Ngược Về Thời Minh

Chương 213: Mỗi người một suy nghĩ



Chính Đức hơi do dự:

- Năm kia Thát Đát thiếu chút nữa đánh chiếm được Đại Đồng, Đại vương liền chạy đến kinh sư khóc lóc kể lể với phụ hoàng nên từng gặp trẫm một lần. Nếu mà gặp lão…

Rồi hắn đột nhiên nhướng mày, cười nói:

- Đi thì đi! Ta là thị vệ, chẳng gặp được lão đâu! Nếu cả ngày phải ở trong này thì có khác gì lúc ở kinh sư chứ?

Hai người đang nói cười, chợt có một viên thị vệ đi tới bẩm báo:

- Bẩm đại nhân! Tuần phủ Hồ đại nhân về thành rồi, đang tiến vào trong phủ.

Viên thị vệ này cũng biết thân phận của Chính Đức, có điều Dương Lăng sớm đã dặn dò tất cả những người nhìn thấy Chính Đức đều không được lộ vẻ gì khác lạ, kẻo lại khiến người hữu tâm nảy lòng cảnh giác. Vì vậy hắn cũng không dám bái kiến Hoàng thượng, chỉ hơi liếc nhìn về phía Chính Đức.

Dương Lăng ngẩn người ra, Hồ tuần phủ đã đến tận đây rồi? Tuy phẩm cấp của lão cao hơn của mình, nhưng dù sao mình cũng có cái mác Khâm sai, hơn nữa xét về thực quyền thì lão hoàn toàn không bằng mình được, tại sao lại không thông báo trước một tiếng? Thế này thì không khỏi hơi thất lễ rồi.

Đang định đến thư phòng gặp Hồ Toản, chợt Dương Lăng nghe từ bên ngoài vang lên tiếng quát lớn:

- Nơi ở của Khâm sai, không được tùy tiện xông vào.

Kế đó lại nghe một giọng khác cũng quát to không kém:

- Cặp mắt chó của ngươi mù rồi hả? Ta là Tuần phủ Đại Đồng Hồ Toản. Nơi này ngoài Đại vương điện hạ ra, Hồ mỗ ta là người cao nhất, có nơi nào mà ta không xông vào được?

Hừm! Vị Tuần phủ này kiêu căng quá rồi thì phải? Dương Lăng không biết Hồ Toản làm quan như thế nào, nhưng nghe giọng điệu này của đối phương, ấn tượng đầu tiên của y chính là vị Tuần phủ này quá hống hách ngang ngược.

Dương Lăng đưa mắt liếc nhìn Chính Đức, rồi đẩy cửa bước ra bảo:

- Cho ông ta vào đây! Hồ tuần phủ, bản quan tuy phẩm cấp thấp hơn ngài, nhưng hiện là Khâm sai. Hành dinh của Khâm sai cũng là nơi mà ngài có thể xông bừa vào hay sao?

Y vừa nói vừa đưa mắt nhìn ra cửa, thấy các thị vệ đại nội đang ngăn cản một viên quan văn. Lúc này bọn họ đang tách qua hai bên nên y có thể nhìn thấy rõ hình dạng của viên quan. Y thấy người này dáng vẻ nho nhã, mặt mũi trắng trẻo, tuổi tác dường như chưa tới năm mươi, cũng không giống một kẻ kiêu căng hống hách, cơn giận của Dương Lăng liền giảm đi vài phần.

Nào ngờ vị Hồ tuần phủ này vừa nhìn thấy y, khuôn mặt lại càng tỏ ra giận dữ. Hai nắm tay siết chặt, ông ta rảo bước tiến thẳng tới, không đợi chủ nhân dẫn đường mà đã nghênh ngang bước vào phòng khách ngay.

Dương Lăng cảm thấy rất khó hiểu, không biết mình đã đắc tội với ông ta ở chỗ nào. Y cố giữ bình tĩnh, khoát tay ra hiệu cho các thị vệ lui ra, rồi sau đó xoay người theo Hồ Toản đi vào phòng khách. Trong phòng chỉ có hai người Chính Đức và Trương Vĩnh. Tuy Chính Đức đang mặc trang phục hiệu úy nhưng lại đang đứng ở phía trước.

Hồ Toản thi đỗ tiến sỹ, sau được thăng làm Tả thị lang bộ Hộ, kế đó lại được điều đến Đại Đồng nhậm chức Tuần phủ. Đó đều là chuyện của thời Hoằng Trị, sau khi tân đế đăng cơ ông ta còn chưa gặp thiên tử bao giờ. Hồ Toản cẩn thận quan sát Chính Đức một hồi, do dự không dám tùy tiện bái kiến. Thấy Dương Lăng bước vào, ông ta lập tức quát hỏi:

- Thánh giá ở đâu?

Sắc mặt Dương Lăng biến đổi, y kinh hãi thốt:

- Hồ đại nhân! Ngài nói gì thế?

Hồ Toản cười lạnh, rút từ trong ống tay áo ra một bức thư, hậm hực:

- Dương tướng quân! Ngài chặn ba vị Đại học sỹ ở ải Cư Dung, bọn họ không đi qua được, nhưng tốc độ của dịch trạm lại nhanh hơn quân đội của ngài mấy lần. Lá gan ngài lớn thật, không ngờ lại dám đưa Hoàng thượng đến nơi hiểm địa này. Ta hỏi ngài, thánh giá ở đâu?

Dường như vừa ăn phải thuốc súng, Hồ Toản nổi giận bừng bừng, trợn trừng cặp mắt đỏ rực lên nhìn Dương Lăng. Chính Đức thấy vậy liền khẽ ho một tiếng, nói:

- Trẫm ở đây! Hồ ái khanh đừng chất vấn Dương Lăng nữa, chính trẫm muốn xuất kinh. Chẳng qua Dương khanh chỉ làm theo ý chỉ của trẫm mà thôi.

Hồ Toản ngoảnh đầu nhìn qua, thấy vị thái giám mặc áo mãng long bào đứng sau lưng viên hiệu úy khẽ gật gật đầu với mình, liền vội bước lên một bước sụp lạy, thưa:

- Vi thần Tuần phủ Đại Đồng Hồ Toản, khấu kiến Hoàng thượng.

Chính Đức cười nói:

- Ái khanh bình thân! Trẫm cải trang xuất kinh, người biết rất ít, khanh đừng nói ra ngoài. Trẫm biết ba vị Đại học sỹ đều có lòng tốt, cũng do ba vị lo lắng cho sự an toàn của trẫm. Nhưng lần này trẫm đến Đại Đồng do có chuyện quốc sự cực kỳ quan trọng, chuyện này vốn cũng không định giấu khanh và Dương Nhất Thanh, chỉ là muốn đợi một thời gian nữa mới nói mà thôi.

Hồ Toản đứng dậy, nghiêm trang đáp:

- Bất luận là chuyện lớn thế nào thì cũng nên để bọn thần chia xẻ âu lo thay Hoàng thượng, há có lý nào để thiên tử đích thân đi tới nơi hiểm địa? Hiện Đại Đồng đang lúc chiến tranh loạn lạc, không tiện ở lâu, khẩn cầu Hoàng thượng lập tức khởi giá hồi kinh!

Chính Đức thầm tức cười, vị Tuần phủ này cũng thật thú vị! Văn võ khắp triều ngay cả khi Lưu Kiện, Tạ Thiên còn tại vị, ba Đại học sỹ cũng không dám trực tiếp ra lệnh cho Hoàng thượng như thế. Hóa ra ông ta không chỉ nói năng khó chịu với vị Khâm sai Dương Lăng, mà đối với Hoàng thượng cũng vẫn dùng giọng điệu kiểu như vậy.

Chính Đức thản nhiên ngồi xuống ghế, vắt chân chữ ngũ bảo:

- Trẫm đã nói rồi. Lần này trẫm đến đây là có chuyện quốc sự cực kỳ quan trọng, chưa làm xong trẫm không muốn về kinh. Nếu Hồ ái khanh muốn biết rõ mọi chuyện có thể hỏi Dương Lăng, bằng không thì hãy về đi!

Khuôn mặt Hồ Toản trở nên đỏ bừng hệt như con gà chọi, ông trừng mắt nhìn Chính Đức:

- Chủ lo thì thần cần dốc sức, chủ nhục thì thần phải lấy cái chết báo đền. Để mặc Hoàng thượng đi vào nơi nguy hiểm, thần dù chết vạn lần cũng không chuộc hết tội. Nếu Hoàng thượng không chịu về kinh, thần sẽ chết trước mặt Hoàng thượng ngay!

Chính Đức ngẩn người, hồi lâu sau mới cười nói:

- Thế này… Thế này là cái lý gì chứ? Không phải ngươi đang lấy cái chết để uy hiếp trẫm sao? Trẫm không về kinh, cũng không cho ngươi chết, ngươi lui xuống đi!

Hồ Toản lớn tiếng đáp:

- Hôm nay thần đến đây ắt phải khuyên được Hoàng thượng về kinh. Hoàng thượng mà không đi tức là thần không làm tròn bổn phận, chỉ đành chọn cái chết mà thôi.

Vừa nói ông vừa đưa tay vào trong ngực. Chính Đức cả kinh, quát lên:

- Ngươi dám mang dao đến kiến giá?

Dương Lăng cũng lao nhanh đến chắn trước mặt Chính Đức, đưa tay nắm chặt chuôi đao của mình. Hồ Toản nói:

- Chưa được cho phép mà mang đao kiến giá là đại tội phản nghịch, thần quyết không dám. Cổ nhân mang lòng trung can gián đều húc đầu vào cột tìm cái chết…

Hồ Toản vừa nói vừa đưa mắt nhìn xung quanh, không thấy trong phòng có cây cột nào, ông ta bèn nói tiếp:

- Quân tử yêu vua không yêu tấm thân mình. Thực ra có nhiều cách chết lắm, thần đã có chuẩn bị sẵn rồi.

Vừa nói ông ta vừa móc từ trong ống tay áo ra một gói giấy, mở ra định dốc chỗ thuốc bột vào miệng. Dương Lăng cả kinh, y còn chưa kịp xông đến thì Chính Đức đã phản ứng trước rồi. Hắn lao vọt tới bên cạnh Dương Lăng, đoạt ngay lấy gói giấy trong tay Hồ Toản.

Chỗ thuốc bột rơi cả vào tay Chính Đức. Trương Vĩnh cũng không biết đó là loại độc dược gì, dính vào da liệu có hại gì hay không nên sợ hãi la ầm lên. Lập tức có mấy viên thị vệ xông vào khống chế Hồ Toản. Trương Vĩnh vội kêu người mang nước tới, trước dùng khăn bông lau sạch tay Chính Đức, sau đó rửa đi rửa lại vài lần.

Dương Lăng cau mày:

- Tuần phủ đại nhân! Hoàng thượng đích thân đi tuần tra biên cảnh cũng là vì giang sơn xã tắc. Chuyện lớn lần này không có Hoàng thượng thì ắt chẳng thành, sao ngài có thể tùy tiện lấy cái chết ra can gián như thế chứ?

Hồ Toản cả giận:

- Tấm thân tôn quý của Hoàng thượng há có thể tùy tiện đi đến nơi hiểm địa? Việc “Thổ Mộc chi biến” hãy còn sờ sờ ra đó, ngươi muốn hại Đại Minh, hại bản thân bị chém cả nhà hay sao?

Dương Lăng cũng không khỏi cả giận, lẫm liệt trả lời:

- Câu nào cũng nhắc tới năm xưa, tại sao không nói xa hơn một chút? Sao không nhắc đến Hồng Vũ hoàng đế máu nhuộm chiến bào đánh lấy giang sơn vạn dặm? Sao không nhắc đến Vĩnh Lạc hoàng đế năm lần đánh Tái Bắc, một đời chiến chinh? Từ xưa đến nay, phàm là lúc đất nước bên trong nguy nan, bên ngoài chịu nhục, có vị thiên tử tài đức nào mà chỉ trọng văn trị mà không trọng võ công?

Dương Lăng sục sôi chí khí cao giọng nói tiếp:

- Kẻ làm bầy tôi trung với vua là tấm lòng, phò trợ vua là trách nhiệm, ngài có một trái tim trung với vua, nhưng còn cần phải dốc sức phò trợ vua nữa. Ngài muốn phò tá đương kim Hoàng thượng trở thành bậc đế quân văn trị võ công, anh minh thần vũ hay là muốn đương kim Hoàng thượng được bảo vệ kỹ càng trong Tử Cấm Thành, muốn thiên tử còn trẻ không được xuất cung một bước, không hiểu nhân tình thế thái, làm vật tượng trưng trên danh nghĩa cho triều đình, làm một con rối cho vạn dân triều bái?

Những lời này của Dương Lăng không ngờ đã khiến Hồ Toản chấn động, nhất thời ông không nói được tiếng nào.

Dương Lăng thở ra một hơi, nói tiếp:

- Tuần phủ đại nhân đã biết Hoàng thượng ở đây, hãy nên hiệp trợ bản quan làm tốt việc phòng ngự Đại Đồng, ắt Hoàng thượng sẽ an toàn rất mực. Hoàng thượng đến đây là do có một chuyện cực kỳ quan trọng cần làm, hiện giờ Hồ tuần phủ có bằng lòng nghe bản quan kể lại tường tận mọi việc không?

Hồ Toản im lặng hồi lâu, cuối cùng mới cung tay hậm hực đáp:

- Xin được nghe rõ!

Giọng đã không còn cứng rắn như trước nữa.

Dương Lăng khẽ mỉm cười, khom người thưa với Chính Đức:

- Hoàng thượng hãy nghỉ ngơi đi! Thần xin tạm lui ra trao đổi với Hồ đại nhân một lát.

Chính Đức nghe vậy bèn vội xua tay bảo:

- Các khanh cứ đi đi, đi đi!

Nhìn thấy hai người đã ra khỏi cửa, Chính Đức mới ngồi phịch xuống ghế, thở phào nói với Trương Vĩnh:

- Cái gã họ Hồ này cũng đáng sợ quá đi! Không có việc gì thì ngàn vạn lần đừng để trẫm nhìn thấy hắn nữa!

Dương Lăng và Hồ Toản nói chuyện với nhau trong phòng suốt nửa canh giờ, cuối cùng Hồ Toản mới hiểu được mục đích của Chính Đức khi tới đây. Tuy là quan văn nhưng đã quen thuộc với việc quân sự ở Đại Đồng, tất nhiên Hồ Toản hiểu rằng nếu có thể lôi kéo được Đóa Nhan Tam Vệ thì không những Đại Minh bớt đi một mối nguy hiểm bên ngoài Trường Thành, mà xét về mặt lâu dài còn thu được lợi ích cực lớn.

Nếu thật sự có thể thay đổi loại chợ mậu dịch nhỏ lẻ như trước kia, cùng Đóa Nhan Tam Vệ thực hiện những cuộc giao dịch lớn về trà và ngựa thì khu vực Hà Sáo sẽ trở thành nơi cung cấp ngựa tốt cho Đại Minh. Từ đó hoàn toàn thay đổi cục diện chiến lược hiện nay mà quân đội Đại Minh đang chỉ giỏi phòng thủ không giỏi tấn công.

Có điều nghĩ đến việc Hoàng đế đích thân đi vào nơi nguy hiểm, Hồ Toản liền cảm thấy hãi hùng khiếp vía. Lão do dự:

- Đại Đồng thành cao tường dày, ngoài thành có mấy vạn đại quân của Dương tổng chế, theo suy nghĩ của bản quan, hẳn sẽ không đến mức bị Thát Đát xâm nhập. Nhưng gần đây giặc Thát thiếu thốn lương thảo nên chúng thường phái những đội quân nhỏ lẻn qua giữa những khe hở của đại quân ta mà tới hậu phương cướp bóc, hơn nữa vừa tấn công xong liền rút đi ngay, khiến người ta hết sức đau đầu. Việc này thường ngày thì cũng chẳng sao, nhưng nhất thiết không được để Hoàng thượng rời khỏi dịch quán.

Dương Lăng đáp:

- Việc này thì tất nhiên ta hiểu rõ. Ngàn vạn lần không được để Hoàng thượng tùy tiện đi vào nơi hiểm địa.

Hồ Toản lại nói:

- Đại vương điện hạ chấp chưởng Đại Đồng. Việc Hoàng thượng ở đây là việc quan hệ trọng đại, có nên thông báo với Đại vương không?

Năm xưa Chu Nguyên Chương phân đất phong vương cho các con, con trai thứ mười ba là Chu Quế được giao cho đất Đại Đồng, là một trong Cửu vương vùng biên ải. Sơn Tây có ba vị vương gia: Tấn vương ở Thái Nguyên, Đại vương ở Đại Đồng, Thẩm vương ở Lộ An.

Khác hẳn với các vị vương gia ở trung nguyên, bọn họ đều có quyền can dự vào việc chính trị và quân sự ở địa phương, chính là lên ngựa quản quân, xuống ngựa quản thần, thay Hoàng đế thống trị vùng biên ải.

Do đó đừng cho rằng nơi này có Tổng chế Tam biên, có Tuần phủ đại nhân là đầu não cao nhất về quân sự chính trị. Thực ra người thống trị và chỉ huy tối cao ở Đại Đồng chính là Đại vương; ngoài ra Đại vương và Thẩm vương còn chịu sự quản hạt của Tấn vương.

Dương Lăng thoáng ngập ngừng:

- Chuyện này tạm thời đừng nói với Đại vương thì hơn. Đại vương mà hay tin ắt sẽ trở nên bồn chồn lo âu, mà trong phủ Đại vương đông người, phức tạp. Lỡ mà để lộ tin trước khi Đóa Nhan Tam Vệ phái người đến thương nghị, tất Bá Nhan Mãnh Khả sẽ ra sức ngăn cản.

Hồ Toản suy nghĩ một lúc rồi giậm chân đáp:

- Được! Vậy bản quan xin cáo từ.

Hồ Toản nhíu chặt đôi mày, tràn đầy ưu lo cáo từ rời đi. Ngay cả nha môn Tuần phủ ông cũng không về mà ngay lập tức chạy thẳng lên tường thành phái thêm người tăng cường phòng ngự.

* * *

Cửa hàng da họ Hàn là một cửa hàng buôn bán da vừa thành lập không lâu ở Đại Đồng, nhưng chỉ sau nửa năm đã trở thành một trong những số ít cửa hàng buôn bán da lớn ở nơi đây.

Từ khi đoạn tuyệt việc giao dịch ngựa với Thát Đát, đặc sản của hai vùng Nam Bắc đều phải dựa vào vận chuyển thủ công để buôn bán, gần như là một nửa buôn lậu, một nửa hợp pháp. Do đó lượng hàng hiển nhiên khó có thể cung ứng cho những nhà buôn có nhu cầu lớn ở các nơi.

Mà Hàn Lâm lại có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, bất kể là hàng da chất lượng loại nào, muốn có bao nhiêu thì cửa hàng da họ Hàn đều không hề do dự. Hơn nữa chủ tiệm Hàn Lâm là người hào sảng, mua bán công bằng, rất có tác phong của người trên chốn giang hồ, do đó việc làm ăn càng ngày càng phát đạt. Phần lớn những thương nhân buôn bán da miền Nam khi lên phương Bắc buôn bán đều chọn giao dịch với y.

Cửa hàng của họ Hàn nằm trên con đường Đông Đại Nhai phồn hoa nhất Đại Đồng, cách phủ Đại vương không xa, bên trái là một cửa hàng xe ngựa, bên phải là khách điếm kiêm tửu lâu tên “Trạng Nguyên lâu” cực kỳ hào hoa.

Bởi vì chiến tranh và tuyết lớn thường xuất hiện vào mùa đông, do đó theo quy luật của các cửa hàng da ở đây, vừa đến mùa đông thì tất cả liền lập tức dừng làm ăn. Tuy nhà họ Hàn vẫn có một số ít khách hàng tìm đến, nhưng phần lớn nhân công đã trở về nhà tránh rét, trong cửa hàng vắng vẻ hiu quạnh vô cùng.

Một người lùn thấp mặc áo da dê, đi đôi ủng da chống trơn trượt bước lộp cộp lên lầu, đẩy cửa bước vào rồi tiện tay lột chiếc mũ da dê giữ ấm che kín cả mũi và miệng xuống, để lộ ra một khuôn mặt tròn xoe đỏ bừng. Đây là một thiếu niên mày rậm mắt to trông khỏe mạnh kháu khỉnh.

Em cầm chiếc bình trà lớn để trên bàn lên tu ừng ực một ngụm, sau đó mới lau miệng hào hứng kể:

- Cha! Con nhìn thấy anh rể rồi, hiện giờ anh ấy đã vào ở trong dịch quán.

Trên lò than đặt một chiếc nồi đất, những miếng thịt dê tươi ngon đã được thêm gia vị đang sôi sùng sục không ngừng, hương thơm tỏa ra khắp phía. Trên bàn còn bày một số món ăn để nhắm rượu như lá sen khô, nhân hạch đào.

(té ra lá sen khô có thể nhắm rượu!!)

Một người đàn ông chừng hơn bốn mươi tuổi, thân hình tráng kiện, ngũ quan thô kệch bỏ chiếc hồ lô rượu màu nâu vàng xuống, trừng mắt rầy:

- Thằng nhóc con, ta còn cần ngươi nói sao? Chúng ta cắm rễ ở đây quyết không được để người ta biết là có quan hệ với anh rể của ngươi, ngươi không để lộ tẩy gì đấy chứ?

Chú nhóc kia tất nhiên chính là Hàn Mãn Thương, em cười hề hề, đắc ý đáp:

- Làm gì có chứ cha? Con nhìn thấy anh rể rồi bèn đi theo đội quân của anh ấy một đoạn, nhưng anh ấy không nhìn thấy con. Cha! Cha nói xem lúc nào thì anh rể sẽ đến thăm chúng ta? Con thật nhớ anh ấy quá, lại càng nhớ tỷ tỷ. Hì hì! Tỷ tỷ sắp sinh em bé rồi, con sắp được làm cậu rồi, nghĩ thật là vui.

Ngoài miệng thì mắng con, nhưng đôi mày Hàn Lâm lại giãn hẳn ra, hiển nhiên ông cũng rất vui vẻ. Ông ta ồ một tiếng, đáp:

- Vị công tử Ngũ Hán Siêu do anh rể con phái tới mãi đến hôm kia mới rời thành. Bên ngoài đang đánh trận, y phải đi theo đường nhỏ, tuy rằng có người chúng ta phái đi dẫn đường, nhưng e là lúc này vẫn chưa đến được nơi cần đến đâu. Chắc anh rể ngươi còn phải ở lại đây một thời gian nữa.

Ông ta khẽ giơ ngón tay cái lên:

- Lăng nhi đi theo vị đó đến đây, đó là chuyện lớn bằng trời e là y không thể lập tức đến gặp chúng ta. Con đừng nôn nóng, cứ kêu đám người làm đi nghe ngóng tin tức, chú ý tất cả động tĩnh của các hạng người trong thành, đừng làm hỏng chuyện lớn của anh rể con.

Hàn Mãn Thương thất vọng ngồi phịch xuống một chiếc ghế dài, chụp lấy hồ lô rượu của cha nhấp một ngụm rượu nhỏ. Bé lại vội vã cầm đũa gắp một miếng thịt dê nóng hổi từ trong nồi lên, khẽ thổi mấy hơi rồi bỏ vào miệng rồi đáp:

- Dạ, chuyện này cha không cần quá lo lắng đâu! Trong thành mà có người lạ nào ra vào ắt là không thể giấu được cặp mắt của đám người làm đó. Có ai lại nảy lòng cảnh giác với những thằng nhóc chạy loạn xạ khắp thành đó chứ?

- Đúng rồi! - Hàn Mãn Thương nằm bò xuống bàn, vừa đung đưa chân vừa nói tiếp - Mấy tay thương nhân ở Trạng Nguyên lâu cha đã điều tra rõ chưa? Người chạy đến đây làm ăn vào khoảng thời gian này không nhiều, vậy mà ông chủ của bọn họ còn ở phía sau!? Họ đã ở liền một mạch tới bảy tám ngày rồi, đúng là lạ thật!

Hàn Lâm lắc đầu đáp:

- Còn chưa điều tra được gì cả. Có lẽ đó là những thương nhân mới vào nghề, không hiểu thời vụ với tình hình ở nơi này. Bà chủ và những người hầu đó đều ở trong khách điếm cả ngày, không giống như là người có mưu đồ gì.

Trong thời chiến tranh loạn lạc này, phải mang theo một lượng lớn tiền bạc và hàng hóa xông pha nam bắc nên có đám người hầu tinh thông võ nghệ cũng là việc bình thường. Hơn nữa quan sát giấy thông hành và hộ tịch của bọn họ đều không thấy có gì đáng nghi, nhưng để đề phòng tình huống bất ngờ, ta vẫn kêu tiểu nhị ở khách điếm chú ý đến bọn họ hơn.

* * *

Trạng Nguyên lâu là khách điếm lớn nhất Đại Đồng, đã có lịch sử hơn trăm năm. Vương phi của Chu Quế, Đại vương đời đầu tiên, là thứ nữ của danh tướng Từ Đạt. Bà này khá có phong thái như phụ thân, tuy tướng mạo bình thường nhưng lại một thân võ nghệ. Khi được gả vào phủ Đại vương, bà dẫn theo một nha đầu tùy thân họ Tống cũng tinh thông võ nghệ. Về sau, cô tỳ nữ này rời vương phủ gả cho người khác, rồi thành lập nên Trạng Nguyên lâu ở đây.

Có mối quan hệ này với phủ Đại vương, tửu lâu càng ngày càng mở rộng, dần dần phát triển thành một tổ hợp quán rượu, khách điếm, sòng bạc, kỹ viện. Trạng Nguyên lâu chiếm diện tích rất lớn, tuy làm ăn rất nhiều ngành, nhưng mỗi loại đều có khu vực riêng. Ngay đến khách điếm cũng phân ra làm ba tòa lầu có cấp bậc cao, trung, hạ khác nhau, do đó các hạng tam giáo cửu lưu đều muốn ở trọ tại đó. Rồng rắn hỗn tạp, đây là nơi dễ nghe ngóng tin tức nhất.

Tuy Đại Đồng là nơi chiến loạn nhưng đồng thời cũng là nơi dễ phát tài nhất. Qua hơn trăm năm, các đời chủ nhân của tửu lâu này kiếm được rất nhiều tiền của. Năm kia, thiếu chút nữa thì giặc Thát đánh được vào thành khiến cho chủ nhân tửu lâu vô cùng sợ hãi không muốn tiếp tục ở lại đây. Nhưng số người có thể bỏ ra một khoản tiền lớn mua lại Trạng Nguyên lâu quả thực không nhiều, do đó họ đành phải một mực kéo dài việc làm ăn mãi. Khi thế lực của Nội xưởng mở rộng đến đây, bọn họ liền ngấm ngầm mua lại Trạng Nguyên lâu, bề ngoài vẫn tuyên bố đây là việc làm ăn của nhà họ Tống, nhưng bên trong thực ra là do Hàn Lâm chưởng quản.

Cập Đệ lâu là khách điếm hạng trung của Trạng Nguyên lâu, cũng phù hợp với thân phận của vị thương nhân buôn da đó. Hiện giờ mới chỉ có phu nhân và vài người làm của vị thương nhân chưa thấy mặt đã đến đây ở trọ. Bọn họ thuê ba gian phòng khách liền nhau ở chỗ rẽ ở tầng hai, căn phòng ở giữa để cho phu nhân, hai căn phòng hai bên dành cho người hầu.

Vị phu nhân này đi lại hùng hùng hổ hổ, hành sự nói năng rất giống đàn ông, cực kỳ thô lỗ. Tuy có thân hình quyến rũ động lòng người, nhưng trên khuôn mặt bà ta lại đầy tàn nhang, hơn thế nữa còn thích trang điểm lòe loẹt. Bà ta vẽ hai hàng lông mày mỏng dính, nhưng dưới mũi thì lại là cái miệng to như chậu máu. Ngay đến mấy người làm thuê biết nhiều hiểu rộng của khách điếm cũng chẳng muốn nhìn lâu.

Khi tới thuê phòng ở trọ, bọn họ đã báo vì có việc nên ông chủ đến chậm, phu nhân không quyết định mọi việc được nên ở lại đây chờ ông đến, đã ở suốt bảy, tám ngày rồi. Vừa rồi vị thương nhân buôn da đó mới dẫn theo một vị tiên sinh tính toán sổ sách và sáu người làm thuê đến khách điếm. Người làm của khách điếm đã được Hàn Lâm dặn dò từ trước, vừa sai người lén đi thông báo cho Hàn Lâm vừa bưng một chậu nước đưa lên lầu.

Trong phòng, Dương Hổ vòng tay ôm chặt ái thê, mãi một hồi lâu sau mới buông ra, kích động:

- Thật là lo đến chết ta mất! Hôm đó không ngờ lại trúng phải mai phục của tên cẩu quan Dương Lăng, ngay đến chỗ giấu ngựa cũng đã bị mai phục sẵn, ta liền biết ngay là không hay. Sợ y đã sớm tra rõ gốc gác của ta với nàng, ắt căn nhà lớn trong kinh cũng có phục binh nên ta chỉ đành dẫn theo mấy huynh đệ bị thương bỏ trốn.

Sau đó ta phái người vào kinh nghe ngóng tin tức của nàng, lại nghe nói nàng đã bắt được Dương Lăng, dùng hắn làm con tin để trốn ra ngoài thành, tới lúc ấy ta mới yên tâm. Nàng không trở về đại trại tránh mặt một thời gian, còn giả trang thành bộ dạng quái quỷ này rồi chạy đến Đại Đồng làm gì? Huynh đệ đưa thư cũng không nói rõ.

Khi mới nhìn thấy trượng phu, Thôi Oanh Nhi cũng hết sức xúc động, nhưng lúc này đã dần bình tĩnh trở lại. Nghĩ đến việc trượng phu hám lợi khiến đầu óc lú lẫn, không nghe theo lời khuyên của mình mà lại theo lời xúi bẩy của Lưu lão đạo tiến đánh Cao Lão Trang, khiến tổn thất hai trăm huynh đệ thân tín; nàng không kìm được trừng mắt nhìn hắn một cái, sắc mặt cũng lạnh hẳn đi.

Nàng ngoảnh đầu qua nhìn thấy ông lão ăn mặc theo lối người hầu ở bên cạnh đang cười híp mắt nhìn mình, vội bước tới thấp giọng thưa:

- Ngũ thúc!

Đại trại mà Dương Hổ vừa nhắc tới chính là trại của nhà họ Thôi. Phụ thân của Thôi Oanh Nhi cùng một đám huynh đệ năm xưa tung hoành chốn núi rừng, là một nhân vật cực kỳ hiển hách trong giới lục lâm phương Bắc. Đến khi về già không muốn tiếp tục phiêu bạt nữa, lại chỉ có một mụn con gái, lão liền giao cho thủ hạ thân tín nắm lấy mười mấy tòa sơn trại tự lập môn hộ. Còn bản thân lão và một đám huynh đệ lui về ẩn cư tại Bàn Long lĩnh trong rừng sâu, sinh sống dựa vào của cải tích lũy được trong thời trẻ và việc tự trồng trọt cây thuốc, lương thực trong núi để dưỡng già.

Ngũ thúc mà Thôi Oanh Nhi vừa chào hỏi là người của đại trại nhà họ Thôi, hơn nữa còn là huynh đệ kết nghĩa với Thôi lão đại, tinh thông Ưng trảo công. Lão đã trông nom Thôi Oanh Nhi từ nhỏ đến lớn, coi như là người ruột thịt.

Lão khẽ vỗ vai Thôi Oanh Nhi, cười nói:

- Đừng đau lòng! Ngũ thúc đã nghe kể cả rồi, cháu có thể gây nên việc kinh thiên động địa như thế là giỏi lắm! Tất cả các thúc thúc bá bá ở sơn trại đều đã biết hết cả rồi, tất cả đều cảm thấy vinh dự lây.

Dương Hổ bị Thôi Oanh Nhi mỉa mai quen rồi nên cũng không cảm thấy tức giận, gã vẫn nôn nóng:

- Nương tử! Nàng đã trốn được khỏi kinh thành, tại sao không tiện tay giết luôn tên Dương Lăng đó mà còn thả cho y quay về. Ta nghe chuyện cảm thấy rất khó hiểu, việc gì phải nói đạo nghĩa với đám quan binh đó chứ?

Thôi Oanh Nhi lạnh lùng liếc mắt nhìn gã, không đáp mà hỏi ngược lại:

- Ta gọi chàng đến Đại Đồng, chàng lại tìm cả ngũ thúc đến làm gì? Người của sơn trại nhà họ Thôi đã lui khỏi giang hồ, gân cốt không còn được như hồi trẻ, ngũ thúc tuổi tác đã cao, chàng còn muốn để thúc ấy phải cùng bôn ba nữa hay sao?

Dương Hổ cứng họng, ngũ thúc vội cười giàn hòa:

- Xem hai đứa các cháu kìa, vừa gặp mặt đã cãi nhau rồi! Chuyện này không trách Dương Hổ được! Các cháu gây náo loạn ở kinh sư như thế, quan binh vùng Bá Châu liền trở nên điên cuồng hơn, rất nhiều sơn trại đã bị nhổ bật cả gốc rễ. Nếu không phải đại trại của chúng ta ở sâu trong rừng, e rằng cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Cháu Hổ thoáng cái đã tổn thất hai trăm trợ thủ đắc lực nhất, còn phải di chuyển sơn trại, chỗ nào cũng cần dùng người, nghe cháu truyền tin kêu y nhanh đến Đại Đồng, y không thể tìm được trợ thủ đắc lực nữa. Hoắc lão đại thương con rể, lại lo cháu sẽ xảy ra chuyện gì, ta bèn xung phong đi theo…

Lão nói đến đây, đột nhiên bước nhanh đến bên cửa mở toát cánh cửa ra. Gã tiểu nhị vừa rón ra rón rén bước đến ngoài cửa sợ đến giật nảy mình, chậu nước trên tay thiếu chút nữa thì đổ cả ra đất. Gã vội cười nịnh:

- Á! Lão gia tử mở cửa thế này thực khiến tiểu nhân sợ quá. Ông chủ đến rồi, ngài đi đường vất vả nên tiểu nhân đưa nước đến đây.

Bên trong chợt có một giọng nữ chói tai vang lên:

- Chớ có làm bộ hồ đồ nữa! Nói là chỉ đến muộn ba ngày, tại sao tận bảy, tám ngày mới đến? Nói mau, chàng bị con hồ ly tinh nào mê hoặc rồi? Còn cả ngươi nữa, đừng có giấu giếm giúp y, nếu để lão nương biết ngươi lừa lão nương, chốc nữa ta sẽ đánh gãy cái cẳng chó của ngươi!

Thoáng liếc mắt nhìn vào bên trong, tiểu nhị thấy vị phu nhân mặc áo bông màu đỏ trông rất thô lỗ đó đang một tay xách tai vị đại hán thân cao bảy thước kia, một tay chỉ về phía một gã người làm đang cười nịnh không ngừng vâng vâng dạ dạ ở trước mặt. Cái miệng to như chậu máu của bà ta đang giận dữ mắng mỏ không ngừng.

Ngũ thúc cải trang thành vị tiên sinh trông nom sổ sách ho khan hai tiếng, nháy mắt ra hiệu với tên tiểu nhị, bảo:

- Khi cần nước thì tự nhiên chúng ta sẽ gọi ngươi, hãy đi xuống trước đi! Lão gia và phu nhân đang bàn chuyện làm ăn.

Gã tiểu nhị cố nhịn cười, vội vâng một tiếng rồi hấp tấp bưng chậu nước rời đi. Ngũ thúc đợi gã đi khuất qua chỗ rẽ mới khép cửa phòng lại, ghé sát tai vào cửa nghe ngóng thêm một lúc rồi mới đưa tay ra hiệu cho Dương Hổ và Hồng Nương Tử, thấp giọng bảo:

- Trong khách điếm đông người, phức tạp. Đi! Vào phòng trong nói chuyện, hai người các ngươi canh gác bên ngoài!

Hồ Đại Chùy và Hắc Diêu Tử gật gật đầu, đi đến đứng cạnh cửa với vẻ đầy cảnh giác; Dương Hổ, Thôi Oanh Nhi và đám người ngũ thúc đều đi vào phòng trong. Hồng Nương Tử bắt đầu kể lại việc Lưu lão đạo và Thúy Nhi là người của Di Lặc giáo, cố tình xúi bẩy Dương Hổ vào kinh ám sát Hoàng đế, sau đó lại nghe nói Hoàng đế muốn đến Đại Đồng tuần tra, vì sợ đả thảo kinh xà nên lại bán đứng nàng.

Hai tin tức này chẳng khác gì tiếng sấm nổ giữa trời quang. Dương Hổ trợn mắt há mồm, ngẩn người suốt một hồi lâu mới hầm hầm đứng dậy, nghiến răng nghiến lợi đau đớn tột cùng:

- Di Lặc giáo! Di Lặc giáo! Đám trời đánh này, ta không ngờ lại bị bọn chúng lợi dụng! Ôi! Hai trăm huynh đệ tốt cùng vào sinh ra tử với ta!

Hắn đấm mạnh một cái vào cây cột trong phòng, sắc mặt tái xanh, da thịt trên mặt co giật liên hồi.

Mấy vị huynh đệ vừa từ sơn trại tới đây đến lúc này mới biết rõ nội tình, cũng đều căm hận nghiến răng ken két. Căn phòng nhất thời trở nên tĩnh lặng, mãi một lâu sau, một vị huynh đệ đột nhiên biến sắc thốt lên:

- Lưu tiên… Lưu lão đạo đó là người của Di Lặc giáo ư? Chó chết thật! Vậy… Vậy lão nói Hổ ca là Tử Vi chuyển thế, có tướng đế vương gì gì đó cũng đều là những lời giả dối hay sao?

Mấy người bên cạnh nghe thế đều biến sắc, đưa mắt nhìn nhau hồi lâu. Dương Hổ thầm kinh sợ trong lòng, tới lúc này gã mới nghĩ đến tính nghiêm trọng của vấn đề. Người vô tâm nói ra điều yếu hại này tên là Phùng Phúc Chí, cũng là một huynh đệ tốt một lòng một dạ đi theo Dương Hổ. Thấy sắc mặt mọi người khó coi như thế hắn không khỏi ngượng ngập vô cùng, không nói ra được lời nào nữa.

Dương Hổ hơi tức giận nhưng không tiện phát tác; rốt cuộc vẫn là ngũ thúc già đời thành tinh, lão vội nói:

- Giang sơn đều là do con người đánh chiếm được cả, có ai nghe nói Hoàng đế được vận mệnh định sẵn thì không cần phải tự mình đi đánh thiên hạ mà có thể ngồi hưởng giang sơn đâu? Trừ phi đó là Thái tử của Hoàng đế đương vị.

Cả Tống Thái Tổ, Chu Hồng Võ đều cùng các vị hảo huynh đệ của mình kề vai sát cánh đánh lấy giang sơn vạn dặm; cái gì mà sớm có tướng đế vương, chẳng phải là việc thành rồi mới có kẻ bịa đặt ra hay sao? Chúng ta đều là hạng cường đạo mã tặc, sớm đã giắt cái đầu bên thắt lưng quần rồi, chẳng ai là hạng đớn hèn. Liều một phen vị tất đã không thể chiếm được giang sơn!

Được rồi, chúng ta cứ nên thương nghị kỹ càng trước đã. Vừa nãy Oanh Nhi đã nói rồi, Di Lặc giáo cũng muốn tạo phản, có câu loạn thế xuất anh hùng, phải xem ai mới là kẻ mạnh. Nay không phải Dương Lăng đã dẫn quân vào thành rồi sao? Theo lời Oanh Nhi, gã Hoàng đế Chính Đức đó hẳn cũng ở trong quân rồi. Chúng ta cứ nên nghĩ xem làm sao mới có thể báo thù cho các huynh đệ đã chết, nghĩ xem làm thế nào mới có thể giết được Chính Đức trước đã!

Dương Hổ thầm cảm kích trong lòng, vội vàng tiếp lời:

- Ngũ thúc nói đúng lắm! Xem ra Di Lặc giáo cũng đã tới đây rồi, chúng ta nên chú ý tới những hoạt động của Dương Lăng hơn nữa. Di Lặc giáo có thể xua lang đấu hổ, hảo hán lục lâm chúng ta há lại không hiểu trò này hay sao? Hiếm khi Hoàng đế ra khỏi kinh thành, chúng ta nên nhân lúc biến loạn mà thủ lợi, tìm cơ hội giết chết hắn!

Hồng Nương Tử phản đối:

- Ta không đồng ý. Trên đường tới Đại Đồng nạn dân nhiều vô số, ta đã nghĩ kỹ rồi. Di Lặc giáo nấp ở chỗ tối, còn chúng ta đang ở ngoài sáng, quan binh đang bao vây tiêu diệt sơn trại chúng ta. Nếu Hoàng đế xảy ra chuyện gì ở đây, món nợ này ắt sẽ bị tính lên đầu chúng ta. Đến lúc đó cho dù là triều đình dốc hết binh lực cả nước đi đối phó với chúng ta, quyết tâm trảm thảo trừ căn thì hãy còn là nhẹ.

Nàng liếc nhìn mọi người lúc này đã biến sắc, nói tiếp:

- Hơn nữa… Giặc Thát đang đại chiến ngoài quan ải, chúng ta khởi sự là vì thay trời hành đạo, nếu lúc này Hoàng đế mất mạng, giặc Thát nhân loạn xâm nhập vào quan ải thì phải làm sao? Dân nghèo Bá Châu chúng ta sẽ là người gặp nạn đầu tiên, hơn nữa…

Cặp mắt nàng trở nên mông lung, hồi lâu sau mới rầu rĩ nói tiếp:

- Chúng ta có thể thật sự đánh chiếm được thiên hạ sao? Nếu chiếm được, chúng ta có thể trị vì thiên hạ sao? Chúng ta vốn cho rằng chỉ cần cướp của nhà giàu, không ép dân nộp thuế, không ép dân nuôi ngựa là được, nhưng đó là vì chúng ta là người ngoài cuộc, không đi chợ chẳng biết gạo, dầu, mắm, muối đắt tiền. Nếu thật sự đánh được thiên hạ rồi, liệu có thể không làm như vậy được không?

Mọi người đều kinh ngạc nhìn nàng, không hiểu tại sao nàng lại nói đến luận điểm này. Dương Hổ hậm hực lên tiếng:

- Nếu theo lời nàng nói, hai trăm huynh đệ của ta phải chết một cách vô ích sao? Mối thù này chẳng lẽ không báo nữa sao?

Hồng Nương Tử cắn chặt bờ môi, thấp giọng:

- Chúng ta đi giết người ta, chẳng lẽ lại bảo người ta vươn cổ ta cho chúng ta chém sao? Chúng ta cảm thấy cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo là thay trời hành đạo, nhưng quan phủ bắt giặc há lại không phải là đúng lẽ hay sao? Mà huống chi, y cũng chỉ vì tự bảo vệ bản thân mà thôi.

Oan có đầu, nợ có chủ! Nếu không phải Lưu lão đạo nói dóc cái gì mà thiên tượng sinh biến, đế tinh sắp tàn, chúng ta cũng sẽ không dẫn người lên kinh. Ta hận! Hận mình đã để cho Di Lặc giáo lợi dụng. Nhưng Di Lặc giáo ẩn trong bóng tối, tổng đàn ở đâu chúng ta không biết, giáo chủ ở đâu chúng ta không biết, muốn báo thù cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu.

Nàng thoáng quắc mắt, gằn giọng:

- Chúng ta chỉ có mấy người thế này, có thể giết được Hoàng đế giữa thiên quân vạn mã sao? Huống chi Di Lặc giáo cũng muốn giết Hoàng đế. Bọn chúng căn cơ thâm sâu nên ắt đã sớm có chuẩn bị, Hoàng đế vừa chết, bọn chúng nhất định đã có kế hoạch chu toàn để mưu đoạt thiên hạ rồi.

Thế lực của chúng ta bị quan phủ đánh phá, tổn thất quá lớn, rất khó tranh hùng với bọn chúng. Nếu chúng ta giết chết Hoàng đế há chẳng phải là giúp đỡ cho bọn chúng hay sao? Di Lặc giáo và chúng ta có mối thù sâu như biển, bọn chúng muốn làm gì, ta quyết không để chúng thành công. Ta muốn đợi khi Di Lặc giáo ra tay sẽ ngầm động chân động tay một chút, chứng thực chuyện này là do Di Lặc giáo làm, dẫn ngọn lửa này lên đầu Di Lặc giáo.

Dương Hổ vừa giận dữ vừa buồn bực. Hắn cho rằng cái đám yêu đạo suốt ngày giả thần giả quỷ mê hoặc ngu dân kia thì có gì là ghê gớm. Mã tặc ở Bá Châu đi qua nơi nào, ngay đến quan binh vệ sở cũng đều nghe gió mà sợ hãi, huống chi là một đám dân chúng chỉ biết cầm cuốc cầm cày, dựa vào bọn họ mà có thể giành được thiên hạ hay sao?

Trong lòng hắn luôn cho rằng triều đình hiện nay mới là chướng ngại vật lớn nhất ngăn cản mình hoàn thành đại sự. Giết chết Hoàng đế, triều đình Đại Minh ắt sẽ như rắn mất đầu, phiên vương có dã tâm ở các nơi nhất định sẽ nổi lên tranh đoạt, cho dù Di Lặc giáo có thừa cơ khởi sự, hắn vẫn cảm thấy mình chiếm nhiều phần thắng hơn.

Hiện nay thê tử lại nói ra những lời nhụt chí như vậy ở trước mặt tâm phúc của mình, còn muốn bảo vệ Hoàng đế, mượn sức của quan binh để đối phó với Di Lặc giáo, đúng là thiển cận hết sức! Phụ nữ mà căm hận một người nào, chẳng lẽ đều trở nên bất chấp lý lẽ như vậy hay sao?

Dương Hổ không kìm được, gắt gỏng:

- Đúng là kiến thức đàn bà! Bị bọn chúng lợi dụng thì sao chứ? Cho dù không có chúng, sớm muộn chúng ta cũng phải đối phó với triều đình. Nay bọn chúng đang có ý đồ ám sát Chính Đức, vừa hay chúng ta có thể thừa nước đục thả câu. Đây là cơ hội ngàn năm có một, sao lại có thể bỏ lỡ?

Hồng Nương Tử đứng dậy giận dữ đáp:

- Kiến thức đàn bà thì sao nào? Ngươi có kiến thức sao lại bị người ta lợi dụng? Ngươi đã đọc được mấy quyển sách rồi? Ta cảm thấy dự định ban đầu của chúng ta thực quá nông cạn. Đánh đánh giết giết chúng ta còn làm được, nhưng những đạo lý lớn đó ta không hiểu, chẳng lẽ ngươi hiểu được sao?

Dương Hổ cũng đã nổi giận, lập tức phản bác:

- Cái lý lẽ gì như thế chứ? Sao lại đột nhiên nói đến chuyện đọc sách rồi? Chẳng lẽ những đạo lý lớn này của nàng là gã thày đồ dạy học nào nói cho nàng biết hay sao?

- Ta… - Hồng Nương Tử nhất thời cứng họng, hậm hực giậm chân, - Thứ khác ta không biết. Ta chỉ biết Di Lặc giáo là kẻ thù của chúng ta, bọn chúng muốn giết Hoàng đế, ta muốn lợi dụng Hoàng đế để giết bọn chúng. Ta chỉ biết nếu ngươi thừa cơ ra tay, các huynh đệ trên sơn trại, còn cả cha mẹ vợ con của bọn họ nữa, toàn bộ đều sẽ vì ngươi mà không còn chỗ nương thân. Ngược lại bọn Di Lặc giáo sẽ được lợi vô cùng, ta không nuốt cái cục tức này xuống được.

Ngũ thúc thấy hai người lại sắp cãi nhau, vội vã can:

- Hôm nay Dương Lăng vừa tới Đại Đồng, chắc sẽ không rời đi ngay. Bất kể chúng ta có động thủ hay không thì cũng đều không gấp, đợi sau khi chúng ta thăm dò rõ nội tình của bọn chúng rồi hãy bàn bạc tiếp cũng không muộn. Hai vợ chồng các cháu trải qua cửu tử nhất sinh, vừa mới gặp mặt nhau, đừng nên làm tổn thương tình cảm thêm nữa!

Nói xong lão bèn khẽ nhếch mép ra hiệu cho Dương Hổ, nói tiếp:

- Chúng ta đi vội đến đây, còn chưa được ăn no. Đi nào, chúng ta mau tắm rửa một chút rồi đi ăn vài miếng, uống vài chén cái đã!

Hồng Nương Tử hừ mạnh một tiếng, xoay người ngồi phịch xuống giường, giận dỗi ngoảnh đầu đi hướng khác không nói gì.

Dương Hổ bị ngũ thúc kéo ra ngoài, mấy huynh đệ khác thấy tình hình không hay, liền cũng đi theo sau. Phùng Phúc Chí thấp giọng nói với một huynh đệ bên cạnh:

- Ta thấy lời của đại tẩu có lý lắm, hơn nữa… sơn môn đã bị hủy rồi, có một số sơn trại đã bắt đầu hoài nghi việc đại ca là chân mệnh thiên tử, nếu Lưu lão đạo là người của Di Lặc…

- Suỵt…

Một người khác nhận biết vợ chồng Dương Hổ đều đang kìm nén một bụng đầy lửa giận, nên vội vàng giựt vạt áo gã, Phùng Phúc Chí lập tức ngậm miệng. Có điều tai Dương Lăng rất thính nên hắn đã nghe rõ những lời của hai người bọn họ. Đang trong cơn tức giận nên vừa nghe thấy những lời xúi quẩy này hắn liền chỉ hận không thể quay lại tát cho gã Phùng Phúc Chí kia một cái.

Dương Hổ cố nén giận đi về phía trước. Ngẫm nghĩ đến lời của Phùng Phúc Chí, bất giác hắn thầm kinh hoảng. Huynh đệ trên sơn trại của mình tất nhiên không có gì để nói, nhất định đáng tin, nhưng hai năm nay chiêu binh mãi mã, thế lực khuếch trương rất nhanh. Các sơn trại mình thu phục được có một phần là sợ hãi trước vũ lực của mình, một phần là vì tin lời đồn mình là chân mệnh thiên tử, nếu tin tức này mà lộ ra ngoài…

Nếu ngầm dặn dò mấy huynh đệ giấu giếm chuyện này đi, vậy chẳng rõ ràng là mình đang lừa gạt người khác, mà ngay đến cả mình cũng hoài nghi mệnh tướng của mình ư? Giới lục lâm có ai không biết Dương Hổ là một trang hào kiệt quang minh lỗi lạc, những lời này phải nói với bọn họ thế nào đây chứ?

Dương Hổ vừa đi vừa cúi đầu thầm nghĩ cách giải quyết chuyện này. Đột nhiên, một ý nghĩ tà ác lướt qua trong đầu hắn, khiến bản thân hắn cũng phải thầm kinh sợ. Hắn vội vã ngẩng đầu lên, hoàn toàn không dám suy nghĩ tiếp nữa.

* * *

Vừa sáng sớm Dương Lăng và Trương Vĩnh đã dẫn theo hai trăm tùy tùng đến phủ Đại vương bái kiến. Chính Đức trà trộn trong đám thị vệ nên ung dung đắc chí vô cùng. Trước đây đi đâu hắn cũng là nhân vật chính, mỗi hành vi cử chỉ đều phải chú ý đến phong thái của bậc đế vương, nay thì hoàn toàn không bị câu thúc gì. Nhìn những căn nhà thấp bé bên đường, nhìn những sỹ tốt nhàn tản đi qua, nhìn những tiểu thương nhân dịp năm mới gánh hàng, đẩy xe rao bán trên đường, Chính Đức cảm thấy hết sức mới mẻ.

Dù đường đường là bậc cửu ngũ chí tôn, chủ nhân của thiên hạ, nhưng ở lẫn trong đám thị vệ này, Chính Đức cũng chẳng khác gì một thị vệ bình thường cả. Nhìn từ bên ngoài, liếc sơ qua vị tất có ai nhận ra được hắn có gì khác thường.

Phủ Đại vương tọa lạc trên Đông Đại Nhai, tổng cộng có bốn cửa, cửa phía đông là Đông Hoa Môn, phía tây là Tây Hoa Môn, phía bắc là Hậu Tể Môn, phía nam gọi là Đoan Lễ Môn. Đoan Lễ Môn là cửa chính của vương phủ, bốn phía xung quanh đều được bao quanh bởi tường cao vững chắc khiến nó trở thành một khu vực độc lập hoàn toàn cách biệt với bên ngoài, trăm họ đều gọi nó là “Hoàng Thành”.

Phía trước Đoan Lễ Môn có một bức bình phong lớn dài hơn mười trượng, cao gần ba trượng, xây bởi các loại gạch lưu li màu lam khổng tước, lục, vàng sậm, vàng, vàng nhạt. Bên trên là bức bích họa có hình chín con rồng lưu ly vô cùng đẹp mắt.

Phần bên dưới bức bích họa là sóng nước màu xanh biếc cuộn trào dữ dội, phần bên trên là mây mù màu xanh lam và mây lành màu vàng. Những con rồng lớn được ngăn cách và nối liền với nhau bởi mây mù, mây lành, sóng nước, vách núi, cây cỏ; màu sắc rực rỡ, hết sức tráng lệ.

Bức bình phong chín rồng này so với bức bình phong ở Hoàng cung trong kinh thành còn lớn hơn nhiều. Hoàng tử thứ mười ba Chu Quế và Yên vương Chu Đệ đều do cùng một mẹ sinh ra, quan hệ rất tốt, thêm nữa vương phi của cả hai lại đều là con gái của Từ Đạt, do đó lại càng thân thiết hơn. Năm xưa vua Kiến Văn muốn tước quyền của các phiên vương đã chọn Đại vương để ra tay đầu tiên, đem bắt nhốt ông ta lại, khi Yên vương tạo phản thành công liền thả ông ta ra.

Về sau Đại vương phi tính cách ngổ ngáo vào kinh nhìn thấy bức bình phong trong kinh, đến khi trở về liền nhất quyết bắt Đại vương phải xây một bức bình phong lớn hơn bức ở kinh thành. Đại vương sợ vợ liền vội vàng đồng ý, kết quả là có bức bình phong chín rồng này.

Dương Lăng và Trương Vĩnh đưa thiếp bái phỏng, chẳng mấy chốc tổng quản vương phủ đã dẫn theo hai tiểu thái giám từ bên trong đi ra. Dương Lăng và Trương Vĩnh vội vàng xuống ngựa, tổng quản vương phủ mặt mày niềm nở cười nói:

- Vương gia nghe nói hai vị Khâm sai đại nhân đến đây nên hết sức mừng rỡ, lệnh cho nô tì ra ngoài nghênh đón. Hai vị đại nhân, xin mời!

Dương Lăng và Trương Vĩnh vội mỉm cười đáp lời, mỗi người dẫn theo tám thị vệ theo sau viên tổng quản đi vào Đại vương phủ. Bọn họ đi qua Thừa Vận Môn, Thừa Vận Điện, Sùng Tín Môn, Tồn Tâm Điện, lại rẽ về phía tây thì tới Ngân An Điện, đây là điện chính của phủ Đại vương.

Trên mặt đất, những viên gạch xanh mài nước đều rất vuông vức chỉnh tề, bằng phẳng hệt như mặt gương. Đại vương mặc áo mãng long bào tươi cười bước ra đón, lão đã hơn năm mươi tuổi, mặt trắng ít râu, dáng người béo lùn, thoạt nhìn có vẻ rất ôn hòa nhã nhặn.

Tuy rằng hai người là Khâm sai, nhưng Đại vương thuộc dòng hoàng tộc, vốn lão chẳng cần khách sáo như vậy. Có điều hai người này lại là đại thần hiện đang được Hoàng thượng tin tưởng nhất, Đại vương đời này là người đằm tính, lão không muốn chọc giận bọn họ.

Đại Đồng tuy trở nên tiêu điều hơn bình thường rất nhiều vì mùa đông và chiến tranh, nhưng cảnh tượng trong phủ Đại vương lại hoàn toàn khác. Từng điện, từng sảnh, từng viên gạch, từng cây cột, từng cành hoa, từng ngọn cỏ đều có sự độc đáo riêng. Ngân An Điện được sơn màu đỏ và quét vôi màu trắng, rường cột chạm trổ, thực là vàng son lộng lẫy, hào hoa tôn quý đến cực điểm.

Hai người là Khâm sai nên trước tiên vương gia dùng lễ thần tử khấu bái để vấn an Hoàng thượng, hai người hiên ngang đứng nhận lễ thay Chính Đức, sau đó lại khấu bái Đại vương. Hai bên khách sáo chào hỏi nhau một phen rồi mới lần lượt ngồi xuống.

Hàn huyên hồi lâu, Đại vương hỏi:

- Hoàng thượng phái hai vị đại nhân đến Đại Đồng úy lạo quân đội và tuần tra việc chiến sự ở biên quan, không biết lúc nào thì hai vị gọi Dương Nhất Thanh về thành?

Dương Lăng khom người đáp:

- Bẩm vương gia! Hạ quan nghe nói chiến sự ở tiền phương đang vào hồi cam go, Dương tổng chế thân là chủ soái, không thể tùy tiện rời khỏi chiến trường. Do đó, hạ quan định ngày mai sẽ cùng Trương công công cùng đến bảo Trấn Khương thăm Dương đại nhân, đồng thời thị sát việc phòng ngự ở đó.

Đại vương khẽ cười hà hà, cặp mắt nheo lại thành một đường thẳng, không ngừng gật đầu bảo:

- Rất tốt, rất tốt! Năm nay giặc Thát tập hợp quân lực hùng hậu, bản vương quả thực lo lắng vô cùng, may mà Hoàng thượng phái tới đây một viên tướng tài như Dương Nhất Thanh, đánh trận rất giỏi, cần khen thưởng thật hậu mới được.

Lão nâng chén trà lên, khẽ nhấp một ngụm rồi mỉm cười nói tiếp:

- Tuy gặp lúc chiến tranh, nhưng bản vương muốn nạp trắc phi, Hoàng thượng cũng đã đồng ý rồi, chuyện này không thể chậm trễ thêm. Năm ngày sau bản vương sẽ nạp trắc phi, đến lúc đó hai vị Khâm sai đại nhân nhất định phải đến vương phủ uống chén rượu mừng đấy nhé!

Nếu vương gia nạp một người thiếp bình thường thì không cần bẩm rõ với Hoàng đế. Nhưng trắc phi cũng là vương phi, nhất định ông ta phải xin Hoàng thượng ban thánh chỉ xuống, cho ghi vào tộc phổ của hoàng thất mới được. Vị vương gia này tuổi đã trạc ngũ tuần, vậy mà vẫn bỏ công làm lớn chuyện như vậy để nạp một vị có danh phận phi tử qua cửa, xem ra là rất yêu mến vị cô nương đó.

Vừa thấy Đại vương bưng chén trà lên, Dương Lăng và Trương Vĩnh đều đã đứng dậy, nghe xong lời mời liền không khỏi đưa mắt nhìn nhau cười khẽ, nhất tề khom người thưa:

- Thì ra vương gia còn có chuyện vui như vậy. Chúc mừng! Chúc mừng! Năm ngày sau hạ quan nhất định sẽ đến tham gia. Vương gia bận rộn sự vụ, bọn hạ quan không dám làm phiền thêm, xin được cáo từ!

Chú thích:

(1) nguyên văn "Quan phổ nhi" (官谱儿), "phổ nhi" nghĩa là tiêu chuẩn hoặc quy củ, trỏ những nghi lễ rườm rà chốn quan trường, nay thường dùng để châm biếm các buổi họp, lễ rườm rà và tốn kém của quan chức Trung Quốc.

(2) chỉ nam sủng vị thành niên, đối tượng tình dục cho những kẻ thích trẻ em nam (vừa ấu dâm vừa đồng tính luyến ái).