Một Hồ Sen Xanh Đợi Trăng Lên

Chương 2: Nhớ về đường môn lắm chuyện thay



Sau khi ra khỏi Yên Hà cốc, Lam Hạo Nguyệt vẫn chưa chọn đường lớn mà lại đi vòng, men theo con đường nhỏ từ đỉnh Chúc Dung xuống núi, mạo hiểm thúc ngựa nhắm về Tây Bắc.

Trước khi rời khỏi cốc, nàng đã quyết định nên đi đâu rồi.

— Nơi có thể chứa chấp nàng mà không bị cha trách mắng, chỉ là thể là Đường môn ở Thục Trung.

Hai mươi mấy năm trước, khi Lam Bách Thần vẫn còn là một hậu sinh vãn bối không tên tuổi, theo lệnh sư phụ đến Thục Trung, vô tình gặp gỡ với Tứ tiểu thư của Đường môn, Đường Vận Hinh. Lúc đó ông hoàn toàn không có gia nghiệp hay tiếng tăm gì, chỉ mỗi sự chuyên chú và chấp nhất với kiếm thuật. Có lẽ nhờ sự kiên trì chính trực này, đã khiến Đường Vận Hinh có cảm tình với ông.

Thục Trung rả rích mưa xuân, tình cảm từ từ bồi đắp, đến khi Lam Bách Thần phải về lại Hành Sơn thì Đường Vận Hinh thưa chuyện với cha mẹ về việc này. Cha bà, Đường Trọng Nghiêm, tộc trưởng Đường môn, là một người hiểu biết rộng, đương nhiên không coi một vãn bối như Lam Bách Thần vào mắt. Theo ông, loại lính mới vừa ra đời này đầy rẫy trên giang hồ, chẳng qua bình thường con gái ít ra ngoài nên mới bị Lam Bách Thần thu hút mà thôi.

Vì thế một tiếng quát, ngăn cản mọi lời nói của Đường Vận Hinh.

Đường Vận Hinh có hai người anh, một chị gái, và ngũ muội, đều rất nghe lời cha. Thuở nhỏ bà rất ngoan ngoãn, không gây chuyện thị phi bao giờ. Nhưng chỉ một lần duy nhất ấy, bà lấy hết dũng khí nói ra tâm sự bản thân, lại bị cha mẹ nghiêm khắc ngăn cản, ánh mắt ấy, thậm chí khiến bà nghĩ rằng mình đã phạm vào một sai lầm rất lớn. Không chỉ cha mẹ, cả anh và chị đều khuyên nhủ, răn đe, cuối cùng chỉ nói với bà một câu: Lam Bách Thần không xứng với em.

Lam Bách Thần thể hiện rất đúng mực, đến ra mắt Đường Trọng Nghiêm nhưng lại bị chặn ngoài cửa. Lí do, vì ông không đủ tư cách.

Vợ chồng Đường Trọng Nghiêm cho rằng chỉ cần cấm được hai người liên lạc thì cùng lắm Vận Hinh chỉ khóc mấy lần, một thời gian sau sẽ dần quên đi. Thế nhưng, bọn họ đã đánh giá thấp sự kiên trì của cô con gái thứ tư này.

Đêm mười lăm, trăng sáng treo cao, mọi người trong Đường môn tụ tập dưới hiên, dâng hương cầu nguyện dưới đại sảnh. Trong căn phòng khóa trái, dưới sự giúp đỡ của ngũ muội Vận Lam, Đường Vận Hinh trèo qua cửa sổ, bay qua tường rào.

Tứ tiểu thư ngồi trên đầu tường ngoảnh lại, Thục Trung Đường môn mái ngói nối liền, trông như con thú lớn sừng sững trong đêm. Lòng thấy ớn lạnh, nói với ngũ muội Vận Lam: “Em gái, sau khi chị có nhà của mình, nhất định sẽ về tìm em.”

Khi đó Đường Vận Lam vẫn còn trẻ, ngập tràn hi vọng vào tương lai của mỗi người. Bà cho rằng, chỉ cần những người yêu nhau được ở chung một chỗ, dù chịu oan ức thì cũng sẽ có ngày nhìn thấy ánh sáng.

Bà vẫy tay chào tạm biệt chị tư của mình, nhưng cả hai đều không ngờ, lần chia tay này, vĩnh viễn không có ngày gặp lại.

Sau khi rời khỏi Đường môn, Đường Vận Hinh tìm được Lam Bách Thần. Ban đầu Lam Bách Thần không ngờ bà sẽ làm ra chuyện lớn mật như vậy, nhưng không thể từ chối tấm chân tình, cuối cùng hai người cùng nhau rời khỏi Thục Trung. Ông sợ Đường Trọng Nghiêm sẽ đuổi tới Hành Sơn bắt Đường Vận Hinh về, thế nên dẫn bà đến Chiết Giang, tạm lánh chỗ người bạn ở Bắc Nhạn Đãng. Sau khi biết tin, Đường Trọng Nghiêm cực kì tức giận, quả nhiên đi tới Hành Sơn tìm người, nhưng vì không thấy con gái nên chỉ đành lên đường về phủ.

Mấy tháng sau, Lam Bách Thần và Đường Vận Hinh trở lại Hành Sơn, lúc này sư phụ rất không vừa lòng với ông. Ông tự cảm thấy hổ thẹn, liền cùng Đường Vận Hinh ở lại Yên Hà cốc sau núi Chúc Dung. Sau đó vợ chồng hai người cũng từng sai người gửi tin về Đường môn xin được thỉnh tội, nhưng đều không có chút tin tức, chẳng một lời hồi âm.

Đường Vận Hinh biết tính tình cha mình cương ngạnh, nhất là sợ mất sĩ diện. Bà làm ra trò bỏ nhà theo trai khôi hài này, khiến Đường môn mất sạch mặt mũi trong giang hồ, ông sẽ không bao giờ nhận người con gái này nữa. Bởi vậy dù đã kết hôn, sinh con với Lam Bách Thần, bà vẫn mãi ôm một nỗi niềm. Còn Lam Bách Thần vẫn chuyên chú vào việc luyện kiếm như trước, chuyện lớn nhỏ gì trong cốc cũng đều giao cho Đường Vận Hinh quản lý. Mấy năm sau, Đường Vận Hinh vì vất vả lâu ngày mà sinh bệnh.

Mãi đến trước khi Đường Vận Hinh qua đời, Lam Bách Thần vẫn cho rằng vì bà nhớ nhà da diết, không gì đáng ngại. Khi bà mắc bệnh qua đời, con gái Hạo Nguyệt chỉ mới lên năm, vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của sinh ly tử biệt. Hạo Nguyệt chỉ nhớ trước nay mẹ luôn cần mẫn, sắp xếp trong ngoài nhà rất gọn gàng ngăn nắp, sạch sẽ thoải mái, thế mà không biết vì sao, bỗng nhiên mẹ lại nằm mãi trên giường không dậy, một đợt bệnh này, không chút chuyển biến…

Mãi một thời gian dài sau khi mẹ qua đời, Hạo Nguyệt vẫn thường xách ghế đẩu ngồi trước giường, nhìn ván giường trống rỗng, nghĩ mẹ đang nằm trong này, sao thoáng cái đã đâu mất rồi?

Nhưng nàng không dám hỏi cha, vì khi nhắc tới đề tài này, cha sẽ trở nên trầm mặc dị thường, nửa ngày trời vẫn không nói một chữ. Thế là nàng trong hoang mang mơ hồ, tự mình vượt qua giai đoạn khó khăn nhất kia. Mãi đến ngày nọ, có vài khách lạ đến Yên Hà cốc, đột nhiên lại bảo là người nơi khác. Trong đó có một phụ nữ trung niên, vừa thấy nàng liền ôm vào lồng ngực, khóc nức nở.

Bọn họ nói với Hạo Nguyệt, đây là dì của nàng.

Những người này đều đến từ Thục Trung Đường môn, là nhà mẹ đẻ của mẹ nàng.

Lúc đó Lam Hạo Nguyệt bảy tuổi, lần đầu tiên gặp Đường môn, gặp rất nhiều ‘người thân’.

Có lẽ vì Đường Vận Hinh mất sớm, sau đó Đường môn liên tiếp xảy ra hàng loạt chuyện chẳng may, Đường lão phu nhân cực kì yêu thương cô cháu ngoại Hạo Nguyệt.

Quan hệ giữa Lam Bách Thần và Đường môn vẫn lạnh nhạt như trước, còn Hạo Nguyệt thì mỗi năm sẽ về Thục Trung một lần, thăm bà ngoại đã cao tuổi.

Thế nên nàng suy đi tính lại, quyết định chạy tới Đường môn ở nhờ, ít ra phải để cho người cha ngoan cố của nàng hiểu rõ, nàng không đồng ý làm một con rối bị giật dây, mặc ông bài bố.

***

Sau khi quyết định, Lam Hạo Nguyệt lên ngựa, chạy thẳng không ngừng đến Thục Trung. Hành Sơn cách Đường môn khá xa, nàng vừa từ Tương Dương trở về, không nghỉ ngơi lại lặn lội đường dài, qua hai ngày sau, mệt mỏi không chịu nổi, ban ngày ngồi trên ngựa mà vẫn không thể chống chọi cơn buồn ngủ.

Bởi vậy, nàng không thể không giảm tốc độ. Nửa tháng sau, đến Tương Tây. Mấy lần trước, mỗi khi đến Thục Trung đều có người cha phái đi theo hộ tống, lần nào cũng đặc biệt chú ý. Xưa nay dân phong Tương Tây hung hãn, nhất là khi chả phải đang thời thái bình, trộm cướp càng được dịp hoành hành, hay xảy ra chuyện giết người cướp của.

Lần này Lam Hạo Nguyệt chỉ đi một mình, mấy hôm trước cũng dè dặt cẩn thận lắm, nhưng sau khi đi qua vài thị trấn thì thấy thực tế không đến nỗi quá đáng sợ như tưởng tượng. Du thuyền trên sông, thưởng thức những dãy núi chạy dọc đôi bờ, thi thoảng chống chọi với dòng nước xoáy, một cảm giác nhàn nhã lại vui thú, ngược lại khiến nỗi lòng của Lam Hạo Nguyệt cũng buông lỏng phần nào.

Chạng vạng hai ngày sau, nàng lên bờ thúc ngựa, qua mỏm núi phía trước là có thể vào đất Thục, tiếc là thời tiết xấu, vừa đến chân núi thì đã thấy mưa lất phất. Lam Hạo Nguyệt thấy mưa không ngớt, vội vàng tìm chỗ trú. May mà ở đây có một quán trọ đơn sơ cho khách qua đường nghỉ chân, nàng vội vàng xuống ngựa chạy ào vào, bên trong đèn đuốc mờ mịt, chỉ có chưởng quầy và một tiểu nhị đang ngủ gật.

Lam Hạo Nguyệt đặt cái bọc xuống rồi ngồi trong quán, chưởng quầy vội vàng sai tiểu nhị lên lầu quét dọn, lúc này cửa gỗ bị dộng rầm rầm, có người bên ngoài đang kêu to gọi cửa. Tiểu nhị vừa mở cửa, mưa gió tạt mạnh, một đám người quần áo ướt đẫm xuất hiện, sau khi vào cửa liền nóng nảy giục tiểu nhị dẫn bọn họ lên phòng nghỉ ngơi.

Lam Hạo Nguyệt thấy sau lưng họ là những kiện hàng dài, có người còn vác rương gỗ, trông như thương khách bán lâm sản. Chỉ là khi bọn họ lên lầu, người nào người nấy bước chân nhẹ nhàng nhanh nhẹn, mơ hồ lộ ra bản lĩnh của mình. Suốt dọc đường nàng ít gặp nhân vật giang hồ nào, thế mà tại quán trọ ở vùng hoang vu này lại vô tình gặp một đám người cải trang như thế, không khỏi tò mò.

Tiểu nhị vừa đưa bọn họ lên lầu, Lam Hạo Nguyệt ngồi dưới ăn cơm, thấy tiểu nhị đi xuống liền nhỏ giọng hỏi chuyện: “Mấy người vừa rồi đi đâu thế?”

Tiểu nhị kinh ngạc nhìn nàng, đáp: “Cô nương, tôi chỉ lo chuyện châm trà cất hành lý cho khách thôi, không hỏi bọn họ đi đâu đâu.”

Lam Hạo Nguyệt nghĩ lại cũng đúng, đành bảo: “Nhưng chắc bọn họ không phải người địa phương phải không?”

Bộ dạng tiểu nhị tỏ ra hứng chí, thấy chưởng quầy đã xuống bếp, liền thấp giọng kể: “Bọn họ giả vờ như người địa phương, nhưng mà tôi là dân ở đây mà, vừa nghe đã biết không phải giọng vùng này rồi.”

Đang nói chuyện, chưởng quầy đằng sau gọi cậu ta đi nhóm lửa, tiểu nhị đành ngừng tán dóc, chạy vào nhà bếp.

Lam Hạo Nguyệt tự lên lầu một mình, khi đi ngang qua căn phòng lớn kia, nghe bên trong thấp giọng trao đổi gì đó, thấy tiếng bước chân nàng tiến gần, những người đó bất thình lình im lặng không nói, không có bất kì động tĩnh gì nữa.

Nàng vào phòng mình, từ từ đóng cửa phòng lại, trong lúc định đóng của, từ cánh cửa đối diện xeo xéo kia có người khẽ khàng đẩy ra, những người trong phòng hình như cũng đang nhắm về phía này. Lam Hạo Nguyệt làm bộ không để ý, tùy tiện đóng cửa lại.

Tuy đám người này có vẻ quỷ dị, nhưng Lam Hạo Nguyệt chẳng định bứt dây động rừng. Nàng một đường thuyền ngựa gian nan, nay thấy giường liền nằm xuống nghỉ.

***

Màn đêm buông xuống, tiếng gió mưa ngơi dần, ngoại trừ thi thoảng có tiếng nước nhỏ xuống từ mái hiên, xung quanh cực kì yên tĩnh.

Trong mông lung, có tiếng lục đục đánh thức Lam Hạo Nguyệt tỉnh dậy từ giấc ngủ. Nàng dụi mắt ngồi dậy, phát hiện đèn cầy đã cháy hết, trong phòng tối đen, thế mà giờ phút này lại có một tiếng động nhỏ xíu vang lên, khiến nàng không tự chủ mà rùng mình.

Vốn đang còn mơ mơ màng màng thì nay thần trí bất ngờ tỉnh táo hẳn. Theo bản năng, nàng nắm chặt chuôi kiếm bên gối, phát hiện âm thanh kia đúng là từ ngoài truyền vào, lách cách lách cách, như có kẻ muốn đẩy then cửa.

Lam Hạo Nguyệt lập tức nghĩ tới đám giả dạng thương nhân ban nãy, nàng nín thở, cần thận từng li từng tí, cầm kiếm xuống giường, lách người đứng phía sau cửa.

Một lưỡi dao trắng lóa lách qua khe cửa, rạch một đường dưới lên, đến gần then cửa thì từ từ xê xích.

Lam Hạo Nguyệt dán người vào góc tường sau cửa, thấy lưỡi đao kia đã từ từ đẩy được then cửa ra, không thể không rút bảo kiếm trong tay ra khỏi vỏ. Trong nháy mắt khi người bên ngoài lặng lẽ đẩy cửa vào, Lam Hạo Nguyệt quát một tiếng, mũi kiếm vun vút nhắm về mặt đối phương.

Người nọ hoàn toàn không ngờ sau cửa có người, giật mình đưa đao trong tay ra cản. Lúc đao kiếm gặp nhau, phát ra tiếng vang lớn, bất ngờ Trường kiếm trong tay Lam Hạo Nguyệt bật ra, nhắm thẳng vào cổ tay người nọ. Người kia vội vàng ngửa ra sau, bay lên đá chân, Lam Hạo Nguyệt thừa cơ hạ kiếm, đâm thẳng vào hắn.

Người nọ còn chưa kịp đứng dậy thì đã gặp thêm một chiêu khác, tay vung đao, chặn ngay trước mũi kiếm của Lam Hạo Nguyệt, mượn lực đẩy ra, bất ngờ trong tay áo kia lóe lên tia sáng, bay vụt ra. Lam Hạo Nguyệt cuộn tay áo, hất đống ám khí kia trở về, người nọ thấy tình hình không ổn, tung ra hư chiều rồi vội vàng chạy xuống cầu thang.

Trong lúc Lam Hạo Nguyệt hơi do dự, người nọ đã chạy xuống lầu, nàng không kịp suy nghĩ mà phi thân đuổi theo. Tay trái chống lên lan can, tung người nhảy hẳn xuống đất. Không ngờ lúc này có cơn gió rít mạnh từ sau, nàng cảm giác có luồn không khí bay thẳng đứngc, hai lưỡi đao xẹt qua dưới chân, suýt nữa đã là tính mạng của nàng.

Người Lam Hạo Nguyệt đang trong không trung, mũi kiếm chỉ vào thân đao của đối phương, xoay người về sau. Váy dài bay vờn tựa mây, kiếm thế sáng như cầu vồng, phát ra một tia sáng trắng, nhất thời xuất hiện có vài bóng đen từ trong phòng, cùng áp sát nàng.

Nàng không biết rốt cuộc những người này có thân phận thế nào, càng chẳng hay vì sao họ lại ra tay với mình, nhưng tình thế khẩn cấp, không cho phép nàng kịp suy nghĩ. Những kẻ nấp dưới cầu thang đều đang cầm vũ khí trong tay, tầng ăn trong quán trọ lạnh lẽo, có một kẻ dẫn đầu thét lên, vung đao về vai phải Lam Hạo Nguyệt.

Nàng lùi lại một bước, kiếm thế chẳng kém hơn, liên tiếp xuất chiêu công thủ, mạnh mẽ như rồng trong không trung, tung bay uốn lượn. Bỗng dưng quát một tiếng thật to, bóng biến hóa thành vô số tia sáng trắng, phóng xuống tới tấp, lộng lẫy như cơn tuyết lớn, tựa mưa sao băng.

Mấy tiếng leng keng, đao kiếm của đám người kia bị kiếm thế chấn động, không khỏi chậm mất một nhịp. Lam Hạo Nguyệt thừa cơ vung kiếm, nhắm thẳng vào trước ngực của tay dẫn đầu ban nãy. Người nọ bỗng la lớn: “Kiếm pháp Yên Hà?! Cô là người của phái Hành Sơn?!