Ngược Về Thời Minh

Chương 260: Rút củi đáy nồi



Mặc áo vải nhẹ, Lưu Đại Hạ tiễn mấy vị lão hữu rời khỏi cửa. Vừa mới rảo bước trở về, còn chưa tới trung đường thì ông đã nghe phía sau có tiếng hô lớn vang lên:

- Thánh chỉ đến, Thượng thư bộ Binh Lưu Đại Hạ tiếp chỉ!

Lưu Đại Hạ ngạc nhiên ngoảnh đầu lại. Ông thấy bốn gã Hiệu úy Cẩm Y vệ theo sau một gã đàn ông vạm vỡ eo hổ lưng gấu râu quai nón đầy mặt tay cầm thánh chỉ, khí thế bừng bừng tiến vào cửa lớn của bộ Binh. Không biết vừa dừng buổi triều hội xong, Hoàng thượng có ý chỉ gì mà lại vội vã đưa đến như vậy, Lưu Đại Hạ vội vàng tiến lên vài bước, vén vạt áo quỳ xuống đất, cung kính:

- Thần Lưu Đại Hạ tiếp chỉ.

Lưu Đại Bổng Chùy mở to cặp mắt tròn như hạt đậu xanh ra nhìn vị thượng cấp lớn nhất của mình, khẽ ho một tiếng, mở thánh chỉ ra làm bộ nghiêm trọng tuyên đọc:

- Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết: Lưu ái khanh, trẫm nghe nói hải đồ của Đại Minh năm xưa đã được chuyển từ Lăng Thiên đến kinh thành, đặt trong kho của bộ Binh. Trẫm muốn tăng thêm hiểu biết về vùng biển của Đại Minh ta, lệnh cho Lưu thị vệ đi lấy, nay thông báo cho ái khanh và các quan viên trong nha môn được biết.

Gã không biết chữ nhưng trí nhớ lại hơn người, chỉ cần nghe đọc qua một lần là có thể nhớ nằm lòng không sót chữ nào.

Lưu Đại Hạ nghe xong thì cả kinh. Sau khi hơi bình tĩnh lại, ông đáp:

- Bẩm đại nhân! Hải đồ của Trịnh Hòa đã bị xếp xó nhiều năm, khó lòng tìm được.

Lưu Đại Bổng Chùy cười hê hê đáp:

- Đại nhân yên tâm, Hoàng thượng cũng đoán rằng mấy bức hải đồ này muốn tìm nhất định là không dễ. Đại nhân công vụ bận rộn, chắc hẳn cũng không có thời gian để tìm kiếm cái thứ này nên việc này không phiền đại nhân ngài phải lo lắng.

Người đâu! Lập tức tiếp quản nhà kho của bốn thanh lại ti Võ tuyển, Xa giá, Chức phương, Vũ khố thuộc bộ Binh (*) cho ta. Nếu không tìm ra được hải đồ của Trịnh Hòa, đêm nay chúng ta sẽ ngủ lại đây.

(*): Thời Minh, Lục bộ đều được chia nhỏ ra làm các thanh lại ti để tiện quản lý, bộ Binh tổng cộng có bốn thanh lại ti kể trên.

Lời của Lưu Đại Bổng Chùy vừa dứt, từ ngoài cửa lớn của bộ Binh đã có một đám đông Cẩm Y vệ do bốn viên Thiên hộ dẫn đầu chạy xô vào, định xông thẳng vào trong. Lưu Đại Hạ thấy thế thì cả giận, trợn trừng mắt quát lớn:

- Ai dám? Bộ Binh là nơi trọng địa, trung tâm của binh mã trong thiên hạ nằm ngay tại đây, há có thể để cho các ngươi càn quấy?

Lưu Đại Bổng Chùy cười hà hà giơ thánh chỉ trong tay lên bảo:

- Thượng thư đại nhân làm trái lễ pháp rồi, thánh chỉ ngài vẫn còn chưa tiếp đấy. Bọn ta nào phải sơn tặc tự tiện xông vào nha môn của bộ Binh, bọn ta đang phụng thánh chỉ đến tìm hải đồ của Trịnh Hòa. Hoàng thượng thông cảm cho đại nhân, biết đại nhân công vụ bận rộn không có thời gian tìm, thế nên… ta phải tự mang người tới đây.

Lưu Đại Hạ nén giận đáp:

- Triều hội hôm nay Hoàng thượng đã nói trừ phi nước Đông Doanh tới triều kiến bằng không thì sẽ tạm không xét đến việc giải trừ lệnh cấm biển, tại sao lại đột nhiên muốn tìm hải đồ? Bản quan giờ sẽ tiến cung… À không, sẽ đến Báo Phòng gặp Hoàng thượng.

Người đâu! Thủ chắc nha môn bộ Binh, không cho bất cứ kẻ nào tùy tiện bước vào!

Một đội quan binh vội vã chạy ra, chặn trước cửa lớn của nha môn. Có điều nha môn bộ Binh chỉ là một nha môn thường trực ở kinh sư, binh sỹ đóng tại đó không quá nhiều, nhân số hoàn toàn không thể so được với đám người do Lưu Đại Bổng Chùy mang tới. Hơn nữa đối phương lại phụng lệnh Hoàng thượng, đám binh sỹ này không khỏi có chút sợ hãi, về mặt khí thế đã kém hơn vài phần.

Lưu Đại Bổng Chùy nghiêm giọng:

- Hoàng thượng có cả bốn biển, muốn xem thử hải đồ lãnh thổ của mình thì có gì là không được? Lưu đại nhân có điều không biết, quốc vương Văn Quy của Nhật Bản đã phái đặc sứ tiến kinh triều kiến, Hoàng thượng muốn xem hải đồ chính là để tiện cho những tính toán về sau. Bản khâm sai ngay đến chân ngựa của ba đại học sỹ còn dám đánh gãy, há lại sợ lũ sỹ tốt nha môn bộ Binh của ông cản đường hay sao? Mau tránh ra hết cho ta!

Lưu Đại Hạ nghe thế thì giật mình tỉnh ngộ: “Thôi trúng kế rồi! Thì ra việc này Dương Lăng đã mưu tính từ lâu, cuộc tranh biện kịch liệt hôm nay chẳng qua chỉ là danh nghĩa, mục tiêu chính là đưa bọn mình vào tròng, tổ chế ‘triều cống’ mới là đòn chí mạng mà bọn hắn mười phần nắm chắc.”

Lưu Đại Hạ bi phẫn thổi phì phì bộ râu bạc trắng. Lúc này đại thế đã mất, đám người bọn mình ở trên triều đường thề thốt rằng chỉ cần Nhật Bản phái sứ thần đến triều bái thì sẽ giải trừ lệnh cấm thông thương, mở rộng bốn biển mà dung nạp vạn quốc; bây giờ thì còn lời gì để nói nữa đây?

Lưu Đại Hạ siết chặt hai tay, thầm nghĩ nếu giải trừ lệnh cấm nhất định cần phải có một lượng lớn thương thuyền cùng với thủy quân hùng mạnh, mà hơn trăm năm nay sau khi cấm biển Đại Minh đã chẳng còn bao nhiêu người thợ có thể chế tạo thuyền lớn nữa; nếu mình lại hủy hải đồ đi, có lẽ còn một chút hy vọng ngăn cản được Hoàng thượng.

Do đó ông ta lập tức có thái độ cứng rắn. Lưu Đại Hạ liếc nhìn Lưu Đại Bổng Chùy với vẻ khinh miệt, đoạn phất tay áo bước tới đứng chắn trước cửa nha môn, râu tóc bạc trắng uy phong lẫm liệt tựa như thần tướng trên trời, cười vang ha hả:

- Giải trừ lệnh cấm gây họa cho nước cho dân! Lão phu ở đây, ai dám tiến vào?

Lời thoại mà Lưu Đại Bổng Chùy nghe Dương Lăng nói đi nói lại cả một hồi lâu mới nhớ được rốt cuộc đã có chỗ dùng, gã lập tức quát lớn:

- Đánh rắm! Hoàng thượng từng chính miệng nói biển cả Đại Minh cũng là giang sơn Đại Minh, tướng sỹ Đại Minh có trách nhiệm giữ đất, cũng có trách nhiệm giữ biển.

Ông thân là Thượng thư bộ Binh, vậy mà lại một mực cổ xúy cấm biển, khiến Đại Minh ta từ này mất đi quyền lực trên biển, phải co đầu rụt cổ ở đất liền. Không ngờ đám cướp biển nhỏ nhoi lại khiến một vị lão tướng từng trải trăm trận như ông sợ như sợ hổ, thực là miệng hùm gan sứa, cơ hội cho đế quốc Đại Minh dương uy tứ hải đã vì thế đã trở thành bong bóng rồi. Nếu đợi thêm trăm năm nữa, công nhân của Đại Minh ta ngay đến thuyền ra biển vài dặm cũng không chế tạo được, ông sẽ là tội nhân thiên cổ. Còn tự cho mình là dốc sức vì dân, thực là ngu muội quá đỗi!

Trước bia của Nhạc Vũ Mục chính là bức tượng gian thần đã phải quỳ cả ngàn năm, ta thấy cũng nên đúc cho Lưu đại thượng thư ngài bức tượng, để ngài quỳ dài trước tượng của Tam Bảo thái giám (Tức Trịnh Hòa) cũng không có gì là quá!

Lưu Đại Hạ nghe thế thì tức giận đến nỗi mặt mũi tím tái. Đường đường là Thượng thư bộ Binh, dù hoàng đế Hoằng Trị gặp ông cũng phải khách sáo gọi một tiếng tiên sinh, giờ đây lại bị một gã Hiệu úy Cẩm Y vệ chửi mắng như vậy, thậm chí còn so ông ta với tên gian thần thiên cổ Tần Cối, thực là một mối nhục lớn.

Lưu Đại Hạ gầm lớn một tiếng, bước mạnh lên trước một bước, phùng mang trợn mắt quát lớn:

- Cái gan chó của ngươi lớn thật, không ngờ dám nhục mạ lão phu như thế, ngươi… ngươi… ngươi ngươi…

Thấy ông ta trợn trừng đôi mắt, râu tóc dựng đứng, trong lòng cũng có chút sợ hãi nên Lưu Đại Bổng Chùy vội vã hô lớn:

- Phụng thánh dụ tìm kiếm hải đồ của Trịnh Hòa. Lưu thượng thư kháng chỉ đứng ra ngăn cản, lôi ông ta sang một bên cho ta!

Lập tức có hai gã tiểu tốt cầm đao bước lên định bắt giữ Lưu Đại Hạ. Lưu Đại Hạ một thân võ nghệ, há lại chịu cho đối phương khống chế, hôm nay ông ta đã hạ quyết tâm phải kháng chỉ bằng được. Đâu ngờ hai tay ông ta vừa mới vung ra, cánh tay của một gã tiểu tốt mi thanh mục tú đã mềm mại như rắn tránh khỏi lực đạo của ông ta mà vươn tới, điểm nhẹ vào gân tê trên cánh tay ông ta. Cánh tay Lưu Đại Hạ lập bức mất đi khí lực.

Tuy thuần thục cung ngựa nhưng Lưu Đại Hạ chẳng biết gì đến công phu cận thân của người giang hồ, mà thân thủ của gã tiểu tốt này cũng thực cao minh. Người ngoài hoàn toàn chẳng thể nhìn ra điều gì khác lạ, chỉ thấy như thể ông tự động đưa tay ra chịu trói.

Gã tiểu tốt đó diễn lại bài cũ, cánh tay còn lại của Lưu Đại Hạ cũng mất đi khí lực. Đợi khi cảm giác tê rần bớt đi, hai cánh tay của ông ta đã bị cặp tiểu tốt kia vặn ngược ra sau, không thể động đậy.

Lưu Đại Hạ nào đã từng phải chịu loại đãi ngộ này, nhất thời lòng dạ nguội lạnh, chỉ cảm thấy mình một đời trung thành với triều đình Đại Minh, không ngờ thi thể tiên đế còn chưa lạnh, tân đế đã đối đãi với vị lão thần mình như thế này. Thử hỏi gã Hiệu úy lỗ mãng kia nếu không có khẩu dụ của Chính Đức, há lại dám đối xử với mình như thế?

Lưu thượng thư giàn giụa nước mắt, rầu rĩ nói:

- Thôi! Thôi! Buông lão phu ra! Lão phu sẽ lập tức đi gặp Hoàng thượng, cáo lão hoàn hương.

Lưu Đại Bổng Chùy dương dương đắc ý liếc mắt nhìn Ngũ Hán Siêu đang đóng giả làm gã tiểu tốt, ra sức thét lớn:

- Người đâu! Dốc hết toàn lực tìm kiếm bằng mọi giá cho ta!

***

Đãi ngộ mà Thượng thư bộ Lại Mã Văn Thăng phải chịu cũng chẳng tốt hơn Lưu Đại Hạ là bao. Vừa về đến phủ, ông viết ra một danh sách rồi sai người đi mời các vị quan viên được liệt trong đó đến phủ thương nghị đối sách. Sau đó ông lại ngồi xuống viết cho Hàn Văn một bức thư, kể lại tường tận mọi chuyện vừa xảy ra trong kình, bảo ông ta tạm gác lại việc ở biên cương phía bắc, lập tức về kinh.

Vừa thêm dấu hỏa tốc lên bức mật thư, còn chưa kịp phái người đưa đi thì thánh chỉ của Hoàng thượng đã tới rồi. Thánh chỉ nói đặc sứ nước Nhật Bản đến triều bái, Hoàng thượng hạ chỉ cho Hồng Lô Tự dựa theo lễ chế triều cống của các nước phiên thuộc như An Nam, Cao Li, Trảo Oa mà tiếp đãi. Đồng thời Hoàng thượng đã quyết định giải trừ lệnh cấm biển, đem việc hợp tác diệt giặc Oa và phái sứ thần qua đó ra bàn bạc với sứ giả Nhật Bản, còn đưa ra một danh sách các quan viên nội ngoại đình yêu cầu Mã Văn Thăng thay đổi chức vụ, để bọn họ làm sứ giả.

Mã Văn Thăng vừa nghe nói sứ giả Nhật Bản đến triều bái Đại Minh thì đã biết là không hay, chuyện mình lo lắng rốt cuộc đã trở thành sự thực. Lại nhìn danh sách quan viên được liệt ra trên thánh chỉ, toàn là những người theo phái Tiêu Phương tán thành việc giải trừ lệnh cấm. Có một đám người như vậy, há lại chẳng xảy ra những chuyện mất quyền nhục nước?

Mã Văn Thăng kiên quyết cự tuyệt việc tuân theo thánh chỉ mà điều động quan viên, muốn đi tìm Hoàng thượng đòi lại công đạo. Thái giám truyền chỉ kia cứ dùng giọng eo éo ở bên cạnh giễu cợt, Mã Văn Thăng cố nén một bụng tức giận đi tới Báo Phòng, ai ngờ lại bị cấm cửa, Hoàng thượng hoàn toàn không chịu gặp ông ta.

Mã Văn Thăng nổi giận đùng đùng, quát bảo tiểu hoàng môn truyền tin ở cửa:

- Xin báo với Hoàng thượng: ”Thần là Thượng thư bộ Lại, khảo hạch điều động quan viên là chức trách của bộ Lại. Việc bổ nhiệm quan viên của Hoàng thượng có chỗ không đúng, thần là Thượng thư bộ Lại có quyền thỉnh cầu Hoàng thượng xem xét lại. Nếu Hoàng thượng cho rằng ý kiến của vi thần không đáng nhắc tới, vậy cái chức Thượng thư bộ Lại này của thần còn có tác dụng gì? Lão thần gần đây luôn cảm thấy người yếu nhiều bệnh, vẫn phải cố gắng lo liệu việc nước, nếu như thế này xin Hoàng thượng chuẩn cho thần cáo lão hồi hương!”

Tiểu hoàng môn thấy Mã đại nhân nổi giận, vội vàng chạy biến vào trong. Sau một hồi gã thong dong trở lại, cất giọng the thé:

- Hoàng thượng nói: “Mã đại nhân tuổi tác đã cao, sức yếu nhiều bệnh, trẫm nghe thế lấy làm thương xót lắm, điều khanh tấu trẫm ân chuẩn. Xin đại nhân hãy về phủ, đợi bộ Lễ bàn việc quà tặng, rồi sẽ có người của sở dịch thừa hộ tống hồi hương!”

Mã Văn Thăng trợn mắt há mồm, không ngờ tiểu Hoàng đế này lại dứt khoát như vậy, quyết định cũng tuyệt tình. Các lão thần trong triều đều đi cả, hắn sẽ dựa vào ai để giữ giang sơn đây?

Đợi khi ông ta tỉnh táo trở lại, tiểu hoàng môn sớm đã xoay người rời đi. Trước cửa Báo Phòng chỉ còn tám viên Hiệu úy mang đao đứng nghiêm thẳng tắp, nhưng trong những cặp mắt tựa như chẳng nhìn nghiêng kia rõ ràng là mang theo một chút đồng tình và thương hại, chẳng khác gì những chiếc kim nhọn đâm vào lòng Mã Văn Thăng.

Mã Văn Thăng chậm rãi thở ra một hơi khí đục trong ngực. Ông biết không lâu sau ông ta cũng sẽ giống như Lưu Kiện, Tạ Thiên, đứng trên đình đưa tiễn cáo từ các cố hữu trong kinh, rời khỏi triều đường mà ông ta đã từng hô mưa gọi gió…

***

Dương Lăng nằm dựa người vào ghế, đôi mắt nhắm hờ, hơi thở nhè nhẹ, tựa như đã chìm vào giấc ngủ.

Ngọc Tỷ Nhi thân hình thon thả, ngồi ở một góc của chiếc ghế dựa kia, tựa như nhành liễu cắm xéo trên đó, đôi bàn tay nõn nà đấm nhẹ trên đùi Dương Lăng. Nắng xuân ấm áp chiếu vào qua khe cửa sổ khép hờ, chiếu lên thân thể Dương Lăng. Ngọc Đường Xuân quay lưng về phía ánh sáng, lại càng hiển hiện ra một thân thể lung linh không tì vết, thực là quyến rũ khôn tả.

Gã phiên tử về báo tin đã bẩm báo xong, đang lẳng lặng chờ nghe chỉ thị của đại nhân. Một hồi lâu sau Dương Lăng mới khẽ khoát tay, bảo:

- Ta biết rồi, ngươi lui ra đi!

- Vâng!

Gã phiên tử cung kính đáp, lặng lẽ lùi ra, tiện tay đóng cửa phòng lại.

Ngọc Đường Xuân thu thủy long lanh, tròng mắt xoay chuyển, đưa hai ngón tay nõn nà nhón lấy một viên quả ngâm đựng trong chiếc đĩa sứ, lặng lẽ đưa tới bên miệng Dương Lăng.

Dương Lăng chợt cảm thấy đôi môi mát lạnh, một mùi hương thơm ngát truyền vào trong mũi. Mở mắt ra nhìn, y thấy Ngọc Đường Xuân đang nhìn mình yêu kiều cười nhẹ, khuôn mặt toát ra một vẻ hiền dịu xinh đẹp vô ngần. Bất giác y cười nói:

- Đừng nghịch ngợm, còn quấy rối nữa thì ta sẽ dùng gia pháp đấy! Tưởng lão gia của nàng chỉ làm bộ thế thôi sao? Ôi! Vì chuẩn bị cho cuộc triều hội hôm nay, ta đã cả một đêm không ngủ rồi đấy!

Ngọc Đường Xuân dịu dàng đáp:

- Thiếp biết. Có điều thiếp thấy lão gia không chỉ mệt mỏi mà dường như còn hơi không vui.

Nàng mặc một chiếc áo khoác ngoài màu xanh nhạt, bên rìa có viền trắng, phía dưới là chiếc váy lụa mỏng, trên cổ đeo mỗi chiếc vòng trân châu lóng lánh, ánh mắt đầy vẻ quan tâm.

Dương Lăng cười nhẹ, đưa tay kéo tấm thân mềm mại thon thả của Ngọc Đường Xuân ngả xuống người mình, đoạn nhắm mắt lại nói:

- Nào, mớm quả ngâm cho ta đi!

Vầng má ửng hồng, nhưng Ngọc Đường Xuân vẫn nghe lời nhón một viên quả ngâm lên, bờ môi mọng nước nhẹ nhàng ngậm lấy, khẽ đưa tới bên miệng Dương Lăng. Dương Lăng cắn lấy viên quả ngâm, rồi lại thuận thế hút lấy bờ môi mỏng manh mềm mại của nàng, sau một hồi ngọt ngào nóng bỏng mới chịu buông tha cho Ngọc Đường Xuân lúc này đã bắt đầu thở dốc.

Dương Lăng nuốt viên quả ngâm xuống, khẽ thở dài nói:

- Nàng cũng thực tinh tế, có thể nhìn thấu tâm sự của ta. Ôi! Quả thực ta đang có chút không vui. Lưu Đại Hạ, Mã Văn Thăng đều là những vị lão thần một lòng trung thành, chỉ là bọn họ rõ ràng là đang làm sai nhưng lại cứ nghĩ mình đang làm chuyện tốt cho dân cho nước. Ôi, dùng thủ đoạn như thế này, vừa khích vừa gạt bọn họ cáo lão hoàn hương, quả thực trong lòng ta có chút áy này.

Dương Lăng khẽ vuốt ve cặp đùi thon dài cân đối của Ngọc Đường Xuân. Người ngọc dịu dàng nép người vào lòng y, làn da dưới chiếc váy mỏng mát lạnh như ngọc, thực là mềm mại thơm tho khó tỏ bằng lời, dường như so với đậu phụ hạnh nhân còn mịn hơn, so với mỡ dê còn bóng láng hơn, một cảm giác khoan khoái truyền từ đầu ngón tay Dương Lăng tới tận đáy lòng.

Y nhắm mắt lại như đã ngủ, trong đầu nhớ tới cái đêm trước lúc Thành Khởi Vận trở lại Giang Nam, hai người đã có một cuộc đối thoại trong thư phòng:

- Bọn họ cho rằng cuộc “đại triều hội” bất ngờ chính là cuộc quyết chiến cuối cùng mà chúng ta phát động. Nhầm rồi, đấy chẳng qua là kế “cho địch vào tròng”, nguồn cơn dẫn đến chiến thắng chính là cái thành lũy cuối cùng mà bọn họ lấy làm chỗ dựa. Sau khi buổi triều hội kết thúc, sứ thần Nhật Bản đến triều bái, bọn họ mới coi như là thất bại hoàn toàn.

Nhưng dù như thế đại nhân cũng không được sơ suất, nhất định cần đề phòng họ ngóc đầu trở lại. Tốt nhất là nên đánh tan hoàn toàn lực lượng của bọn họ, do đó kế cuối cùng này chính là rút củi đáy nồi. Mặc cho những lão thần ấy đều là những cáo già, nhưng quyết cũng chỉ cho rằng chúng ta điều một bộ phận nhân vật đầu não của bọn họ rời kinh đã là rút củi đáy nồi rồi, đâu hay mục tiêu thật sự của chúng ta lại là những nhân vật đắc lực còn lưu lại trong kinh.

Thành Khởi Vận vén váy ngồi nghiêng trên ghế, thần sắc tự nhiên nói nói cười cười, tựa như một cô bé đang ngắt hoa bện mũ, vỗ tay vui cười, hoàn toàn đối nghịch với những lời nói lạnh lùng nhưng sắc bén kia. Ánh nến lấp lánh chiếu lên khuôn mặt xinh đẹp của nàng, làm toát ra một vẻ đẹp quyến rũ mà thần bí tột độ:

- Những quan viên này, có thể lôi kéo được thì lôi kéo, có thể đàn áp được thì đàn áp. Hai cách trên đều không được thì phải cho họ về quê thôi!

Thành Khởi Vật cười ngọt ngào nói tiếp:

- Trước giờ đại nhân thường mềm lòng, nhưng lần này thì quyết không thể mềm tay đâu đấy! Đợi đến khi những người bị điều khỏi kinh kia nóng lòng trở về thì đại sự đã thành, bè cánh cũng mất, bọn họ sẽ chẳng làm ra được trò gì nữa đâu.

“Không thể mềm tay…” Dương Lăng nghĩ tới đây liền thở dài một hơi, khẽ lẩm bẩm: “Hai vị lão gia Lưu, Mã này, một người bảy mươi tuổi, một người đã tám mươi. Ôi! Cũng nên về quê nghỉ ngơi rồi…”