Ngược Về Thời Minh

Chương 34: Mưa gió kéo tới



Hà tham tướng và hai vị giám quân sau khi cùng với người thủ bản địa là Giang bá tổng tuần sát ba thành thì đi đến doanh trại của Tất Xuân. Tất Xuân chỉ là quân dự bị, tạm thời do Hà tham tướng quản lý, cho nên không được thuần phục như bọn tướng lĩnh khác.

Đêm hôm qua, trong doanh trại của Tất Xuân lại náo loạn cả lên, nguyên nhân là do thiếu hụt lương thảo. Vốn dĩ Hà tham tướng chỉ quan tâm đến lương thảo cho quân chính quy của mình, nên chẳng thèm dòm ngó tới quân của Tất Xuân. Nếu không phải nhờ Dương dịch thừa hào hiệp xuất lương, có lẽ đến bây giờ quân của Tất Xuân sẽ vẫn còn ôm bụng đói, nên trong lòng y có vài phần ác cảm. Chính vì vậy khi gặp Hà tham tướng, y cũng tỏ thái độ lạnh nhạt.

Hà tham tướng cũng chẳng để bụng, sau khi xem xét việc phòng thủ trong doanh xong, đang lúc muốn đi sang doanh của Tôn Đại Trung thì thám mã trong quân doanh đã đuổi tới đại doanh của Tất Xuân. Lúc này y vừa mới rời khỏi lều của Tất Xuân, lại nhận được quân tình cấp báo nên bèn quay về quân doanh rồi thắp đèn, mở quân thư ra xem.

Quân thư được gởi tới từ Tổng binh phủ. Xem xong quân tình cấp báo, lập tức Hà tham tướng đem thư truyền xuống cho các chư tướng. Về phần mình thì đi tới đi lui trong lều, vẻ mặt không ngừng biến đổi, thần sắc cực kỳ ảo não.

Thì ra lần này tiểu vương tử Bá Nhan Mãnh Khả của Thát Đát tập trung binh mã các bộ lạc, tổng cộng có hai vạn người, chia nhau quấy phá mười mấy dịch trạm dọc biên giới nhằm cướp lương thực vật tư để bù lại những tổn thất do trời đông tuyết lớn, đồng thời để có thể qua được mùa đông này một cách yên ổn. Hy vọng những tài vật cướp được có thể giúp cho các bộ lạc của mình thuận lợi vượt qua mùa đông này. Do đó trong chiến lược lần này của bọn họ, không hề có ý định đánh lâu. Thật ra, từ sau khi Minh Thành Tổ năm lần đánh Thát Đát (1), Ngoã Lạt, cho đến tận bây giờ dị tộc ngoài biên ải vẫn chưa hồi phục được nguyên khí, vì vậy về căn bản trước mắt vẫn chưa đủ thực lực để công thành cướp trại.

Sau khi lửa hiệu truyền tới, mấy cánh quân Minh đồng loạt xuất phát. Do tuyết lớn lấp đường nên cánh quân ở Hoài Lai là đội đến sau cùng, ngoài ra còn có hai nhánh quân khác. Trong khi người Thát Đát vẫn chưa đánh hạ được Trác Lộc thì đại quân phía bắc của tham tướng Thạch Mã Doanh đã đuổi đến. Quân địch khoảng chừng năm ngàn người, vừa mới cướp bóc được vài thôn xóm dọc đường thì đã hốt hoảng bỏ chạy, nửa đường lại bị quân của du kích tướng quân Cát Uy chặn đánh, bị tổn thất nặng nề, đại quân còn lại không đến ba ngàn. Do vậy, có thể nói nhánh quân phía bắc vừa mới xuất quân đã chiến thắng giòn giã, lập được công đầu.

Tiểu vương tử Bá Nhan Mãnh Khả tự mình dẫn một vạn kỵ binh Thát Đát công đánh Xích huyện, đã liên tục chiếm được ba toà thành nhỏ. Tham tướng Úy Quảng và du kích tướng quân Dương Gia Long ở phía nam, cùng với tướng phòng thủ Xích huyện là Vương Thừa Hiến. Ba nhánh đại quân hợp lại số lượng cũng vừa đông tới một vạn, vì vậy đôi bên giao chiến không phân thắng bại, rơi vào thế giằng co.

Nhưng mà rạng sáng hôm nay, đại quân của tiểu vương tử bỗng nhiên chia thành hai nhánh rút lui, tham tướng Uý Quảng dẫn quân liên tục đuổi theo. Trong đó một nhánh quân chuồn lên phía bắc, nhánh còn lại thì chẳng biết đã trốn đi đâu. Thư từ tổng binh yêu cầu Hà tham tướng phối hợp với đại quân hai cánh tả hữu, chiếm lại các dịch trạm đã thất thủ, đồng thời tìm cơ hội gây tổn thất cho kẻ địch.

Mặc dù tham tướng Vĩnh Ninh đã thành công bảo vệ được Kê Minh, nhưng chiến tích đó so với hai vị tướng lĩnh đồng liêu thì vẫn còn kém xa. Hơn nữa qua tình huống được miêu tả trong thư, nắm rõ được ý đồ tác chiến của quân địch, y mới hay hôm qua quân Thát không hề có viện binh, đồng thời cũng chẳng ham chiến, vậy mà khi đó y lại không thể chớp lấy thời cơ để lập đại công, bây giờ nghĩ lại không khỏi có chút cảm giác phiền muộn.

Xem xong quân thư, sắc mặt của Diệp ngự sử cũng cực kỳ khó coi. Y sợ bị vặn hỏi, bèn giành mở miệng nói trước:

- Quân ta mới đến, không rõ tình hình của quân địch thì dùng binh cẩn thận một chút cũng không có gì là không thỏa đáng. Bây giờ chúng ta đã biết quân địch không có ý đánh lâu, vậy thì ngày mai chúng ta nên truy tìm tung tích quân địch, chủ động xuất chiến!

Lưu công công cũng gật đầu đồng ý, nói:

- Hôm nay tuy quân ta không có truy kích, nhưng quân Thát cũng không biết nội tình của quân ta, chưa chắc đã chạy xa. Ngày mai nếu chúng ta tấn công bất ngờ, thì việc lập đại công sẽ dễ như trở bàn tay.

Tất Xuân suy nghĩ một chút rồi nói:

- Tham tướng đại nhân, hai vị giám quân đại nhân, ty chức cho rằng quân Thát thành thạo dã chiến hơn chúng ta. Thêm vào đó hai nhánh quân Trác Lộc và Xích huyện đã có hai vị du kích tướng quân hợp tác, ngoài ra số lượng quân ta lại không chiếm ưu thế so với quân địch, mặt khác phía trước lại có nhiều đường núi, rất bất lợi cho đại quân truy kích, vì vậy ty chức nghĩ rằng...

Diệp ngự sử ngắt lời y:

- Bây giờ đã rõ tình hình quân địch, cũng chính là lúc thừa thắng truy kích, khiến cho Thát Tử không dám khinh thường uy thế của quân Minh ta. Tất tướng quân nói như vậy, có phải là nhát gan sợ chiến hay không?

Cặp mắt tam giác của Tất Xuân trợn lên, hiển nhiên cơn giận đã lên tới cực điểm. Y hít vào một hơi, mặt tím lại không nói lời nào, nhưng trong lòng thì lại chửi ầm: “Lúc ông đây muốn thừa thắng truy kích, mày nói ông tham công liều lĩnh, bây giờ ông không muốn đuổi nữa thì mày lại nói ông nhát gan sợ chiến, đúng là bọn văn nhân chó má đáng bị chém đầu!”

Lúc này Giang Bân nhớ tới trong thư có nói đến trong hai cánh quân trốn chạy ở Xích huyện, có một cánh quân khoảng năm ngàn người, không biết đã chạy về hướng nào, không khỏi thầm suy nghĩ. Nhưng lập tức y nghĩ đến chuyện quân Thát nếu có chạy hẳn cũng chạy về biên giới phía bắc, chẳng có lý do nào mà chạy về hướng đông, đến Hoài Lai tìm chết, cho nên lời vừa đến miệng thì lại nuốt trở vào.

Hà tham tướng liếc nhìn Tất Xuân, rồi mỉm cười nói:

- Tất đô ty từ phương nam đến, không rõ địa lý, không biết tình hình quân địch nên cũng không thể trách được. Đường núi quả thật khó đi, nhưng chính vì khó đi nên kỵ binh Thát Đát mới không thể phát huy hết sở trường được. Thuộc hạ của ta đều là người bản địa, nắm rõ địa thế nơi này, ngày mai đại quân khởi hành cứ cho nhân mã chính của ta làm tiên phong là được.

Tất Xuân cười nhạt không nói: “Đây rõ ràng là biết quân Thát rút lui, muốn quân chính quy của mình tranh chiếm quân công mà.”

Hà tham tướng cũng chẳng để ý tới thần sắc của y, lập tức hăm hở truyền tin triệu tập ngay chủ tướng các lộ đến quân doanh của Tất Xuân, bắt đầu nghiên cứu bàn bạc chuyện xuất binh ngày mai.

Dương Lăng trở về sở Dịch, tạm thời ở tại phòng làm việc thường ngày của Mã dịch thừa. Căn phòng không lớn, sảnh ngoài rất nhỏ, nhưng phía trên đầu bàn cũng có treo một tấm biển. Phía sau là một gian nhỏ dùng để nghỉ tạm, chiếc giường chiếm đến hai phần ba không gian, bên cạnh giường là một dãy tủ bằng gỗ lê nặng trịch.

Từ khi đến thế giới này, đây cũng là lần đầu tiên Dương Lăng ngủ một mình. Đêm nay khi bên cạnh không có Hàn Ấu Nương nằm chống cằm ở đầu giường cùng y rủ rỉ mấy mẩu chuyện phiếm, trong lòng y tự nhiên cảm thấy trống vắng không ngủ được. Dương Lăng cười khổ, cô bé này không ngờ lại có sức hấp dẫn đến như vậy, vô tình đã chi phối tình cảm của mình, khiến cho mình như một thằng bé mới biết yêu phải lo nghĩ thiệt hơn.

Vừa nhớ đến Ấu Nương, y cảm thấy toàn thân ấm áp và dễ chịu, trong lòng như thể được rót mật. Từ sau lần hôn trước, tiểu cô nương đó dường như cũng đã nếm được mật ngọt, mặc dù không dám chủ động hôn y, nhưng mỗi khi lên giường cũng không vội vã chui tọt vào trong chăn, trùm kín người chỉ thò ra mỗi mái tóc như trước nữa, mà lúc nào cũng nằm sấp ở đầu giường, chớp đôi mắt to đen láy tròn xoe như quả nho nhìn y cười.

Nha đầu đó không biết là cô nàng chỉ để lộ vỏn vẹn mỗi bờ vai trong chiếc áo ngủ bằng vải thô thôi, vậy mà vẻ yêu kiều thuần khiết non nớt tựa như một đoá hoa bé nhỏ thẹn thùng đó đã ẩn chứa sức hấp dẫn vô hạn rồi. Ông trời hãy rủ lòng thương, Dương Lăng đã cảm thấy mình có thể sẽ biến thành người sói đêm trăng tròn bất cứ lúc nào rồi đây nè.

Dương Lăng càng lúc càng mất tự tin về khả năng khống chế của mình, y không biết mình còn đang khăng khăng giữ vững cái gì. Hình bóng xinh đẹp của Ấu Nương đã chiếm hết cả con tim y. Nói một cách ích kỷ, tình cảm của y dành cho Ấu Nương từ sự yêu mến thương xót lúc ban đầu cho đến yêu thương sâu đậm như hôm nay, ý niệm vĩ đại sắm vai người dẫn dắt hạnh phúc cho nàng, trao nàng vào vòng tay kẻ khác sớm đã bị y vứt đi rồi.

Nhưng đối với việc chiếm hữu nàng, để cho Ấu Nương hoàn toàn trở thành người của mình, y lại càng lúc càng lo sợ hơn. Chính vì do dự lúc ban đầu, y cảm thấy mình đã lãng phí quá nhiều thời gian, không biết là mình còn sống được bao lâu. Giống như là một con bạc, đánh đến khi trong tay chỉ còn lại một ít vốn cuối cùng, thì trở nên lo sợ, loại cảm giác lo lắng được mất mãnh liệt này khiến y không dám dễ dàng đặt xuống số tiền cược cuối cùng.

Lắc lắc cái đầu, lắc cho tan cái cảm giác vừa chua xót vừa ngọt ngào ấy, y thuận tay mở một cái tủ ra. Sau khi Mã dịch thừa chết, xâu chìa khoá của lão cũng được chuyển giao cho Dương Lăng. Hồi chiều đến chỗ này làm việc, Dương Lăng còn làm một chuyện khiến người ta cười. Một dãy bốn cái tủ bên giường được khoá bằng bốn cái khoá đồng lạ lùng khác nhau. Mẫu khoá chia ra làm các loại chó, ngựa, tôm, cá. Dương Lăng phí biết bao sức lực mới mở ra được ổ khoá chó đồng và ngựa đồng, còn cái ổ khóa tôm đồng thì vặn đến cong cả chìa cũng không mở ra được, đành phải xấu hổ gọi một tên tiểu lại vào giúp. Té ra ổ khoá hình con tôm đó không phải là vặn để mở, mà là móc ra ngoài.

Sau cùng là cái ổ khoá con cá, theo lời tên tiểu lại đó, bởi vì cá ban đêm không nhắm mắt, cho dù khi ngủ mắt vẫn mở thao láo, thành thử dùng ổ khoá con cá, ngụ ý là lúc nào cũng phải trông chừng; vì thế đây nhất định là chiếc tủ mà đại nhân cất những văn kiện quan trọng nhất. Chính vì vậy, cái ổ khoá này cũng rất là đặc biệt, chìa khoá tra vào khe xong, vặn một cái rồi còn phải đẩy vào trong thêm một cái nữa thì mới mở được.

Lúc ấy Dương Lăng vội chạy đi kiếm con dấu về, đóng dấu lên mấy công văn khẩn rồi quay về linh đường. Tủ vẫn không khoá, nên y bèn thuận tay kéo cửa, mở luôn chiếc tủ có ổ khoá con cá bằng đồng kia, thì thấy thư tín bên trong đều đã mở niêm phong, bên cạnh tất cả dấu xi niêm phong đều có một con cá hình thù quái dị.

Dương Lăng kéo chiếc bàn nhỏ gần lại, vặn sáng bấc đèn của chiếc đèn dầu lên rồi vội vã soi đèn xem sơ qua một lượt. Chỉ lật vài phong thư, y đã ý thức được đây hẳn là những tin tức tình báo của hệ thống Cẩm Y Vệ.

Những tin tức tình báo này không chỉ dừng lại ở mấy chuyện đời tư thầm kín của đám quan lại, mà còn có cả phong tục dân tình, thậm chí là cả ruộng đất thu hoạch, thời tiết hạn lụt, có thể nói là đủ thứ trên đời, không cái gì là không có.

Dương Lăng không ngờ được mạng lưới tình báo của Cẩm y vệ lại rộng lớn như vậy. Không những thế mà định hướng của việc thu thập tình báo cũng không chỉ bó hẹp ở sự trung thành và chính trực của quan lại. Nếu lợi dụng tốt được mạng lưới tình báo khổng lồ như thế này, chắc hẳn người cầm quyền triều đình nhà Minh sẽ có thể trực tiếp nắm vững mọi tình huống ở mọi mặt một cách tỉ mỉ và chân thật nhất. Điều đó hẳn là có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với việc cai trị quốc gia. Tiếc là, hình như chưa bao giờ nghe nói có Cẩm y vệ nào của triều Minh làm được chuyện gì tốt cả.

Sau một thời gian tiếp tục lục lọi, Dương Lăng lấy ra một phong thư từ nửa tháng trước, khi đọc thì không khỏi sững người. Trong này nói rõ, mùa đông năm nay bên ngoài biên ải tuyết lớn liên miên, vô số trâu dê của rất nhiều bộ lạc bị chết vì lạnh, một số bộ lạc nhỏ đã hết cách sinh tồn, do vậy các bộ lạc đã nhiều lần liên lạc với nhau, có thể sẽ gây bất lợi cho nhà Minh.

Dương Lăng nghĩ đến phong thư mà không ngớt cười khổ: “Tiếc cho những mật thám phải nhận lệnh liều mạng bôn ba ẩn náu khắp nơi trên đất khách quê người. Các loại tin tình báo ở mọi nơi trên toàn quốc đều đã tập trung nơi kinh thành cả rồi, nhưng cấp cao của Cẩm y vệ sẽ chỉ chú ý tới những thứ mà bọn họ cảm thấy hứng thú, phần lớn các tin tình báo còn lại sẽ bị bỏ lên giá cao không ai quan tâm. Nếu có quan viên đắc lực chú ý đến phần tình báo này từ trước thì có phải người dân ở vùng biên giới đỡ gặp tai họa hơn rồi không?”

Cảm khái một hồi lâu, Dương Lăng chợt bật cười khanh khách:

- Mình chẳng qua chỉ là một tên dịch thừa nhỏ nhoi, lại ở đây thở ngắn than dài lo cho nước cho dân, như thế có thể có ảnh hưởng gì đến cái đế quốc khổng lồ này cơ chứ? Thay vì theo đuổi những thứ xa vời, không bằng mình cứ tập trung làm những việc thiết thực đã (hảo cao vụ viễn, bất như cước đạp thật địa) (2), chăm sóc cho người mình yêu thật tốt, cố làm tròn bổn phận của mình là được rồi. Vòng quay của lịch sử, bản thân mình có thể đẩy cho chuyển động sao?

Sáng sớm hôm sau, tuyết lớn lại rơi. Dương Lăng khép sát hai tay áo lại, đứng ở ngoài hành lang thưởng thức tuyết bay đầy trời. Tuyết thời đó trắng hơn những đời sau này, bông tuyết cũng rất to, tung bay ngay trước mắt, trong suốt long lanh. Dương Lăng đưa một tay ra đón lấy vài bông tuyết rơi xuống, bông tuyết vừa chạm vào tay liền tan ra, nhanh đến mức không kịp nhìn thấy vẻ mỹ lệ của nó.

Dương Lăng thở dài tiếc nuối, vừa mới phẩy nước tuyết đọng trên lòng bàn tay thì một giọng nói yêu kiều trong trẻo vang lên từ cuối hành lang:

- Tướng công!

Chú thích:

(1) Minh Thành Tổ hay Minh Thái Tông (1360 - 1424), tên thật là Chu Lệ (hay Chu Đệ), thụy hiệu là Văn Đế. Năm lần đánh Thát Đát gồm:

- Một lần trước 1410, ông sai một viên tướng đi đánh nhưng thất bại, phải rút về. Năm 1410 ông đem mười vạn quân với ba vạn cỗ xe chở lương thực, quân nhu, và một số tặng vật để lấy lòng người Oyrat (Ngoã Lạt), yêu cầu họ trung lập. Quân Mông đại bại trong cuộc chiến này. Minh Thành Tổ còn thân chinh ba lần nữa, một lần năm 1422 - ông dẫn một đoàn quân hai mươi ba vạn năm nghìn người, mười một vạn bảy nghìn cỗ xe, mỗi cỗ hai con lừa. Quân Mông Cổ trốn thoát về phía Tây, quân Minh cướp bóc được rất nhiều rồi trở về. Hai cuộc chiến sau, năm 1423 và 1424, kết quả cũng như vậy, và trong cuộc chiến cuối ông đột ngột qua đời. (Trích wiki)

(2) Xuất xứ của từ “cước đạp thật địa”: Thời kỳ Tống Anh Tông, Tư Mã Quang phụ trách chủ biên “Tư Trì Thông Giám”. Ông nghiên cứu rất nhiều thư tịch lịch sử, thu thập tài liệu khắp nơi, dựa theo trình tự niên đại trước sau tập trung biên soạn, cuối cùng hoàn thành 294 quyển “Tư Trì Thông Giám”. Về sau vì phản đối Vương An Thạch cải cách hiến pháp ông nên chuyển đến Lạc Dương định cư. Thiệu Ung của Lạc Dương đánh giá ông là một người “cước đạp thật địa” (làm những việc thiết thực đến nơi đến chốn).