Ngư Trường Kiếm

Chương 18: Trường Giang vi tuyệt phùng huynh đệ - Sách Khắc tàng trân kiến pháp sư



Trong suốt hai ngày trời, Kiếm Vân ngụp lặn trong vòng tay của bốn vị phu nhân và vui đùa với tiểu hài tử Kiếm Hồng.

Sáng ngày thứ ba, trong bữa điểm tâm, chàng bàn với Tô Tháo việc xuống Quảng Đông, đem hài cốt ba vị nghĩa đệ về quê hương của họ.

Tô Tháo bùi ngùi bảo :

- Chúng ta biết ăn nói làm sao với Thường bá mẫu và Kim Yến đây!

Kiếm Vân buồn bã nói :

- Tiểu đệ sẽ rước Thường bá mẫu về Lạc Dương phụng dưỡng, nhưng chẳng hiểu người có chịu đi hay không?

Viên Long lúc này đã được rút về Tổng đàn, giúp Cầu Nhiệm Cái điều hành mạng lưới trinh sát. Gã chạy vào báo tin :

- Bẩm Thái Thượng bang chủ, có một lão già to béo tự xưng là họ Thường, muốn được vào bái kiến.

Kiếm Vân đoán rằng đó là thân nhân của Thiết Quyền, đến hỏi thăm tin tức, chàng gật đầu :

- Sao không đưa người ấy vào ngay?

Liễu mẫu thở dài :

- Thực tội nghiệp cho Thường Kim Yến, xuất giá chưa được bao lâu đã góa chồng!

Truy Phong Cái đưa khách vào đến, lão to lớn và có bộ râu che kín gần hết khuôn mặt.

Phụng Hương là thánh thủ trong nghề hóa trang, lập tức nhận ra lão mang râu giả liền nói nhỏ với Kiếm Vân, bảo chàng lưu ý đề phòng.

Lão đứng nhìn mọi người với ánh mắt thân thiết, không nói một lời. Kiếm Vân hắng giọng :

- Mời tiền bối an tọa, tại hạ chính là Liễu Kiếm Vân.

Lão nhân ngửa cổ cười khanh khách, giọng cười vô cùng quen thuộc, đưa tay gỡ bộ râu, để lộ dung mạo thật. Mọi người bàng hoàng dụi mắt, không còn tin vào nhãn lực của mình. Tô Tháo thảng thốt gọi lớn :

- Thường tứ đệ!

Quả đúng là hắn, người tưởng đã chết từ mấy tháng trước. Gã sụp xuống ra mắt :

- Điệt nhi bái kiến ba lão nhân gia. Tiểu đệ bái kiến nhị vị huynh trưởng và chư vị.

Kiếm Vân không kềm được hân hoan, rời ghế bước đến ôm gã vào lòng khóc vùi, Tô Tháo cũng vậy, lão cười như điên cuồng :

- Tứ đệ chết đi sống lại quả là việc hi hữu chốn nhân gian!

Kiếm Vân dắt gã vào bàn, ngồi cạnh Cổ mẫu, bà run rẩy đưa tay vuốt ve gã, cười ra nước mắt :

- Chúng ta đang bàn chuyện xuống Huê Sơn bốc cốt cho ngươi đấy!

Tư Mã bang chủ rót cho gã một chung rượu, cười khà khà hỏi :

- Việc hồi sinh nầy chắc có nhiều điều kỳ thú, Thường lão đệ mau kể cho bọn ta nghe xem sao?

Thiết Quyền cười hiền hòa đáp :

- Hôm ấy, tiểu đệ trúng Diêm Vương châm, lập tức ngất đi. Khi tỉnh lại thấy mình đang nằm dưới lòng đất, vội phá mồ mà ra. Nhìn tảng đá trên đầu hai ngôi mộ mới biết cả tam ca và ngũ đệ cũng mạng vong. Tiểu đệ sợ họ cũng chưa chết như mình nên mới bới đất xem thử. Nhưng đúng là họ đã qua đời, tiểu đệ lấy hai túi bạc của tam ca rồi tìm đường trở lại Động Đình hồ. Tuy không chết nhưng chân khí bế tắc, phải tĩnh dưỡng mấy tháng trời mới hồi phục. Gia mẫu bảo rằng lúc nhỏ tiểu đệ vô tình nuốt viên Tụ Độc hoàn của tiên phụ vào bụng, nhờ vậy mới thoát chết.

Ai nấy nghe xong đều tạ ơn trời đất, cười nói vui vẻ.

Thiết Quyền nói tiếp :

- Tam ca Sấu Diêm La và ngũ đệ Hồ Nam Khoái Đao đều không còn thân quyến, vì vậy tiểu đệ đã mướn người đưa di cốt của họ về chôn trong Thường gia trang rồi! Nhưng trong túi bạc của tam ca có một tấm bản đồ bằng da dê rất cũ kỹ. Ngoài những nét vẽ còn có những chữ kỳ lạ. Nhị ca là người tài trí, may ra hiểu được.

Lão trao cho Kiếm Vân một mảnh da dê lớn bằng hai bàn tay, trên có vẻ những hình tròn, hình tam giác rất khó hiểu. Còn văn tự thì rõ ràng không phải chữ Hán.

Thanh Hoa công chúa ngồi cạnh chàng tò mò liếc mắt nhìn xem, giật mình nói :

- Đây là loại chữ tối cổ của người Mông, gia sư Từ Tâm thần ni đã từng nghiên cứu loại văn tự này. Thiếp chỉ nhận ra chữ Kim trong vòng tròn nhỏ này.

Tô Tháo bật cười :

- Thì ra đây là bản đồ một kho tàng nào đó, đang lúc rảnh rỗi, chúng ta đi tìm thử xem sao!

Trưa hôm đó, bọn Kiếm Vân nhận được thiệp mời dự lễ thượng thọ tám mươi mốt của Bạch Hổ lão nhân tổ chức vào ngày hai mươi tám tháng ba, tại Tổng đàn võ lâm.

Mọi người chuẩn bị lễ vật lên đường. Bạch Hổ lão nhân là tam đệ của Võ Lâm Chí Tôn, nên Nan Đề lão nhân là nhị ca đương nhiên phải có mặt. Kiếm Vân mừng rỡ ra mắt ân sư. Dường như lão cũng có ý muốn tìm gặp Kiếm Vân. Họ là người nhà nên đến trước hai hôm. Lão gọi chàng ra vườn hoa đàm đạo. Thấy sư phụ già yếu hơn trước, chàng xúc động thưa :

- Ân sư tuổi hạc đã cao, ở một mình trên núi Thanh Nê e bất tiện, xin người về Lạc Dương để đồ nhi phụng dưỡng.

Lão mỉm cười đáp :

- Vân nhi có lòng hiếu kính như vậy, sư phụ rất hài lòng. Thực ra ta cũng không định trở về núi nữa. Tháng trước ta xem thiên văn biết rằng năm nay thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, hạn hán sẽ kéo dài đưa bách tính vào cảnh đói khát, chết chóc. Phương Tây bắc lại có đại hung tinh xuất hiện, ma khí vượng lên. Sư phụ không còn sống được bao năm nữa nên quyết định đem thân già góp sức tiêu diệt ma chướng.

Kiếm Vân là người nhân hậu, nghe nói lê thứ sắp lâm vào đại họa, chàng buồn rầu nói :

- Hạn hán kéo dài tất mùa màng thất bát, hàng trăm vạn người sẽ chết vì đói. Ba năm liền lụt lội nên ngân quỷ triều đình thiếu hụt, lúa dự trữ chẳng còn bao nhiêu. Lúc ấy thiên hạ sẽ lâm cảnh đại loạn.

Chàng chợt nhớ đến tấm bản đồ da dê, vội chạy vào phòng mở bọc hành lý lấy ra trao cho sư phụ. Nan Đề lão nhân xem kỹ, cao hứng bảo :

- Gần trăm năm trước, người Mông Cổ vào đánh chiếm Trung Hoa, thành lập nhà Nguyên, Thừa tướng Nguyên Tiền Gia Luật Sở Tài là người tài ba lỗi lạc, tiên đoán người Mông không cai trị được lâu bền, lão bèn gom một số lớn vàng bạc châu báu cướp được, chuyển đến một nơi bí mật gần biên giới chôn giấu. Sau tám mươi bốn năm thống trị, triều Nguyên bị Minh Thái Tổ lật đổ, đuổi về bên kia Vạn Lý Trường Thành. Lúc đó Sở Tài đã chết, họa đồ kho tàng được Nguyên Thuận Đế lưu giữ. Nhưng trong lúc rời cung bỏ chạy, lão quên không đem theo. Bản đồ thất lạc từ ấy đến nay, không ngờ lại lọt vài tay Vân nhi.

Kiếm Vân vui mừng khôn xiết hăm hở nói :

- Đồ nhi sẽ đi tìm kho báu này, mua thật nhiều lúa gạo, ngũ cốc dự trữ để phát chẩn cho bách tính khi hạn hán! Xin sư phụ chỉ giúp đường đi nước bước.

Nan Đề lão nhân gật đầu :

- Đêm nay ta sẽ xem kỹ lại rồi dịch ra Hán ngữ để ngươi sử dụng. Còn bây giờ ta dạy cho Vân nhi chiêu cuối cùng trong pho Hàng Long thập bát chưởng. Sau hơn tháng trời nghiên cứu, ta mới thức ngộ rằng đây không phải là một chiêu chưởng pháp mà lại là cước pháp. Đó chính là tại sao cả ngươi lẫn mấy đời Chưởng môn Cái bang trước đây đều không luyện được.

Kiếm Vân sửng sốt lẩm bẩm :

- Té ra là thế!

Nan Đề lão nhân liền biểu diễn cho chàng xem, đôi chân lão vun vút đảo lộn, những cú đá hiểm hóc liên miên bất tuyệt.

Kiếm Vân tròn mắt thán phục vì chính chàng cũng chẳng biết giải phá bằng cách nào.

Hết chiêu, lão nhân cười bảo :

- Đây thực là chiêu cuối cùng trong pho “Cuồng Phong Nghịch Đảo cước” của Vô Thủ lão nhân, thất truyền đã hơn trăm năm nay. Lão ta bẩm sinh không có hai tay nên mới sáng chế ra pho cước pháp linh diệu này.

Lão bèn giảng giải, hướng dẫn cho chàng cách luyện tập. Kiếm Vân đã thuộc lòng khẩu quyết và nhờ thiên bẩm hiếm có, chỉ một canh giờ chàng đã thành công.

Sau lễ khánh thọ, chàng mời lão nhân về Lạc Dương. Đầu tháng tư, Kiếm Vân đem theo Tô Tháo, Thường Luyện và Viên Long lên đường ra vùng quan tái. Lộ trình của họ phải qua Tây An. Lan Châu, cắt ngang địa phận các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ để đến hồ Sách Khắc, chỉ cách trường thành chỉ có vài chục dặm.

* * * * *

Đã vào đầu mùa hạ, mặt trời chói chang, nắng gắt khiến người ngựa đều mau chóng mệt mỏi, cước trình chậm chạp. Hơn mười ngày sau bọn chàng mới về đến được Lan Châu.

Thủ phủ đất Lan Châu rất sầm uất, phồn thịnh vì nằm ngang ngã ba sông, nơi Vị Thủy hợp lưu với Hoàng Hà, đây còn là trục lộ chính giao thông với Tây Vực qua ải Ngọc Môn quan.

Đường trường thành được lát đá để bụi không bốc lên dưới vó của hàng trăm đoàn ngựa và lạc đà qua lại suốt ngày.

Bốn người vào Lan Châu đại lữ điếm nghỉ ngơi. Kiếm Vân từ ngày vào sanh ra tử chiến đấu với tà ma, không còn bận tâm về vấn đề tiền bạc nữa.

Gia lẽ, trong cương vị một Phò mã, chàng không thể keo kiệt như ngày trước. Kiếm Vân phó mặc việc may sắm cho các phu nhân. Họ biết tính chàng nên không mua những y phục cầu kỳ, sặc sỡ. Chàng có thể bỏ ra hàng vạn lượng để cứu giúp những người khốn khó, mà chẳng bao giờ tự mình gọi một món ăn đắt tiền. Nhưng người người cùng đi với chàng thì lại khác, họ yêu thương, mến mộ chàng nên đã cung phụng những tiện nghi tốt nhất. Ngược lại, chàng cũng hài lòng khi thấy huynh đệ được ăn ngon.

Tắm gội xong, Viên Long lập tức tìm đến Phân đà Cái bang ở Lan Châu xem xét sự vụ rồi hỏi thăm động tĩnh trong vùng.

Ba người đợi gã trong phòng ăn của lữ điếm. Lát sau, họ Viên trở lại báo cáo :

- Phân đà Lan Châu phụ trách ba tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Ninh Hạ. Phân đà chủ là Lục Chỉ Cái Phan Hùng nói rằng gần đây trong địa phận ba tỉnh Tây bắc xuất hiện những vụ án ma quỷ rất quái lạ. Từng đoàn nhân mã chạy rầm rộ trên đường giữa đêm khuya, bị quan quân thẩm tra truy đuổi, bắn chết mấy tên. Sáng ra, xác chết hóa thành người rơm, còn ngựa chỉ là mãnh giấy cắt thành. Hàng trăm vạn lượng bạc và châu báu đã biến mất khỏi tủ sắt của những nhà đại phú mà chẳng hề để lại dấu vết gì.

Kiếm Vân trầm ngâm bảo :

- Gia sư cũng đã nói quỷ khí vượng lên ở vùng này. Ngươi ra bảo đệ tử Cái bang gọi Lục Chỉ Cái đến đây!

Viên Long trở ra cửa, dặn dò tên hóa tử đang ngồi trước cửa lữ điếm rồi quay lại bàn ăn uống với mọi người.

Nửa canh giờ sau, Phan Hùng bước vào kính cẩn thi lể :

- Đệ tử bái kiến Thái thượng và trưởng lão.

Chàng mời lão ngồi ăn chung, tàn tiệc mới nói :

- Bọn ta có việc cấp bách không thể lưu lại được, ngươi đốc thúc bổn bang trong ba tỉnh, điều tra xem vùng này có cao nhân nào chuyên luyện ma thuật. Đồng thời tìm xem có dấu vết của tay thần thâu nào không. Một mặt cho chim câu bay về Tổng đàn, nhờ báo tin này cho Hàn minh chủ, bảo ông huy động hai trăm cao thủ tinh nhuệ, giả làm khách thương hồ đến thành Lan Châu chờ đợi. Hơn tháng sau, ta sẽ trở lại đây.

Lục Chỉ Cái đi rồi, Tô Tháo cười hỏi :

- Nếu quả có chuyện sái đậu thành binh thì chúng ta đối phó bàng cách nào?

Kiếm Vân ngao ngán lắc đầu :

- Tiểu đệ cũng chẳng biết nữa, trước mắt phải tìm ra kho tàng cái đã.

Sáng hôm sau, bốn người lại lên đường. Họ đi dọc theo Hoàng Hà để đến Ngân Xuyên, thủ phủ đất Tây Hạ, nằm cạnh dòng sông Hán Thủy.

Tây Hạ, còn gọi là Ninh Hạ, địa hình hiểm trở, ba phần tư là núi và cao nguyên, từ ngàn xưa vẫn thuộc giống người Hồi. Dân chúng quen nghề chăn thả gia súc trên đồng cỏ, loài cừu rất thích hợp với khí hậu của vùng phía Bắc, nơi đây, dẫu cuối tháng năm cũng vẫn còn lạnh giá. Ngoài người Hồi còn có khá nhiều dân Hán, Mãn, Mông đến đây sinh cơ lập nghiệp.

Đất đai tuy khô cằn, nhưng lại ở đoạn thượng nguồn Hoàng Hà nên không bị cảnh lụt lội hàng năm. Nhiều người Hán đã quá chán ngán và ám ảnh vỡ đê nên chọn Ninh Hạ làm quê hương. Cũng như Lan Châu, Ngân Xuyên nằm cạnh ngã ba sông, nơi dòng Thanh Thủy đổ vào Hoàng Hà. Đệ tử Cái bang ở trong thành chỉ có độ hai mươi người, do dân Hồi không thích bố thí cho những người không cùng tôn giáo với mình. Vì vậy, chẳng hề có trụ sợ Phân đà. Tối đến, anh em tụ tập trong một ngôi nhà hoang ở ngoại thành. Nơi đây rất điêu tàn mái ngói chỗ còn, chỗ mất, tường lỡ, cột xiêu. Kiếm Vân phủ dụ bọn họ rồi tặng ngàn lượng bạc để cứu tế và sửa chữa chỗ ở.

Người có địa vị cao nhất ở đây là một lão khất cái ba túi. Lão từng lang bạt khắp vùng Tây Hạ, nên đã chỉ dẫn cặn kẽ đường đi đến hồ Sách Khắc.

Sau hơn hai mươi ngày gian khổ, bốn người mới đến được mục tiêu. Họ vào trấn Sách Khắc tìm nơi nghỉ ngơi.

Quả đúng như lời truyền tụng, đã giữa tháng năm mà vùng này vẫn còn hiu hiu rét.

May thay, trong trấn có một khách điếm của người Hán, dù tồi tàn nhưng thức ăn vẫn mang hương vị Trung Thổ.

Từ khách điếm có thể nhìn thấy rõ rặng núi cao hơn trăm trượng ở phía Bắc hồ.

Nan Đề lão nhân đã khẳng định kho tàng được giấu trong rặng núi ấy.

Mờ sáng, bốn người mang theo lương khô, dây chão đi về hướng hồ Sách Khắc. Đây là chiếc hồ lớn nhất Tây Hạ, chu vi rộng đến mấy chục dặm, ở cuối sông Sách Giang chảy từ cao nguyên Thanh Hải đến.

Bọn Kiếm Vân đi men theo bờ Đông của hồ để đến rặng Thạch Sơn. Dãy núi không cao lắm nhưng gồm nhiều ngọn nằm kề nhau. Đỉnh trơ trọi toàn đá nhưng sườn núi có rừng cây rậm rạp, dây leo chằng chịt.

Chàng xem lại họa đồ, các định mục tiêu là sơn cốc nằm ở phía Tây đỉnh cao nhất.

Còn cách chừng vài chục trượng, Kiếm Vân kinh ngạc nhận ra tiếng cuốc xẻng bổ vào đất đá và tiếng người xôn xao vọng lại.

Chàng băng mình lên trước thấy trước mặt mình là một hồ nước đường kính chừng mười trượng, cách đó không xa là một vách núi thẳng đứng đang bị mấy trăm người đào bới. Cạnh hồ là dãy nhà tranh chứng tỏ họ đã đến được nhiều ngày.

Bốn người lướt đến núp sau bụi rậm ở bờ hồ phía Nam dõi mắt quan sát.

Năm người y phục chỉnh tề đang đứng bàn bạc, đốc thúc công nhân, trông vóc dáng rất quen thuộc.

Quanh hồ có rất nhiều cây cỏ nên Kiếm Vân luồn sau đấy mà đến gần hơn. Chỉ có lão râu dài chính giữa là xa lạ, còn lại đều là người quen cũ. Bán Diện Thần Ông, Xà Yết bà bà, Xích Hỏa lão nhân, Quân Tử Kiếm. Họ đối với lão đạo nhân lạ mặt rất kính cẩn. Đại Lực Ma Quân vắt óc suy nghĩ rồi nói nhỏ :

- Chẳng lẽ lão quỷ kia chính là Trường Tu đại pháp sư Vu Hội, sư huynh Bán Diện Thần Ông?

Kiếm Vân hỏi lại bản lãnh họ Vu thế nào?

Tô Tháo thở dài :

- Lão là người giỏi pháp thuật nhất võ lâm, hô thần hoán quỷ, sai khiến âm binh. Còn võ công thì lợi hại hơn Thần ông một bậc. Chưa ai chọc đến lão mà toàn mạng cả. Nhiều khi lão chỉ cười nhạt bỏ đi, thế mà đối thủ về nhà bỗng phát cuồng rồi chết. Lão còn giỏi khoa địa lý, biết rõ tính chất của đất đá, đã từng tìm được một mỏ vàng nhỏ cách đây hơn bốn mươi năm.

Thiết Quyền nhăn nhó :

- Chúng ta chỉ có bốn người, làm sao cự lại bọn ma đầu kia?

Kiếm Vân gật đầu, lắng nghe bọn chúng sàng lọc. Xích Hỏa lão nhân hỏi lão râu dài :

- Vu lão huynh có chắc rằng kho báu ở nơi này hay không?

Vu Hội cười khanh khách bảo :

- Đồ lão đệ yên tâm, dù họa đồ mà lão đệ vẽ trộm của lệnh điệt Sấu Diêm La có hơi sai sót. Nhưng lão phu với kinh nghiệm già dặn của mình, đoán chắc bảo tàng phải ở quanh đây. Chúng ta đã quậy nát hồ nước mà không thấy gì thì nó phải ở trong bức vánh này.

Tô Tháo thì thầm :

- Hóa ra Xích Hỏa lão nhân Đồ Phục là chú họ của tam đệ.

Tam Nhãn Tú Sĩ mở lời :

- Đồ lão chớ lo, tại hạ đã vâng lời sư phụ, sang tận Mông Cổ bắt lão trưởng tộc của giòng họ Gia Luật tra khảo suốt một ngày. Lão ta thú nhận rằng đúng là địa điểm gần hồ Sách Khắc.

Thiết Quyền lẩm bẩm :

- Không ngờ Tam Nhãn Tú Sĩ lại bái lão quỷ này làm sư phụ.

Kiếm Vân bảo Viên Long :

- Ngươi mau quay lại tìm một chỗ ẩn thân. Đêm nay ta sẽ thám sát hồ nước.

Viên Long cười đáp :

- Bẩm Bang chủ, lúc nãy, trên đường vào, thuộc hạ đã lưu ý đến một động khẩu rộng rãi, kín đáo.

Bốn người quay lại, chỉ vài chục trượng đã đến chỗ ấy.

Viên Long bẻ cành lá quyét dọn sạch sẽ nền hang rồi mời ba người vào.

Gã lấy thức ăn bày ra, hai con gà luộc và một đùi dê nướng cũng vừa với túi rượu mười cân.

Cả bọn vừa ăn vừa bàn bạc. Kiếm Vân hỏi họ Tô Tháo :

- Đại ca! chẳng lẽ nào Trường Tu đại pháp sư không hề bị đối thủ nào cạnh tranh hay sao?

Đại Lực Ma Quân cười đáp :

- Có chứ, đối thủ của họ Vu chính là ân sư của ngươi, Nan Đề lão nhân. Tuy võ công và tà pháp của Vu Hội cao cường hơn, nhưng về cơ trí và tài thiên văn địa lý, kỳ môn độn giáp lão kém xa Nan Đề. Hai người đã từng đấu với nhau suốt một năm dài, lần nào họ Vu cũng thua thiệt. Nhờ vậy mà lão ma không dám khuynh đảo giang hồ. Năm ấy, lệnh sư có danh hiệu là Thần Cơ Tử.

Một mưu kế hiện ra trong đầu chàng.

Canh ba đêm ấy, bốn người mò lại gần khu khai quật. Trằng rằm sáng vằng vặc soi tỏ mặt hồ. Cạnh đấy lại có sáu tên thủ hạ Xích Hỏa giáo đang quây quần ben đống lửa để canh gác.

Trong điều kiện này không thể nào xuống hồ được. Trăng lơ lửng treo trên đầu vách núi nên chân vách tối om. Kiếm Vân dặn mọi người chờ đợi rồi lướt nhanh đến vách đá. Chàng chọn một phiến đá có mặt phẳng, vận công viết lên mấy chữ, rồi dùng nội lực ấn sâu vào vách. Sáng mai, khi bọn võ sĩ đào bới, tất sẽ làm chấn động và phiến đá này sẽ hở ra.

Xong việc, cả bọn kéo nhau về hang nghỉ ngơi. Đầu giờ Thìn sáng hôm sau, họ lại có mặt trong đám bụi cây bên hồ nước, chờ xem diễn biến.

Quả nhiên, sau vài nhát cuốc, phiến đá long ra rơi xuống chân một hán tử. Hắn nhanh nhẹn nhảy lùi, nhận ra tren mặt đá có khắc chữ, mừng rỡ kêu lên :

- Thấy rồi!

Bọn Trương Tu, Tam Nhãn phấn khởi lướt đến. Vu Hội đọc dòng chữ: “Vu lão! Ngươi đã chậm chân hơn lão phu một bước rồi!”

Ở dưới thụ danh Thần Cơ Tử. Kiếm Vân thông thuộc nét chữ của ân sư nên nhái theo rất đúng. Trường Tu đại pháp sư gầm lên đau đớn :

- Hóa ra lão thất phu Nam Cung Sách đã đến đây trước ta!

Bán Diện Thần Ông nhìn vách đá thắc mắc :

- Rõ ràng, lúc bọn ta đến đây, vách núi còn y nguyên, không hề có dấu vết khai quật, thì làm sao lão đặt phiến đá này vào trong được?

Vu Hội tỉnh ngộ :

- Chí lý! Vậy là lão mới đến đây đêm qua và không chừng còn quanh quẩn đâu đây! Chúng ta thử lục soát xem sao.

Quân Tử Kiếm Hà Tuyên Châu thở dài :

- Khu vực này rộng lớn, rừng cây chằng chịt, chỉ có mấy người tìm sao cho xuể. Nếu lùa bọn thủ hạ đi thì khác nào lùa dê vào miệng cọp?

Vu lão cười khanh khách :

- Để lão phu sai âm binh truy lùng, xem lão thoát bằng cách nào?

Dứt lời, lão rút kiếm gỗ chỉ lên trời lâm râm niệm chú. Lát sau, cả một vùng núi rừng tối sầm lại, cát bay đá chạy mịt mù. Lão bốc mấy nắm đậu trong túi vải đeo bên hông rải vào không gian hàng ngàn ma ảnh dật dờ tỏa đi tứ hướng.

Lúc này bọn Kiếm Vân đã chạy cả về hang ẩn náu. Chàng không ngờ lão ma giữa thanh thiên bạch nhật lại thi triển được tà pháp nên trong lòng rất hối hận, lo cho ba người kia.

Chợt nhớ đến thanh Ngư Trường kiếm là vật tùy thân của Minh Thái Tổ hoàng đế, chàng đem ra treo trên sợi dây trước cửa động.

Nào ngờ lại vô cùng diệu dụng, hồn ma bóng quế bay ngang qua đều không dám dừng lại mà còn tránh xa.

Một khắc sau, trời quang đảng trở lại, bốn người lại chạy ra núp ở ven bờ xem thử.

Trường Tu đại pháp sư tra kiếm vào vỏ, mở mắt lẩm bẩm :

- Lạ thật, trong vòng chu vi mấy chục dặm không hề có bóng người nào?

Xích Hỏa lão nhân buột miệng :

- Vàng bạc không thể cháy được, hay là Vu huynh cho phép tiểu đệ dùng hỏa dược phá vách núi để công việc được mau chóng hơn?

Vu Hội đồng ý. Đồ Phục bảo bọn công nhân khoét mười lỗ trên vách. Lão trộn những trái cầu màu đen vào đấy rồi cho phát hỏa. Vách đá bị bóc một lớp sâu nửa trượng mà vẫn không thấy cửa vào, làm thêm hai lần nữa cũng chẳng thấy gì, cả bọn thất vọng đến ngây người.

Vu Hội nói :

- Thần Cơ Tử đã đến đây, tức phải có bản đồ trong tay. Chúng ta cứ để cho lão lấy kho tàng rồi cướp lại, chỉ cần cho tai mắt vây chặt vùng Sách Khắc này, lo gì không phát hiện được?

Bốn người kia cũng đã quá chán cảnh nằm sương, gội sương gió nơi vùng rừng núi cô tịnh này, nên cùng đồng thanh tán thành.

Chờ bọn tà ma đi thật xa, bọn Kiếm Vân mới dám ra tay. Chàng buộc dây chão vào bụng, lao mình xuống hồ. Ra đến trung tâm, chàng hít một hơi dài lặn xuống. Đáy hồ phủ một lớp bùn dầy đặc vì năm tháng. Chàng nhắm mắt dùng tay khoét lớp bùn, phải nửa trượng mới chạm một thạch bàn vuông vức, bằng phẳng.

Chàng trồi lên đổi hơi rồi trở xuống, thọc tay vào lỗ hổng trên mặt đá, vận toàn lực kéo lên. Cửa mở ra, để lộ một hang ngầm, chàng chui vào bơi theo thủy đạo. Nền hang cao dần, cuối cùng là bậc tam cấp đi lên một thạch động rộng rãi.

Chàng ước đoán, thạch động này nằm dưới vách chân núi phía Đông, dù có phá tan phần trên cũng chẳng tìm ra.

Dười ánh hỏa tập, trước mặt chàng có đến mấy chục bộ xương người nằm rải rác trên nền hang. Chắc họ là những người đã xây dựng kho tàng này?

Cạnh cửa thạch thất là hai đồng nhân tay cầm chùy. Chàng nhặt một khúc xương đùi quẳng vào cánh cửa, cơ quan phát động, hai đồng nhân giáng chùy vun vút, lát sau mới dừng lại.

Chàng bước lên vài bước, còn cách chừng hơn nửa trượng thì đồng nhân lại cử động.

Kiếm Vân lùi lại, chờ chúng đứng im mới tung mình lăn xuống, vung Ngư Trường kiếm chặt bay hai cánh tay cầm chùy, tung cước đá chúng ngã lăn ra.

Chàng hạ thân xuống, nhìn khung cửa có hai cánh bằng đá. Chàng lùi lại đúng một trượng, vỗ hai đạo chưởng, đẩy bật chúng ta.

Từ trong, hàng vạn cây độc châm bắn ra như bảo táp. Dù đã tung mình lên cao, không có bảo y che chở, chàng khó mà toàn mạng với những mũi kim tẩm độc xanh lè.

Chàng lại gần, vẫy thêm một loạt chưởng nữa để xua đuổi làn không khí ẩm mốc trong thạch thất ra.

Ánh sáng yếu ớt của hỏa tập làm sáng rực hàng ngàn viên Dạ Minh châu gắn trên vách đá, ngọc ngà, châu báu, vàng thoi chất đầy trong những rương gỗ.

Kiếm Vân đổ đầy châu báu vào bốn túi vải mang theo rồi rời thạch thất. Hai trăm cân châu ngọc này trị giá đến mấy trăm vạn lượng vàng, đủ đế cứu tế bách tính Trung Nguyên.

Chàng cột các túi vào đầu dây giật mạnh, rồi bám luôn vào đó. Bọn Tô Tháo ra sức kéo.

Đến đáy hờ, chàng thả cho túi ngọc lên trước, đưa thạch bàn vào chỗ cũ, khỏa bùn lấp kín lại, trồi lên mặt hồ.

Bốn người không quay lại trấn Sách Khắc mà đi thẳng về hướng Vạn Lý Trường Thành. Họ sẽ đi dọc theo chân tường đến Ngọc Môn quan, để về Trung Nguyên bằng đường Lan Châu.

Mỗi người một túi nên chẳng hề gây nghi ngờ cho ai cả. Hai ngày sau, họ mới đến được Ngọc Môn quan, nghỉ ngơi một ngày, cải trang thành các lái buôn rồi mua tuấn mã, nhập vào các đoàn khách thương hồ, ung dung dong ruổi trên đường quan đạo.

Họ đã xóa hết mọi dấu vết trong hang và bờ hồ, nhưng vẫn còn bốn con ngựa ở khách điếm, trước sau gì bọn Trường Tu đại pháp sư cũng phát giác ra, nhưng lão cũng không thể biết rằng bọn chàng đã lấy đi một nửa kho báu!