Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

Chương 5:



Trình Nặc biết người đó cố ý dọa mình.

Nhưng câu nói của anh ta vẫn như mọc rể, chui thẳng vào tai cô. Cô tự thấy lá gan của mình không lớn, do dự một hồi, hay là đến khách sạn ở đã, đợi sửa nhà xong đâu ra đấy thì chuyển tới sau.

Rồi lại tính toán thử, mua nhà rồi nên giờ trên người cô chỉ còn lại hơn một trăm năm mươi ngàn, còn phải sửa nhà, chắc số tiền chi ra không lớn. Tạm thời chưa có thu nhập, giá phòng khách sạn dù có rẻ nhất thì một đêm cũng gần hai trăm rồi. Đối với cô hiện tại mà nói, quá lãng phí.

“Sợ gì chứ, mình ở nhà mình mà.”

Cô tự tiếp sức cho mình, sau đó mở laptop lên. Ở đây không có dây mạng, cũng may trong ổ cứng máy cô có không ít nhạc. Tăng âm lượng lên mức lớn nhất, có nhạc rồi, cảm thấy nhà không còn trống vắng nữa. Trình Nặc xắn tay áo lên, bắt tay dọn đồ. Phòng ốc rộng, cô bắt đầu từ căn phòng có kê giường trước. Chuẩn bị xong chỗ ngủ buổi tối đã, còn những chỗ khác cứ từ từ sau. Bây giờ thứ cô có nhiều nhất chính là thời gian.

Giường rất lớn, cũng rất nặng, một mình cô không di chuyển được. Múc nước từ trong giếng lên, lấy khăn lau sạch. Tủ ghế rồi bàn trang điểm cũng lau cả. Đồ cũ dùng lâu, bên ngoài có vết lõm, bụi bám vào nên lau không sạch được. Cô lại lấy bàn chải trong túi đồ mình mua ra, dùng sức chà. Chà rất sạch, nhưng chà xong mới nhớ, gỗ dính nước ẩm ướt rồi, tối nay cô phải ngủ thế nào?

Có điều cũng không đâu lo được nhiều thế, cô lấy khăn khô lau bớt nước rồi trải ra giường.

Cả phòng chỉ có một cửa sổ, chính là ô cửa gỗ chạm rỗng mà cô đã nhìn thấy trong tấm hình. Rộng chừng một mét, cao một mét rưỡi. Không có kính thủy tinh, gỗ phơi gió phơi mưa quanh năm nên cũng mục nát rồi.

Cô thích ô cửa này, không dám lau dọn vì sợ làm hỏng, chỉ nhẹ nhàng khép nó lại. Trên cửa sổ có một đoạn dây kẽm, chắc trước kia dùng để treo rèm.

Trình Nặc lấy một chiếc áo khoác dài từ trong vali ra, vắt hai ống tay áo qua đoạn dây, vạt áo vừa hay có thể che kín cửa sổ.

Làm xong mọi thứ thì đã chiều. Trình Nặc chống hông quan sát căn phòng, vô cùng hài lòng, cuối cùng cũng có dáng vẻ của nhà rồi.

Bụng đói sôi ùng ục. Cô tính toán trước, biết không chắc sẽ có lửa trong thời gian ngắn nên lúc ở trên trấn đã mua không ít lương khô, chỉ mì ăn liền thôi đã mua đến mấy thùng.

Cầm bình nước ra giếng múc nước, rồi vòng lại trong nhà, nhưng tìm khắp nơi vẫn không tìm được ổ cắm điện đâu. Làm gì có ổ cắm điện chứ, cả căn nhà này, cũng chỉ có hai chiếc bóng đèn là dùng điện.

Trình Nặc hoảng hốt, không có ổ cắm điện thì sao dùng được đồ điện, làm sao uống nước đây? Làm sao sạc pin cho laptop đây?

Cô không biết tí gì về điện cả. Nhìn mấy sợi dây điện bên cạnh cầu chì mà mắt cô hoa lên, không biết nên kéo sợi nào ra cả. Nhưng cho dù biết, cô cũng không có công cụ.

Không biết ở đây có thợ điện không nữa, chắc là không nhỉ. Ngoài người già ra thì toàn là trẻ con, à không, có một người thanh niên đó mà, là người đi xe ba bánh đó, nhưng Trình Nặc không muốn tìm anh ta, hơn nữa cũng không tìm được. Nhìn đồng hồ, mới hơn ba giờ, chắc là kịp để lên trấn tìm người.

Cô khóa cửa, đeo một chiếc balo nhỏ, ra bến phà.

Chạy tới bến nhưng không thấy phà đâu. Có điều đúng lúc gặp lại người lái xe ba bánh kia. Anh ta vẫn đeo kính râm, đằng sau xe chất đầy rau cải.

Anh ta cũng nhìn thấy Trình Nặc, hỏi cô: “Lại đi mua đồ à?”

Trình Nặc lắc đầu, “Tìm thợ điện, trong nhà đó không có ổ cắm.”

Người kia đang hút thuốc, nghe vậy liền bật cười, vì sặc khói nên vừa cười vừa ho.

Trình Nặc quay đầu đi, âm thầm liếc nhìn.

Anh ta cười đủ rồi thì nói: “Chuyến cuối cùng lúc sáu giờ, đi từ bờ bên kia đến bên này, bây giờ cô đi tìm người, liệu có kịp không?”

“A?”

Trình Nặc không ngờ còn có chuyện đó, cô không quen thuộc trấn lắm, biết đi đâu mà tìm người chứ, đợi khi tìm được người đến lắp ổ cắm điện thì chắc chắn không kịp thì giờ. Cô hỏi theo bản năng: “Vậy làm sao giờ?”

Trên phà có tiếng còi, đã cập bờ bên này rồi. Nhất thời Trình Nặc không biết làm gì, còn đang nghĩ có nên lên trấn không.

“Một trăm.”

“Cái gì?” Tự dưng nói một câu không đầu không đuôi làm Trình Nặc không hiểu gì.

Người nọ ném tàn thuốc đi, dùng chân dập tắt, khóe miệng nhếch lên, nụ cười có phần xấu xa.

“Một trăm đồng, nếu chịu thì đợi tôi về sẽ lắp ổ điện cho cô.”

Đồ nhân lúc cháy nhà mà hôi của, Trình Nặc nghĩ.

Khẽ cắn răng, cô nói được.

Phà cập bờ, anh ta nổ máy, chiếc xe ba bánh brum brum chạy đi.

Trình Nặc không yên tâm, hô lên với anh ta: “Anh đừng quên đấy!”

Thấy anh ta một tay đỡ vô lăng, tay khác giơ lên làm động tác OK.

Trên đường về, Trình Nặc vào cửa tiệm tự mua đồ kia, chủ tiệm vẫn không có ở đây. Cô muốn mua hai chai nước, không dám uống nước trong giếng. Nhưng tìm tới tìm lui, trong tiệm không bán nước suối, đến cả thức ăn cũng không có.

Xem ra tuy ông chủ này to gan, nhưng lại không có ánh mắt làm ăn. Nhà ở đây không nhiều, người đến chơi trong dịp lễ cũng không ít, nhất định những người đó sẽ mua nước, vậy mà chủ tiệm lại không chuẩn bị hàng.

Bất mãn về lại nhà, cả một ngày mệt mỏi làm cô chẳng còn sức mở nổi cửa, dứt khoát ngồi xuống xích đu trong sân, tính nghỉ ngơi một lát. Mặt trời sắp lặn rồi, ánh nắng không quá chói mắt, cô dựa vào ghế xích đu khẽ đong đưa, rồi mơ màng ngủ thiếp đi.

Trong mông lung, dường như đã tỉnh lại. Phát hiện Lâm Dĩ An và Đinh Gia cùng tới đây, mà không chỉ có hai người họ, còn thêm một cô bé nữa. Cô bé ấy gọi họ là bố mẹ, gọi Trình Nặc là dì.

Lòng Trình Nặc quặn đau, cả trái tim như bị xay nát.

Lâm Dĩ An nói, Trình Nặc, em tha thứ cho bọn anh đi. Đinh Gia cũng nói, Trình Nặc, cậu tha cho bọn mình đi.

Bọn họ tiếng này tiếp tiếng kia, như lời chú của Đường Tăng, ép cô sắp nổ tung. Cô chợt ngồi bật dậy khỏi ghế, hét lên với họ: “Tôi sẽ không tha cho các người! Đừng hòng!”

Mặt trời đã xuống núi, nắng chiều đỏ hây dồn về nơi chân trời, gió nhẹ thổi qua, côn trùng kêu râm ran.

Trình Nặc ngồi trên xích đu, mặt dàn giụa nước mắt, ngực vẫn đau đớn như trong mơ.

Cô hít sâu mấy hơi, bình ổn lại tâm trạng, lúc này mới phát hiện có người đứng ở cửa sân.

Là người lái xe ba bánh đó, một tay anh ta cầm túi, tay kia xách hộp dụng cụ. Kính râm được lấy xuống, lúc này Trình Nặc mới phát hiện, thì ra anh ta có đôi mắt rất đẹp. Rất sâu, trông như mực.

Trình Nặc nghĩ, nhất định anh ta nghe thấy mình vừa la lên rồi, nhất thời lúng túng.

“Anh tới rồi à.” Cô nói, giọng vẫn có hơi nghẹn ngào.

Anh ta đi thẳng vào sân, không nhìn Trình Nặc, “Ờ, cầu chì ở đâu?”

Trình Nặc mở cửa, chỉ cho anh ta thấy cầu chì.

Anh ta ngẩng đầu, sau đó dời ghế lại, đứng trên ghế tắt cầu dao.

“Này, đưa tuốc vít cho tôi.”

Trình Nặc vội tìm trong hộp dụng cụ, tìm được rồi thì đưa cho anh. Nhưng một lúc sau, anh ta trả lại.

“Không phải loại này, loại mũi chữ thập.”

Trình Nặc lại tìm, rồi lại đưa cho anh ta.

Anh ta cầm tuốc vít vặn một hồi,

“Này, đưa dây điện cho tôi.”

Trình Nặc tìm dây điện trong túi, đưa cho anh ta.

“Này, đưa băng keo cho tôi.”

Trình Nặc lại tìm, lại đưa tiếp.

Cuối cùng anh ta hỏi: “Cô tên gì?”

Trình Nặc ngẩng đầu lên nhìn anh ta, ù ù cạc cạc.

“Cũng xem như là hàng xóm rồi, không thể cứ gọi này này được.”

Trình Nặc đáp: “Tôi tên Trình Nặc.”

“Cam kết*?” Anh ta cười, “Cái tên dễ nhớ thật đấy.”

(*Hán việt của từ ‘cam kết’ là thừa nặc, phát âm chéngnuò, đồng âm với tên Trình Nặc.)

Động tác của anh ta rất mau, chưa gì đã nói xong dây điện, sau đó nhảy xuống ghế, chìa tay ra với Trình Nặc.

“Tông Lãng.”

“Ừ?”

“Tên tôi.”

Trình Nặc cảm thấy cái tên này quen quá, trong đầu đảo nhanh một vòng, đột nhiên nhớ ra, ông chủ mập ở quầy thịt nướng đã nhắc đến anh ta rồi: “Là một người bạn của tôi, tên Tông Lãng. Tôi không đi được nên nhờ cậu ta đưa cô về khách sạn!”

Trình Nặc đỏ bừng mặt. Cô không biết sau khi mình say là yên lặng hay làm bừa nữa, nhưng cô nhớ mình đã gào khóc về phía Trường Giang, rất kinh thiên động địa.

Trình Nặc giơ tay cả buổi mà không thấy cô có ý định bắt tay, bèn ngượng ngùng thu về.

“Nghe Thiệu mập nói, cô muốn cám ơn tôi à?”

Thiệu mập anh ta nói chắc hẳn là ông chủ mập ở quầy thịt nướng rồi. Trình Nặc nói: “Đúng thế, cám ơn anh đã đưa tôi về khách sạn.”

“Đừng khách khí.” Anh đáp nhanh, giọng đầy thoải mái, cầm dây điện, bắt đầu nối vào ổ điện tiếp.

“Thấy hôm nay cô đã cho tôi kiếm được một trăm năm mươi đồng, nên lần sau có uống say tôi sẽ đưa cô về tiếp, miễn phí.”

Trình Nặc không nói gì.

Nối xong ổ điện, Tông Lãng hỏi cô muốn cố định ở đâu. Trình Nặc đáp ở trong phòng.

Anh ta kéo dây vào phòng, phát hiện đã được dọn gọn gàng, “Không tệ, có thể ở được rồi, nhưng vẫn hơi tối nhỉ.”

Trình Nặc cũng thấy tối, bèn vén áo khoác dài treo ở cửa sổ lên, lại bật đèn.

Sắc trời bên ngoài đã tối, đèn sợi đốt cũng mờ mờ, trong phòng không đủ ánh sáng.

“Phải thay bóng đèn.” Tông Lãng nói.

Trình Nặc bảo đúng thế, “Tôi đã mua bóng đèn rồi, có thể phiền anh thay giúp tôi được không?”

Tông Lãng nói được. Trình Nặc đi qua lục tìm trong mấy túi đồ, lấy một chiếc bóng đèn tiết kiệm năng lượng ra đưa cho anh ta.

Tông Lãng cầm lấy nhìn, hỏi cô: “Cô mua một loại này à?”

“Đúng thế.”

Anh ta trả bóng đèn lại cho Trình Nặc, “Loại này không được, không cùng cỡ với đui đèn.”

Trình Nặc ngạc nhiên, “Bóng đèn còn có cỡ hả?” Cô chỉ biết có loại 5 watt 10 watt.

Tông Lãng giải thích: “Đui đèn này là loại móc nối, còn bóng đèn là vặn xoắn, dĩ nhiên không được.”

Anh ta dùng đinh cố định ổ điện trên tường, “Giữ bóng đèn lại để dùng, đổi đui đèn đi, chứ nó cũng cũ quá rồi.”

Trình Nặc nghĩ chắc trong tiệm tạp hóa tự mua kia không có đui đèn rồi, phải sang bờ bên kia mua, vậy là phải đợi đến mai. Nhưng mua rồi cô cũng không biết lắp, chẳng lẽ lại bị anh ta lừa tiền?

Người này gian xảo thật đấy.

“Không cần.” Cô nói, “Cứ tạm thế cũng được.”

Tông Lãng cười, “Được, nhà của cô cô làm chủ.”

Lắp ổ điện xong thì bật cầu chì. Trình Nặc thử cắm bình nấu nước vào, có điện rồi.

“Cám ơn anh.” Cô nói.

Tông Lãng nhìn cô không đáp, môi nhếch lên, ý cười không rõ.

Trình Nặc vội phản ứng lại, “À, đợi tôi đi lấy tiền.”

Cô lấy ví ra thì mới nhớ trên người mình giờ không có tiền mặt. Lại lục trong vali, hy vọng có thể lấy ra ít tiền. Nhưng xưa nay cô không có thói quen cất tiền lung tung, dĩ nhiên là không tìm thấy rồi.

Cô ngượng nghịu nói với anh: “Tôi dùng hết tiền mặt trên người rồi, ngày mai lên trấn lấy rồi đưa cho anh có được không?”

Tông Lãng rút điện thoại ra, “Không sao, Wechat hay Alipay cũng đều được.”