Điện Chiêu Dương từng có quá nhiều chuyện bi thương xảy ra, điện Càn Nguyên mai táng âm linh Hoàng đế bao đời.
Bởi vì tôi không muốn gây dựng lại cung thất mới trên đống phế tích ấy, không muốn ôn lại những vui buồn xưa khi nhìn thấy những mái ngói, hành lang quen thuộc nên ba ngày sau, Tiêu Kỳ hạ chỉ san bằng hai điện, chọn ngày lành tháng tốt xây dựng tẩm cung, bỏ tên điện Chiêu Dương, đổi tên điện của Hoàng hậu thành Hàm Chương.
Người cũ trong cung trải qua biết bao kinh biến loạn ly, biết quá nhiều bí ẩn trong cung.
Tôi không đành lòng giam cầm họ trong thâm cung chờ chết, cũng không đành lòng đối diện với những gương mặt, những ánh mắt có vẻ quen quen… Sau tháng ba, Tiêu Kỳ hạ chỉ trục xuất cung nhân tiền triều, ban thưởng lương bổng, điều về cố hương.
Phản thần Tống Hoài n chết, Tiêu thị tiết liệt hy sinh vì nước, được truy phong Hiếu Mục Trưởng Công chúa. Nhờ sự che chở của tôi, ba đứa con nhà họ Tống trẻ người non dạ thoát tội, biếm làm thứ dân, theo người nhà đi đày ở Tây Thục, vĩnh viễn không được trở về.
Di hài tiên đế bị hủy trong lửa, Tiêu Kỳ cũng theo mong muốn của tôi, chôn y phục và di vật ở Hoàng lăng.
Những người ở bên cạnh tiên đế khi xưa, hoặc bị phản quân giết, hoặc ra cung, không còn ai biết chuyện ngày đó nữa.
Tiêu Kỳ thậm chí chưa từng truy cứu cái chết của Tử Đạm.
Hết thảy đều thuận theo tôi, vạn sự như ý.
Điều tiếc nuối duy nhất là ca ca không về.
Giang Hạ Vương lỗi lạc như ngọc lựa chọn ở lại nơi đất bắc rét lạnh xa cố quốc.
Tiêu Kỳ sau khi về triều đã trục xuất người Đột Quyết ra khỏi Bắc mạc, đến vùng đất hoang.
Chỉ cần tới tháng ba, chàng sẽ có thể tiêu diệt gần hết người Đột Quyết, hoàn toàn xóa sổ vùng đất của tộc người này.
Song Tống Hoài n làm phản, khiến Dự Chương Vương phải quay đầu, chuyển hướng mũi kiếm.
Nội loạn, cuối cùng khiến mưu tính của một vị vua kiệt xuất thất bại trong gang tấc.
Có lẽ là ông trời không muốn diệt Đột Quyết.
Tiêu Kỳ không phải thần, chiếm được giang sơn đế vị, nhưng lại không thể san bằng Đột Quyết ở khoảnh khắc cuối, thực hiện chí nguyện thống nhất sơn hà. Lần này phát động bắc phạt rầm rộ như thế vẫn chưa đạp bằng được Đột Quyết, chỉ e sau này có muốn làm rầm rộ hơn cũng không phải chuyện dễ.
Hạ Lan Châm tử chiến không chết cuối cùng cúi đầu trước Tiêu Kỳ, xin hàng.
Năm tháng làm con người thay đổi, ngay cả Hạ Lan Châm cũng không quyết tuyệt như lúc đầu nữa, có thể cúi đầu trước kẻ thù.
Hắn rốt cuộc trở thành Đột Quyết Vương chân chính, quyết định lựa chọn bảo vệ đất nước chứ không trả thù riêng.
Tiêu Kỳ chấp nhận thư xin hàng, ký minh ước với Đột Quyết, hoạch định ranh giới.
Hạ Lan Châm dẫn những bộ tộc còn sót lại đi về vùng đất bắc xa xăm, hiến dâng vùng Bắc mạc phì nhiêu cho triều ta.
Tôi không tin Hạ Lan Châm thật sự nhận thua. Người như hắn, giống như con sói cô độc trên thảo nguyên, có thể ẩn nấp tùy thời, chưa đến lúc tử vong thì sẽ chưa buông tha mục tiêu. Tạm thời quy hàng chỉ là để giữ một đường sống.
Hắn lại một lần nữa thoát khỏi lưới của Tiêu Kỳ. Trong mười năm, hai người họ không ai tiêu diệt được ai.
Tiêu Kỳ là chim ưng bay liệng trên trời, Hạ Lan Châm là rắn độc ẩn nấp trên mặt đất.
Có lẽ, hắn sẽ còn trở lại.
Sau khi hoạch định ranh giới, Tiêu Kỳ ban bố một thánh chỉ.
Thánh chỉ này thay đổi vận mệnh ca ca, thay đổi vận mệnh ngàn vạn người, cũng thay đổi cả một vùng đất phương bắc. Chàng lấy Ninh Sóc làm bắc, cực bắc làm nam, chia vùng đất thành bảy miền dân cư, đưa nhóm người du mục Đột Quyết tới phía bắc Ninh Sóc, dạy cách trồng trọt, khai hoang đồn điền; đưa người Hán mất đi nhà cửa trong chiến tranh đến vùng đất bắc phì nhiêu, xây nhà cửa buôn bán… Trước tiên dùng võ lực khiến các tộc khuất phục, sau cho họ tụ tập sinh sống, khiến phong tục các nơi giao thoa dung hợp, phải sống nhờ vào nhau, vì sinh tồn mà buông bỏ thù hận, cùng nhau tồn tại.
Trường kiếm trong tay vương giả dù có thể cắt đất phân biên giới, nhưng không cắt được sự quyến luyến của con dân đối với cố thổ, cắt không được dòng máu chảy xuôi bao thế hệ. Một đêm ra khỏi thành Ninh Sóc, tôi từng cùng Tiêu Kỳ cưỡi ngựa, dõi mắt khắp nơi, trông thấy dân du mục Đột Quyết nổi khói bếp. Đã cách nhiều năm, tôi vẫn nhớ lời Tiêu Kỳ nói hôm ấy, “Hai tộc Hồ Hán vốn là răng môi, trong mấy trăm năm ta đánh ngươi lui, bất luận bên nào thắng bên nào bại, dân chúng vẫn là người vất vả nhất, không được an bình. Chỉ có loại bỏ giới hạn lãnh thổ, khiến cho huyết mạch dung hòa, tục lệ đan xen, trong ngươi có ta, trong ta có ngươi, hai tộc kết hợp hòa thuận thì mới ngừng được chiến tranh”.
Lúc đó, tôi chỉ cho rằng đây là giấc mộng không tưởng.
Chàng lại làm được.
Tuân theo minh ước, Hạ Lan Châm xưng thần, ban cho Trưởng Công chúa Hòa Tĩnh Lang nha Vương trượng, sắc phong Côn Đô nữ vương.
Trưởng Công chúa Hòa Tĩnh được tiên đế gả cho Đột Quyết, nhưng hai nước lại xảy ra chiến tranh, mãi cho đến lúc Đột Quyết thất bại quy hàng cũng chưa cử hành được đám cưới, không thể kháng chỉ, lại không thể thành Vương hậu Đột Quyết.
Hồng nhan cô độc, không nơi nương tựa, nơi đâu cũng không phải cố hương.
Từ đây về sau, Trưởng Công chúa Hòa Tĩnh của thiên triều trở thành Côn Đô nữ vương, nghĩa là “thần giữ nhà” cho Đột Quyết.
Một đầu nhìn cố hương phương nam xa xăm, một đầu thủ hộ con dân phương bắc.
Vẫn còn nhớ ngày đó mưa phùn, nữ tử mặt mày như khói ấy dừng chân một lần cuối nhìn ngắm cố hương… Nhìn nhau không quen biết, trường ca tiễn Thái Vi. Loạn thế mênh mông, nhiều thiếu nữ chìm nổi. So với những hồng nhan tàn tạ kia, Thái Vi cũng coi như là may mắn hơn nhiều.
Côn Đô nữ vương ở lại Vương thành Nam Đột Quyết khi xưa, đổi tên thành là Côn Đô.
Thành Côn Đô hùng hồn cổ xưa yên lặng nằm ở phía bắc Ninh Sóc, quản lý ba bốn quận thành dân cư xung quanh, cùng nam bắc hô ứng. Nữ vương như chúa tể thần ban cho, thay thế trời bảo vệ con dân, trọn đời quy phục thiên triều.
Sau lưng quyền thần là Giang Hạ Vương tay giữ ba mươi vạn binh, theo ý thiên triều quản lý chính sự, trở thành chúa tể phương bắc chân chính.
Vận mệnh cuối cùng cũng thành toàn cho Cố Thái Vi, hoặc cần phải nói là, Tiêu Kỳ thành toàn cho Vương Túc, thành toàn cho gia tộc tôi.
Tiêu Kỳ khải hoàn về triều, phó thác ba mươi vạn đại quân cho ca ca, để ca ca ở lại bắc cảnh, vĩnh viễn làm hậu thuẫn.
Từ nay về sau, kinh thành gió thu mưa phùn không còn vị quý công tử lỗi lạc đa tình nữa. Mà ở vùng tái ngoại trời cao mây nhạt, một con diều hâu cất cánh bay lên đối đầu với gió.
Lúc trước, Cố Thái Vi cam nguyện gả đi Đột Quyết chứ không chịu từ bỏ ý khí.
Lúc trước, ca ca biết rõ đánh mất tình cảm cũng không chịu đưa tay níu kéo.
Loạn ly, lại thay đổi hết thảy.
Cùng nhau trải qua sinh tử loạn lạc, hai người cố chấp như nhau rốt cuộc cũng từ bỏ chấp niệm, đổi lấy sự sống, đổi lấy được ở bên nhau.
Chẳng qua là, họ phải trả giá cao, cả đời nắm tay mà không gần nhau được.
Họ có thể bên nhau sớm chiều, nhưng không có duyên phận thành thân, bởi vì nữ vương Đột Quyết, theo tục lệ của người Đột Quyết phải sống thân xử nữ suốt quãng đời còn lại, cả đời phụng dưỡng thần, được thần linh đặc xá.
Từ khoảnh khắc gặp nhau, số mệnh đã định nàng không làm được thê tử của ca ca.
Nhưng ít ra, họ còn nhiều thời gian, còn có thể làm bạn bên nhau, cùng nhau rong ruổi trên đại mạc, nắm tay nhau đến già… Như vậy, đã đủ.
Có lẽ, ca ca phải cảm kích Hạ Lan Châm xâm lược phía nam, cứu vãn mối nhân duyên vô vọng giữa huynh ấy và Cố Thái Vi.
Hạ Lan Châm phải cảm kích Tống Hoài n làm phản, cho hắn và tộc nhân đường sống cuối cùng.
Tử Đạm cũng phải cảm kích Tống Hoài n bức vua thoái vị, giúp huynh ấy thoát khỏi cung cấm, tự do một đời.
Tôi lại phải cảm kích Hạ Lan Châm khi xưa bắt cóc, không có hắn, tôi và Tiêu Kỳ sẽ không gặp nhau.
Chuyện thế gian, quanh đi quẩn lại, ân ân oán oán, có ai nói được rõ ràng.
Kiến Đức năm thứ hai, ngày chín tháng năm.
Dự Chương Vương Tiêu Kỳ tế thiên, đăng cơ tại điện Thái Hòa, sắc lập Dự Chương Vương phi Vương thị làm Hoàng hậu, đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu thành Thái Sơ.
Năm Thái Sơ đầu tiên, tháng sáu, Tiêu Kỳ ban chiếu phế truất lục cung, ngoại trừ Hoàng hậu, không cần tần thiếp.
Năm Thái Sơ đầu tiên, tháng bảy, sắc lập Trưởng Hoàng tử Doãn Sóc làm Thái tử.
Triều dã chấn động.
Thời kỳ hưng thịnh nhất của ngoại thích tiền triều cũng chưa từng có vị Hoàng hậu nào có thể đắc sủng như vậy.
Việc phế truất lục cung làm rung chuyển truyền thống Hoàng thất.
Từ thời Chu đến nay, các đời quân vương đều thuận theo chế lễ nhà Chu, nghi thức Tần, Hán. Tiêu Kỳ vừa mới lên ngôi đã ban lệnh hủy bỏ luật lệ cũ, bớt đi chi phí cung đình rườm rà, phẩm cấp lằng nhằng, sau đó ra chiếu “Phế lục cung, không tần thiếp, không thiết tam phi, duy Hoàng hậu chính vị”.
Người trong thiên hạ nhìn thấy, Tiêu Kỳ đối với tôi đã vượt quá ân sủng của một Đế vương đối với hậu phi.
Chàng chỉ hận không thể chia nửa giang sơn cho tôi, tặng trọn vinh quang hiển hách cho gia tộc tôi, thật sớm giao đế vị cho con trai tôi.
Nếu không có uy vọng khai quốc, có lẽ tôi đã bị quan can gián chỉ trích là yêu hậu.
Trên điện Hàm Chương, gió mát nhẹ đưa, bên ngoài rèm là trời tháng bảy nóng hừng hực.
Tôi ngồi thẳng, nheo nheo mắt, ngân nga nói: “Hoàng hậu Vương thị, ngoài can dự triều chính, trong tùy ý cai quản cung đình, có lòng đố kỵ…”.
“Vi thần cả gan xin Hoàng hậu thứ tội, thần ngàn vạn lần không thể ghi lại những lời này”.
Sử quan ngồi trước bàn trên điện lần thứ ba đặt bút xuống, quật cường quỳ phục trên mặt đất, không chịu viết theo lời tôi nói.
Tôi lẳng lặng nhìn về phía sử quan tóc bạc trắng già nua, lòng cảm động.
Ông ta đã tuổi ngoài thất tuần, trải qua biến động hai triều bốn đời, vẫn chính trực như lúc ban đầu.
Tôi động đậy, muốn tự mình đi dìu, nhưng ngay cả sức để cúi người đỡ cũng không có, thậm chí còn yếu hơn cả lão giả lớn tuổi này.
A Việt tiến lên đỡ tôi, tôi chỉ áy náy cười một tiếng, khoát tay cho nàng lui ra.
Lão sử quan trầm mặc quỳ phục trên mặt đất, không nói một lời.
Tôi nhè nhẹ mân mê đường vân kim tuyến trên ống tay áo, ngón tay tái nhợt hiện ra trên vải gấm hoa.
“Bổn cung bị bệnh lâu năm, chắc hẳn ngươi cũng biết…”, tôi còn chưa dứt lời, ông ta đã tranh nói trước, “Nương nương phúc thọ lâu dài, phượng thể nhất định có thể sớm ngày an khang”.
“Nếu như nói, thời gian còn lại của bổn cung không nhiều nữa?”, tôi lạnh nhạt cười, “Ông đoán xem sử sách đời sau sẽ viết về bổn cung thế nào, viết về những việc làm của bệ hạ ra sao?”.
Lão sử quan bất động, không nói.
Ông ta hiểu rõ hơn bất kỳ ai, ngay cả Hoàng thượng có công khai quốc khai hoang, làm nên nghiệp lớn mở mang bờ cõi thì việc tư vẫn khó tránh khỏi bị hậu thế chê bai. Thân là đế vương, chuyện độc sủng là tối kỵ, huống chi tính đến nay chỉ có một Hoàng tử duy nhất.
Từ khi chàng lên ngôi tới nay, cần chính cai trị, là quân vương cần cù nhất tôi từng thấy.
Tôi hiểu được tâm tư chàng, cho dù có chiếu thư nhường ngôi, có Tống Hoài n thế tội bức vua thoái vị, chàng vẫn kiêng kỵ miệng lưỡi chúng sinh, không muốn bị thế nhân coi là soán vị hành thích vua, thế nên chàng càng lúc càng cần cù, nhân hậu vì dân.
Đổi lấy sự ca tụng của dân chúng thì dễ, đổi lấy sự tán đồng của chúng văn sĩ thì gian nan vô vàn.
Những kẻ sĩ nghèo túng kia luôn canh cánh trong lòng xuất thân hàn vi của chàng, không tìm được lỗi trị quốc của chàng thì âm thầm chê chàng độc sủng bạc tự, trước sau gì cũng phải bôi nhọ Tiêu Kỳ mới thỏa lòng.
Bạc tự: ít con.
Tôi hiểu được hết.
Nhưng vẫn dung túng sự ích kỷ của bản thân, kiên trì với lời hẹn ước lúc đầu, không nhường bước.
Có lẽ trong mắt thế nhân, tôi là Hoàng hậu thất đức, đố kỵ nhất, chiếm đoạt ân sủng quân vương, tùy ý khuếch trương thế lực ngoại thích.
Nhưng đối với tôi mà nói, tôi đang gìn giữ lời thề năm xưa; đối với Tiêu Kỳ mà nói, đó là những bù đắp, những ăn năn, những hối hận,…
“Tham kiến Hoàng thượng”, người hầu trong điện đột nhiên quỳ xuống.
Bên ngoài không tuyên giá, không biết Tiêu Kỳ đã thong thả bước vào điện Hàm Chương từ lúc nào.
Trừ lúc lâm triều, chàng ít khi mặc long bào, vẫn như trước kia, quanh năm mặc áo bào đen đơn giản.
Năm tháng không làm giảm đi nét tao nhã thanh tuấn của chàng, phong thái càng ngày càng thêm ung dung.
Tôi khẽ nghiêng đầu, cười nhìn.
Chàng lại liếc thấy sử quan quỳ trên đất, đôi mày khẽ cau lại, phất tay áo cho mọi người lui đi.
“Chàng lại biết rồi, chuyện gì cũng không thoát khỏi mắt chàng”, tôi ngước mắt mỉm cười, thản nhiên sửa sang tóc.
Tiêu Kỳ đi tới trước án, cũng không nói gì, cầm lấy quyển trục trên bàn, đọc lướt qua.
Chàng ngước mắt nhìn tôi, như cười như không, tiện tay vứt luôn quyển trục đi.
“Nàng hung hãn ghen tuông, một mình ta biết là được rồi, không cần phải viết ra cho người khác xem”, chàng cúi người tới, nói nhỏ bên tai tôi, một câu thôi, khiến mắt tôi đỏ lên.
Tôi cầm tay chàng, làm bộ như cúi đầu mỉm cười, che giấu chua xót trong lòng.
Chàng cũng không nói thêm gì, đã có thể hiểu nhau mà không cần nói, chỉ nhẹ nhàng nắm lấy vai tôi.
Ngày chàng trở về, tôi ngất đi, lúc hôn mê, Thái y đã bẩm báo kết quả xấu nhất với chàng.
Lâu sau, A Việt nói với tôi, lúc nàng và hai đứa bé được đón về cung, nhìn thấy Tiêu Kỳ ngây ngốc ngồi bên giường, trông chừng tôi ngủ mê man, mặt ướt đẫm nước mắt.
Tôi rốt cuộc hiểu được, vì sao hôm đó tỉnh lại, nhìn thấy chàng bỗng dưng già đi mười tuổi.
Ngự y nói, tôi bị bệnh lâu năm quấn thân, đèn sắp cạn dầu, chỉ sợ không qua được mùa đông tới.
Tôi ước ao thèm muốn được như ca ca và Thái Vi biết bao. Mặc dù vận mệnh trêu ngươi, để cho họ gần nhau trong gang tấc mà biển trời cách mặt, nhưng vẫn còn cho họ thời gian nửa đời còn lại, để họ chờ đợi nhau… Nhưng, tôi và Tiêu Kỳ cực khổ đi tới hôm nay, có được hết thảy, lại không có thời gian.
Tiêu Kỳ chưa từng để lộ vẻ bi thương trước mặt tôi.
Chàng vẫn mỉm cười dỗ tôi uống thuốc, chê bai ngự y thích nói phóng đại, để tôi cảm thấy không có gì đáng lo cả.
Đối với những chuyện tôi đã làm, chàng không hề hỏi tới.
Những người tôi muốn bảo vệ, chàng không thương tổn họ.
Tất cả những gì tôi muốn, chàng đều dâng hai tay đưa cho tôi.
Từng tâm nguyện của tôi, chàng đều dùng hết khả năng thực hiện.
Nhưng, cho dù chàng có giao ra tất cả, cũng không bù đắp được áy náy và hối hận với tôi.
Chàng tính toán tường tận thiên hạ, lại không ngờ đến, tôi sẽ sớm đi bước này, sẽ thật sự bỏ chàng mà đi.
Tôi cũng tự do hưởng thụ sự cưng chiều của chàng, cả cuộc đời chưa từng tự do như thế.
Biết rõ là ích kỷ, vẫn không chịu quay đầu lại.
Chàng đã hứa đời này không lấy ai nữa, đó là lời hứa với tôi.
Tôi bắt sử quan phải viết, phải quy hết tiếng xấu về cho tôi, tôi tình nguyện gánh vác tiếng xấu, cũng không cho phép bất luận kẻ nào phá hoại lời hứa giữa chúng tôi. Tôi không muốn người đời sau chê bai chàng. Chàng là minh quân, là vị vua tài ba kiệt xuất, là đế vương muôn đời kính ngưỡng.
Hạ đi đông đến.
Xuân tới, vạn vật sinh sôi, trời đất đầy sức sống.
Ngự y nói tôi không thể sống qua mùa đông, nhưng giờ khắc này tôi vẫn ngồi dưới gốc cây ngoài điện Hàm Chương, nhìn Tẩm Chi vui vẻ chạy trên thảm cỏ xanh thả diều. Tiêu Tiêu vỗ đôi bàn tay nhỏ bé, cười khanh khách, tập tễnh chạy theo con diều trên đầu. Triệt nhi ngước mắt, nhìn cánh diều mà xuất thần, ngồi trên đầu gối tôi nói mấy câu y y a a không ai hiểu.
Con diều hình như một con chim ưng thật, bay quanh trên bầu không.
Đó là con diều ca ca gửi tới từ vạn dặm xa xăm. Huynh ấy vẫn còn nhớ, cứ đến tháng tư mỗi năm sẽ làm diều tặng tôi.
Diều mỹ nhân khi xưa, năm nay không biết sẽ tặng cho ai.
Bên cạnh con diều, còn có hoa mai Thái Vi tặng. Đóa hoa mai kỳ dị, hai màu tím trắng xen lẫn nhau, có hoa lại chẳng có lá, sinh trưởng ở vùng đất lạnh căm, vĩnh viễn không phai màu, không héo tàn.
Tiêu Kỳ nói bắc cảnh đã dần yên, ca ca rất nhanh có thể trở về, vào kinh thăm chúng tôi.
Lúc tháng giêng, cô cô bình an hoăng tại cung Trường Nhạc.
Đáng tiếc ca ca không thể về gấp, nhìn mặt cô cô lần cuối.
Phụ thân bây giờ vẫn bặt vô âm tín, thậm chí dân gian còn đồn người đã đến tiên sơn tu hành, vũ hóa thành tiên.
Dòng suy tư chợt bị tiếng kêu vui mừng của Tẩm Chi cắt đứt, “Phụ hoàng!”.
Đưa mắt nhìn thấy Tiêu Kỳ bước đến, theo sau là Tiểu Hòa tướng quân tư thế oai hùng.
Gương mặt Tẩm Chi đỏ ửng, trên trán rỉ ra mồ hôi, cố ý nghiêng người, làm bộ như không nhìn thấy Tạ Tiểu Hòa, lại giơ con diều trong tay lên, cười hỏi Tiêu Kỳ: “Phụ hoàng biết làm diều không?”.
Tiêu Kỳ liền giật mình, “Cái này, trẫm… không biết”.
Tôi khẽ cười.
Tiểu Hòa cũng cúi đầu, khóe môi nhếch lên.
“Cái này cũng không biết làm, phụ hoàng thật ngốc! Mẫu hậu dạy phụ hoàng làm một con diều tặng người đi…”, Tẩm Chi nháy mắt với tôi.
Tiêu Kỳ dở khóc dở cười trừng mắt nhìn nó.
Tôi cười nhìn Tiểu Hòa, nhướng mày nói: “Chi bằng để Tiểu Hòa làm một con diều tặng con được không?”.
“Mẫu hậu!”, Tẩm Chi đỏ bừng mặt, nhìn Tiểu Hòa một cái, xoay người chạy đi.
“Còn không đi theo Công chúa”, Tiêu Kỳ sắc mặt nghiêm nghị phân phó Tạ Tiểu Hòa.
Đợi Tiểu Hòa quay lưng đi, chàng cũng cúi đầu cười thành tiếng.
Tiêu Kỳ cười lớn, cúi người ôm đứa bé xinh xắn lên đầu gối.
Gió thổi qua ngọn cây, lay động cành cây, khiến những cánh hoa hồng phấn bay lả tả, rơi xuống áo tôi.
Tôi ngẩng đầu lên, hít hà hương hoa thơm trong gió.
“Đừng động”, Tiêu Kỳ bỗng dịu dàng nói.
Chàng nghiêng người cúi lại gần, chuyên chú nhìn, con ngươi đen nhánh ánh lên dung nhan tôi.
“A Vũ, nàng có phải yêu tinh biến thành không?”, chàng đưa tay nhặt một cánh hoa rơi trên tóc tôi, “Không già đi, lúc nào cũng đẹp… Ta có tóc trắng rồi!”.
Bên tóc mai chàng quả thực có một sợi trắng, nhưng vẻ mặt ảo não nói chuyện lúc này chẳng khác nào một đứa bé.
Chỉ có lúc nói chuyện với tôi, chàng mới không xưng “trẫm”.
Tôi đưa tay đến, giật sợi tóc bạc, nghiêm túc nhìn chàng, “Đúng, ta là yêu tinh biến ra mê hoặc chàng”.
Chàng cười, đưa tay giữ gương mặt tôi.
“Yêu tinh sống rất lâu, thế nên, ta còn muốn gieo họa ngàn năm, nhất quyết cuốn lấy chàng”, tôi cầm tay chàng, mười ngón tay đan vào nhau, thật chặt.
Đã qua được một mùa đông, tôi còn muốn tiếp tục sống sót. Cho dù một ngày, một tháng, một năm,… Chỉ cần nhiều thêm một ngày chính là nhiều thêm một khắc làm bạn.
Chính văn “Nghiệp Đế Vương” kết thúc HE tại đây. Bạn đọc nào sợ buồn thương thì xin mời dừng chân ở đây, nếu không thì mời đọc tiếp Hậu ký SE ở trang sau và 2 phiên ngoại SE.
Đôi lời tự thú:
– Kiếm Liên thực ra họ Mưu; mưu có nghĩa là kiếm, do thích nhân vật này và cảm thấy từ kiếm hợp với nhân vật này hơn nên PT đã tự ý đổi thành họ Kiếm. Mong lượng thứ.
– 63 chương, Mị Ngữ Giả cố ý đặt tên mỗi chương đều chỉ gồm hai chữ. Vì muốn giữ dụng ý của tác giả nên PT cũng dịch thành hai chữ, có thể sẽ không dịch hết được ý của tác giả. Mong lượng thứ.
Hậu ký
Năm Thái Sơ đầu tiên, Thần Võ Cao tổ Hoàng đế lên ngôi, tứ hải bình an, thiên hạ quy phục. Đế tại vị mười sáu năm, tu sửa thể chế pháp luật, dân sinh hưng thịnh, trọng dụng người tài, nghiêm dẹp thói xấu. Phế lục cung ngự chế, cả đời không nạp phi tần, thánh cung nghiêm kiệm, Đế hậu tình thâm. Hoàng hậu Vương thị, danh môn Lang Gia, hiền thục đức hậu, sinh Thái tử, Diên Hi Công chúa. Thái Sơ năm thứ tư, Hoàng hậu hoăng tại điện Hàm Chương, thọ hai mươi chín. Thượng đau tiếc, thôi triều bảy ngày, quần thần buồn bã. Quan lại tấu thụy hiệu là Ý Hoàng hậu, Thượng đặc biệt ban chữ “Kính”, thụy hiệu Kính Ý Hoàng hậu.
Thái Khang năm thứ chín, Thượng băng hà, thụy hiệu Thần Võ Cao tổ Hoàng đế, cùng hậu hợp táng tại Vĩnh lăng.
Thái tử kế vị, đất nước thái bình, mở đầu thịnh thế.
Đế, Thượng: chỉ Cao tổ Hoàng đế. Hậu: chỉ Hoàng hậu Vương thị.
Kính: kính trọng, ngưỡng mộ, cung kính. Ý: tốt, đẹp (thường chỉ đức hạnh).