Ngược Về Thời Minh

Chương 179: Lợi ích trên hết



Dương Lăng nằm trên giường, Cao Văn Tâm ngồi cạnh lau mặt cho y bằng khăn nóng. Dẫu sao thì y cũng mới tắm xong, hai má ửng đỏ, da dẻ hồng hào, nhìn thế nào cũng chẳng giống như đang “thoi thóp” nên đành phải giả bộ như vừa lấy khăn ấm lau mặt xong.

Tiêu Phương ngồi cạnh bàn, thủng thỉnh vuốt râu, miệng cười tủm tỉm, nếu không phải đôi lúc ông ta để lộ nụ cười gian xảo thì trông rất nhân từ. Vị nhân huynh này đã 71 tuổi rồi, nhưng ngũ quan vẫn còn tinh tường, râu tóc trắng như cước, thân thể khoẻ mạnh, tướng mạo đường đường.

Trên đường về kinh, trong lúc suy tính tìm người cử vào vị trí nhập các* Đại học sĩ, Dương Lăng cũng đã từng cân nhắc đến vị quan văn có quan hệ khá tốt với mình này. Vị Tiêu thị lang này đỗ tiến sĩ năm Thiên Thuận thứ tám, liên tục nhậm chức Thứ cát sĩ, Biên tu, Thị giảng, sau lại đến nơi khác làm Đồng tri, Tri châu, Đề học phó sứ, Thông chính, Thái thường thiếu sư, Hữu thị lang bộ Lễ, hiện làm đến Tả thị lang bộ Lại.

(* gia nhập vào Nội các, tham dự giải quyết những sự vụ quan trọng, cơ mật trong triều)

Có thể nói chức danh kỹ thuật và chức vụ hành chính của ông ta từ thấp đến cao đều có đủ, còn năng lực và kinh nghiệm quan trường cũng có thể nói là vào bậc nhất. Lúc nhập các, phẩm quan của ba vị đương kim đại học sĩ đều nhỏ hơn ông ta, cho nên Tiêu thị lang là người có tư cách thăng chức vị đại học sĩ nhất.

Hơn nữa Dương Lăng từng giúp đỡ ông ta, còn lúc Dương Lăng vào ngục vì vụ an Đế lăng thì Tiêu Phương cũng đã nói tốt vài câu giúp y, cho nên Dương Lăng rất có hảo cảm với lão, xếp ông ta vào diện có khả năng làm ứng cử viên. Y từng phái Ngô Kiệt ngấm ngầm điều tra tình hình của người này, không ngờ mình còn chưa biết có nên liên lạc với ông ta hay không thì ông ta đã sớm tìm đến.

Dương Lăng uể oải khoác tay, bảo:

- Văn Tâm, cô lui ra trước đi! Ta muốn nói chuyện cùng Tiêu đại nhân.

Cao Văn Tâm thấy y giả bộ như sắp chết, không khỏi hờn dỗi lườm y một cái rồi mới uyển chuyển đứng dậy, dịu dàng đáp:

- Dạ! Thân thể lão gia còn yếu, đừng quá sức kẻo mệt, tiểu tì cáo lui.

Đoạn nàng lùi hai bước, hành lễ với Tiêu Phương rồi mới nhẹ nhàng lui ra, thuận tay đóng cửa phòng.

Dù bận rộn nhưng Tiêu Phương vẫn thong dong nhấp một ngụm trà, rồi vuốt râu bảo:

- Nghe nói đại nhân bị ám toán trên đường về kinh nên bị trọng thương, thậm chí hôm nay lúc vào triều gặp vua cũng không thể dậy nổi. Bản quan ở Lại Bộ nghe được tin rất lấy làm lo lắng, đứng ngồi không yên nên đành vội vàng xin nghỉ, mang ba cây nhân sâm ngàn năm đến thăm sức khỏe đại nhân.

Dương Lăng đoán không ra mục đích đến đây của lão, cho nên cũng giả vờ chấp nhận:

- Đã phiền lão đại nhân nhọc lòng rồi! Chỉ là một chút thương tích nhỏ, không sao cả đâu.

Tiêu Phương chợt hít hít mũi, rồi nói đầy hàm ý:

- Ừm! Hôm nay thấy đại nhân khí sắc vẫn còn tốt, bản quan cũng yên tâm.

Dương Lăng thấy bộ dạng của lão, thầm nhủ: “Tiêu rồi! Nếu mình được bôi thuốc kim sang (thuốc trị thương) thì sao lại không nghe mùi chứ, lão già này đúng là tinh ranh.” Y cười khan:

- Đại nhân bận rộn nhiều bề mà còn vội vã đến đây thăm hỏi, bản quan rất lấy làm cảm kích!

Tiêu Phương than thở:

- Đại nhân là rường cột của nước nhà, hiện nay chèo chống trong triều chỉ còn lại mỗi mình Lý đại học sĩ, lòng người bất an. Lúc này đang cần đại nhân ngăn cơn sóng dữ, ổn định lòng người, cho nên lão phu thật lòng mong đại nhân sớm khỏi bệnh.

Dương Lăng mỉm cười, giả vờ nâng chén trà lên uống, cúi đầu ngẫm nghĩ: “Lấy lai lịch và chức quan của vị Tiêu đại nhân này mà còn đến thăm nom mình, rồi lại nói những lời nịnh nọt như vậy, chắc chắn là có ý kết giao với mình rồi.

Có điều mình giả bộ bị thương, rút khỏi trường phong ba này để giữ lấy tấm thân, không ngờ lại bị lão già này nhìn ra, quả là tinh tế một cách đáng sợ. Người này sẽ trở thành đồng minh trên chính trường của mình ư?”

Như có điều trầm ngâm nghĩ ngợi, y cầm chén trà uống cạn một hơi. Y vừa ngẩng đầu đặt chén trà lên bàn, Tiêu Phương đã tiếp lấy, rót đầy rồi đẩy nhẹ về phía y.

Thấy thái độ kính cẩn của vị quan lớn tam phẩm bộ Lại râu tóc bạc phơ này, Dương Lăng đã có quyết định trong lòng. Y nghĩ ngợi một chặp, rồi cười nặng nề nói:

- Lão đại nhân khách sáo rồi! Dương mỗ thăng tiến nhanh khiến người ta hâm mộ, nhưng đó đều là theo đường bàng môn, chưa hề tham dự vào đại sự triều đình. Nếu luận kiến thức và kinh nghiệm thì hãy còn kém xa đại nhân, so với rất nhiều triều thần khác thì cũng chẳng bằng.

Y trầm tư một lát, rồi từ tốn nói tiếp:

- Được Hoàng thượng ưu ái, kẻ làm thần tử đương nhiên phải vì người mà san sẻ lo âu. Lần này xuôi nam tuần tra thuế má, Dương mỗ được tai nghe mắt thấy nhiều điều, trong lòng thực ra đã có vài ý tưởng, chỉ là không biết có nông cạn buồn cười hay không, cho nên cũng không dám bẩm tấu lên Hoàng thượng. Lão đại nhân đến vừa đúng lúc, bản quan đang muốn thỉnh giáo, mời đại nhân xem xét hộ cho. Không biết ý đại nhân thế nào?

Tiêu Phương nhếch mày, trong mắt loé lên vẻ vui mừng: "Lời vừa rồi của Dương Lăng chính là có ý chấp nhận mình. Lời nói của kẻ này rất được Hoàng thượng tôn trọng, hiện mấy vị thái giám chưởng quản nội đình cũng răm rắp nghe theo lời y, chỉ cần y chịu đề bạt chiếu cố cho thì mình cần gì phải chịu sự chèn ép của đám người Mã Văn Thăng nữa?

Chẳng qua tuy y còn trẻ tuổi nhưng xuôi nam tuần tra thì giải quyết được các vị thái giám trấn thủ, về kinh thì dẹp yên được sự công kích của quần thần nội ngoại đình; là người suy trước tính sau, thủ đoạn cực kỳ lão luyện, không biết y muốn kiểm tra ta những gì?

Mình phải có chút kiến giải độc đáo khiến y thưởng thức, nhưng phương châm thì phải thống nhất với y về cơ bản mới được, cơ hội khó kiếm, mình phải cẩn thận ứng phó đây."

Tiêu Phương nghĩ đến đây, tinh thần phấn chấn như năm nào vào kinh ứng thí, bèn kéo dịch ghế về phía trước một tí, hơi khom người, tập trung tinh thần:

- Không biết đại nhân có cao kiến gì, lão phu xin lắng nghe.

Dương Lăng nói:

- Lần này bản quan xuống Giang Nam, chủ yếu là tuần tra vùng duyên hải. Ở đó cướp biển hoành hành, theo như bản quan thấy thì người dân và lái buôn vì bị bế quan tỏa cảng mà phải đi buôn lậu. Buôn lậu và cướp biển, những thứ này có cấm cũng chẳng được, cho nên bản quan đến giờ vẫn nghĩ không thông: có câu “lấp không bằng thông”, vì sao triều đình không thể bãi bỏ lệnh cấm biển, khuyến khích người dân thông thương? Chỉ riêng thuế má thu nhập hàng năm há chỉ ngàn vạn.

Trên đường về kinh, bản quan có ghé qua xưởng đóng thuyền Long Giang, hiện nay nơi đó hoang vu tiêu điều, cảnh tượng phồn hoa khi Tam Bảo thái giám giong thuyền xuôi tây dương năm xưa đã không còn nữa. Nghe đâu là vì việc đó hao tốn rất nhiều tiền bạc, sức nước khó mà chịu nổi, cho nên bản quan nghĩ rằng…

Dương Lăng liếc nhìn khuôn mặt đầy nếp nhăn của Tiêu Phương rồi nói tiếp:

- Nếu như triều đình cho rằng dùng hải vận để tuyên dương uy danh quốc gia là việc lợi không bằng hại thì cũng đâu cần phải cấm dân gian thông thương. Tuy rằng triều đình lấy nông nghiệp làm gốc, nhưng cũng không nên chèn ép thương nghiệp quá đáng, bá quan trong triều chẳng lẽ không thấy được ích lợi của việc thông thương với các nước ư? Bản quan hoàn toàn không hiểu, đại nhân có thể giải đáp giúp ta không?

Tiêu Phương nhíu mày, chăm chú nhìn y, thầm nhủ: “Thì ra Dương đại nhân cũng không chịu nhàn cư, y muốn chọn bãi bỏ lệnh cấm thông thương để làm chính tích (thành tích chính trị, để người ta ghi nhớ) cho mình à? Việc này khó đây.”

Dương Lăng thấy lão vuốt râu nghĩ ngợi hồi lâu mà không nói gì thì có vẻ hơi mất kiên nhẫn. Tiêu Phương thấy thế vội đáp:

- Lão phu và đại nhân rất là hợp ý, cho nên có đôi lời thật lòng muốn bẩm cáo đại nhân. Nếu có gì không phải, xin đại nhân nghe xong bỏ qua. Có một số chuyện… dù mọi người trong lòng đều biết rõ, nhưng thực sự không tiện lấy ra thương nghị.

Dương Lăng hồ hởi:

- Đương nhiên, đây là vãn bối thỉnh giáo lão đại nhân. Chuyện riêng giữa hai ta sẽ không có người thứ ba biết được.

Tiêu Phương nghe vậy thì yên tâm, ngẫm nghĩ một lát rồi chậm rãi nói:

- Đại nhân thật sự cho rằng đám sĩ tử đọc sách cổ hủ, không thấy được lợi ích của việc thông thương với các nước sao? Ha ha, đó chỉ là bề ngoài thôi. Khoan hãy nói dân gian thông thương thu được ích lợi to lớn thế nào, chỉ tính năm đó Trịnh Hoà xuôi tây dương dù tốn kém vô cùng nhưng tham quan được nhiều nước, cũng không phải là mất nhiều hơn được.

Dương Lăng vẫn luôn nghe quan điểm cho rằng Đại Minh giong thuyền xuôi tây dương thuần tuý là truyền bá uy danh quốc gia, quốc khố hao hụt rất nhiều nhưng không có thu nhập tương ứng mới khiến bá quan phản đối, nên khi nghe Tiêu Phương nói thế thì hơi ngạc nhiên, vội hỏi:

- Sao đại nhân lại nói vậy?

Tiêu Phương mỉm cười đáp:

- Lúc lão phu nhậm chức ở bộ Lễ đã từng xem qua điệp báo về việc qua lại với các nước vào những năm Vĩnh Lạc, còn nhớ mang máng một số chuyện. Triều đình Đại Minh không thông thương với nước ngoài không có nghĩa là không cần những thứ mà trong nước không có, chẳng qua là lấy phương thức cống nạp của các nước để tiến hành giao dịch mà thôi.

Trong đó có rất nhiều hàng hoá vì sự khác biệt về lãnh thổ mà cung không đủ cầu, cho nên giá cả đắt đỏ. Lão phu lấy ví dụ thế này, Đại Minh cần hồ tiêu, nhưng trong nước không sản xuất mà do quốc gia hải ngoại tiến cống, nên giá đắt như vàng, gấp hai mươi lần giá gốc.

Năm Vĩnh Lạc thứ năm, lần đầu tiên Trịnh Hoà xuôi tây dương trở về, giá mỗi cân hồ tiêu trong nước giảm mười lần. Đến năm Tuyên Đức thứ chín, lần cuối cùng Trịnh Hoà xuôi tây dương trở về, giá hồ tiêu càng hạ xuống một cân 100 quan tiền, triều đình mỗi năm nào chỉ cần vạn cân hồ tiêu, chênh lệch giá cả nghĩ đã thấy sợ rồi. Mà lúc đó hàng hoá giao lưu giữa Trung -Tây đã đến hàng vạn loại, tiền tài dự trữ trong quốc khố nhiều không kể xiết, trừ hao phí tổn do Thiên triều ban thưởng cho các nước và xuôi tây dương, thì vẫn kiếm được rất nhiều…

Dương Lăng ngạc nhiên hỏi lại:

- Nhưng sao bản quan nghe nói…Triều đình cấm xuôi tây dương là vì tài chính cạn kiệt, cho nên bá quan mới đồng loạt phản đối?

Tiêu Phương cười kín đáo, ánh mắt loé sáng:

- Thời Vĩnh Lạc, trong nước thì xây dựng thành Bắc Kinh, đối ngoại thì Nam chinh Giao Chỉ, Bắc phạt Mông Nguyên, dụng binh khắp nơi, tiêu tiền khắp chốn, nhưng dân chúng vẫn ấm no, kho đụn vẫn dư dật, những điều này đều được ghi lại trong sử sách. Ngoài ra tơ lụa Giang Nam, đồ sứ trấn Cảnh Đức, thậm chí in ấn, trà lá, tàu thuyền, lâm nghiệp đều hưng thịnh nhờ đó, sao nói là cạn kiệt?

Mà sau khi dừng xuôi tây dương thì ngược lại, quốc khố gặp khó khăn đủ bề. Thời Anh Tông, chỉ hơi hạn hán thì đã khó điều động tiếp tế cho dân rồi. Trước đây khi dấy binh chinh phạt hay kiến tạo một toà thành trì đều dư dả, nay xây một toà đế lăng đã tiêu hao hơn một nửa thu nhập của quốc gia, điều đó giải thích thế nào?

“Về phần dương thương tổn nông(1), càng là lời vô căn cứ. Triều đại nhà Tống, diện tích đất đai không bằng Đại Minh, sản lượng trồng trọt cũng không bằng, tô thuế nặng hơn nhiều, nhưng bách tính lại vẫn có thể chịu được, sinh hoạt và thực phẩm đều dồi dào hơn Đại Minh.

Còn nay thu nhập một năm của Đại Minh không quá 400 vạn lượng, chỉ bằng một phần mười thời Nam Tống, dù hạ thuế để an dân, nhưng sinh hoạt của bách tính vẫn khó khăn. Ngoại trừ tô thuế chính thức ra còn có lắm tệ nạn, chẳng phải cấm hải cấm thương chính là nguồn gốc tai họa đó sao?

Dương Lăng nghe mà ngơ ngẩn. Đúng vậy, những chuyện này sao trước đây mình không hề nghĩ tới nhỉ, chỉ dựa vào những bài chỉ trích bằng văn chương cẩm tú mà đã có thể biến việc giong buồm xuôi tây dương thành việc làm sai trái, đám quan văn cầm cán bút đó quả thật đã cho mình thấy rõ sự lợi hại của bọn họ. Nếu lần này về kinh bị Đông xưởng giết chết, mình chẳng phải sẽ bị quy chụp đủ tội danh, muôn đời sau cũng bị coi là kẻ gian nịnh ư? Lẽ nào trong chuyện này còn có nguyên nhân khác?

Dương Lăng hào hứng đến suýt nữa ngồi bật dậy, vừa nhổm người thì mới sực nhớ ra, thế là lại vội vàng nằm xuống, thành khẩn và kích động:

- Không giấu lão đại nhân! Theo bản quan thấy bế quan toả cảng thật là hại nước hại dân, bãi bỏ lệnh cấm thông thương, tiêu diệt cái nguồn họa hải tặc từ gốc rễ, thế mới ích nước lợi dân, mới dẹp yên lãnh hải, giúp Đại Minh ta hiểu rõ về các nước hải ngoại, mở mang kiến thức, thật sự là lợi ích vô cùng. Cho nên bản quan mới có lòng muốn can gián Hoàng thượng, thế nhưng mấu chốt chuyện này là thế nào thì rốt cuộc lại không thể hiểu được. Đại nhân có thể giải thích rõ ràng cho bản quan được không?

Tiêu Phương thấy bộ dạng hào hứng đến độ quên luôn cả việc mình đang giả bị thương phải nằm trên giường của y, thì trong lòng cũng thầm buồn cười. Tuy lão cũng không lạc quan lắm về việc bãi bỏ lệnh cấm thông thương, nhưng nếu có thể nêu ra quan điểm độc đáo của mình mà lại hợp ý Dương Lăng, thì dù cho kế sách không thành y cũng nhất định cũng sẽ xem lão là người tâm phúc. Thế là Tiêu Phương cũng hăng hái tinh thần, chậm rãi nói rõ ngọn ngành.

Từ lúc Trịnh Hoà xuôi tây dương đến nay, ban đầu nhập khẩu phần lớn là xa xỉ phẩm, theo thời gian việc giao lưu tăng dần, một lượng lớn hàng hoá tuồn vào, giá cả không ngừng hạ xuống, vật dụng hàng ngày cũng bắt đầu xuất hiện nhiều lên, việc này Dương Lăng có thể hiểu được: Lúc đời sau mới cải cách mở cửa, những thứ nhập khẩu từ nước ngoài vào cũng đều là sản phẩm chất lượng cao mà trong nước còn thiếu.

Có điều thời đó tiên tiến nhất chính là triều đại nhà Minh, những vật phẩm xa xỉ nhập vào đều là hàng quý hiếm, dần dần bắt đầu nhập khẩu nhiều nguyên liệu, xuất khẩu các loại tơ lụa, đồ sứ tinh xảo, còn kích thích phát triển thủ công nghiệp trong nước. Ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, luyện kim cũng nhờ nhu cầu gia tăng mà phát triển, có thể nói là lợi ích vô cùng, sao lại chết yểu trong sự phản đối gay gắt như vậy nhỉ?

Đáp án của Tiêu Phương khiến Dương Lăng rất ngạc nhiên, y vốn cho rằng tư tưởng tiểu nông (cá thể) của nhân sĩ đời Minh khiến bọn họ chèn ép thương nhân, khinh thường tác dụng của thương nghiệp, không ngờ nguyên nhân trong đó lại phức tạp như vậy. Xem ra sách lược mà y vốn chuẩn bị để vào cung can gián hoàng đế Chính Đức phải sửa đổi lại rồi.

Dương Lăng lúc này thật sự là cảm kích Tiêu Phương vô cùng, nếu cứ ôm lấy nhận thức ban đầu, trên triều đường chỉ trích bá quan thiển cận, ca ngợi ích lợi của việc bãi bỏ lệnh cấm thông thương, chỉ sợ sẽ bị mắng cho té tát mà quay về rồi.

Tương tự, được Dương Lăng gợi ý sẽ đề cử nhập các, Tiêu Phương cũng cảm thấy chuyến đi này không tệ. Vị quan già nhiều lần tỏ ý muốn gia nhập Nội các, cùng Dương Lăng tương trợ lẫn nhau trong triều, đến lúc cáo từ ra về lòng cảm kích đến rơi lệ.

Bốn người Hàn Ấu Nương và Cao Văn Tâm, Ngọc Đường Xuân, Lý Tuyết Mai đang chờ ở sảnh ngoài, thấy Dương Lăng bước ra liền vội đi tới đón. Thấy y có tâm sự, Hàn Ấu Nương lo lắng hỏi:

- Tướng công có việc gì ư?

Dương Lăng không muốn nàng lo lắng, bèn tạm thời nén tâm sự cười đáp:

- Làm gì có? Mì còn đang nóng, để tướng công ăn mì do mấy vị hiền thê làm mới được.

Y đến trước bàn, vội vàng ăn sạch bát mì thơm phưng phức, rồi lau miệng nói:

- Xong rồi, tướng công đã ăn no. Ta vào vườn đi dạo đây.

Cao Văn Tâm mở miệng tính giữ y lại, song nghĩ ngợi một tí rồi lại thôi. Nàng khẽ thở dài tự nhủ: “Thôi vậy, cũng dừng mấy ngày rồi, cũng chẳng phải chỉ lúc này.”

Lúc này Hàn Ấu Nương mới sực nhớ còn có một việc quan trọng khác, bèn lo lắng hỏi:

- Tỷ tỷ! Tướng công và tỷ chia tay nhau vào kinh, đến nay chỉ sợ đã mười ngày rồi đúng không? Mười ngày chưa châm cứu, không biết có bị gì không?

Cao Văn Tâm phì cười đáp:

- Chắc là không sao, thật ra trị liệu lâu như vậy đến giờ, có lẽ bệnh đã khỏi hẳn rồi. Chỉ là lần đầu tỷ tỷ chữa chứng bệnh này, do muốn chắc ăn nên mới kéo dài thêm một thời gian.

Dù sao thì ba người trước mặt đều là thê thiếp của Dương Lăng, cùng là chị em kết bái với mình, không có gì phải e dè nên nàng cười khúc khích nói tiếp:

- Lần này lão gia đi công tác hơn hai tháng mới trở về, theo tỷ thấy lõa gia luôn vì muội mà thủ thân như ngọc nè, trải qua sự trị liệu của tỷ, lại có thêm đợt nghỉ dưỡng này, nói không chừng…

Nàng giảo hoạt cười nói:

- Hì hì, nói không chừng tối nay có thể “một phát trúng đích”, làm cho muội mang cốt nhục của Dương gia đó.

Hàn Ấu Nương nghe mà đỏ mặt, nàng xấu hổ đấm nhẹ vào vai Cao Văn Tâm, chợt nghĩ đến “các kiểu thế đa dạng” của tướng công trong khuê phòng, tim lại nhảy lên thình thịch.

“Cốt nhục của tướng công, bảo bối của ta và tướng công…” Nàng kích động nhìn xuống bụng, cắn nhẹ môi, khuôn mặt phơi phới xuân quang, cặp mắt đen lay láy toát ra vẻ mê mẩn.

Cao Văn Tâm cười khanh khách, bỗng nàng quay đầu, trông thấy Ngọc Đường Xuân và Tuyết Lý Mai đang nhìn phía sau lưng mình với vẻ mặt cổ quái, bèn sờ dưới mông, rồi lại liếc sang hai vai, thắc mắc hỏi:

- Sao vậy? Có dính gì à?

Ngọc Đường Xuân và Tuyết Lý Mai lắc đầu, mặt cười mà lại như không, liếc nhìn nhau rồi cắn môi quay đi. Cao Văn Tâm ngơ ngác, nào biết hai cô đang nghĩ đến điều gì.

Ngọc Đường Xuân chợt nghĩ nếu như phu quân khỏi bệnh, mình được chàng sủng ái rồi không chừng người có thai trước lại là mình, Ấu Nương tỷ tỷ chưa chắc đã có trước, tim không khỏi đập rộn lên.

Nàng ta bỗng quay đầu liếc nhìn Tuyết Lý Mai, chỉ thấy tiểu nha đầu dường như cũng đang nghĩ ngợi điều gì, đang cúi đầu tiu nghỉu, chau mặt nhíu mày, bộ dạng chán nản không nói nên lời, thầm biết mấy ngày này nàng ta đang đến kỳ kinh nguyệt, thế là không khỏi mừng ra mặt.

Tuy nói bốn người kết bái, tình như tỷ muội, thế nhưng những chuyện như thế này thì phụ nữ bao giờ cũng có lòng riêng, há Ngọc Đường Xuân có thể rộng lượng nhiều đến thế?

Dương Lăng thong thả tản bộ về đến thư phòng, Thành Khởi Vận đang ngồi cạnh bàn uể oải xem cổ tịch. Nàng đã trang điểm gọn gàng, chẳng biết nghĩ ngợi điều chi mà lại đổi y phục nữ thành bộ trường bào màu trắng của nam nhân, cổ áo và ống tay thêu hoa văn màu tím, làn da mới tắm trong suốt như ngọc, mũi như túi mật treo, môi đỏ răng trắng. Nếu nàng ta là đàn ông thì khí chất phong lưu nho nhã đó cũng đủ để hạ bệ Dương Lăng rồi.

Như thể sớm biết Dương Lăng tiếp kiến Tiêu thị lang xong sẽ đến gặp mình, nàng đặt sách xuống, nở một nụ cười tươi tắn:

- Y thư trong giá sách của đại nhân còn nhiều gấp đôi Kinh, Sử, Tử, Tập(2). Nhìn những chỗ mà đại nhân đánh dấu chú thích, thực ra những chỗ làm ra vẻ thần bí rất nhiều… Đáng tiếc ba ngày sau ti chức phải về Kim Lăng, nếu không sẽ dâng lên thuật âm dương truyền từ Tôn Tư Mạc(3), có thể dưỡng sinh luyện khí mà ti chức có ở đây cho đại nhân.

Dương Lăng sửng sốt, sau đó mới ngộ ra ý tứ trong đó, hiểu được nàng ta nói bóng nói gió thuật âm dương gì đấy thực ra là muốn nói đến thuật phòng the, không khỏi cau mày trách:

- Ta nhìn trúng cô là ở tài học của cô, cớ gì lại quy mình vào phường đạo sĩ?

Thành Khởi Vận giật mình, bèn đứng dậy cung kính thưa:

- Đại nhân dạy dỗ phải lắm, ti chức sai rồi.

Thành Khởi Vận dáng người yểu điệu, vận bộ đồ công tử màu trắng, đai tím khăn vuông, da trắng dáng thon, quả thật là thanh lệ thoát tục, tựa như cây ngọc đứng trước gió. Dương Lăng lại hừ một tiếng, biết nàng ta giả thần như thần, giả quỷ như quỷ, điệu bộ lời nói không thể tin được.

Y ngồi vào bàn, khẽ chau mày nói:

- Sợ là trong ba ngày tới cô không thể về Kim Lăng được rồi. Bản quan vốn cho rằng nguyên nhân hải cấm quá đơn giản, hôm nay nghe Tiêu thị lang nói mới nhận ra rắc rối trong đó, một lời khó nói hết.

Thành Khởi Vận thoáng nhíu đôi mày liễu, kinh ngạc hỏi:

- Là nguyên nhân gì vậy? Ti chức thấy vị đại nhân đó chắc là có nhãn quan hơn người, đã nhận ra lần này đại nhân mới là cao thủ đứng sau việc hoá giải sự chất vấn của nội đình và ngoại đình lần này, cho nên có ý dựa giẫm. Hay là ông ta muốn được đại nhân thưởng thức mà cố ý tung chuyện doạ người?

Dương Lăng lắc đầu:

- Thì ra ta đã nghĩ về cổ nhân …à không…kẻ đọc sách chịu sự dạy dỗ của cổ nhân quá đơn giản rồi. Bọn họ hầu hết không phải là những kẻ ngốc chỉ biết ôm khư lấy lời dạy dỗ của thánh nhân như trong tưởng tượng của ta, ít ra thì đa số những kẻ lăn lộn trên chốn quan trường đều không phải là loại người như thế.

Thành Khởi Vận hé môi cười:

- Đó là đương nhiên. Những kẻ đọc sách tự cho là thanh cao, cứng nhắc bảo thủ dù có vào chốn quan trường thì chẳng mấy chốc rồi cũng sẽ như sóng cồn xô cát, cuối cùng bị người ép đi chốn núi rừng ẩn dật mà ngâm gió ngợi trăng thôi. Đã trụ lại được có ai là kẻ đơn giản, đại nhân cớ chi phải cảm khái?

Dương Lăng khẽ than thở:

- Đại Minh cấm biển, bởi rất nhiều nguyên do, không phải chỉ là một cái lý do đơn giản. Nếu chúng ta không có biện pháp thích hợp, chỉ bằng diệu kế của cô, bá quan trong triều chưa chắc đã hưởng ứng.

Vẻ mặt Thành Khởi Vận nghiêm túc hẳn lên. Nàng lật hai chén trà lên, đoạn cầm ấm rót cho Dương Lăng một chén rồi nói:

- Hiện nay trong triều vừa xảy ra đại biến, vì e sợ tiền đồ của mình nên nhiều quan lại chưa chắc dám làm khó đại nhân. Huống chi nội đình nằm trong tay đại nhân, lại được Hoàng thượng tin tưởng nghe theo, đó là đã nắm trong tay hơn nửa thế lực, chỉ cần sắp xếp thêm mấy người đắc lực ở ngoại đình để chia rẽ bọn họ, chuyện này sẽ rất có triển vọng. Xin đại nhân hãy thong thả kể rõ những lý do gì, chúng ta cùng phân tích tỉ mỉ, lần lượt đưa ra đối sách.

Dương Lăng khẽ gật đầu, bỗng dưng bật cười đáp:

- Bản quan nghĩ chuyện gì mính cũng đều không lo được mà cứ lo thua, cẩn thận quá đáng, trong khi cô thì lại lạc quan hơn ta rất nhiều.

Y trầm ngâm một chốc, rồi mới chậm rãi nói:

- Lý do thứ nhất của việc cấm hải, là đến từ tranh đấu giữa các phe cánh trong triều đình.

Y cười khổ:

- Cuộc đấu tranh phe cánh này là giữa quan văn và hoạn quan. Nội hoạn nắm quyền vận chuyển đường biển, có binh có tiền, quyền lực cực lớn, văn thần e ngại nội hoạn được thế sẽ tổn hại triều cương. Bọn họ cho rằng Thiên triều thượng quốc có thể tự cung tự cấp, không giao dịch buôn bán với nước khác cũng chẳng hề gì, những nước nhỏ càng không có năng lực phá hủy giang sơn Đại Minh, mà nội hoạn nắm quyền lại có thể khiến thiên hạ đại loạn, vì thế mà cật lực phản đối việc hải vận, là lực lượng chủ đạo của hoạn quan, và kết quả là… đã thắng.

Dương Lăng thở dài:

- Vật đổi sao dời, hiện tại muốn giải trừ lệnh bế môn tỏa cảng có lẽ ta phải dựa vào sự tương trợ của nội đình, không biết quan văn ngoại đình sẽ thấy thế nào?

Thành Khởi Vận nhíu mày, muốn nói lại thôi, hỏi tiếp:

- Thế còn lý do thứ hai?

Dương Lăng đáp:

- Lý do thứ hai, là do sự khống chế và cân bằng quyền lực của đế vương. Ngày nay quan văn lĩnh quân, bộ Binh, Ngũ Quân đô đốc phủ kiềm chế lẫn nhau chẳng qua là đề phòng tướng lĩnh nắm giữ binh quyền mà thôi. Muốn buôn bán đường biển thì phải có thuỷ quân mạnh mẽ mới được, mà thuỷ quân hùng mạnh cũng giống như là một quốc gia trên biển, ngộ nhỡ khống chế không được thì làm thế nào? Cho nên lấy đảm lược và sự quyết đoán của Vĩnh Lạc đại đế, cũng chỉ dám kiên trì cho thái giám thống lĩnh hạm đội. Bởi lẽ thái giám vốn không có con cái nối dõi nên cũng chẳng có tâm tranh quyền, hơn nữa bọn họ cũng rất khó để lập được uy quyền tuyệt đối với binh sĩ, cho nên ngài mới yên tâm mà dùng bọn họ, vậy mà đám quan văn vẫn cứ kiêng dè.

Y nhấp một ngụm trà rồi nói tiếp:

- Lý do thứ ba mới là quan điểm ban đầu của ta, nho sinh nắm quyền, chú trọng nào là “Cha mẹ ở nhà, con cái không được đi xa”(4), “Chỉ có tiểu nhân mới hám lợi”, kinh thương là đường cùng, không giúp ích gì cho quốc kế dân sinh, lại cho rằng Thiên triều ở trung nguyên, man di ngoại quốc đều không đáng nhắc đến, không chịu thông thương không phải là không thể mà là không muốn thôi.

Còn lý do thứ tư…

Thành Khởi Vận sửng sốt hỏi:

- Cái gì, còn có lý do nữa à?

Dương Lăng gượng cười đáp:

- Lý do cuối cùng, lý do cuối cùng!

Lý do này, ngay cả ta trước đây cũng không ngờ đến.

Y ngẫm nghĩ một lát rồi nói tiếp:

- Buôn bán với nước ngoài, cái lợi ích to lớn của nó khiến cho người ta phát thèm, dân chúng ít nhiều đều lén buôn lậu kiếm lời, việc Trịnh Hoà xuôi tây dương tuy là khuếch trương giao thương, ừm… nhưng vẫn là lũng đoạn hiểu không? Thực ra lợi ích đều vào tay triều đình. Các gia tộc nhân sĩ quan lại ở các thành thị lớn nhỏ ven biển có làm gì đi chăng nữa cũng không thể cạnh tranh được với hạm đội to lớn của triều đình Đại Minh. Bọn họ làm quan trong triều có nhiều quan hệ, tự nhiên tìm được đủ lý do, viện cớ cầu xin cho dân chúng để che mắt và lôi kéo nhiều triều thần dâng sớ can gián. Đất đai vùng ven biển vốn cằn cỗi, tầng lớp nhân sĩ quan lại ở đây đều dựa vào giao dịch đường biển để lập nghiệp. Từ sau khi cấm biển, mà trên thực tế là cấm nhưng không ngăn, ngay cả tô thuế cũng không cần phải nộp cho nên bọn họ thu lợi càng nhiều. Vì vậy giặc Oa càng làm loạn, bọn họ càng sung sướng; tuy hô hào ầm ĩ phải chống Oa dẹp Oa nhưng đến khi thật sự có người muốn dẹp yên lãnh hãi, quét sách tất cả thế lực buôn lậu thì bọn họ lại lờ đi, gây khó dễ trong triều. Vì vậy việc cấm biển lại trở thành thủ đoạn để gia tộc bọn họ mưu lợi.

Thành Khởi Vận nghe vậy cũng ngây người. Nàng ngẫm nghĩ một lát rồi lấy một tờ giấy trắng, cầm bút lông, mở nghiên chấm mực viết bốn dòng chữ, ghi lại vắn tắt bốn nguyên nhân, rồi nhíu mày trầm tư suy nghĩ.

Dương Lăng vừa kể bốn nguyên nhân vừa suy nghĩ đối sách ứng phó, trong lòng dần hình thành dự định. Suy tính một lúc, y thấy nếu bá quan trong triều đã phân hóa, mỗi kẻ đều có mưu toan riêng thì nếu như y có những hành động thích hợp thì coi bộ còn dễ thành công hơn là ra sức thuyết phục đám quan lại với một đống quan niệm tư tưởng bảo thủ lạc hậu. Nghĩ thế trong lòng y không khỏi càng thêm quyết tâm.

Trong lòng đã có chủ kiến, y vui vẻ hẳn lên, nhìn sang thấy dáng vẻ chăm chú suy tính của Thành Khởi Vận, không nhịn được cười khe khẽ. Thành Khởi Vận đang nhíu mày trầm tư, nghe thấy tiếng cười liền ngẩng đầu ngạc nhiên hỏi:

- Đại nhân cười gì vậy?

Dương Lăng cười đáp:

- Ta thấy cô giống như đang thi ở khoa trường vậy, ha ha, có phải còn muốn thừa đề, phá đề(5)?

Thành Khởi Vận đảo cặp mắt lúng liếng, mỉm cười đáp:

- Đúng vậy! Thi đỗ Trạng nguyên, đến khi nhập các bái tướng*, sẽ lại góp sức cho đại nhân.

(* thời Minh bãi bỏ chức danh tể tướng, cho nên “bái tướng” không phải thật sự là làm tể tướng mà cũng là chỉ gia nhập Nội các làm đại học sĩ)

Dương Lăng hừ một tiếng:

- Chỉ sợ Thành cô nương thực sự làm tể tướng, sẽ chẳng thèm đặt Dương mỗ vào trong mắt nữa.

Thành Khởi Vận hiếm khi thấy y nói đùa với mình, không khỏi lấy làm rất mừng, nàng vừa định nói: “Ta muốn làm hoàng đế, đem ngươi nạp vào hậu cung làm hoàng hậu, coi ngươi còn dám xem thường ta không.” Lời vừa đến cửa miệng lại cảm thấy thật sự là đại nghịch bất đạo, Dương Lăng là đại quan triều đình, không chừng nghe xong sẽ nổi giận, bèn nuốt xuống ngay.

Dương Lăng thấy nàng muốn nói lại thôi, bèn hỏi:

- Sao vậy? Có gì muốn nói à?

Thành Khởi Vận mỉm cười quyến rũ:

- Bất cứ việc gì đại nhân cũng đều lo bại rồi mới lo thành, nay biết rõ nguyên nhân cấm biển là rất phức tạp, nhưng vẫn có lòng đùa giỡn, phải chăng trong lòng đại nhân đã có kế sách?

Dương Lăng vui vẻ:

- Ha ha, quả nhiên là thông minh! Không giấu gì cô nương, nếu bá quan trong triều thật sự chỉ là đám hủ nho, chỉ biết tuân theo di huấn thánh nhân, còn Dương mỗ chỉ là một gã dân quê dốt nát thì sao nói lý lại bọn họ? Chỉ sợ ta có nói hộc máu thì bọn họ cũng cho là ta đang nói những lời tà thuyết mê hoặc lòng người thôi. Còn nếu như đa số đều đặt lợi ích làm đầu, dù là vì triều đình hay là vì gia tộc, thì cũng không phải là khó đối phó nữa.

Ánh mắt Thành Khởi Vận sáng lên, nàng vội vàng hỏi:

- Đại nhân có diệu kế gì?

Dương Lăng đứng dậy, xoay người thản nhiên đi ra ngoài, nói với lại:

- Hôm nay vừa mới về, ta thật muốn nếm chút cơm nhà, mời Thành cô nương. Về phần đối sách, ta vẫn cần tìm thêm mấy người, đến lúc đó hẵng thương nghị.

Thành Khởi Vận tức giận vô cùng, cố rướn mắt nhìn theo bóng lưng y sẵng giọng:

- Oai lắm sao? Đợi ta nghĩ ra chủ ý rồi xem ta có nói cho ngươi không!

Lời vừa thốt ra, nàng chợt thấy má nóng lên: “Trước đây ta cáu gắt giận dỗi, chẳng qua là làm bộ cho vui, hôm nay sao thế nhỉ? Đứng trước mặt hắn sao mình càng ngày càng khó điềm tĩnh như thế này?“

Chú thích:

Chú thích:

(1) Dương thương tổn nông: Khuyến khích làm thương nghiệp mà bỏ bê nông nghiệp

(2) Kinh, sử, tử, tập: Trung Quốc cổ đại chia đồ thư làm 4 bộ, tức “Kinh, sử, tử,

tập”, cụ thể:

Kinh bộ: chỉ học thuyết của nhà nho. Kinh thư của nho gia ban đầu có năm bộ, gồm thi, thư, dịch, lễ, xuân thu, xưng là “Ngũ Kinh”. Từ đời nhà Đường đến nhà Tống, hình thành thập tam kinh, gồm dịch, thư, thi, chu lễ, nghi lễ, lễ kỷ, tả truyện, công dương truyện, cốc lương truyện, luận ngữ, hiếu kinh, nhĩ nhã, mạnh tử.

Sử bộ: là sách sử ghi chép hưng suy loạn lạc, các nhân vật cho đến các chế độ trong lịch sử.

Tử bộ: thư tịch ghi lại học thuyết của chư tử bách gia.

Tập bộ: phàm là tán văn, biền văn, thi, từ, khúc và bình luận văn học đều quy làm tập bộ.

(3) Tôn Tư Mạc: Tôn Tư Mạc sinh ra trong triều đại Tây Ngụy, được người đời tôn xưng là Dược Vương và Tôn Thiên Y, là một thầy thuốc nổi danh thời cổ đại của Trung Hoa. Ông cũng là người áp dụng khí công trong thuật dưỡng sinh.

(4) “Phụ mẫu tại, bất viễn du”: xuất xứ từ Luận Ngữ, nguyên văn: “Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương”, ý nói cha mẹ còn sống, con cái không được đi xa, phải ở bên cạnh hầu hạ thủ hiếu. Nếu muốn đi thì phải có mục đích rõ ràng và phải báo cho cha mẹ yên tâm.

(5) Một bài "Kinh nghĩa" viết theo thể bát cổ (bát: tám, cổ: vế; tức là một đoạn văn gồm tám vế, không có vần nhưng có đối) gồm hai phần lớn: A - Phần đầu là "phát đoan" (mở đầu) gồm ba phần nhỏ: 1. Phá đề: gồm hai câu mở bài, nói về mặt chữ và nghĩa của đề. 2. Thừa đề: nối theo đoạn phá vài ba câu, nêu rõ ý đồ của phá đề. 3. Khởi giảng: nói khai mào đại ý của đề mục. Ở toàn bộ phận phát đoan, về thể văn: không có yêu cầu về vần và đối (tức là văn ở đây không phải là văn biền ngẫu), về ý: các phần phá đề và thừa đề được coi là lời người viết bài nói; các phần từ khởi giảng về sau, người viết phải thay lời người xưa mà nói. B - Phần sau là "nghị luận" gồm 4 phần nhỏ: 4. Khởi cổ (hoặc khai giảng - mở ý đề bài, cuối đoạn này có một câu hoàn đề nhắc lại câu đề bài) 5. Trung cổ (giải thích rõ nghĩa của đề bài) 6. Hậu cổ (bàn rộng về ý của đề bài) 7. Mạt cổ (hoặc kết cổ, kết tị - đóng lại ý của đề bài, cuối đoạn này có một vài câu thắt đầu bài lại, gọi là thúc đề hoặc thúc kết)