thu Hân Nhiên, người ngồi trong xe vui vẻ khoát tay nói: “Thôi quên đi, vừa đi vừa nói chuyện, lên đi, bổn vương [10] đưa ngươi một đoạn.”

Cửa cung khá xa Ngự hoa viên, Thu Hân Nhiên cầu còn không được, nên lập tức đồng ý. Thấy thái độ của Nhị hoàng tử như thế, thị vệ gác cổng cũng không dám cản trở, đứng tránh sang một bên để Thu Hân Nhiên leo lên xe ngựa. Không chờ nàng ngồi vững, Nhị hoàng tử đã vội vàng hỏi: “Hạ Tu Ngôn đã trở lại kinh thành rồi, ngươi biết không?”

‘Sao lại không biết, không chừng tôi còn thấy y trước cả anh.’ Thu Hân Nhiên trong lòng âm thầm thở dài nhưng nét mặt vẫn bình thản đáp: “Bần đạo đã nghe nói qua, mấy năm không gặp, không biết bây giờ Hạ thế tử như thế nào?”

“Y bây giờ rất tốt. Sáng nay vừa hồi kinh đã được sắc phong thành Định Bắc hầu, ngoài ra Thánh thượng cũng ban thưởng không ít đồ quý giá. Phải nói là vinh sủng không ai sánh bằng.”

Nhị hoàng tử Lý Hàm Ý tấm tắc cảm thán: “Ngươi nói xem, ai ngờ được tên nhãi ốm yếu năm đó lại có ngày vẻ vang như bây giờ chứ?”

Thu Hân Nhiên gật đầu phụ hoạ: “Thế mới nói ‘nhân sinh gặp gỡ, biến ảo sâu xa khó lường’ [11], không phải chúng ta có thể dễ dàng suy đoán.”

Lý Hàm Ý đột nhiên chen ngang, hỏi: “Vậy ngươi có tính toán gì chưa?”

“Tính toán gì cơ?”

“Nếu ngươi không muốn nói thì ta cũng không ép.” Lý Hàm Ý nhìn nàng với ánh mắt cảm thông, thở dài nói tiếp: “Ta nghĩ bây giờ không phải thời điểm thích hợp để ngươi hồi kinh. Hay là ngươi quay về núi tránh đầu sóng ngọn gió một thời gian đi. Ta tin y cũng chẳng ở kinh thành quá lâu, chờ y đi rồi ngươi lại quay về cung.”

Thu Hân Nhiên chắp tay vái tạ, cười nói: “Đa tạ Nhị hoàng tử.”

Thấy bộ dạng điềm nhiên của nàng, Lý Hàm Ý cũng lười nói tiếp. Vừa lúc này cỗ xe ngựa đã đến bên ngoài Ngự hoa viên, Thu Hân Nhiên không tiện cùng Nhị hoàng tử đi vào nên nhảy xuống xe ngựa, chờ cỗ xe đi xa mới thong thả tiến vào trong.

Hôm nay là đại thọ sáu mươi của Thái Hậu. Thánh thượng nổi tiếng hiếu thảo, tổ chức đại yến trong Ngự hoa viên chiêu đãi văn võ bá quan đến mừng thọ Thái Hậu. Ngự hoa viên được trang hoàng tráng lệ, đầy sắc màu, xung quanh tràn ngập giai điệu vui tươi của đàn ca sáo nhị.

Thu Hân Nhiên đến hơi muộn, nhưng may thay đại yến vẫn chưa bắt đầu. Nàng rảo bước theo sau các cung nhân đi vào Ngự hoa viên, từ xa xa đã thấy Thánh thượng và Thái hậu đang ngồi ở ghế chủ vị, bên tay trái của Thánh thượng là vị trí của Hoàng hậu và Phi tần, bên tay phải Thái hậu là chỗ ngồi của các hoàng tử. Trong số đó, ngồi gần Thái hậu nhất chính là Định Bắc Hầu vừa mới trở lại kinh. Điều này chứng tỏ lời Nhị hoàng tử nói quả thực không sai, vinh sủng của vị Định Bắc Hầu này hiện nay ở trong kinh không ai sánh bằng.

Khác với ngày hồi kinh, Định Bắc Hầu hôm nay mặc trang phục nhẹ nhàng tiêu sái, áo bào rộng, thắt lưng buộc nhẹ, đầu đội phát quan [12] bằng bạch ngọc, thắt lưng đeo ngọc bội, tư thế ngồi nhàn nhã, so sánh với một thân quân phục oai hùng lúc cưỡi ngựa hôm trước đúng là tựa như hai người khác nhau. Đặc biệt là đôi mắt phượng xinh đẹp kia, không biết có phải bởi vì uống rượu hay không, mà bớt đi mấy phần nghiêm nghị nhiều hơn mấy phần phong tình.

Hạ Tu Ngôn đưa mắt dò xét xung quanh, lúc ánh mắt lướt đến chỗ của Thu Hân Nhiên, trái tim của nàng đập thình thịch, vội vàng lùi lại nửa bước, khi ngẩng đầu nhìn lên thấy chàng chuyển ánh mắt sang chỗ khác mới thở phào nhẹ nhõm.

Thu Hân Nhiên thấy một vài vị Hoàng tử Thái tử ngồi trò chuyện với đám quan lớn ở trong triều, sư thúc Bạch Cảnh Minh của nàng cũng đang ngồi ở đó, nhưng vì không tiện đi đến chen ngang chào hỏi nên nàng tiếp tục đưa mắt nhìn đi chỗ khác. Bỗng nhiên nàng nghe thấy ai đó đang nhỏ giọng gọi tên mình, tìm theo hướng tiếng gọi vọng đến thì thấy một thanh niên mặc quan phục đỏ, gương mặt tròn tròn ngồi ở sau cùng đang vẫy tay với mình.

Thu Hân Nhiên vừa nhìn thấy đã nhận ra người đó là ai, niềm vui được gặp lại bạn cũ chợt trào dâng ở trong lòng, nàng nhanh nhẹn lỉnh đến ngồi bên cạnh thanh niên đó. Chưa đợi nàng ngồi xuống, thanh niên mặt tròn hỏi nàng với giọng điệu hiếu kỳ: “Cô đã nhìn thấy Hạ Tu Ngôn chưa?”

Thu Hân Nhiên khuôn mặt cứng đờ, thở dài nói: “Hiển Dĩ vẫn cứ như xưa.”

Chu Hiển Dĩ phát hiện lời nói của mình hơi đường đột, ngượng ngùng cười. Chu Hiểu Dĩ có khuôn mặt tròn với làn da trắng, vẻ ngoài trông rất thật thà hiền lành, là con trai của Quận chúa Chiêu Nhiên [13], hậu nhân chân chính của hoàng thất. Quận chúa Chiêu Nhiên là trưởng nữ của hoàng thái tử [14] – trưởng tử của vua Tuyên Bình của tiền triều. Sau khi hoàng thái tử qua đời, vua Tuyên Bình nhường ngôi cho hoàng đệ là vua Tuyên Đức bây giờ. Vì vậy, mặc dù tuổi tác của Chu Hiển Dĩ tương đương với các hoàng tử, quận vương nhưng vai vế lại thấp hơn một bậc. Ví dụ như Hạ Tu Ngôn, đúng ra Chu Hiển Dĩ phải gọi Hạ Tu Ngôn một tiếng “cậu”.

Chu Hiển Dĩ khi còn bé đã đi học ở trong cung, vì tật nói cà lăm của mình nên thường xuyên bị các hoàng tử vương tôn bắt nạt. Trái lại, Thu Hân Nhiên lúc đó cảm thấy cậu bé mập mạp hiền lành như Chu Hiển Dĩ rất đáng mến. Thời điểm đó, Thu Hân Nhiên là một Tư thần quan [15] nho nhỏ trong Tư Thiên Giám, rất ít gặp các vị hoàng tử vương tôn, hơn nữa tính tình của nàng hoạt bát, linh hoạt biết ứng đối nên cuộc sống trong cung trôi qua khá tốt. Từ khi quen biết Chu Hiển Dĩ, nàng đã âm thầm giúp đỡ hắn tránh bị bắt nạt nhiều lần, dần dần cả hai trở nên thân thiết hơn.

“Hiển Dĩ hiện tai đang nhậm chức ở đâu?”

“Tôi hiện tại là Đại Lý Tự thiếu khanh [16].”

Thu Hân Nhiên mỉm cười đáp: “Người ngay thẳng chính trực như Hiển Dĩ, nhậm chức này quả thực rất thích hợp.”

Chu Hiển Dĩ bị Thu Hân Nhiên nói đến mức ngượng ngùng, vội chuyển đề tài: “Cái này ngày trước cô đã bói giúp tôi một quẻ, nói rằng tương lai tôi sẽ nhậm chức Thu quan [17], lúc đó thật sự không tin, bây giờ ngẫm lại đúng là bói không sai một quẻ.”

Hai người họ tâm sự vui vẻ với nhau trong lúc chờ yến tiệc bắt đầu, Thu Hân Nhiên cứ có cảm giác mình đang bị ai đó nhìn, nhưng khi ngẩng đầu lại thấy chẳng có gì kỳ lạ. Qua một lúc, cung nhân bên cạnh Thánh thượng tiến lên trước một bước, cất giọng nhắc nhở mọi người yên tĩnh chờ Thánh thượng tuyên bố khai mạc.

– Hết chương 2 –