Chánh ngọ ngày hôm sau, Văn Trọng dẫn quân tới dưới thành Ký châu khiêu chiến, Tô Hộ biết thế yếu, không muốn nghênh chiến, song lại e vì vậy mà sĩ khí tướng sĩ suy giảm, chỉ đành bất đắc dĩ lệnh mở cửa thành đối địch.
Văn Trọng toàn thân nai nịt gọn gàng, đầu đội Cửu vân kim quan, mình mặc giáng tiêu đạo bào, cưỡi một con hắc kỳ lân săn chắc như đồng, lưng đeo Thư hùng song tiên, lộ vẻ uy vũ bất phàm.
Tô Hộ trông thấy Văn Trọng, trong lòng sợ hãi, cái lưng bất giác hạ thấp, nói ra lời đã chuẩn bị từ trước: "Đã lâu không gặp lão thái sư, Tô Hộ thân mang giáp trụ, không tiện hoàn lễ, xin ngài lượng thứ. Đương kim thiên tử vô đạo, không nghe lời trung thần, chuyên sủng nịnh thần, cường hành thi bạo chánh, ảnh hưởng tới căn cơ của 800 chư hầu, phá hoại phép tắc tổ tông. Tô Hộ vốn là trung thần, làm phản thực là bất đắc dĩ, thái sư vì sao không lui binh mã, về triều can ngăn thiên tử, tránh xa tiểu nhân, gần gũi hiền thần, từ bỏ bạo chánh để thiên hạ được thái bình như xưa".
"Giỏi cho tên nghịch tặc, dám trước mặt bổn thái sư uốn lưỡi đổi trắng thay đen, điên đảo thị phi!", Văn Trọng giận quá mà cười: "Đương kim thiên tử trí dũng song toàn, nhân đức vô song, có lòng thi tân chánh giải trừ khổ nạn của muôn dân. Ngươi vì lợi ích bản thân mà dám kháng lại thánh chỉ, còn ngang nhiên thốt ra lời đại nghịch, thực tội không thể tha. Hôm nay thiên binh đã tới, lũ chúng bay còn không hàng phục, lại dám dẫn binh nghênh chiến, khua môi múa mép, thực là đáng hận!"
Tô Hộ bị mắng câm họng không nói lại được lời nào, Văn Trọng cười lạnh một tiếng, nhìn tả hữu hai bên: "Người nào muốn thay ta bắt nghịch tặc này?"
Một tướng hô lên đáp lời: "Mạt tướng nguyện bắt tên giặc này lập công với thái sư!"
Người này chính là Trương Khuê, mặc ô kim giáp trụ, trong tay cầm trường đao, cưỡi Độc giác ô yên thú xông ra. Một tướng cũng từ bên Tô Hộ chạy ra nghênh tiếp: "Ta là thiên tướng Lưu Khải, tướng kia mau xưng tên!"
Trương Khuê vỗ nhẹ lên cái sừng nhỏ trên đầu Độc giác ô yên thú, tốc độ con thú tức thì nhanh hơn vài lần, nhanh như chớp giật đã xông tới bên người Lưu Khải, tại lúc hai bên áp sát, Trương Khuê rút đao ra ngạo nghễ đáp lời: "tướng tiên phong chinh thảo Đại Thương, Trương Khuê chính là ta!".
Lời còn chưa dứt, đầu Lưu Khải đã rơi xuống đất, máu nhuốm đỏ lưng ngựa, thì ra trong sát na rất nhanh đó, Trương Khuê đã kịp giết chết Lưu Khải. Tướng sĩ Ký châu thấy Trương Khuê lấy đầu đại tướng bên mình dễ dàng như vậy, sĩ khí không khỏi đại giảm.
"Thất phu Trương Khuê chớ có đắc ý, tối qua ta ngươi còn chưa phân thắng phụ, hôm nay tiện thể giải quyết cho xong!", Tô Toàn Trung thấy sĩ khí bên mình yếu ớt, không nhịn nổi cơn giận, bất kể Tô Hộ ngăn trở, giục ngựa xông tới.
Tuy vậy, Tô Toàn Trung cũng không phải kẻ mãnh phu, trong lòng e ngại tốc độ của Độc giác ô yên thú, lập tức mở miệng nói: "Trương Khuê! Ngươi chỉ biết dựa vào tọa kị, không phải là trang hảo hán, có dám cùng ta xuống ngựa quyết chiến một trận?"
"Tô Toàn Trung, ngươi tính kế thực giỏi! ", Trương Khuê cười ha hả: "cũng được, bổn tướng quân đáp ứng ngươi, cho ngươi chết tâm phục khẩu phục!".
Nói đoạn hắn nhảy xuống ngựa, vỗ vỗ vào lưng tọa kỵ, cho Ô yên thú lui về trong trận. Ô yên thú có linh tính, liền lui về bên người nữ chủ nhân. Văn Trọng không ngờ Trương Khuê dại dột như vậy, không khỏi nhíu mày, Cao Lan Anh đứng một bên nhỏ giọng nói: "thái sư không cần lo lắng, chuyết phu tự có kế thắng địch".
Tô Toàn Trung thấy Trương Khuê xuống ngựa thì cười thầm, tin mình thắng chắc, cũng xuống ngựa hươ kích tấn công. Trương Khuê không hề e dè, giơ trường đao trong tay đón đỡ. Hai người võ nghệ cao cường, đánh nhau một hồi nhất thời không phân thắng phụ, tướng sĩ hai bên nhìn tới đầu hoa mắt váng.
Tô Toàn Trung không ngờ Trương Khuê không chỉ có thần mã mà công phu cũng lợi hại như vậy, mình đã dụng toàn lực mà vẫn bị hắn áp chế, tiếp tục chiến đấu ắt mình thua không nghi ngờ gì, không khỏi có chút nóng vội, lập tức đánh vờ một kích, quay đầu bỏ chạy. Trương Khuê sao chịu bỏ qua, nhanh chóng đuổi theo. Tô Toàn Trung thấy Trương Khuê đuổi tới, lòng thầm đắc ý, chạy được vài bước đột nhiên quay người, Ngân tiêm kích trong tay như con rắn độc mổ thẳng tới yết hầu Trương Khuê.
Mắt thấy Trương Khuê tuyệt không thể tránh khỏi, Tô Toàn Trung không khỏi vui mừng, đột nhiên một tình cảnh không thể tin nổi phát sinh, Trương Khuê đột nhiên biến mất, một kích kia đâm vào không khí. Tại lúc Tô Toàn Trung ngẩn người, Trương Khuê đột nhiên hiện ra phía sau hắn, một đao chém tới.
Tô Toàn Trung nhờ vào kinh nghiệm chiến đấu, cảm giác được nguy hiểm tới gần, hạ ý thức thu người lăn xuống đất, thoát khỏi kiếp bị chặt đầu, nhưng lại bị Trương Khuê đuổi kịp, lĩnh trọn một cước ngay giữa ngực, Ngân tiêm kích cũng bị đá bay. Tô Toàn Trung trúng đòn, vài đốt xương tức thì gãy vụn, đau đớn kêu lên một tiếng, Trương Khuê xách hắn lên, vận thần lực, hướng phía trại mình hét lên một tiếng ném hắn đi: "trói lấy cho ta!".
Tô Toàn Trung bị quăng bay đi vài mét, rớt phịch xuống đất, chỉ thấy vết thương trước ngực đau đớn vô cùng, nhất thời không sao phản kháng được, bị binh Thương cầm gậy ùa tới, tức thì bị trói.
Động tác giao thủ của hai người rất nhanh, người xem chỉ thấy Tô Toàn Trung đánh trượt một kích, rồi rất khó hiểu bị Trương Khuê đánh ngã. Chỉ có Văn Trọng dùng thần nhãn mới thấy rõ ràng: Trương Khuê lúc đó đột nhiên cả người nhập vào trong đất, sau đó chui lên từ phía sau Tô Toàn Trung, đem hắn đánh bại, thời cơ và vị trí đều rất hợp lí. Văn Trọng vui mừng, buột miệng khen ngợi: "Trương tướng quân thực thần thông!, không ngờ lại có phép địa hành lợi hại như vầy, giờ còn lo gì không bình định được Ký châu?"
Tô Hộ thấy con trai bị bắt, trong lòng nóng nẩy, Trịnh Luân ở bên cạnh liền giục ngựa xông ra: "Trương Khuê chớ chạy, có ta tới bắt ngươi đây!"
Trịnh Luân tướng mạo tựa phán quan, râu tựa mũi kim, đầu đội Cửu vân liệt diễm quan, mình mặc Kim tỏa giáp, lại khoác Đại hồng bào, cưỡi một con Hỏa nhãn kim tinh thú, tay cầm hai cây Giáng ma xử, đằng sau có một đội nhân mã, bố trận theo phép Bắc phương nhâm quý thủy chi hình, áo đen giáp đen, như một đoàn mây đen, chính gọi là Ô Nha Binh.
Trương Khuê sớm đã trở lên mình Độc giác ô yên thú, thấy Trịnh Luân dáng vẻ kỳ dị, lòng sinh chiến ý, cũng không trở về trong trận, cầm trường đao quát hỏi: "Tướng đến xưng tên!"
Trịnh Luân hô lớn đáp: "thượng tướng đốc lương Ký châu, Trịnh Luân chính là ta, ngươi dám bắt con trai chủ tướng ta, tự tác ngông cuồng, mau thả thiếu tướng quân ra, xuống ngựa chịu trói. Nếu dám cãi lời, giết thành tro bụi!".
Trương Khuê nghe lời ngông cuồng như vậy, giận dữ quát: "Hảo thất phu! Tô Hộ vì tư lợi dám nghịch chỉ, tội đáng giết toàn gia, chúng bay chính là theo tặc đảng. Một tên đốc lương nhỏ bé như ngươi dám cuồng vọng vậy sao?"
Trương Khuê ra hiệu cho Ô yên thú xông tới Trịnh Luân. Trịnh Luân biết thú cưỡi của hắn rất nhanh, sớm có chuẩn bị: thấy giặc phải đánh liền tay, người này có dị lực, chỉ sợ còn kỳ thuật khác, nếu không tiên hạ thủ vi cường, sợ rằng sẽ trúng độc thủ của hắn.
Trịnh Luân từng theo học Tây Côn Lôn Độ Ách chân nhân, học được phép khiếu trung nhị khí (hai luồng khí trong lỗ mũi), có thể đoạt hồn phách đối thủ, phàm khi đối địch, có thể dùng dị thuật bắt người. Trịnh Luân ngoắc tay ra sau lưng một cái, ba ngàn binh ô nha phía sau đồng loạt hô lên, cả đoàn binh kéo đến như một con rắn dài, người cầm móc câu, kẻ cầm dây trói, rất nhanh xông tới.
Trương Khuê còn tưởng hắn muốn lấy nhiều địch ít, vội vàng ghìm cương Ô yên thú lại.
Vừa dừng lại, chỉ nghe trong lỗ mũi Trịnh Luân như có tiếng như chuông ngân, rồi hai đạo hào quang trắng toát bay ra. Trương Khuê vừa nghe tiếng chuông, tối tăm mặt mày, đầu óc trống rỗng, tức thì ngã nhào xuống đất. Binh ô nha thừa cơ đem dây trói lại, bắt Trương Khuê về trong trận.
Trương Khuê một lúc sau mới tỉnh lại, phát hiện mình đã bị bắt, cũng không kinh sợ, cười lạnh nói: "Giỏi lắm! không ngờ Ký châu còn có dị nhân thế này, ta nhất thời sơ ý bị ngươi bắt được, kể cũng có chút bổn sự". Nguồn: http://truyenfull.com
"Ngươi đã là tù binh, còn dám đại ngôn?", Trịnh Luân mặt lộ vẻ đắc ý, lệnh Ô nha binh canh chừng Trương Khuê, nhìn về phía binh Thương hét lớn: "quân Thương tử tế nghe đây! Tướng tiên phong của các ngươi đã bị ta bắt sống, mau thả thiếu tướng quân Tô Toàn Trung ra đây, hai bên đổi tù binh bảo toàn tính mạng!"
Lời còn chưa dứt đã thấy Ô nha binh huyên nháo, Trương Khuê vừa bị bắt đây đã không thấy đâu. Trịnh Luân giận dữ: "vừa rồi còn dặn các ngươi cẩn thân trông chừng hắn, sao vừa nháy mắt đã không thấy đâu rồi?"
Thân binh sợ hãi đáp lời: "khởi bẩm tướng quân, không phải tiểu nhân sơ ý, vừa rồi…người này lắc mình một cái đã không thấy đâu".
Trịnh Luân còn muốn hỏi lại, thanh âm Trương Khuê đã vang lên từ xa: "Trịnh Luân kia chớ có cuồng vọng, đạo thuật trong thiên hạ vô số, đâu phải mình ngươi mới biết!"
Trịnh Luân tử tế nhìn lại, thì ra Trương Khuê kia cưỡi Độc giác ô yên thú đã lại xuất hiện trước trận quân Thương, tướng sĩ bên Thương thấy tướng tiên phong thoát cảnh giam cầm, lành lặn trở về, nhất thời hoan hô như sấm. Tô Hộ lộ vẻ kinh sợ: "Đối phương có dị thuật thế này, quân ta làm sao thắng được?"
"Thuật địa hành của Trương tướng quân thực là tinh diệu, thực là phúc của quân ta", Văn Trọng khen ngợi thần thông của Trương Khuê không ngớt: "tướng quân liên tiếp chiến 2 trận, có công bắt giặc, trước hãy lui xuống nghỉ ngơi một lúc!"
Trương Khuê tuân lệnh lui về bên người Cao Lan Anh. Văn thái sư cưỡi Mặc kỳ lân, gỡ xuống cầm lấy Thư hùng song tiên, trỏ vào mặt Trịnh Luân, cũng không nói nhiều, quát lớn: "nghịch tặc xem đây", rồi quăng song tiên lên không trung. Thư hùng song tiên này vốn là hai con giao long hóa thành, ẩn chứa âm dương nhị khí, là được sư tôn Văn Trọng là Kim Linh thánh mẫu ban cho. Văn Trọng đã luyện hóa song tiên nhiều năm, hết sức thuần thục, thậm chí còn dung hợp một chút vũ kỹ vào trong pháp bảo, giúp uy lực tăng mạnh. Hai thanh roi thần trong không trung quấn quýt không ngừng, hoặc cao hoặc thấp dũng mãnh đánh xuống. Chỉ thấy Trịnh Luân bị đánh tới tối tăm mặt mày, ngã nhào xuống ngựa, may có binh Ô nha liều mạng xông lại cứu đem về trận.
Văn Trọng cũng không truy cản, chân đạp song tiên bay lên không trung, mặt đất trước mặt quân Ký châu bỗng xuất hiện một vết nứt rất sâu dài mười mấy trượng, tướng sĩ Ký châu kinh hồn táng đởm, vội vàng lui lại. Thanh âm Văn Trọng truyền ra xa xa: "song tiên của bổn thái sư hôm nay không đánh phàm nhân, chỉ trừng trị một chút. Ân nghĩa của thiên tử vang khắp tứ phương, thi hành tân chánh chính là giải khổ nạn cho các ngươi. Ký châu Tô Hộ vì tư lợi mà dám phản nghịch, chống lại thiên binh, tội không thể tha. Thiên tử có lệnh, nếu quân dân Ký châu hiểu được đại nghĩa, hạ giáo quy hàng, chúng ta sẽ không truy cứu tội nghiệt, chỉ trừng trị một người Tô Hộ!"
Lời này vừa ra, hiệu quả còn hơn cả song tiên, binh mã Ký châu nhất thời xao động. Tô Hộ vốn muốn xua quân liều mạng, thừa cơ cứu Tô Toàn Trung về, nhưng giờ thấy Văn thái sư phát uy, e sợ quân tâm đại biến, không dám luyến chiến, vội vã gióng trống thu binh rút vào trong thành. Văn Trọng cũng không hạ lệnh lập tức công thành, lui về trong trận, lệnh người lột khải giáp Tô Toàn Trung, dùng hình cụ gông lại, nhốt vào trong xe tù.
Trương Khuê am hiểu binh pháp, khâm phục nói: "sớm nghe thần uy song tiên của thái sư, hôm nay được tận mắt chứng kiến thực là danh bất hư truyền, khiến mạt tướng bội phục, mấy lời sau đó càng là lợi hại, khiến cho quân tâm Ký châu đại loạn, vô lực tái chiến".
Cao Lan Anh đứng bên tán đồng, cũng nói: "không chỉ quân địch sĩ khí giảm mạnh mà dân tâm cũng lay động. Thái sư có thể sai người trà trộn vào trong thành tán phát lưu ngôn, nói rõ Thiên tử chỉ trừng trị kẻ ác, tin rằng không bao lâu trong thành sẽ phát sinh tao loạn, có khi quân dân còn chủ động dâng thành, lúc đó Ký châu không đánh mà thắng".
"Hiền phu phụ quả không thẹn là tướng tài được thiên tử đích thân chọn lựa, quả nhiên kiến thức hơn người, vậy hãy làm theo lời Cao tướng quân", Văn thái sư vuốt râu cười nói: "kỳ thực Bệ hạ còn chuẩn bị sớm hơn chúng ta, trước khi đại quân xuất phát, đã đăng rõ mục đích và chỗ tốt của tân chánh lên Đại Thương Quý Khan. Lúc này thiên hạ đều biết thiên tử cải cách vì dân, mà lũ chư hầu mưu đồ phản nghịch kia tất thành kẻ thù của bách tính. Tin rằng dân tâm Ký châu đã sớm xao động, ngấm ngầm chống đối. Nếu cường bạo công thành, không chỉ có thể tổn thất binh tướng, còn khiến cho quân dân Ký châu thù địch. Giờ quân ta cứ vậy chặt không công, chờ chúng tự loạn là được".
Trương Khuê các tướng đều xưng phải, Văn Trọng tức khắc hạ lệnh: mười vạn đại quân vây chặt thành Ký châu, một con chim cũng không cho bay lọt.
Tin tức thành bị vây nhanh chóng truyền ra, Tô Hộ nóng nảy vô cùng, ăn ngủ không yên. Trịnh Luân bị roi thần của Văn thái sư đánh gãy vài khớp xương, thương thế cực nặng, được quân y chữa trị, tuy không nguy đến tính mạng nhưng không còn lực tái chiến. Tô Hộ đêm qua cướp trận tổn binh mất tướng, hôm nay lại bị đánh cho đại bại, Triệu Bính, Lưu Khải bị giết, Tô Toàn Trung bị bắt, Trịnh Luân trọng thương, sĩ khí giảm mạnh. Lại thêm câu cuối cùng của Văn Trọng khiến nhân tâm xao động, khiến dân trong thành Ký châu thì thầm đứng lên bàn tán, truyền ngôn lan ra, đều nói rằng "thiên tử thi nhân chánh cứu thiên hạ, Tô hầu kia là phản nghịch bất nghĩa", nếu không phải hắn khống chế chặt chẽ cục diện nhiều năm, sợ rằng tao loạn đã sớm phát sinh.
"Phụ thân, không cần quá lo lắng ảnh hưởng tới thân thể, xin hãy nếm chút rượu thịt này đi, đây đều là hài nhi tự thân nấu nướng a", một giọng nói động lòng người vang lên, nếu là bình thường, Tô Hộ nhất định khen nữ nhi vài câu, nhưng giờ đại nạn tới đầu, hắn còn tâm trí đâu ăn uống?
Tô Hộ không muốn làm buồn lòng con gái Đát Kỷ, miễn cưỡng uống chút rượu, ngoài cửa lại một mỹ phụ trung niên bước vào, khóc lớn: "lão gia, Toàn Trung bất hạnh rơi vào tay địch… xin mau nghĩ cách cứu nó về, chúng ta chỉ có một con trai này thôi…"
Nhắc đến Tô Toàn Trung, Tô Hộ buồn bực trong lòng, lại nghe thê tử ra rả khóc lóc càng thêm bực bội, cầm chén rượu ném mạnh xuống đất "choang", vỡ thành từng mảnh vụn, giận dữ nói: "đồ đàn bà vô tri, biết gì chuyện chinh chiến! nghịch tử kia không nghe lời ta, tự phụ võ nghệ cao cường bị địch bắt lấy, chết cũng đáng lắm! Giờ toàn thành bị bao vậy, Ký châu nguy cấp lắm rồi, bà còn khóc lóc cái gì? Nếu thành bị phá, không chỉ nghịch tử khó sống, cả nhà họ Tô chúng ta cũng đừng mong thoát nạn!"
Tô Đát Kỷ biết phụ thân phiền não, không dám đả nhiễu, ánh mắt rưng rưng, ngoan ngoãn theo mẫu thân rời đi.
Tô Hộ càng nghĩ tâm tình càng phiền muộn, đem cả vò rượu trút sạch vào mồm, miệng hàm hồ chửi bới: "đều là mấy tên chư hầu chó má kia lừa ta…nói cái gì cùng hội cùng thuyền, giờ đại nạn lâm đầu không kẻ nào tới giúp…Tô gia chúng ta bị các ngươi hại rồi…"