Một Nét Son Tình

Chương 3: Quá khứ của chàng



Hôm ấy lúc về đến nhà thì đã khuya, Đông Cô sống một mình, không lo mấy. Nàng đốt đèn dầu lên, lấy miếng nước rửa mặt.

Trước đây nàng có bệnh sạch sẽ, ngày nào cũng phải tắm rửa 2-3 lần, nhất là buổi tối trước khi đi ngủ, nếu không tắm rửa sạch sẽ trong ngoài, thì nàng sẽ không cách nào ngủ được.

Bây giờ không còn điều kiện như kiếp trước, không ngờ Đông Cô vẫn có thể sống, chả biết làm thế nào mà bệnh sạch sẽ từ kiếp trước của nàng, đến kiếp này đỡ đi rất nhiều, chỉ có điều Đông Cô vẫn ưa thích sạch sẽ, tuy ít đồ đạc trong nhà, nhưng được nàng giữ vô cùng ngăn nắp.

Thu xếp thoả đáng đâu ra đấy, nàng thổi tắt đèn, lên giường nằm. Đèn phụt tắt, mắt chưa kịp thích ứng, trong căn phòng tối đen đưa tay không thấy được 5 ngón, đêm trong núi trở nên yên vắng lạ thường.

Đông Cô nằm mãi vẫn chưa ngủ, chỉ cần nhắm mắt, nàng liền nghĩ đến chàng trai với cơ thể tàn phế ban nãy, cảm thấy chàng không hợp với thế giới này ở mọi phương diện.

"Ai ai cũng biết khó khăn của bản thân, nhưng không biết trên đời này có người sống còn cực khổ hơn họ, làm người nên biết tri túc mới phải."

Trong bóng tối, Đông Cổ lẩm bẩm một mình.

Tuy ngủ muộn, Đông Cô vẫn thức dậy rất sớm; hai tháng nay, nàng đã thích ứng với nếp sống này.

Ban mai trong núi muốn lạnh bao nhiêu thì sẽ lạnh bấy nhiêu, Đông Cô vừa xoa xoa tay vừa đi làm bữa sáng. Cuộc sống hiện giờ cơ hàn, Đông Cô tiết kiệm được bao nhiêu sẽ ráng tiết kiệm, sáng nào nàng cũng ăn chút đỉnh bánh tráng với dưa muối.

May sao công việc không quá hao sức, ăn ít cũng không gây ảnh hưởng.

Từ lúc Đông Cô đến thế giới này liền bắt đầu dành dụm tiền. Nàng đã suy nghĩ rất nhiều về tương lai, cảm thấy cứ đón nhận sự quan tâm của cả thôn và sinh sống bằng nghề vận chuyển gỗ không phải là một con đường sinh nhai tốt; thứ nhất, nàng kiếm được rất ít tiền, tuy Đông Cô chịu cực được, nhưng kiếp trước sống trong hoàn cảnh ưu việt, nay cứ phải mãi sống trong cảnh thanh bần không phải là lý tưởng đối với nàng.

Muốn giàu lên, thì cần có một tài cán gì đó, điều này bất kể kiếp trước hay kiếp này, đều không thay đổi.

Nói đến tài cán, Đông Cô liền nghĩ ngay đến thiên phú của nàng ở kiếp trước —- vẽ. Đời trước Tề Đông Cô là một hoạ sĩ, sức khoẻ của nàng kém, từ nhỏ đã không thể chạy nhảy chơi đùa cùng những đứa trẻ khác, chỉ có thể đem hết tình cảm của mình gửi gắm vào tranh. Nàng không tham tiền tài, mà xem công việc hội hoạ của mình như một phần của sinh mệnh, cho nên giá trị nghệ thuật trong các tác phẩm của nàng cực cao, lúc nàng còn sống, thị trường tiêu thụ rất lớn.

Nàng chưa từng vẽ theo thị hiếu thương mại, cho nên những tác phẩm của nào đều mang tâm trạng của bản thân nàng.

Vận mệnh xoay vần, đến đời này, nàng có được cơ thể khoẻ mạnh, muốn tiếp tục dùng hội hoạ để kiếm tiền nuôi thân.

Tuy kỹ thuật của nàng xuất sắc, nhưng muốn thật sự dựa vào hội hoạ để kiếm sống trong thế giới này, không dễ dàng. Tề Đông Cô vốn luôn thận trọng, nàng hiểu rằng bản thân nên tìm hiểu rõ gu thẩm mỹ của người ở thời đại hiện giờ, hơn nữa nếu muốn bán tranh, trước tiên nàng phải vẽ, mà muốn vẽ thì phải mua rất nhiều dụng cụ, Đông Cô sẽ không ngây thơ cho rằng dùng giấy bút ba xu là có thể vẽ nên một bức tranh khiến mọi người thán phục. Nàng quyết dùng nhan liệu và bút mực tốt nhất để vẽ.

Nhưng lúc mới đến thế giới này, nàng nghèo đến độ muốn ăn miếng thịt cũng phải dành dụm hết 2-3 hôm.

Hai tháng nay, Đông Cô gần như thắt lưng buộc bụng, tích được chút tiền, nhưng nàng chưa biết rõ đường đi nước bước, không biết bút, mực, giấy ở thể giới này phải mất bao nhiêu tiền, cho nên nàng vẫn chỉ có thể cẩn thận tiếp tục tiết kiệm để dành.

Sau khi dọn dẹp xong xuôi, Đông Cô đến lâm trường. Lâm trường này được coi như báu vật của Tích Thành, tài nguyên phong phú, gỗ cao to rắn chắc, đều thuộc loại gỗ tốt, năm nào Tích Thành cũng dâng lên kinh đô một số gỗ mộc.

Đông Cô phụ trách vận chuyển. "Tài sản" duy nhất trong nhà nàng là một con bò già, số lượng gỗ được chuyển ra ngoài từ lâm trường mỗi ngày rất lớn, có rất nhiều người làm công việc giống như Đông Cô, phụ trách đưa hàng. Bình thường họ đợi ở trong một căn chòi kế bên lâm trường, hễ nghe thợ gọi thì họ chạy ra, phần lớn đều là chở hàng vào Tích Thành. Thôn của Đông Cô cách Tích Thành bốn dặm, tuy không xa, nhưng ngặt đường núi, cho nên đưa một chuyến cũng phải mất khá nhiều thời gian.

Hôm nay trời đẹp, nắng chiếu chan hoà, Đông Cô ngồi trong chòi trò chuyện với vài người, đợi có việc để làm.

Có một cô gái đưa cho Đông Cô bát nước.

"Đông Cô uống chút nước đi."

Đông Cô cảm ơn, đón lấy uống một ngụm.

Cô gái nọ tên là Chu Đơn, cũng là người vận chuyển gỗ mộc ở lâm trường giống như Đông Cô, bình thường có quan hệ rất tốt với Đông Cô.

"Đông Cô, hôm nay tới nhà chị ăn cơm nhé?"

"........" Đông Cô âm thầm thở dài trong lòng, nghĩ bụng, lại nữa rồi.

Chu Đơn nhìn sắc mặt Đông Cô, bản thân cũng hơi ngượng, nhưng nghĩ đến Chu Thượng, lại không thể không nói tiếp.

"Đông Cô à, em cũng biết thằng em của chị ấy mà, em xem, nó nằng nặc đòi chị mời em, thôi em nể mặt chị, tới ăn một bữa cơm đi em."

Em trai của Chu Đơn tên là Chu Thượng, năm nay mới 15 tuổi, Đông Cô nghĩ đến thằng bé này liền đau đầu. Tháng trước nàng đang đi đưa gỗ thì gặp Chu Thượng bị trật chân ở bên đường, khi đó cậu ta định ra sông giặt đồ, trong tay còn đang bê chậu gỗ.

Đông Cô đương nhiên không thể làm lơ, nàng đưa Chu Thượng về nhà, còn mua thuốc trị thương trong thành đem về cho cậu ta. Chỉ mỗi một hành động mà trong mắt Đông Cô thì vô cùng bình thường, thế mà lại làm cho cậu thiếu niên 15 tuổi Chu Thượng phát sinh tình cảm với nàng. Cậu ta nhát gan, không dám nói thẳng, chỉ ngày ngày năn nỉ chị mình giúp đỡ.

Thế là, tháng này, cứ cách dăm ba hôm, Đông Cô lại nhận được quà cáp từ Chu Đơn, ví dụ như túi đựng tiền thêu tay, hoặc là những món điểm tâm đơn giản.

Chu Đơn đã hỏi riêng Đông Cô, có động lòng chút nào với em trai của mình không, Đông Cô trả lời rõ ràng là không, nhưng Chu Thượng không chịu buông tay.

Đúng ra Chu Thượng thật sự rất xinh đẹp, vô cùng phù hợp với quan niệm thẩm mỹ của xã hội đương thời, nhỏ nhắn xinh xắn, tính tình cũng tốt, không ít gia đình chấm cậu ta. Nhưng Đông Cô chỉ coi cậu ta như một đứa trẻ.

"Chị Đơn à, hay thôi em không đi đâu, để Chu Thượng bình tĩnh lại một chút, qua một thời gian sẽ khá lên."

"Ôi...... thôi cũng được."

Thật ra trong lòng Chu Đơn mang hy vọng Đông Cô sẽ đồng ý. Nàng ta có quan hệ rất tốt với Đông Cô, thân thế Đông Cô đáng thương, nhưng chưa từng oán trách ai; tuy nhà Đông Cô nghèo khó, nhưng chưa từng trộm cắp hoặc lừa gạt, nhân phẩm mọi người đều có thể làm chứng.

Khổ nỗi hoa rơi hữu ý mà nước chảy vô tình, không trách ai được.

Nhất thời hai người không nói gì, Đông Cô muốn điều tiết lại bầu không khí vừa rồi, bắt chuyện: "Chị Đan, hôm qua em đi giao hàng trong thành, gặp một người."

"Ồ? Người thế nào?"

"Gặp ở chỗ tiệm của họ nhà Lý đấy ạ, một người đàn ông khá kỳ lạ."

Chu Đơn tròn mắt, "Đàn ông? Đàn ông ban đêm mà chạy tới xưởng thợ mộc à?"

Đông Cô hơi sững người, nàng không ngờ phản ứng của Chu Đơn lại dữ dội như vậy, bụng bảo dạ lẽ nào trong thế giới này, một người đàn ông đi vào trong xưởng thợ mộc là một việc không nên? Nếu thật sự là như vậy, nàng không biết mình có nên nói tiếp.

Chu Đan chợt vỗ đùi, "À! Em gặp phải La Hầu chứ gì."

"La Hầu?"

Chu Đơn ngạc nhiên: "Đông Cô, thế mà em lại không biết hắn, lạ thật."

Đông Cô ngoài mặt cười cười, trong bụng đang nghĩ, mình mới đến thế giới này được hai tháng, biết mặt được mấy người.

"Tên La Hầu đó mạng cứng, gần như khắc chết hết người nhà đấy."

Đông Cô giật mình, "Sao cơ?"

Chu Đơn cười bảo: "Nhà hắn vốn có bốn người, hắn còn có một cô em gái. Dạo bé trông hắn cũng tạm được, nhưng sau này càng lớn càng doạ người, thân hình trông như quái vật, khi đến tuổi không sao gả đi được, đi cầu thân bị mọi người chê cười hết một dạo. Cha hắn giận dữ nhất thời, đi luôn. Sau đó gia đình hắn không buồn quan tâm đến chuyện cưới gả của hắn nữa." Nói đến đây, Chu Đơn cầm bát nước lên uống một ngụm, càng kể càng hăng, "Đấy còn chưa gì đâu, kỳ lạ hơn nữa là, sáu năm trước bắt lính, gia đình hắn thế mà lại để cho hắn đi thay cho em gái hắn. Tuy nói triều đình chúng ta cũng có bắt lính con trai, nhưng đấy toàn là những kẻ tạp chủng không cha không mẹ, còn tên này có gia đình mà lại cũng đi lính, em nói xem có lạ đời hay không?"

"Theo tôi nghĩ, gia đình hắn có lẽ muốn hắn chết ở chiến trường thì có." Một người phụ nữ ngồi kế bên tiếp lời của Chu Đơn.

Chu Đơn gật đầu đồng ý, "Tôi cũng thấy vậy, nhưng hắn sống dai thật đấy, vào quân ngũ bốn năm trời, thế mà còn sống sót trở về."

Người phụ nữ kia cười khẩy, "Sống sót được tích sự gì, cô coi hắn hiện giờ, vừa cụt chân vừa cụt cẳng, nửa đời còn lại cứ phải chống gậy mà đi đứng, càng giống quái vật hơn ngày trước. Đàn ông mà ra cái dạng này, đời coi như xong."

"Không......không có chân?" Đông Cô nghe mà rét run.

"Chứ sao, cô thấy hiện giờ hắn cụt cẳng bên phải đúng không, không chỉ thế đâu, hắn cũng cụt luôn bàn chân trái, chỉ có điều hắn tự lấy gỗ khoét ra một cái khuôn, rồi mang vào thôi."

Đông Cô nhớ lại đêm qua, chàng trai kéo lê chân trái, nàng không biết cảm giác của mình hiện giờ là gì.

Chu Đơn cũng có vẻ như đang nhớ lại La Hầu, không ngừng tặc lưỡi, "Em không biết đâu, hôm hắn trở về, làm mọi người sợ chết ngất, ai ai cũng tưởng rằng hắn đã chết ở chiến trường, kết quả hắn sờ sờ mò về, hơn nữa còn không toàn vẹn."

"Mẹ hắn chỉ nhìn hắn một lần xong rồi không muốn dính dáng gì đến hắn, suốt đêm khăn gói bỏ tới nhà bà con xa, em hắn thì đã qua đời trước đó. Kết quả dọc đường mẹ hắn gặp đá lở."

Chu Đơn tiếp: "Kể ra cũng thảm lắm, khi tin tức được truyền đến, ngay hôm đó La Hầu chống gậy chạy tới chỗ xảy ra tai nạn, hắn đã cụt mất một chân, không cưỡi ngựa được nữa, chỉ có thể đi bộ. Khi ấy hắn còn chưa có bàn chân giả, chỉ lấy chút vải rách bó chỗ cụt, chống chỗ đó mà đi. Đi rất nhiều ngày, đến nơi thì tìm được di thể của mẹ hắn."

"Thôi thôi đừng nói nữa, cứ chân giả chân giả, nghĩ đến đã thấy gớm." Một người phụ nữ khác trong chòi cau mày bảo.

"Đúng đó, thành cái bộ dạng này rồi mà còn sống trên đời, thật không biết hắn nghĩ cái gì nữa."

Những người phụ nữ xung quanh đua nhau phụ hoạ.

Ở thời đại này, người đời rất khắc nghiệt đối với những ai mang khuyết tật, họ cho rằng khuyết tật là sự trừng phạt nặng nề nhất của thượng đế, nặng hơn cả cái chết, cho nên, những người khuyết tật luôn bị xa lánh, người khuyết tật trong xã hội không được kế thừa gia nghiệp, không được làm quan, thậm chí đến cả chùa triền cũng không được bước chân vào.

"Tóm lại đừng mong gả được cho ai."

Một người phụ nữ cất tiếng cười ha hả, nói một cách tục tĩu: "Chứ sao, quý vị nghĩ xem, ai mà ở bên hắn, đến lúc lên giường, làm làm một hồi rờ trúng ngay cái đùi cụt, chẳng phải sợ té đái sao."

"Ha ha ha ha ha."

Những lời nói kia càng lúc càng khó nghe, Đông Cô đứng lên bỏ đi.

Lâu thật lâu sau đó, lòng nàng vẫn không sao bình tĩnh lại được. Lời những người phụ nữ kia tuỳ tiện nói ra, đã tóm lược toàn bộ quá khứ của La Hầu. Tuy chỉ có vài câu ngắn ngủi, nhưng bao khó khăn đều có thể trông ngọn biết rễ.

Thật ra trước đó lúc Đông Cô trông thấy cơ thể tàn khuyết của La Hầu, cũng nghĩ rằng chàng đã từng phải trải qua nhiều khổ nạn, nhưng nàng không sao đoán được, những khổ nạn của chàng lại dữ dội như thế.

Do mang trong mình ký ức từ kiếp trước, nên Đông Cô không hề có quan niệm kỳ thị đối với những người khuyết tật, vì thế nàng rất không thích những lời nói của toán phụ nữ. Nàng nghĩ đến La Hầu, ánh mắt chàng trai ấy yên tĩnh bình thản như thế, sao lại có thể là con quái vật trong miệng những người này.

hết chương 2