Ngược Về Thời Minh

Chương 18: Khói hiệu đêm giao thừa



Trong lòng Hoàng Kỳ Dận vẫn luôn cảm thấy tràn đầy nhiệt huyết nhưng không thể tận trung báo quốc, ở trong cái ao tù nhỏ bé này quả thật làm hao mòn hùng tâm tráng chí, đến hôm nay lão mới thấy được rằng mình thất bại không oan.

Tuy tấm văn thiếp đáng tự hào ngày ấy đã khiến cho lão bị thất bại, song trong lòng lão vẫn luôn có ngạo khí của một văn nhân, cho rằng mình bị những kẻ bất đồng chính kiến đả kích. Mặc dù không thể thỏa chí quan trường nhưng sử sách ắt sẽ lưu lại thanh danh, vậy cũng không uổng phí một đời. Ngờ đâu tấu chương của mình nếu được thực thi thì cũng sẽ làm hại nước hại dân, thế nên lúc này lão chẳng những tâm chí nguội lạnh mà ngạo khí ứ đọng bấy lâu cũng tan biến hết.

Nhìn người thanh niên trẻ tuổi anh tuấn Dương Lăng này, Hoàng Kỳ Dận âm thầm suy xét:

- Vốn chỉ nghe nói hắn là tú tài trẻ tuổi nhất trong huyện, cùng lắm là tinh thông văn chương bát cổ (*) mà thôi, không ngờ lại có tầm nhìn như vậy. Bản thân mình đã chẳng có thành tựu gì, thôi thì cứ hết lòng giúp đỡ hắn, tương lai nếu hắn có thể trở thành một đại danh thần thì lúc đó mình cũng sẽ được lưu danh sử sách. Bằng không, chỉ cần hắn có thể làm quan lớn một phương thì đứa cháu sớm mất cha đó của mình cũng có thể tìm được nơi nương tựa. (*: Bát cổ gồm phá đề, thừa đề, khởi giảng, nhập thủ, khởi cổ, trung cổ, hậu cổ, thúc cổ.)

Nghĩ đến đây, Hoàng Kỳ Dận cười ha hả, bước tới đỡ Dương Lăng dậy, mặt mày rạng rỡ nói: "Dương hiền chất chớ nên khách sáo, tiếng sư trưởng hổ thẹn không dám nhận. Lão Hoàng ở trong huyện quá lâu đến nỗi sắp thành tinh rồi, hiền chất nếu có chỗ nào cần giúp đỡ thì cứ việc mở miệng, lão Hoàng đảm bảo không một chút giấu giếm".

Kê Minh là một huyện cấp ba, so với huyện giàu có như Giang Nam thì tổng số thuế thu được hàng năm kém gấp ba trăm, năm trăm lần. Mức thuế thấp đến kinh người, nhìn sơ qua có vẻ như cần phải tăng thêm mức thuế, hoặc chí ít thì huyện nhỏ như vậy không nên có nợ thuế mới phải. Nhưng trên thực tế, ở nơi này, kể cả mấy địa chủ nhỏ hoặc gia đình tự canh cũng còn bữa đói bữa no nữa là, cho nên nợ thuế nợ lương cũng đã trở thành chuyện cơm bữa.

Bởi thế mà một quan huyện ở một huyện giàu cho dù có thu thuế đến 80% nhưng đời sống sinh hoạt của người dân ở nơi đó vẫn không bị ảnh hưởng, hơn nữa còn được xưng tụng là thanh thiên, biếu tặng "vạn dân tán"(*). Nhưng mấy năm sau nếu y xui xẻo bị điều đến cái huyện nghèo như vậy, thì cho dù có tổn hao tâm sức cố ép thu 30% thuế, khi đó trong mắt người dân, y vẫn trở thành tham quan, ác quỷ hút máu người. (*: thời xưa, để ca tụng sự liêm chính của quan lại địa phương, các thân sĩ sẽ tặng những chiếc dù (tán), trên đó có thêu nhiều sợi vải lụa nhỏ.)

Huống hồ hoàng đế dựng nước Đại Minh là Chu Nguyên Chương tính toán bổng lộc của các quan viên cực kỳ chính xác. Bổng lộc phát ra chỉ đủ cho quan viên nuôi dưỡng một nhà già trẻ. Thậm chí chi phí nghênh đón, tống tiễn, tiền lương cho gia đinh phu dịch, kiệu phu mã phu, bao gồm cả trợ tá sư gia … toàn bộ đều do quan viên tự bỏ tiền túi. Vì vậy số tiền lương mà người dân giao nộp chắc chắn là sẽ bị các quan địa phương "vay" một phần cho vào túi riêng. Quan huyện đã như vậy, các thôn trưởng, lý trưởng, giáp trưởng bên dưới ai nấy cũng giống nhau. Do đó dù thu được 100% thuế, nộp lên quốc khố cũng chỉ có tám phần.

Bởi vậy khi thu không đủ thuế, các quan địa phương liền tự thi triển thần thông. Huyện nào mà số đất đai vượt quá con số bộ Lại nắm rõ thì sẽ lấy phần đó bù vào, còn những huyện vốn đã nghèo thì liều báo cáo có thiên tai để xin miễn giảm, vừa hoàn thành nhiệm vụ thu thuế, lại được tiếng thương dân.

Tuy rằng Kê Minh có nhiều người thiếu nợ lương thuế (lương thực và thuế), song những năm gần đây nhờ có thêm người khai hoang, mà số đất đai do Bộ Hộ quản lý lại là con số từ thời dựng nước, do vậy dù số thuế thu được là rất ít, nhưng chỉ cần lấy số dư thuế thương mại bù đắp vào một phần là có thể đạt được con số mà Bộ Hộ yêu cầu.

Ngoài ra, mùa thu vừa rồi bọn Thát Tử mới vừa kéo đến cướp bóc, quan huyện có thể lấy lý do đó để báo cáo về tai họa, vẽ thêm tình tiết nghiêm trọng nhằm miễn giảm thuế ruộng nương. Do vị trí địa lý đặc thù có ý nghĩa về mặt quân sự của Kê Minh đã vượt xa phạm vi huyện lỵ, nên tuy hiểu rõ số thuế trưng thu mỗi năm ở nơi này dù có cố vắt thêm cũng không đủ, bộ Lại cũng sẽ không vì thế mà nghiêm khắc kiểm tra tình hình thực tế.

Vốn đang rầu rĩ đến thối cả ruột, thế mà khi được Hoàng Kỳ Dận chỉ điểm, Dương Lăng bỗng thấy sáng rõ. Con số 30% thuế thu được ít ỏi đến thảm thương, nhưng qua ngòi bút biến hóa của Hoàng huyện thừa không ngờ thành ra chỉ phải nộp lên trên có một nửa. Dương Lăng thấy thế mà phục sát đất.

Những công việc lặt vặt còn lại, Dương Lăng cũng đã mau chóng bắt tay vào,xử lý gọn ghẽ dưới sự chỉ bảo của Hoàng huyện thừa. Và y trở thành người nắm quyền khống chế hành chính của một huyện sau lưng Mẫn huyện lệnh. Chỉ có điều toàn bộ quyền lực của y đều đến từ Mẫn huyện lệnh. Chỉ cần đội ngài "Bồ Tát bằng đất sét" này ở trên đầu, y sẽ chính là người phát ngôn cho Bồ Tát. Nếu không có ngài Bồ Tát này thì cũng sẽ chẳng có ai nghe theo lệnh của y cả.

Được sự ủng hộ của vị huyện thái gia chính hiệu là Mẫn huyện lệnh và sự hỗ trợ hết sức mình của nhân vật đứng hàng thứ hai là Hoàng huyện thừa, công việc nội vụ của tiểu huyện thành "tuy nhỏ mà quan trọng” này đã được Dương Lăng xử lý hết sức gọn gàng. Không bao lâu, người dân, quan binh hay dịch sứ ở Kê Minh đều biết nhân vật thực sự điều khiển hoạt động của huyện này là một thiếu niên mười sáu tuổi đứng đằng sau Mẫn đại nhân. Người này tên gọi là Dương Lăng.

Hàn Ấu Nương không còn đi làm công ở tiệm may nữa. Không phải là nàng chẳng muốn đi mà là ông chủ ở đó không dám tiếp tục thuê nàng. Đùa à, nam nhân của nàng là ai chứ? Trên đầu y bây giờ chỉ có thiếu mỗi cái mũ quan của huyện thái gia mà thôi.

Thời này ở thành phố lớn như Chiết Giang đã có mấy công xưởng dệt nhuộm, kẻ làm đến cả trăm. Song những người làm thuê này đại đa số đều là nam, phụ nữ ở một địa phương nhỏ bé như vậy ra ngoài đi làm là chuyện rất hiếm gặp. Cho nên mặc dù không muốn để cho một cô gái mới mười lăm tuổi hàng ngày nằm lỳ trong nhà làm thiếu phụ trông nhà, Dương Lăng cũng đành phải nhập gia tuỳ tục, không để nàng ra ngoài nữa.

Có điều một mình Hàn Ấu Nương ở nhà thật quá nhàm chán, trừ việc bếp núc ra thì đúng là vô công rồi nghề, mà thời đại này lại không có những phương tiện giải trí như ti vi. Tuy bấy giờ phần lớn phụ nữ sau khi lấy chồng đều như vậy, song theo suy nghĩ của một người hiện đại, Dương Lăng lại cảm thấy Ấu Nương giống như đang bị cầm tù ở trong nhà.

Mỗi ngày chỉ khi nào y trở về, lúc đó nàng mới biểu lộ sự vui mừng, ngồi nhìn y ăn mà như có rất nhiều điều muốn kể, một chút chuyện nhỏ nàng cũng có thể làm cho chúng thêm thú vị mà kể hết nửa buổi. Hồi ở sơn thôn tuy gian khổ nhưng ít ra nàng còn có thể ra ngoài, giờ lại giống như chim ở trong lồng, nên ánh mắt nàng càng lúc càng thêm u ám.

Dương Lăng nhìn nàng mà cảm thấy đau lòng. Thêm vào đó là công việc của y thật sự quá bận rộn, nên y đã quyết định đưa cho nàng bộ y phục nam giới rồi dẫn đến phòng phê duyệt để giúp mình sao chép, soạn, viết văn kiện. Cũng may là Hàn Ấu Nương không giống như những cô gái khác: phụ thân nàng vốn là một tiêu đầu của tiêu cục, về sau vì mất một số tiêu lớn mà tiêu cục mới trở nên lụi bại. Cho nên hoàn cảnh gia đình nàng cũng không tệ, thuở nhỏ ở nhà nàng đã từng được dạy dỗ, đương nhiên có thể đảm nhiệm được những việc ghi chép này.

Có việc để làm, lại có thể ở cạnh phu quân mình, Hàn Ấu Nương dĩ nhiên trong lòng vui phơi phới. Dương Lăng "công tư phân minh", mặc dù mọi người trong phòng đều biết đó là nội nhân (vợ) của Dương sư gia, song y lại chỉ nói là mời nàng đến giúp đỡ, vì thế tiền lương cứ theo quy định mà trả. Chỉ có điều người y thuê riêng thì phải do y phát lương cho nên Dương Lăng cũng theo lề thói ở đây, cái nào đã nên ăn chặn thì bỏ hết vào hầu bao không thiếu một xu.

Vì Dương Lăng là do cá nhân Huyện thái gia mời, không có phẩm cấp nên bổng lộc mỗi tháng chỉ có ba thạch, tương đương với sáu chỉ bạc. Số tiền này là do Huyện thái gia chi trả. Bổng lộc hàng tháng của Huyện thái gia là ba lạng bảy chỉ, đủ nuôi sống một gia đình già trẻ. Để trả thêm cho trợ tá, phó sư gia, người hầu hay kiệu phu, nếu Mẫn huyện lệnh không xén bớt chút tiền thuế thì cả gia đình lão phải gặm đất mà ăn.

Trên quan trường gọi loại "tạm giữ" hợp lý này là "hoả hao" (*), dựa theo sự lý giải của Dương Lăng thì đó chính là: trên có chính sách, dưới có đối sách. Trước đây khi xem tiểu thuyết, đọc đến đoạn quan viên đời nhà Minh tham ô sáu mươi lạng bạc trắng, Chu Nguyên Chương liền thi hành cực hình lột da nhồi rơm. Nhưng đám quan lại tham ô đó vẫn không chừa, hết kẻ này đến kẻ khác lần lượt kéo nhau lên đoạn đầu đài, lúc đó y cảm thấy rất khó hiểu. Hôm nay bản thân tự trải nghiệm, y mới biết được tuy thật có tham quan, nhưng cho dù là thanh quan đi nữa thì việc giữ lại một số tặng phẩm cũng là chuyện cần làm. (*: vốn chỉ phần bạc hao hụt trong lúc đúc chảy bạc nén.)

May mà những quan viên này về sau đã tự hình thành nên một thông lệ: cái nào thuộc về tham ô, cái nào thuộc về quà biếu tự nhiên đã trở thành một hệ thống nằm ngoài triều cương mà quan viên trên dưới đều tự động tuân thủ. Có Hoàng lão chỉ điểm, Dương Lăng cũng vững tâm mà cất lấy phần mình.

Mai là ngày mùng một Tết. Có lẽ là do tâm tình mà rõ ràng là khí trời vẫn còn ẩm lạnh, nhưng đi trên đường lại không cảm thấy giá rét như mọi ngày. Gần xa đã nghe thấy những tiếng pháo nổ đì đùng.

Ngày mai nha môn huyện không phải đi làm, cho nên mãi đến tận khuya Dương Lăng mới xử lý xong đống công văn, rồi cùng với Hàn Ấu Nương rời khỏi huyện nha. Mọi nhà đều đã treo đèn lồng đỏ ở trước cửa, ngay cả những nhà ngày thường rất tiết kiệm, không dám dùng mà hôm nay cũng đã châm nến treo đèn lồng từ sớm.

Thời này, nữ nhân không được đi trước hoặc sóng bước ngang hàng cùng trượng phu, cho nên Hàn Ấu Nương vẫn theo quy củ đó mà đi sau nửa bước. Dương Lăng thấy lúc này trời đã tối đen không gây chú ý nhiều, hơn nữa Hàn Ấu Nương lại đang mặc đồ nam, vì thế y cố ý đi chậm lại, rồi thừa dịp nàng không chú ý, nắm lấy tay nàng.

Hàn Ấu Nương giật mình, ngượng chín cả mặt, cố giãy tay mấy cái mà không thoát. Đỏ mặt, nàng cúi đầu khẽ trách:

- Tướng công, chàng...

Dương Lăng quay đầu lại, nở một nụ cười ấm áp rồi nhẹ nhàng nói:

- Ngày mai hãy lên phố mua sắm chút đồ Tết, còn đêm nay chúng ta đến tửu quán ăn chút gì đó đi! Đi thôi!

Nói đoạn y kéo Hàn Ấu Nương đi thẳng tới một tửu điếm nho nhỏ mà y đã từng đến một lần.

Dương Lăng là một kẻ thích chỗ quen, ghé qua một lần mà cảm thấy khẩu vị dùng được thì sẽ lười tìm một quán khác, lúc muốn thay đổi khẩu vị, cũng cứ thẳng tiến đến chỗ đó. Hàn Ấu Nương trong lòng tuy có chút bất an, nhưng nàng biết tướng công của mình hiền lành tử tế, cộng với sắc trời đã tối đen, người khác cũng sẽ không nhìn rõ mặt nên để mặc cho y nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn rồi ngoan ngoãn bước theo.

Lúc Dương Lăng và Hàn Ấu Nương rời khỏi tửu điếm thì đêm đã rất khuya, trên bầu trời chi chít ánh sao, những bông tuyết mềm mại rơi lất phất làm cho khuôn mặt vốn đã ấm lên vì rượu của y cảm thấy hết sức thoải mái.

Dương Lăng mặt mày phấn khởi, kéo tay Hàn Ấu Nương dạo bước trong thành. Tuy cả hai đều không nói lời nào, chỉ cần tay trong tay thôi thì trong lòng đã trào dâng một cảm xúc rất đặc biệt.

Đứng ở lỗ châu mai trên tường thành, Dương Lăng vốc lấy một nắm tuyết, vo lại thành một quả cầu rồi dùng hết sức ném mạnh nó vào trong màn đêm mịt mờ phía ngoài thành. Chẳng qua vì thân thể gầy còm, ít tập luyện nên lần này hơi dùng sức khiến cho cơ bắp y đau nhức một chút. Binh sỹ đi tuần qua lại nhiều làm tuyết bị đạp mòn nên mặt đất rất trơn, suýt nữa thì y bị ngã. Hàn Ấu Nương kinh hãi, vội bước tới bên cạnh đỡ lấy, giúp cho y lấy lại thăng bằng, rồi vừa thở ra một hơi vừa cười trách móc:

- Tướng công, xem chàng kìa, làm sao mà lại như một đứa trẻ như vậy chứ? Cẩn thận kẻo ngã đấy!

Dương Lăng xoay người lại, vuốt nhẹ gò má bóng mịn săn chắc của nàng rồi nhẹ giọng âu yếm:

- Nàng mới là một đứa trẻ con chưa lớn đó.

Hàn Ấu Nương bĩu môi không chịu rồi thẳng người lên. Thấy nét thơ ngây vẫn còn trên khuôn mặt nàng và đôi mắt dịu dàng ấy, con tim Dương Lăng liền đập thình thịch. Lúc này y mới phát hiện rằng y và nàng đã càng ngày càng trở nên thân thiết, y đã quen được nàng thầm lặng ở cạnh bên chăm sóc cho, y đã quen thân mật cùng nàng. Nếu một ngày bỗng nhiên y hồn về nơi chín suối, lúc đó chẳng phải sẽ khiến cho nàng càng thêm thương tâm lắm sao?

Nhưng nếu bây giờ đối xử lạnh lùng, Dương Lăng làm sao chịu được những dòng lệ của nàng? Thật sự bây giờ còn quá đột ngột để nói với nàng rằng một ngày nào đó y sẽ chết, nàng phải tự lo cho bản thân. Mà cũng không cách nào nói ra được, y chỉ biết ngây ngốc đứng nhìn Hàn Ấu Nương, chẳng biết phải nên nói những gì.

Khuôn mặt trái xoan của Hàn Ấu Nương bỗng chợt càng lúc càng nóng dần. Dưới ánh nhìn bởi cặp mắt sáng rực như sao mai của Dương Lăng, nhất là trong người y vẫn còn hơi rượu, dĩ nhiên Hàn Ấu Nương sẽ hiểu lầm ý của y, trong lòng nàng bất giác vừa sợ hãi lại vừa vui sướng đến nỗi cả người hoảng loạn, run rẩy.

Ngay vào lúc này, từ trong đôi mắt đen láy của Hàn Ấu Nương, Dương Lăng đột nhiên nhìn thấy một cột lửa loé sáng. Hàn Ấu Nương lúc này cũng tròn mắt kinh hãi nhìn qua vai Dương Lăng, ngây người nhìn chăm chăm về phía xa chân trời.

Dương Lăng lập tức quay đầu lại. Hai đầu phía đông và phía tây tường thành mỗi đầu đều có một toà phong hoả đài, mà giờ đây phong hoả đài ở phía đông tường thành đã được nhóm lên, lửa cháy bừng bừng. Ở phía xa, nơi tường thành uốn lượn kéo dài vào tận trong rừng sâu còn có mấy ánh lửa lập loè.

Y lại nhìn sang hướng tây, ngay đúng lúc đó, phong hoả đài ở phía này cũng nổ ầm một tiếng rồi cháy bùng lên, thế lửa mãnh liệt. Rất nhanh sau đó phong hoả đài ở hướng tây nơi triền núi cũng được châm sáng, truyền tiếp tới nơi ở xa hơn.

Dương Lăng há hốc mồm, mãi một lúc sau mới quay lại nhìn Hàn Ấu Nương, hai cặp mắt không hẹn mà cùng mang đến một tin: "Thát Tử đã kéo đến!"