Mười Hai Năm Kịch Cố Nhân

Chương 42



Trong cốc thủy tinh trước mặt, lá trà nở ra trôi bồng bềnh, Thẩm Hề nhìn chằm chằm chiếc cốc, như đang trốn tránh sự ngượng ngùng của chính mình, nhưng thật ra đâu phải mặt đối mặt, trong phòng cũng không có anh...

"Anh đợi em." Anh nói.

"Vâng." Cô gật đầu. Gật đầu làm gì, anh có nhìn thấy đâu.

Một cuộc điện thoại, thời gian ngắn ngủi, nhưng như cuộc diễn thuyết dông dài mấy tiếng đồng hồ, lao lực vô cùng.

Người bình thường sẽ luôn có sai sót trước khi ước chừng thời gian của mình.

Thẩm Hề vốn nghĩ buổi chiều không có việc gì, nhưng đến một giờ y tá gọi điện tới kêu cô lên tầng khám bệnh. Nữ y tá gọi điện cho cô được tuyển từ trường đào tạo y tá, biết sơ sơ tiếng Anh, phụ trách sắp xếp bệnh nhân nước ngoài. Ngày đó trên bến tàu, cô y tá này cũng có ở đó, bởi vậy rất nhạy cảm với dịch cúm châu Âu.

Y tá nhìn thấy cô, lập tức miêu tả lại tình hình đột nhiên xảy ra: "Vừa rồi có ba bệnh nhân tới, đều là người Đức, một nhà ba người. Người đàn ông rõ ràng có triệu chứng của dịch cúm, ho ra máu...

"Phòng khám có bao nhiêu người?" Thẩm Hề hỏi.

"Bác sĩ Thẩm đã dặn dò từ trước, cố gắng để những bệnh nhân nước ngoài đến Trung Quốc trong mấy tháng nay ngồi riêng biệt trong thời gian chờ khám, vì thế trong phòng chỉ có ba người họ."

"Có bác sĩ tới chưa? Y tá đâu?"

"Y tá là tôi và y tá trưởng, bác sĩ vẫn chưa tới, có người thông báo với phó viện trưởng Đoàn rồi ạ."

Viện trưởng của bệnh viện này tham gia chính trị, quanh năm không mấy khi xuất hiện, chuyện lớn chuyện nhỏ đều do Đoàn Mạnh Hòa giải quyết, đoán chừng anh ta cũng sắp tới: "Đi chuẩn bị đi, cách ly bệnh nhân, thông báo với phó viện trưởng Đoàn đừng vào phòng cách ly."

Thẩm Hề đeo khẩu trang và găng tay, dựa vào hàng loạt biện pháp cô và Trần Lận Quan thảo luận trước đây, dọn ra một nửa số phòng bệnh, giăng dây cách ly, khử trùng khu vực bên trong và bên ngoài dây. Trong bệnh viện không có phòng truyền nhiễm riêng, vì vậy tối đa chỉ có thể dựa theo phương pháp xử lý bệnh dịch hạch và sốt rét để làm.

"Chờ đã." Thẩm Hề gọi lại, "Cô bảo người ngoài khu vực cách ly giúp tôi gọi một cuộc điện thoại đến ba ba tư..." Cô do dự, "Tìm một người là Đàm tiên sinh, nói với anh ta, mấy ngày nay bệnh viện rất bận, tôi không thể đến thăm anh ta được."

Chỗ Phó Đồng Văn tới, Đàm Khánh Hạng chắc chắn sẽ tìm thấy.

Tối nay e rằng không thể ăn cơm cùng anh rồi

Bác sĩ từ khoa Nội tới cũng bị y tá cản lại, nhắn lại lời của bác sĩ Thẩm rằng, cô ấy đã vào phòng bệnh, vậy hãy để cô ấy khám chính luôn, đừng cho qua nhiều bác sĩ tham gia. Dù sao dịch cúm chưa có phương pháp chữa trị, người bị bệnh đều là thanh niên và trung niên, không cần hy sinh nhiều người.

Trong phòng bệnh, Thẩm Hề khám cho ba người nọ.

Vì là người Đức, ngôn ngữ bất đồng, cô đành phải dùng một số từ tiếng Anh đơn giản để hỏi thăm bệnh tình, đối phương nói không rõ ràng. Thẩm Hề xem thân nhiệt của họ, chỉ có cô con gái mười bảy tuổi là bình thường. Cô dặn y tá đưa cô bé đến phòng cách ly quan sát, còn mình và y tá trưởng theo dõi đôi vợ chồng trung niên.

Thẩm Hề chợt nhớ trong nhà y tá trưởng có hai đứa bé nên cố gắng để chị ấy tiếp xúc ít nhất với mầm bệnh, mọi việc đều tự làm, cuối cùng y tá trưởng cáu lên: "Bác sĩ Thẩm, cô cứ đuổi thẳng chúng tôi ra ngoài đi, mình cô trong phòng bệnh là được rồi."

Cô nhoẻn cười, giọng nói cất lên qua khẩu trang: "Em đang nghĩ, ai bảo chúng ta vào đây, hết cách rồi."

"Cô mà ngã gục, phó viện trưởng Đoàn phải làm thế nào??"

"...Phó viện trưởng Đoàn có họ hàng là thủ tướng, là tiến sĩ y học du học nước ngoài về, lại là viện trưởng bệnh viện chúng ta, tương lai anh ấy sẽ rất xán lạn." Thẩm Hề bất đắc dĩ, "Em và anh ấy thật sự chỉ là đồng nghiệp mà thôi, không dính dáng gì đến yêu đương hết."

Hai người đang nói chuyện thì y tá nọ chạy vào: "Phó viện trưởng Đoàn đang ở bên ngoài, muốn vào ạ."

Thẩm Hề đi đến hành lang, nhìn bóng lưng Đoàn Mạnh Hòa phía xa xa, cất cao giọng: "Tôi có một bệnh nhân sắp xếp phẫu thuật vào sáng mai, giao cho anh cả đấy, Đoàn Mạnh Hòa. Còn nữa, bảy bệnh nhân trong phòng bệnh ở tầng ba cũng giao cho anh luôn."

Đầu bên kia, Đoàn Mạnh Hòa đi tới đi lui, tiếng giày da màu đen giẫm lên sàn nhà vang vọng không ngừng trong hành lang: "Thẩm Hề, em là bác sĩ khoa gì? Đến lượt em xử lý bệnh dịch à? Chúng ta không có khoa Nội sao?"

"Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tôi đã ở đây, đương nhiên tôi phải đến rồi." Cô thẳng thừng trả lời, "Hơn nữa, năm đó tôi làm trong khoa Nội bệnh viện Nhân Tế, anh là người rõ ràng nhất. Với lại, bệnh này vốn không có phương pháp điều trị hiệu quả, có tôi ở đây là đủ rồi."

Đoàn Mạnh Hòa không tìm được lý lẽ phản bác lại cô.

"Huống hồ Đoàn Mạnh Hòa chắc hẳn anh phải hiểu, tôi từng cho anh xem tin tức về châu Âu, đa số bệnh nhân bị chết bởi bệnh dịch này đều trong độ tuổi thanh niên và trung niên, bác sĩ của chúng ta, bao gồm cả anh, đều nằm trong phạm vi đó." Thẩm Hề nói tiếp, "Dù sao tôi đã vào đây rồi, tại sao phải hy sinh vô ích?"

Anh ta lặng im, nhìn cô chăm chú từ xa.

Nhóm y tá đang sơ tán bệnh nhân, cuộc đối thoại giữa Thẩm Hề và Đoàn Mạnh Hòa đều rơi vào tai mỗi người có mặt. Người bệnh có quốc tịch nước ngoài thì ngơ ngác, nhưng bệnh nhân Trung Quốc thì nghe hiểu, hoàn toàn không cần sơ tán, mọi người đều phối hợp lập tức rời khỏi tầng này. Nhưng vẫn có cụ già hơn sáu mươi tuổi đi về phía ngược lại, đến bên cạnh Đoàn Mạnh Hòa có cần ông giúp đỡ gì không.

Cụ già mặc chiếc áo dài kiểu cũ, để bím tóc triều Thanh. Ông vốn là người sợ mất mặt, che giấu việc mình biết Trung y, đến bệnh viện Tây y khám khối u ở ngoài bụng. Nhưng ông nghe Thẩm Hề nói người lây bệnh chủ yếu là thanh niên và trung niên, nghĩ mình là người già, cũng là người hành y, có lẽ có thể giúp đỡ được.

Đoàn Mạnh Hòa đang lo lắng cho sự an nguy của Thẩm Hề, nghe cụ già hỏi như vậy, tâm trạng hòa hoãn hơn. Đối mặt với bệnh tật, lòng nhân ái của người làm y phải thông suốt. Sau khi kiên nhẫn giải thích với cụ già, anh ta bảo y tá đưa ông lão đi.

"Khát quát lại tình hình bệnh nhân của em cho tôi." Anh ta lấy lại sự bình tĩnh.

Sau khi nói lại bằng mấy câu đơn giản, Thẩm Hề quay về phòng bệnh.

Người đàn ông trung niên liên tục ho ra máu, mắt và tai đều xuất huyết. Y tá trưởng chưa từng thấy triệu chứng cảm cúm nghiêm trọng như thế bao giờ, cũng lờ mờ hiểu. Thẩm Hề biết, dựa vào báo cáo giải phẫu mà Trần Lận Quan chia sẻ, bệnh nhân này gần như không còn hy vọng cứu chữa rồi.

Người vợ nằm trên giường bệnh, ý thức dần mơ hồ, nhưng bà ta vẫn nhìn thấy được chồng mình, dùng tiếng Đức lẩm bẩm mấy câu mà Thẩm Hề nghe không hiểu. Bà đang an ủi người chồng đã mất ý thức hay còn gì khác? Không ai biết được... Người phụ nữ chậm chạp nhìn cô cầu xin, trong đôi mắt màu xanh ngọc đong đầy nước mắt, van nài cô bằng tiếng Anh bập bẹ: "Xin đừng vì người Đức mang chiến tranh tới Trung Quốc mà căm ghét chúng tôi, xin cô hãy cứu chồng tôi."

Viền mắt Thẩm Hề cay xè, cô nghoảnh đầu đi, che giấu cảm xúc trong mắt mình.

Cô chợt nhớ Phó Đồng Văn từng nói, anh sẽ mua một biệt thự Sơn Đông, cùng cô sống ở đó... Sơn Đông, cô vẫn chưa từng tới. Sơn Đông mà anh luôn một lòng hướng về chính là nơi bị người Đức cướp mắt.

Tậm trạng rối như mớ bòng bong, vì đất nước, cũng nhìn thấy tình cảm sâu đậm trước bờ sống chết của một đôi vợ chồng bình thường.

Đến sầm tối, cơm được đưa tới.

Cô con gái năm lần bảy lượt xông vào phòng bệnh của cha mẹ, bị nhốt ở một căn phòng khác, cơm tối đưa tới cũng bị cô bé gạt đổ hết. Bất đồng ngôn ngữ, lại bị cách ly trong phòng bệnh, người duy nhất có thể nói chuyện với cô là mẹ cũng đã mất ý thức, đối với một cô bé, cả thế giới sụp đổ ngay trước mắt, tiếng khóc, tiếng gào nối tiếp nhau không dứt.

Khu vực cách ly yên tĩnh, thậm chí cả bệnh viện rộng lớn chỉ có tiếng cô bé.

Thẩm Hề và hai y tá khác lặng lẽ ngồi trên hành lang ăn cơm.

Cô y tá nhỏ dù sao cũng còn khá trẻ, khi nhìn thấy làn da chuyển đen và khuôn mặt đầy máu của bệnh nhân nam ấy, toàn bộ ý chí cứu người đều lụi tan, bật khóc theo tiếng khóc của cô gái người Đức.

Thẩm Hề nhẹ nhàng vỗ lưng cô ấy, cô không giỏi an ủi người khác, chỉ biết dùng cách này để vỗ về cô y tá nhỏ.

Mười giờ đêm, nam bệnh nhân trung niên không qua khỏi.

Cuối cùng cô cũng hiểu "lực bất tòng tâm" mà Trần Lân Quan nói.

Bầu không khí u tối, như cát bụi bay khắp nơi, làm cô không thở nổi.

"Bác sĩ Thẩm." Có người đứng phía xa gọi cô.

Thẩm Hề sực tỉnh.

"Phó viện trưởng Đoàn bảo người bên công ty điện thoại đến, giúp cô lắp điện thoại." Một bác sĩ nội trú cất cao giọng, "Cô phải ở lại khu vực cách ly khá lâu, anh ấy nói có điện thoại sẽ dễ dàng trao đổi công việc hơn." Đoàn Mạnh Hòa kêu người tháo điện thoại của phòng trực ban tầng một ra, nghĩ cách lắp vào một tấm gỗ, ngay cả dây điện thoại cũng đưa tới.

Bác sĩ nội trú dùng cách mọi người vẫn hay đưa cơm, buộc dây thừng vào tấm gỗ đã lắp liền với điện thoại, kéo vào trong.

Tấm gỗ kéo theo dây điện thoại, dường như mọc thêm chân, cứ thế lê thê dài trên mặt đất.

Đến khu vực cách ly, cô ôm nó lên, không tìm thấy vị trí đặt thích hợp, cô bèn di chuyển chiếc ghế, rồi đặt điện thoại lên. Việc đầu tiên là cầm ống nghe gọi điện thông báo tình hình bên trong cho Đoàn Mạnh Hòa, trong phòng làm việc của anh ta đang tập trung một số bác sĩ chuyên gia trong mấy bệnh viện Tây y ở Thượng Hải, sau khi nghe thấy tin tức dịch cúm xuất hiện đầu tiên ở đây, họ đều nhanh chóng chạy tới.

Mọi người thảo luận tình hình bệnh nhân qua điện thoại, sau đó là việc dùng thuốc.

Ai nấy đều dùng lời lẽ nặng nề, tranh cãi không dứt, ngược lại Thẩm Hề là bác sĩ duy nhất có mặt trực tiếp không nói câu nào, yên tĩnh lắng nghe, chờ họ cãi nhau xong. May mà Đoàn Mạnh Hòa là người biết cách điều tiết không khí, nhanh chóng chỉ đạo phương pháp mới nhất cho Thẩm Hề.

"Được, có tình hình mới tôi sẽ gọi điện cho anh." Cô trả lời.

Điện thoại được vứt ở hành lang, không ai quan tâm.

Sáu giờ sáng, người phụ nữ trung niên tử vong.

Cô y tá nhỏ cũng xuất hiện triệu chứng cảm cúm của dịch bệnh.

Vì bệnh nhân liên tiếp tử vong và đồng nghiệp bị lây bệnh, cô và ý tá trưởng càng ít trao đổi hơn. Giữ bình tĩnh và kiềm chế là thỏa thuận ngầm của họ.

Bây giờ, Thẩm Hề nhờ Đoàn Mạnh Hòa giúp đỡ, để y tá trưởng gọi điện cho người nhà.

Thẩm Hề đứng trên hành lang, đối mặt với bức tường.

Muôn vàn suy nghĩ của cô lúc này đều ngủ yên. Dao phẫu thuật với lưỡi hái tử thần là cuộc chiến tranh giữa kẻ yếu và người mạnh. Như Trần Lận Quan đã nói trong thư, họ của mấy trăm năm sau cũng không bằng bác sĩ ở thế kỷ mười bốn.

Thời ấy là Cái chết đen, bây giờ là dịch cúm lan tràn các nước.

"Bác sĩ Thẩm, cảm ơn cô." Y tá trưởng đưa ống nghe tới, "Cô cũng gọi một cuộc cho người nhà đi."

Người nhà ư...

Chỉ có Phó Đồng Văn thôi.

Cô cầm ống nghe, ngẩn ngơ hồi lâu, hỏi cô gái trực điện thoại số ba ba tư. Mỗi giây mỗi phút chờ đợi như kéo dài vô tận, như con lắc đồng hồ mất đi sự cân bằng, lắc lư lắc lư, mệt mỏi đến giây cuối...

"Xin chào." Giọng nói anh nắm trọn linh hồn cô.

"Là em."

"Anh đang chờ điện thoại của em." Anh nói, "Chờ một đêm rồi."

"Ở đây chỉ có em là bác sĩ... em không thể nói quá lâu." Cô nhẹ nhàng trả lời, "Bệnh nhân của em, đã có hai người không thể cứu chữa, một y tá cũng lây bệnh... May mắn, cô bé người Đức không sao."

Nói với anh những chuyện này làm gì? Để anh lo lắng ư? Cô thầm oán trách mình.

"Chiều hôm qua anh đã tới bệnh viện." Anh vẫn giữ sự thoải mái, "Không đến tầng của em, có lẽ một người nhàn rỗi như anh không giúp được gì, hơn nữa còn làm em phân tâm, ngáng đường em cứu người. Chí hướng của con gái, anh phải học cách thành toàn."

Cách nói của anh luôn tỏ ra mình đáng thương, để giảm bớt sự lo lắng cho cô.

"Anh đến cũng không gặp được em, bệnh viện có quy định mà." Cô giải thích.

Cô nghe thấy tiếng hít thở của anh, trong hành lang bệnh viện buổi sáng sớm, cánh mũi bỗng nhiên nghẹn lại.

Đàm Khánh Hạng nói rất đúng, đời người ngắn lắm, sức nặng của bốn chữ này hôm nay cô mới hiểu.

"Năm ấy em..." Tim cô bất chợt đau thắt lại, "Hối hận rồi."

Dù bị nhiễm bệnh, cô cũng phải nói với anh, hồi đó rời khỏi Bắc Kinh cô đã hối hận cỡ nào.

Phó Đồng Văn không lên tiếng.

Tiếng áo sơ mi va quệt, sột soạt trong ống nghe, như tiếng gió thổi qua tán lá cây ngô đồng.

Tại sao không nói gì, chắc không phải tim khó chịu đấy chứ? Cô nghĩ lung tung.

"Anh ba..." Anh ngập ngừng, dường như đang tìm từ ngữ, rồi tiếp tục nói: "Tình cảm của anh với em, trước đây chưa từng có người khác, nếu em muốn nghe, khi nào về, anh sẽ từ từ nói hết."

Lặng thinh một lúc lâu, anh lại nói: "Em là bác sĩ cứu người trên tuyến trước, anh là kẻ an nhàn ngồi trong nhà, có lẽ chỉ có thể ủng hộ em bằng cách không nói những câu tang thương."

"Không sao, anh không ảnh hưởng đến em đâu..."

Sự tồn tại của anh, với em đã là sự ủng hộ rồi.

"Uyển Ương." Anh gọi cái tên đến cô cũng thấy xa lạ, "Anh yêu em."

Anh nói xong, trầm mặc giây lát rồi nói thêm lần nữa: "Anh yêu em."

...

Khẩu trang che kín nửa dưới khuôn mặt Thẩm Hề, lớp vải khẽ run lên, hơi thở hỗn loạn.

Uyển Ương, uyển tại thủy trung ương, một ngụ ý rất đẹp.

Nhưng cũng là một cái tên một thân một mình, xung quanh chỉ có nước, không ai nương tựa, một đời trôi nổi.

Trong ánh đèn trắng mờ, đôi mắt cô lấp lánh ánh nước.

Anh nói yêu cô, cô biết trả lời thế nào?

***

"Bác sĩ Thẩm." Y tá trưởng phá vỡ bầu không khí yên tĩnh.

Thẩm Hề hoảng hốt, đáp "Liên lạc sau" rồi đặt ống nghe xuống, quay trở về chiến trường của mình.

Ánh nắng buổi trưa chiếu vào căn phòng, còn cô đang nghĩ, sau khi thổ lộ mà điện thoại bị cúp đột ngột, tâm trạng anh sẽ thế nào nhỉ?

Buổi chiều có chuyển biến, sau khi hai bệnh nhân liên tiếp tử vong, nhóm bác sĩ đã có biện pháp tốt hơn, cô y tá nhỏ may mắn trở thành ca bệnh phục hồi đầu tiên. Với dịch cúm này, khi đó Thẩm Hề còn cho rằng Trung Quốc sẽ không nghiêm trọng như châu Âu, nhưng sự thật chứng minh sự truyền nhiễm của bệnh dịch đã lan trong phạm vi toàn thế giới, sau nay, Trung Quốc và Nga cũng không tránh khỏi.

Nhưng thời đại chiến loạn quân phiệt, không thể lưu giữ nhiều tài liệu bằng chữ và bằng hình.

Ngày thứ ba sau khi cô y tá nhỏ hồi phục, Thẩm Hề rời khỏi tầng cách ly.

Đã mười ngày trôi qua kể từ ngày nhận bệnh nhân.

Vì Thẩm Hề là bác sĩ điều trị chính nên cô bé người Đức ý lại không rời cô nửa bước, Thẩm Hề và cô bé không có tiếng nói chung, may thay Đàm Khánh Hạng thông thạo ngôn ngữ của các nước phương Tây, mấy lần gọi điện thoại trao đổi với cô ấy, tự mình đảm nhiệm chức vụ an ủi "bé con" vừa mất cha mẹ.

Nói là thiếu nữ, nhưng thật ra cô bé còn cao hơn cả Thẩm Hề, thậm chí còn cao hơn Đàm Khánh Hạng – người chưa gặp mặt bao giờ.

Thẩm Hề nhờ y tá giúp mình chuẩn bị một bộ váy sạch sẽ, là trang phục kiểu cũ, đồng phục học sinh kiểu Trung Quốc.

Cô hẹn với Phó Đồng Văn bốn giờ, ở tầng một, khu vực chờ khám của bệnh viện.

Ba giờ năm mươi lăm phút, cô không chờ nổi bèn đưa cô bé xuống tầng trước, ai ngờ trong cổng bệnh viện đã có người còn gấp gáp hơn. Xe của anh đậu ở bên ngoài, xã hội đen đi theo bảo vệ được dặn dò cũng chờ bên ngoài, còn anh một mình đứng bên cánh cửa gỗ lắp kính rộng lớn, hai tay chắp sau lưng, đan vào nhau.

Nét mặt chờ đợi không sốt ruột không nóng nảy, nhưng cũng cực kỳ buồn chán. Ngắm anh lâu chỉ thấy bình thường nhưng khi anh một mình đứng trong đám đông sẽ lập tức nhận ra sự khác biệt. Anh cao lớn, đứng trước cổng lớn bệnh viện sơn màu trắng giản dị đều có thể khiến hoa thơm cỏ lạ phải kém sắc.

Từ lúc cô xuất hiện, anh đã nhìn thấy cô, nét mặt buồn tẻ biến mất.

Suốt cả quãng đường cô đi, anh đều dõi mắt nhìn.

"Mấy giờ anh đến đây thế?" Cô như nữ sinh bị người ta chặn trước cổng trường học, trong ánh mắt tò mò của mấy y tá và bác sĩ ở đại sảnh, cô chột dạ hỏi.

"Không chắc nữa, khoảng hai giờ." Anh bước tới gần.

"Hai giờ?" Đứng lâu thế ư... "Đến sớm vậy cũng không nói cho em biết."

Chớp mũi Thẩm Hề chạm phải áo vest của anh, cô mới đoán được anh định làm gì, nhưng không cho cô cơ hội suy nghĩ, anh đặt nụ hôn lên cánh môi cô.

Nơi này là Trung Quốc, không phải ở New York, dù ở New York, hai người yêu nhau muốn hôn cũng không thể làm ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, bất cứ trường hợp gì... hơn nữa đây còn là bệnh viện, người tới người lui rất nhiều...

Huống chi là một nụ hôn sâu táo tợn.

Nụ hôn của anh hoàn toàn làm cô mất thăng bằng, linh hồn trong cơ thể xáo trộn bồng bềnh, tựa như đã bị anh hút mất.

Hôn xong, anh còn cười.

"Những chuyện hẹn hò này, đến trước chờ đợi mới thể hiện thành ý." Anh hôn tiếp một cái lên môi cô như chuồn chuồn đạp nước, rồi thơm nhẹ lên trán, quay trở về với vẻ lông bông: "Anh ba đưa em đi ăn bít tết cừu, món em thích nhất."