Ngư Trường Kiếm

Chương 25: Hung tin tây thiên xuất - Vô Nhãn quy cố hương



Kiếm Vân thản nhiên nói :

- Tiền bối ở đây suốt ba mươi năm mà vẫn không chết hoặc hóa điên thì chắc chắn trong tâm đã giác ngộ được đạo lý của kiếp nhân sinh, sao không nhân dịp này trở lại với nhân quần xã hội? Ba mươi năm lao lý cũng đủ xóa tội lỗi ngày xưa, nếu tiền bối trừ khử được Xá Lợi Tỳ Khưu, sẽ được toàn thể võ lâm kính ngưỡng. Vãn bối xin hứa sẽ phụng dưỡng người cho đến trăm tuổi.

Vô Nhãn kiếm khách lạnh lùng đáp :

- Nếu lão phu không đồng ý thì sao?

Kiếm Vân thở dài :

- Thì cứ coi như kiếp vận võ lâm đã đến hồi cùng cực, phu thê vãn bối xin cáo biệt. Trận pháp trước cửa cốc đã bị phá, tiền bối cứ việc rời khỏi cốc này, trở về cố quận.

Yến Phi ngỡ ngàng hỏi lại :

- Tiểu tử buông tha lão phu thật sao?

Phụng Hương đỡ lời chồng :

- Tiền bối cứ ra xem sẽ rõ. Xin bái biệt!

Yến Phi cười dài :

- Hảo tiểu tử! Tâm địa của ngươi quang minh, nhân hậu hiếm có trên đời, khiến lão phu phải động lòng. Nhưng chẳng hay bản lãnh lão Lạt ma Tây Tạng kia lợi hại thể nào mà ngươi lại cần đến Vô Nhãn kiếm pháp của lão phu?

Kiếm Vân mừng rỡ đáp :

- Bẩn tiền bối! Xá Lợi Tỳ Khưu luyện thành Xá Lợi Ngũ Sắc thần công, toàn thân không bị bảo kiếm hay chưởng kình, chỉ có đôi mắt là nhược điểm duy nhất. Lão ta đả bại Thanh Hải Long Vương và giết Đại trưởng lão Thiếu Lâm tự, Ngộ Linh đại sư bằng Liên Hoa thần chưởng.

Yến Phi dường như đã giật mình. Lão im lặng một lúc mới nói :

- Nếu thế thì lão phu cũng đành bó tay. Với năm mươi năm công lực, lão phu chẳng thể nào đến gần Tỳ Khưu được.

Phụng Hương hỏi lại :

- Thế tám mươi năm công lực thì sao?

Yến Phi cười khanh khách :

- Kẻ nào có được chừng ấy công lực thì có thể dùng Vô Nhãn kiếm pháp dương danh thiên hạ đệ nhất nhân. Tuy nhiên, lão phu chỉ dạy kiếm cho đồ đệ mình thôi. Và đâu có lão già trăm tuổi nào chịu lạy ta là sư phụ?

Phụng Hương cười khúc khích :

- Trong võ lâm hiện có một người tuổi mới trên hai mươi mà đã có tám mươi năm tu vi. Đấy chính là chuyết phu.

Yến Phi giật mình ủa thật lớn :

- Có thực thế chăng?

Kiếm Vân ngượng ngùng nói :

- Vãn bối may mắn ngộ kỳ duyên đến ba lần nên mới có được công lực ấy.

Yến Phi cười vang dội cả sơn cốc :

- Hay lắm, nếu ngươi chịu gọi lão phu là nghĩa phụ thì Vô Nhãn kiếm pháp sẽ có người thừa kế.

Kiếm Vân nghiêm giọng :

- Tiền bối không sợ giao trứng cho ác hay sao?

Yến Phi lại cười khà :

- Hảo hài tử! Lão phu chưa mù hẳn, lẽ nào không nhận ra ngươi là người thế nào?

Kiếm Vân lại nói :

- Gia sư chính là Thần Cơ Tử Nam Cung Sách, người đã bày trận kỳ môn trước sơn cốc. Còn những thù nhân của tiền bối đều là trưởng bối hoặc bằng hữu của vãn bối, liệu người có quên được hiềm khích ấy hay không?

Yến Phi nghiêm giọng :

- Thực ra, sau mấy chục năm sống một mình nơi sơn cốc này, lão phu đã hiểu ra nhiều điều và không còn oán hận họ nữa. Năm xưa, lão phu vì khuyết tật của mình mà hủy hoại thị giác của mấy mươi cao thủ, xét ra quá ư tàn nhẫn. Bọn Luân Kiếm không giết lão phu cũng là đã có lòng nhân hậu. Nay lão phu tuổi đã bảy mươi ba, thân quyến chẳng còn ai, muốn đem nắm xương già này nương tựa vợ chồng ngươi có được chăng?

Kiếm Vân nghe giọng bi thiết biết lão thực lòng. Chàng nghiêm trang nói :

- Vậy xin nghĩa phụ bước ra để phu thê hài nhi bái kiến.

Người trong rừng lập tức phi thân ra, đứng trước mặt vợ chồng Kiếm Vân. Lão mặc một bộ trường bào bằng gấm xanh mới toanh, nhưng dung mạo vẫn là lão nhân gặp ở Trường Sa.

Kiếm Vân và Phụng Hương nhìn nhau mỉm cười, cùng sụp xuống lạy chín lạy.

Yến Phi vui vẻ nói :

- Y phục này can gia mua bằng vàng của vợ chồng ngươi tặng đấy.

- Can gia thật là lợi hại, phá được cả trận kỳ môn, ra ngoài hý lộng bọn hài nhi!

Yến Phi đắc ý nói :

- Lão phu là người kiên nhẫn, làm gì cũng phải thành công cho được. Ba hôm trước, ta tìm cách xuất nhập, tìm đường trở lại Giang Tây. Không ngờ khi đến Trường Sa tìm chút lộ phí thì lại gặp hai ngươi. Xem ra hoàng thiên cũng còn thương xót lão già này.

Kiếm Vân mỉm cười :

- Can gia đã mua ngựa chưa?

- Mua rồi! Nhưng còn gửi ở nhà gã tiều phu ngoài kia. Đường đi chật hẹp đâu thể mang vào sơn cốc được.

Ba người vui vẻ rời sơn cốc, khởi hành đi Hà Nam. Trên đuờng, Yến Phi tranh thủ giảng giải khẩu quyết của năm chiêu Vô Nhãn kiếm pháp cho Kiếm Vân. Chàng là bậc kiếm thủ số một võ lâm, nên tiếp thu rất nhanh. Trong nửa tháng đã học xong toàn bộ, vừa kịp đến Tung Dương.

Vô Nhãn kiếm khách cũng được Phụng Hương tỉ tê kể lại tình hình võ lâm mấy năm qua. Yến lão càng cao hứng khi biết con nuôi của mình là bậc đệ nhất anh hùng và còn là Phò mã hai nước Hán, Mãn.

Trong Tổng đàn võ lâm, bọn Nan Đề lão nhân đang tề tựu đông đủ và mặt mũi rẩu rĩ như đưa đám. Thấy phu thê Kiếm Vân đưa Vô Nhãn kiếm khách vào, họ vui mừng và vô cùng sửng sốt.

Yến lão cười nhạt :

- Làm gì mà chư vị nhìn lão phu chăm chăm như thế? Yến mỗ là người thực chứ đâu phải hồn ma.

Kiếm Vân vội nói :

- Bẩm chư vị trưởng bối, hài nhi đã lạy Yến tiền bối làm nghĩa phụ. Người sẽ sát cánh với chúng ta để tiêu diệt Xá Lợi Tỳ Khưu.

Ai nấy đều hoan hỉ, phá lên cười. Hàn minh chủ bước đến ôm lão nói :

- Hay lắm! Giờ đây chúng ta đã là người một nhà rồi.

Nan Đề lão nhân vuốt râu cười khà khà :

- Ta đoán rằng Yến lão đệ đã phá được trận pháp kia.

Yến Phi giật mình, giơ ngón cái khen ngợi :

- Nam Cung lão huynh quả là bậc kỳ nhân, tiểu đệ xin bái phục.

Tô Tháo nói oang oang :

- Sao Hàn minh chủ không cho bày đại yến mừng cho Kiếm Vân và Yến lão?

Hàn Thiên Đông mỉm cười ra hiệu cho bọn đệ tử. Tổng đàn võ lâm thường xuyên có khách nên vật thực và rượu ngon lúcnào cũng sẵn sàng. Chỉ gần khắc sau mọi người đã quây quần bên bàn tiệc.

Kiếm Vân hỏi ngay :

- Ân sư! Chẳng hay diễn biến võ lâm thời gian qua thế nào?

Nam Cung Sách buồn rầu đáp :

- Xá Lợi Tỳ Khưu dùng chiến thuật tốc thắng, đưa thiếp hôm trước, hôm sau đã thượng sơn. Vì vậy, hai phái Hoa Sơn, Võ Đang đều bị khống chế trước khi bọn ta hay biết. Võ Đang tam lão và Hoa Sơn nhị lão đều bị giết. Cũng may Vô Trần đạo trưởng và Lôi Đình Kiếm đã được bọn ta âm thầm cảnh báo nên đã không tự sát. Ba phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Hoa Sơn đã tiến hành điều tra nội bộ và phát hiện cả ba người thừa kế y bát đều có hành vi đáng ngờ. Tuy không có bằng chứng xác thực nhưng ba người ấy lại cùng có mặt ở Lạc Dương, cách nay ba tháng. Họ không giải thích được nên đều bị quản chế chặt chẽ.

Võ Lâm Chí Tôn tiếp lời :

- Có lẽ lão Lạt ma kia phát hiện âm mưu đã bại lộ nên bỏ về phía Tây. Trinh sát Cái bang theo dõi đến Trường An thì mất dấu. Ta cho rằng Xá Lợi Tỳ Khưu vẫn còn ở Trung Nguyên và đang chuẩn bị một kế hoạch mới.

Kiếm Vân trầm ngâm một lúc, chậm rãi nói :

- Tiểu tôn đã học được pho Vô Nhãn kiếm pháp của Yến nghĩa phụ, tự tin giết được Xá Lợi Tỳ Khưu. Xin lão nhân gia loan báo khắp võ lâm lời khiêu chiến, hẹn Xá Lợi Tỳ Khưu so tài vào ngày rằm tháng tư, địa điểm là nơi này.

Hàn minh chủ phấn khởi bảo :

- Hay lắm! Vân nhi cứ đưa Phụng Hương về Giang Tây trước, gần đến kỳ hẹn hãy lên đường. Nhưng để đề phòng lão ta đã về Tây Tạng, thông báo đến trễ, lão phu đề nghị dời đến rằm tháng năm.

Nan Đề lão nhân khen phải :

- Đại ca có lý! Vân nhi phải có thời gian rèn luyện pho kiếm pháp Vô Nhãn đến mức đại thành mới mong thắng được đối phương.

Hôm sau phu thê Kiếm Vân, Nan Đề lão nhân và hai vị Ma quân đưa Yến lão về Giang Tây.

Liẽu gia trang mở đại yến đón chào Vô Nhãn kiếm khách. Tiếng cười nói, vui đùa của bọn tiểu đồng khiến lòng lão ấm lại. Ba mươi năm sống với chồn thỏ, chim chóc, vật lộn với nỗi buồn chán, tuyệt vọng đã khiến lão khao khát những hạnh phúc nhỏ bé của cõi đời.

Thanh Hoa công chúa bỗng hỏi :

- Tướng công! Vì sao Xá Lợi Tỳ Khưu lại không chịu giao đấu với Chưởng môn các phái và Hàn minh chủ?

Kiếm Vân nhíu mày đáp :

- Võ lâm Trung Nguyên có một luật lệ thành văn: Kẻ giết Chưởng môn sẽ bị đệ tử phái ấy căm thù suốt đời, bất kể giết vì lý do gì. Thứ hai, kẻ nào giết võ lâm Minh chủ sẽ không được ứng cử Minh chủ trừ trường hợp giao đấu công khai giữa đại hội. Quy củ này lập ra để tránh tình trạng giết người đoạt ngôi trong các phái võ lâm.

Nan Đề lão nhân tiếp lời :

- Cũng vì lẽ ấy, lão phu cho rằng Xá Lợi Tỳ Khưu đã âm mưu khống chế dần dần các phái rồi mới đả bại Hàn đại ca. Sau đó sẽ thành lập một bang hội mới, từ bỏ lai lịch Tây Tạng, yêu cầu cử hành đại hội bầu lại Minh chủ mới. Lão sẽ không giết mà hạ nhục khiến Hàn minh chủ phải tự sát hoặc từ nhiệm.

Thẩm Xuân Mi thắc mắc :

- Nếu đúng như ân sư đã suy đoán thì Xá Lợi Tỳ Khưu sẽ không còn được sự ủng hộ của Hoàng giáo Tây Tạng. Vậy lão lấy đâu ra nhân lực, tài lực để tranh bá? Hài nhi nghe nói cuộc sống của các Lạt ma đều rất đạm bạc, không hề có của cải riêng?

Đổng Kim Thu ngượng ngùng nhắc nhở :

- Tướng công! Chàng có nghĩ rằng Đường tam công tử nhúng tay vào vụ này hay không?

Kiếm Vân biến sắc, nhắm mắt cố mường tượng lại gương mặt của đám Lạt ma tháp tùng Xá Lợi Tỳ Khưu lên núi Thiếu Thất. Gương mặt quen quen của một gã Lạt ma trẻ hiện lờ mờ trong ký ức. Chàng không chắc lắm nhưng Đại Lực Ma Quân Tô Tháo đã vỗ trán than thở :

- Chết thực! Đúng là gã tiểu tử họ Đường ấy rồi. Lúc ta nhìn thì gã cứ cúi gằm mặt xuống.

Kiếm Vân hỏi lại :

- Đại ca có chắc không?

Tô Tháo cả quyết :

- Không thể sai được! Chiếc miệng méo kia chính là của Khâu Minh.

Kiếm Vân rầu rĩ nói :

- Tiểu đệ đã vì chín lạy kết giao mà bỏ qua việc bên bờ hồ Thanh Hải, không ngờ y lại chẳng hề thức tỉnh, vẫn nuôi lòng thù hận.

Đổng Kim Thu hổ thẹn cúi mặt. Nàng hiểu ràng chính vì mình mà Khâu Minh căm hận Kiếm Vân và đi vào tà đạo.

Phụng Hương hiểu ý, choàng tay ôm vai nàng an ủi :

- Đổng hiền muội chẳng có lỗi gì cả. Đó là do họ Đường tự tác đa tình mà thôi.

Kiếm Vân lặng người suy nghĩ, lát sau hỏi Viên Long :

- Ngươi mau dùng phi cáp truyền lệnh cho Phân đà Nam Xương cử đoàn cao thủ hộ tống gia đình Thiết Quyền Thuờng Luyện về đây gấp.

Tô Tháo tái mặt :

- Chẳng lẽ nhị đệ cho rằng Khâu Minh sẽ ám hại Thường tam đệ hay sao?

Kiếm Vân thở dài :

- Nhân tâm nan trắc. Tiểu đệ chỉ phòng xa mà thôi. Đưòng Khâu Minh đã quá căm thù tiểu đệ, không chừng sẽ giận lây đến Thường tam đệ. Và... đại ca cũng nên đưa đại tẩu cùng tiểu hài Tô Dũng về Liễu gia trang, nếu không tiểu đệ sẽ chẳng yên tâm.

Tô Tháo già rồi mới có thê tử nên rất yêu quí Lưu Trinh và con trai. Lão giận dữ nói :

- Lần này gặp lại, Tô mỗ quyết không tha cho gã khốn kiếp ấy đâu.

Ngay chiều hôm ấy, Tô Tháo cùng hai vị Ma quân kia hộ tống mẹ con Lưu Trinh sang ở Liễu gia trang.

Vĩnh Sương công chúa ôm lấy đứa bé nựng nịu :

- Dũng nhi ở đây với bọn ta sẽ tuyệt đối an toàn.

Kiếm Vân quá hiểu tính tình nàng liền hỏi :

- Phải chăng nương tử đã điều động quan quân Giang Tây?

Vĩnh Sương thản nhiên đáp :

- Thiếp chẳng cần mở miệng thì Tổng trấn Quân vụ Giang Tây cũng phải cho quan quân bảo vệ Liễu gia trang, nếu muốn giữ cho đầu liền cổ. Có điều họ ẩn nấp thật kỹ nên tướng công không thấy đó thôi.

Thanh Hoa cười bảo :

- Thực ra thì họ sợ tướng công chứ chẳng phải vì Sương muội đâu. Mấy tháng nay, đêm nào cũng có hai chiếc thuyền đậu ở khúc sông sau gia trang, còn trong khu rừng đào phía trước là năm trăm quân tinh nhuệ.

Kiếm Vân nghiêm sắc mặt :

- Lương bổng của họ chẳng được bao nhiêu, sao lại bị đầy ải khổ cực như vậy?

Vĩnh Sương sợ hãi nói :

- Tướng công yên tâm! Họ đều rất vui lòng với nhiệm vụ ấy vì bọn thiếp đối đãi rất hậu. Số bạc được thưởng thêm đã giúp gia đình họ đỡ vất vả hơn.

Kiếm Vân dịu lại, mỉm cười :

- Công chúa quả có tài thao lược, ta chẳng thể nào sánh nổi.

Vĩnh Sương sung sướng liếc chàng tình tứ, đưa mẹ con Lưu Trinh vào hậu viện.

Sáng hôm sau, Kiếm Vân đang luyện võ trong vườn thì nghe tiếng Tô Tháo cười vang :

- Tam đệ, không ngờ ngươi lại đến sớm như vậy.

Kiếm Vân giật mình, biết là đã có chuyện, chàng chạy ra ngay. Thấy có cả Thường lão mẫu và Thường Kim Yến, chàng an tâm thở phào, bước lại bái kiến.

Thuờng Luyện vẫn to béo, phục phịch và đôn hậu như ngày nào. Gã buông Tô Tháo ôm lấy Kiếm Vân :

- Nhị ca! Tiểu đệ nhớ chư vị vô cùng.

Kiếm Vân cảm động cười hỏi :

- Phải chăng Thường gia trang đã bị cường địch tập kích?

Thuờng Luyện trợn tròn mắt :

- Sao nhị ca biết?

Chàng không đáp, quay sang mời Thường mẫu và Kim Yến vào khách sảnh. Mọi người trong nhà đã thức dậy cả, ùa ra đón mừng.

Ăn tọa xong, Thuờng Luyện buồn bã kẻ :

- Hôm kia, tiểu đệ chèo thuyền ra giữa hồ đánh cá, tình cờ gặp mấy anh em ngư phủ đang nhậu nhẹt trên bãi đá, dưới chân ngọn Quân Sơn. Tiểu đệ bị họ ép uống nên quá chén, đến trưa say khướt nhưng cũng gắng chèo vè. Đến bờ, sợ gia mẫu và Kim Yến buồn lòng nên bỏ thuyền trèo lên cây hoàng cam cạnh nhà đánh một giấc cho bay hơi rượu. xế chiều tiểu đệ chợt tỉnh vì có tiếng người nói chuyện dưới gốc cây. Một trong sáu người ấy chính là Đường Khâu Minh. Khi họ đi khỏi, tiểu đệ tức tốc trở lại nhà, thu xếp hành lý, đưa gia mẫu và Kim Yến lên thuyền. Tiểu đệ neo thuyền ở một đoạn bờ hồ gần đấy. Quả nhiên, mới đầu canh hai đã có mấy chục gã hắc y xuất hiện. Phóng hỏa thiêu hủy Thường gia trang. Mờ sáng, tiểu đệ lên đường đến đây ngay.

Thường lão mẫu sụt sùi nói :

- Thế là cơ nghiệp tiêu tan cả rồi!

Kiếm Vân chỉnh sắc nói :

- Bá mẫu yên tâm, sau khi diệt được cường địch, tiểu điệt sẽ cùng tam đệ xây dựng mại Thường gia trang.

Phụng Hương thỏ thẻ :

- Hay là tam vị ở Giang Tây luôn để chúng ta được gần gũi? Mảnh đất cạnh Liễu gia trang còn rất rộng, đủ để xây một Thường gia trang mới.

Thuờng Luyện khoan khoái tán thành ngay :

- Đại tẩu bàn chí phải. Xa chư vị tiểu đệ buồn lắm. Ra vào chỉ có ba người, vắng vẻ biết bao.

Thường mẫu quay sang hỏi Kim Yến :

- Ý ngươi thế nào?

Kim Yến thấy Liễu gia trang đông vui, nhiều chị em, cũng rất muốn kề cận. Nàng thẹn thùng nói :

- Hài nhị cũng cùng một ý với tướng công.

Thường mẫu vui vẻ bảo :

- Lão thân cũng vậy? Ở đây còn có Liễu thư thư, Cổ thư thư để hàn huyên tâm sự.

Cà nhà mừng rỡ hoan hô nhiệt liệt. Nan Đề lão nhân ngậm ngùi nói :

- Té ra ở đời ai cũng sợ nỗi cô đơn.

* * * * *

Đầu tháng tư, Kiếm Vân nhận được thư của Võ Lâm Chí Tôn, bảo rằng Xá Lợi Tỳ Khưu đã nhận lời tỷ đấu. Kiếm Vân càng ráo riết rèn luyện pho Vô Nhãn kiếm pháp. Tuyệt học này thực ra có đến mười tám chiêu căn bản, nhưng chỉ năm chiêu sau cùng là tấn công vào mắt đối phương;

Cuối tháng tư, Kiếm Vân lên đường đi Hà Nam. Họ đến nơi vào ngày mười ba và thấy hào kiệt thiên hạ đã tề tựu đông đủ. Quần hùng reo hò nhiệt liệt, đồng thanh chúc Kiếm Vân đại thắng.

Tuy nhiên, trong bữa đại yến chiều hôm ấy, Võ Lâm Chí Tôn lo lắng hỏi :

- Vân nhi! Ngươi liệu sức có thắng nổi Xá Lợi Tỳ Khưu hay không?

Kiếm Vân mỉm cười :

- Tiểu tôn không chắc lắm. Lão ta có đến hai hoa giáp công lực, chưởng xuất như lôi, rất khó đối phó.

Vô Nhãn kiếm khách đã nghe nói nhiều về bản lãnh Tỳ Khưu nên cũng không còn đắc ý như trước nữa. Lão thận trọng nói :

- Theo ý lão phu thi Vân nhi phải ra đòn một cách bất ngờ mới mong đắc thủ được.

Nan Đề lão nhân gật gù :

- Đúng vậy! Lợi thế lớn nhất của Kiếm Vân là đối phương không biết rằng Vô Nhãn kiếm pháp đã có truyền nhân.

Hàn minh chủ vân vê bộ râu trắng như cước, cao giọng :

- Chính lời khiêu chiến của Vân nhi đã phá tan kế hoạch chinh phục các phái của Xá Lợi Tỳ Khưu. Sau khi sát hại Ngộ Linh trưởng lão một cách dễ dàng, lão cho rằng chẳng ai dám đòi tỷ đấu với mình. Không ngờ Kiếm Vân lên tiếng khiến lão không có cớ tìm đến những bang phái còn lại nữa.

Thanh Thành quán chủ Lỗ Phác cười khanh khách :

- Bần đạo đang lo lão Lạt ma kia tìm đến núi Thanh Thành, thì Liễu công tử đã đứng ra gánh vác, thật là hú vía.

Kiếm Vân nghiêm giọng :

- Tại hạ có chứng cớ rõ ràng rằng Đường môn là hậu thuẫn của Xá Lợi Tỳ Khưu. Mong các phái nhớ đến trận phục kích ở hồ Thanh Hải năm nào mà lưu tâm phòng vệ cho chu đáo.

Các Chưởng môn đều tái mặt nhìn nhau. Thiên Nhất thần tăng đại diện nói :

- Liễu thí chủ cứ yên tâm giao đấu với Xá Lợi Tỳ Khưu. Đệ tử bổn phái sẽ chịu trách nhiệm vòng ngoài.

Sáng ngày rằm tháng năm, quần hùng nai nịt gọn gàng, hồi hộp chờ đợi Xá Lợi Tỳ Khưu đến. Họ còn thầm mong đối phương ám tập để được dịp đánh một trận cho sướng tay. Tinh hoa võ lâm đã tập trung cả nơi này nên chẳng phải sợ ai cả.

Giữa giờ Thìn, Xá Lợi Tỳ Khưu và phái đoàn Lạt ma mới xuất hiện. Kiếm Vân chăm chú quan sát, không thấy Đường Khâu Minh trong đám ấy lòng rất băng khoăn. Mặc dù Tô Tháo và Thường Luyện đều ở lại Liễu gia trang để phòng thủ nhưng họ Đường tâm cơ thâm độc, khó mà lường trước được thủ đoạn của gã. Chàng tin vào cơ trí của Thẩm Xuân Mi nên cũng bớt lo lắng.

Bốn nàng kia bận con thơ nên cũng chỉ mình Phụng Hương đi theo chàng đến đây. Nàng thỏ thẻ :

- Mong tướng công bảo trọng vì đàn con thơ. Nếu địch không lại xin chàng rút lui ngay.

Kiếm Vân nhìn sâu vào đôi mắt u buồn kia, âu yếm nói :

- Hương muội yên tâm, ta vốn quý trọng hạnh phúc của thê tử hơn là thanh danh cá nhân mình.

Lúc này Xá Lợi Tỳ Khưu đã mở lời :

- Bần tăng đã đến phó ước, mong Liễu thí chủ chỉ giáo cho.

Kiếm Vân buông tay ái thê bước ra. Chàng trầm giọng bảo :

- Đại sư là người của Phật môn mà không lo việc minh tâm kiến tánh, chỉ chuyên luyện võ công là đã sai với tôn chỉ của Như Lai. Nay lại nuôi dã tâm thống trị võ lâm, chẳng phải là đã tạo thêm nghiệp quả xấu đấy ư?

Xá Lợi Tỳ Khưu cười khanh khách :

- Bần tăng đã vượt khỏi vòng nhân quả luân hồi, tùy duyên mà hành động, không cần thí chủ phải dạy bảo.

Kiếm Vân chỉnh sắc :

- Đại sư đã u mê, tại hạ chẳng thể nhiều lời. Âm mưu của đại sư đã bại lộ, chiêu bài tỷ võ so tài đã không còn tác dụng. Vì vậy, trận đấu hôm nay chỉ sẽ kéo dài ba trăm chiêu. Nếu đại sư không giết được tại hạ thì nửa năm sau tái đấu. Tại hạ còn trẻ, quyết theo đuổi đến cùng, không để đại sư khuynh đảo võ lâm.

Hàn minh chủ tiếp lời chàng :

- Lão phu đại diện võ lâm Trung Nguyên cảnh báo với đại sư rằng, sau trận quyết đấu này, thắng hay bại gì cũng nên trở về Tây Tạng. Dã tâm kia ai cũng biết rõ, ở lại chỉ thiệt thân mà thôi.

Quần hùng đồng thanh quát vang :

- Đúng vậy!

Quả thực, nếu Xá Lợi Tỳ Khưu giết được Kiếm Vân, thần tượng mà họ yêu mến, thì lão ta sẽ trở thành công địch võ lâm. Mọi người sẽ kề vai sát cánh nhau tiêu diệt gã.

Xá Lợi Tỳ Khưu biến sắc, biết rằng kế hoạch xâm nhập Trung Nguyên đã thất bại, lão trút giận lên đầu Kiếm Vân, lạnh lùng nói :

- Chư vị quá lo xa nên mới nghi ngờ lòng hiếu võ của bần tăng. Nay Liễu thí chủ được coi là Trung Nguyên đệ nhất cao thủ, bần tăng đã thắng được thì còn lưu lại Trung Nguyên làm gì nữa? Có điều, nếu bần tăng lỡ nặng tay, mong chư vị đồng đạo lượng thứ cho.

Hai người chậm rãi bước ra khoảng trống ở giữa, vái chào nhau rồi thủ thế.

Thanh Ngư Trường kiếm dài hơn hai gang vẫn nằm im trong vỏ, dắt xéo trước bụng. Kiếm Vân vung chưởng, thi triển pho Kim Thủ Liên Hoàn Trảm.

Tỳ Khưu thản nhiên vỗ liền mấy đạo Liên Hoa để thăm dò. Chưởng kình chạm nhau nổ ầm vang, chiêu đầu chưa thể phân thắng bại.

Chiêu thứ hai của Kiếm Vân là một chiêu trong pho Càn Khôn chưởng pháp của Nan Đề lão nhân. Chiêu thứ ba lại là Lôi Đình thần chưởng, chiêu thứ tư đổi sang Như Lai tâm chưởng

Sở học uyên bác của Kiếm Vân đã khiến đối phương bối rối, trúng liền mấy đòn. Quần hùng mừng rỡ reo hò vang dội.

Xá Lợi Tỳ Khưu thân hoài tuyệt học nhưng lại thiếu kinh nghiệm giao đấu. Trong khi Kiếm Vân đã trải qua hàng trăm trận sống mái nên đấu pháp vô cùng lão luyện.

Đã hơn trăm chiêu trôi qua mà chàng vẫn chưa đánh thủng nổi lớp cương khí Xá Lợi Ngũ Sắc thần công, lòng không khỏi kính phục Tỳ Khưu. Ngược lại, lão Lạt ma trúng đòn liên tục cũng sinh lòng e ngại đối phương.

Khinh công Kiếm Vân quá cao siêu, chàng phối hợp hai pho Kim Ưng thân pháp và “Vạn Lý Phần Hương” di chuyển như làm gió, hoặc bay lượn, đảo lộn trong lưới chưởng khiến Tỳ Khưu không tài nào đánh trúng được.

Lão vội thay đổi đấu pháp, bảo nguyên thủ nhất dùng phép Dĩ Tịnh Chế Động, đứng yên một chỗ, vững vàng như núi Thái Sơn. Lão chỉ xoay quanh để đón chiêu của Kiếm Vân. Những đạo chưởng kình vũ bão mang hình Ngũ Sắc Liên Hoa chặn đứng các đợt tấn công.

Xá Lợi Tỳ Khưu cố chờ đối phương mệt mỏi rồi mới phản kích. Lối đấu của Kiếm Vân rất hao tốn nội lực mà tu vi của chàng lại không bằng lão.

Nhưng bất ngờ, chàng rút Ngư Trường kiếm xuất chiêu “Khứ Bát Phục Phản” trong pho Xuân Thu kiếm pháp. Chiêu kiếm nhanh như thiểm diện và luồng kiếm khí bao bọc quanh thân đã đưa chàng vượt qua được lưới chưởng của Tỳ Khưu.

Như chúng ta đã biết, trong thuật Ngự kiếm, chiêu thức được đánh ra với tốc độ nhanh hơn ý muốn. Vì vậy, khó mà thay đổi mục tiêu được. Ngư Trường kiếm đâm vào ba đại huyệt trên ngực Tỳ Khưu và không phá nổi luồng chân khí Ngũ Sắc Xá Lợi, chỉ đẩy lão lui lại mấy bước.

Lão vội đắc ý vung chưởng phản kích. Tuy nhiên, Kiếm Vân đã kịp phiêu thân tránh chiêu. Cùng tiếp tục đem hết sở học kiếm thuật áp đảo đối phương, lại thêm trăm chiêu nữa trôi qua mà Kiếm Vân vẫn chẳng làm gì được Tỳ Khưu. Lực phản chấn do kiếm kình chạm vào chưởng phong đã khiến máu miệng chàng rỉ ra.

Quần hùng bắt đầu lo sợ cho Kiếm Vân. Chỉ riêng Nan Đề lão nhân là vẫn thản nhiên.

Xá Lợi Tỳ Khưu thấy Hàn minh chủ đã đếm đến chiêu thứ hai trăm tám mươi sáu, liền xuất chiêu Liên Hoa Thiên Giáng. Chưởng phong tụ thành đóa sen ngũ sắc chói lọi, bay về phía đối phương. Phạm vi sát thương của đóa Liên Hoa rất rộng nên xem như Kiếm Vân khó mà tránh nổi.

Nhưng bất ngờ, Kiếm Vân gieo mình xuống mặt đất đã mềm bởi những cơn mưa đầu hạ. Thân hình chàng lún sâu xuống nền đất, mặc cho luồng chưởng phong khủng khiếp kia lướt qua. Sau đó, chàng chầm chậm lao về phía Tỳ Khưu.

Lao ta chưa kịp dồn đủ chân khí cũng vội cử chưởng chống đỡ. Kiếm kình vun vút, xé tan lưới chưởng ập đến như sao băng. Lần này, Tỳ Khưu nhận ra phương vị mũi kiếm đều tập trung vào mắt mình nên sợ hãi lùi nhanh và liên tục xuất chưởng chặn đối phương lại.

Nhưng lão đã mất tiên cơ, không kịp đổi hơi nên lực đạo chẳng đủ để ngăn cản Kiếm Vân. Chàng đánh liền bốn chiêu trong pho Vô Nhãn kiếm pháp, xuyên qua chưởng kình, đến gần đối thủ.

Cuối cùng, chàng xuất chiêu “Vĩnh Bất Kiến Nhật Nguyệt”. Kiếm ảnh trùng trùng và có sắc hồng vì được phổ Ly Hỏa chân khí.

Tỳ Khưu nghe sát khí bao quanh đầu và trước mặt hiện ra muôn ngàn đốm lửa đỏ, kinh hãi nghiêng đầu tránh đòn.

Nhưng từ mũi Ngư Trường kiếm, một luồng kiếm khí đỏ rực, nhỏ như sợi chỉ ló ra hai gang, xạ thẳng vào mắt phải của Xá Lợi Tỳ Khưu.

Lão rú lên thảm thiết, ôm mắt lảo đảo rồi khuỵu xuống. Luồng kiếm khí đã đốt cháy nhãn cầu, xuyên thẳng não bộ của Xá Lợi Tỳ Khưu. Lão co giật vài cái rồi tuyệt khí.

Quần hùng vui mừng nhảy nhót, hoan hô. Họ ùa lại xem thảm trạng của lão Lạt ma và chúc mừng Kiếm Vân.

Lúc này, trông bộ dạng chàng chẳng có gì giống vẻ chiến thắng. Bùn đất đã bám đầy mặt mũi và thân trước. Phụng Hương đang dùng khăn lau mặt cho trượng phu, miệng mỉm cười nhưng lệ mừng vẫn tuôn rơi. Nàng đã tưởng rằng Kiếm Vân đã không thoát chết dưới chiêu Liên Hoa Thiên Giáng của Tỳ Khưu.

Kiếm Vân lặng lẽ nắm tay Phụng Hương đi vào Tổng đàn võ lâm. Chàng đang lo lắng cho an nguy của Liễu gia trang nên chẳng cảm nhận được niềm vui chiến thắng. Phụng Hương kéo chàng vào thẳng phòng tắm, đẩy vào bồn gỗ rồi xăn tay áo tắm gội. Chạm phải những vết sẹo ngang dọc trên ngực trượng phu, nàng buồn bã nói :

- Tướng công suốt đời vào sanh ra tử, gánh vác chuyện thiên hạ là vì mục đích gì? Chàng đâu phải là người coi trọng lợi danh?

Kiếm Vân mỉm cười, vươn tay nhấc bổng Phụng Hương đặt vào bồn nước. Chàng hôn nhẹ lên má nàng rồi âu yếm nói :

- Nếu ta chỉ là kẻ tầm thường suốt ngày quanh quẩn bên vợ con thì liệu nàng có yêu ta nhiều như hiện giờ hay không? Ta chẳng có mục đích nào khác là sống cho trọn vẹn một kiếp nhân sinh và đem lại hạnh phúc cho người khác. Đó là bản chất trời sinh, không thể nào thay đổi được.

Nói xong, chàng xiết chặt ái thê vào lòng. Phụng Hương thẹn thùng bảo :

- Tướng công buông thiếp ra, chàng phải tắm cho nhanh để còn về Giang Tây xem có sự cố gì không?

Kiếm Vân gật đầu bồng nàng đứng lên.

Thay y phục xong, chàng bước ra khách sảnh, định cáo từ Hàn minh chủ.

Lúc này, Hàn minh chủ cùng các long đầu, Chưởng môn đang quây quần bên bàn tiệc.

Thấy chàng xuất hiện, Hàn minh chủ nói ngay :

- Vân nhi bất tất phải vội vàng về Giang Tây. Đường Khâu Minh và hai trăm cao thủ Đường môn đã tập kích Liễu gia trang đêm hôm kia. Nhờ sự mai phục kín đáo của quan quân nên bọn chúng đã bị giết sạch. Thân quyến ngươi vẫn an toàn.

Kiếm Vân thở phào nhẹ nhõm, ngồi xuống cạnh sư phụ. Chàng chưa kịp uống chén nào đã nghe ngoài cửa có tiếng người dõng dạc :

- Khâm sứ giá lâm, Liễu phò mã chuẩn bị tiếp thánh chỉ.

Kiếm Vân vội đứng lên, vái chào cử tọa rồi bước ra sân. Dáng đi của chàng chậm rãi nhưng hiên ngang, khí phách như người một lòng sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa.